User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Đặc San Việt Ảnh số 4 này đặc biệt gói ghém hạn hẹp trong khuôn khổ chủ đích là để khơi nhắc lại dòng Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, và để tưởng nhớ, vinh danh đến 9 vị NAG đã khuất hoặc còn tại thế, đã dày công xây dựng, hy sinh đóng góp và làm rạng danh nền Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam. Vì số trang có hạn, Đặc San Việt Ảnh không thể thực hiện đầy đủ tất cả NAG tiền bối trưởng thượng cũng đã âm thầm đóng góp và đem lại vẻ vang cho người Việt chúng ta, hy vọng số kế tiếp Đặc San Việt Ảnh sẽ thực hiện để bổ túc. Rất mong được sự thông cảm và miễn thứ.

Xin mời quý thân hữu tuần tự lượt qua tiểu sử và tác phẩm cũng như bài viết của từng vị sau đây:

Cố Nhiếp Ảnh Gia Phạm Văn Mùi 1907 – 1992

phamvanmui

Phạm Văn Mùi:

Sinh năm 1907 tại Hà Đông ngoại vi Hà Nội, ông vào nghiệp ảnh khá sớm (1923). Sau cuộc triển lãm nghệ thuật Việt Nam 1952 được tổ chức lần đầu tiên tại nhà hát lớn Hà Nội. Ông được tín nhiệm trong vai trò chủ tịch hội nhiếp ảnh nghệ thuật VIệt Nam. Là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu của Việt Nam đã đóng góp nhiều công sức mở đường khai lối cho bộ môn ảnh nghệ thuật nước nhà. Ông rất giỏi về kỹ thuật phòng tối và sẵn lòng hướng dẫn tận tụy cho tất cả mọi người muốn học.

Ông đã giảng dạy bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh ở trường bách khoa Bình Dân, Hội Việt Mỹ và các hội ảnh chuyên nghiệp miền Nam. Tác phẩm của ông luôn luôn thể hiện được kỹ thuật cao, có nội dung phong phú và mỹ thuật phong phú.

phamvanmui1
Ông đạt được khá nhiều huy chương cao quý của các trung tâm nhiếp ảnh thế giới như Pakistan, Chi Lê, Brazil, Pháp, Singapore v.v…

Ông được mô tả là một tấm gương sáng về sự thanh cao và lòng tận tụy gây dựng ngành ảnh nghệ thuật và ở với bất cứ vị trí nào, dù là người nghệ sĩ nhiếp ảnh hay nhà giáo dục nhiếp ảnh, ông Phạm Văn Mùi cũng đều chứng tỏ một tài cán lỗi lạc, tận tâm và tận lòng hết sức, hết lòng giúp đỡ các thế hệ trẻ ham học hỏi về nhiếp ảnh… Ông mất tại Hoa kỳ (25/11/1992) trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và tất cả bạn bè, môn đệ của ông trong ngành nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

(Trích Người Việt, số 3157, ngày 30 tháng 7 năm 1994)
Nguyễn Đạo Huân

****************

Cố Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm 1916 – 1994

nguyencaodam

Di ảnh Cố NAG Nguyễn Cao Đàm 

Nguyễn Cao Đàm:

Sinh năm 1916 tại Vĩnh Trung – Hà Đông, bên cạnh Thăng Long thành. Ông bắt đầu nhiếp ảnh từ năm 1949 vào tuổi 33. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn ba năm sau đó, 1952 ông lừng lững bước vào làng ảnh nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm “Mưa Đêm” trứ danh trong cuộc triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 1952. Lần đầu tiên tổ chức tại phòng gương nhà hát lớn Hà Nội. “Mưa Đêm” đã gây sự kinh ngạc và xôn xao làng ảnh lúc bấy giờ. Trong những năm đó Hà Nội đang tưng bừng với bầu không khí văn nghệ đổi mới của nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ xướng, cổ võ tầng lớp thanh niên hãy tự tin vào mình để làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn, đồng thời cũng đả phá những gì cổ hủ, lạc hậu và đang đè nặng lên xã hội Việt Nam đương thời.

Sau cuộc triển lãm ảnh 1952. Ông đã được tín nhiệm trong vai trò phó hội trưởng hội nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trong một thời gian khá dài (1952-1975). Trong những năm tháng hoạt động nhiếp ảnh, ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm và đã đạt được nhiều huy chương cao quý ở các lục địa trao tặng như: Pháp, Bỉ, Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Singapore. Hội viên danh dự của hội ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (A.R.P.S). Hội viên hội ảnh nghệ thuật Bỉ (Kortrisk) và hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đông Nam Á (S.E.A.P.S) giám khảo quốc tế và quốc nội trong các cuộc thi ảnh, tác giả nhiều sách báo về nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau này ông kết hợp với Trần Cao Lĩnh tạo thành một song hùng trong làng ảnh nghệ thuật Việt Nam uy thế vào bậc nhất nước và ảnh hưởng sâu đậm của hai ông vẫn còn tới ngày nay… 1994 ông ở tuổi 78 vẫn hăng say với nhiếp ảnh và với phong trào nhiếp ảnh của giới trẻ Úc châu.

(Trích Người Việt, số 3157, ngày 30 tháng 7 năm 1994)
Nguyễn Đạo Huân

nguyencaodam1
Boundless Hope by Nguyen Cao Dam

*************

Cố Nhiếp Ảnh Gia Trần Cao Lĩnh 1925 – 1989

trancaolinh

Di Ảnh Cố NAG Trần Cao Lĩnh (Ảnh do NAG Nguyễn Đức Cung cung cấp)

Trần Cao Lĩnh:

Sinh năm 1925 tại Nam Định miền Bắc Việt Nam. Một trong những người đầu tiên dự phần sáng lập hoặc đỡ đầu cho nhiều hội nhiếp ảnh Việt Nam. Trong đó có hội nhiếp ảnh Việt Nam và hội nhiếp ảnh Việt-Mỹ.

