
Ngày xưa lúc còn bé tí teo, bảy hay tám tuổi gì đó, tôi đã từng nhảy đầm và rất thích nhảy đầm! "Kép" nhảy đầm của tôi thời ấy là cái gối ôm, là cái chổi lông gà hay cái chổi cùn quét nhà! Những cái dĩa hát 33 hay 45 tour mà ba tôi đem về là những "người yêu bất diệt" của tôi vì "chàng" hát toàn những bài trữ tình bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp mà tôi hoàn toàn không hiểu một chữ, chỉ cần nghe giọng là mê tít. Có nhạc rồi, có kép nhảy đầm rồi, là con nhỏ cứ thế mà nhảy đầm theo trí tưởng tượng phong phú của mình. Dĩa hát 45 tour của ba tôi thời đó cứ theo nhịp độ nhảy đầm của tôi mà mòn dần mòn dần và một ngày nào đó đâm ra hát cà lăm… Ba tôi vẫn cứ thắc mắc vì sao cái dĩa mới teng mới mua về mà hát cà lăm dữ vậy. Ổng đâu có ngờ là con gái ông đã xài những dĩa nhạc đó mỗi buổi chiều!
Ngày đó trong trí tưởng tượng phong phú của tôi, tôi mơ được trở thành nghệ sĩ nổi tiếng ca hát nhảy nhót trên sân khấu. Tôi chỉ cái radio bự như cái tủ chè trong phòng khách và hỏi ba tôi: "Có cách nào mà vừa nghe nhạc vừa thấy được hình nhảy muá hay không?“ Ba trả lời: "Được chứ con." Lúc đó làm sao tôi biết được là thế giới đã có cái máy truyền hình, đã tràn ngập thị trường thế giới, chỉ có Việt Nam là chưa có thôi.
Lớn lên, hình như là lớp đệ Tam hay đệ Tứ gì đó, phong trào nhảy "Agogo" trở nên thịnh hành, đi đâu cũng nghe điệu nhạc "Agogo" hay nghe thiên hạ rủ nhau nhảy "Agogo", mà tôi thì chịu chết, chẳng biết nhảy như thế nào cho ra cái điệu "Agogo". Trong lớp tôi dạo ấy có cô bạn cao cao gầy gầy, nếu như chỉ "xem mặt mà bắt hình dong" thì tôi vẫn cho cô bạn này là dân "cù lần nhà quê".
Hôm đó cô bạn đến chơi với tôi, nhân trong nhà đang có vài anh bạn học của anh tôi cũng đang có mặt, chúng tôi mở nhạc và tập nhảy đầm với nhau. Cả bọn choai choai thời đó thì quả thật là chỉ rành cái màn học lóm của nhau, chột làm vua xứ mù, đại loại như thế.
Lúc nhạc trổi lên điệu "Agogo" thời thượng thì cả bọn cả trai lẫn gái ngồi chết dí chẳng ai dám ho hoe nhúc nhích. Trong đám có một anh chàng tạm gọi là "chịu chơi", cái gì anh ta cũng biết cũng rành, ảnh đứng lên nhún nhảy, quay vài vòng ra vẻ "ngứa chân ngứa cẳng" lắm rồi… Bỗng nhiên cô bạn cao cao gầy gầy của tôi xốc áo đứng dậy, tuyên bố một câu thiệt là ngầu: "Nào thì nhảy, nhảy thử với anh một bản xem sao! "Anh chàng chịu chơi có lẽ rất đỗi ngạc nhiên, nhưng vì lịch sự có thừa, nên anh nắm tay cô bạn của tôi đưa ra "sàn nhảy", không nói "on đơ" gì thêm. Hai người quay cuồng hoà hợp trong điệu nhạc "Agogo" kích động bay bướm trước những cặp mắt há hốc thán phục của bọn tôi... Từ đó, tôi nhìn cô bạn dưới một con mắt khác, hết dám chê bạn là "nhà quê cù lần"!
Người dạy "vỡ lòng" những vũ điệu Latin Mỹ châu cho tôi thời xưa là cô bạn ML. Trong phòng ăn của nhà ML ở Thị Nghè, ML đã dạy cho tôi những bước căn bản của các điệu chachacha, rumba, Bolero. Tập tới tập lui theo nhịp đếm miệng của ML, tôi phải nhắm mắt lại để tập trung tâm trí mà đi cho trúng nhịp. Từ đó tôi vẫn có cái thói quen là nhắm mắt khi phải tập trung tư tưởng. Ngày đó, tôi thuộc nằm lòng bài học nhảy đầm vỡ lòng căn bản này và đem cái vốn liếng đó sang cả xứ người mà loè mắt thiên hạ.
