
The Poet – Tranh: Egon Schiele (Nguồn: 1st-art-gallery.com)
I.
Tôi biết ông xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, khóa 26/1975.
Do vậy, trong tôi, ấn tượng về ông, là một người lính, được trui rèn, trong lò lửa chiến tranh, phục vụ chiến tranh.
Một con người như thế, trái tim phải là sắt, đá, mình, phải là người mình đồng.
Không muốn gần, phải xa, thật xa, phải lánh, những khuôn mặt giai nhân, những: Marylin Monroe, Elisabeth Taylor, Mộng Tuyền, Sophia Loren, Kiều Chinh, không bao giờ được tơ tưởng.
Phải nằm lòng, hiệp đồng tác chiến, bò dưới hỏa lực, vượt qua bãi mìn.
Tôi nghĩ và tưởng ông, là mẫu người như thế.
Nhưng tôi đã sai, đã lầm, lầm to.
II.
Nhưng tôi đã sai, đã lầm, lầm to.
Đừng thấy người ông, cao, to, đẹp trai, như cái lu, mà nghĩ ông là lù đù.
Cổ nhân phán: người lù đù, nhưng vác cái lu, mà chạy.
Nhưng ở ông, không chạy, ở ông là chậm rãi, ở ông là khoan thai, rãi bước.
Vì trong cái lu của ông, là cả một lu thơ.
Ông xem nhẹ, thì nó nhẹ.
Ông tỉnh queo, thì nhẹ, lại là rất nhẹ.
Trong cái lu, xem lù khù đó, chứa toàn: tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, lục bát, thất ngôn, bát ngôn, kể cả những truyện ngắn rất ngắn, của thời sinh viên võ bị, những hò hẹn, Bùi Thị Xuân, Marie Curie, đồi Cù, cà phê Thuỷ Tạ, Tùng, Kim Sơn, những náo nức, bồn chồn cuối tuần.
Ngũ Ngôn Mưa Mùa Cũ
1.
biển rộng ngỡ sông dài
ngỡ về qua Mỹ Thuận
trời mưa, trời mưa bay
mưa nhạt nhòa cố quận.
2.
em che dù qua phố
mưa ướt vạt áo bay
hiên người tôi đứng nhớ
mưa Đà Lạt quắt quay.
3.
bão đem theo mưa dầm
đổ trên thành phố lạ
lòng chàng cũng rơi thầm
những giọt mưa của Huế.
4.
xe qua đèo Bảo Lộc
mưa đâu đổ bất ngờ
em cứ ngồi nguyên vẹn
mưa tạt có anh che
đời anh đà ướt đẫm
xá gì chút mưa thưa.
5.
tháng Năm cơn mưa đầu
mưa soi bờ đá thấp
mưa chìm mấy lũng sâu
mưa tuôn con nước ngập
mưa dài trên dốc đau
mưa ngang trời lạnh ngắt
mưa tìm không thấy nhau.
6.
mưa đi, cơn mưa muộn
mưa hãy nặng, mưa mau
cho mát đời ta hạn
cho thấm tình ta đau
mưa nhé, cơn mưa sầu. - (trích Lòng Riêng Như Được)
Trong cái lu của ông, ngoài trông lù đù, nhưng trong, thì bộn bề, những nàng tùy bút, những em đoản văn, những chị truyện dài viết bằng thơ.
Vâng, ông là một nhà thơ viết truyện dài bằng thơ, bên cạnh các thi sĩ khác, viết truyện dài bằng thơ, mà tới nay, tôi thấy:
Trần Thị Cổ Tích, Nguyễn Cẩm Thy, Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng….
Những ai nữa, tôi chưa biết.
Còn những nhà thơ, viết truyện ngắn bằng thơ, thì không ít hơn quân Nguyên.
Những người ông nội, mà tôi thấy.
Không chỉ thấy, mà còn cụng ly 100%, còn chia nhau từng điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, cưa đôi 1/2 chai bia cao cổ, có hình trái dứa, tại Câu Lạc Bộ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ Nguyễn Tri Phương, Quang Trung, Thủ Đức, hay có lúc xếp hàng chờ, ở Ngã Ba Chú Ía, Ngã Năm Chuồng Chó, Trung Tâm Tiếp Huyết, của những ngày lãnh lương, cuối hay đầu tháng.
