User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Từ những thư từ trao đổi, chia sẻ chuyện văn chương, nhà văn Đặng Mai Lan có nhã ý dành cho trang blog Trần Thị Nguyệt Mai một bài viết. Như các bạn đã biết, Đặng Mai Lan viết từ rất lâu (1991) nhưng bài viết của cô rất ít khi xuất hiện trên các trang mạng.

Hôm nay Đặng Mai Lan gửi cho Nguyệt Mai một bài viết cũ, một bài viết “tội nghiệp” vì cô đã bỏ quên trong những lần chọn bài in sách. Cũ nhưng cũng là mới. “Cũ” vì nội dung đã được viết cách đây hơn hai thập niên. Nhưng “mới” với bút pháp và hình thức mà mấy ngày nay cô đã bỏ công viết lại để làm quà ra mắt cho trang nhà TTNM.

“Đọc và viết lại một bài viết cách đây hai mươi lăm năm như soi lại, tìm lại cảm xúc của mình ngày cũ”.

Đó là điều Đặng Mai Lan đã tâm tình. Nguyệt Mai rất hân hạnh và trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết sau đây.
 dangmailan
Nhà văn Đặng Mai Lan (1996)
 
Khi rời khỏi thư viện Thục cảm thấy buồn rười rượi. Vacances mùa đông, học trò còn đang nghỉ học nên những chuyến xe bus cũng bị giảm bớt đi. Thục đứng chờ xe cả hơn mười lăm phút, nhưng cô không cảm thấy nóng ruột bồn chồn chút nào. Thục chỉ phân vân, không hiểu mình có nên đến gặp người bác sĩ nhãn khoa của mình nữa hay không? Đã hơn sáu giờ chiều, chắc chắn ông vẫn còn nhiều khách đang ngồi chờ ở phòng đợi. Có thể chỉ còn lưa thưa một hai người. Thục không có hẹn ngày hôm nay, nhưng dù vắng hoặc đông khách ông cũng phải tiếp cô như ông đã nói với Thục trong lần khám mắt kỳ trước, khi nghe Thục phàn nàn về khoảng thời giờ eo hẹp, đời sống công việc không được bình thường của cô. Muốn lấy một cái hẹn với ông, Thục phải đợi ít nhất khoảng một tháng. Ngày nghỉ của Thục thay đổi thường xuyên, không ấn định rõ ràng nên bao nhiêu lần lấy hẹn rồi lại bỏ. Có khi Thục được nghỉ liên tục hai ba ngày, và cô chỉ biết trước trong vòng một hai tuần.
 
“Cô cứ đến khi nào tiện lợi và cứ bảo với người thư ký của chúng tôi rằng đã làm vỡ hoặc mất kiếng. Đó là một trường hợp khẩn cấp mà chúng tôi thường cố gắng giải quyết. Nếu trùng vào ngày có người hủy hẹn thì tốt. Đôi khi khách quá nhiều, tôi bắt buộc phải từ chối và cho một cái hẹn sau đó một hai ngày. Nhưng cô yên tâm, với cô sẽ không có gì trở ngại.”
 
Người bác sĩ già có khuôn mặt xương xương. Nhìn u ẩn, thâm trầm như một hiền triết. Không riêng gì giọng nói chậm rãi, từ tốn. Bất cứ một cử chỉ nào nơi ông cũng mang một sự nhẹ nhàng, thư thái. Như khi lật lại những trang giấy trong tập hồ sơ của khách hàng. Cầm lấy cây viết ghi chép. Tìm những khuôn mẫu của từng ve mắt, lắp vào máy để đo độ nhìn cho khách.
 
