.
Thỉnh thoảng trên làng lưới thấy có xuất hiện một vài bài thơ làm theo thể Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật, và có cả Họa Thơ nữa, nhưng chữ nghĩa phong phú thì cũng có, mà nhiều khi có bài thơ hoặc họa thơ không được đạt cho lắm, khiến người đọc thấy dường như thiếu mất hồn thơ, đâm ra buồn buồn chán chán làm sao… Nay xin phép được lạm bàn một đôi điều lẩm cẩm về thể thơ này, và cũng xin các bậc cao minh chỉ điểm thêm cho.
Theo Giáo Sư Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu từ trang 123 đến một số trang tiếp theo, có nói rõ:
“Lối thơ Đường Luật Bát cú là lối chính và thông dụng nhất, vậy ta hãy xét phép tắc lối ấy trước. Trong lối thơ Đường luật có năm điều này phải xét:
Vần; 2.) Đối: 3.) Luật; 4.) Niêm; 5.) Cách Bố Cục.
“Vần Thơ.- A) Định nghĩa.- Vần (chữ nho là Vận) là những tiếng thanh âm hòa hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hưởng ứng nhau.
“B) Cách gieo vần.- 1) Thơ Đường luật thường dùng vần bằng; gián hoặc mới dùng vần trắc.
Suốt bài thơ Đường luật chỉ hiệp theo một vần, tức là theo lối độc vận.
Trong một bài bát cú có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và các câu chẵn.
“C) Lạc vận và cưỡng áp.- Gieo vần sai hẳn, không hiệp nhau gọi là lạc vận (lạc: rụng). Nếu gieo vần gượng không được hiệp lắm thì gọi là cưỡng áp (đặt gượng), đều không được cả.
“Phép đối trong thể thơ .- A) Định nghĩa.- Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
*- Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
*- Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối nhau (như cùng là hai chữ danh từ, hoặc động từ, vv..)
*- Những câu phải đối trong một bài thơ bát cú.- Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, còn bốn câu giữa thì câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.
“Luật thơ .- A) Định nghĩa.- Luật thơ là cách sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu của một bài thơ.
“B) Tiếng bằng và tiếng trắc .- Muốn hiểu luật thơ, phải biết phân biệt tiếng bằng tiếng trắc. Bằng (chữ nho là Bình) là những tiếng lúc phát ra bằng phẳng đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) là những tiếng khi phát ra hoặc tự thấp lên cao hoặc tự cao xuống thấp.
“Trong tiếng ta có tám thanh thì có hai thanh bằng và sáu thanh trắc. Các thanh ấy liệt kê trong cái biểu sau này:
Loại thanh | Tên các thanh | Dấu của thanh | Chua thêm |
Bằng |
Phù bình thanh Trầm bình thanh |
Không có dấu Dấu huyền ( ` ) |
|
Trắc |
Phù thượng thanh Trầm thượng thanh Phù khứ thanh Trầm khứ thanh Phù nhập thanh Trầm nhập thanh |
Ngã ( ~ ) Hỏi ( ? ) Sắc ( á ) Nặng ( . ) Sắc ( á ) Nặng ( . ) |
Riêng cho các tiếng đằng sau có phụ âm c, ch, p, t |
“C) Luật bằng và luật trắc.- Thơ có thể làm theo hai luật:
Luật bằng là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng; Luật trắc là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc.
“D) Các luật thơ.- Nay liệt kê các luật thơ thông dụng như sau (B = tiếng bằng); T = tiếng trắc; v = tiếng vần; những chữ in lối chữ nghiêng là phải theo đúng luật; những chữ in thường thì theo đúng luật hoặc không theo đúng luật cũng được, (theo cái lệ “bất luận” sẽ nói sau);
I.- Luật Bằng Vần Bằng II.- Luật Trắc Vần Bằng
Thất ngôn bát cú Thất ngôn bát cú
Câu 1] B B T T T B B (v) T T B B T T B (v)
- 2] T T B B T T B (v) B B T T T B B (v)
- 3] T T B B B T T B B T T B B T
- 4] B B T T T B B (v) T T B B T T B (v)
- 5] B B T T B B T T T B B B T T
- 6] T T B B T T B (v) B B T T T B B (v)
- 7] T T B B B T T B B T T B B T
- 8] B B T T T B B (v) T T B B T T B (v)
“E) Bất luận và khổ đọc .- Vì sự theo đúng luật bằng trắc như trên đã định là một việc rất khó, nên có lệ bất luận (không kể), nghĩa là trong câu thơ có một vài chữ không cần phải đúng luật.
