Chị ruột của Tô Hải lấy anh họ tôi cũng tên Hải. Chị có giọng hát hay. Tôi nghe chị Hải hát bài Nụ Cười Sơn Cước lần đầu tiên vào năm 1954 lúc tôi mới hồi cư về thành phố Thái Bình.
Tô Hải Hèn Hay Không Hèn?
Tô Đình Hải (24/9/1927 Hà Nội) là một chứng nhân đáng tin cậy của một giai đoạn lịch sử cuộc chiến VN kéo dài từ 1945 đến nay (2014).
Những chứng liệu lịch sử được ghi lại trong cuốn Hồi Ký của Một Thằng Hèn (Tiếng Quê Hương, 2009, VA – Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.) viết xong từ năm 2000, nhưng mãi tới 9 năm sau mới xuất bản vởi vì – theo ông Hải kể - vì “hèn”.
Ông xuất thân trong một gia đình trưởng giả, tại Hà Nội, đậu Tú Tài I Pháp. Cha ông làm Bưu Điện Hà Nội, sau đổi về thị xã Thái Bình và không ưa đảng cộng sản. Tô Hải học Nhạc với các Sœurs ở Hà Nội và có năng khiếu về âm nhạc. Phải nói ngay rằng Tô Hải đã thừa hưởng dòng máu văn nghệ (ca nhạc) từ nơi ông bố. Trong phòng khách, bố ông có sưu tầm đủ loại đàn: tranh, nguyệt, tứ, sáo, tiêu, nhị, hồ. Bố ông cũng thích cả máy hát dĩa của Tây (Pháp). Những bài ca tân thời như bài “J’ai deux amours” đã làm cho tâm hồn Tô Hải mê mẩn. Và ông đã thuộc lòng nhiều bài ca ngay cả khi chưa biết chữ.
Năm 1945, khi Việt Minh (VM) cướp chính quyền, ông gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Rồi sơ tán theo VM vào chiến khu, được gia nhập Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, nhưng ra trường lại bị phân công làm lính viết kịch và nhạc vì ông đã thành lập một nhóm văn nghệ và sáng tác nhiều bài hát rất được ưa chuộng.
Bản nhạc nổi tiếng hồi đó (1947) là bài “Nụ Cười Sơn Cước” trong đó ông đã ghi lại những tình cảm yêu đương trong sáng nhất của tuổỉ 20 mươi.
Lời bài hát Nụ Cười Sơn Cước
Valse 3/4
Tôi nhớ mãi một chiều xuân.. chia phôi
mây mờ buông xuống núi đồi
và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời.
Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi
và dâng sầu lên mi mắt người về
Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót
và mưa Xuân đang tưới luống u sầu
buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên
và gió chiều còn khóc thương mãi
mối tình còn vấn vương
Ai về sau dãy núi Kim - Bôi
nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ
hình dung một chiếc thắt lưng xanh
một chiếc khăn màu trắng trăng
một chiếc vòng sáng lóng lánh
với nụ cười nàng quá xinh
Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng
dệt mấy cung yêu thương
gởi lòng trong trắng
của mấy bông hoa rừng
đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi
Ông rất phấn khởi được cử đi học trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn năm 1948 mặc dầu bố ông đã thét lên nói: “Đi theo cộng sản hả? Đói đừng có vác xác về, tao tống cổ ra đường đó.” Nhưng lúc đó thì ông lại cực lực cho rằng bố ông là người cổ hủ. Còn Việt Minh là những người yêu nước, chống sự thống trị của thực dân Pháp.
Nhưng chỉ mấy năm sau vào chiến khu, Tô Hải đã nhận ra ngay bộ mặt thật của VM là thẳng tay thủ tiêu những phần tử có tư tưởng chống đối hay nguy hiểm đối với VM; nói một đàng, làm một nẻo, như hô hào đoàn kết nhưng lại ngấm ngầm ám hại. Ông đã không đủ can đảm trở về với gia đình chỉ vì tự aí với những lời bố mắng.
Năm 1949, khi ra trường Võ Bị, Tô Hải được kết nạp đảng với thành tích là đã sáng tác cả trăm bài phục vụ các phong trào của dân và quân. Trường này ngay sau đó được xóa tên Trần Quốc Tuấn mà đổi thành Trường Sĩ Quân Lục Quân do các cố vấn Tàu chỉ đạo từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài. Mọi thứ đều do Tàu dạy dỗ, chỉ bảo, không có gì sáng tạo hết. Rất nhiều thanh niên như ông cảm thấy thất vọng vì không muốn lệ thuộc Tàu. Nhiều người đã bỏ về nhà hay trở về thành phố (“dinh tê”). Tô Hải không thể làm được điều đó vì tự ái nên tính nước lấy vợ để yên thân.