Bọn họ, chúng nó, đa phần là những tên Cowboy hai súng:
Lâm Chương, Trần Hoài Thư, Phạm Nhã Dự, Phan Xuân Sinh, Phạm Ngũ Yên, Thanh Đặng, Ben Oh, Phương Tấn, Như Không, Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Hàn Chung, Lê Hữu Minh Toán….
Nhưng cái chi, vì gì, mà gọi họ, những nhà thơ viết truyện ngắn, truyện dài, bằng thơ.
Là vì như ri, nì:
Nhà thơ, nếu mỗi bài thơ, làm cho mỗi đối tượng khác nhau, người tình khác nhau, ắt hẳn, là viết truyện ngắn.
Ví dụ, tôi nói ví dụ thôi, nghe.
– Bài thơ Một Chiều Mưa, nhà thơ làm, từ tình yêu của bà góa phụ dạy Việt Văn trường Đồng Khánh.
– Bài thơ, Trên Đồi Trà Thử Thả Hồn Chút Chơi, làm từ tình yêu của cô sinh viên Văn Khoa.
– Bài thơ Sinh Nhật, làm cho một tình yêu khác.
Thì rõ ràng, ba bài thơ này là ba truyện ngắn viết bằng thơ.
Vậy thế nào là truyện dài, viết bằng thơ?
Đó là trường hợp, nhà thơ làm nhiều bài thơ cho, chỉ một người, trong một thời gian dài.
- Ở thi sĩ Nguyễn Cẩm Thỵ Lộ, làm thơ cho chỉ và duy nhất, là Võ Thạnh Nguyễn Trãi.
- Ở Trần Thị Cổ Tích, là ông giáo cùng quê, cùng trường.
- Ở Nguyễn Bắc Sơn, là Nhị Hồng, cô ca sĩ, xướng ngôn viên, đài truyền thanh tỉnh, cũng là cô láng giềng.
- Ở Nguyễn văn Ngọc, là cô gái Huế, răng, chi, mô, lạ rứa.
Là chó không có răng mô.
Là, hai cây dôn, đập chắc, ở ngoài cươi.
Cô ở Tây Lộc, đường Lê Đại Hành, nhà có hàng dậu bao quanh.
Ngôi nhà ấy nhà thơ chưa tới, và rồi không bao giờ tới, bởi cuộc can qua, là chiến tranh, làm họ lạc nhau.
Ông gặp em, năm em, 16 tuổi, rất còn vị thành niên, ngoài Vũng Tàu, nơi anh ở, mỗi chiều bát bộ, với những bạn, là người, mà sau này, là nhà văn của tình yêu, là người, mà sau này, là Vua tùy bút, Phạm Ngũ Yên.
Một người khác, mà sau này, có mảng màu độc đáo, làm nên họa sĩ, tài danh, Nguyễn Nho Bụi.
Họ chạm nhau, từ một sắp xếp định mệnh.
Em từ Huế, của sông Hương, núi Ngự, của Trường Tiền, sáu vài, 12 nhịp, vào Vũng Tàu, nhân một chuyến hè đi du lịch với người thân.
Em, của Huế.
“Ai có về Huế, mà không ăn đào,
Xin hãy cắn một miếng, cắn cho thật sâu,
Nhưng đừng cắn nhầm môi thiếu nữ“
Là lời khẩn cầu của Hàn Mặc Tử.
Rồi mùa hè qua, rồi chia tay tới, rồi những lá thư xanh, là những lưới tình, buộc đôi nhau.
“Có ai về qua Tây Lộc
Ngược xuôi đường Lê Đại Hành
Tìm giùm ngôi nhà khuất lấp
Sau rào bông giấy tươi xinh.
……..
