
Muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc con người phải lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, nói nôm na là làm việc. Trong việc làm,người ta phải bỏ ra công sức mới có kết quả, chứ không bao giờ tự nhiên mà có:
“Có vất vả mới có thanh nhàn
Ngồi không ai dễ cầm tàn che cho.”
“Có làm thì mới có ăn
Ngồi không ai dễ đem phần tới cho.”
Muốn có đời sống thanh nhàn, ấm no, hạnh phúc, con người phải lo liệu ngay từ bây giờ mà không do dự, chần chờ:
“Bây giờ chẳng liệu thì quê
Mai sau cùng túng không nghề làm ăn.”
Người ta thường nói:
“Ăn không biết lo, của kho cũng hết.”
Cho nên không gì bảo đảm bằng có một nghề chuyên môn:
“Ao sâu ruộng đất bề bề
Không bằng tinh xảo một nghề trong tay.”
“Của rề rề không bằng có một nghề trong tay.”
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.”
Nghề nào cũng phải có sự chuyên cần mới thành công:
“Trăm năm như cõi trời chung
Trăm nghề cũng phải có công mới thành
Cứ trong gia nghiệp nhà mình
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn
Chữ rằng “ tiểu phú do cần“
Còn như đại phú là phần do thiên
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen
Còn như lộc nước, có phen dồi dào.”
Chăm nom săn sóc công việc trong nghề cũng như việc cửa nhà:
“Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh coi sóc cửa nhà làm ăn.”
Tác phong làm việc đã được kế thừa từ giáo dục gia đình:
“Ra đi mẹ đã dặn rằng
Không làm thì đứng, đừng ngồi khó coi.”
Truyền thống đạo lý từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức con người, tạo thành đức tính thể hiện ra trong mọi sinh hoạt kể cả trong việc làm ăn:
“Sông Cửa Đại hai chiều nước chảy
Gái Bình Đại chẳng ngại gian nan
Quý thay những tấm lòng vàng
Làm ăn chất phác, đảm đang mọi điều.”
(Hai chiều nước chảy: biểu hiện triết lý lưỡng hợp thái hòa)
Theo tinh thần của Đạo ông bà và triết lý lưỡng hợp thái hòa thì sự hòa thuận trong gia đình là yếu tố thúc đẩy việc làm ăn đưa đến đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tạo thịnh vượng cho xã hội, đất nước:
“Vợ chồng là nghĩa tào khang
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui
Sinh con mới ra thân người
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.”
Môi trường sống rất quan trọng trong việc làm ăn, nơi nào có điều kiện thuận lợi thì thu hút con người đến lập nghiệp:
“Ai về Nhượng Bạn thì về
Gạo nhiều cá lắm dễ bề làm ăn.”
“Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.”
“Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi
Ai có về Siạ với tôi thì về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn.”
Tình trạng xã hội trong phạm vi cả nước có tác động trên công việc làm ăn còn lớn hơn cả môi trường sống của từng địa phương:
“Từ ngày Tự Đức lên ngôi
Cơm chẳng đầy nồi, trẻ khóc như ri
Bao giờ Tự Đức chết đi
Thiên hạ bình thì mới dễ làm ăn.”
(Bình thì là thời bình và cũng là tên húy của vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Thì)
Sau đây là một số nghề nghiệp đã được ca dao ghi lại có liên hệ với tâm tình của con người bình dân.
Nghề đánh cá
Nước Việt Nam có biển Đông với bờ biển dài trên 3000 cây số, có nhiều sông, cho nên nghề đánh cá rất đáng kể thường hợp thành làng chuyên nghiệp:
“Yến đâu văng vẳng trên cao
Lửa chài soi bóng Cù Lao trước thuyền
(Hòn Cù Lao: làng đánh cá ở Nha Trang)
“Tháng Ba nước trong ai ơi
Nhịn cơm nhường mặc mà nuôi bạn cùng.”
(Tháng Ba nước trong không có cá, chủ ghe cá phải tiết kiệm để chia sẻ cơm áo với những người bạn cộng tác theo ghe)
“Tháng Tám đâm chèo vô bụi.”
(Tháng Tám: mưa bão, gác chèo mà nghỉ)
Nghề biển ngày xưa rất nguy hiểm vì thuyền nhỏ, mà thường có sóng to, gió lớn.
Cho nên vợ của những người làm nghề này thường lo âu, mong cho có gió đông, thuận buồm xuôi gió cho chồng mau trở về:
“Trông trời cho chóng gió đông
Cho thuyền được gió, cho chồng tôi về.”
