
Trải qua một chuyến đi chơi thật dài ngày, gần 2 tháng trời tại Mỹ và Canada, điều đáng nhớ (điểm nhấn gây nhiều ấn tượng) nhất trong tôi không phải là những thắng cảnh, khu phố thương mại hay những món ăn ngon lạ… mà là nồng ấm của tình bạn bè, bà con, anh chị em.
Có thể nhiều người sẽ mỉm cười “có quá lời lắm không?” Xin mời cùng nhận xét qua những câu chuyện dưới đây nha!
Bắt đầu hành trình khi đặt chân đến phi trường Los Angeles, cô em ruột đã xin nghỉ làm, chuẩn bị nhà cửa sẵn sàng để đón về nhà nghỉ ngơi sau một chặng đường dài 14 tiếng đồng hồ bay thẳng. Nồi bún bò ngút khói, dĩa rau đầy màu sắc và tươi ngon, có cả rau muống chẻ và bắp chuối bào là những thứ quí hiếm ở bên Úc. Mít chín tươi cũng đã lột sẵn, những múi vàng lườm bắt mắt và được ướp lạnh để chờ bà chị tráng miệng nếm thử sau khi ăn, thứ trái cây được đánh giá là cao cấp ở bên Úc, chỉ có thể dám mua loại đông lạnh nếu thèm, còn tươi thì giá cao chót vót, hiếm người dám bỏ tiền ra mua để thưởng thức lắm.
Nằm nghỉ ngơi cho khỏe vài tiếng, chúng tôi hăng hái đi thăm cậu mợ út. Cậu đã 80 nhưng nhìn còn dáng dấp yếu hơn tuổi, cậu mừng lắm nói cười vui vẻ, hỏi thăm má và gia đình, kể lại những câu chuyện xưa vui có, buồn có của gia đình, rồi dắt lại bàn thờ thắp nhang ông bà ngoại và các cậu dì đã từ trần. Ôm vai cậu mợ từ giã mà hình như có chút suy nghĩ “phải chăng đây là lần cuối?” Rời khỏi nhà cậu mợ, chúng tôi ghé thăm gia đình người hàng xóm từ thuở ấu thơ lúc còn ở Quy Nhơn. Việc tìm lại nhau thật là hy hữu, có thể gọi là duyên được chăng? Số là gia đình hai bên mất liên lạc với nhau từ sau năm 1975, cũng ra sức tìm kiếm khi còn ở Việt Nam nhưng vẫn không sao tìm được. Vậy mà khi qua Mỹ, không hiểu sao bà bác lại có ý tưởng nhờ người con thử gọi lên đài radio của người Việt ở Cali để tìm người hàng xóm năm xưa, vậy mà lại có kết quả. Một người bạn cũ tình cờ nghe đến tên ba tôi trên đài đã cho số điện thoại và địa chỉ email để liên lạc, thế là mối dây liên lạc được gắn kết lại thân tình và gần gũi hơn. Hai bác cùng đại gia đình đã chào đón chúng tôi như những người con đi xa mới trở về, vui và cảm động biết bao! Sẽ nhớ hoài những chân tình của hai bác, Kim Trang, anh Việt, anh chị Yến và chị Dung!
Đến Houston, được cô bạn thân Songthy đón và cùng cô em dâu của bạn đưa đi thăm ngay cánh đồng hoa dại Blue Bonnet- loài hoa dại biểu tượng của tiểu bang Texas - nhớ lại vẫn còn bật cười, bởi vì lái xe đi xa tít tắp vẫn chỉ thấy những bụi hoa lác đác lưa thưa chứ không tài nào kiếm được một “đám” hoa nào cho ra trò để chụp hình… khoe cho thỏa thích. Thế là Diệm My (cô em dâu xinh đẹp, dễ thương và rất nhiệt tình của bạn) đã cười khúc khích khi dừng xe lại một nơi mà hoa dại đã… tàn gần hết “mình hy sinh vì nghệ thuật đi chị, cứ nằm dài nơi chỗ này để em canh góc cạnh chụp hình cho có vẻ nhiều hoa một chút” rồi sau khi chụp xong, cười tươi khoe tấm hình ”cũng không tệ phải không chị, nhìn hình là lầm chết!” Và kết luận “đúng là ảo! làm cả đám bật cười thật to, vui thì thôi!.
