

– Có ai từ chối không? – Con gái ông Chánh hỏi.
– Không khai báo là bao che, họ khép tội và cắt hết mọi “chế độ” luôn. Chúng em vẫn tạ ơn Chúa là gia đình hai bác và cậu Hiện đã đi di cư nên con cháu thoát được. Sau, họ cũng đã sửa sai đôi chút, nhưng ai chết thì đã chết rồi, ai đấu tố ai thì đã xong rồi. Tình thế này, nhà ta đừng đi xa thành phố, đừng đi kinh tế mới nơi đồng không mông quạnh, nguy hiểm lắm. Cứ khất lần, không sao đâu. Em nói riêng trong nhà mình nghe thôi chị nhé.
Nghe người cháu kể, ông Chánh nói:
– Thôi, ăn cơm đi cháu, Chúa hằng lo liệu. Khi về lại Bắc cho hai bác thăm hỏi mọi người. Cháu ăn tự nhiên đi, mải chuyện để đồ ăn nguội lạnh hết. Nghỉ ngơi một hai bữa rồi bác bảo anh cháu đưa lên Sài Gòn chơi cho biết, trước khi về Bắc lại.
Người cháu mồ côi cha từ thuở nhỏ, tìm lại được người bác sau mấy chục năm phân ly Nam Bắc chỉ muốn loanh quanh ở nhà để trò chuyện. Nhưng ông Chánh thương cháu, muốn cho cháu đi thăm thành phố Sài Gòn trước khi về lại miền Bắc. Ông Chánh bảo người con trai áp út còn sót lại trong gia đình: “Đưa em lên Sài Gòn chơi và mua cho em một vài món đồ”.
Tuy không gặp nhau từ thuở nhỏ. Nhưng, dường như cùng một huyết thống, nên người con trai ông Chánh đã mau mắn thu xếp đưa em đi loanh quanh trên các đường phố Sài Gòn. Cảnh vật Sài Gòn làm người em ngạc nhiên như người ở miền núi chưa từng đặt chân tới thành phố, khiến ông nói với người anh họ: “Vậy mà ở Bắc, nhà đài nói…” rồi ông ngưng lại, dáo dác nhìn quanh như sợ ai đó đã nghe được.
Trước ngày người cháu về Bắc. Trong lúc ăn cơm chiều, ông Chánh hỏi người cháu cần cái gì thì hai bác cho. Không ngần ngại, người cháu nói: “Cháu xin hai bác cái xe đạp, còn các thứ khác anh Chính đã mua cho cháu rồi”. Nước mắt doanh tròng, nghẹn ngào nói: “Cháu không biết đến bao giờ mới có dịp vào thăm lại hai bác và các anh chị. Xin hai bác và các anh chị hiểu cho cháu. Cháu xin cám ơn hai bác và các anh chị đã thương yêu và lo cho cháu”.
– Hoàn cảnh của hai bác bây giờ không còn được như trước đây. Cháu cũng đã biết, vật đổi sao rời, các anh đang sống trên núi trên rừng. Vì vậy bác cũng không còn dư dả gì mà cho con cho cháu như xưa. Thôi được đến đâu hay tới đó. Cháu thích cái xe nào thì lấy, nghỉ ngơi cho khỏe để sáng mai về gặp lại vợ con – Ông Chánh nói với người cháu, rồi vào phòng nằm nghỉ.
Giọng nói sụt sùi, nước mắt lăn trên gò má khi người cháu nghẹn ngào nói những lời tạ từ để về lại miền Bắc. Cột đèn “xanh đỏ” báo hiệu cho xe chạy đã đổi từ màu đỏ qua màu xanh. Những chiếc xe vút nhanh theo giòng xe đang chạy trên đường đông như ngày trẩy hội. Mọi người hối hả, chạy bạt mạng, chạy đua với thời gian để kiếm miếng ăn trong một xã hội mới – Xã Hội Chủ Nghĩa. Người anh lái chiếc Honda mắt nhìn về phía trước, rồi quẹo trái một hai con đường và rẽ phải để đi tới nhà ga xe lửa với nét mặt buồn thiu của người em họ đang ngồi phía sau trên đường đến ga xe lửa để về lại miền Bắc sau mấy chục năm xa cách, đổi đời.
Chu Kim Long
Nguồn: https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/ky-uc-30-4/doi-doi/