Phòng mạch êm ả như một chốn thiền. Tất cả vật dụng đèn đóm, bàn ghế, kệ tủ đều mang một màu đen tuyền. Chỉ khi cần thiết, những chiếc bóng đèn nơi góc phòng, chỗ kê các dụng cụ máy móc mới được bật lên. Ngọn đèn chính trên bàn làm việc của ông cũng không sáng lắm. Nó tỏa ra thứ ánh sáng nhẹ, ấm, chiếu long lanh quả địa cầu nhỏ bằng pha lê trong suốt vừa để trang trí cũng như để chận giấy tờ. Ánh sáng tuy có làm phản lại thứ màu sắc bức tranh hoa hướng dương vàng của Van Gogh phóng lớn treo trên bức tường sau lưng, nhưng nhìn vào lại thấy nó có một nét linh động khác. Thục vẫn mang một thứ cảm giác thật bình yên dễ chịu khi bước vào, bước ra nơi căn phòng này, trong cái bắt tay chặt chẽ, hàm chứa sự nồng nhiệt của vị bác sĩ mà thường thì nó không chuyên chở gì khác ngoài sự lịch lãm cần thiết phải có.

Thục bước đi khi chiếc xe bus dừng lại thả một vài hành khách xuống. Không dưng Thục đổi ý, cô muốn thả bộ một đoạn đường và đón xe ở một trạm khác.
 
Con đường vắng tanh, buồn thiu, mặc dù chỉ đi thêm một quãng ngắn, qua một bùng binh không lớn lắm sẽ dẫn về trung tâm phố, nơi tấp nập tràn trề ánh sáng. Về nhà hay đến phòng mạch thì cô cũng phải đi về hướng đó. Thục chọn một lối đi nhỏ, vắng, chỉ có những ngôi nhà thấp im lìm. Lối đi mà lúc trước cô thường hay đi để tránh khỏi phải băng qua đường, tránh những ngã tư rộng lớn. Con đường quen, những vỉa hè quen, những ngôi nhà quen. Nhất là những hàng cây. Mùa đông, cây không còn lấy một chiếc lá. Những chiếc lá mà Thục đã tình tự với chúng suốt cả bốn mùa. Từ xanh tới vàng, từ vàng tới úa. Rụng rơi, khô gẫy, ẩm mục. Thục như ngửi được cái mùi tàn tạ, tan rữa của những chiếc lá chết tản mạn đâu đó trên nền đất ướt. Thục thường ví von một cách lãng mạn về những đời lá, sự sống của lá. Không chỉ nhú mầm, xanh mướt trên cây mới có chất sống. Vàng tươi trên cành, vàng thẫm dưới đất chờ một cơn lốc xoáy lá vẫn còn đang sống. Chỉ đến khi cong queo, mục rữa mới thực là những chiếc lá chết. Và Thục yêu những chiếc lá vàng trên cành biết mấy. Như một sự sống sung mãn, rực rỡ. Màu lá như một dung nhan buồn, ẩn giấu nỗi tuyệt vọng chia lìa.
 
Ngôi giáo đường nằm trên con đường lớn dẫn về trung tâm phố, có khoảng sân rộng lót đá xanh nhưng đã cũ mòn xám xịt theo bước thời gian, bước chân của những du khách đến từ các nước láng giềng, hầu như tấp nập suốt cả bốn mùa. Bởi lẽ nó không đơn thuần là một đền đài thiêng liêng, mà còn là một di tích lịch sử, nơi đăng quang của các vị vua hay tưởng niệm vinh danh những vị anh hùng xả thân cho tổ quốc. Vì thế, công trình kiến trúc này luôn được bảo tồn gìn giữ như thuở mới thành hình, đã hàng bao thế kỷ.
 
Bên phải giáo đường là bảo tàng viện. Ngoài di vật của những vị vua chúa, viện còn lưu giữ những bức tượng bằng đá, hư hao vỡ nát từ thời đệ nhị thế chiến. Những tượng người, tượng thú cụt đầu, mất chân, mất tay. Lạ lùng hơn, có những tượng thú còn nguyên vẹn, nhưng sức nóng của những trận bom thời Đệ Nhị Thế Chiến đã nung chảy chất chì trong lòng tượng và được phun ra một cách ngẫu nhiên từ miệng chúng. Khi nhìn, như thấy những con vật đang khạc lửa, điều đã thu hút biết bao cặp mắt ham mê, tìm tòi về nghệ thuật điêu khắc.
 
