User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
haichiemkimnguyen
Hình xin trên mạng
 
Sáng nay thức dậy, không hiểu sao tôi bỗng nhớ da diết về người bác ruột - chị của Mẹ. (Người Nam gọi là “dì”, còn người Bắc - vì rất chú trọng đến “kẻ trên người dưới” - nên cứ lớn hơn cha hay mẹ đều được gọi là “bác”) Bác gái và Mẹ tôi tuy cùng con một nhà nhưng vì “vận nước nổi trôi” nên có hai cuộc đời khác hẳn nhau.
 
Bước ngoặt đầu tiên là năm 1954. Chia đôi đất nước lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam khiến gia đình của ông bà Ngoại biết thế nào là “tan đàn xẻ nghé”! Ba tôi thì bị Pháp bắt vào trường đào tạo sĩ quan nên Ba Mẹ tôi đã đem chị lớn nhất đang còn ẵm ngửa vào Nam từ cuối năm 1953. Độ một năm sau, Ông Bà Ngoại dắt díu nhau, cùng người con trai út di cư vào Nam. Lúc đó bác gái tôi đã lấy chồng và bác trai lại theo “bộ đội cụ Hồ” nên bác gái quyết định ở lại Hà Nội. Lúc ấy chắc không ai có thể mường tượng được rằng họ sẽ bị chia cách nhau hơn 20 năm trời. Chẳng phải người ta nói “sẽ tổng tuyển cử rồi thống nhất đất nước” cơ mà? Thế mà… gia đình ly tán… Thậm chí bác gái chẳng bao giờ được thấy lại cha là Ông Ngoại tôi nữa!
 
Lúc ấy tôi bé quá nên không bao giờ đặt những câu hỏi nhạy cảm với người lớn. Có lẽ Ba tôi là sỹ quan trong quân đội VNCH nên rất kín tiếng về gia đình và họ hàng của ông ở ngoài Hà Nội. Nhưng Mẹ và Bà Ngoại hay quay quắt, nhớ thương về chốn cũ, nên hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện luôn bắt đầu bằng “Ngày xưa, ngoài ấy...” Trong câu chuyện, tôi mơ hồ biết rằng mình có một bác gái được Mẹ tả là “xinh lắm, da trắng, môi hồng và cao hơn mẹ”. Bác hơn Mẹ 5 tuổi, hiền dịu, chăm làm việc nhà, giỏi may vá, thêu thùa. Không rõ bác có ham học như Mẹ không, nhưng vì thời của bác con gái ít được học lên cao nên bác không được học lấy Tú Tài và vào Đại Học (như Mẹ tôi). Bác an phận là con ngoan, rồi sau đó làm vợ hiền. Bác gái lấy chồng sớm, nhưng vẫn ở nhà với Ông Bà Ngoại. Mẹ tôi thường kể về đứa cháu trai đầu lòng rất kháu khỉnh, dễ thương, được cả nhà bên Ngoại cưng chiều. Có ngờ đâu, hơn 20 năm sau, Mẹ tôi lại phải đối đầu với đứa cháu trai đã trở nên một thanh niên điêu ngoa, xảo trá! Nhưng đây là chuyện khác tôi sẽ kể sau.
 
Suốt thời gian “kẻ Nam người Bắc”, hình như Mẹ tôi thỉnh thoảng cũng nhận được vài tin tức của chị mình, nhưng lúc đó tôi nhỏ quá nên không bao giờ được xem những lá thơ đã chu du gần nửa năm mới đến tay người nhận. Chị em chúng tôi hồn nhiên cắp sách đến trường, chạy theo các mode bất cứ cô gái Sài Gòn nào cũng theo và chỉ mơ hồ biết rằng đâu đó bên kia vĩ tuyến 17 là “quê cha đất tổ”, nhưng… Nơi đó có những người Cộng sản dã man; đấu tố người thân, chôn người xuống đất để ló đầu lên rồi cho trâu bò kéo cày qua! Cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống” đã ám ảnh tôi ghê gớm, nên chưa bao giờ tôi cảm thấy có một mối quan hệ gắn bó nào giữa chúng tôi và bác cùng các anh chị họ của mình.
 
