User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Cuối cùng vì nạn dịch cúm Vũ Hán phát triển quá nhanh chóng và bất ngờ nên cuộc gặp gỡ nói về thơ tại San Jose đến giờ chót không thực hiện được. Có lẽ quyển "Một Lối Đi Riêng Vào Cõi Thơ" cũng nặng nợ đến dịch cúm nên trong 37 bài thơ bình giải trong quyển sách, có đến 3 bài liên quan rất gần với dịch cúm.
 
vinhdao1
 
Trước hết là bài "Hoàng Hạc Lâu" của thi sĩ nhà Đường Thôi Hiệu, là bài thứ nhì trong quyển sách. Lầu Hoàng Hạc nằm ở quận Vũ Xương, bên bờ sông Dương Tử. Một hôm Thôi Hiệu ghé qua đó ngắm cảnh, để lại bài thơ bất hủ:

"Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu…"

Nhà thơ đứng trên lầu thấy bên kia sông là hàng cây xanh mướt thuộc quận Hán Dương và bãi Anh Vũ cỏ xanh mơn mởn:

"Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu."

Quận Vũ Xương nơi có lầu Hoàng Hạc và quận Hán Dương bên kia sông là hai quận của thành phố Vũ Hán, trung tâm nạn dịch làm rung chuyển thế giới vào đầu năm 2020 này.

Lầu Hoàng Hạc từ lúc đầu, dưới triều Đông Ngô thời Tam Quốc đến nay đã bị phá hủy và xây lại trên 10 lần. Năm 1981 chính quyền tỉnh cho xây một tháp mới, nhiều tầng và rất đồ sộ, nhưng không còn ở bên bờ sông mà lui lại phía sau một cây số, đặt giữa một công viên, để thu hút du khách.

Nhưng hôm nay giữa nạn dịch, chắc hẳn không còn một du khách nào, lầu Hoàng Hạc nằm trơ trọi giữa một thành phố Vũ Hán vắng ngắt đến ghê hồn.

Bài tiếp theo trong quyển sách là bài bình luận một số trích đoạn trong tập "Chinh Phụ Ngâm" qua bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm.

Người thiếu phụ chờ chồng trong tập thơ "Chinh Phụ Ngâm" mòn mỏi đợi chờ từ tháng này qua năm khác, rồi tưởng tượng hẹn gặp chồng từ nơi này đến chốn khác. Rồi một lần:

"Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ,
Chiều lại tìm, nào thấy tiêu hao…"

Cầu Hán Dương lại cũng nằm ngay trung tâm dịch cúm Vũ Hán!

Trong các tấm ảnh dưới đây là lầu Hoàng Hạc được xây mới vào năm 1981. Đứng trên lầu có thể thấy chiếc cầu bắt qua sông Dương Tử, nối liền hai quận Vũ Xương và Hán Dương.

Bài thứ ba liên quan đến nạn dịch cúm là bài "Cầu Mirabeau" của thi sĩ Pháp Apollinaire.
 
vinhdao
 
Guillaume Apollinaire (1880-1918) là một thi sĩ lớn của Pháp của đầu thế kỷ XX. Mối tình nhiều sóng gió của ông với người yêu hoạ sĩ Marie Laurencin kéo dài 5 năm, từ 1907 đến 1912.

Khi mối tình chấm dứt, Apollinaire viết bài thơ "Cầu Mirabeau" là chiếc cầu bắt ngang sông Seine ông thường đi qua khi đến nhà người tình. Bài này là một trong hai bài thơ tiếng Pháp bình giải trong tập "Một lối đi riêng vào cõi thơ".

"Dưới cầu Mirabeau trôi dòng sông Seine
Và những cuôc tình chúng ta
Ta vẫn còn nhớ
Niềm vui sẽ đến sau cơn buồn phiền."

Trong thâm tâm nhà thơ vẫn mong ước một ngày sẽ nối lại cuộc tình, nhưng chỉ 6 năm sau đó, ông đã đột ngột lìa đời trong trận dịch cúm Tây Ban Nha, lúc mới 38 tuổi.

So với dịch Vũ Hán Covid-19 với 145.628 trường hợp bị nhiễm và 5.421 người chết, tính đến ngày 14 tháng 3, 2020, thì trận dịch toàn cầu gọi là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 trầm trọng hơn rất nhiều với ước lượng đến 1/3 dân số trên thế giới (vào khoảng 1,8 tỷ người vào lúc đó) bị nhiễm và số người chết từ 50 đến 100 triệu, tiếp theo số 20 triệu người chết vì chiến tranh trong Đệ nhất Thế chiến vừa xảy ra trước đó.

Vì nạn nhân dịch cúm quá lớn nên khó có được một số ước lượng chính xác hơn. Việc ước tính số nạn nhân vẫn còn tiếp tục cho đến năm 2018. Hầu hết các tài liệu đồng ý trên mức ước lượng từ 50 đến 100 triệu nạn nhân trên toàn cầu, riêng Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) đưa ra số 20 triệu người chết.

Ngay từ lúc đó đã có giả thuyết rằng vi khuẩn gây ra bệnh dịch này xuất phát từ Trung Quốc do sự tiếp cận giữa người và các loại chim. Nhưng sự bùng phát mạnh nhất của dịch, do một hình thức biến thể của vi khuẩn gốc, lại xảy ra trong một trại lính ở tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ, khi các binh lính chuẩn bị sang tham chiến tại châu Âu. Nhưng nạn dịch này lại mang tên là dịch Tây Ban Nha (Spanish flu – Grippe espagnole) vì báo chí đưa tin nhiều nhất về tình hình dịch tại nước này sau khi quốc vương Tây Ban Nha bị nhiễm bịnh.

Nhà thơ Pháp Apollinaire đã tử vong trong trận dịch này. Trong số các nạn nhân bị nhiễm bịnh còn có Frankz Kafka (nhà văn Tiệp Khắc, tác giả của truyện "Hoá Thân"), Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, và Frederick Trump, ông nội của đương kim Tổng Thống Mỹ.
 
Nạn dịch Vũ Hán xảy ra đúng 102 năm sau, mức độ chưa thể so sánh được với trận dịch cúm Tây Ban Nha một thế kỷ trước, nhưng đã gây ra một cuộc khủng hoảng thế giới do tốc độ lây lan rất dữ dội của nó. Song song với sự phát triển của nạn dịch trên khắp thế giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động một cuộc chiến tranh tuyền truyền nhằm chuyển hướng dư luận đặt nghi vấn là vi khuẩn xuất phát từ nước ngoài lúc đầu là Nhật rồi sau chỉ đích danh Hoa Kỳ. Chiến dịch này đã khởi đầu từ tháng 2-2020, đến ngày 19 tháng 3-2020 thì Zhao Lijian, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính thức nêu lên giả thuyết nguồn gốc từ nước ngoài của vi khuẩn Covid 19. Mọi nổ lực thông tin đều hướng tới việc làm cho mọi người quên đi là dịch cúm đã bùng nổ một cách dữ dội tại Vũ Hán. Lúc đầu thì gọi là dịch do vi khuẩn Corona, rồi dịch Covid 19, nhưng hãy gọi đúng tên của nó là dịch Vũ Hán.
 
Vinh Dao
Nguồn: Fb Vinh Dao

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com