Những ngày trước Tết Tây ở Sài Gòn, boum tư gia được tổ chức rầm rầm. Đi đâu cũng nghe bạn bè kháo nhau, hỏi thăm nhau là đi boum nào, đi với ai, nghe mà phát sốt cả ruột. Có cái "giấy mời" đi boum là cả một vinh dự để lấy le, khoe cùng khắp với bạn bè. Dạo đó tôi vẫn thường "cặp kè" với nhỏ bạn nối khố ĐC. Đi chơi đâu hai chúng tôi đều phải dẫn theo cô em gái của ĐC đi theo, gọi là đi chơi cho có Chị có Em hay nói đúng hơn là phải đèo theo một "kỳ đà cản mũi" theo chính sách canh phòng cẩn mật con gái yêu của bố mẹ ĐC. Em gái tôi lúc đó vì còn quá nhỏ chứ không tôi cũng phải đèo nó theo.
Một hôm có được cái giấy mời đi boum, 2 đứa ngáo chúng tôi với cô em dắt nhau đi nhảy đầm! Chẳng đứa nào rành rẽ chi cho lắm chuyện nhảy đầm, chỉ có cái miệng là cứ như rành rẽ, chỉ thích "lấy le" với thiên hạ là tài thôi. Chả gì thì hai đứa tôi chân cẳng cũng cao ráo, bộ vó cũng khá thong dong, lả lướt.
Chủ nhân cái boum là một người bạn trai mới quen sơ sơ của tôi, dĩ nhiên cái giấy mời đi "bùm" cũng do cái mối quen biết sơ sài này. Đến lúc tôi "được" hay "bị" mời ra nhảy đầu tiên, "commencé boum", thì tôi lắc đầu nguầy nguậy, thoái thác là "đau bụng, nhức đầu, trúng gió"! Làm sao tôi dám múa rìu qua mắt thợ giữa chốn đông người như thế này. Báo hại anh chủ boum bữa đó phải tức tốc đi kiếm "đào" khác, chắc anh bạn lầu bầu rủa tôi dữ lắm. Ai biểu mới quen sơ sơ, chưa biết ất giáp gì đã dám mời đi chơi nên bị "ọt rơ" là đúng rồi.
Đứng nhìn đôi "trai tài gái sắc" quay cuồng theo điệu nhạc Bibop hôm đó mà lòng tôi ê chề "quê xệ" quá cỡ. Lúc đó tôi tự nhủ với lòng, nhất định phải học nhảy đầm mới được! Nhưng thôi, vốn liếng có được bi nhiêu thì cứ cất đó làm vốn cái đã, khi nào đi học nhảy đàng hoàng rồi tính sau. Cái "khi nào" đó tôi phải đợi cả bao nhiêu năm sau mới thực hiện được!
Vài tuần sau đó, bà thầy dạy nhảy đầm ML kéo tôi đi dợt, có học thì phải có hành, để lâu quên "nghề". Hôm đó ML kéo tôi đi một cái boum thật xa, đến một chốn hẻo lánh tên gì thì lâu ngày quá tôi cũng không nhớ nỗi tên. Chung quanh chỉ toàn là lính, nhìn đâu cũng chỉ thấy mấy ông lính vì party hôm đó do trung đoàn 18 đóng gần SG tổ chức.
Lần đó bọn tôi có 4 đứa: ML, TL, HT và tôi. Trừ HT, 3 đứa tôi cùng lò Trưng Vương, chỉ khác lớp. Ngồi trên chiếc xe Jeep do ông anh của ML lái, phóng ào ào trên những con đường ngoại ô vắng vẻ, bóng đêm tối đen chung quanh càng làm tăng thêm nỗi vắng vẻ... TL nắm chặt lấy tay tôi thì thầm: "Có gì mình kêu taxi về nghe." Chẳng hơn gì bạn, tôi đành làm ra vẻ bạo dạn để tự trấn an mình và trấn an bạn.