“Trong bài thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba, và thứ năm không cần dùng đến luật: tức là nhất, tam, ngũ bất luận.
“Tuy theo lệ bất luận có thể thay đổi luật mấy chữ trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, chứ đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp sự thay đổi ấy làm cho câu thơ thành ra khổ độc (khó đọc) không được. Những trường hợp ấy là: Trong bài thơ thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các câu lẽ đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
“F) Thất luật .- Một câu thơ đặt sai luật nghĩa là một chữ đáng bằng mà đổi ra trắc hoặc trái lại, thế thì gọi là thất luật (sai mất luật) không được.
“Niêm.- A) Định nghĩa.- Niêm (nghĩa đen là dính) là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc.
“B) Những câu niêm với nhau trong một bài thơ bát cú .- Trong một bài thơ bát cú (xem lại biểu các luật thơ ở trên) những câu sau này niêm với nhau: 1 với 8 .- 2 với 3 .- 4 với 5 .- 6 với 7 .- 8 với 1.
“C) Thất niêm .- Khi các câu trong một bài thơ, vì sự đặt sai, không niêm với nhau theo lệ đã định; thì gọi là thất niêm (mất sự dính liền) không được.
“Cách bố cục .- Một bài thơ bát cú có bốn phần:
Đề gồm có phá đề (câu 1) là mở bài, và thừa đề (câu 2) là nối câu phá mà vào bài.
Thực hoặc Trạng (hai câu 3 - 4) là giải thích đầu bài cho rõ ràng.
Luận (hai câu 5 - 6) là bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài.
Kết (hai câu 7 - 8) là tóm ý nghĩa của bài mà thắt lại.
. . . . . .
. . . . . .
“Họa vận .- (trang 136) .- Họa vận (họa : hòa theo ; vận : vần) là bài thơ
gieo đúng các chữ vần của bài trước tức là bài xướng (hát lên) để đáp lại ý nghĩa bài trước, hoặc biểu đồng tình hoặc phản đối lại.
Trong Website Thơ Đường Đất Việt, tác giả HTL có sưu tầm và giới thiệu về Thể Thức Họa Thơ Đường Luật như được trích dẫn dưới đây:
Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận
1. Họa Hạn Vận:
Họa Hạn Vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa Hạn Vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
- Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
- Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau :
a. Ðầu đề (nội dung) là:
Trống treo ai dám đánh thùng,
Bậu không ai dám dở mùng chun vô.
b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu!!! ... như sau đây:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô
Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó, xin kể lại câu chuyện như sau : Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đào Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau :
- Đầu đề: Xuân Khuê.
- Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ – thơ
- Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:
Xuân Khuê
Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ
Phan Mạnh Danh
2. Họa Phóng Vận
Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.
a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm .
Chú Ý Quan Trọng: Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.
Họa Thơ bao gồm 2 phần chính quan trọng sau đây:
Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước "thách đố" cho người khác đáp lại
Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
1. Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (từ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong 5 vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị Fail.
2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
4. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.
Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.