Trong cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Sàigòn năm 1961, tác phẩm “Quạt Nồng” của ông làm kinh ngạc giới thưởng ngoạn với nghệ thuật của mình. Tác phẩm đã đem lại cho ông bằng tưởng lệ quốc tế. Cũng từ năm 1961 ông trở thành hội viên hội nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (ARPS Society). Chỉ trên dưới một thập niên, ông trở thành một kiện tướng, một ngôi sao sáng trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Giảng viên nhiếp ảnh của các trường đại học Minh Đức và Vạn Hạnh Saigòn, cùng các lớp kỹ thuật, mỹ thuật của các nghiệp đoàn chuyên nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam. Giám khảo quốc tế các cuộc triển lãm và thi ảnh nghệ thuật tổ chức tại Việt Nam. Tác giả của bốn tuyển tập hình ảnh và hướng dẫn kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh. Tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế và được nhiều huy chương cao quý của hầu hết các lục địa.

Vượt biển tìm tự do năm 1979, ông tiếp tục sáng tác, triển lãm thuyết trình về hình ảnh quê hương Việt Nam ở Âu châu, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và Úc châu. Ông ra đi sau một căn bệnh nan y ngày 19/8/1989 tại San Jose, California trong sự tiếc thương của gia đình và bằng hữu khắp năm châu. Tác phẩm cuối cùng của cuốn “Việt Nam quê hương muôn thuở” được in ra bằng ba thứ tiếng Việt-Anh-Pháp. Suốt cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh của ông, Trần Cao Lĩnh đã đóng góp rất phong phú cho nền nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà.

Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh là hai dũng tướng của nhiếp ảnh Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn trong mọi tầng lớp Việt Nam trong quá khứ và tới ngày nay.

trancaolinh1

(Trích Người Việt, số 3157, ngày 30 tháng 7 năm 1994)

Cố Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Văn Chiêm

*****************

Nhiếp Ảnh Gia Lại Hữu Đức

Nguyễn Đạo Huân

Chân dung NAG Lại Hữu Đức. Hiện cư ngụ tại Orange, California

laihuuduc
Lại Hữu Đức Trong Nhiếp Ảnh, Hội Họa Và Điêu Khắc Đông Nguyên Thế Kỷ 21, Anaheim

Chúng ta đều biết rằng nhiều điểm nghệ thuật của nhiếp ảnh cũng có thể tìm thấy trong hội họa. Những nguyên tắc căn bản của bố cục (composition) trong nhiếp ảnh và hội họa đều chú trọng đến sự biến đổi (variation) và lập lại (repetition) của các đường nét, hình dạng, mảng, màu sắc, sắc độ, v.v… để đạt được ba yếu tố cần thiết cho một tác phẩm giá trị: đơn giản (simplicity), hài hòa (harmony) và cân bằng (balance). Vì thế mà có nhiều nhiếp ảnh gia lỗi lạc cũng đã từng là họa sĩ. Nhưng một nghệ sĩ trong bộ môn nghệ thuật tạo hình (visual art) có khả năng kiêm toàn ba lãnh vực nhiếp ảnh, hội họa, và điêu khắc là một trường hợp ít thấy. Đó là trường hợp của nhiếp ảnh gia, kiêm họa sĩ và điêu khắc gia Lại Hữu Đức.

Lại Hữu Đức với nhiếp ảnh.

Bắt đầu chụp ảnh từ năm 1940, ông chính thức bước vào nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 1963. Ông là một trong số những người có công đầu trong việc thành lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (HANTVN). Ông đã từng là Tổng Thư Ký, Phó Hội Trưởng của HANTVN, Trưởng Ban Tổ Chức kỳ thi ảnh quốc tế tại Sàigòn vào năm 1974, Giám Khảo trong Hội Đồng Giám Khảo về bộ môn nhiếp ảnh cho giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH từ năm 1970 đến 1974, giám khảo của các kỳ thi nhiếp ảnh quốc tế tại Sàigòn vào các năm 1971, 1972, và 1974.

Trong sinh hoạt nhiếp ảnh hiện nay, ông Đức thường trầm lặng và khiêm tốn; nhưng ông là một trong những nhiếp ảnh gia Việt Nam đã thật sự có nhiều huy chương và tước hiệu nhiếp ảnh quốc tế.

Hướng dẫn viên của các khóa nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tuy năm nay đã 73 tuổi, ông Đức có sức khỏe rất tốt và tinh thần minh mẫn như còn ở lứa tuổi 50. Nhanh nhẹn, vui vẻ, tập thể dục mỗi ngày, và thường xuyên đến các trường Đại Học để nghiên cứu học hỏi thêm về nghệ thuật. Liên tục từ nhiều năm nay ông là một giảng viên cột trụ của các lớp nhiếp ảnh nghệ thuật do HANTVN tổ chức tại Orange County. Các bài giảng “Xây Dựng Một Tác Phẩm Nhiếp Ảnh” “Ảnh Chân Dung Nghệ Thuật” của ông đều là những đề tài nhiếp ảnh nghệ thuật cao cấp trong các khóa nhiếp ảnh cấp II và cấp III. Khi còn ở quê nhà, ông đã từng hướng dẫn các khóa nhiếp ảnh trên Truyền Hình Sàigòn, cho Hội Ảnh KBC, chương trình Bách Khoa Bình Dân, v.v…

Xuất bản và nhập cảng sách nhiếp ảnh.

