
Sóc Trăng, tiếng Khmer, là Srok Kh”leang. Srok tức là cái xứ; Kh”leang là “kho chứa bạc”. Srok Kh”leang là xứ có kho chứa bạc, do Vua Cao Miên Nặc Ong Nhuận, năm 1757, dâng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Sóc Trăng thời VNCH mình là tỉnh Ba Xuyên vùng đất ven biển Đông, cách Sài Gòn khoảng 231km, cách Cần Thơ 62km.
Năm 1974, ra trường Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, vì tài hèn sức mọn, học hơi (bị) dở, nên tui buộc phải phiêu dạt về tới tỉnh Ba Xuyên, xa tít mù để trình diện ông Giám Đốc Sở Học Chánh.
Cùng về, có hai người đẹp là dân Cần Thơ, nên biết Sóc Trăng rành hơn tui nhiều. Một em chọn về quận Thạnh Trị (Ngã Năm). Em kia về xã Đại Hải nơi dành cho đồng bào miền Bắc di cư vào năm 1954 định cư.
Cả hai nhiệm sở nầy đều nằm ven quốc lộ 4, xe đò chạy xuôi ngược suốt ngày nên dạy xong hai em có thể xách đít, tót lên xe đò về với Tây Đô tức đất Cần Thơ.
Còn tui nghe ông Hiệu Trưởng có giọng nói eo éo, yểu điệu như một người phụ nữ, ỏn ẻn khoe trường của ổng ở quận Kế Sách ngon lành lắm: “Thầy về với tui đi!”
Phần số là một lẽ, nhưng cái cố tật của tui là khoái nghe lời thiên hạ dụ khị, nên gật đầu cái cụp, đồng ý về cái quận lỵ xa quốc lộ 4 tới 15 cây số nầy nằm tuốt trong đất giồng bưng mà nhỏ lớn chưa biết mặt mày nó tròn méo ra sao?
Thời buổi chiến tranh, tình hình nơi đó có an ninh hay không tui cũng cóc biết vì vốn là một người tin vào số mạng. Tới số, trời gọi là mình phải đi thôi.
Né sao được? Bởi trước hay sau rồi mình cũng chết! Đâu phải con rắn đâu mà cứ lột da sống đời chớ. Chết bây giờ hay già rồi chết thì cũng “sêm sêm”!
***
Kế Sách, đất của người Khmer, là Khsach, nghĩa là giồng cát, chạy từ ấp Tập Rèn ngang qua Na Tưng, Phú Nổ tới ngã ba An Trạch trên quốc lộ 4.
Kế Sách cũng như các nơi khác của đồng bằng sông Cửu Long hai mùa mưa nắng.
Mùa mưa từ tháng Năm cho tới tháng Mười. Mưa dầm dề là từ tháng Sáu tới tháng Chín, trùng với ba tháng nghỉ hè, để học trò tiếp gia đình làm ruộng.
Tháng Mười, mùa gió chướng, nước biển mặn tràn vào sông Cái, theo Vàm Nhơn Mỹ tỏa ra kinh, rạch làm nước lờ lợ. Tắm rít lắm. Pha cà phê vợt phải xài nước mưa trữ trong lu; bằng không uống nó dở ẹc hè.
Nhỏ nhưng trù phú, quận lỵ được bao quanh bởi hai con kinh (tiện trong việc phòng thủ). Mỗi sáng, ghe, xuồng vỏ lải chạy bằng máy đuôi tôm Yanmar 60 hay Kubota một “block”, nườm nượp bà con mình ngược xuôi sông nước.
Nhà lồng chợ lợp ngói, lộng gió bốn phương, lâu lâu có gánh cải lương về hát đôi ba bữa. Nối với cái chợ cá là một sàn xi măng gie ra mé kinh. Con đường giữa trong chợ trải đá xanh. Mưa sình nhưng nắng không có bụi vì dãy nhà sàn dọc mé kinh che chắn gió.
Có tiệm thuốc tây, tiệm tạp hóa và đã nhứt là có tiệm Vĩnh Tân bán hủ tiếu, mì, cà phê và rượu đế. Chủ tiệm, người Triều Châu, tánh tình xởi lởi rất khoái mấy ông Thầy giáo vì ông trọng chữ của thánh hiền; hồi xưa chỉ học hết lớp 5 trường làng là nghỉ, đi mở tiệm nước để mần ăn, có đứa con gái là học trò của tui, nên: “Thầy giáo để bữa nào trả cũng được!”
Khoái biết chừng nào mà kể, kẹt tiền, chẳng ngần ngại đến ăn rồi ghi sổ; tới kỳ lương mình trả… rồi ăn chịu tiếp. He he.
