Đây là câu chuyện về những Vết Thương và Vết Sẹo…
Không một ai - trong suốt cuộc đời mình mà không bị một tổn thương nào đó về tinh thần hay thể xác, và sự tổn thương ấy; sau khi lành đã để lại di chứng là một vết sẹo.
Lúc tôi còn bé xíu; đâu chừng tám chín tháng tuổi gì đó; mới mọc được hai cái răng cửa - theo lời mẹ kể - thì tôi đã có thói quen là say mê “bú” ngón tay cái bên bàn tay phải của mình đến nổi nó bị trầy trụa, chảy máu và mưng mủ, thế nhưng tôi không thể từ bỏ cái cảm giác sung sướng mỗi khi đút ngón tay cái của mình vô miệng để cho mấy cái răng sữa bé tí “cào” trên lưng của ngón tay, dù mẹ tôi đã tìm mọi cách để cho tôi bỏ thói quen đó, thậm chí mẹ bôi cả thuốc đắng lên ngón tay nhưng tôi vẫn không… ngán. Mới còn bé tí mà tôi đã biết đến “thú đau thương” rồi, cuối cùng thì nó thành một vết sẹo; nó có hình dạng giống như một bông hoa tròn trịa dễ thương.
Năm tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi mua cho anh lớn của tôi một chiếc xe đạp, chiều chiều anh leo lên xe đạp chạy vòng vòng trước sân nhà ngoại, tôi và một bọn con nít đuổi theo sau, rồi vì mệt quá tôi đã đứng lại trong khi anh tôi vẫn đạp xe “vun vút”… cuối cùng thì anh đâm sầm vào người tôi làm tôi bị té rất mạnh; một miếng sắt cứa vào đùi trái của tôi làm máu chảy đầm đìa tạo thành một vết thương lòi thịt ra ngoài. Sau khi vết thương lành nó đã để lại một vết sẹo khá lớn.
Mười tuổi, một lần rửa chân bên giếng tôi bị trượt té, cằm tôi đập vào thành giếng làm tét một đường thịt dài, máu tuôn xối xả. Sau khi vết thương lành thì nó cũng đã để lại cho tôi một vết sẹo.
Những vết thương trên người tôi, tuy là bị đau đớn về thể xác và sau khi lành nó đã để lại những vết sẹo nhưng cũng không có gì đáng nói, vì những vết sẹo ấy đã mờ dần theo năm tháng và tôi thì cũng quên nhanh, chỉ khi nào nhắc đến những kỷ niệm thời thơ ấu; lúc đó mới nhớ là mình có mấy vết sẹo mờ.
Giữa tháng Ba năm Một Chín Bảy Lăm; tôi chạy theo dòng người di tản, bỏ lại sau lưng ngôi trường Trung Học Pleiku thân yêu, bỏ lại một “Phố Núi cao” mà đối với tôi thì đó như là một “linh địa” của tình yêu. Tim tôi như bị hàng ngàn mũi dao đâm vào làm cho nó nát bét bấy nhầy.
Ngay trong cuộc di tản ấy đã có quá nhiều người chết oan ức tức tưởi: già, trẻ, lớn bé… đủ cả, nhiều người bị thương và rất nhiều gia đình ly tán… Phố Núi Pleiku đã mang một vết thương quá lớn. Một tháng sống lây lất trong rừng cùng với gia đình của chị bạn. Trên chặng đường di tản tôi đã phải giẵm lên đá sỏi bằng đôi chân trần, phải nằm ngủ trên đất, trên lá cây rừng; trên những tảng đá sần sùi lạnh ngắt để tìm đường về với gia đình, tay chân của tôi đã bị nhiều vết trầy xước cùng với nỗi đau luôn mang trong trái tim mình.