Đến tối, được họp mặt với nhóm MPC của trường ĐH Khoa Học, phải nói là cảm động vô cùng bởi vì ở Houston chỉ có bạn Thanh, Hải và Sơn cư ngụ, còn lại là ở khá xa lái xe phải đến 3, 4 tiếng đồng hồ mới đến như Mai từ Dallas, Phú từ Austin và Định từ San Antonio, vậy mà các bạn không quản ngại đường xa và nhất là phải xin nghỉ việc để lái xe đến gặp mà lý do xin nghỉ là để mừng lễ…bà Triệu Ẩu! Đúng là lý do nghỉ “ẩu” thật dễ thương và thông minh của các bạn MPC! Đáng nói hơn hết là ngoài Định đã quen biết chuyện trò từ lúc còn học Đại Học, còn lại các bạn khác chỉ quen trên Facebook, dù các bạn đều xuất thân từ trường Khoa Học và cùng học chung chứng chỉ dự bị MPC cả (Xin mở ngoặc giải thích một tí về chứng chỉ này: MPC viết tắt của Mathematics, Physics và Chemistry, là một trong những Chứng Chỉ Dự Bị dành cho năm đầu Đại Học của trường Khoa Học, phải đậu qua Chứng Chỉ này thì năm thứ hai mới có thể chọn học chuyên ngành. Trong niên khóa 1974-1975, thì Chứng Chỉ này được sinh viên ghi danh rất đông (hình như cả ngàn sinh viên) nên phải chia làm 3 khối nhóm gọi là MPC 1, MPC 2 và MPC 3. Chính vì thế mà chúng tôi dù học chung Chứng Chỉ này nhưng cũng khó có thể biết được các bạn khác dù có thể chung một khối nhóm). Tối hôm đó, tôi đã được nhận món quà tình nghĩa là một túi xách cùng với chiếc áo thun và chiếc mũ có thêu hàng chữ nhóm MPC Texas.
Ngày hôm sau cả nhóm lại cùng đi chung đến thăm trạm không gian NASA – có lẽ sợ tôi đi lớ ngớ rồi mất công các bạn phải tốn công đi tìm “bà già thất lạc” chăng?, mà trước đó theo dự định là chỉ thả tôi tại nơi đó và sẽ đón vào buổi chiều để chở đi ăn - Đó là một ngày vô cùng lý thú - dù là không đủ thì giờ để thăm viếng trong một ngày đâu - để ngắm nghía, tìm hiểu các công trình cấu trúc của trạm không gian lịch sử này. Mãi đến giờ đóng cửa mà chúng tôi vẫn còn nhiều chỗ chưa ghé đến được nhưng cũng đành luyến tiếc từ giã! Sau khi “nhậu” một chầu do vợ chồng Sơn khoản đãi vào buổi tối hôm đó, chúng tôi bịn rịn chia tay. Cứ nghĩ đến cảnh các bạn lại lái xe đường dài để trở về nhà mà thương, nhất là Mai, một phụ nữ thành công trên thương trường do đó rất bận rộn trong công việc, vậy mà vẫn sẵn sàng dẹp bỏ mọi việc để lái xe về Houston, rồi lại một mình lái về nhà sau hai ngày gặp mặt bạn bè. Còn tình cảm nào quý hơn nữa?
