
Trường Kiểu Mẫu, ngôi trường hiện đại nhất ở Huế lúc đó. (Hình: truongkieumauhue.org)
Nhiều người chọn nghiệp dạy học vì lúc còn là học trò đã bị cuốn hút bởi nét dịu dàng của một cô giáo, vẻ hào hoa của một thầy giáo, một khuôn mặt đẹp, một nét cười tươi của thầy, cô… Còn tôi, cứ loay hoay tự hỏi vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác vì sao mình trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh. Nhưng có một điều tôi tin chắc: việc chọn nghề của tôi có tác động từ “Thầy.”
Ngày đầu bước chân vào trường Kiểu Mẫu, ngôi trường hiện đại nhất ở Huế lúc đó với chương trình đào tạo tiên tiến, nỗi háo hức của tôi bỗng chìm xuống ngay trong giờ tiếng Anh đầu tiên.
Ban giảng huấn của trường Kiểu Mẫu 1964. (Hình: Kiểu Mẫu)
Người đứng trên bục giảng là một người đàn ông trung niên, thấp nhỏ, nét mặt cau có làm chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Ngược lại, với vóc người bé nhỏ đó là giọng nói sang sảng đôi lúc làm chúng tôi giật bắn cả người khi thình lình thầy gọi tên, “mời” lên bảng. Mặc dù lúc đó tôi là một trong những học sinh khá môn tiếng Anh, nhưng cảm giác lo lắng, sợ hãi và ức chế khi vào học giờ tiếng Anh kéo dài suốt mấy tuần sau đó cho đến một ngày…
Hôm đó là một sáng Chủ Nhật, chúng tôi rủ nhau lên nhà Hồ Văn Chậm ở trên ga chơi. Khi chúng tôi ra về, Chậm tiễn chúng tôi ra và chỉ vào một quán bar “nhà thầy Ấm đó. Đứa mô dám vô thăm thầy không?” Cả bọn ngẩn người ra, nửa muốn vào, nửa sợ, chỉ dám thập thò trước cửa. Bỗng từ trong cửa thầy dắt xe ra. Thấy chúng tôi, thầy ngạc nhiên kêu lên:
- Ô! Tụi con đến lúc mô? Răng không vô mà đứng ngoài ni rứa?
Đó là lần đầu tiên tôi nghe thầy gọi chúng tôi bằng từ “con,” và cũng là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận trong giọng nói của thầy sự dịu dàng của một người cha đối với con cái mình.
Sau này tôi nghe bạn bè kể lại, hình như dạo đó thầy lập gia đình đã lâu nhưng chưa có con. Và tôi hiểu rằng bên trong nét cau có thường ngày ở trường là cả một tình thương vô bờ đối với học trò bé bỏng của mình.
Trường Kiểu Mẫu với chương trình đào tạo tiên tiến. (Hình: Kiểu Mẫu)
Những ngày sau đó, trong giờ học tiếng Anh với thầy, sự lo lắng, căng thẳng đã nhường chỗ cho sự tự tin, phấn khởi. Sức học của chúng tôi tăng lên thấy rõ.
Năm sau, chúng tôi không còn được học với thầy nữa. Buổi học cuối cùng, thầy bỗng lặng lẽ hơn mọi ngày. Trước khi kết thúc, thầy nói với lũ trẻ chúng tôi mà cứ như đang nói với những người bạn vong niên:
- Các em ạ. Muốn học giỏi một môn nào đó thì trước hết phải thương được thầy, cô dạy mình môn đó. Mà muốn thương được thầy, cô thì đừng nhìn những chỗ xấu của thầy, cô mà hãy tìm mặt tốt dù nhỏ nhất của họ để yêu thương (dĩ nhiên tôi không còn nhớ chính xác từng từ thầy dùng, nhưng ý chính thì đúng như thế).
Sau này, tôi còn được học với thầy nhiều lần ở trường Đại Học Sư Phạm.
Một lần, trước khi tôi ra trường thầy trò có dịp ngồi bên nhau, Thầy tâm sự: “Hải à, nghề giáo trông nhàn nhã ri nhưng mà theo được nghề khó lắm. Lúc nào cũng phải ráng mà giấu kín những bức bối của đời thường đi để tươi tỉnh, vui vẻ trước học sinh, khó vô cùng Hải ạ. Thầy mừng Hải đã chọn theo nghề của các thầy. Cố lên Hải hí!”
Cuối 1974, tôi ra trường chọn nhiệm sở ở Ban Mê Thuột, xa gia đình, bè bạn, thầy cô. Sau Tháng Ba, 1975, trong những dịp hiếm hoi về Huế thăm gia đình, tôi chỉ được gặp lại thầy một lần duy nhất ở chân cầu thang cư xá giáo sư, lúc thầy đang vội đi đâu đó. Sau đó, nghe thầy chuyển vào Saigon.
Đầu thập niên 1990, tôi có dịp dự một khóa tập huấn do một dự án của Úc tài trợ. Trong số các trợ lý cho các giảng viên nước ngoài, tôi chú ý đến một cô gái vì “giọng Huế chay” của cô ấy. Sau này mới biết là con gái của thầy, vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn, đang chờ phân công được trường cử sang giúp các giảng viên người Úc.
Hỏi thăm thầy, em cho biết “Dạo này ba tu thiền, sống trên một căn gác nhỏ, ít tiếp xúc với xã hội.”
Chúng tôi ngỏ ý muốn ghé thăm thầy, em hẹn cuối khóa tập huấn sẽ sắp xếp để đưa chúng tôi đến chỗ thầy. Ngày cuối khóa, ham vui theo những người bạn mới, trong tiệc chia tay tôi uống say, quên mất lời hẹn và đó là một trong những nỗi ân hận theo tôi mãi đến hôm nay.
Sinh hoạt trường Kiểu Mẫu 1964. (Hình: Nguyễn Đăng Uynh)
Mấy năm sau trở lại Sài Gòn, tôi được tin thầy đã vĩnh viễn ra đi. Những lời tâm sự của thầy đã theo tôi suốt bao năm dạy học và cứ đầu mỗi khóa đào tạo, tôi thường nhắc lại cho các giáo sinh của tôi. Với học sinh, đồng nghiệp, tôi vẫn cố tìm điểm sáng nơi họ để yêu thương và luôn cố gạt bỏ mọi muộn phiền trước khi bước lên bục giảng. Hôm nay, bỗng nhiên nỗi nhớ thầy dậy lên trong lòng tôi.
Thầy ơi! Trên bước đường hành nghiệp của con luôn luôn có thầy đi bên cạnh.
Thầy ơi! Cho con viết những dòng này như là một nén nhang tưởng nhớ thầy và mong thầy tha thứ cho sự vô tâm của chúng con.
Thanh Hải