Trong số những nhạc sĩ tôi quen biết, một điều có thể khẳng định ngay rằng Nhật Bằng là một nhạc sĩ tài hoa nhưng không hề “bay bướm”. Anh có dáng người nhỏ nhắn, đẹp trai kiểu thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ và luôn tỏ ra hoà nhã trong mọi cách giao thiệp. Thấy anh, người ta cứ nghĩ là một sinh viên hơn là một nghệ sĩ. Cuộc sống của anh cũng lại gắn bó với gia đình, xa lánh những chỗ ăn chơi chỉ trừ một thứ duy nhất anh thích là mạt chược, nhưng là thứ mạt chược “còm”, phải nói là “rất còm” mới đúng. Đó là thú vui của gia đình anh. Nếu cả nhà anh hợp lại đã thành một bàn mạt chược, đôi khi có thể thừa chân và gồm toàn những “danh thủ” chứ không phải loại lơ mơ. Cái thú vui ấy hoàn toàn là một thú vui gia đình.
Những cái tên lớn trong căn nhà nhỏ
Tôi biết anh từ khi về làm ở Sài Gòn năm 1957, khi anh phục vụ ở Đài Phát Thanh Quân Đội (ĐPTQĐ), hồi đó ĐPTQĐ còn là một căn nhà nhỏ nằm ở mặt tiền đường Hồng Thập Tự, ra vô tự do, không một người lính gác. Ông Vũ Quang Ninh còn làm trưởng đài và ông Vũ Đức Vinh tức nhà văn Huy Quang làm phó kiêm trưởng ban biên tập. Ban nhạc thì gồm toàn những nhạc sĩ ca sĩ thượng thặng từ “Đệ tam quân khu” ngoài Hà Nội chuyển vào Nam. Các Canh Thân, Đan Thọ, Anh Ngọc, Ngọc Bích, Văn Phụng, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Vũ Huyến đều có mặt trong căn nhà nhỏ bé này. Thật ra thì đó là những nghệ sĩ được đồng hóa vào quân đội theo khả năng và như thế dĩ nhiên không phải “động viên” vào lính ra chiến đấu ngoài chiến trường.
Các anh ấy đều hơn tôi vài ba tuổi. Tôi làm ở phòng báo chí quân đội nên việc liên hệ với đài phát thanh là chuyện hàng ngày. Bởi ĐPTQĐ hồi đó chưa có phóng viên, nhất là phóng viên chiến trường nên phóng viên báo chí có bài tường thuật nào cũng cung cấp cho Đài Quân Đội. Chính tôi hồi đó, thỉnh thoảng cũng đi làm phóng sự và đọc trực tiếp cho đài quân đội thu thanh.
Dù khác nhau về công việc và cấp bậc cũng như tuổi đời, nhưng chúng tôi coi nhau như anh em bạn bè và riêng tôi vẫn giữ một sự kính trọng đặc biệt với những ông bạn này. Nhật Bằng và tôi hồi đó đều chưa lập gia đình, nhưng chưa có một lần đi chơi chung. Tôi quen anh chừng hơn một năm sau anh mới lập gia đình với chị Tường Vi, lúc đó cũng là một nhân viên khả ái của đài PTQĐ. Cả hai anh chị có một cuộc sống đầm ấm, khép kín trong một gia đình nền nếp của những công chức cấp cao thời trước khi còn những ông Đốc Phủ Sứ, những ông Tham ông Phán.

Nhật Bằng
Người nghệ sĩ không làm công việc chuyên môn của mình
Cho đến năm 1969, khi tôi về làm việc tại ĐPTQĐ, lúc đó chúng tôi mới có dịp gần nhau hơn. Khi ấy những anh Canh Thân, Văn Phụng, Anh Ngọc đều đã giải ngũ trở về với cuộc sống dân sự, nhưng anh Nhật Bằng vẫn ở lại. Có một điều lạ là anh Nhật Bằng tuy là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ và chơi được nhiều nhạc cụ rất điêu luyện nhưng anh lại không làm ở ban nhạc của đài mà lại làm ở ban thông tin.