Cuối cùng thì tôi cũng về đến Sái Gòn và gặp được gia đình. Ngày 28 tháng Tư năm Bảy Lăm; anh cả của tôi – là Trung úy Quân Vận – từ Thủ Đức chạy về, anh mặc trên người bộ đồ Civil; chân mang dép, vì quá sợ hãi nên anh đành phải cởi bỏ bộ đồ lính của mình. Có rất nhiều người lính cũng đã làm như anh. Tôi không sao quên được nét mặt của anh tôi ngày hôm đó: thảng thốt và lo âu tột cùng. Lúc đó tôi rất muốn khóc nhưng cổ họng đắng nghét; khô ran, và rồi tôi chỉ biết ngồi cứng đơ như pho tượng đá mà nhìn anh tôi.
Sáng sớm ngày Ba Mươi tháng Tư của năm Bảy Lăm… Trái tim của hàng triệu triệu người đã bị băm vằm; cứa nát, họ có cùng một nỗi kinh hoàng sợ hãi như nhau và thật là đau đớn khi mà vào ngày đó thì hàng triệu triệu nhà có chung một ngày giỗ…
Một vết thương rộng không biên giới và sâu không thấy đáy.
***
Anh tôi xin cha mẹ một số tiền để hùn với người quen đi vượt biên, mẹ tôi đắn đo vì… số tiền anh cần quá lớn, mẹ tôi phải gom gọp hết những gì mình có thì mới đủ cho anh; nhưng sau đó thì gia đình tôi sẽ phải sống ra sao? Mẹ từ chối. Anh tôi khóc lóc nói với cả nhà:
- Nếu con không đi vượt biên được thì con sẽ tự tử; thà chết ở nhà mà có cha mẹ; vợ và các em còn hơn là bị chúng nó đưa đi giết… Cha mẹ tôi cũng khóc và quay qua trách chị dâu tôi - đang mang bầu tháng thứ bảy - là đã xúi anh tôi xin tiền của ông bà để hai vợ chồng anh ra đi; mà không cần biết gì đến việc gia đình sẽ sống như thế nào khi không còn tiền?. Gia đình tôi buồn lắm; vừa buồn riêng mà cũng vừa sầu chung nữa nên hễ ngồi đâu là khóc đó.
Anh tôi có lệnh phải tập trung để đi học tập cải tạo, và nhà nào cũng có vài người thân nhận lệnh phải đi học tập cải tạo. Chị dâu tôi may cho anh hai bộ bà ba màu nâu, chị cũng sắp sửa cho anh rất nhiều thứ để mang theo, anh tôi nói:
- Người ta chỉ đưa anh đi học tập cải tạo mười ngày thôi mà… Chị dâu khóc:
- Anh ơi; làm sao tin được?… mà em cũng gần ngày sanh rồi… Anh tôi cười méo mó thấy buồn ghê lắm:
- Hy vọng họ giử đúng lời hứa… họ nói là chỉ đưa tụi anh đi học tập cải tạo mười ngày rôi cho về nhà mà làm ăn sinh sống… Mẹ tôi lại đay nghiến cha tôi:
- Chỉ vì ông không chịu đi Mỹ, nên bây chừ cả nhà chờ chết… Cha tôi ngó mông ra ngoài con hẻm nhỏ, hai giọt nước trong hai khóe mắt của ông lăn dài… lăn dài xuống má.
Bốn giờ sáng anh tôi thức dậy để đi cho kịp giờ tập họp, chị dâu tôi nấu một nồi xôi đậu xanh và làm muối đậu phụng để anh ăn sáng, phần còn lại thì đựng trong lon sữa Guigoz để anh mang theo. Cả nhà tôi khóc. To nhất vẫn là tiếng khóc của mẹ và chị dâu. Ngày hôm đó và những ngày sau nữa có rất nhiều gia đình cũng bị chia ly như gia đình tôi, vậy là hàng triệu triệu người cùng khóc, cùng có một vết thương lớn trong trái tim…
***
Đã qua hai tháng rồi mà anh tôi vẫn chưa được về. Điều duy nhất gia đình tôi biết được là anh đang bị cầm tù tại trại Long Giao ở Long Thành. Cái hẹn “mười ngày” có lẽ trở thành cái hẹn “vô tận”. Chị dâu tôi đi sanh – một mình vượt cạn không có chồng bên cạnh. - Con trai đầu lòng, đây là đứa con mà anh tôi đã ngày đêm trông chờ. Nó là niềm hạnh phúc của anh từ khi vợ mang bầu. Không biết nỗi lòng của anh tôi ở trong tù ra sao khi hay tin mình đã có một đứa con trai? Chị dâu tôi đau đớn khi con mình cất tiếng khóc chào đời mà không có cha nó ở kế bên. Nếu cháu biết?. Tôi thương anh chị và cháu quá.
***
Tháng Mười Một tôi lấy chồng; chồng tôi là Hạ Sĩ Quan nên chỉ bị học tập ba ngày thôi. Nghe tin em gái lấy chồng; anh tôi gởi cho tôi một lá thư ngắn - kèm trong thư gởi cho vợ và con trai - thư anh viết rằng: “Em ơi; anh thương em lắm, em là em gái duy nhất của anh, vậy mà ngày em đi lấy chồng anh đã không có được một chút quà mừng cưới cho em, lòng anh đau như muối xát. Chúc hai em hạnh phúc; anh mong có ngày sẽ thấy mặt em rể của anh – cho anh gởi lời thăm em rể, mong em rể hãy thương yêu em gái của anh hết lòng. Anh trai của em (ký tên).” Tôi ôm lá thư của anh mà khóc nên có nhiều chữ bị nhòe.
***
Thật may mắn khi anh tôi viết thư về bào tin ngày anh được phép cho thăm nuôi, mọi người vui mừng lắm. Mẹ tôi với chị dâu lo làm các món ăn khô để chuẩn bị đi thăm nuôi anh, món ăn mà mẹ tôi làm là thịt nạc băm nhuyễn xào chín; mè rang vàng, sả bằm nhỏ xào lên cho thơm; sau đó thì trộn chung với nhau… món ăn khá mặn để anh tôi ăn được nhiều lần; và thêm một ít thuốc cảm, ho nhức đầu sổ mũi… Cháu trai tôi vừa được sáu tháng tuổi, hình như cháu mọc răng sữa nên nóng sốt và quấy nhiễu chị dâu tôi hoài, với lại cháu còn bị ghẻ ngứa, toàn thân cháu nổi những mụn li ti. Thời điểm đó thì hầu như tất cả mọi người trong thành phố đều bị ghẻ ngứa, những mụt ghẻ nhỏ nổi đầy mình, là ghẻ ruồi, người ta kháo với nhau rằng: - Ghẻ của “mấy ổng” ở trong rừng đem ra đó. Tôi cũng không thoát cái cảnh ngồi đâu gãi đó; và gãi say sưa…
Mẹ tôi; chị dâu và anh tôi gặp nhau thì chỉ biết khóc mà thôi. Anh tôi lần đầu tiên thấy mặt đứa con trai – giống anh ghê lắm – thì rất xúc động và vô cùng đau đớn, nhất là khi thấy trên cơ thể nhỏ bé yếu ớt của con mình đầy những mụn ghẻ li ti; cháu cứ quằn quại bắt mẹ gãi liền tay; anh tôi khóc mãi; khóc hoài. Anh cứ ôm siết đứa con vào lòng mà gải cho nó. Thằng bé rất nhạy cảm; biết đó là cha của mình nên nó cười toe toét và bá cổ cha mãi mà không chịu buông ra.Không biết cháu trai tôi có linh cảm rằng nó cũng đã “bị thương” hay không? Khi mà; đó là lần duy nhất trong cuộc đời nó được cha mình ôm và được ôm cha mình; đó là vết thương của cháu.
***
Chồng tôi cũng thương anh tôi dù chưa một lần gặp; vì muốn được thấy mặt anh vợ nên chồng tôi đã lên tận Long Giao để dò la hỏi thăm tin tức. Nơi này khá vắng vẻ và theo những gì người ta kể lại; thì ở tuốt trong xa kia có rất nhiều lán trại đang giam giữ rất nhiều tù binh Sĩ Quan “Ngụy”. Mỗi buổi sáng rất sớm từ trong xa có một đoàn tù rách rưới và ốm nhom đi thành hàng dài; họ phải đi làm rẫy; trồng khoai mì… có mấy tên quản tù xách súng kè kè đi bên cạnh để canh giữ đám Sĩ Quan này. Muốn thấy mặt người thân thì cứ giả bộ làm dân đi rẫy rồi đứng xớ rớ bên con đường mòn chờ đoàn tù đi qua mà nhìn, và phải kín đáo - chớ có nhìn lom lom - để ý xem người thân của mình là ai trong số đông những tù binh ấy?.
Chồng tôi đưa tôi đi “thăm” anh tôi theo kiểu đó, vì tôi đang mang bầu; nếu mà chờ đến ngày được thăm nuôi anh thì chỉ sợ lúc đó tôi lại “ở cữ”. Không phải chỉ có mình vợ chồng tôi mà còn có vài người nữa đang đứng rải rác bên con đường mòn. Họ cũng như tôi đang chờ để được thấy mặt người thân trở về lán trại sau một ngày lao động. Một bà cụ gánh một gánh sầu riêng - nói là gánh cho gọn - chứ mỗi đầu của đòn gánh là một cái thúng nhỏ, trong mỗi thúng chỉ có chừng ba; bốn trái sầu riêng mà thôi. Thấy cụ ngồi một mình, tay cầm cái nón lá quạt mát nên tôi “lê” cái bụng bầu đến gần cụ; chồng tôi đỡ tôi ngồi xuống; chưa kịp bắt chuyện với cụ thì thấy một đoàn người đang lầm lũi đi trên con đường mòn; bà cụ nhỏm dậy nhìn dáo dác… tôi cũng nhìn theo.
Đó là những Sĩ Quan học tập cải tạo. Sau một ngày dài cuốc đất làm rẫy, đến chiều thì họ trở về lán trại. Một đoàn người gầy trơ xương với những đôi mắt trõm lơ, sâu hoắm, và cái nhìn thì buồn rầu u uất đầy đau khổ, áo quần trên người họ là những mảnh rách rưới như những cái “nùi giẻ”, lưng họ khòm xuống và đôi chân khẳng khiu “kéo lê” từng bước mỏi mệt trông như những bộ xương biết đi. Tôi cố tìm cho được anh tôi trong đoàn người đó… và kia rồi… đôi mắt kiếng cận của anh, mặt mũi của anh… dù chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn quá quen thuộc đối với tôi. Cái mắt kiếng cận của anh tôi bị gãy gọng, anh lấy một dóng tre nhỏ cột vào đó thay cho cái gọng… Có lẽ anh tôi đã nhìn thấy em gái mình - bên cạnh là người chồng đang ôm vai tôi - nên đôi mắt của anh lóe sáng, anh giả bộ reo lên hơi lớn để cho tôi nghe:
- Ơ… trái sầu riêng kìa.
Giọng nói của anh tôi; làm sao không nhận ra cho được. Anh tôi ốm đến nổi lòi cả bộ xương ra ngoài manh áo rách, cái quần cụt te tua xơ xác, hai cẳng chân như hai ống sậy. Chúng tôi cùng rơi nước mắt. Bà cụ nhìn anh tôi, đôi mắt nhăn nheo rơi ra hai giọt nước:
- Không… con ơi… là gánh sầu chung…
Nhưng tên cai tù hét lớn:
- Này… ai cho lên tiếng hả? Im lặng trật tự… Rồi hắn lấy báng súng đẩy mạnh anh tôi một cái làm hai chân anh loạng choạng và ngã chồm vào người đi trước, một dây chuyền của “những bộ xương” ngã chúi nhủi vào nhau… Tôi đau nhói trong tim, ngực như bị rách toạc ra nhưng phải cố cắn răng lại không dám để cho tiếng khóc bật ra ngoài. Chồng tôi nắm chặt tay tôi… nắm thật chặt như muốn tôi chuyền bớt qua cho anh ấy nỗi đau của vợ mình. Hắn lại quay sang bà cụ và lớn tiếng thị uy:
- Bà già này… đi chỗ khác ngay.