Tôn Phu Nhân Qui Thục | |
Bài Xướng | Bài Họa |
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng; | Cài trâm xóc áo vẹn câu tòng; |
Ngàn thu rạng tiết gái Giang đông. | Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông. |
Lìa Ngô bịnh rịn chòm mây bạc; | Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng; |
Về Hán trau tria mảnh má hồng. | Duyên về đất Thục đượm màu hồng. |
Son phấn thà cam dày gió bụi; | Hai vai tơ tóc bền trời đất; |
Đá vàng chi để thẹn non sông. | Một gánh cang thường nặng núi sông. |
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn; | Anh hỡi Tôn Quyền! anh có biết? |
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng. | Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng. |
Tôn Thọ Tường | Phan Văn Trị |
Trước khi nói về nhân vật Tôn Phu Nhân, xin lược qua về tiểu sử của hai nhà thơ nói trên để quý bạn trẻ tìm hiểu thêm:
Ông Tôn Thọ Tường (1825 – 1877), người Gia định. Học ở Huế, có tiếng văn hay chữ tốt. Vì túng thiếu, làm bài thi mướn bị bắt nhưng được tha. Buồn thân, bèn về quê chờ thời. Ông lập ra “Bạch Mai Thi Xã” xướng vịnh với bạn thơ, trong đó có các ông Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông, Huỳnh mẫn Ðạt, vv…Năm 1862 ông theo Pháp, làm Tri phủ Tân Bình. Năm 1871 thăng chức Ðốc Phủ Sứ. Ông từng theo Cụ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp. Về sau dạy Hán Văn Trường Hâu Bổ (Collège des Stagiaires) ở Nam kỳ. Năm 1877 theo Tổng Lãnh Sự Pháp de Kergaradec thị sát vùng thượng du Băc Kỳ, bị sốt rét mà chết. Mặc dầu ra làm quan cho Pháp 15 năm, nhưng khi qua đời ông vẫn là một người nghèo.
Ông Phan văn Trị (1830 – 1910), người Giồng Trôm, Bến tre, đỗ Cử Nhân năm 1849, không ra làm quan, chỉ làm thầy thuốc và dạy học ở nhà. Ông trong nhóm “Bạch Mai Thi Xã” với ông Tôn Thọ Tường, nhưng khi họ Tôn ra làm quan cho giặc Pháp, hai ông trở nên bất đồng chính kiến, và những trận bút chiến kịch liệt, gay gắt xảy ra. Xin đơn cử hai bài thơ bút chiến xướng họa nổi tiếng nêu trên của hai ông, và gần như tiêu biểu, vì từ đó đến nay chưa có bài thơ xướng họa nào đạt được sự tuyệt tác đó.
Còn nói về Tôn Phu nhân tức Quận Chúa Tôn Thượng Hương, là em một cha khác mẹ với Tôn Quyền Chúa xứ Đông Ngô đời Tam quốc, cách nay khoảng trên 1800 năm (220-280). Bà tuy nữ lưu nhưng rất thạo đường võ nghệ, cầm gươm lên ngựa uy dũng như các bậc tu mi.
Vì việc tranh giành đất đai, nhân vợ của Lưu Bị vừa qua đời, nên Tôn Quyền theo kế của Châu Du tự là Công Cẩn (175-210) giả cách cho mời Lưu Bị là vua nước Hán Thục qua Giang Đông để gả Tôn Phu Nhân kết tình lân bang giao hảo, rồi dùng phục binh giết chết trong tiệc rượu.
Gia Cát Lượng tự Khổng Minh (181-231) là quân sư của Lưu Bị biết rõ âm mưu đó, liền bày kế cho Lưu Bị khi sang đất Ngô tuyên bố ầm lên là mình được Tôn Quyền mời sang gả em gái. Việc nầy thấu tai đến Ngô Quốc Thái, mẹ kế của Tôn Quyền, nhưng Tôn Quyền rất hiếu thảo với bà. Biết đó là mưu mô xảo quyệt, Bà mắng Tôn Quyền và quyết tâm gả con gái cho Lưu Bị vì thấy họ Lưu là kẻ đạo đức nhân hòa. Tôn Phu nhân không rõ mưu kế của anh, vâng lời mẹ kết duyên với Lưu Bị.
Thất bại mưu kế đó, Tôn Quyền lại dùng quyền tước và phú quý mua chuộc Lưu Bị để cầm chân ông ở Đông ngô. Nhưng theo kế sắp sẵn của Khổng Minh, và lòng cương quyết theo chồng cho trọn đạo tòng phu của Tôn Phu nhân, chính bà mắng các tướng của Đông Ngô theo truy sát, khiến họ nễ vì mà không dám hành động, nên cả hai vợ chồng Lưu Bị trở về đất Hán được bình yên.