Ngôi nhà ngày mưa sùi sụt
Em làm những thỏi kẹo me
Gởi tới nơi tôi, Đà Lạt
“Anh dùng lấy thảo, anh nghe”
Ngôi nhà âm dương mái ngói
Giữa lòng xứ Huế xa xôi
Thuở em tròn mười sáu tuổi
Còn không sau cuộc đổi đời. - (Thư Về Ngôi Nhà Cũ, Gởi Bích Trâm, Xa Khuất)
Gặp nhau rất buổi dậy thì 16, vội chia xa, ngăn cách, chẳng biết nơi mô, mà tìm.
Phải chăng, trời muốn thế:
“Tình chỉ đẹp, khi còn dang dở,
Tình mất vui khi vẹn câu thề“
Chẳng biết chăng là thế, giờ chỉ biết, hoài hoài nhớ nhau qua mộng tưởng, dằn vặt, thương hoài ngàn năm:
“Nhớ mỗi ngày em mặc áo nâu
Đạp xe đến trường Nông Lâm Súc
Qua ngõ cũ, mùa rơi hoa ngâu
Em như cái nơ vàng trên tóc.
Nhớ mùa hè rộn rã tiếng ve
Là lúc tôi đọc nhiều chuyện kể
Em rong chơi cùng đám bạn bè
Tuổi mười sáu hồn nhiên con gái.
Nhớ tên em Trần Thị Bích Trâm
Và Vũng Tàu những ngày hạnh phúc
Nhưng hoàng thành hẹn sẽ ghé thăm
Tôi đã lỡ, rồi em lạc mất.
Chưa một lần đến Huế của em
Sao tôi hay nhớ về Tây Lộc
Có phải tình đầu không dễ quyên
Dù thời gian đã thay màu tóc.” - (Nhớ Huế)
Hãy đọc thơ của ông, để thấy rằng, ông nói, viết, chuyện bằng thơ, hay hơn những gì tôi tán, (ba hoa chích chòe), vì rằng, ông đang viết truyện dài bằng thơ:
1.
Anh còn một trái tim
Giấu nơi lồng ngực lạnh
Thèm ngọn lửa tình em
Thắp lên đời hư vọng.
Bởi anh không còn gì
Ngoài trái tim bất hạnh.
2.
Tôi về vùng biển cũ
Thăm lại bờ đá xưa
Chỉ còn ngàn sóng vỗ
Chào tôi những âm thừa.
3.
Gió thổi qua vườn nhà
Vàng mấy bông rơi rụng
Mưa đổ xuống vườn nhà
Trôi mấy bông vừa rụng.
4.
Làm được một bài thơ
Định tặng người bữa nọ
Người bữa nọ đi xa
Người bữa nọ quên về
Nên đem thơ xé nhỏ
Thả ở đầu ngọn gió.
5.
Em cố tình làm rơi
Quanh tôi mấy nụ cười
Tôi vô tình không nhặt
Nên giờ tiếc xa xôi.
6.
Sang nẻo nào nữa đó
Người xô giạt đời ta
Hay chỉ là sương khói
Như tình lụn hôm qua. - (Những Khúc Tình Tời)
(Bài thơ ngũ ngôn quá hay, làm tôi muốn khóc, và tôi đã khóc.
Nếu ông có khóc, hãy nói lời cảm ơn tôi, vì tôi đã làm ông khóc.)
Một bài thơ khác, ông theo dõi, bám sát dịch chuyển, của thời gian:
- Mười Sáu
hạt mưa rớt trên vai
hạt theo vào lớp học
em nhớ anh sáng nay
mưa bỗng đầy trong mắt.
- Mười Tám
đôi mắt như muốn nói
em yêu anh, yêu anh
cớ sao tay bối rối
vạt áo dài dấu quanh.
- Hai Mươi
đời sống như dòng sông
trôi xuôi không trở lại
em rồi cũng theo chồng
lãng quên thời con gái.
- Bốn Mươi
hạnh phúc không còn xanh
như màu thư ngày cũ
tha thiết bao lời tình
đã mịt mù quá khứ.
- Sáu Mươi
tóc xưa thôi nhung huyền
trước gương buồn mỗi sáng
khác chi lời thệ nguyền
nhạt phai cùng năm tháng.
- Bảy Mươi
sót lại chút hương duyên
trong tim em bất tận.