Rồi thì ngày 30 tháng 4 ập đến như một cơn lũ úp chụp tất cả. Nỗi sợ hãi trộn lẫn với hy vọng và mơ ước. Hình như mấy chục triệu người miền Nam rốt cuộc đều thở phào nhẹ nhõm vì không thấy có cảnh máu chảy, đầu rơi. Ai cũng nghĩ: “Thôi thì đất nước cũng hết chiến tranh. Họ cũng là người da vàng máu đỏ như mình mà! Chắc chắn không xử tệ với mình đâu!” Thế rồi Mẹ tôi cũng như mấy trăm ngàn người phụ nữ khác thu xếp túi xách cho chồng “đi học tập cải tạo” với niềm tin rằng năm bữa nửa tháng sẽ trở về để cùng nhau xây dựng quê hương. Cái Tết Hòa Bình đầu tiên đã đem lại cho mọi người nhiều tin yêu và hy vọng…
 
Để rồi tất cả trở thành vô nghĩa, mệt mỏi và chua chát. Người thân biền biệt nơi xa, hàng hóa ngày càng khan hiếm, “phường khóm” dòm ngó rình rập, “chỉ tiêu” và “kế hoạch lớn/kế hoạch nhỏ” chỉ là một trò hề.
 
Ngay lúc đó, vừa qua Tết, bác trai tức anh rể của Mẹ tôi lò mò tìm đến. Tôi còn nhớ hoài cảm giác ngỡ ngàng, hơi sợ hãi, có mừng vui đó nhưng vẫn e dè khi một ông bộ đội “thứ thiệt” với nón cối, dép râu và… hàm răng vẩu đóng bựa vàng khè (Xin lỗi bác trai!) đến gõ cửa nhà. Rồi thì cũng nhận họ nhận hàng, bác trai lên chào mẹ vợ tức Bà Ngoại giờ đã già, chân yếu nên phải nằm một chỗ.
 
Sau đó bác trai ở chơi với chúng tôi gần một tháng. Tôi nhớ bác đã mau chóng thức thời dẹp bộ quần áo bộ-đội nhăn nheo màu rêu, mượn (rồi giữ luôn!) vài bộ quần áo của Ba tôi, mượn xe đạp của các chị để đi khám phá Sài Gòn. Áo quần mới đã giúp bác có một ngoại hình dễ coi hơn, nhưng cái cách bác gác một chân lên bàn đạp, xủi vài cái cho xe lướt tới, rồi phóng lên yên như người phi ngựa vẫn “tố giác” bác là “người ngoài ấy”!
 
Chắc hẳn đó là 4 tuần lễ thần tiên nhất trong cuộc đời bác trai - một chú bộ đội quèn, không lon lá. Bác chỉ có một việc là đi rong chơi, chụp hình bằng máy chụp hình cũ “mượn” của em vợ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ hoài nét mặt hớn hở bừng sáng của bác khi kể lại bác được đứng yên tại một góc đường nào đó, ngắm các cô nữ sinh tan trường, túa ra khắp nẻo đường trong đồng phục áo dài trắng “đẹp như một đàn bướm”. Chia sẻ đó đã để lại trong tôi một cảm giác bác có cái gì đó khá “tiểu tư sản”, không khô khan như bà giáo dạy chính trị trong lớp! Với lại, chúng tôi luôn được mẹ dặn dò phải lễ phép, “đi thưa về trình”, biết người họ hàng cao thấp thế nào để đối xử đúng lễ nghi, không làm cho cha mẹ phải xấu hổ. Bác tôi đã được đón tiếp nồng hậu và chăm lo thật đầy đủ. Túi xách trở về Bắc của bác đầy ắp quà cáp cho bác gái và các anh chị họ.
 