Tôn Thọ Tường mượn truyện tích này mà giải bày tâm sự. Ông đã ví mình vì bắt buộc phải ra làm quan cho Pháp như Tôn phu Nhân trong tình thế chẳng đặng đừng lấy chồng thì phải theo chồng, cho nên viết “…Ai về nhắn với Chu công Cẩn – Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng”. Nhưng ông Phan Văn Trị cho rằng đó là ngụy biện. Vì “tam tòng” là đạo đàn bà, còn ông Tôn thọ Tường là một sĩ phu mà “tam cương” là giềng mối, cho nên đáp lại là “…Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết!? – Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng”. Ý nói Tôn Phu Nhân theo chồng về đất Hán là đúng đạo tam tòng. Còn họ Tôn theo phò giặc Pháp thì đâu phải là trai trung liệt, không thể so sánh mình với Tôn Phu Nhân được.
Qua hai bài thơ Xướng-Họa Tôn Phu Nhân Quy Thục, xin được diễn đạt một vài điều qua các câu thơ, để soi rõ thêm về kỹ thuật họa thơ của hai nhà nho tài danh này như sau:
Câu đầu, tức là câu “phá đề” trong bài xướng của ông Tôn Thọ Tường: “Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng”, ý nói Tôn Phu Nhân là nữ mà thích cỡi ngựa cầm gươm, và khi đào vong cùng Lưu Bị trở về đất Hán cho trọn đạo theo chồng, bà vẫn mặc võ trang.
Câu này gieo vần “Tòng” trong đạo tam tòng, tức là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, có nghĩa là người phụ nữ trong nho giáo thời xưa khi còn ở trong gia đình thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, nếu chẳng may chồng chết thì theo con.
Người họa lại cũng bắt buộc phải dùng chữ “Tòng” trong đạo tam tòng để gieo vần; cho nên ông Phan Văn Trị đã họa “Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng”. Người đàn bà dầu võ dõng tới đâu cũng không thể bỏ qua việc cài trâm sửa áo trong đạo tòng phu được.
Nếu dùng câu cũng có chữ “tòng” nhưng là “cây tòng” hay “lâm tòng” đồng âm mà khác nghĩa để họa lại “chữ tòng” trong nghĩa tam tòng của bài xướng, thì bài thơ không hay. Thêm một thí dụ nữa là có bài xướng dùng chữ “cờ sao”, rõ ràng là cờ có ngôi sao, có thể là nói về cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản độc tài trong nước, mà cũng có thể dịch chữ tinh kỳ tức cờ sao của chữ nho. Bài họa lại nếu dùng các chữ “ngàn sao”, “ánh sao”, “đỏ sao”, “vàng sao” thì không có gì để nói. Nhưng nếu ta dùng các chữ “tại sao”, “làm sao” “vậy sao”, “gỗ sao” thì người đọc thấy kém đi sự hứng cảm khi ngâm nga, tuy rằng đây là cách họa Tá Vận. Lại còn có người dùng chữ “mai sau” để họa lại chữ “cờ sao” của bài xướng thì bị xuất vận.
Đến câu thứ 2 tức câu “thừa đề”, ông Tôn Thọ Tường viết “Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông” tức là khen tiết hạnh bà Tôn Phu Nhân ở đất Giang Đông đến ngàn thu.
Bài họa của ông Phan Văn Trị là “Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông” ý nói bà Tôn Quận Chúa rời khỏi nước mình là Đông Ngô trong buổi trời chiều. Cũng có người cho những chữ “Mặt ngả trời chiều là nói về Tôn Thái Thái tức là mẹ của bà”, và bà ra đi khỏi nước Đông Ngô mà nhớ mẹ mình. Chữ Đông (hướng đông) của cả hai bài xướng họa đều nói về nước Đông Ngô rất là hay trong phép họa thơ. Nhưng nếu dùng chữ “Mùa Đông”, “Thu Đông”, “Tàn Đông” để họa theo cách Tá Vận thì mất ý nghĩa và không đạt.
Đến hai câu 3 và 4 là hai câu Thực, còn gọi là cặp Trạng. Ông Tôn Thọ Tường hạ bút:
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Hai câu này phải đối nhau. Ở đây vừa đối ý lại còn đối chữ nữa thật đáng phục. Đối ý là Bà Quận Chúa Lìa Ngô còn bịn rịn không đành xa mẹ của mình, để về Hán làm vợ vua càng trau chuốc thêm nhan sắc của mình. Còn đối chữ thì các chữ Lìa và Về đều là Động Từ đối nhau; Ngô đối với Hán là Danh Từ; Bịn Rịn đối với Trau Tria đều là Động Từ; Chòm Mây và Mảnh Má đều Danh Từ; và Bạc đối với Hồng là Tĩnh Từ. Hai câu này đối với nhau rất chỉnh.