Bài ca dao sau đây giới thiệu một làng đánh cá lừng lẫy khi xưa:
“Tiếng đồn lừng lẫy ba trang
Ra khơi vào lộng đâu bằng Lộc Châu
Lộc Châu nghề biển làm đầu
Lại còn buôn bán làm giàu ăn chơi.”
Nghề buôn bán
Vì có biển, lại có nhiều sông ngòi nên việc đi buôn bán bằng thuyền bè rất thuận tiện. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ làm giàu, mà cũng có lúc bị ế ẩm:
“Bìm bịp kêu nước bên sông
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê.”
Tuy nhiên, nói chung thì nghề buôn bán phổ biến khắp nơi:
“Yên Phụ buôn bán dưới thuyền
Xuống đò Phố Mới bán than, quạt, trà.”
Đặc biệt ở miền Nam, với sông Tiền Giang, Hậu Giang thuyền bè buôn bán tấp nập:
“Sông Tiền sông Hậu cùng nguồn
Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu.”
Cảnh buôn bán khắp nơi nhộn nhịp, luôn luôn có kẻ vào người ra:
“Nha Trang đến Chụt không xa
Kẻ vô mua nệm, người ra bán buồm.”
Có lẽ việc buôn bán ngày xưa có tính cách di động, thường phải đi xa, cho nên mới có lời kêu gọi như sau:
“Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về.”
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày lễ hội thì về quê hương.”
Ở những nơi có nghề vải, lụa, một khi đã sản xuất ra nhiều sản phẩm thì phải đem đi bán, cho nên hai nghề này thường đi đôi với nhau:
“Thanh Trì buôn bán mọi nơi
Đồng Nhân, Thúy Ái là nơi chăn tằm.”
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Kẻ Cát với anh thì về
Kẻ Cát buôn bán trăm nghề
Có hoa thiên lý, có nghề vải con.”
Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, điều cần nhất là bền chí, gắng công:
“Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây
Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn
Đi buôn không lỗ thì lời
Có công bền chí, có thời phát to.”
Có rất nhiều người cảm thấy vui thú trong nghề buôn bán:
“Ước gì mình lấy được ta
Để cùng buôn bán chợ xa, chợ gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Kẻ buôn người bán xa gần thảnh thơi.”
Thợ mộc, thợ nề
Ngày xưa chưa có xưởng mộc, thợ mộc đóng bàn ghế tại nhà và có khi đi khắp nơi để tìm kiếm việc làm:
“Ai đi lạc xạc ngoài rào
Phải ông thợ mộc quảy bào quảy cưa
Có ai đi sớm về trưa
Phải ông thợ mộc quảy cưa quảy bào.”
Nhiều địa phương có thợ mộc khéo tay nghề:
“Đồn rằng thợ mộc Thanh Hoa
Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay.”
Những thợ có tay nghề vững chắc, khéo léo đều được trọng vọng, bảo đảm cuộc sống ấm no:
“Có phúc thợ mộc, thợ nề
Vô phúc thầy đề, thầy thông.”
“Lấy chồng thợ mộc sướng sao
Mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm
Vỏ bào còn nỏ hơn rơm
Mạt cưa rấm bếp còn thơm hơi trầm.”
“Đưa tay hốt nắm dăm bào
Hỏi thăm anh thợ cả bữa nào hồi công?
- Không mai thì mốt hồi công
Cảnh đất Hàn em ở, chốn Kim Đồng anh lai.”
So với thợ mộc thì thợ nề trông lem luốc hơn:
“Ăn ngủ bẩn như thợ nề
Chỗ ăn chỗ ở như dê nó nằm
Hẹn ngày hẹn tháng hẹn năm
Bao giờ hết hạn thì nằm mới yên.
Nghề rèn
“Đồ mặc thì đến phó may
Bao nhiêu đồ nát tới tay thợ rèn.”
Nghề nào cũng phải chuyên cần và phải có khách đặt hàng thì mới khá:
“Nghề rèn đỏ lửa còn tiền
Nguội lò tắt lửa phụt đèn hết tiêu.”
Nói chung thì nghề nào cũng có lúc vinh quang:
“Muốn ăn cơm trắng cá chim
Thì về thụt bễ đi rèn với anh.”
“Muốn ăn cơm trắng cá thèn
Thì về Đa Bút đi rèn với anh
Một ngày ba bữa cơm canh
Tối về quạt mát cho anh ngồi rèn.”
Nghề sản xuất đồ gốm, lò vôi...