Là chủ nhân của nhà sách Việt Bằng ở Sàigòn, Lại Hữu Đức đã nhập cảng các bộ sách nhiếp ảnh và hội họa có giá trị của Pháp và Mỹ về Việt Nam để cho các người ảnh và họa sĩ ở trong nước lúc bấy giờ có tài liệu nghiên cứu và tham khảo. Ngoài ra ông Đức cũng đã xuất bản và phát hành bộ sách “Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật” của các nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh. Nhờ bộ sách này mà nhiếp ảnh nghệ thuật đã được quảng bá sâu rộng trong đại chúng Việt Nam hơn. Đặc biệt, ông đã sang Pháp học về xuất bản và khai thác thương mại ngành sách vào những năm 1962-1963 tại Paris.

Ông cũng đã đóng góp nhiều bài viết về nhiếp ảnh nghệ thuật cho tạp chí Ảnh Nghệ Thuật và báo Kịch Ảnh ở Việt nam trước năm 1975, và cho nguyệt san Thế Kỷ 21 hiện nay ở Mỹ. Tôi rất thích bài “Đường Nét Trong Bố Cục” của ông đăng trong tạp chí Ảnh Nghệ Thuật vào năm 1970 tại Sàigòn. Các loại đường nét thường dùng trong bố cục như: đường thẳng, đường gãy, đường cong theo các chiều ngang, dọc, chéo đã được giới thiệu với ý nghĩa và sự gợi cảm của riêng mỗi loại. Bố cục cân đối và bố cục không cân đối được phân tích cặn kẽ với những trường hợp áp dụng điển hình. Bố cục theo mẫu những chữ cái C, G, I, J, L, S, U, Z, v.v… được trình bày và minh chứng bằng những hình ảnh thật đẹp. Đây là một bài nghiên cứu công phu, một tài liệu giá trị về bố cục trong nhiếp ảnh.

Trong số đặc biệt về nhiếp ảnh của Thế Kỷ 21, số 25 tháng Năm 1991, bài “Nhớ Lại Cảnh Xưa” của Lại Hữu Đức là một bài viết duyên dáng và đầy cảnh sắc cho nhiếp ảnh.

Đây là một đoạn văn trong bài này khi ông tả cảnh Chapa, một nơi nghỉ mát gần biên giới Việt Hoa: “Nhìn ra xa ngắm cảnh, đường mòn uốn khúc, khi ẩn nơi rừng thông cao ngất, khi hiện nơi đồi cỏ xanh rì. Dòng suối chảy nước trong suốt. Bên bờ hoa rừng đỏ thắm lấp ló trong đám lá xanh, gió thổi thông reo, phong cảnh thiên nhiên thật tuyệt vời…” Chỉ trong vài hàng mà ta đã thấy biết bao đường nét, hình dạng, ánh sáng, màu sắc, các cạnh khi ẩn khi hiện, v.v… được phối trí trong một bố cục vững chãi. Tôi mong ông Đức viết nhiều hơn nữa về nhiếp ảnh. Tôi tin rằng ông sẽ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhờ vào trình độ và kiến thức đa ngành (interdisciplinary) của ông.

Triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Lại Hữu Đức đã tham gia nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật quốc gia và quốc tế tại Sàigòn trước năm 1975. Từ năm 1978 ông đã hằng năm triển lãm chung với các bạn ảnh HANTVN tại nhiều nơi ở Mỹ. Ảnh của Lại Hữu Đức phần lớn là ảnh trắng đen gồm chân dung nghệ thuật, ảnh phóng sự, ảnh phong cảnh, ảnh chụp vội vàng (snap shot) với đề tài phong phú, nhiều dân tộc tính và có gía trị nghệ thuật rất cao.

“Têm Trầu”, chụp với ánh sáng hẹp, là ảnh chân dung bối cảnh (environmental portrait) của một bà già với vẻ mặt phúc hậu bình thản đang để hết tâm hồn vào việc têm miếng trầu ngon. Trong tấn hình “Bà Cháu”, một bà lão tóc bạc mặc áo bà ba đứng khuất một nửa người sau vách nhà bằng gỗ và một tay đang dìu đứa cháu trai, với vẻ mặt ngây thơ bỡ ngỡ, ra phần ánh sáng. Người xem ảnh có thể thấy, ngoài tình bà thương cháu, ý niệm “tre già măng mọc” của sự chuyển tiếp thế hệ được nói lên ở đây. “Ni Cô”, được chụp với ánh sáng Rembrandt, là hình một sư nữ đang lần chuỗi tụng kinh, vẻ mặt trầm lắng như đang thoát khỏi thực tại và đang thả hồn theo lời kinh cầu nguyện.

Trong các ảnh chân dung nghệ thuật, kỹ thuật ánh sáng hẹp và ánh sáng Rembrandt đã là sở trường của Lại Hữu Đức. Ông đã triệt để khai thác ánh sáng cửa sổ để nhấn mạnh các đường cong và thu hẹp những khuôn mặt tròn đầy.

Đáng chú ý nhất là kỳ triển lãm cá nhân “Ảnh Phong Cảnh Việt Nam” của Lại Hữu Đức vào tháng Ba năm 1991 tại khu thương xá Phước Lộc Thọ, với 28 tác phẩm trắng đen khổ lớn từ 16”x20” đến 40”x50” và 30”x60”. Tất cả đều là ảnh phong cảnh Việt Nam mà ông Đức đã chụp tại quê nhà trong vài thập niên trước năm 1975 và mang được âm bản sang đây. Hàng ngàn người, Việt và dân bản xứ, đã có dịp thưởng thức những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật này trong suốt hai tuần lễ.