Trong bài họa, ông Phan Văn Trị cũng dùng cặp Trạng để mô tả về tâm trạng của Quận Chúa Tôn Phu Nhân như sau:
Ngút tỏa đồi Ngô un sắc trắng, (có nơi chép là “ùn”)
Duyên xe đất Thục đượm màu hồng.
Theo thiển ý thì 2 câu này cũng đối ý và đối chữ. Đối ý là khi Tôn Phu Nhân lìa khỏi đồi núi của nước Ngô ngoảnh nhìn mây khói màu trắng còn ngút tỏa ở phía xa; và duyên nợ của bà cùng Lưu Bị đã về được đất Thục Hán bình an để hưởng hạnh phúc. Còn đối chữ thì hai chữ đầu của cặp trạng này thấy không được ổn, vì chữ Ngút là Động Từ không thể đối với chữ Duyên là Danh Từ ở câu dưới. Có nơi chép là “Tơ tỏa trời Ngô ùn sắc trắng”, thì chữ Tơ là Danh Từ đối với chữ Duyên cũng là Danh Từ coi như đúng về tự loại, nhưng phạm luật vì chữ Tơ là Bằng, chữ Duyên cũng là Bằng, mà đáng ra chữ trên là Bằng chữ dưới đối lại phải là Trắc, hoặc ngược lại, thì đối mới chỉnh.
Lại cũng có nơi chép là “Khói tỏa trời Ngô chen thức bạc”, hoặc “Khói tỏa đồi Ngô un sắc trắng” đều hay cả. Có lẽ vì tam sao thất bổn mà chữ đầu của câu 3 thành ra là chữ “Ngút” chăng ? Điều này còn chờ các bậc thức giả tìm được bản gốc mà xác định lại. Riêng theo thiển ý kẻ viết thì thấy dùng chữ “khói” trong “Khói tỏa đồi Ngô un sắc trắng” là có vẻ hợp lý hơn.
Còn các chữ “Tỏa đối với Xe” đều là Động Từ đối Động Từ; “Đồi Ngô đối với Đất Thục” đều là Danh Từ đối Danh Từ; “Un hay Ùn đối với Đượm” cũng đều là Động Từ; “Sắc đối với Màu” là Danh Từ với Danh Từ; “Trắng hay Bạc đối với Hồng” thì đều là Tĩnh Từ đối với nhau, và cũng rất chỉnh về bằng đối với trắc như đã trình bày qua.
Đến hai câu 5-6 tức “cặp luận” của ông Tôn Thọ Tường:
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ý cặp luận này diễn tả dù là phận má hồng phấn son, nhưng Tôn Phu Nhân cũng cam đành dạn dày gió bụi để trọn chữ vàng đá thủy chung với chồng, và không thẹn với non sông. Qua hai câu này có lẽ họ Tôn muốn ký thác tâm sự của mình là tuy ra làm quan với Pháp, nhưng tìm cách cai trị nhẹ tay hoặc giúp đỡ đồng bào mình, thì tấm thân dù có vùi dập phong trần, bị đời nguyền rủa, nhưng cũng không thẹn với non sông?!
Họ Phan đáp lại bằng hai câu:
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cang thường nặng núi sông.
Với bài họa trong cặp luận này, ông Phan Văn Trị lý luận rằng hai vai của Tôn Phu Nhân gánh nặng nghĩa tóc tơ với chồng vững bền như trời đất. Còn Tôn Thọ Tường về đạo Cang Thường ông có gánh nặng hay không ? mà theo làm quan cho giặc pháp phản lại triều đình có tội với núi sông. Còn về cách đối chữ và đối bằng với trắc, thì cặp luận này của hai ông đều tuyệt bút cả.