Party là một khu vườn rộng lớn, đèn đuốc sáng trưng, tiếng nhạc bập bùng, tiếng cười nói vui vẻ nhộn nhịp cũng làm bọn tôi bớt ngại ngùng, yên tâm tham dự cuộc vui. Hôm đó chương trình nhảy đầm hình như không được mọi người chiếu cố cho lắm, thiên hạ chỉ thích lên sân khấu hát hay ngồi uống bia nên bà thầy ML của tôi không phải nháy nhó đếm nhịp cho đứa nào trong bọn.
Sang đến Đức, vốn liếng nhảy đầm của tôi lúc này so ra có khá hơn hồi xưa rất nhiều vì quanh tôi chỉ toàn ngưòi "không biết nhảy". Thế là tôi trở thành "Nữ Hoàng" nhảy đầm trong đám sinh viên Việt nam. Bạn bè sinh viên Việt Nam lúc đó nhìn tôi bằng cặp mắt thán phục, họ có ngờ đâu là vốn nhảy đầm của tôi chỉ quy tụ vào 3 điệu tủ quen thuộc và lui tới cũng chỉ vài bước căn bản, thế nhưng "học trò" của tôi dạo đó cũng đông ra phết…
Cho đến một ngày, con trai đầu lòng của chúng tôi bắt đầu theo học khóa nhảy đầm theo chương trình học của nhà trường, thì bao nhiêu vàng son sáng chóe nhảy đầm một thời của tôi từ từ trở nên đen xì xám xịt, hết đường cứu vãn. Vì ngay cả cái điệu quen thuộc Chachacha tôi cũng không nhảy "ăn rơ" được với con. Thế này là cái quái gì? Con nhảy sai hay Mẹ nhảy sai? Mỗi lần con trai tôi đi học nhảy về nó đều lôi mẹ nó ra dợt vì nó vẫn cho mẹ là "thần tượng". Khổ nỗi những gì đã ăn sâu vào tim vào óc, vào chân vào cẳng bao nhiêu năm nay, dễ gì một sớm một chiều mà thay đổi, gột rửa được. Càng tập với nó tôi càng thất vọng. Thằng con lại còn hù mẹ: "Bữa nào khóa học dance của con chấm dứt là bố phải nhảy với cô bạn của con và mẹ thì phải nhảy với con đó."
Đêm đó tôi tỉ tê với chàng của tôi: "Hay là hai đứa mình ghi tên đi học nhảy đầm lại nghe anh?" (Có học bao giờ đâu mà "lại" với không "lại" nhỉ!)
Bình thường mà muốn "xui trẻ ăn cứt gà" là tôi phải dùng chiến thuật chiến lược dữ lắm mới may ra dụ dỗ được đối phương. Chẳng hiểu sao lần này chàng của tôi gật đầu bằng lòng một cách dễ dàng! Thế là vợ chồng tôi ba lần trong tuần "cắp chân" đến trường học nhảy, siêng năng chăm chỉ hơn cả cái thời đi học chữ.
Những buổi học đầu hai đứa tôi hồ hởi học, vui vẻ mà học, không sao, vì tất cả học sinh đều cỡ tuổi sồn sồn như chúng tôi. Sồn sồn có nghĩa là cũng không còn lấy gì làm trẻ cho lắm nên "học trước quên sau" là chuyện bình thường, ai cũng giống mình.
Vợ dìu chồng, chồng dìu vợ, nhìn từ xa cứ như những cặp tình nhân âu yếm dìu nhau lả lướt trong tiếng nhạc bập bùng, nhưng chớ có tới gần mà nghe những mẩu đối thoại vì không lấy gì làm êm dịu cho lắm… Cô giáo dạy nhảy thỉnh thoảng cứ phải nhắc nhở: "Nhảy trong hòa bình chứ không phải trong chiến tranh đâu nhé." hay là "Cười lên, hãy âu yếm nhìn nhau chứ đừng nhìn nhau như hai kẻ thù."