Người Huế chắc đã thấy lòng nao nao xúc động khi nhìn lại cảnh sông Hương lững lờ uốn khúc dưới cầu Trường Tiền, thuyền đò rải rác trên sông và chợ Đông Ba nằm bên bờ sông trong tác phẩm “Huế”. Tấm hình này, được chụp từ trên máy bay trực thăng, cho người xem thấy phố xá, nhà cửa, đường xá với cây cảnh hai bên bờ sông Hương. Những chiếc đò trên dòng Hương giang thơ mộng đã là đề tài phong phú cho nhiều văn nhân thi sĩ, trong đó có bài thơ “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu với mấy câu kết được nhiều người biết đến: “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt. Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi. Du khách đi. Du khách đã đi rồi”. Huế đẹp, Huế thơ đã gợi nguồn cảm hứng dạt dào để cho “Dạ Lai Hương” được sáng tác, một bản nhạc đẹp và thanh khiết nhất trong nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên, nỗi buồn thắm thiết sẽ đến với những người Huế khi
nhình tác phẩm nhiếp ảnh “Hoàng Hôn Trên Sông Hương” của Lại Hữu Đức. Một chiếc thuyền nhỏ đơn độc màu đen nhẹ nhàng rẽ nước đi trên sông Hương trắng xóa, để lại hai luồng sóng nước biệt ly lan rộng về phía sau dưới cảnh mây chiều phiêu bồng trôi nổi. Bên phải là bờ cỏ thấp, bên trái và trước mặt là núi đen dợn sóng nhấp nhô. Nhìn hình này những ai đã kinh nghiệm biệt ly và dang dở cuộc tình nơi cố đô Huế chắc sẽ nhớ tới những lời ca trong “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục: “Huế lờ lững sông Hương, năm tháng còn vương lời ai mong chờ. Huế là tiếng dịu êm, cô gái bên sông còn vang lời thơ… Trầm ngâm thuyền mang thương nhớ qua sông, chập chùng trời mây bay trong mênh mông… Gỡ tay vướng mà đi, sông núi biệt ly, người xa kinh kỳ…”. Có lẽ vì những cảnh tình kỷ niệm ấy mà trong suốt hai tuần lễ triển lãm, hai tác phẩm này đã được hỏi mua nhiều nhất!

Đặc biệt nhất trong cuộc triển lãm này, theo tôi, là những hình đồi cát mà Lại Hữu Đức đã chụp ở Mũi Né. Mũi Né nằm giữa Phan Thiết và Phan Rang chừng 20 cây số. Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã đoạt các giải thưởng và huy chương các giải thưởng quốc tế với các hình đồi cát chụp tại đây. Tôi đã có dịp thưởng thức khá nhiều hình đồi cát của các nhiếp ảnh gia, kể cả Ansel Adams và Edward Weston; nhưng những hình đồi cát của Lại Hữu Đức đã cho tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ và lưu giữ trong trí tôi thật rõ nét. Đó là các tác phẩm “Rượt Bắt”, “Đường Xa”, Đi Chợ”, Về Chợ” và “Đồi Cát”.

Đồi Cát trông như một dải lụa nõn uốn khúc theo chiều ngang của tấm hình, nổi bật trên nền đen của các lũng cát sâu; phần cuối cồn cát ở phía trên bên phải dợn sóng nhấp nhô làm cho giải lụa càng dịu mềm óng ả. Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân: “Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa”, và ở đây xin phép đổi chữ “lụa” thành chữ “cát”: “Êm đềm sóng lụa trôi trên cát”. Một con chó nhỏ đuổi theo em bé đang chạy vào giữa tấm hình làm tăng phần sinh động. Nếu “Thần Phong” đã tạo nên những cồn cát với nét đẹp đặc thù thì ”Thần Thái Dương” đã trang điểm và tôn vinh vẻ đẹp ấy thêm lên bằng ánh sáng ban mai ấp áp.

Nhìn thật kỹ và nhìn đi nhìn lại nhiều lần hai tác phẩm “Đi Chợ” và “Về Chợ” tôi chợt nhớ đến một vài ý của nhiếp ảnh Ngô Đình Cường khi viết về đồi cát Mũi Né: “Bạn có thể tưởng tượng đến một anh thợ bánh mì nặn những cục bột lớn đặt lên trên mặt bàn với lối bố cục vững vàng của một nhiếp ảnh gia. Chỗ nào kém đẹp anh thợ lại dùng dao thẻo bớt đi một miếng, tạo thêm một bệt đen thẩm mỹ tài tình” hoặc là “Cồn Cát” Đó là phép lạ của gió biển. Là một điêu khắc gia tài tình không khi nào chịu giữ lại những đường nét mà một tuần trước đây mình đã tạo ra”. Thật khó tưởng tượng được tài khéo léo của “điêu khắc gia” gió biển, đã tô bồi đẽo gọt những đồi cát thành những đường nét và hình thể đẹp kỳ lạ tuyệt vời. Một vài người đàn bà địa phương với áo bà ba đen và nón lá trắng, gánh hai cái thúng đen, thoăn thoắt bước đi trên đồi cát trắng, làm cho hai tác phẩm này thêm đậm nét văn hóa Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Lại Hữu Đức đã tạo ra được một ảnh phong (photographing style) riêng, với các đề tài đa dạng mà phần lớn mang nhiều dân tộc tính trong lối bố cục cổ điển rất vững chắc. Ảnh phong cá biệt ấy là kết quả của cái nhìn độc đáo trong nhiếp ảnh và một tâm hồn phóng khoáng yêu nghệ thuật, biết quý và đặt giá trị nghệ thuật lên trên những câu chấp thông thường. Riêng về bố cục trong ảnh của Lại Hữu Đức, ngoài sự biến đổi và lập lại mà ông thường sử dụng, tôi đã tìm thấy ba yếu tố tập trung (focus), mạch lạc (coherence) và thuần nhất (unity), đây là ba yếu tố chính yếu cho bố cục của một bài văn mà tôi đã chủ trương đưa vào nhiếp ảnh. Những hình ảnh vừa đề cập trong cuộc triển lãm nói trên là một số tác phẩm tiêu biểu của Lại Hữu Đức về cảnh đẹp và các sinh hoạt quen thuộc của đồng bào trên quê hương yêu dấu, nơi mà tình cảm thương nhà nhớ nước trong lòng mỗi người Việt tha hương vẫn mãi mãi nhớ về.