Vậy mà 30 tháng Tư, năm 75, lương chưa kịp lãnh, VC vô, hỏng biết thằng quỷ hó nào giựt tiền lương của tui đem bỏ túi nó… Làm tiền thiếu ông chủ quán Vĩnh Tân ngày đó tới giờ gần nửa thế kỷ sau, tui vẫn còn thiếu chịu!
***
Tui xa Kế Sách tới nay đã 40 năm ròng. Quên hết ráo nhưng chỉ có thằng bạn dạy giáo nầy, quê nhà giờ xa vạn dặm, mà tui vẫn nhớ… mới báo.
Thằng bạn nầy có cái tật xấu, khi buồn tình cứ gặc cái đầu qua lại kêu rắc rắc cho vui; nên học trò đặt cho cái biệt danh là thầy “Bửa củi”! Vì cái thói quen nầy giống hịt như con bửa củi hè; mình bắt con bửa củi ấn lên cái lưng là nó gật đầu nghe cái cốp.
Bây giờ, tui ghiền rượu là cũng do nó rủ rê, rù quến một phần. (Tui giống Úc ở chỗ cái gì mình làm bậy là đổ thừa thiên hạ trước; chớ không có chơi kiểu quân tử Tàu “Tiên trách kỷ; hậu trách nhân” gì hết ráo!)
Chẳng qua ngày đầu vô nhận lớp, tay Giám học nầy, tự nhiên đi cẳng không, chen vô đời tư của tui, hỏi: “Ông có vợ chưa?” “Mới 23 tuổi mà vợ con gì. Mèo thì có vài con!” Nghe cái giọng “cà rỡn” của tui; “giả” coi bộ khoái hỏi tiếp: “Tính ở đâu chưa?” “Đất lạ quê người đâu có quen ai?” “Vậy ông về ở chung với tui cho vui, căn nhà sàn kề cầu sắt, gie ra mé kinh.”
Hai đứa tui là dân vưỡn tức vườn; gọi ông xưng tui thiệt hổng có quen miệng nên sau vài lần là mầy tao hết ráo; cho dù “Giáo bửa củi” lớn hơn tui tới 4 tuổi, dân địa phương, người xã Kế An, từ Kế Sách đi ngược dòng kinh, hướng về Ngã Bảy Phụng Hiệp chừng 5 cây số.
Nhà cũng không xa nhưng có chuyện nầy mà “giả” không dám về. Hồi năm 68, Việt Cộng đánh trận Mậu Thân thua xiểng niểng. Đứa chết, đứa bị thương, đứa ra chiêu hồi, huyện ủy còn loe ngoe có mấy mống phải chém vè trong đầm bưng lác.
Đêm nọ, một tay Huyện ủy viên lẻn về kêu “Giáo bửa củi” nghỉ dạy cho “ngụy quyền” về nhà mà tham gia vào cách mạng.
“Giáo bửa củi” từ chối… cười hè hè nói: “Con thuyền cách mạng đang mắc cạn chừng nào nó lủi xuống tới bến sông, chạy được rồi; tui sẽ tham gia!”
Nghe tức thiếu điều hộc máu mồm, nên Cách mạng đòi “cách cái mạng” của “Giáo bửa củi”; xử tử hình khiếm diện vì cái tội dám giỡn mặt với chánh quyền của nhân dân.
Từ ấy “Giáo bửa củi” rét không dám về nhà. Chỉ lâu lâu con vợ, chần vần đầu tóc mượn, mang cái bụng bầu lặc lè chèo xuồng ra chợ để thăm chồng.
Ra thăm mang lũ khủ đủ thứ, dừa mít, cốm dẹp cho chồng… Lo và thương như vậy mà hai đứa đi lông nhông ngoài chợ, nó xăm xăm đi trước, con vợ lót tót theo sau. Thì ra nó sợ đám học trò lớp 11, 12 thấy chê làm tới giáo mà có con vợ ôi phèn hết cỡ. Nghĩ vậy là tầm bậy nè. Con vợ xấu mới là vợ của mình. Còn nó đẹp là vợ của người ta; vì nó có chịu lấy mình đâu?
Thấy tình ta coi vẻ rất cách xa, ban ngày trước mặt bàn dân thiên hạ mà thôi chớ ban đêm là khác. Vì vậy, mới 27 tuổi đầu mà “Giáo bửa củi” có tới 5 đứa con.
Nó nói: “Tao là con một trong nhà nên mới được hoãn dịch vì lý do gia cảnh không đi lính. Nhưng ông già Tía tao sợ thời buổi nhiễu nhương, tao chết bất đắc kỳ tử là không có con nối dõi tông đường nên năm 14 tuổi mới học Đệ Ngũ là ổng bắt tao cưới vợ rồi hè. Mắc cỡ thấy bà!