Thời làm văn nghệ kiểu tư sản đã sớm phải chấm dứt. Các quan Tàu lớp mới qua thay lớp cũ đã phát động phong trào văn nghệ cho quần chúng. Hầu hết các văn nghệ sĩ tên tuổi như Khái Hưng, Đặng Thế Phong, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Chuẩn, Lê Hựu Hà, … bị lên án là mất lập trường giai cấp. Tố Hải cảm thấy hụt hẫng và xin trở về với quân đội.
Trong những ngày sắp sửa từ giã vị chỉ huy để lên đường tới Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn thì trong tâm hồn Tô Hải bỗng nảy sinh một mối tình cảm yêu đương với cô Phẩm, con của chủ nhà cho ở nhờ. Ông ghi lại:
Những ngày sắp sửa lên đường tôi mới thấy mình đang có sự “mất mát” đầu tiên lớn lao và sâu sắc nhất trong cuộc đời: Tình Yêu.
Ngày tôi lên đường đi tập trung, Phẩm không đi làm nương. Nàng cứ loanh quanh bên tôi như muốn chờ tôi nói một lời hứa hẹn, một lời tỏ tình gì đó. Ông Hùng Hét (chỉ huy của TH), thông cảm với tôi, đã bỏ đi chơi sau khi nhắc lại: “Mày chớ có dại mà hứa hẹn gì! Không được đâu! Mà có hứa hẹn gì mà không giữ lời với họ là có khi tiêu đời đấy con ạ.”
Nghe lời ông, tôi miễn cưỡng im lặng về mối tình tôi ấp ủ bấy lâu với Phẩm, mắt người con gái có đôi mắt mà cho đến khi tôi từ giã cuộc đời có lẽ sẽ vẫn còn in hằn trong tâm khảm. Nó sáng, nó đen, nó long lanh, nó nói hơn cả những điều cần phải nói bằng lời.
Lúc chào mọi người lên đường, tôi cố tìm đôi mắt ấy lần cuối nhưng không thấy. Cô vô tình đến thế sao? Hay cô đang nằm khóc vùi trên nhà sàn? Tôi bận rộn tìm lại đôi mắt đen huyền của Phẩm đến mức không còn thấy lời chúc mừng của các anh em cơ quan, của đồng bào trong bản mà tôi được yêu qúy như một “cây văn nghệ” đàn ngọt, hát hay, tối tối làm vui cho mọi người. Lòng buồn vì cuộc “chia tay không hoàn chỉnh”, tôi bước đi về hướng Chồng Mâm, Chợ Trời.
Sắp vén quần để chuẩn bị lội qua con suối đầu tiên của chín con suối độc thì nghe tiếng gọi “Anh Hải!” Thì ra Phẩm đã đón đường tôi ở chân dốc này. Cô nói: “Bọ Hùng bảo em ra đón anh ở đây!” Cuộc “gặp gỡ có sắp xếp” này té ra chính là sáng kiến của ông Hùng Hét”.
Cuộc gặp gỡ cứ như là đã thổ lộ tình yêu, đã hẹn hò, thề ước gì rồi. Phẩm trao cho tôi một gói xôi gạo cẩm, một chiếc vòng bạc, và nói trong tiếng nức nở: “Anh Hải đi học thành tài, đánh Tây xong, nhớ về Thung Gio… lâu mấy em cũng đợi!”
Hai mươi mốt tuổi, lần đầu tiên tôi được hưởng cái niềm vui hiếm có: được một người con gái đẹp yêu mình! Mà chẳng hề có nhiều gay go, phức tạp, mê ly, thắt nút, cởi nút, kết thúc gì lôi thôi, rườm rà như trong tiểu thuyết. Tình yêu đến không một lời nói, không một bức thư tỏ tình. Nó đến như không khí, như ánh sáng tràn vào căn phòng trống trải. Đối với tôi, tình yêu lúc đó quá lý tưởng, quá trong sang, quá đẹp đẽ. Tôi nương nhẹ nó như một cánh hoa nhỏ, xinh đầy hương sắc. Tôi e sợ một sự đụng mạnh sẽ làm nó rụng mất, dù chỉ là một cánh hoa nhỏ, để rồi phải ép nó trong những trang nhật ký cuộc đời. Vâng! Tình yêu đối với tôi lúc đó và mãi mãi sau này là một điều thiêng liêng, thậm chí thánh thiện. … (Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, tr.122)
Hải Bằng.HDB