User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 .

Sự vui vẻ thường hay lây, điều này thì ai cũng biết. Nhưng bây giờ các khoa học gia mới khám phá ra nguyên nhân của sự hay lây. Và bây giờ mới hiểu tại sao những tình cảm tiêu cực bi quan lại có khuynh hướng dễ lây hơn là sự vui vẻ lạc quan.

 Bi quan và lạc quan là những cảm nhận, hệt như những bệnh nhiễm trùng, có thể lây lan từ người sang người. Mặc dù lắm khi, người tiếp nhận không ý thức được.

Elaine Hatfield, nữ giáo sư Tâm Lý Học tại đại học Hawaii cho rằng: những cảm nhận tâm lý lây từ người sang người chỉ trong thời gian chưa đầy một cái chớp mắt; và người “bị lây” chỉ lờ mờ nhận biết rằng “ô hay, hình như mình buồn hơn (hay vui hơn) sau lần gặp gỡ hôm ấy … ”

Sự trao đổi cảm xúc này dựa theo một nguyên lý đã có từ muôn đời. Trong một cuộc đàm thoại, người ta có khuynh hướng, mặc dù không ý thức, bắt chước cách diễn tả nét mặt, tư thế của thân hình (bodytalk), nhịp điệu hay ngôn ngữ của người đối thoại. Diễn tả, ăn nói đã hùng hồn mà lại có thêm cá tính mạnh thì rất dễ dàng gây ảnh hưởng, lôi cuốn và khiến người đối thoại bắt chước ngay (trong vô thức).

Những chuyển động của bắp cơ trên mặt, của thân hình, quả thật đã khơi mào cho những cảm xúc và khởi động các tế bào thần kinh của não bộ, khiến “người đối diện” cũng hệt như đang “sống thực” những cảm xúc đó. Nếu thấy trong lòng vui thú, ta cười; mà khi ta cười (thì) lòng bỗng cảm thấy vui thú.

Các khoa học gia thuộc đại học Michigan còn cho rằng, một ông chủ hãng vui tính sẽ truyền cái không khí thoải mái trong hãng cho các nhân viên, và nhờ đó năng suất làm việc tăng mạnh, hơn là với một ông chủ hãng tính tình khó chịu.
Một sự “lây truyền” cảm xúc còn tùy thuộc vào một vài yếu tố, ví dụ như quan hệ “thân hay sơ” của đôi bên. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đối với những cặp vợ chồng lớn tuổi, chỉ cần vợ hoặc chồng buồn rầu yếm thế là người kia cũng bắt đầu cảm thấy chán nản không vui (!?). Ngay cả trong giới sinh viên, bệnh chán đời rất dễ và thường hay lan rộng.

Theo quan điểm của nhà tâm lý học Frank Bernieri thuộc đại học Oregon thì những cảm xúc bi quan dễ lan rộng hơn. Một người rầu rĩ thường làm cho những người xung quanh mình … rầu rĩ theo (!?). Và luôn luôn có hai loại người: một type lấn át, luôn luôn “gieo rắc” và một type rất dễ bị lây, dễ bị lôi cuốn theo cảm xúc của những người mà mình tiếp xúc.

Bích Vân

 

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com