Anh là biên tập viên thường trực, chuyên cung cấp tin tức thời sự và tin chiến trường hàng ngày cho đài. Các bản tin thường lấy ở VN Thông tấn xã và của các cơ quan quân sự từ các sư đoàn và Tổng tham mưu gửi đến. Tôi thấy điều này có vẻ như “phí phạm nhân tài” nên có lần tôi gặp anh và đề nghị chuyển anh trở lại ban nhạc cho đúng chỗ. Nhưng anh từ chối, với một vẻ rất hiền lành, anh cho biết là có những phức tạp ở ban nhạc mà anh không muốn liên quan. Tôi nghĩ có lẽ ở trong một ban nhạc gồm nhiều nhân tài quá, rất có thể có những va chạm mà tôi chưa biết hết. Giả dụ như sự phân công, người làm trưởng ban chỉ huy dàn nhạc, người phụ trách hoà âm, người chỉ có nhiệm vụ đệm đàn cho ca sĩ hát nếu so về khả năng chuyên môn, có thể người này hơn người kia, nhưng cấp bậc trong quân đội và những điều tế nhị lại là vấn đề khác hẳn. Điều này sau một thời gian tôi mới thấy rõ, tuy nó không trầm trọng nhưng cũng là một “ẩn khúc” mà anh Nhật Bằng muốn tránh. Biết tính của Nhật Bằng nên chúng tôi không đề cập đến vấn đề này nữa.
Suốt những năm tháng làm việc bên nhau, Nhật Bằng lặng lẽ lo công việc “không chuyên môn” của mình. Anh làm hết nhiệm vụ, tròn trịa như một công chức gương mẫu, không chú ý tới bất cứ chuyện gì khác. Sau một ngày làm việc cho Đài, anh có cuộc sống riêng với những ban nhạc, những tổ chức văn nghệ, những sân khấu ca nhạc, phòng trà mà anh cộng tác. Anh không hút thuốc, không uống rượu, khi lái chiếc xe hơi cũ, khi đi xe gắn máy đến nơi làm việc. Trong bộ đồ “nhà binh” rất gọn gàng, tươm tất, Nhật Bằng vẫn cứ là một thư sinh ngồi ngay ở bàn điện thoại của ban thông tin thời sự, ngay căn phòng trực của đài.
Những đêm trăm phần trăm
Vào những ngày tháng “dầu sôi lửa bỏng” như biến cố Mậu Thân, những lần đảo chính thật đảo chính hụt, Nhật Bằng cũng chung lo công việc như tất cả những anh em khác. Anh làm hết sức cho công việc.
Vào thời kỳ chiến tranh leo thang, những năm sau này, cấm trại 100%, tối nào chúng tôi cũng có dịp gặp nhau trong đài. Những hôm yên tĩnh thì bày bàn mạt chược trong một phòng nào đó cho anh em chơi chung. Như thế vừa đông đủ, vừa vui vẻ, không anh nào “nhớ vợ”, không anh nào “chuồn” trong đêm cấm trại. Một tháng 30 ngày mà ngày nào cũng cấm trại 100% thì cũng hơi mệt nên phải có trò gì cho vui. Nhất là những anh em có công việc làm thêm ở các phòng trà, dancing thì đời sống có nhiều trở ngại. Lương quân đội, hầu hết là cấp bậc nhỏ thì làm sao nuôi nổi gia đình giữa thành phố. Cho nên thông cảm với những khó khăn đó tôi hết sức vận động cho các nhạc sĩ và ca sĩ được phép đi làm đến giờ giới nghiêm mới trình diện ở Đài. Rất may đề nghị này được ông Cao Tiêu, có thời gian làm Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng ủng hộ nên được chấp thuận. Thế là danh chính ngôn thuận, cứ hàng đêm những anh em ca nhạc sĩ có giấy phép được “hành nghề” ở ngoài trong một giới hạn thời gian cho phép. Lúc sau này thường là từ 8 giờ đến 12 giờ đêm. Cuộc sống như thế cũng vất vả lắm, hết lo việc của đài đến lo công việc của gia đình, anh nào cũng phờ râu. Nhưng tất nhiên so với những anh em ở ngoài chiến trường thì chưa thấm vào đâu. Quan niệm như thế nên mọi người đều làm hết sức mình.