Mãi tới năm học Đệ Nhị ngoài Sóc Trăng cũng biết “chim chuột” chút đỉnh, về thăm nhà nghe xúi thấy cũng… ham ham. Nên tao ừ. Thiệt là quá đã! Biết vậy hồi 15 tuổi, học Đệ Tứ, ổng già tía tao kêu về cưới vợ là tao đã “bường” về rồi. He he!”
Về đây tui mới biết uống rượu đế. Sáng mới vừa lãnh lương, hai đứa ra chợ kêu 2 bún nước lèo và 2 ly xây chừng chẩu, cà phê đen pha rượu.
Em trụng bún cho vào tô, tay bóc thịt cá lóc, thịt heo quay bỏ lên trên, chan nước lèo thơm mùi mắm cá linh, rồi rắc hẹ, hành lá, tiêu. Mình chỉ có việc đũa gắp rau húng, giá, rau đắng vào rồi hẩu xực… Vừa nhai bún, húp nước lèo xùm xụp rồi cầm ly xây chừng chẩu, hớp một tớp là mồ hôi mồ kê ứa ra từ lỗ chân lông và mặt hồng hồng sáng trong trong hè. Sáng lỳ một lam, làm một ly, vô lớp giảng bài mới trơn tru không bị lẹo lưỡi, cà lăm.
Còn cuối tháng, hết tiền, “Giáo Bửa Củi” nói: “Mầy đừng lo, theo tao đi dạo chừng hai lượt trên con đường giữa là có phụ huynh đang ngồi trong quán nước chạy ra mời vô!” Có bữa xui, không ai mời thỉnh gì ráo. “Giáo bửa củi” cằn nhằn: “Bộ bữa nay thiên hạ đui hết rồi hay sao?”
Nhờ “ní” (thân) với Giám Học, có quyền xếp thời dụng biểu, nên nó ưu tiên cho phe ta, tuần dạy có 16 giờ, nó gom lại thành 4 buổi sáng là xong. Thời giờ còn lại hai đứa rủ nhau đi ăn đám đầy tháng, đám thôi nôi, đám cưới, đám gả và nhiều nhứt là đám giỗ…
Quận lỵ tối buồn hiu hè chỉ tưng bừng vào lễ Chol Chnam Thmay, người Miên mừng năm mới vào tháng Tư; hoặc lễ Pchum Ben còn gọi là Đôn-ta vào tháng Tám âm lịch để cầu an cho bản thân, gia đình và thờ cúng người đã khuất. Mấy bữa đó máy đèn của chợ quận chạy tới 11 giờ khuya, thay vì 9 giờ tắt như mọi khi.
Chùa Miên có hát dù kê: Thạch Sanh Lý Thông. Ngoài lộ gần chùa, bà con bán bún nước lèo, bánh tét, cốm dẹp, xôi… còn có sòng bầu cua cá cọp nữa!
Mấy đêm nầy vui hết biết nầy, hai giáo được mấy đứa học trò trong quê mời tới chỗ tụi nó đang ở trọ chơi. Ba đứa học trò lớp 9 (đã xuống tóc quy y, mặc áo dài, chỉ chừa một chỏm chớ chưa cạo trọc hết từ năm lớp 6, tính bề trốn lính vì lý do tôn giáo khi năm lên 18 tuổi) mời hai thầy về nhà trọ trong Chùa (Việt) Thiên Phước gần đó.
Ngồi chưa nóng đít, đám học trò lui cui dọn lên bánh hỏi, trét mỡ hành, ăn với thịt quay và một lít rượu đế để đãi thầy.
Tui lấy làm ái ngại. Thầy chùa ăn chay mà thầy giáo ăn mặn đâu có được hè? “Cứ ăn đi thầy ơi! Hổng sao đâu! Hổng ai quở trách gì ráo! Tụi em dù ở trong chùa nhưng cũng ăn mặn đấy thôi! Phần tối ông Phật ổng đi ngủ mất rồi!”
***
Tháng Tư, năm 1975, sập tiệm, “Giáo bửa củi” (không bị dựa cột đã là may) và tui, kẻ trước trước người sau, bị VC nắm đầu đuổi.
Tui chẳng buồn bã gì. Cái học ngày nay đã hỏng rồi thằng khôn đi học thằng ngu làm thầy, xã hội nó lộn tùng phèo hết ráo thì mình thà “mất dạy” còn hơn.
Thôi kiếp nầy lỡ rồi; “Giáo bửa củi” ôi! Kiếp sau mình sẽ gặp nhau, dạo lên dạo xuống trên đường giữa để coi có phụ huynh nào ngồi trong quán nước ngoắc mình vô, đãi ăn bún nước lèo và uống xây chừng chẩu hay không?
Đoàn Xuân Thu
Melbourne