Sức khỏe Mẹ tôi dần suy sụp; vì lo âu, phải chịu quá nhiều áp lực nên bịnh suyễn thời con gái trở về hành hạ bà. Mẹ tôi vào ra bịnh viện như cơm bữa, các chị lớn thay phiên nhau nấu cơm đem vô nuôi Mẹ và bán dần những cây vàng để mua những ống thuốc “Hydrocortison” ở chợ đen để bác sĩ tiêm cho bà những lúc lên cơn suyễn cấp bách. Chúng tôi chia nhau ra làm việc nhà sau khi cho tất cả người làm nghỉ việc. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, khoảng 11,12 tuổi nhưng trẻ con cũng có một trực giác rất nhạy bén. Tôi buồn nhưng không dám khóc lóc, than thở. Những bữa ăn sáng biến mất thì đã sao - bụng đói đâu có làm mình ngu đi? Áo quần mặc lại của các chị lớn cũng không có gì phải xấu hổ - vì các bạn mình cũng không khá hơn! Chúng tôi như một bầy vịt con thiếu mẹ, đứa nhỏ theo đứa lớn lục tục đi kiếm ăn, nhẫn nhịn, chịu đựng.
 
Ngay lúc ấy bác gái vào Nam để thăm mẹ và em gái. Mẹ tôi đã nói không ngoa: bác cao hơn Mẹ, da mặt trắng hồng (có lẽ vì mới vào từ ngoài Bắc với khí hậu lạnh hơn trong Nam?) Tuy gương mặt bác có nhiều nếp nhăn nhưng ở bác toát ra cái gì đó rất bình thản, chấp nhận, an phận. Trong khi đó, mẹ tôi sau 2 năm chống chọi một mình, đương đầu với những “đổi tiền”, “đánh tư sản”, “đe dọa đi kinh tế mới”… đã sa sút rất nhiều. Mẹ gầy sọp và trông già hơn cả bác!
 
Cuộc trùng phùng trong nước mắt mừng mừng, tủi tủi. Bác rón rén đến gần Bà Ngoại tôi thì thầm “Mẹ ơi, cái Bồng của mẹ đây!” Rồi hai khuôn mặt áp vào nhau, ràn rụa nước mắt!
 
[Bây giờ, gần 50 năm sau, nhắc lại giây phút đó, tôi vẫn cảm thấy khoé mắt cay cay. Hãy tạm gác hết những “ý thức hệ”, “quan điểm chính trị” sang một bên, tất cả những cuộc phân ly do con người tạo ra đều đáng lên án phải không? Và đoàn tụ vẫn là điều hạnh phúc nhất, đáng cố gắng đạt được, đúng không?]
 
Bác gái ở lại chơi với chúng tôi khá lâu. Phải công nhận, đó là thời gian khá hạnh phúc cho tôi. Tôi như tìm thấy ở bác người thay thế Mẹ, cho tôi lại những âu yếm, vuốt ve, chăm sóc, cưng chiều xưa. Bác không quen ngủ giường nệm, tuy êm nhưng nóng nực, nên cứ xin một cái chiếu trải xuống đất ở hành lang dẫn về phòng của ông tôi ở ngày xưa, quay về hướng Nam có gió mát. Thế là tôi tự động ôm mền gối xuống ngủ với bác. Tôi nhớ hoài cảm giác yên ổn khi được rúc vào tấm lưng mềm mại, ấm áp của bác lúc trời gần sáng.
 