Đôi khi tôi được Nhật Bằng giúp đỡ về phạm vi chuyên môn, bởi anh là một người có khá nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực ca nhạc và phát thanh. Thí dụ một bản nhạc có tính “chiến dịch” phải làm sao cho hay hơn, phải làm sao cho sôi động và dễ dàng phổ biến trong “quần chúng”. Anh vui vẻ giúp ý kiến nhưng không bao giờ trực tiếp nhúng tay vào. Anh luôn là con người mẫu mực, không bon chen, không màng tới bất cứ thứ quyền lợi nào bên mình.
Tấm lòng của gia đình người bạn
Buổi sáng ngày 30-4-1975 khi những chiếc xe tăng bò qua cầu Thị Nghè, ầm ầm chạy qua cổng Đài PTQĐ, đó là lúc tôi rời khỏi Đài, có lẽ anh Nhật Bằng cũng rời khỏi Đài vào thời gian đó. Bởi khi Trung tâm phát tuyến Quán Tre đã bị chiếm rồi, làn sóng điện của chúng tôi không lên ăng ten được, có nghĩa là Đài không thể phát thanh được nữa, tôi còn thấy anh Nhật Bằng và một số anh em cùng đứng ngẩn ngơ ngoài sân. Dù sao anh và tôi cũng là những người làm việc cho đến phút chót và rời Đài sau cùng.
Vài hôm sau, Nhật Bằng đến nhà tôi chỉ với mục đích là “xem tình hình ra sao”. Giữa cái không khí chộn rộn đó chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra và chưa biết ai đi ai ở, ai còn ai mất, ai lo tính cái gì cho những ngày sắp tới. Cũng như Mai Thảo và Phạm Đình Chương xuống nhà tôi, không để làm gì cả, chỉ để nhìn thấy nhau và rồi có hôm lại đâm lì, ngồi ăn uống với nhau, lần nào cũng cứ như lần chót. Vài hôm sau đó thì có nhiều anh em đến với tôi tìm đường “vượt biên”. Mai Thảo và Hoài Bắc còn nhắc đến chuyện đó nhưng với Nhật Bằng thì không, tôi hiểu anh là con người gắn bó với gia đình nên anh không thể tính đường ra đi một mình, nếu có thì anh phải đi cùng vợ con anh mà chuyện này thì quá khó khăn.
Sau đó thì chúng tôi không gặp nhau nữa, mỗi người ở một trại “cải tạo” khác nhau. Anh về trước tôi sáu năm. Khi tôi về vào năm 1987, nghe tin gia đình anh vẫn ở chỗ cũ. Tôi chưa kịp đến thì anh lần mò đến căn nhà tối tăm ở giữa khu chợ Bàn Cờ thăm tôi trước. Anh lại tổ chức đánh mạt chược còm ở nhà và anh mời tôi xuống chơi. Có lẽ thứ mạt chược ở nhà anh là thứ “còm” nhất Sài Gòn hồi đó. Trong khi hầu hết mọi anh em đi “học tập” về, anh nào cũng rách như tổ đỉa và tôi thấy gia đình anh cũng chẳng làm ăn gì. Thế nhưng trưa nào anh cũng bắt chúng tôi ở lại ăn cơm với gia đình anh. Phải thẳng thắn nói rằng, lúc đó mời một vài người bạn ở lại ăn cơm, dù là bữa cơm bình thường đơn giản cũng là một điều cần phải tính toán.
Hồi đó có anh Duy Trác, Thái Thủy, và đôi lần cụ Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc cũng tới chơi. Cụ Hà thì rất thẳng thắn, cứ “cơm nắm muối vừng” hoặc cái bánh, nắm xôi mang theo chứ không chịu làm phiền gia đình Nhật Bằng. Nhưng cả nhà anh chị lại rất hiếu khách, rất tha thiết với bạn bè. Thỉnh thoảng tôi mang theo một vài gói cà phê, anh chị cũng không bằng lòng. Tôi hiểu thấm thía được cái tình thương yêu anh chị đã dành riêng cho tôi cùng những người bạn thân khác.