Lại Hữu Đức với hội họa và điêu khắc

Mặc dầu rất thích vẽ từ những năm Tiểu Học nhưng Lại Hữu Đức đã chỉ tự tìm tòi học hỏi về hội họa, cho mãi đến năm 1978 ông mới chính thức học Art tại Georgia. Tuy nhiên các ngành Interior Design và Architect Drafting đã chiếm rất nhiều thì giờ khiến ông vẫn chưa sáng tác được nhiều trong những năm đó. Từ khi về hưu và dời về nam California vào năm 1986 ông đã dành nhiều thì giờ cho việc học hội họa và điêu khắc tại các trường Đại Học địa phương. Nhờ tài năng và kinh nghiệm sẵn có về nhiếp ảnh nghệ thuật, Lại Hữu Đức đã nhanh chóng trình làng những tác phẩm hội họa và điêu khắc xuất sắc trong nhiều cuộc triển lãm chung với các nghệ sĩ Việt và Mỹ tại California và nhiều tiểu bang khác.

Mỗi lần ghé thăm Lại Hữu Đức thì hầu như tôi đều có dịp thưởng thức một vài họa phẩm nới của ông được treo ngay ở phòng khách. Nét vẽ linh động, màu sắc hài hòa, bố cục vững chắc với đề tài gần gũi cuộc sống hằng ngày là những điểm đặc trưng dễ nhận thấy trong tranh của Lại Hữu Đức. Một con thỏ nhỏ màu trắng, ở cạnh phía bên phải tấm hình, đang bị ôm giữ dưới nách một nam thanh niên cao lớn khỏe mạnh đứng xoay lưng về phía người xem tranh. Đó là bức tranh màu nước khổ rộng với tựa đề “Áp Bức” mà tác giả đã trưng bày tại một cuộc triển lãm ở khu Sàigòn Nhỏ trong tháng Tám 1992. Họa phẩm “Hoàng Hôn Trên Biển” có lẽ đã được thực hiện với nguồn cảm hứng khi Lại Hữu Đức xem lại những ảnh chiều về trên biển mà ông đã chụp ở Việt Nam với cảnh “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Tản Đà).

Hai tác phẩm mới nhất tôi được Lại Hữu Đức cho xem là “Chiều Tà”“Vội Vàng”. Chiều Tà được bố cục theo hình chữ Z với hình ảnh của một dãy nhà nằm dưới chân đồi, khói lam chiều nhẹ tỏa khi mặt trời vừa khuất sau những cụm cây. Đặt biệt tôi rất thích bức tranh “Vội Vàng” diễn tả một người đàn bà bận rộn, đang vai mang tay xách bước đi thật nhanh, năng động (dynamic) nhịp nhàng với màu sắc hài hòa dịu nhẹ.

Tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên xem các tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch của Lại Hữu Đức mà ông đã triển lãm chung với các điêu khắc gia Mỹ. Tiêu biểu là các tác phẩm “Hòa Hợp” (Harmony) với hai con cá hòa nhịp bơi bên nhau, “Tương Phản” (Contrast) với một con cá đổi chiều bơi đột ngột như muốn đùa giỡn với một con cá khác đang bơi bên cạnh, “Uyên Ương Trầm Lặng” (Quiet Couple) đặc trưng về những đường cong mỹ thuật của anh chị cò thầm lặng, “Cô Đơn” (Lonely), nặn bằng đất nung, là tượng một cô gái ngồi xếp chân về phiá sau, mắt buồn nhìn xuống, để lộ những đường cong tuyệt mỹ của thân người trong chiếc áo dài dân tộc, pho tượng “Xuân Sắc” (Spring Girl) là hình ảnh của một mỹ nhân ngồi xoay lưng về phía trước, mặt úp vào hai tay khoanh tròn tựa lên một tảng đá, chân xếp thoải mái về một bên, và suối tóc xuân buông xõa “chảy xuống đời làm sóng lênh đênh”.

Khi nhận xét về nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay tại hải ngoại, Lại Hữu Đức cho rằng: “Trong thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970 có rất nhiều mặt của nhiếp ảnh nghệ thuật (như ảnh chân dung, ảnh phong cảnh, ảnh phóng sự, ảnh kỹ thuật, dương bản, ảnh phân sắc độ, kỹ thuật chạy sáng, texturing, vignetting, v.v…) đã được khai thác với kết quả là nhiều tác phẩm xuất sắc đã mang Việt Nam những thành tích sáng chói. Tuy nhiên đường lối sáng tác thời đó còn gò bó trong lề luật khuôn khổ và đề tài thường được sắp xếp dàn dựng. Phương tiện (phim, giấy, máy ảnh, tài liệu và các lớp huấn luyện về nhiếp ảnh, v.v…) đã không được đầy đủ. Bây giờ các bạn ảnh ở hải ngoại có nhiều điều kiện và phương tiện hơn để học hỏi những cái mới cái hay của nhiếp ảnh thế giới. Mặc dù các bạn ảnh trẻ bây giờ chưa đi vào nhiều mặt như nhiếp ảnh Việt Nam trước đây, nhưng khuynh hướng sáng tác có phần rộng rãi và dễ dàng hơn. Các bạn ảnh hải ngoại sáng tác theo rung cảm tự nhiên của tâm hồn họ, cái gì làm đề tài cũng được miễn là tác phẩm đẹp và có khả năng gây cảm xúc cho người xem ảnh”. Ông có ý kiến rằng các bạn ảnh trẻ ở hải ngoại vẫn nên giữ tâm hồn Á Đông của mình khi thực hiện tác phẩm, không có nghĩa là tự hạn chế mình vào lối đường chật hẹp một chiều và đốt cháy khả năng sáng tạo.

laihuuduc1

*********************

Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Mạnh Đan (Nguyễn Cao Đàm giới thiệu)

manhdan

Mạnh Đan

Sinh năm 1924 tại Hà Nội, Mạnh Đan là một trong số các nhiếp ảnh trẻ tuổi của Việt Nam. Anh ưa hoạt động, thích mạo hiểm và ham mê sáng tác đến độ say sưa, quên cả bản thân. Anh đã nhiều dịp đặt chân trên khắp lãnh thổ của đất nước với hai “người” bạn đường trung kiên: chiếc xe Vespa màu xám và chiếc máy Rolleiflex. Nếu anh phải leo núi, vượt rừng ban đêm, anh còn rủ “người” bạn đường thứ ba đi theo, đấy là một thanh sắt lớn. Mạnh Đan vừa đi săn hình, vừa muốn săn cả thú rừng.

Cầm máy rất sớm, anh cộng tác với một sở Thông Tin ngoại quốc đi lấy phóng sự. Lăn lộn ở mặt trận giặc, giữa lửa đạn tơi bời, anh đã mang một thương tích không sao phai nhòa, một viên đạn đã vô tình xuyên qua bắp vế anh. Những tài liệu phóng sự giá trị của anh đã in trên nhiều sách báo: Paris Match, Sud Est Asiatique, Guerre Morte, Indochine Profonde – Le Vietnam dhier et daujour dhui…

Năm 1957, anh đã mở một cuộc triển lãm cá nhân tại trụ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội, Saigon. Anh đã trình bày trên 100 tác phẩm thâu lượm được trong lúc xê dịch vì nghề nghiệp. Nhờ đấy, chúng ta đã được dịp thưởng thức muôn vẻ đẹp của non sông cẩm tú qua những tác phẩm chụp phong cảnh của anh.

Càng rảnh rỗi, Mạnh Đan càng đi nhiều, chụp lắm, càng nhiều thì giờ vùi đầu vào công cuộc nghiên cứu kỹ thuật mới mẻ, càng dấn sâu mình vào trào lưu của nền nhiếp ảnh thế giới đang lên. Anh đã gửi tác phẩm tham dự trên một trăm cuộc triển lãm quốc tế, mở tại hầu hết các thủ đô văn hóa Âu Á Mỹ châu. Cho đến nay anh đã thâu lượm được nhiều kết quả:

- Bằng khen ở Bresil
- Bằng khen ở Canada
- Huy chương bạc ở Montevideo (Uruguay) Nam Mỹ
- Huy chương bạc ở Vienne

Trong nước, anh có mặt trong hầu hết các cuộc phô trương nghệ thuật nhiếp ảnh chung với các nhiếp ảnh gia tên tuổi.

Trong kỳ thi và triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam 1959, do Văn Hóa Vụ tổ chức mới đây, anh đoạt giải nhất với tác phẩm “Đồi cát”.

*

Trẻ tuổi, Mạnh Đan có khóe nhìn rất táo bạo, mới mẻ, nhưng không kém bề sâu sắc. Anh thường dùng tương phản cho ý nghĩa nổi bật. Như trong “Cánh chim”, cả bầy chim đang vỗ cánh vội vàng, nhộn nhịp, thì một vài con đậu thản nhiên. “Quá khứ và tương lai” là một thành công rực rỡ. Đề tài đã khéo chọn, góc cạnh đã khéo lấy, mỗi chi tiết đều có chỗ đứng đúng, và giá trị, không hại cho toàn thể. Một già một trẻ, một cái lưng một cái mặt, một khoảng trời, thế mà đầy đủ để nói lên nhiều thế hệ trong thời gian và không gian vô tận. Những nếp nhăn sạm nắng của ông già từng trải tượng trưng cho quá trình tranh đấu của các thế hệ đã qua với thiên nhiên để tồn tại, đầy hiểm trở nhưng cũng nhiều liệt oanh, làm điểm tựa cho tương lai hứa hẹn. Em bé, tượng trưng cho tương lai, có một nước da mơn mởn, đôi má tròn trĩnh, nụ cười hồn nhiên. Ở em toát ra một sức sống mãnh liệt. 

Mạnh Đan thích kể chuyện đời và thời gian. Trong “Tìm sống”, bác dân chài lủi thủi
đi kiếm ăn, giữa giòng sông khúc khuỷu. Ngoài mặt sông sáng loáng nhưnh lạnh lẽo, bốn bề đều tối tăm. Ánh chiều rơi rớt trên con thuyền nằm im lìm xa xôi, đấy là gia tài của anh, đấy cũng là dụng cụ nối liền với anh khi nước sông dâng lên mênh mông. “Thời gian” đã mô tả bước tiến chậm chạp của kiếp người nhỏ bé, nhưng vô cùng kiên nhẫn, không ngừng tìm tòi khám phá.

Đôi khi Mạnh Đan tả cảnh, thì cảnh của anh rất thực. Trong “Bức tranh quê”, anh đã dùng ống kính để vẽ lên hết vẻ dịu hiền yên tĩnh, thơ mộng, giản dị của đồng quê miền Trung. Mấy lùm cây hiền lành rải rác, một túp nhà tranh, vài con gà thong dong kiếm mồi và xa xa, núi đồi trùng điệp, đắm mình trong sương mai.