Bác gái bình dị, không “nổ” như bác trai, lại thật thà như đếm. Bác đã giật bắn mình khi lần đầu tiên chúng tôi mở ti-vi, vì bác tưởng “có một người nào đó nhảy vô trong cái thùng ấy và nói chuyện với mình”. Bác chỉ loanh quanh ở nhà trò chuyện với bà Ngoại, phụ giúp các chị tôi việc bếp núc và chăm lo cho người bịnh là Mẹ tôi. Có một lần, mỗi gia đình trong phường được mua 3 vé đi coi Cải Lương. Tôi và một chị dẫn bác đi coi tuồng “Lã Bố Hí Điêu Thuyền”. Lần đó tôi ngẩn người ra khi thấy bác ôm bụng cười thật sảng khoái, cười tới chảy cả nước mắt. Điểm đáng ngạc nhiên nhất là bác - một người mấy tuần đầu cứ ngớ mặt ra vì không hiểu tụi tôi nói gì (vì tụi tôi đã chen quá nhiều tiếng Nam) - giờ lại thích thú món Cải Lương Hồ Quảng. Về tới nhà, bác cứ xuýt xoa “Sao mà đào kép xinh đẹp thế? Áo quần lộng lẫy thế? Lã Bố đội cái mũ có lông trĩ phất qua phất lại sao mà oai hùng! Đổng Trác có cái bụng to như cái trống chầu, buồn cười quá!” V.v..
 
Lần hồi tôi mới biết thêm vài nét về cuộc sống của bác ngoài đó như thế nào. Bác là công nhân trong nhà máy may mặc (Vì vậy khi trở ra ngoài Bắc, bác tom góp rất nhiều vải vụn của nhà tôi đem về) Bác trai chỉ là bộ đội quèn nên lương lậu có là bao? Bác gái phải may thêm, nuôi gà nuôi heo để “cải thiện kinh tế gia đình” (Một việc mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Mãi khi đến thăm một con nhỏ bạn có mẹ là dân tập kết trở về, được cấp một căn nhà khá tốt, lúc đó mới tận mắt thấy cái bồn ngày xưa để chứa nước tắm giặt, được người ta đổi thành chuồng nuôi hai con heo trong đó!)
 
Trở lại chuyện bác gái. Bác không được học cao, rất an phận, chịu kham khổ, biết nhẫn nhục đúng nghĩa người phụ nữ Việt Nam sinh vào đầu thập niên 1920. Tôi không biết Bác và Mẹ tôi có thì giờ ngồi nhắc lại với nhau cái thời còn là con gái được may áo dài kiểu Le Mur, được “phi-dê” đánh tóc phồng lên, được sắm giày cao gót và chiếc ví đầm, để không “thua chị kém em với chúng bạn”. Tôi tin chắc cuộc trò chuyện sẽ rộn ràng, vui vẻ hơn nhiều nếu Mẹ tôi không phải chiến đấu với bệnh tật, phải một mình lèo lái con thuyền thiếu mất người thuyền trưởng là Ba tôi đang bị giam cầm ở núi rừng Việt Bắc heo hút.
 
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường?”
 
Cuộc hí trường đó đã khiến bác gái tôi một lần phải gạt lệ, nuốt nỗi nhục vào bên trong, vì bác trai tôi bị bọn cờ đỏ sách động làm sao mà đã đích thân lột quần người con trai lớn, bắt anh đeo hai cái biển với hàng chữ “tôi là thằng con trai vô giáo dục”, đi lên đi xuống trên đường phố Hà Nội! Câu chuyện này bác đã cố giữ kín để người em gái của mình không thất vọng, để Mẹ tôi giữ mãi hình ảnh đứa cháu trai khôi ngô, đĩnh đạc và thông minh một thời.
 