“Chợ Gốm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiện đàng ghé lại Cảnh An
Mua thêm chiếc võng cho nàng đưa con.”
“Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã.”
Nghề gốm bền vững do người dân luôn luôn có nhu cầu, cho nên trai gái căn cứ vào đó mà thề thốt:
“Chừng nào lò gốm hết trã hết nồi
Em đây hết đứng hết ngồi với anh.”
Lò vôi sản xuất vôi phục vụ xây cất. Vôi cũng được dùng để ăn trầu trong một hỗn hợp vôi, trầu, cau. Tục ăn trầu có liên quan đến hôn nhân, giao tiếp giữa trai gái, cho nên hai câu ca dao sau đây đã lấy cảm hứng từ ngọn gió thổi qua lò vôi:
“Hiu hiu gió thổi lò vôi
Ai đưa tin cho bạn: tôi có đôi mà bạn buồn.”
Nghề làm giấy
Nghề làm giấy thủ công đã có từ lâu ở nước ta:
“Làng Nghè lập được trống quân
Ngoài Bưởi seo giấy cho dân học hành.”
“Người ta bán vạn buôn ngàn
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin Nho sĩ chớ cười
Công em khó nhọc, giấy người viết thư.”
“Người ta đúc tượng làm chùa
Còn em làm giấy bốn mùa chẳng ngơi
Dám xin sư bác chớ cười
Vì em làm giấy cho người chép kinh.”
Nghề làm bánh mứt
Nghề làm bánh, mứt, kẹo cũng khá phát đạt, cung cấp chất ngọt cho mọi người, nhất là vào những dịp giỗ trong gia đình hay dịp Tết, ngày Rằm:
“Nào nghề bánh trái cũng là
Đến khi kỵ chạp trong nhà càng hay.”
Những nơi đã có nhiều nghề rồi, cũng cần có nghề làm bánh mứt:
“Nội Am là chính quê em
Bện thừng, đẽo guốc đã quen lắm rồi
Lại còn nổi tiếng khắp nơi
Làm bánh mứt kẹo ăn chơi Tết, Rằm.”
Nghề dệt chiếu
“Chồng chuồi vợ dệt chiếu hoa
Tay trao khổ dệt đôi đà đáng đôi.”
“Em đang dệt chiếu hồi văn
Nghe anh có vợ em quăng con chuồi.”
Nghề dệt vải, lụa
Nghề dệt vải, lụa rất phù hợp với phụ nữ ngày xưa, cho nên đó là đề tài không thể thiếu trong ca dao:
“Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi dệt vải vẫn trông ngóng chàng.”
“Đố ai dệt vải đừng go
Nấu cơm đừng lửa, anh cho nén vàng.”
“Ai kêu ai hú bên sông
Tôi đang dệt vải trên mông
- Đừng kêu đừng hú đừng trông
Tui đang vá áo cho chồng tôi đây.”
(Mông: bàn dệt)
“Ru con con ngủ cho say
Để u dệt vải cho dầy nhuộm nâu
Cắt quần cắt áo u khâu
Để thầy con mặc cày bừa mùa chiêm.”
Nguyên liệu để dệt vải là bông vải lấy từ cây bông:
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Em giỏi cấy lúa, anh rành trồng bông
Mai đây lúa chín vàng đồng
Bông nở trắng vườn thì thử ai hơn.”
“Tơ tằm làng Hồng
Làng Vạc trồng bông.”
Nếu bông cung cấp cho nghề dệt vải thì tơ tằm cho nghề dệt lụa:
“Ngó qua bên kiểng Tô Châu
Thấy em dệt lụa, trên đầu giắt trâm.”
Nghề dệt lụa cần có nương dâu, tơ tằm:
“Đặng Sơn người đẹp nước trong
Dâu non xanh bãi, tơ tằm vàng sân.”
Kinh nghiệm dâu tằm:
“Một nong tằm bằng năm nong kén
Một nong kén bằng chín nén tơ
Dâu không kịp đốn tháng ba
Vượt cơn gió rét, ấy là dâu xuân.”
Lụa là mặt hàng rất được ưa chuộng:
“Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc áo lụa Hạ, uống nước chè Hương Sơn.”
“Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
Lụa này thật lụa cố đô
Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.”
Nghề nghiệp địa phương
Nghề nghiệp ngày xưa thường có tính cách gia truyền, cho nên nghề nghiệp cũng mang tính địa phương:
“Cô kia thắt dải lưng xanh
Có về Chuyên Mỹ với anh thì về
Chuyên Mỹ có đất có nghề
Có sông tắm mát, có nghề khảm trai.”