Thơ ông nhiều lắm, có tới những ba tập: 1. Chuyện Kể/ 2. Tháng Ba Ra Biển/ 3. Lòng Riêng Như Được.
Nên nói miết về thơ ông, không hạn định, chỉ có khùng, mà tôi đã là khùng.
III.
Lời sám hối chưa đến nỗi muộn màng.
Cách nay 30 năm, từ ngày thứ nhất gặp ông, trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc, chúng tôi biết nhau, qua giới thiệu của bà Lâm Thiên Hương, người cháu của cụ Trần Văn Hương.
Bấy giờ, bà, được mệnh danh là “người đàn bà thép”, có mặt trong mọi cuộc tranh đấu và sinh hoạt văn chương.
Với tình chiến hữu, sau là tình văn nghệ, chúng tôi thường gặp nhau, trong những họp mặt văn nghệ hay đấu tranh.
Không tác phẩm nào của tôi, không có mặt trong tủ sách gia đình của ông.
Thế nhưng, thú thật dạo đó, tôi không đánh giá cao, về văn thơ của ông.
Những bài thơ của ông, đăng trên tạp chí Làng Văn, bên Canada, chưa làm cho tôi đủ sợ.
Giá gì ông nói, đã có mặt trên Văn Học hay Thế Kỷ Hai Mươi, tôi đã có cái nhìn khác về ông, hơi sờ sợ.
Mãi tới thời gian gần đây, khoảng năm năm, sau khi đọc ba tập thơ ông tặng, và tuổi già, làm tôi hạ hỏa, tính ngông nghênh sút giảm, tôi đủ bình tĩnh, nhìn thấu đáo, không bỏ sót giá trị của con nhạn văn chương nào, dẫu bay là đà, cũng trong tầm ngòi bút tôi Phóng, huống chi là, người viết truyện dài bằng thơ, Nguyễn Văn Ngọc.
Ở trên tôi có nói, ông, bên cạnh làm thơ, còn viết văn.
Truyện ngắn sau đây, chứng minh, ông, không là dạng vừa, cả hai.
Nguyễn Văn Ngọc: Một Chút Mây
1.
Hắn học trường Võ Bị, năm thứ tư được phép mặc thường phục đi dạo phố Đà Lạt.
Một sáng Chủ Nhật đầu mùa hè, hắn tình cờ giúp cô gắn lại cái dây sên bị sút của chiếc xe đạp mini mà cô đang dắt bộ bên bờ hồ Xuân Hương.
Thế là họ quen nhau.
Mỗi dịp được ra phố, như một thói quen, hắn thường ghé quán Mekong, gọi tách cà phê đen và cái bánh pâté chaud, ngồi nhâm nhi, nhìn thiên hạ qua lại bên ngoài cửa kính, giết thời giờ.
Sau nầy, thỉnh thoảng có cô cùng ngồi, nói chuyện gẫu, hắn thấy vui vui.
Có lần cô nói tựu trường sắp đến, cô được lên lớp Đệ Nhị trường Bùi Thị Xuân.
Có lần cô hỏi trong các thứ bánh, anh thích ăn bánh nào nhất. Sẵn có cái bánh pâté chaud trước mặt, hắn nói bừa, anh thích bánh nầy.
Có lần cô cho biết trưa thứ Bảy tuần tới là sinh nhật của cô và mời anh ghé nhà.
Hắn đến nhà cô hơi trễ vì phải chầu chực mới xin được giấy phép xuất trại, nhưng không thấy ai ngoại trừ một người giúp việc. Bà cho biết ba má cô đã đặt nhà hàng chiếc bánh sinh nhật thật lớn nhưng cô muốn tự tay làm thêm bánh pâté chaud để đãi ai đó, nên sáng sớm đạp xe đi mua nguyên liệu, không may, một chiếc xe hơi đã tông vào cô trên đường vào chợ. Xác cô đang quàn trong bệnh viện.
Trời ơi, cô qua đời trong ngày sinh nhật của mình khi vừa mười bảy tuổi. Tên cô là Tiểu Vân.
Một chút mây trên bầu trời Đà Lạt như chưa bao giờ tan mất trong lòng hắn, từ đó!