Rẽ ngang đường này, quẹo sang đường khác. Loanh quanh, vòng vo, Thục chợt nhận ra mình trở về đường cũ tự lúc nào.
 
Tháng Hai, chiều rơi mau. Thục không thể nhìn rõ, xuyên suốt những ô cửa trống trên đỉnh tháp cao, nhưng cô vẫn nhận ra thứ màu sắc đục mờ của những thành quách dài, nhấp nhô bao hình tượng chìm nổi trong bóng tối nhá nhem. Nhận ra cái giàn sắt cao ngất của hãng thầu xây cất nào đó được dựng lên phía bên hông nhà thờ, để xây lại những hư hại đã có đó từ lâu. Giàn giáo kim khí chiếm mất một khoảng đường mà lúc nãy Thục đã phải tìm một lối đi khác để băng qua.
 
Sao lại là đây, ngôi giáo đường trước mắt và tòa nhà thư viện nơi kia. Hình như mình chẳng đi đâu cả, hay mình đi lạc? Thục nhìn đồng hồ đeo tay, đã hơn sáu giờ. Cả gần một giờ trôi qua, Thục không nhớ mình đã đi những nơi nào trong khoảng thời gian đó.
 
Từ khi bỏ học đi làm, Thục đã không còn đặt chân đến thư viện nữa. Nhưng từ bao lâu cô không còn lang thang trên vỉa hè này, như chiều nay.
 
Đã lâu lắm rồi, Thục không nhớ rõ khoảng sân cỏ trước thư viện, nơi cô hay ngồi với một hai người bạn vào những ngày nắng ấm khi xưa, trồng những loại cây nào, nhưng cô có cảm tưởng những hàng kiểng được cắt tỉa đều đặn hai bên lối đi là những loài cây mới được trồng. Màu đen của hàng rào, những chấn song dọc theo bậc tam cấp đã được sơn lại bằng một thứ màu lục thẫm, trơn bóng. Thục nhận ra điều đó trong cái chạm nắm khi cô vịn vào lúc bước lên sảnh thư viện. Cảnh trí trưng bày bên trong không có gì thay đổi, chỉ khác một chỗ ngồi.
 
Khi bước vào, Thục đã nao nao buồn khi hình dung lại ánh mắt người quản thủ thư viện ngày trước. Người đàn bà với cặp kiếng trắng, lúc nào cũng mặc những chiếc váy phủ dài gần tận mắt cá chân. Kín đáo, nghiêm chỉnh như một nữ tu khó khăn lại hay mỉm cười với Thục mỗi khi cô đến. Bà đã không còn ngồi nơi chiếc bàn ấy nữa. Nơi đó, vẫn có cặp kiếng cận nhưng của một thanh niên. Một nhân viên thực tập, thay thế cho bà thư ký cũ đi nghỉ phép mùa đông không chừng. Thục đã đoán như thế khi nhìn bảng tên trên ngực áo của anh ta. Cái tên thoạt đầu có gây cho Thục chút ngập ngừng. Thục chỉ nhỏ nhẹ chào lịch sự. Cô đi qua đi lại bên những kệ sách một cách thản nhiên. Không một thoáng nhìn lại phía sau, nhưng cô biết có đôi mắt đang đuổi theo mình.
 
Thục vào thư viện chỉ để tìm đọc tại chỗ một tạp chí nào đó, chờ đến giờ đi gặp bác sĩ. Nếu như Thục chọn một cuốn sách, bước đến quầy giấy đưa cho người thanh niên cùng với thẻ mượn sách của cô thì sao? Anh ta sẽ đọc tên cô thành thạo không một vấp váp. Rồi cả hai sẽ có một vài câu trao đổi, hỏi thăm thân thế về nhau, về một quê hương họ đã rời bỏ. Hoặc cởi mở hơn, một trong hai người sẽ mời nhau tách cà phê nóng, mua từ cái máy tự động bán nước giải khát cạnh đó. Như những ly cà phê Thục đã từng nhấm nháp với bà thư ký cũ mỗi khi thư viện vắng người.
 