“Đất ta là đất làm thừng
Trăm chắp nghìn nối xin đừng quên nhau.”
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Đình Bảng với anh thì về
Đình Bảng có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề nhuộm thâm.”
“Làng anh rặt thợ kim hoàn,
Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay.”
“Làng Gạ thì giỏi chăn tằm,
Làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền.”
“Làng Mơ thì bán rượu tăm,
Sở Lờ cua ốc quanh năm đủ đời.”
“Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ,
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương.”
Có điều rất đặc biệt là cách phân chia các gian hàng theo sản phẩm riêng biệt từng ngành nghề trong thành Thăng Long theo ba mươi sáu phố phường:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn...
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ...”
(36= 4x 9= 4x3x3 qui về cặp huyền số 4-3 vuông - tròn của Việt lý )
Nghề văn, nghiệp võ
Quan niệm giáo dục thường được nghe nói đến khi xưa:
“Con ơi, muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.”
Hình ảnh sinh hoạt thơ mộng của đôi vợ chồng trẻ:
“Em ngồi canh cửi trong khung
Anh đến ngồi học cùng chung một đèn
Sáng trăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.”
Nàng khuyến khích chàng chăm lo việc học:
“Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.”
Chàng hứa đền ơn, đáp nghĩa:
“Bao giờ anh chiếm đặng bảng vàng
Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong.”
Đối với người vợ lo cho chồng theo đuổi việc đèn sách thì có niềm vui nào hơn được tin chồng vinh quy bái tổ:
“Chi ngon bằng gỏi cá nhồng
Chi vui bằng được tin chồng vinh quy”
Ngày chồng nhận áo gấm về làng thật là ngày vinh quang biết bao:
“Mai này bái tổ vinh quy
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.”
Đó là nghiệp văn, còn nghề võ cũng không thể thiếu được khi phải cần nên ra tay kiếm tay cờ . Trong nước, có những địa phương có truyền thống võ thuật nổi tiếng:
“Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết múa roi đi quyền.”
“Sinh ra trên tổng Đông Ngàn
Không ham vật võ, khó làm thân trai.”
Nghề văn, nghiệp võ đều được coi trọng, tuy nhiên theo truyền thống của văn hóa nông nghiệp, chuộng hòa bình thì nghề văn có phần được chuộng hơn:
“Quan văn lục phẩm thì sang
Quan võ lục phẩm thì mang gươm hầu.”
Tình trạng giá trị giữa các bộ trong triều đình khi xưa:
“Nhất thì bộ Lại, bộ Binh
Hai thì bộ Hộ, bộ Hình cũng xong
Thứ ba thì đến bộ Công
Còn như Bộ Lễ, lạy ông xin hàng!”
(Bộ Lại: Nội vụ, Binh: Quốc phòng, Hộ: Kinh tế, Hình:Tư pháp, Công: Công chánh, Lễ: văn hóa giáo dục ít bỗng lộc nhất )
Tại sao trọng văn khinh võ mà bộ Lễ lại bị coi nhẹ. Điều mâu thuẫn này có thể được giải thích như sau: Trọng văn là do truyền thống văn hóa nông nghiệp từ xưa còn tiềm ẩn trong tiềm thức cộng thông của dân tộc, mà cho đến bây giờ, sau hơn ngàn năm bị đô hộ, đất nước vẫn là đất nước nông nghiệp, nhưng văn hóa thì bị tha hóa rất nhiều,nhất là ở chốn cung đình, nơi mà bã danh lợi đã làm đảo lộn thang giá trị truyền thống của dân tộc:
“Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.”
(Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều)
Việc không coi trọng bộ Lễ này có nhiều lý do, nhưng cái lý do chính là cái văn hóa tự thân của dân tộc đã bị văn hóa nô dịch che lấp đến chỗ ngộ nhận:
“Ba năm hạc đáo về đình
Không cho hạc đậu tức mình hạc bay.”
Hạc là loài chim quý, là biểu tượng cho Tiên, cho Lạc Việt, dòng giống Lạc Hồng, cho nên văn hóa Việt truyền thống có khuynh hướng tự do khai phóng như loài hạc bay cao. Hậu quả của văn hóa nô dịch đã làm cho con người ngộ nhận, nên xua đuổi hạc bay đi. Biết đến chừng nào hạc mới được đón về ngôi đình làng như xưa?
(Trích trong Ca Dao- Con Đường Văn Hóa Việt)
Nguyễn Văn Nhiệm (Germany)