2.
Chiếc xe bus chở sinh viên sĩ quan Võ Bị ra phố Đà Lạt vừa ngừng bên hông khu Hội Trường Hòa Bình là hắn vội vã bước xuống, băng qua đường vào Mekong.
Mới hơn 9 giờ sáng Chủ Nhật mà quán đã có khá đông khách.
Rất may còn hai cái bàn trống phía ngoài, sát vách kính, tới chiếm lĩnh một cái rồi nhìn quanh, có lẽ hắn là gã sinh viên Võ Bị đến quán đầu tiên buổi sáng hôm nay.
Gọi tách cà-phê phin đen như thường lệ, hắn ngồi nhâm nhi chờ đợi Tiểu Vân.
Chừng mười lăm phút sau, hắn nhác thấy dáng cô bên kia đường.
Bữa nay cô bé diện áo đầm màu hồng nhạt có điểm những bông trắng nhỏ xíu, quán Mekong như thêm sinh động khi cô bước chân vào.
Hắn kéo chiếc ghế đối diện cho cô ngồi, chưa kịp an vị, Tiểu Vân đã chu mỏ:
– “Em có quà đặc biệt tặng anh nè.”
Vừa nói, cô vừa mở cái bóp quàng vai, lấy ra một bông hoa có nhiều cánh trắng nõn, thon dài đang hé nở, đặt vào chiếc dĩa lót tách cà-phê rồi đẩy về phía hắn:
– “Em mới hái trong vườn trước khi đến đây, đố anh là hoa gì?”
Hắn cầm lấy bông hoa đưa lên mũi mình. Hương hoa quyện cùng mùi cà-phê thơm dìu dịu. Hắn đâu có lạ gì bông hoa nầy nhưng giả bộ:
– “Bông biếc anh mù tịt, mà phải công nhận bông nầy thơm thiệt.”
Cô gợi ý:
– “Hoa nầy có tên anh trong đó đó, nhớ ra chưa?”
Hắn vẫn cố tình:
– “Anh chịu thua.”
Cô tài lanh:
– “Ba má đặt tên cho em là Tiểu Vân, nếu đặt là Tiểu Lan thì lấy tên anh, tên em ghép lại sẽ thành tên hoa nầy.”
Hắn làm như ngạc nhiên:
– “Bông Ngọc Lan? Giờ anh mới biết. Bông đẹp và dễ thương giống em.”
Cô xí hắn một tiếng rõ kêu rồi nói:
– “Anh bỏ hoa vào túi áo đi, để giữ hương thơm, để tối về thấy hoa mà nhớ em.”
Thấy cô nhỏ có vẻ vui vui, hắn gợi chuyện:
– “Giữa hai cái tên Tiểu Vân, một chút mây và Tiểu Lan, một bông lan nhí hay là một cánh lan gầy, em thích tên nào?”
Cô ngẫm nghĩ chừng một phút:
– “Em thích tên Tiểu Lan, vì ít ra tên em và tên anh đem ghép lại sẽ mang một ý nghĩa nào đó, chẳng hạn là tên của loại hoa nầy, nhưng mà em đâu có gầy.”
Hắn ghẹo cô:
– “Ừ ờ, em chỉ thua cái thùng tô-nô chút xíu, haha.”
Mặt cô xịu xuống, trả đũa:
– “Còn anh thì cao lêu nghêu như cây tre, hihi.”
Sau đó, hắn và cô rời quán. Họ đi dạo quanh bờ hồ Xuân Hương rồi ngược lên Đồi Cù.
Từ ngày tình cờ làm quen với cô bé học trò lớp Đệ Tam trường Bùi Thị Xuân nầy, những lần được xuất trại cuối tuần của hắn đã không còn tẻ nhạt.
Buổi tối, hắn ép bông Ngọc Lan dưới tấm nhựa mê-ca ở bàn học rồi nói thầm “nghe nhớ em rồi, cô nhỏ ơi”. Hình bóng Tiểu Vân cùng một ngày rong chơi hạnh phúc đã theo hắn vào giấc ngủ êm đềm nơi quân trường.
3.
Một buổi trưa Chủ Nhật, hắn và Tiểu Vân ngồi giải khát ở nhà Thủy Tạ. Cô chậm rãi ăn từng muỗng nhỏ kem hạnh nhân còn hắn nhâm nhi cà phê đá.
Chợt có hai Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị mặc quân phục dạo phố mùa Hè bước vào quán. Họ đồng loạt giơ tay chào theo kiểu nhà binh trước khi giỡ mũ cát-két cầm tay rồi tiến đến một cái bàn trống. Bởi ngồi không xa, nên hắn nhận biết đó là hai Sinh Viên khóa đàn em đang học năm thứ hai và năm thứ ba, vì một người mang an-pha một gạch còn người kia mang an-pha hai gạch vàng trên nền cầu vai đỏ.
Thấy cử chỉ nghiêm trang của hai người sinh viên, cô ngạc nhiên hỏi hắn:
– “Ủa anh? Hai người kia chào ai vậy? Họ chào anh hả?”
– “Không phải. Anh đang mặc thường phục, họ đâu biết anh là ai mà chào.” Hắn trả lời.
Cô lại hỏi:
– “Như vậy họ chào người nào?”
Hắn giải thích:
– “Họ chào mọi người tới trước trong quán nầy, kể cả em. Đó là quân phong, quân kỷ bắt buộc mà tụi anh được học trong trường.”
Cô thắc mắc:
– “Nhưng hồi nãy vào quán, em đâu thấy anh chào?”
Hắn cười cười:
– “Tại anh không mặc quân phục. Mặc thường phục như hôm nay thì anh tạm thời làm người dân thường như em, nên được miễn chào.”
Không đợi cô có thêm ý kiến, hắn nói tiếp:
– “Ở doanh trại, khuôn viên trường thì tụi anh phải chào tay gần như cả trăm lần mỗi ngày. Nầy nhé: đàn em chào mình, mình phải chào lại; chào khi bước vào lớp học, thư viện, câu lạc bộ, hội quán, phạn xá…Và dĩ nhiên khi gặp cấp chỉ huy như Sĩ Quan Cán Bộ, Huấn Luyện Viên; Sĩ Quan Giảng Viên Văn Hóa Vụ… càng phải chào kính nghiêm chỉnh.”
Cô nhăn mặt:
– “Eo ôi! Chào như vậy mỏi tay chết!”
Hắn cà rỡn rồi gợi chuyện
– “Nhằm nhò gì, dù tay bị liệt cũng phải ráng mà đưa lên ngang trán. Nhưng thôi mình nói chuyện khác đi. Nhạc phẩm cô thâu ngân đang cho khách nghe có nội dung buồn quá phải không?”
Cô ngó chiếc Akai đặt trên kệ phía sau quầy, nơi phát ra tiếng hát trầm bổng của Thái Thanh, suy nghĩ:
– “Thỉnh thoảng em có nghe bài hát nầy trên ra-dô, ti-vi, nhưng không nhớ tên. Bài gì vậy anh?”
Hắn mau mắn giải đáp:
– “Em Lễ Chùa Nầy. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư. Em nghe kìa…`tàn mùa Đông vào Chùa bỡ ngỡ, tiễn đưa em trong áo quan nầy…’. Tội nghiệp cô gái vắn số!”
Cô trầm ngâm:
– “A, em nhớ rồi. Theo em, đây là một chuyện tình buồn lãng mạn của thơ văn. Họ đã có bốn mùa tuyệt vời hạnh phúc bên nhau, như vậy cũng đủ mãn nguyện. Chết trẻ dù với bất cứ lý do gì, vẫn hơn chết già bất hạnh, anh ơi.”
Hắn trêu cô:
– “Đẹp và dễ thương như em thì muốn chừng nào sẽ nghỉ thở?”
Cô nhanh nhẩu:
– “Em há, em không thích mai kia già nua lụ khụ, đứt hơi rồi chết. Nếu phải chết, em muốn được chết khi mình chưa quá già!”