Người thanh niên đứng lên như muốn nói một điều gì với Thục khi cô đi về phía dãy bàn có những tạp chí cũ gần ngay chỗ anh ta ngồi. Ánh mắt đầy những ân cần không làm cho Thục nao núng, mềm lòng. Có chút gì đó chán ngán, bất nhẫn dấy lên. Dường như thế, chúng phủ chụp lên Thục, mơ hồ một nỗi đau đớn.
 
Thục dửng dưng rời khỏi thư viện.
 
Tại sao Thục lại như thế? Một chỗ ngồi ấm áp, như cặp tình nhân nơi chiếc quán vắng kia. Những ly, những tách tràn trề hạnh phúc. Lâu rồi Thục không có một chỗ ngồi rạng rỡ, sóng sánh thủy tinh. Không cả một tiếng nói, một ngôn ngữ quen. Tình nào cũng là một thứ tình. Sẽ ấm lòng biết mấy trong thứ thời tiết lạnh lẽo ngày đông.
 
Sao Thục lại bỏ đi? Thục đau đớn, không phải nỗi đau đớn mơ hồ trước đó, khi đối diện với người thanh niên. Nỗi đau sừng sững, dằn vặt từ lòng ăn năn hối tiếc. Anh ta còn trẻ, cỡ tuổi em Thục hoặc nhiều hơn là bằng tuổi Thục. Anh ta từ một nơi nào lạc loài đến tỉnh nhỏ này. Một sinh viên đang theo học một Đại Học nào đó ở đây, làm việc bán thời gian để sống. Hay một quản thủ thư viện vừa mới nhậm chức. Xa nhà, không thân thích, bạn bè. Ánh mắt của người thanh niên cho Thục hiểu anh ta có một trực giác, một kinh nghiệm để nhận ra ngay Thục là một đồng hương. Nhưng dù là một Thục xa lạ, đến từ một xứ sở nào khác, anh ta cũng đã thất vọng biết ngần nào với sự lạnh lùng của cô. Anh ta đã nhìn Thục, cái nhìn gọi tìm một gần gũi chứ không phải một cách nhìn ve vãn tầm thường. Vậy mà Thục kiêu căng hất đẩy.
 
Thục gài thêm chiếc nút trên cùng của chiếc áo khoác. Nhiệt độ dường như mỗi lúc mỗi xuống thấp. Cô cảm thấy lạnh, cái lạnh bốc hơi sương lan man. Thục tần ngần trước những bậc tam cấp. Sau cùng cô bước vào một phòng điện thoại công cộng khuất dưới một tàn cây gần đó. Nơi vắng vẻ, lý tưởng nhất cho những cuộc điện đàm. Không bị khuấy động bởi những âm thanh khác. Nơi, cô có thể nhìn thấy người thanh niên.

Thục quay số, chờ đợi:
 
Allo… Bibliothèque municipale Bonsoir! *

Thục giật mình, Thục không hiểu mình đã và đang làm gì. Nói điều gì với người thanh niên. Anh ta không phải là người để Thục trút nỗi giận dỗi buồn phiền nung nấu. Xin lỗi vì đã có cử chỉ khiếm nhã chăng? Đâu cần thiết để làm việc đó.
 
Người thanh niên gác máy, chiếc điện thoại vẫn còn trong tay Thục. Tít, tít… những tiếng động loan báo một tình trạng bất bình thường. Hàng chữ nổi trên khung ảnh yêu cầu hãy rút thẻ ra khỏi máy.
 