Đọc đến hai câu kết trong bài thơ xướng họa của hai ông, đã khiến ta thấy thú vị rất nhiều. Ông Tôn thì mượn lời của Quận Chúa Thượng Hương nhắn lại với Đô Đốc Châu Du là kẻ bày mưu kế gả nàng cho Lưu Bị đã bị đã “lộng giả thành chân” rằng:
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Dùng lời nhắn với Chu Công Cẩn hay Chu Du ở đây là họ Tôn muốn nhắn với ông Phan Văn Trị, và những sĩ phu yêu nước trong Bạch Mai Thi Xã rằng, có bị mấy anh dùng đạo Cang Thường mà chê trách đi nữa, nhưng ta được lòng mẫu quốc Pháp để ra làm quan cho chúng mà từ đó âm thầm giúp đỡ đồng bào thì cũng cam.
Ông Phan Văn Trị họa lại là:
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết?
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.
Hai câu này cũng mượn lời của Tôn Phu Nhân nhắn với anh mình là Tôn Quyền rằng, làm trai “ngay” thì thờ chúa, làm gái ngoan thì theo chồng, đó là chuyện thiên kinh địa nghĩa không có gì sai trái cả. Nhưng suy ra thì thấy đây là lời “mắng xéo?”: Anh hỡi Tôn Thọ Tường anh có biết, làm trai ngay thì phải trung với vua, chớ không phải như anh là trai gian theo phò giặc Pháp.
Cụ Vương Hồng Sển nghe đâu có đọc được một bản chữ nôm nói về bài họa của ông Phan Văn Trị, thì câu 6 là “Anh hỡi Tôn công anh có biết”, với lập luận Tôn Phu Nhân là em của Tôn Quyền, sao lại vô lễ gọi đích tên của anh mình mà nhắn nhủ, cho nên ông Phan Văn Trị dùng chữ Tôn công ở đây hợp lý hơn. Nhưng theo nhận xét của một số người thì ông Phan dùng chữ Tôn Quyền là chính xác hơn, vì phe sĩ phu miền Nam đã chê ông Tôn là kẻ hàng giặc, và muốn “mắng xéo” Tôn Thọ Tường mà lại dùng chữ Tôn công quá lễ phép như vậy hay sao?
Mục đích của bài viết này là mong muốn các bạn trẻ khi làm thơ, hoặc họa thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú đừng vấp phải những sơ xuất nêu trên, chẳng những làm bài thơ mất hay, mà đọc giả đọc một vài câu đầu thấy mất hứng cảm đã bỏ ngang, thì cũng uổng công cho tác giả thai nghén biết là bao.
Thứ đến là bài họa muốn không bị trùng ở chữ thứ sáu của các câu 1-2-4-6-8 bài xướng, thì nếu bài xướng dùng Luật Bằng Vần Bằng, thì bài họa nên dùng Luật Trắc Vần Bằng, hay ngược lại, thì không bao giờ bị trùng cả; và như vậy có phần hay hơn là họa trùng luật thơ với bài xướng.
Kế nữa thì trong các câu đối nhau, nếu dùng “danh từ riêng” đối với “danh từ chung” tuy rằng không sai, nhưng người đọc nếu khắc khe thì cho là không được chỉnh cho lắm.
Cuối cùng thì nếu trong bài thơ có dùng danh từ riêng như Thành Cam, Thành San, Thành Thái Dương… thì xin chú thích bên dưới để biết thành đó nằm ở đâu, như vậy có lẽ làm tăng thêm sự hiểu biết và sự thích thú của người đọc hơn.
Mong rằng các bậc cao minh về Thơ và Họa Thơ Đường Thất Ngôn Bát Cú như đã nêu chỉ điểm thêm cho, xin hết lòng cảm tạ.
Để kết luận, xin gởi vào đây bài thơ “Vận Từ Thứ” như sau:
Mần Thơ Thất Vận…
Thừa giấy kìa xem họ vẽ voi,
“Mần thơ thất vận” quả trơ mòi!
Xem qua những tưởng cây cao cả,
Gẫm lại thì ra rễ cọc còi!
Ba chữ văn chương đau nét mực,
Một chiêu võ nghệ thẹn đường roi!
Tản Đà cụ hỡi buồn chăng tá?
“Thất vận mần thơ” đáng mấy… thoi!
Liêu Xuyên 2015
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân