User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Phu nu 01
 
I. Truyền Thống của Người Đàn Bà Thuần Túy Việt Nam

Truyền thống cao quý của Người đàn bà thuần túy Việt Nam là coi trọng tiết nghĩa liêm sỉ, biết giữ mình, không để ai có dịp trêu ghẹo sàm sỡ, và luôn luôn trau giồi phẩm hạnh để được mọi người kính trọng. Khi đã lấy chồng rồi, người đàn bà Việt lại càng giữ gìn hơn nữa vì sợ mang tiếng với chồng và dầu sống chết thế nào cũng chỉ biết có chồng mà thôi:
 
Chưa chồng đi dọc đi ngang, / Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.
Có chồng như ngựa có cương, / Chua cay cũng chịu vui thương cũng nhờ.
Trăm năm lòng gắn dạ ghi, / Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.
Trăm năm ý quyết một lòng, / Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.
Dầu cho đá nát vàng phai, / Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào.
Chồng ta áo rách ta thương, / Chồng người điểm phấn tô hương mặc người.
Có chồng thì phải theo chồng, / Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
Đi đâu cho thiếp theo cùng, / Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ, /Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.  
Mặc ai ép nghĩa nài tình, / Phận mình là gái chữ trinh làm đầu.
Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng,/Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai.
Ai kêu, ai hú bên sông, / Tôi đang nấu nướng cho chồng tôi ăn.
 
Khi bị góa chồng, người đà bà Việt dù còn trẻ đẹp cũng tình nguyện thủ tiết với chồng. Có người bất đắc dĩ mà phải tái giá thì cũng tự thấy xấu hổ và bị làng nước khinh khi. Trong trường hợp không giữ được mình để bị chửa hoang thì thường phải trốn tránh đi nơi khác để tránh sự chê cười của hàng xóm láng giềng. Có chồng mà đi với giai thì bị nhà chồng đuổi đi và suốt đời bị khinh khi, không thể lấy ai được nữa, và khi chết xuống âm phủ phải bị cưa hai nấu dầu:

Con gái bỏ chồng theo trai, / Chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu.

Người đàn bà Việt thường cần cù chăm chỉ làm ăn trong việc ruộng vườn cũng như việc buôn bán để lo cho chồng con:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, / Chồng cầy vợ cay con trâu đi bừa.
Em thời canh cửi trong nhà, / Nuôi anh ăn học đăng khoa bảng vàng. 
Quanh năm buôn bán ở mom sông, / Nuôi nấng năm con với một chồng (Thơ Trần Tế Xương, “Đưa Cho Vợ”).
Đốt than nướng cá cho vàng, / Dành tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Uốn tay dệt vải cho ngoan, / Lấy tiền đóng góp việc quan cho chồng.

Đàn bà Việt đa số đều chu toàn mọi bổn phận của người con thảo, người vợ hiền và đảm đang, người mẹ giỏi, và là người công dân tốt:

Má ơi đừng đánh con đau, / Để con bắt ốc hái rau má nhờ.
Trời mưa cho lúa chín vàng, / Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm. 
Anh đi em ở lại nhà, / Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản nắng mưa, / Anh ơi anh liệu tranh đua với đời.
Tháng Năm gặt hái đã xong, / Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong thóc đầy, em xay, em giã, / Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều, / Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng.

Đàn bà Việt có giáo dục thường có những đức tính: hiền hòa, nhân đức, hiếu hạnh, mực thước, khôn ngoan, thủy trung, trinh tiết, biết kính cha mẹ, biết chiều chồng, nuôi con nên người, đối xử tốt với anh em họ hàng, và quán xuyến việc gia đình một cách chu đáo. Đấy là những bậc hiền phụ. Tuy nhiên, cũng có một thiểu số đàn bà Việt được coi là ác phụ. Số này rất ít.

II. Truyền-Thống Căn Bản của Đàn Bà Việt và Đàn Ông Việt

Trinh tiết là điều căn bản mà đàn bà Việt phải giữ. Trung hiếu là điều căn bản mà đàn ông Việt phải theo. Người ta lấy hai điều đó làm căn bản để đánh giá trị con người Việt rồi sau mới đến điều khác. Chính vì thế mà khi người đàn ông có vợ nọ con kia thì người ta vẫn chấp-nhận và tha thứ. Còn nếu người đàn bà có chồng mà đi với trai thì không ai tha thứ được.

Những câu ca dao nói về trung hiếu và trinh tiết của đàn ông và đàn bà Việt:  

Trai thì trung hiếu làm đầu, / Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình.
Đã sinh ra kiếp ở đời, / Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.
Gái thời trinh tiết lòng son, / Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.
Làm tài trai lấy năm lấy bảy, / Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Dù chàng năm thiếp bảy thê, / Cũng không tránh khỏi gái sề này đâu.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi, / Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Chồng giận thì vợ làm lành, / Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
Anh ơi đừng giận em chi, / Muốn lấy vợ bé em thì cưới cho.
Trồng trầu thì phải khai mương, / Làm thân hai vợ phải thương cho đồng. 

Trong bất cứ hoàn cảnh nào chăng nữa, trung hiếu và trinh tiết là điều quan trọng nhất của đàn ông và đàn bà Việt từ thời xưa cho đến cả thời nay trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Trai có trung hiếu, gái có tiết hạnh thì gia đình mới yên vui, đất nước mới có trật tự và thanh bình.

III. Vũ Phu và Ác Phụ

Tuy đa số những bà vợ và ông chồng người Việt đều là người tốt, nhưng vẫn có một thiểu số hư hỏng và bị gọi là “vũ phu”“ác phụ.” 

Những người chồng đánh vợ được xếp vào hạng vũ phu. Những người đàn bà có thái độ chua ngoa, cay độc, lẳng lơ, khinh chồng như chó, chửi con có ngành có ngọn, mắt quằm quặm như diều hâu, mồm toang toác như quạ, ghen tuông không biết điều, và lăng loàn đều được xếp vào loại ác phụ.

Bởi vì có trường hợp người vợ đảm và ngoan mà gặp phải người chồng vũ phu hoặc người chồng tốt mà gặp phải người vợ là ác phụ, nên mới có cảnh chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh vợ đánh con, và gia đình tan nát vì có người vợ lăng loàn trắc nết. Thường thì vũ phu gặp ác phụ vì vung nào úp nồi ấy. Chính vì thế mà có cảnh chồng đánh vợ và vợ chửi rủa chồng không thể nào tránh được. Đó là lỗi của cả hai bên:

Tại anh tại ả, / Tại cả hai bên, / Hai đàng cùng tại.

Để giúp cho những bà vợ tránh được các lỗi lầm, tiền nhân ta đã có luật “Thất Xuất.” Điều này có nghĩa là 7 (thất) điều cấm kỵ do tiền nhân đưa ra để bắt các bà vợ phải tránh hầu khỏi bị chồng đuổi đi (xuất): không có con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, và có ác tật. Nếu bà vợ nào có một trong 7 điều “Thất Xuất” này thì bị ông chồng đuổi ra khỏi gia đình. Tuy nhiên, tiền nhân ta lại còn cố giúp các cặp vợ chồng được yên ổn nếu bà vợ nào đã làm được 3 điều gọi là “Tam Bất Xuất” thì ông chồng không được phép bỏ vợ. “Tam Bất Xuất” gồm có: đã từng để đại tang (3 năm) cho nhà chồng, trước nghèo sau giàu, và không có chỗ nương tựa.

IV. Những Câu Ca Dao Củng Cố Hạnh Phúc của Đạo Vợ Chồng

Phần đông vợ chồng người Việt có giáo dục thì thương yêu nhau, tương kính như tân (“tân” nghĩa là khách), và lịch sự với nhau. Giáo dục ở đây không có nghĩa nói về học cao và bằng nọ cấp kia mà có ý nói về những người biết cách cư xử đúng đạo làm người.

Những người vợ Việt nam có giáo dục thì có thái độ như sau:

Chồng tới thì vợ phải lui, / Chồng tới vợ tới thì dùi vào lưng.
Giơ roi đánh thiếp sao đành, / Anh không nhớ thuở rách lành có nhau?
Chồng giận thì vợ bớt lời, / Cơm sôi bớt lửa không đời nào khê.
Ghe bầu trở lái về Đông, / Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.
Anh đi em ở lại nhà, / Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Vợ chồng là nghĩa già đời, / Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn.
Vợ chồng là nghĩa tào khang, / Chồng hòa, vợ thuận mà thường yên vui.

Những người chồng Việt có giáo dục thì rất cần kiệm, tuân giữ phép nước, chí thú làm ăn, lấy lễ nghĩa làm trọng, tính nết thực thà, trung hậu, khảng khái, chánh trực, can đảm, quả quyết, cố chí học hành, lập nghiệp, có tư cách, nghĩa khí, khoan dung độ lượng, thích làm việc nghĩa, hào hoa phong nhã, và thương vợ quí con, v.v.:

Làm trai chí ở cho bền, / Đừng lo muộn vợ, chớ phiền muộn con.
Làm trai có chí lập thân,/ Rồi ra gặp hội phong vân có ngày.
Làm trai quyết chí tang bồng, / Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
Làm trai cờ bạc thì chừa, / Rượu làng thì uống, rượu mua thì đừng.
Làm trai quyết chí tu thân, / Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Làm trai nết đủ trăm đường, / Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay.    

Muốn đời sống của vợ chồng có hạnh phúc thì vợ chồng phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, nhường nhịn nhau, lấy lời lẽ hơn thiệt ngọt ngào sửa chữa lỗi lầm cho nhau, tránh to tiếng và đánh đập nhau, giữ thể diện cho nhau để ý săn sóc và chiều sở thích của nhau, và vợ làm việc nọ thì chồng đỡ đần việc kia, v.v. 

Xấu chàng hổ thiếp.

Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.
Một câu nhịn là chín câu lành.
Đạo vợ chồng khó lắm bạn ơi, / Chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay.
Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay,/ Dầu làm nên võng giá hay rủi ăn mày cũng cứ theo nhau.
Đạo cương thường không phải như cá với tôm ,/ Đương mua mớ nọ lại chồm mớ kia.
Anh ơi anh ở lại nhà, / Anh đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời.
Còn tiền kẻ rước người mời, / Hết tiền chẳng thấy một người vào ra.
Ai ơi đừng phụ bát đàn, / Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày.
Đôi ta cố sức lên gềnh, / Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
Vợ chồng là nghĩa tào khang, / Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.
Mai sau dù có làm sao, / Cũng xin giữ trọn tình cao nghĩa dày (Thơ Khải Chính, “Từ Duyên Bằng Hữu Đến Nghĩa Tình.”)

Vợ chồng có hòa thuận, gia đình mới hạnh phúc, con cái mới thành người tốt, và nhiên hậu xã hội đất nước mới an vui. Có được việc hòa thuận này phần lớn là nhờ người đàn bà Việt Nam là những đấng hiền phụ. Khi chồng là đấng trượng phu và vợ là đấng hiền phụ thì không có cảnh xáo trộn trong gia đình:

Xét ra trong đạo vợ chồng, / Cùng nhau nương cậy để phòng nắng mưa.
Rương xe chìa khóa em cầm, / Giang sơn anh gánh, nợ nần em lo!
Đôi ta như rắn liu điu, / Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau.
Đôi ta là nghĩa tào khang, / Xuống khe bắt ốc lên đàng hái rau.
Đôi ta như thể con tằm, / Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.
Đôi ta như thể con ong, / Con quấn con quít, con trong con ngoài.
Đôi ta như thể con bài, / Chồng đánh vợ kết chẳng sai quân nào.
Đôi ta cố sức lên ghềnh, / Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
Đốn cây, ai nỡ đốn chồi, / Đạo chồng nghĩa vợ, giận rồi lại thương.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, / Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa.
 
 
Gửi ngày 5 tháng 5, 2004
Khải Chính Phạm Kim Thư
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com