User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

cadaomiennam

Vài ghi chú

Chúng tôi sưu tầm ca dao miền Nam (hò, vè, hát ru) với sự mong muốn tìm lại những câu ca lời hát của tổ tiên vùng "đất mới".

Tài liệu ca dao cả nước khá phong phú: từ những tập hàng mấy trăm trang tới những trang web với hàng ngàn bài ca dao. Chúng tôi cố gắng lọc lừa từ trong những tài liệu nầy những bài ca dao của miền Nam, nhưng chắc chắn sẽ không tránh khỏi lầm lẫn vì nhiều lý do. Mong quý vị và các bạn bổ túc.

Sau đây là một số bài ca dao miền Nam đã được chọn ra từ quãng 18000 "bài" trong các tài liệu tìm được, thêm vào đó một số bài ghi lại từ ký ức. Hiện chúng tôi còn một số bài chưa thẩm xét (quãng 10000 bài) nhưng nghĩ rằng số lượng độ 2400 bài ca dao "gọi là" miền Nam đó, quí vị độc giả có thể làm nền tảng để nếu cần bổ túc hoặc loại ra (nếu sai).

Ở đây chúng tôi ghi nhận ý kiến của 2 bằng hữu Trần Minh Khôi và Hồ Đắc Nhơn vể từ ngữ "Chợ Dinh": Có phải bài

Đố ai con rít mấy chưn,
Cầu Ô mây nhịp, chợ Dinh mấy người 

là một bài ca dao miền Nam hay không. Sự thật nếu cố tình giải thích, "Chợ Dinh" có nhiều nơi trong thời kỳ Nam tiến ở miền Nam, ít nhứt hiện nay còn một chợ Dinh ở miền Nam, nhưng cầu Ô thì... có lẽ chỉ có ở Bình Định. Dù vậy, bài ca dao "Đố Ai..." đã phổ biến ở miền Nam bằng nguyên văn, chớ không là bản "cải biên", sâu xa đến nỗi khó có nơi nào trẻ con không nghe hay không biết, thì... ta tranh nhau làm gì về xuất xứ bài ca dao đó. Đã là văn hóa truyền khẩu, ca dao dễ dàng vượt biên giới không chứng tích, việc Nam kỳ hóa ca dao miền Trung là một đề tài với vô số dữ liệu.

Chúng tôi không có tham vọng làm một tự điển cho ca dao miền Nam. Dù vậy, những chỗ sai, những chỗ thiếu sót cần được bổ túc, chúng tôi rất mong được nghe lời chỉ bảo của quý vị.

Những bài ca dao nầy được xếp theo mẫu tự. Cách xếp nầy sẽ giảm sự trùng hợp hơn xếp theo đề tài, nhưng với một số lượng khá lớn cũng không tránh khỏi. Đó là trường hợp có hay không có loại từ ở đầu câu (con, cái, ...), đó là trường hợp thay đổi cách xưng hô cho cùng một câu ca dao (anh/em, qua/bậu, người/ta ...), đó là trường hợp thay đổi câu xướng (thí dụ dùng "chim quyên..." để thay cho "trăng lên khỏi núi...").

Một điểm cần phải đặt ra là ở trường hợp xếp theo mẫu tự, có thể xảy ra, khi tìm không ra bài ca dao, như trường hợp sau:

"Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng"

Văn sĩ, cựu quân nhân, Trần Bạch Đằng ghi thay vì "trồng trầu", "lập vườn". Bằng hữu Lâm Văn Bé cũng đồng ý với TBĐ trong "Người Nam Kỳ", khác với ký ức của người sưu tầm. Đặng Như Tây (Mười Tám Thôn Vườn Trầu, ĐNCL số 2) ghi lý do vì sao "trồng trầu thì phải khai mương". Trồng trầu hay lập vườn đều có ý nghĩa tuỳ hoàn cảnh nông nghiệp của từng vùng miền Nam của đất nước. Nhưng - trồng trầu hay lập vườn - là điều khó khăn khi sắp xếp theo mẫu tự.

Nguồn những tài liệu được ghi sau có tối thiểu là 10 bài ca dao được chọn. 

[1] Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt nam, in lần thứ 8, 1977.
[2] Lư Nhất Vũ; Lê Giang; Lê Anh Trung: Hò Nam bộ (Vidéo)
[3] Lê Giang: Bộ hành với ca dao. NXB Trẻ, 2004.
[4] Ghi lại từ ký ức Phan Tấn Tài; Đỗ Thanh Vân
[5] Nguyễn Đăng Thục: Tư tưởng Việt Nam, NXB Khai Trí, 1964
[6] Minh Hương: Hoa đồng cỏ nội, 1962.

dulichsongnuocmientay

Động cơ để chép lại ca dao miền Nam 

Đi tìm lại quê hương, tìm lại ông bà của vùng đất mới là để tham nghiệm một cách cô đọng ca dao miền Nam, vốn là thiểu số trong kho tàng ca dao của cả nước, là để tránh hoàn cảnh đọc mà phải suy xét liệu câu ca dao này có phải là của miền Nam hay không. Tìm lại quê hương qua muông thú, qua cây cỏ, qua côn trùng - mà một phần đã bị tuyệt chủng sau nhiều trăm năm -, qua cách ăn nói, cách thổ lộ tâm tình... trong đời sống người bình dân miền Nam. Tìm lại ông bà qua những phong tục, những lối tự trào - đôi khi chua chát hoặc đau đớn nhưng vẫn không giấu giếm -, qua những sự quan sát thiên nhiên một cách tinh tế, những cách phát biểu hầu như vô nghĩa nhưng thâm trầm ...

Những trở ngại

Lượm lặt những bài ca dao của miền Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn, trừ những bài có mang địa danh hay kể một biến cố nào đó của miền Nam và trừ những bài luân lý có giá trị cho cả nước. Đó là trường hợp căn cứ theo từ ngữ hoặc cú pháp để lượm lặt. Bợ ngợ khi chọn lựa nếu phải dùng từ ngữ để "nhận diện" một bài ca dao:

1) Vì ca dao là một dạng văn hóa truyền khẩu cho nên dễ vượt biên giới, mà khi đã vượt biên giới từng vùng của đất nước lại được thay đổi (cải biên).

2) Từ ngữ của vùng gốc, chủ yếu Thuận Quảng, được bảo tồn ở vùng đất mới - nhứt là ở thôn quê - đưa tới hoàn cảnh nhiều bài ca dao của miền Nam dùng từ ngữ miền Trung.

3) Từ ngữ đặc biệt nhưng được dùng nhiều vùng của đất nước, điển hình là chữ "tui" (tôi) (vừa được dùng ở miền Trung và ở đồng quê miền Nam).

4) Người đi ghi chép ca dao đã "cải biên" một số từ ngữ, bình thường là để chính mình hiểu hay vì tự nghĩ rằng những từ cải biên sẽ "hay" hơn, "đúng" hơn hoặc "hợp lý" hơn nên đưa tới hoàn cảnh một số bài của miền Nam được diễn tả bằng từ ngữ của miền Bắc. Trường hợp này nếu không được ghi rõ là ca dao miền Nam thì số bài đó sẽ không được chọn.

5) Về phần chủ quan: vì đã quen dùng từ ngữ chung của cả nước, vì quen với cú pháp, với ngôn từ miền Bắc, miền Trung nên khi chọn lựa không tránh khỏi bỏ sót lại (hay giữ lại) một số ca dao của hai vùng này.

Sắp xếp

Như đã đề cập, những bài ca dao được xếp theo mẫu tự để giảm thiểu sự lập đi lập lại, nhưng có một số bài được ghi chung với nhau hoặc vì cùng nghĩa, hoặc vì thể nhập tương tự. Kết quả là số lượng quãng 2400 bài được lựa chọn, gom lại thành 1400.

Sau đây 2 thí dụ:

– Đèn nào cao cho bằng đèn ông Chánh, 
Bánh nào trắng cho bằng bánh bò bông.
Anh thương em từ thuở má bồng,
Bây giờ em lớn, có (lấy) chồng bỏ anh.

(Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Anh thương em từ thuở má bồng
Bây giờ em khôn lớn lấy chồng bỏ anh.)

(Đèn nào cao bằng đèn Ông Chánh,
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông,
Trách ai ăn ở hai lòng,
Sang sông rồi nỡ quên công người chèo.)

(Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, 
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang,
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ,
Em có chút mẹ già biết bỏ ai nuôi.)...
 
cheoghe
 
Chim khôn kiếm nơi mà đậu,
Gái khôn chọn nơi nhân hậu mà nhờ.
Đừng ham lấy công tử bột dật dờ tấm thân.

(Con chim khôn kiếm cành xanh mà đậu
Gái khôn kiếm trai đôn hậu làm chồng
Cô bác xa dòm ngó nói phụng với rồng sánh đôi.)

(Chim khôn kiếm nơi lùm xanh nó đậu
Gái như em sao không kiếm nơi nhân hậu làm chồng
Thả chi theo đàng điếm đứng đường hư thân.)

(Chim khôn kiếm lùm cây mà đậu
Gái khôn kiếm thằng chồng nhậu mà nhờ
Mai sau nó chết bụi chết bờ khỏi chôn.)

(Chim khôn thì kiếm cây lành mà đậu,
Còn gái khôn thì kiếm trai ăn nhậu mà nhờ.
Ngày sau chết bụi chết bờ khỏi chôn.)

Vì ca dao không có xuất xứ và là loại văn hóa truyền khẩu, nên không thể đặt vấn đề nguyên bản hay phiên bản, chúng tôi, vì thế, ghi lại tất cả các cách phát biểu như trên, không đánh giá mà cũng không đặt vấn đề chính phụ. Cuối thí dụ thứ nhì chúng tôi có ghi thêm phần "xuống vọng cổ" và câu đầu của 1 bài thơ kháng chiến (Thơ say, với mục đích chống rượu chè) để so sánh với bài trước đó.

"Thơ kháng chiến""hò lơ" là hai phương cách truyền thông có nhạc phụ họa của ca dao miền Nam. Âm điệu và tiết tấu của thơ kháng chiến đã được nhạc sĩ Anh Việt Thu ghi trong phần nhập của bản Tám Điệp Khúc, Hò Lơ được hai nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và Phạm Duy ghi thành nhạc. Trong khi Hò Lơ có thể sử dụng những bài 6-8 của ca dao để trình bày - thường dưới dạng tập thể - thì trái lại thơ kháng chiến là loại thơ 8-6 (khởi bằng câu 8 và kết bằng câu 6) có phần nói lối và xuống câu như hát vọng cổ, được sáng tác (vô danh) thời kháng chiến. Rất tiếc hiện chưa tìm được tài liệu về thơ kháng chiến, trong phần sưu tầm chỉ có 2 bài ghi lại từ ký ức về loại này.



Phan Tấn Tài

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com