Nhưng rồi vài năm sau, chuyện ấy cũng bị lộ ra. Sau khi hai bác vào thăm thì lần lượt đến 2 anh lớn của bác. Anh thứ hai cao ráo và da trắng trẻo giống bác gái, chỉ thích ăn diện, “phất phơ” lòng vòng Sài Gòn-Chợ Lớn. Anh ăn bận kiểu “công tử Hà Nội sau thời chiến”, xì-tin của anh hơi lạ với chúng tôi, nhưng nói chung anh hiền lành không có gì đáng nói. Chỉ tiếc người anh lớn, cũng là đứa cháu cưng của Mẹ tôi ngày xưa, lại trở thành một người điêu ngoa, xảo trá khôn lường! Lúc ở chơi với gia đình tôi, chính anh là người đã toa rập với bè đảng cậy cửa vô nhà ăn cắp xe đạp; rinh mất cái rương chứa những vật kỷ niệm của Bà Ngoại tôi dự định sẽ cho chôn theo khi Bà mất; “dọn” luôn mấy chai rượu ngoại đắt tiền, cũng như máy Radio-Cassette cùng cái băng nhựa có bản nhạc “L’amour, c’est pour rien” (mà tôi đã có lần nhắc đến trong một bài viết khác). Khi biết ra bao nhiêu tội tày đình của anh, Mẹ tôi giận quá thẳng thừng đuổi anh về Hà Nội. Lúc ấy bác gái mới kể lại vài “thành tích” xưa của anh, những thành tích đã khiến ông bố giận quá, lột quần con trai, bắt đeo tấm bảng tự đấu tố đi trên đường phố Hà Nội!
 
Khi nghe câu chuyện ấy mẹ tôi thảng thốt, lắc đầu, thở dài rồi chép miệng nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tại cái xã hội nó xấu xa nên mới tạo nên những con người gian trá”. Như vậy là tuy giận người cháu trai ghê lắm, Mẹ tôi vẫn còn sáng suốt và nhân từ nên không kết luận anh ta là kẻ xấu xa, tội lỗi, đáng bị sỉ vả. Đáng bị lên án thực ra là cái xã hội làm bần cùng hóa con người… và đang ngày càng lộ rõ bản chất của nó ra với mấy chục triệu người miền Nam.
 
Rồi thời cơ tới: nhà nước chấp thuận cho người Việt gốc Hoa ra đi “bán chính thức”. Nghĩa là sau khi đóng một số vàng lớn, người Hoa kiều được xuống tàu do công an canh gác. Của cải, cơ ngơi họ phải bỏ lại hết nếu toàn bộ gia đình đăng ký với chính quyền. Mẹ tôi chạy đường dây cho 6 chị em chúng tôi mang giấy tờ người Hoa để được đi bán chính thức. Và canh bạc đó Mẹ thắng lớn! Còn bác gái tôi thì đã trở ra Bắc, tiếp tục tằn tiện từng xu, từng cắc, từng mảnh vải vụn và từng sợi dây thun (!)… để nuôi gia đình.
 
Vài ngày trước khi chúng tôi rời bến từ Tà Niên, Bà Ngoại tôi mất. Bác gái không kịp về chịu tang Mẹ của mình. 20 năm chia cắt hai mẹ con, hai người phụ nữ đã nói gì với nhau, đã có những cảm xúc nào, đã có những mơ ước ra sao? Tôi chịu thua, không biết được điều chi.
 
Chúng tôi may mắn đến được bến bờ tự do. Pulau Bidong, “hòn đảo bao dung”, đã cưu mang chị em chúng tôi 5 tháng rưỡi. Sau đó, Tây Đức rộng mở vòng tay đón chúng tôi, cho chúng tôi ăn học không tốn tiền, có cơ hội mới để nên người trên một xứ sở xa lạ nhưng văn minh, hiện đại, tiến bộ và quan trọng nhất là tôn trọng tự do, phẩm giá con người. Ba tôi vẫn mòn mỏi trong ngục tù (với cái tên “trại cải tạo”). Dù sức khỏe kiệt quệ, mẹ tôi vẫn thu hết tàn lực để đi thăm nuôi Ba tôi một lần. Nhờ vậy, hai chị em lại được trùng phùng trên đất Bắc, ngay tại Hà Thành là nơi mẹ tôi trưởng thành. Lúc đó cả nước nghèo, đói, khổ, nên không có chuyện hai chị em khoác tay nhau đi ăn bánh tôm Tây Hồ hay chả cá Lã Vọng đâu nhé! Mẹ tôi bận rộn với mua sắm “thức ăn chiến lược” giữ được lâu và bổ, kiểm soát thuốc men nào được đem vô cho Ba… chắc hẳn khó có tâm trí để đi dạo Hồ Gươm, đường Cổ Ngư, thăm 36 phố phường... Nghe nói, ngay cả nằm gác chân với nhau trên cùng một giường cũng không thực hiện được, vì nhà bác gái tôi nhỏ hẹp, chật chội, khoan nói đến tiện nghi, ngay cả vệ sinh tối thiểu cũng hạn hẹp!
 