Nhảy đầm thực ra là môn thể dục tuyệt hảo, vừa dẻo dai xương cốt chân cẳng, vừa tập trung tư tưởng. Đây cũng là một hình thức thiền, vì chỉ cần đếm tới ba hay bốn rồi trở lại từ đầu, cứ thế mà đếm tới đếm lui cho hết bản nhạc. Nhảy đầm là quên ráo trọi những chuyện bực mình trong ngày, chỉ còn đôi chân và tiếng nhạc. Chẳng hiểu sao chàng của tôi hay cũng như đa số các ông lại không thích cái môn nhảy đầm hay ho này? Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, máu trong người chảy rần rần, người nóng lên nên cũng rất dễ nổi nóng, nếu bị partner của mình giẫm lên chân dài dài hay lôi mình đi như lôi cái bị gạo. Thế là nhạc đi đường nhạc, chân đi đường chân, mặt mũi hầm hầm, hết còn nét yêu kiều vui vẻ.
Mỗi lần ra sàn nhảy bắt đầu nhảy một điệu khác là chàng của tôi lại hỏi: "Anh phải bước chân nào trước, phải hay trái?" mặc dầu cô giáo mới dạy cách đây hai hôm! Tôi lại phải gõ lên vai trái hay vai phải của chàng để nhắc.
Tối nào tôi cũng vừa nấu cơm vừa vặn nhạc dợt nhảy một mình, tay cầm đũa xào qua xào lại, chân nhún nhảy theo điệu nhạc, cơm chín hồi nào không hay… Rửa chén bát dọn dẹp xong chúng tôi lại lôi nhau ra nhảy. Giờ này con cái đứa nào đứa nấy đã lui vào phòng đóng cửa học bài, còn lại hai đứa trong phòng khách chúng tôi tha hồ mà tập... Nhạc vặn càng ngày càng lớn để nghe cho rõ nhịp. Cãi nhau chí chóe át cả tiếng nhạc cũng vì đứa nhớ đứa quên. Từ nói nhỏ thành nói to hồi nào không hay. Con cái phải mở cửa ra nói vọng xuống: "Bố mẹ nhảy đầm nho nhỏ chút xíu được không?" Lúc đó chúng tôi mới "hạ hỏa" và vặn nhỏ volume cái miệng lại!
Có những buổi vừa chấm dứt giờ học nhảy với bà thầy, rời lớp học ra tới ngoài đường là chàng của tôi quên ngay không còn nhớ cái điệu vừa học phải bước chân nào trước chân nào sau. Lại chí chóe, tức quá, hai đứa tôi đứng dưới cột đèn ngoài đường mà... ôn bài học, chứ đợi về đến nhà e quên sạch!
Theo thầy học đạo đâu được 1 năm thì chàng của tôi bắt đầu chán, bắt đầu kiếm cớ bận việc để chuồn. Lúc này chúng tôi đã lên được tới cấp "đồng" hay "chì" gì đó, nghĩa là không còn "i tờ rít" như thuở ban đầu nữa. Thỉnh thoảng theo lời bà thầy chúng tôi phải thay đổi partner khi dợt. Chàng của tôi phải nhảy với một bà khác, còn tôi thì được bà giáo chia cho một ông mặt mày khó đăm đăm, chẳng bao giờ cười! Đã thế ông này lại nhảy còn lọng cọng hơn cả chàng của tôi, người mà tôi vẫn cho là có hai cái chân gỗ! Sau màn đổi partner, vợ chồng lại được trở về sum họp với nhau. Lúc đó chắc cặp nào cũng hỉ hả tự nhủ với mình, chẳng ai nhảy hay bằng vợ hay chồng của mình.
Từ ngày ấy đến nay cũng đã hơn mười năm, học được bao nhiêu trả lại cho thầy bấy nhiêu. Đi dự những buổi party của bạn bè, chúng tôi cũng dắt nhau ra sàn nhảy coi xôm tụ lắm. Tay chàng ôm sau lưng một cách âu yếm, nhưng miệng lại hỏi: "Đi chân nào trước hả em?. Tôi lại gõ gõ lên vai bên trái hay bên phải, gõ tùy "hứng", khi bên trái khi bên phải! Anh chàng cũng chẳng thắc mắc lôi thôi, vợ "biểu" sao nghe vậy, mặt mày tươi tỉnh lả lướt vài vòng làm xong "bổn phận công dân".
Gặp phải người lạ là chàng của tôi mỉm cười, hẹn: "Để uống xong ly bia cái đã." Sau đó "chuồn" sang chỗ mấy ông bạn nhậu… Hết bị quấy nhiễu!
Thế cho nên, chỉ vợ chồng là nhảy "ăn rơ" với nhau.
Mỹ Nga