Nếu không kể đến những chăm sóc tận tâm chu đáo của cô bạn Songthy - vừa là nhà thơ, vừa là một thương gia nhiều người biết đến trong cộng đồng Việt Nam tại Houston - đã sắp xếp chỗ ở, chỗ đi chơi, ăn uống… hoặc anh Phạm Tương Như - một trong những nhà thơ nổi tiếng và nhiệt tình của Trung Tâm Văn Bút Hải Ngoại và của Hội Đồng Hương Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc - cũng dành cho một ngày bỏ công việc chở đi chơi, dù điện thoại của anh reng liên tục cho công việc, cũng như anh Khải – là trái tim của Ban Tổ Chức Hội Đồng Hương Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc Houston - đã tìm đến nhà hàng để chào hỏi khi biết tôi vừa ghé đến Houston cũng như đãi những chầu café ngon… thì thật là thiếu sót và đáng trách. Nơi Houston, Texas, những người bạn trẻ hơn, đồng trang lứa hay vong niên đã để lại trong tôi một hình ảnh về tình bạn vô vị lợi, thật trong sáng và đẹp rạng ngời!
Ở Boston, cô bạn tên Thuận quen từ thuở còn ở Trại Tỵ Nạn đã sắp xếp nơi chốn đi chơi cho chúng tôi, và cả Nguyệt - một cô bạn khác cũng ở cùng Trại Tỵ Nạn xưa kia - từ Pháp cũng bay qua gặp mặt. Những nụ cười, cảm xúc được tự do tuôn chảy, đã khiến cho cô bạn Songthy cảm tác ngay một bài thơ về tình bạn này, đọc mà thấm làm sao! Ở nơi đây tôi có dịp gặp lại các anh chị họ Dư Mỹ-Tuyết Mai, anh Bàng chị Oanh, chị Luận… nhớ cảnh anh chị chở chúng tôi về khách sạn vào buổi tối sau khi đi thăm anh Bàng, chị Luận mà cảm động. Trời tối, sương mù bao phủ, trên Freeway xe chạy nườm nượp, anh Mỹ mắt lại yếu khi lái xe ban đêm cho nên người ngồi trên xe phải… im thin thít, không phải sợ tài lái xe của anh mà là lo nếu mấy cô em huyên thuyên tám chuyện, anh sẽ không tập trung đưọc thì nguy cơ là sẽ lạc đường! Các anh chị đều đã trên dưới 80 nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ trung và vui vẻ lắm, nhất là anh Dư Mỹ tuy là Cựu Quân Nhân Tác Chiến nhưng còn là một nhà thơ thuộc hàng cổ thụ, thơ tình còn réo rắt, lãng mạn lắm nên không lạ gì anh rất thân thiện, hòa đồng.
Canada đúng với câu “đất lạnh tình nồng” với chân tình của vợ chồng Sang và anh Khải đã đón tiếp thật nồng hậu. Anh Khải đã sẵn sàng nghỉ việc để đưa đón chở đi chơi mặc dù anh mới đổi việc làm chỉ cách đây vài ngày mà thôi.
San Jose với những em cựu học sinh trường Trung Học Nguyễn Thái Bình cũng rất dễ thương, nhất là vợ chồng Đức Huệ. Và đặc biệt hơn nữa là gặp lại cô bạn thân Hồng Ân đã bặt tin nhau từ sau năm 1975 cùng nhóm bạn trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền như được nối kết chặt chẽ, thân tình hơn nhờ chuyến đi này mà lúc còn ngồi trên ghế nhà trường hiếm khi tiếp xúc, trò chuyện. Thêm những vòng tay ôm, những cái xiết tay thân ái của hai cô giáo dạy trường Pleime với tuổi đời trên dưới 80 với những chăm sóc thấm đượm tình thầy trò là niềm vui và hạnh phúc vô biên đối với tôi.
Bạn thấy đó, chuyến đi chơi khá lâu, hầu như mỗi ngày ở một nơi, nhưng mệt mỏi hình như không hiện diện và sức khỏe có phần còn tốt hơn xưa nữa, như thế nếu không nhờ những chân tình yêu thương của thầy cô, bạn bè và gia đình giúp sức thì thử hỏi với lứa tuổi U70 này làm sao chịu đựng nổi? Xin được tạ ơn đời và cảm ơn những người thân thiết của tôi!