Ít năm sau, anh chị đi định cư ở Mỹ, tôi lại “bơ vơ” ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có dịp ghé ngang khu Chí Hòa sao mà nhớ đến thế, nhớ cây mít đầu nhà anh có năm chỉ ra được có đúng một trái, anh chị cũng để phần cho tôi, trái mít thơm và ngọt lạ lùng, có lẽ nó đã sống cùng gia đình anh từ ngày “di cư” 1954 cho đến những ngày tháng đó. Dường như anh Nhật Bằng chịu khó trở lại thăm quê hương bởi một lẽ giản dị anh còn người con trai lớn sống ở Sài Gòn không đi cùng gia đình được vì lúc đó cháu đã có gia đình và có một đứa con kháu khỉnh. “Ông bà nội” nhớ cháu thì phải mò về là chuyện đương nhiên.
Lần gặp sau cùng
Lần sau, Nhật Bằng cũng lại đến thăm tôi khi tôi đã về ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Anh vẫn vậy, không già đi bao nhiêu, bản tính cũng cứ hiền lành ít nói như chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng có chuyện gì đáng nói ở Mỹ. Lần gặp nhau sau cùng là lần anh đến nhà tôi ăn món “nhà quê Bắc kỳ” nhưng anh còn vài chỗ mời nên chỉ ngồi được gần một tiếng đã phải ra đi “đám” khác.
Ngày 7 tháng Năm, 2004, khi tôi vừa vĩnh biệt anh Phi Thoàn thì lại nghe tin anh đã từ trần lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng Năm (giờ VN). Thật ra hôm trước tôi đã nhận được e mail của anh Thái Thuỷ báo tin anh Nhật Bằng phải đưa đi cấp cứu, nhưng khó có hy vọng qua khỏi. Tôi điện thoại sang Virginia hỏi thăm, chỉ gặp anh Hoàng Hải Thuỷ và Hoàng Song Liêm, hai anh xác nhận là Nhật Bằng vẫn còn nằm trong bệnh viện. Nhưng nay thì đã có tin anh ra đi rồi.
Tôi điện thoại cho Nhật Hào, người con trai lớn của anh đang sống ở Sài Gòn cùng với vợ con và cũng là một ca sĩ có hạng của thành phố Sài Gòn bây giờ. Nhật Hào xác nhận và tỏ ý muốn được đi Mỹ dự đám tang của bố. Nhưng rất tiếc là gặp đúng ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, Toà Lãnh Sự Mỹ Sài Gòn không làm việc. Thế nên mọi việc phải đợi đến ngày thứ Hai 10 tháng Năm mới biết kết quả chắc chắn. Cho đến khi viết bài này, tôi chưa biết Nhật Hào có đi kịp đến nhìn mặt bố lần cuối và đưa bố đến nơi an nghỉ cuối cùng hay không. Tôi mong rằng cháu sẽ đi được dù không kịp đám tang thì cũng là một dịp cho gia đình anh Nhật Bằng đoàn tụ cùng nhau.
Tôi điện thoại thông báo tin này cho một số bạn bè anh ở Sài Gòn, người nào cũng giật mình thương tiếc một người bạn chân thật hiền hậu, không ngờ anh ra đi nhanh thế. Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì la lên: “Trời sao thế, nó là phù rể trong đám cưới của tao đấy.” Rồi anh lặng đi một lát mới nói được: “Có e mail thì cho tao gửi lời chia buồn cùng gia đình, chứ tao biết làm gì hơn bây giờ. Anh em thế là xa nhau mãi.” Đó cũng là lời tôi chuyển đến gia đình anh Nhật Bằng của những anh em bạn bè của anh còn ở lại Sài Gòn.
Anh còn nhiều bạn lắm và tất cả đều thương tiếc anh.
Văn Quang