Hắn lại trêu cô:
– “Liệu mà giữ mồm giữ miệng nghe cô bé. Coi chừng đến phút lâm chung sẽ có người dốc tàn hơi thều thào rằng: tôi còn yêu cuộc đời nầy lắm, chưa muốn ra đi bây giờ…”
Cô cười mỉm rồi đưa tay xem đồng hồ:
– “Em phải về kẻo ba mẹ mong. Như mấy lần trước, anh chỉ cần đưa em tới đầu nhà ga cũ, nha. Thứ Bảy tuần tới là sinh nhật em, anh cố gắng xin phép ra dự và cũng để diện kiến ba mẹ. Nhớ nha anh.”
Những cơn gió dịu mát ngày Hè thổi bay bay hai vạt áo dài màu thiên thanh nhạt khi cô bước đi. Hắn vẫn đứng yên, ngó theo Tiểu Vân khi dáng cô khuất sau một lối rẽ.
4.
Doanh trại trường Võ Bị trở nên vắng lặng hơn vào ngày Chủ Nhật vì đa số những Sinh Viên Sĩ Quan không có nhiệm vụ trực, gát, ứng chiến, phòng thủ đồng quan… đã được xe bus chở ra phố Đà Lạt lúc 8 giờ sáng.
Sáng nay, người bạn cùng phòng cũng đã xuất trại từ sớm còn hắn thì lại tự cấm trại mình. Tiểu Vân bất ngờ ra đi miên viễn, bây giờ hắn ra phố để làm gì?
Đi lang thang ngoài bờ hồ Xuân Hương ư? Không đâu. Hắn sợ phải nhìn thấy cái băng ghế kỷ niệm, nơi mà hắn và cô đã ngồi chuyện trò khá lâu, sau khi hắn sửa giúp cô chiếc dây sên xe đạp bị sút.
Vào Mekong uống cà phê ư? Không đâu. Hắn sợ phải ngó thấy bánh pâté chaud, mà có lần hắn nói thích nhất, không ngờ đã dẫn đến cái chết thảm khốc của cô trong khi hắn là một gã tạp ăn.
Đến Thủy Tạ ăn kem, nghe nhạc ư? Không đâu. Hắn sợ phải vô tình nghe lại bài hát Em Lễ Chùa Nầy rồi nhớ mấy lời nói gở của cô: “Chết trẻ dù với bất cứ lý do gì, vẫn hơn chết già bất hạnh, anh ơi.”
Lặng lẽ cắm điện nấu nước sôi, pha một ly trà Lipton rồi hắn bưng đến ngồi vào bàn học. Đóa Ngọc Lan cô tặng hắn đã đổi màu vàng héo dưới tấm nhựa mê-ca. Lời cô nhắn nhủ hôm nào lại âm vang trong đầu hắn: “Anh bỏ hoa vào túi áo đi, để giữ hương thơm, để tối về thấy hoa mà nhớ em.”
Hắn thì thầm với cô:
“Chỉ còn không đầy năm tháng nữa anh sẽ rời quân trường nầy ra chiến trận. Bông Ngọc Lan dù có mang theo rồi cũng sẽ phai tàn, vụn vỡ cùng thời gian, nhưng Tiểu Vân ơi, anh sẽ mãi mãi không quên em.”
Hớp một ngụm trà nguội lạnh, hắn cảm thấy vị đắng chát nơi cổ họng.
Mùa Hè chưa qua hết mà Tiểu Vân, một chút mây đã bay xa, mất hút trên bầu trời Đà Lạt!
Nguyễn Văn Ngọc
Thưa ông nhà thơ Võ Bị,
Qua bài viết này, hẳn ông đã biết, là tôi đã biết sợ ông.
Cũng qua bài viết này, người đọc cũng thấy rõ vị trí và giá trị, ngòi bút của ông trong nền văn chương nước nhà.
Điều này cũng có nghĩa, là tôi đã công bằng với ông.
Vậy xin ông, hãy mở lòng Từ bi, Hỷ xả, không kém phần Bác ái, chấp nhận lời sám hối của tôi, mà, 30 năm trước, tôi, một đứa chưa ra gì, dám to gan xem thường một người, đã ra gì, là ông, nghe ông.
Lê Mai Lĩnh
June 12, 2025