Thục cất thẻ điện thoại vào túi áo. Những mặt kiếng của phòng điện thoại đục mờ hơi nước, hơi sương. Hình như lúc nào nó cũng đục mờ, nhạt nhòa ngay cả mùa hè nóng bức. Nhạt nhòa vì những giọt lệ trong mắt Thục. Đã bao lần Thục đứng đây, hai con mắt ướt mềm, không nhìn ra phố xá. Thục phải chờ chúng khô đi mới có thể bước ra ngoài. Những mặt kiếng bây giờ đục mờ và hai mắt Thục ráo hoảnh, nhưng cô cũng chưa thể bước đi. Những mặt kiếng cũ, cái điện thoại cũ, những nút bấm cũ. Thục cũng cũ mòn trong tấm áo khoác từ những mùa xưa.
 
Căn phòng kiếng và chiếc điện thoại màu xanh thẫm này là những chứng tích. Tất cả đã chứng kiến, nghe ngóng bao nhiêu buồn vui của Thục thuở nào. Chứng kiến những ngón tay, đôi môi run rẩy. Đôi môi bây giờ đang mấp máy như muốn nói một điều gì đó với người thanh niên ngồi bên trong tòa nhà kia. Và những ngón tay lạnh cóng, chúng cũng đang cần một hơi ấm, cần một ủi an.
 
Người bác sĩ nhãn khoa với cái bắt tay nồng nhiệt. Căn phòng ấm áp, quả địa cầu bằng pha lê. Thục muốn đi thật nhanh đến phòng mạch của ông. Ngồi đong đưa trong chiếc ghế nệm đen tuyền ấm cúng để nghe ông hỏi han, nhìn những nụ cười của hoa hướng dương vàng trong thứ ánh sáng lặng lờ, mờ ảo. Không gian nhỏ hẹp ấy là một vùng tưởng nhớ mênh mông của Thục.
 
Cuối cùng Thục đã bỏ về. Môi không còn có thể cất lên tiếng nói. Chân bước lanh quanh trên những hè phố với hai con mắt mộng mị đuổi bắt bóng tối, ngày rơi. Đuổi bắt một khát khao ẩn khuất.
 
Thục bước về nhà toàn thân nóng bỏng, cổ họng đau rát. Thục cảm lạnh mất rồi. Bệnh gì cũng được nhưng không thể nào để bị khản tiếng. Công việc của cô cũng cần những giao tiếp.
 
Thục đã không còn tha thiết muốn thay một cặp kiếng khác. Cặp kiếng có thể nhìn xa, nhìn gần, khỏi phải đeo vào, cởi ra mà những tiệm kiếng đang quảng cáo. Thục cũng không cần những viên thuốc cảm, nhưng cô cần thuốc ngậm làm dịu cơn đau trong cổ họng.
 
Mở ngăn kéo bàn đêm lục lọi những viên thuốc Thục thường cất vào đó, tiện tay cầm lấy trước khi đi ngủ. Vỉ thuốc giẹp bị che khuất, lẫn giữa những thư từ, hình ảnh lộn xộn. Một cái hình rơi ra. Cái hình đã cũ. Một người cũ. Những ngón tay Thục lại run rẩy.
 
Thục mân mê tấm hình. Nhập nhòa lung linh bóng ảnh là khuôn mặt trầm lặng u ẩn của người bác sĩ nhãn khoa, người thanh niên trẻ trong thư viện buổi chiều với đôi mắt ân cần bao điều muốn nói.
 
Biền biệt bao lâu rồi chúng ta chưa gặp lại nhau? Nghe lại một giọng nói, ấm áp một vai kề. Tất cả như bếp lửa hồng trong ngày đông rét mướt, bao lần em thèm muốn khát khao, như trong lúc này. Anh đang ở đâu? Câu hỏi thầm, nhưng âm vang cơ hồ như tiếng sóng dội vào ghềnh đá lạnh buốt bờ đêm. Tim Thục nhói đau, cổ họng Thục đang đau. Làm sao phân biệt được hai nỗi đau dấy lên cùng một lúc.
 
Đêm nay, Thục không biết mình sẽ lạc vào những giấc mơ nào?
 
 
Đặng Mai Lan
(1996-2021)
* Thư viện thành phố, xin chào!
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com