User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

bialancao

Và những điều chân thật thì quý hiếm như hoa. Nhất là hoa có đủ phần hương sắc và vì hoa lại có lắm loài. Chỉ hai chữ thắp đời nghe ra ngắn ngủi nhưng lại là những dặm dài rong ruổi một cuộc chơi trên cổ xe vô thường nghiệt ngã. Tại sao lại phải thắp đời khi mà đời vốn âm dương tương khắc nhưng lại là vòng sinh tử luân hồi. Có đêm, có ngày rồi cứ thế thời gian qua với tất cả những lạnh lùng kiêu ngạo, luôn luôn là một thách đố muôn loài. Con người cũng không ngoài hệ lụy ấy cho dù là sinh vật thông minh bậc nhất.Trong những phần thông minh ấy con người có thơ. Thơ là đường dây vô hình khởi đi từ khối óc đến con tim không hề đứt đoạn mà lại mang tính thẩm thấu có khả năng lan tỏa, lại có thể len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn của từng nhân tố cộng sinh hiện hữu và đôi khi trở thành bất biến. Thơ đã thế, người làm thơ điều khiển được thơ lại khó khăn gấp bội, vì thơ là một phần tư tưởng của con người do con người tác tạo từ tâm cảm, nếu không điều khiển được thì thơ sẽ chết, sẽ tự hủy ngay khi vần ý rời nhau.

Sau khúc quanh lịch sử đổi đời, người Việt lưu vong đôi khi còn đảo ngược tên họ để thích nghi với hoàn cảnh mưu sinh trên đường tìm đất sống và vì thế thơ từ chữ là hồn của Nước, cũng tả tơi trong biến loạn đổi đời. Lạ thay, lưu vong xa xứ, người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn còn níu được ý thơ về. Người làm thơ càng lúc càng nhiều đã có khi nở rộ như nấm sau cơn mưa, phải chăng người Việt đang cố gắng mượn cảm xúc của mình qua thi ca để giữ lại chút tình non nước hơn bốn ngàn năm.

Vui thay và cũng buồn thay. Vui vì người nhập cuộc làm thơ càng lúc càng nhiều, buồn vì người thơ đích thực điều khiển được cảm xúc của mình để gọi hồn cho thơ sống dậy từ những con chữ vô tri thì quả thật hiếm hoi.

Hiếm, nhưng không phải là không có. Điển hình là trên bàn viết của tôi đang có bản thảo Thi tập Thắp Đời được gởi đến từ nhà thơ Lan Cao.

Lan Cao là một tên tuổi không lạ với tôi vì thơ anh thường xuât hiện đều đặn trên rất nhiều Tạp Chí Văn Học, các diễn đàn Internet, thậm chí cả báo thương mại. Hình như dòng thơ trữ tình mượt mà của anh rất được nhiều người ngưỡng mộ. Thế nhưng tôi lại biết về anh rất ít ngoài đôi dòng tiểu sử: Lan Cao tức Cao Hữu Báu. Người xứ Nghệ, xuất thân nhà giáo, nguyên Sĩ quan QLVNCH làm thơ từ trước 1975 và sẽ còn tiếp tục, như bướm hoa mãi vui đùa với nắng vàng da lụa và chạnh lòng trước ráng chiều quạnh quẽ một bờ môi. Chỉ có thế nhưng không phải thế, vì:

Lan Cao đâu phải chỉ biết vui như hoa bướm, hoặc thở dài khi nắng chiều buông, đâu chỉ biết riêng mình hiện hữu mà còn dễ dàng rung động trước những đổi thay quanh mình cho dù là đổi thay thời tiết.

Nếu như em là gió
Xin đừng thổi mây bay
Chiều tà xô nắng chạy
Loang tím mặt đất này.

Hoặc:

Bong bóng nước giấu trôi dòng nghiệt ngã
Lá mất hồn ôm gió níu mưa tuôn.

Nhìn nước nhìn mưa mà sợ đời nghiệt ngã, thì đâu phải hẹp lòng chỉ biết sợ cho riêng mình. Từng trang từng trang thắp đời không vội vã để hiểu thêm cái tâm của một người thơ xứ nghệ. Cái xứ gì mà nghèo quá đi thôi, ngay cả đất cũng teo dần và rút lại nhưng lòng người thì trải rộng muôn nơi. Lan Cao như viên sỏi cứng lăn trên núi đồi Hồng Lĩnh lại cũng rất dịu êm như khói sương chiều vờn sóng Lam Giang. Thơ Lan Cao có ý tình như thế, nhưng dường như đời Lan Cao lại không thiếu tai ương và ngọn roi đời lạnh lùng nghiệt ngã không hề tha cho tấm thân đã quá nhiều bầm giập của một thời nhiễu nhương:

Ném hòn đá
Lên mặt đời phủ lụa
Đời sân si, thù hận nghiến răng cười

Nhưng, vẫn là chữ nhưng khắc khoải, thường được xem như để dùng thêm lời biện luận.

Anh quay quắt
Hoàng hôn về vội vã
Mong làm sao cho kịp chuyến em chờ.

Chỉ mấy câu thôi đã cho tôi lời giải là Lan Cao sao lại phải Thắp Đời. Hóa ra trong tận cùng nguồn cội Thơ Lan Cao lại là con Nhộng trong cái Kén tình. Nhưng dứt khoát không phải là tình tơ với Kén được nhả ra từ chú Nhộng khoanh tròn mà là tình từ Tằm đến lụa từ ngàn xưa cho đến hôm nay là chữ tình trải dài dâu bể. Đó là tình đời, tình nước, tình quê chứ không phải chỉ riêng tình đôi lứa.

Không có em
Mùa xuân ai chờ đợi
Trái đất này cát bụi phủ màu tang

Chữ Em ở đây không phải là tình nhân diễm ảo mà Em chính là đất nước, quê hương.

Thông thường khi ví von hoặc thi vị hóa thì người ta hay ví Quê hương đất nước như là hình ảnh của người Mẹ. Nhưng Lan Cao có một chút xa gần lãng mạn. Quê hương non nước là Em vì trong tương lai em cũng sẽ là Mẹ, từ Em anh đã điên người vì nhớ huống gì là Mẹ tương lai. Hiểu được chút ý tình như thế ta mới biết vì sao rất nhiều người đã xếp Lan Cao vào danh sách những người làm thơ tình không có tuổi.

Hai mươi năm Văn Học miền Nam ta có Nguyên Sa với thơ tình mượt mà nhưng gần gũi có nghĩa là còn chút gì giới hạn, có Đinh Hùng với thơ tình huyền hoặc mơ hồ. Văn Học Hải Ngoại có Lan cao cũng thơ tình nhưng là tình ý xa xăm mà sao lại quá gần, có nghĩa là thơ bay bổng không cương tỏa nhưng lại chính là thơ ngược về nguồn trong nỗi nhớ quê hương vô cùng tận. Nói như thế không có nghĩa là so sánh mà chỉ là đơn cử vì trong vườn hoa thi ca luôn luôn có muôn màu muôn sắc của muôn hoa. Hoa đồng cỏ nội hay hoa khuê các trong những vườn thượng uyển đều có hương sắc quyến rũ riêng làm mê hoặc lòng người.

Em nũng nịu
Má hồng như lửa đỏ
Cả đất trời khép nhỏ lại trên môi
Trăng hờn dỗi, lẫn vào mây để khóc
Chút hờn ghen, Thần nữ đẹp trên đời

Lan Cao với tình ý trải dài vượt không gian và thách đố thời gian để mãi mãi tôn vinh vẻ đẹp hướng về chân thiện mỹ như bao thi nhân thời trước. Tuy nhiên Anh lại là một người thực tế bình thường như bao người khác, Anh không hề quên thận phận của mình:

Hỡi quê hương mùa Xuân
Đời tị nạn, như hồn mây băng giá
Gió long đong, chưa sạch bụi phong trần
Đầu năm dừng lại
Nghe tự tình, nghe cả núi sông than.!?

Nghe tự tình, nghe cả núi sông than!? thì làm sao mà không rợn cả người. Thì làm sao mà không uất nghẹn, thì làm sao mà không đồng cảm với người thơ đang trăn trở với bóng mình.

Lan Cao là người làm thơ không mệt mỏi, thơ anh có đủ chất và đầy lượng, còn nhiều, nhiều lắm nhưng đây không phải là một bài biên khảo hay phê bình mà chỉ là chút tâm cảm của một người cầm bút với một người còn đam mê chữ nghĩa. Còn nhiệt huyết trong tim, còn tha thiết với đời và còn quá nhiều thương nhớ quê hương đang bị cưỡng chiếm. Thời gian vốn vô cùng cay nghiệt, ráng chiều đỏ quạch báo hiệu đêm về như đời người tới tuổi hoàng hôn. Thôi thì đành nhúm lên mồi lửa để thắp lại đời mình và thắp cả tương lai. Có lẽ Thi Tập Thắp Đời đến với người yêu thơ trong hoàn cảnh như thế. Trân trọng giới thiệu đến thi hữu gần xa kèm thêm lời ngỏ rằng: còn rừng là còn củi, còn người Việt lưu vong là còn niềm tin và hy vọng. Sẽ còn nhiều, nhiều người nữa tiếp tay chuyền lửa thắp sáng lại đời này.

Viết từ một ngày đông chí.
Túy Hà

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com