Nhờ phúc đức ông bà, rốt cuộc Ba tôi cũng được thả ra. Ông dứt khoát và can đảm chọn đường “đi chui” ngay (và cũng đoàn tụ với chúng tôi). Mẹ tôi không đi vượt biển cùng vì sức khỏe sa sút như thế không cho phép. Mẹ tôi chờ nhà nước VN cho phép ra đi chính thức vì giấy bảo lãnh của chúng tôi đã gửi về từ lâu. Tội nghiệp, mẹ tôi quá ngây thơ nên cứ tưởng người ta chưa cho đi vì chưa có chính sách. Đâu dè “ông” nhà nước đã “chiếu tướng” căn nhà nằm ngay mặt tiền trên một con đường sầm uất nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn của gia đình. Sau một năm đấu trí, dĩ nhiên mẹ tôi thua “đỉnh cao trí tuệ” nên đành lòng ký giấy hiến nhà cho chính phủ mới được xuất ngoại! Nhưng gia đình chúng tôi ai cũng đồng ý Mẹ hãy “bỏ của chạy lấy người” đi. Thế là cả nhà sum họp sau gần 10 năm tan tác!
 
Thật không ngờ Ba lẫn Mẹ phải 2 lần bỏ lại tất cả sau lưng để làm lại từ đầu! Lần đầu lúc trước khi chia đôi đất nước, lúc đó chưa có gia tài của cải, nhưng cũng là bỏ lại quê quán, gia đình, họ hàng, bạn bè… Lần thứ hai có thể nói là “ác nghiệt” hơn trăm lần: sau khi bị tù đày, hãm hại, rẻ rúng, phải chịu mất hết nhà cửa, của cải mới được ra đi… Trớ trêu nhất là Sau Khi đất nước hòa bình, thống nhất!!! Thử hỏi, những danh xưng như “đu càng”, “ba que” người ta tặng cho những người như chúng tôi có xứng đáng không?
 
Hỏi tức là trả lời. Chỉ vài năm sau, những tên gọi xấu xa đó mau chóng được đổi thành “khúc ruột xa ngàn dặm của quê hương”! Hai “khúc ruột” lúc bị giựt đứt khỏi “đồng bào” đã ở tuổi hơn ngũ tuần, cái tuổi không còn trẻ để dễ dàng hội nhập, để bươn chải “làm lại từ đầu”, nhưng cũng chưa đủ già để an phận thủ thường. Ba Mẹ chúng tôi biết rằng không thể lập nghiệp, tạo dựng lại cơ đồ vật chất như xưa, nhưng hai Ông Bà quyết tâm không dựa dẫm, ỷ lại con cháu, nên lập tức học tiếng Đức khó nuốt rất hăng hái và siêng năng. Nếu không thể làm chỗ dựa vật chất được nữa thì Ba Mẹ nhất quyết là một chỗ dựa tinh thần vững vàng cho con cháu. Vâng, chúng tôi trưởng thành trên xứ người, may mắn không như người ta ví von “giống trái chuối vỏ bên ngoài màu vàng nhưng bên trong trắng bệch” là nhờ những câu thơ Kiều Ba tôi đọc lên cho bất kỳ tình huống nào, là nhờ Mẹ cho thưởng thức không chỉ những món ngon, mà cả những câu tục ngữ, ca dao, câu hò, điệu hát cứ lặng lẽ ngấm vào từng tế bào, thớ thịt chúng tôi.
 