Nhận định nhanh và sâu sắc, kỹ thuật đến nơi đến chốn, hăng hái, kiên nhẫn, những đức tính của Mạnh Đan cho phép chúng ta kỳ vọng ở bước tiến không ngừng của nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi, làm rạng rỡ nền nhiếp ảnh trẻ trung của chúng ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Nguyễn Cao Đàm

(Trích Trẻ – Tập I, số 5, tháng 2.1960)

*************

Đặc San Việt Ảnh được biết NAG trưởng thượng hiện đang cư ngụ tại Sàigòn, VN và cụ đã cho xuất bản 2 cuốn sách ảnh “Hình Ảnh Scenic Beauty of Viet Nam” và “Quê Hương My Homeland Viet Nam” đã gói ghém tất cả những hình ảnh sự nghiệp của cụ qua 2 tác phẩm này.

Không những chỉ đóng góp và lưu lại những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật giá trị bởi chính cá nhân, sự phát triển về bộ môn nghệ thuật này vẫn được tiếp nối và phát huy một cách mạnh mẽ bởi những thế hệ tiếp nối trong gia đình NAG Nguyễn Mạnh Đan qua các con, cháu của ông như:

1. NAG Nguyễn Mạnh Sơn (VN), con là NAG Nguyễn Mạnh Lâm (cháu đích tôn) chiếm được 4 giải quốc tế.

2. NAG Nguyễn Mạnh Sinh (VN), NAG nổi tiếng có nhiều giải thương quốc tế, hiện là chủ tịch Hội Đồng Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Sàigòn, và đã từng là giám khảo của Hội Đồng Nhiếp Ảnh Trung Ương. Có con là Nguyễn Mạnh Nguyên cũng đã được nhiều giải thưởng quốc tế.

3. NAG Mạnh Ngọc, hiện đang sinh sống tại Đức, đã xuất bản cuốn sách ảnh “VIETNAM in Black & White” và cũng là một giám khảo chấm thi quốc tế tại Áo Quốc. Đã đoạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế. Ông đã xuất bản sách ảnh Vietnam in Black & White

(Trích trong Vietnam in Black & White)

4. NAG Nguyễn Mạnh Vinh (hiện cư ngụ tại Orange, CA. Hoa Kỳ) có người con là Nguyễn Mạnh Bảo vừa được 17 tuổi đã được giải thưởng An Artistic Discovery do Dân Biểu Loretta Sanchez đại diện trao tặng.

**************

Nhiếp Ảnh Gia Lê Anh Tài

Hiện cư ngụ tại Massachusetts, Hoa kỳ. Đã xuất bản cuốn sách ảnh Thi Sĩ Với Chiếc Máy Ảnh.

Lê Anh Tài, thi sĩ với chiếc máy ảnh

Giữa khu chợ lộ thiên, trên vỉa hè đại lộ Hàm Nghi, nằm gọn giữa hai con đường Pasteur và Công Lý, nơi trưng bày thường trực những kỳ hoa dị thảo, cây cảnh, chim muông, cầm thú, nơi tập trung những lái buôn từ các cửa ô về Sàigòn, nơi họp mặt của những khách hiếu kỳ-một nghệ sĩ với chiếc máy “Rolleiflex” hòa mình trong đám đông để ghi nhận qua ống kính những cuộc trao đổi lựa chọn, mua bán một cách say mê nhẫn nại.

Con người bị thu hút vào thế giới nhỏ hẹp, và bao la đó là Lê Anh Tài, một nhiếp ảnh gia tên tuổi ở Sàigòn. Nét độc đáo của Lê Anh Tài là ghi những hình ảnh bằng cặp mắt của tâm hồn “đau nghệ thuật” ghi bằng cặp mắt nội quan những ngoại cảnh đã nói lên được những sắc thái tâm linh đượm màu dân tộc và nhân bản của nếp sinh hoạt thường nhật.

Bạn Lê Anh Tài là hội viên danh dự của Unione Fotografica Milan, Ý Đại Lợi năm 1953 và của hội nhiếp ảnh New York, Hoa Kỳ năm 1963.

Quá trình ngót 20 năm tận tụy với nghệ thuật của bạn Lê Anh Tài, được đánh dấu bằng những mồ hôi và nước mắt sáng tạo, thể hiện những chiến công oanh liệt, đã góp phần vào việc làm rạng danh nền nhiếp ảnh đất nước qua những huy chương, giải thưởng bằng hiện kim, du lịch và một số máy ảnh giá trị mà bạn đã chiếm được trong các cuộc triển lãm và thi ảnh quốc tế. Ngoài ra Lê Anh Tài cũng có vài bộ ảnh phóng sự được đăng trên tạp chí Life và Paris Match qua trung gian của hãng thông tấn United Press International (UPI) và đồng thời được giải thưởng của hãng này vào tháng 12 năm 1969.

Mô tả nghệ thuật của bạn Lê Anh Tài trong quá khứ (1950), một Lê Anh Tài sở trường về lối ảnh cổ điển và thơ mộng, giới phê bình nhiếp ảnh ngoại quốc đã tóm tắt vỏn vẹn trong một câu hàm súc và hùng biện “Lê Anh Tài là một thi nhân với chiếc máy ảnh”.

Tháng Chạp 1960, bạn Tài đã được hội Unione Fotografica ủy thác mời một số nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Việt Nam tham dự một cuộc triển lãm mênh danh là cuộc triển lãm “Các nhiếp ảnh gia của thế hệ mới” tại Pescara và Milan ở Ý Đại Lợi. Tiêu chuẩn và quy mô của công việc trước tác là các ảnh trưng bày phải có tính cách gợi cảm, sống động, khóe nhìn của nhiếp ảnh gia phải lột cạn được tính cách tân kỳ, mà có thể bất chấp lề lối bố cục cổ điển. Giới ảnh Sàigòn còn gọi là loại ảnh “Vô chiêu”.

Theo đây là khoảng 200 bức hình bạn Lê Anh Tài đã trước tác trong hai thập niên 50 và 60 (*), con người muôn thuở với bản sắc duy linh, vẫn là đề tài chánh của Lê Anh Tài. Đó là một lối ảnh mô tả sinh hoạt nội giới mà chỉ có những nhiếp ảnh gia thành thật và sốt sắng mới thể hiện được trên mặt giấy lụa một lối ảnh dựa vào những cảnh “chẳng có gì” để ghi những ấn tượng nội quan thành tác phẩm, làm nhân chứng cho một thực hữu: tinh thần của linh trưởng nhân loại.

Sàigòn, tháng 12 năm 1969.

Bàng Bá Lân

(*) Và 50 bức hình Lê Anh Tài đã thu vào ống kính cảnh sắc Hà Nội và mấy vùng phụ cận trong thời gian 20 ngày (tháng 8 năm 2000) nhân dịp thăm lại cố hương mà nhiếp ảnh gia đã chào đời năm 1927.

(Trích Thi Sĩ Với Chiếc Máy Ảnh)

**************

Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh

nguyenngochanh

Nguyễn Ngọc Hạnh, sinh năm 1927 tại Hà Đông, Bắc Việt Nam. Ông phục vụ trong quân đội Pháp, sau đó chuyển qua binh chủng không quân thuộc quân lực Việt Nam vào năm 1950. Ông tốt nghiệp trường French Photography School tại Toulouse, Pháp năm 1956 và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

NAG Nguyễn Ngọc Hạnh thành lập KBC Photography Club ở Việt Nam năm 1957. Sau đó không lâu, vào năm 1961 ông được bổ nhiệm làm phóng viên chiến trường cho binh chủng không quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng được chọn là Honorary Representative to the Fédération Internationale de l’art photographique năm 1971.

Sau năm 1975, NAG Hạnh, cùng với rất đông đồng đội, đã bị giam giữ trong trại cải tạo cho đến năm 1983. Sau cùng, ông được trả tự do với sự can thiệp của Hội Đồng Ân Xá Đức Quốc (?) . Sau bốn lần việt biên, ông đã đến được Thai Lan và được cấp chiếu khán tị nạn chính trị bởi cơ quan UNHCR và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1989.

Năm 1990, NAG Hạnh thành lập hội Vietnam Photographic Association ở San Jose, California. Tiếp theo là sự ra đời của Vietnam Photographic Society of Northern California vào năm 2000. Qua nhiều năm, NAG Hạnh đã đào tạo được hàng trăm nhiếp ảnh gia và “người ảnh”. Một số đông học trò của ông đã đoạt được những bằng khen và chứng chỉ từ High Honor của Royal Photographic Society of Great Britain.

(Hình ảnh và tài liệu do NAG Nguyễn Ngọc Hạnh cung cấp)

*******************************

Nhiếp Ảnh Gia Vy Vy Trần

vyvytran

Là một nữ NAG tại hải ngoại, hiện đang được săn sóc và điều dưỡng tại French Park Care Center, Santa Ana, California USA nên Đặc San Việt Ảnh đặc biệt lưu tâm sự thành danh của bà đã đoạt được nhiều giải thưởng cao quý trong ngành ảnh cũng như sự đóng góp phát triển dòng Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật tại hải ngoại qua hội PSCVN do bà sáng lập. Việt Ảnh trân trọng giới thiệu NAG Vy Vy Trần đến thân hữu.

Tên thật là Bùi Thị Nhơn. Sinh năm 1949 tại Di Linh. Di tản sang Mỹ năm 1975. Chủ nhân “Vy Vy Trần Studio” tại thành phố Westminster, California, từ năm 1988-2003.

Sáng lập viên hội PSCVN (Photographic Society of California for Vietnamese) từ năm 2003 – hiện nay. Thành tích:

- “Top Ten Monochrome Exhibitors” tại Bắc Mỹ các năm 2001, 2002, 2003 và 2004.

- FIAP vinh danh huy chương “Chân Dung Nhà Nhiếp Ảnh” vì những đóng góp thực tế vào việc phát triển Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trên đất Mỹ, 28-8-2004.

- Hai huy chương vàng trong cuộc thi ảnh ICS Supreme Circuit 2000, Garden Grove Circuit do ICS tổ chức tại California năm 2000.

- Hai huy chương vàng, huy chương bạc và huy chương đồng FIAP năm 2000.

- Huy chương bạc cuộc thi ảnh Int’l Exhibit of Photography, Central Washington State Fair tổ chức tại Yakima, Washington. USA 2001.

- Huy chương vàng PSA cuộc thi ảnh Calgary Stampded, Alberta. Gia Nã Đại 2001.

- Huy chương vàng PSA cuộc thi ảnh Int’l Exhibition of Photography, Oregan State Fair tổ chức tại Oregon, USA.

- Huy chương vàng PSA cuộc thi ảnh tại Minneapolis – St Paul Print Circuit, Minesota. USA 2002.

- Huy chương vàng cuộc thi ảnh do The Central Washington State Fair Association tổ chức tại Yakima, Washington. USA 2002

- Huy chương đồng cuộc thi ảnh Minneapolis – St Paul Print Circuit 2002, Twin Cities Council of Camera Club tổ chức tại Minneapolis – St Paul, Minnesota. USA 2002. Hai sao PSA ảnh màu Pictorial 2002. Hai sao PSA ảnh đen trắng 2002.

Tài liệu do NAG Lê Ngọc Minh cung cấp.

Nguồn: https://ducvu96.wordpress.com/

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com