User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

bangoai

1.
Lúc chỉ là một đứa trẻ lên năm tôi đã được xem như đã lớn, có lẽ vì thế mà tôi được gởi về cho ông bà ngoại.

Về ở với ông bà ngoại là một “biến cố” lớn trong tuổi thơ của tôi ngày ấy. Nó xảy ra đột ngột làm tôi không khỏi sững sờ. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, lúc tôi đang vô tư chơi trò đánh lộn với mấy đứa bạn trong xóm, chị ba tôi chạy ra bảo:
- Toàn, không được đánh lộn! Vô mạ biểu tề.

Hình như có chuyện gì đó quan trọng liên quan đến tôi cho nên khi vào nhà tôi đã thấy Ba, Mạ và cậu út ngồi quanh cái bàn hình chữ nhật giữa nhà, nét mặt người nào cũng có vẻ căng thẳng, nghiêm trọng.
Mạ tôi nạt:
- Mi đi mô mà mồ hôi mồ kê rứa, áo mô không mặc? Đi rửa tay chân mặt mũi, mặc áo rồi ra đây ba mạ nói chuyện.
Tôi ra sau rửa mặt mũi tay chân rồi tròng vội cái áo thun ra trình diện.
Mạ tôi lên tiếng trước, giọng nhỏ nhẹ nhưng trịnh trọng:
- Năm ni con cũng lớn rồi, sang năm vô Lớp Một, nhà mình chật hẹp, buôn bán ồn ào, mạ lại sắp sinh. Cho nên ba mạ định gởi con về ở với ông bà ngoại. Con nghĩ răng?

Cậu út tôi cũng nói:
- Về ở với ngoại và cậu dì, cậu và dì dạy cho mà học, tha hồ mà giỏi, vô Lớp Một đứng nhứt là cái chắc.
Hình như người lớn đã có kịch bản sẵn, ai nói trước ai nói sau, trình tự thế nào đã bàn định trước nên lúc này đến lượt ba tôi:
- Con lớn rồi, sang năm đi học, nhà mình đông quá, lại buôn bán suốt ngày, chỗ mô mà ngồi học. Con về ở với ngoại, nhà rộng rãi lại có vườn, có cậu và dì bày cho. Ở đây con chạy chơi đánh lộn suốt ngày, không ai rảnh để lo cho con, ba mạ không yên tâm.

Hết vòng một rồi, giờ đến vòng hai, mạ tôi nói:
- Con sắp xếp rồi trưa mai về nhà ngoại, cậu út lên đón.
Cậu tôi:
- Trưa mai cậu lên chở con về.
Lại đến phiên ba tôi:
– Quyết định rứa hí! Con còn muốn nói gì không?
Sang vòng ba, đến lượt mạ tôi, mạ tôi nói làm như tôi ham ăn lắm:
- Về bà ngoại ăn trưa luôn, nghe nói bà ngoại làm nhiều món ăn ngon lắm để đón con đó!
Vòng ba kết thúc ở đó, ba người lớn đã thắng áp đảo đứa trẻ lên năm như tôi. Đến lúc này thì tôi hoàn toàn rối trí, tôi chưa nói tiếng nào cả mà! Trong tôi chỉ có cảm giác sững sờ vì mọi việc xảy ra quá đột ngột.
Đã đến lúc tôi phải từ giã cái xóm nhỏ thân yêu này ư?

Nhà ngoại thì tôi không lạ gì, tôi về đó chơi hoài, ông bà ngoại, cậu út và dì năm cũng rất thương tôi. Nhà rất rộng, có vườn, yên tĩnh nhưng vắng vẻ quá, bạn bè chẳng có mống nào, làm sao tôi sống nỗi.
Một chốc sau tôi mới trả lời được. Tôi trả lời như người lớn:
- Ba mạ và cậu cho con suy nghĩ một đêm, mai con trả lời!
Thế là hết! Chỉ một thoáng thôi mà cuộc đời tôi bước sang một trang mới. Mới mấy phút trước đây tôi là đứa bé vô tư, suốt ngày chạy chơi, bắn bi, thả diều và thường xuyên nhất là đánh lộn. Thế mà chỉ sau mấy câu nói tôi đã “già đi chục tuổi”.
Tôi đã lớn rồi ư?
Chắc là tôi cũng lớn thật rồi, hơn năm tuổi nhưng tôi đã có hai đứa em và giờ sắp sửa có đứa em thứ ba. Mới đây tôi hãy còn bé tí nhưng bây giờ tôi đã sắp bước vào Lớp Một, nghe nói học hành khó lắm! Răng con nít lên sáu tuổi phải đi học khổ ri hè? Không đi học có phải sướng hơn không?

2.
Tôi lớn lên trong một xóm nhỏ, ngay mặt đường, hàng quán bán buôn san sát. Cái xóm này đều ở nhà thuê, riêng nhà tôi thì sang hơn một chút là thuê đất làm nhà. Tôi nhớ rõ điều đó là vì mỗi lần nhà tôi sửa sang gì đều phải làm ban đêm. Ba tôi bảo chủ cho thuê đất họ không cho xây thêm, nên mình phải xây lén.
Nghe nói ông chủ đất giàu lắm, ông có cái nhà to đùng ngay đường phố chính bên kia sông và bốn năm miếng đất cho thuê. Cũng nghe nói ông đã chia miếng đất xóm tôi cho hai người con đang học ở nước ngoài, tôi biết thế vì tháng trước thấy mấy người lớn mang máy tới ngắm đo rồi vẽ, và mấy hôm sau có mấy bác thợ nề mang xi măng sắt thép tới làm hai cái cột cao ngang bụng, một cái trước nhà tôi và một cái sau nhà thằng Khoa. Mấy bác lớn tuổi trong xóm bảo đó là mốc để chia đều lô đất làm hai.

Xóm tôi có hai cái nhà lớn: Một nhà hàng (người lớn gọi là “rét-tau-răng”), ở bên phải và tiệm hớt tóc ở bên trái. Nhà hớt tóc là nhà của thằng cu anh, đẻ sau thằng cu anh là con bé Tý, nghĩa là con bé Tý là em thằng cu anh và thằng cu anh là anh của con bé Tý. Bé Tý lên bốn, rất dễ thương, nó dễ thương đến nỗi có lần tôi hỏi ba tôi:
“- Sau này con cưới con bé Tý về làm vợ như ba cưới mạ rứa, được không ba?”.
Ba tôi hỏi:
“- Bé Tý nào con?”.
“- Bé Tý ở sát nhà mình đây nè”.
Ba tôi cười xòa, xoa đầu tôi ba tôi nói:
“- Ba biết rồi! Con cố học cho giỏi rồi sau này muốn gì cũng có”

Mạ tôi buôn bán bận rộn suốt ngày, ngoài việc buôn bán mạ tôi còn bận… mang bầu, khi hết mang bầu thì mạ tôi bận đẻ, đẻ xong mạ tôi lại bận lo cho em bé, em bé lớn lớn một chút mạ tôi lại bận… mang bầu. Cứ như thế hết năm này qua năm khác, tôi thấy mạ mang bầu và chăm em bé hoài, ít khi rảnh. Còn khi mạ đẻ, dù có đẻ ở nhà, người lớn cũng không cho tôi vào xem. Chắc có điều gì đó bí mật mà con nít chúng tôi không có quyền biết.
Mỗi lần mạ đẻ, ba tôi thuê thêm cái phòng nhỏ ở cuối xóm để mạ tôi nằm trong ba tháng. Cái phòng này tối lắm, chỉ có một cửa ra vào, không có cửa sổ, rất kín gió. Tôi ghét cái phòng đó nhưng tôi vẫn phải thường xuyên vô để xin tiền mạ, mỗi lần vào là được hai đồng, tôi chạy qua bà bán hàng cạnh nhà thằng cu anh mua bánh, những chiếc bánh nhân dừa, phía ngoài có hai miếng dừa bắt chéo.

Phòng mạ tôi nằm khi nào cũng ướt nước, có khi thấy nước chảy qua chỗ trống dưới cửa, chắc là nước tắm cho em bé. Thấy “nước trong buồng mạ chảy ra” tôi nghĩ: người lớn giỏi thiệt, họ làm ra hai câu ca dao không sai một chút nào:

”Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong “buồng” chảy ra”.

Tôi mang hai câu ca dao này đọc cho thằng cu anh và con bé Tý nghe. Thằng cu anh gân cổ lên cãi:

”Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Tôi hỏi hắn “nguồn” là gì thì hắn chịu nhưng cứ khăng khăng là nước trong nguồn chảy ra. Đúng là thằng… khó bảo!
Không có trọng tài, hỏi thì con bé Tý chỉ cười.

Tức mình tôi đưa cả hai đứa nó vào tận phòng mạ tôi nằm sinh để dẫn chứng. Tụi nó thua, vì thật ra có đứa nào biết ‘nguồn” là cái gì đâu. Còn “buồng” thì sờ sờ ngay trước mắt, trong buồng có mẹ nằm và nước trong buồng thì cứ chảy ra mãi.
Tôi đắc thắng nói:
-Tụi mi thấy chưa, nước trong buồng mạ tau nằm chảy ra đó, vì rứa họ mới nói: “Nghĩa mẹ như nước trong buồng chảy ra”.
Đó là “chiến thắng” đầu tiên của tôi trong “lĩnh vực văn học”.
Chao ơi! Cái xóm nhỏ này có biết bao nhiêu kỷ niệm.

Tôi còn nhớ lần con mèo của bé Tý chết, nó khóc sưng mắt làm tôi cũng khóc theo. Thương nó quá nên tôi bàn với thằng cu anh tổ chức tang lễ cho con mèo.

Bên cạnh tiệm ăn là một khoảng vườn rộng trồng chuối um tùm, qua hết khoản vườn, đến sát hàng rào cạnh nhà in chúng tôi chọn một mảnh đất nhỏ làm “nghĩa trang”. Khuất sau mấy cây chuối không ai thấy, tôi và thằng cu anh hì hục đào một cái hố nhỏ ngang đầu gối. Khi xong việc về lại nhà thì bé Tý đã cho “em” mèo vào cái hộp giấy, nó vừa xé những cánh hoa vạn thọ rắc trên xác con mèo vừa khóc. Thương bé Tý quá! Tôi đặt tay lên vai nó nói: “-Thôi em! Rồi anh sẽ đi xin cho em con mèo khác”. Tôi thương nó thật lòng, chứ không phải tôi lợi dụng lúc “tang gia bối rối” để đặt tay lên vai bé Tý như bọn thằng Phước sau này xuyên tạc. Trong đời, tôi sợ nhất là nước mắt phụ nữ, kể cả phụ nữ lên bốn như bé Tý dễ thương.

Chúng tôi đưa đám tang em mèo, đám tang đi trong yên lặng vì sợ người lớn biết. Đi đầu là thằng cu em, nó mới lên ba, ngoan lắm, bảo gì cũng nghe, thằng cu em cầm bó hoa vạn thọ tôi mới lấy trong am thờ bên cạnh nhà nó. Bé Tý đi cạnh anh nó, mắt ướt nước, nó cứ khư khư giành ôm cái hộp giấy, nó bảo để nó ôm, nó sẽ đi nhẹ để em mèo không giật mình thức giấc. Tôi đi sau cùng, mắt láo liên cảnh giác. Đám tang chỉ có bốn đứa trẻ đi lặng lẽ trong cái nắng chói chang của Huế Tháng Bảy. Lúc đó khoảng gần một giờ chiều, người lớn bận ngủ nên tang lễ em mèo diễn ra suôn sẻ.

Thôi! Em mèo nhỏ
Ngủ yên nhé em
À ơi em ngủ
Cho hết giấc trưa
Qua chiều và tối
Sáng mai em dậy
Cuộc đời vui hơn
Ở đây nắng ấm
Và nhiều tiếng chim
Ngủ yên em nhé
Mèo nhỏ thân yêu.

Những ngày sau, ngày nào bé Tý cũng sang thăm mộ em mèo, nó thường mang theo hoa vạn thọ đặt lên mộ, có khi nó lấy mấy cây nhang thắp lên đó nữa. Tôi thì hì hục lấy cát cạnh cổng trường bán công đang xây thêm, cho vào cái bao nhỏ khuân về, đắp cho nấm mộ em mèo cao lên mãi. Nấm mộ em mèo thật đẹp, bằng cát, tròn trịa, mịn màn, tôi còn dự định làm cho em mèo của bé Tý một tấm bia.

Gần một tuần sau có một ông khách tây vào đó để tè. Tây mà cũng tè bậy! Trong nhà hàng có hai ba cái chỗ tè lại không tè, hay là ổng ra chỗ mộ em mèo để tè cho… mát (?). Thấy nấm mộ, nhang khói bông hoa đầy đủ ông tây hốt hoảng chạy vào kéo ông chủ nhà hàng ra xem. Thế là bão táp nổi lên, sờ sờ nấm mộ rất to, hoa cúng và những chân hương còn rất mới. Người ta tưởng là án mạng, ai mang xác chết đến đây chôn! Ông chủ nhà hàng cũng sợ, sai con đi báo cảnh sát. Con nít bọn tôi thì trốn biệt trong nhà không đứa nào dám nhìn qua cửa sổ chứ đừng nói chạy ra xem. Người ta đến xem đông như đi xem hội, người lớn và cả con nít ở cái xóm bên kia đường cũng sang xem. Khi nấm mồ được khai quật, mọi người cùng ồ lên rồi cười ngặt nghẽo. Em mèo đáng thương của chúng tôi bị cho vào bao nilon, vứt vào thùng rác, nấm mộ bị san phẳng, chân hương, bông cúng, hộp giấy bị gom vào một góc đốt sạch. Bé Tý khóc lần nữa, không dám khóc to, chỉ ần ật và nước mắt hai hàng làm tôi thương nó không biết để đâu cho hết.

Biết bao nhiêu kỷ niệm thế mà tôi đành dứt áo ra đi sao? Còn bé Tý! Còn cái ước mơ được cưới nó về làm vợ! Còn anh em thằng cu anh! Còn thằng Khoa… Làm sao tôi ra đi được khi lòng mình còn ngổn ngang trăm mối.
Ba mạ tôi nói cho tôi một đêm để suy nghĩ, chẳng qua là nói để… cho vui vì sáng hôm sau đã thấy áo quần của tôi xếp vào cái túi nhỏ và đúng mười một giờ năm phút, đi làm về, cậu tôi lên đón. Tôi không có được một khắc để… chia tay bạn bè, từ giã con bé Tý, thăm lại từng góc cái xóm nhỏ thân yêu.
Tôi ngồi lên yên sau của chiếc xe “vê-lô-xô-lích”, ráng kìm để không bật khóc. Cuối cùng rồi cũng đi, chưa biết khi nào trở lại!

3.
Tôi từ giã cái xóm nhỏ thân yêu như lời trong một bài hát:‘Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về!”
Nói vậy nhưng chắc không đến nỗi như vậy! Có lẽ sẽ có một ngày nào đó tôi sẽ được về thăm lại ba mạ, các em, thăm lại con bé Tý, anh em thằng cu anh…, thăm lại cái xóm nhỏ thân yêu. Tôi tự nhủ: Mình chỉ về ở với ngoại và dì Năm, cậu út thôi mà. Nhờ thế tôi thấy hơi an lòng khi cất bước ra đi.

Ông bà ngoại và cậu, dì rất thương tôi, tôi cũng đã thường về đây ở chơi cả buổi. Những lần đó tôi về chơi và tối tôi lên nhà ngủ với mạ. Khi có em rồi thì tôi ngủ với ba rồi sau đó tôi ngủ với ba và đứa em kế. Dân số nhà tôi tăng lên mãi. Nếu không về ở với ngoại chắc một ngày nào đó không biết tôi ngủ với ai.
Ngủ với mạ cũng có cái thích. Vui nhất là xem “hui muỗi”. Sau khi buông màn và nhém kỹ các góc để muỗi không vào được (người Huế gọi là “chằng mùng”) mạ tôi bắt đầu trừng trị mấy con muỗi không kịp chạy. Thắp cây đèn sáp, nắm cây đèn hơi nghiêng để sáp không chảy vào tay, mạ tôi dí ngọn lửa vào con muỗi đậu trên màn. Mạ tôi hui thật giỏi, một đốm cháy nhỏ bùng lên, đó là cánh con muỗi cháy, tiếp đến là tiếng nổ “bụp” và thoáng nghe mùi khét. Bụp; bụp; bụp; bụp chừng chục tiếng là xong. Mạ tôi thổi tắt đèn rồi bảo:

“- Nằm xuống, nhắm mắt ngủ đi con, đừng s.ờ. b.ụ để cho mạ ngủ”.
Ba tôi thì khác: Sau khi chằng mùng là đập muỗi: bách; bách; bách; bách, đơn giản, hiệu quả và an toàn hơn nhiều, nhưng không có gì vui.
Về nhà ngoại, tôi được ngủ với bà, bà ngoại tôi không hui muỗi cũng không đập muỗi. Bà ngoại mở rộng cửa màn rồi lấy quạt xua muỗi ra ngoài. Sau này tôi mới biết bà ngoại là người tu hành, bà ăn ‘thập trai”, tháng có lễ như Tháng Tư, Tháng Bảy hoặc mùa an cư của quý thầy nơi bà ngoại quy y thì bà ăn “trường trai” luôn. Mà kiểu ăn chay của bà ngoại cũng rất lạ, bà ngoại dùng chén đũa riêng, mấy cái chén đũa này bà ngoại cất kỹ, chỉ dùng để ăn chay thôi. Món ăn chay của bà chỉ là tiêu muối, thỉnh thoảng có đĩa muối mè.
Ngủ với bà ngoại thật thích, bà ngoại luôn canh không cho tôi đạp tung mền, cho nên cả đêm không bị lạnh như ngủ với ba. Tôi cũng không bị nhắc: “- Coi chừng đụng em (trong bụng)” như khi ngủ với mạ.
Mỗi tối trước khi ngủ thế nào tôi cũng ôm bà ngoại một chút, tôi hít hà cái mùi hương dễ chịu. Ở bà Ngoại có cái mùi rất đặc biệt, cứ thích hít hà mãi, tôi không biết nó là mùi gì nên tôi đặt tên là “mùi bà ngoại”. Xem lẫn mùi bà ngoại là mùi của dầu long não thật ấm áp. Tôi kể với mạ tôi cái cảm giác đó thì mạ tôi bảo: “- Đó là cái mùi yêu thương của bà ngoại dành cho con đó”.

Bà ngoại tôi cũng rất nghiêm khắc, sau khi cho tôi ôm một chút, hít hà một chút bà bắt tôi nằm nghiêng quay mặt vào tường rồi… ngủ. Có lần tôi nằm sấp để ngủ bị bà ngoại la:
“- Con trai không được nằm sấp để ngủ”.
Tôi hỏi:
”- Răng rứa bà? Còn con gái thì răng?”
Bà ngoại chỉ trả lời câu hỏi thứ hai:
“- Con gái cũng rứa”
Rồi bà nói thêm:
“- Trời nóng hay lạnh gì cũng như nhau, con gái ngủ phải có tấm mền đắp quá rún (rốn), nóng thì mền mỏng, lạnh thì mền dày. Con gái không được ngủ ban ngày, con gái phải ngủ trong buồng không được cho ai thấy”.
Sao rắc rối vậy hè! Tôi thấy con bé Tý ngủ trên ghế salon nhà nó hoài, nó cũng không đắp mền mà đâu có sao? Hay nó không phải là con gái mà chỉ là con nít?

4.
Buổi tối khoảng bảy giờ là nhà ngoại có cái không khí thật đặc biệt. Trong mùi của nhang, trầm, trong hình ảnh những sợi khói bay lên từ đầu những cây nhang tôi thấy như có điều gì đó thiêng liêng và huyền hoặc. Bà ngoại tôi mặc chiếc áo rộng màu lam, quỳ trên cái gối mỏng màu vàng đặt ngay trong phòng khách hướng ra cái am nhỏ, sau bức bức bình phong, trên tay bà là những nén nhang đang cháy. Bà ngoại đưa tay cao hơn đầu rì rầm khấn vái thật lâu. Khi nhang cháy khoảng một phần ba, bà ngoại đứng dậy mang nhang ra am cắm, rồi trở lại chỗ cũ. Lúc này bà không quỳ như trước mà ngồi xếp bàn trên chiếc gối, phủ vạt áo thụng che hết chân, một tay đặt trước ngực, một tay lần tràng hạt, đọc kinh nho nhỏ.

Công việc đó kéo dài hơn một giờ nữa, đến hơn tám giờ rưỡi mới xong. Những lúc bà ngoại khấn vái hay đọc kinh, trong nhà đều giữ yên lặng, có nói thì chỉ là nói rất khẽ, kể cả ông ngoại tôi, người thường ngày nói rất to.
Tôi về ở với bà ngoại được hơn hai tháng thì bắt đầu đọc được. Công lao là của cậu út và nhất là dì Năm. Khi tôi đọc được thì tôi lại có công việc khác là giúp bà ngoại học kinh.

Bà ngoại chỉ biết đọc sơ sơ, bà đọc chậm lắm, chữ nào dài thì bà chịu. Bà ngoại bảo tôi: “- Hồi trẻ bà đi bán gạo, gánh chai vai, lớn lên lấy chồng sinh con, không được đi học sướng như con mô. Rảnh con giúp ngoại học kinh nghe con”.
Tôi hào hứng trong công việc này lắm, tôi cũng thích nghe giọng đọc kinh nho nhỏ của bà mỗi tối, dù tôi chẳng hiểu gì cả. Những tối, lúc bà ngoại đọc kinh tôi ngồi yên lặng, khoanh tay trước ngực, cúi đầu và cảm thấy mình là đứa cháu ngoan, hiếu thảo nhất nhà.

Bà ngoại có nhiều quyển kinh lắm! Những quyển kinh làm bằng giấy rất mỏng, người lớn gọi là “giấy gió”, giấy rất dễ rách nên người ta xếp đôi tờ giấy, đưa gáy ra ngoài và chỉ in một mặt. Kinh in chữ tàu (sau này tôi biết đó là chữ nôm), bên cạnh có ghi thêm chữ quốc ngữ. Tôi đọc trước, mỗi lần chỉ đọc bốn hoặc năm chữ, bà ngoại đọc theo, tôi đọc lại, bà ngoại đọc lại. Khoảng năm sáu lần như thế là xong mấy chữ, bà cháu tôi lại học tiếp mấy chữ khác, khi tròn một câu thì bà ngoại đọc lại hết cả câu. Mỗi buổi như vậy bà ngoại chỉ học được chưa đến chục câu ngắn, thế mà chỉ gần hai tháng bà thuộc lòng cả quyển kinh. Hết quyển này lại sang quyển khác, dần dần bà ngoại thuộc hết cả bộ kinh, kể cả những quyển kinh tiếng Phạn, tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả.

Sau này mạ tôi nói: “- Nhà mình được ơn trên phù hộ, qua bao nhiêu bom đạn, chết chóc mà không ai bị suy suyển gì là nhờ bà ngoại cầu nguyện đó, các con phải biết công ơn của bà ngoại”.
Mạ tôi nói đúng! Suốt mấy chục năm chiến tranh loạn lạc, qua biết bao bom đạn, chết chóc, kể cả lúc cậu ba tôi ở trong cái túi bom đạn và nhiều điều hiểm nguy nhất mà vẫn an lành.

5.
Bà ngoại tôi rất hiền, tôi nhớ mãi nụ cười hiền lành của ngoại. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi thấy bà cáu gắt, nặng lời với ai bao giờ, kể cả với những đứa cháu “hư” như tôi. Tiếng trách mắng “nặng” nhất mà bà ngoại nói với tôi là chữ “hung”. Lần giận tôi quá, bà ngoại khóc và nói: “Răng mà con hung rứa Toàn?”. Một lần anh hai tôi dắt chiếc xe Honda mới mua ngang giếng, bị trượt chân ngã vào người bà ngoại, vỡ một cái tô cổ. Tôi đỡ bà ngoại vào giường, bà ngoại chỉ than: “- Bà đau lưng quá!”. Rồi bà bảo cậu tôi: “- Hắn có cố ý mô mà con la hắn!”
Một lần tình cờ tôi phát hiện trong rương ông ngoại tôi thường nằm có một kho sách hơn một trăm cuốn truyện Tàu xếp thành chồng. “Tụi” sách này cũ lắm, có nhiều cuốn đã quăn góc, bìa đã sờn, long gáy. Tôi xem việc phát hiện này là một chuyện bí mật và “công” tôi phát hiện là một thành tích. Buổi sáng đó tôi chờ ngoại đi chợ về, kéo bà ngoại vào một chỗ vắng, nhìn quanh không có ai, tôi nói nhỏ, giọng bí mật.
– Bà ngoại! Con tìm được nhiều sách lắm, chắc ai bỏ quên.

Bà ngoại cười:
- Sách ở mô mà bỏ quên? Con.
- Dạ! Ở trong cái rương ông ngoại hay nằm!
Bà ngoại tôi cười mắng yêu:
- Cha mi! Sách của ông ngoại mi đó chứ ai mà bỏ quên. Con tìm mấy cuốn Tái Sanh Duyên đọc cho ngoại nghe đi.
Lúc này thì tôi đã đọc được, tôi lục tìm mấy tập truyện Tái Sanh Duyên. Và từ đó mỗi buổi trưa tôi ngồi trên chiếc ghế đặt ở đầu giường của bà ngoại. Ngoại tôi thì nằm trên giường phe phẩy quạt. Tôi đọc chậm truyện Tái Sanh Duyên, thỉnh thoảng dừng lại để đánh vần.
Một lần tôi hỏi tuổi bà ngoại, bà ngoại bảo bà tuổi Tý. Tôi tuổi Thân, nhầm tính một hồi tôi bảo bà ngoại:
- Bà ngoại tuổi Tý, con tuổi Thân. Rứa là bà ngoại hơn con chín tuổi.
Bà ngoại cười thành tiếng, rồi bà mắng yêu tôi:
- Cha mi! Ngoại hơn con chín tuổi mà bà đẻ ra mạ con được à (?)

Bà ngoại tôi có thói quen rất hay, khi nào bà cũng dự trữ thức ăn dù hồi đó không có tủ lạnh. Thấy ngoại đi chợ mua cá nục có nghĩa là hai hoặc ba hôm sau mới được ăn cá nục. Bà kho nấu rồi cất vào chạn sau khi đậy đằng cẩn thận và mỗi ngày bà đem ra hâm lại. Đó là cái khe hở để tôi “lợi dụng”. Hồi đó mỗi tháng được lĩnh lương cậu út cho tôi một ít tiền, cậu bảo để ăn sáng. Tôi để tiền đó mua truyện, tập san Tuổi Hoa. Buổi sáng tôi ăn ké bà ngoại, nhưng thường là tôi ăn vụng cơm nguội và thức ăn bà ngoại nấu sẳn. Tôi cũng khôn, khi nào cũng hơ thật nóng muỗng trên cái bếp củi cháy âm ỉ suốt ngày trước khi múc thức ăn, nhờ thế chẳng bao giờ thức ăn bị thiu. Cho đến giờ tôi cũng không rõ là hồi đó bà ngoại có biết trò ăn vụng của tôi không?
Lúc rời cái xóm nhỏ thân yêu tôi cứ nghĩ là mình sẽ không sống nổi. Tôi cũng nghĩ là khó có dịp để trở về. Nhưng tôi đã lầm, tôi vẫn sống mà sống rất sướng nữa. Tự nhiên tôi có hai nhà để ở, được bà ngoại thương và cũng được mạ tôi thương nhiều hơn trước.

Chắc vì nhớ nên mạ tôi thường về thăm, mà đâu chỉ về thăm thôi, mỗi lần về mạ tôi mua nhiều bánh trái lắm. Mạ nói là để cúng ông bà, nhưng cúng xong nghiễm nhiên bánh trái thuộc về tôi, người lớn ít thích ăn đồ ngọt, còn con nít như tôi thì bao nhiêu cũng không vừa.

Tôi sống rất tự do, ngày Chủ Nhật nào cũng được lên nhà, chơi với thằng cu anh, thằng Khoa và con bé Tý. Sau mấy tháng ở với ông bà ngoại tôi bỗng trở nên nghiêm túc và sạch sẽ hơn. Tôi nói năng với tụi bạn cũng chững chạc và lịch sự hơn. Thấy vậy mấy đứa bạn trong xóm thích lắm. Tụi nó siêng tắm rửa, ít khi ở trần mồ hôi mồ kê nhễ nhại và cũng ít nói bậy như hồi xưa, có lẽ vì tụi nó cũng đã lớn hơn một chút. Mỗi lần thấy tôi ăn mặc nghiêm túc, áo bỏ trong quần, tóc chải gọn gàng là con bé Tý nhìn tôi cười thật dễ thương. Hai má lúm đồng tiền của nó nhắc nhở tôi cái ước mơ sau này lớn lên sẽ cưới nó về làm vợ.

6.

Rồi tôi vào Lớp Một.
Ngôi trường tôi học chỉ cách nhà ba mạ chừng ba trăm mét. Ra chơi, đứng sát hàng rào tôi có thể thấy mạ tôi đi ra đi vào, chắc mạ tôi sắp sinh, thấy bà đi đứng nặng nề lắm, thỉnh thoảng lại ưỡn người đấm đấm mấy cái sau lưng.
Cô giáo của tôi là cô Tuyết, đi dạy khi nào cô cũng mặc áo dài, cô còn mang cái dây chuyền vàng có miếng ngọc. Trên miếng ngọc có bốn cái chấm không đều ở bốn góc, sau này tôi mới biết đó là tượng trưng Cây Thánh Giá.
Tôi được xếp ngồi giữa, bàn thứ hai, dãy bên trái. Ngồi kế bên trái tôi là thằng Hoàng, đó là thằng bé “bơ sữa” vì nước da trắng, nói năng hiền lành, ăn mặc sạch sẽ bảnh bao. Tôi với Hoàng là bạn thân, ra chơi hai đứa tôi không tham gia mấy trò chơi “bạo lực”. Hai đứa tôi khoác vai nhau đi đến cuối trường, ngồi trên mấy cái ghế đá. Thường đến lúc này hắn lấy ra một ổ bánh mỳ bơ đường khá lớn chia cho tôi một nửa.

Tôi ăn bánh mỳ của Hoàng chừng nửa tháng thì có chuyện xảy ra: Đột ngột cô Tuyết chuyển tôi xuống ngồi bàn cuối kế thằng Lợi. Sau này tôi mới biết là do mạ thằng Hoàng đến lớp kiện với cô Tuyết là tôi bắt nạt nó để giành bánh mỳ ăn.
Trong những nỗi đau, tức tối của con người thì hàm oan có lẽ là nỗi đau to lớn nhất. Tôi trải qua nỗi đau đó khi mới học Lớp Một chưa tròn ba tháng. Cái cảm giác uất nghẹn như chặn ngang cổ gần như không thở được. Tôi về nhà mạ, ai hỏi gì cũng không nói, vào giường nằm đắp mền kín mặt, khóc một trận ra trò, bỏ ăn trưa rồi… quyết định chơi với thằng Lợi.

Nhìn ngoài ai cũng bảo Lợi là thằng nhỏ hung dữ nên tránh xa, nhưng khi chơi với hắn thì tôi thấy hắn cũng dễ thương, và những trò chơi hắn bày thì hấp dẫn không chê vào đâu được.
Một trong những trò chơi đó là bẫy chim.
Không biết học ở đâu, một hôm thằng Lợi mang về hai cái bẫy, bẫy đơn giản nhưng rất hiệu quả. Đó là hai đoạn dây thun cắt ra từ ruột (xăm) xe đạp, hai đoạn thun này nối với nhau bằng một sợi dây thép, loại dây thép dùng để làm dây phanh xe đạp, vừa dẻo vừa chắc.

Chọn khoảng đất vắng, nhiều chim sẻ xuống, chúng tôi đóng xuống đất ba cái cọc nhỏ bằng gỗ, ba cái cọc đóng ở ba góc của một tam giác đều. Chúng tôi buộc hai đầu đoạn thun vào hai chiếc cọc, nắm đoạn thép kéo căng, móc vào cọc thứ ba sau khi đã chèn ở giữa một mảnh gỗ bằng ngón tay, cuối mảnh gỗ này là một sợi dây kéo đến chỗ chúng tôi núp. Chúng tôi vãi gạo vào giữa bẫy, khi có chim xuống ăn, chỉ việc giật mạnh sợi dây, đoạn gỗ sẽ bẫy sợi dây thép lên, bật về phía trước, bật vào những con chim…

Tôi và thằng Lợi ăn chim chán, có khi bẫy xong chúng tôi liệng chim vào bụi cây chẳng thèm chiên xào gì cả, vậy mà vẫn cứ thích bẫy chim.
Tôi lêu lổng rong chơi suốt ngày, có lúc tôi cũng thoáng nghĩ mình đang đi vào con đường xấu. Biết xấu nhưng tôi không dứt ra được.

Rồi cuối cùng mọi chuyện hư hỏng của tôi bà ngoại cũng biết.
Bà ngoại phát hiện hai con chim dính bẫy tôi giấu sau nhà bếp, phát hiện luôn cả cái bẫy tôi chưa kịp đưa cho thằng Lợi.
Gọi tôi vào nhà, bà ngoại ngồi trên chiếc phản ông tôi thường nằm, hai tay đưa ra trước, trên tay là hai con hai con chim. Bà ngoại đưa những con chim đang giãy chết ngang mặt tôi.
Tôi đứng nghiêm, vòng hai tay trước ngực, mắt nhìn xuống nền nhà, không dám nhìn bà, lại càng không dám nhìn những con chim.

Không biết vì thương hai con chim sắp chết thảm hay quá buồn vì đứa cháu hư, bà ngoại tôi bật khóc:
“- Răng mà con hung rứa Toàn? Chim bay trên trời có làm hại ai mô mà con làm bẫy giết nó? Bà ngoại có để con đói không mà con phải bắt chim để ăn?”
Thương bà ngoại quá, và thấy mình thật hư đốn, tôi cũng khóc. Tôi ôm lấy bà ngoại xin bà tha lỗi và hứa sẽ không tái phạm.

Đó là lần duy nhất tôi làm bà ngoại buồn. Sau đó tôi không chơi với thằng Lợi nữa, tôi tháo cái bẫy ra, mấy mảnh gỗ tôi mang xuống bếp làm củi, đoạn dây thun và dây thép dùng để buộc đồ. Tôi cũng không bao giờ ăn thịt chim kể từ ngày ấy.

Thời gian trôi qua, cuộc sống ngày ấy nhiều biến động và có nhiều điều bất an!

Tôi lớn dần trong tình thương yêu của ba mẹ, các cậu các dì, của ông nội, bác tôi, của ông ngoại và nhất là của bà Ngoại. Đi qua cuộc chiến khốc liệt, nhiều rủi ro mất mát nhưng anh em tôi, các cháu của bà ngoại, lúc nào cũng có niềm tin vững chắc là tất cả rồi sẽ bình an trong lời cầu nguyện: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” mà bà ngoại đọc mỗi đêm ròng rã trong hơn năm mươi năm trời.
Tôi không phụ lòng mong mỏi của bà ngoại và của tất cả mọi người. Tôi cố gắng học và luôn hướng về điều thiện. Nhiều năm sau nữa khi tôi trúng tuyển Đại Học, bà ngoại là người đầu tiên tôi báo tin vui.
Lúc tôi học năm thứ ba Đại Học thì cậu út mất, cậu bị bệnh tim từ nhỏ.
Trên bầu trời nhà tôi có một vì sao vụt tắt.
Lần đầu tiên tôi thấy bà ngoại khóc nhiều đến vậy! Có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người mẹ mất con (?).
….
Bà ngoại mất khi tôi đã ra trường và đi làm việc ở xa.
Con không kịp về để nhìn mặt Ngoại lần cuối.

Ngoại ơi!
……..
Pleiku, Tháng Ba, 2017

BS Huỳnh Công Toàn

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com