Ba Mẹ ở trong một căn hộ 3 phòng tại một làng nhỏ hiền hòa, xa xôi phố thị; mua được chai nước mắm đã mừng rỡ; gói bánh chưng chỉ dám dùng 1-2 tấm lá chuối cho lớp bên trong; chắt chiu tiền bạc để đóng thùng quà gởi về cho cháu Ngoại, và cho họ hàng. Thế đấy! Đã là “khúc ruột” đi ngàn dặm xa rồi nhưng không thể nào bỏ mặc khúc ruột chằng chéo, cong queo, còn quằn quại bên trong được. Tiếng Việt của mình có câu nói “đau xót ruột” là vậy.
 
Nhưng Ba Mẹ tôi chẳng bao giờ cảm thấy đó là gánh nặng. Dù đã mất mát rất nhiều nhưng 2 người vẫn toại nguyện và hạnh phúc khi thấy các con lần lượt trưởng thành. Dĩ nhiên, không phải thành “ông này bà nọ”, nhưng rõ ràng là chúng tôi được nên người, được học hoặc làm những gì mình muốn, được đứng thẳng người! Đó là lý do duy nhất tại sao Ba và Mẹ tôi chấp nhận bỏ hết tất cả của cải và quê hương lại sau lưng.
 
Tại nơi quê nhà, bác gái tôi cũng được thấy các anh chị lớn lên. Người anh cả với quá khứ nhiều tì vết nên sau đó vẫn cứ mãi như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Nghe đâu những thói hư tật xấu (mà Mẹ tôi tin chắc nó đến từ nền giáo dục bất nhân) tiếp tục đưa anh vào vòng lao lý. Anh ra đi sớm nhất trong nhà! Chúng tôi không được biết lý do chính xác. Người Việt, đặc biệt người Bắc lại càng sợ tai tiếng, nên “văn hóa che đậy” rất được giữ gìn! Mẹ tôi thương bác nhưng bản thân cũng còn đầy dẫy những thử thách trước mắt. Nền y học tân tiến của nước Đức không thể phục vực lại cơ thể quá suy nhược của Mẹ tôi; Bà ra đi ở tuổi 60! Một cuộc đời đầy đủ cung bậc thăng trầm, vinh nhục… (như bất kỳ kiếp nhân sinh nào!) Một điều tôi có thể cảm nhận được rõ ràng rằng Mẹ tôi đã sống hết lòng với bản thân và tha nhân. Còn bác tôi? Tôi không rõ. Chỉ rất vui vì được thấy dường như số bác được hưởng phúc lạc lúc về già; Vào thời kỳ mở cửa, các anh chị con bác đều là những người khôn ngoan, bắt kịp thời vận, nên ai nấy đều có một cuộc sống vật chất sung túc và quan trọng nhất là khá hiếu đễ với Mẹ già. “Âu đó là do tự tu thân tích đức” - như Mẹ tôi thường hay cắt nghĩa. Người chị con của bác đã khoe với tôi: “Về già, ngày nào chị cũng mua cho Mẹ chị một con gà thịt vàng chới và săn chắc. Món này Mẹ chị thích nhất!”
 
Giống như trong trò chơi Roulette, Mẹ và Bác gái như viên bi được thẩy vào “cylindre”, không biết sẽ rơi vào ô nào? Đỏ hay đen chỉ là tương đối, cuối cùng mới biết ai thắng, ai thua. Nhưng xét cho cùng, “thắng” hay “thua” chỉ là những cặp chữ dùng để gọi điều gì đó bởi cách nhìn đối đãi, nhị nguyên. Bây giờ cả hai đã về với cát bụi, hay nói theo dân gian (nghe có vẻ ấm áp hơn) là “về với ông bà”. Ừ, chắc lúc đó 2 bà mới được thư thả ôn lại những kỷ niệm đẹp xưa của họ từ lúc còn bé dại tại miền thượng du Lạng Sơn, đến khi thành cô thiếu nữ của Thăng Long thành, chớm biết yêu và mơ mộng… trước khi bi kịch lịch sử phân ly hai người.
 
Chùa Lá, 28/03/2025,
Nttk Kim Nguyễn
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Kim Nguyen

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com