Vừa nói hắn ta vừa đưa chân hất đổ gánh sầu riêng của bà; vì hai tay bà đang nắm rổ sầu riêng nên bà bị mất thăng bằng bởi cú hất chân của hắn; bà ngã chỏng chơ cạnh những trái sầu riêng bị hất đổ bên đường. Tên cai tù đã đi qua được một đoạn. Bà cụ vừa lồm cồm ngồi dậy vừa đấm ngực mà khóc rồi nói với tôi bằng một giọng nghẹn ngào đứt quãng:
- Đau đớn… lắm… con ơi…
Tôi ngồi xuống lượm mấy trái sầu riêng lên cho bà, gai sầu riêng đâm trúng tay tôi đau nhói, lúc này tôi mới bật khóc. Những “bộ xương biết đi” dài lê thê… Bà cụ lại nhấp nhỏm nhìn vào đoàn người thất thểu “lết” trên con đường mòn. Đôi mắt già nua nhăn nheo đang cố tìm ai đó, và rồi mắt bà sáng lên… bà như muốn nhỏm dậy; muốn chồm tới để ôm lấy một người… hai tay bà… nói thế nào đây?... hai tay bà vừa đưa lên lưng chừng nhưng lại thả rơi xuống trên mấy trái sầu riêng. Bà không cảm thấy đau khi bị gai sầu riêng đâm mạnh vào tay vì cú “thả rơi” tay của mình; nỗi đau trong trái tim bà còn lớn hơn gấp triệu triệu lần. Đoàn người đi qua đã hết. Những tên cai tù cũng đã khuất xa. Trời thì cũng đã quá chiều. Bà cụ đứng lên, tôi cũng đứng lên. Bà khóc nức nở rồi nói với tôi:
- Bà thường đến đây để được thấy mặt thằng cháu nội đích tôn của mình… cha mẹ nó chết từ lúc nó mới lọt lòng, bà đã nuôi nó bằng nước cháo; nước cơm pha tí đường thay cho sữa… nó mới vừa được lên chức Thiếu Úy mà thôi… phải chi cứ là thằng Chuẩn Úy thì bà đâu phải xa nó… con ơi; bà thì già rồi… sống nay chết mai; biết có sống cho tới ngày cháu nội của bà được tha về, hả con? Cháu bà làm bên Quân Nhu; có giết ai bao giờ… Anh tôi làm bên Quân Vận… có giết ai bao giờ… Bà lão đang có một vết thương trong trái tim. Và có rất nhiều bà lão cũng bị vết thương đau đớn như thế.
… Rồi hàng chục, hàng trăm ngàn người tìm cách vượt biên vì sợ; dù biết rằng khi vượt biên là cầm bằng “thập tử nhất sinh”; là có thể bị cá mập ăn thịt, bị sóng to gió lớn làm chìm thuyền giữa biển khơi, bị chết vì đói khát… Nhưng giữa hai nỗi sợ thì cũng phải có một nỗi sợ… đáng sợ hơn, và người ta tìm cách trốn “nỗi sợ đáng sợ hơn” đó.
***
Những nốt ghẻ trên thân thể của đứa con trai nhỏ làm anh tôi xót ruột và bị ám ảnh mãi nên anh đâm ra liều lĩnh. Khi nhóm của anh được đưa lên Cà Tum để làm lán trại mới chuẩn bị chỗ ở cho những đoàn người lên sau, anh viết thư báo cho vợ hay. Chị dâu tôi mừng lắm; vì chị nghe nói khi được lên Cà Tum là sắp được tha về. Nhưng anh tôi không tin điều đó mà anh tin vào chính mình; thế là anh… trốn trại cùng với ba người bạn. Anh tôi và ba người kia đã bị bắt ngay sau đó và bị dẫn độ về Long Giao để chờ ngày “hành quyết.”
Theo lời kể lại của rất nhiều người được trở về; thì đêm hôm đó là một đêm vô cùng khủng khiếp và họ nhớ mãi, nhớ suốt đời.
Khuya hôm đó trời không trăng sao nên tối đen như mực. Tất cả mọi tù binh Sĩ Quan của các lán trại ở Long Giao đều bị đánh thức dậy khi đang ngủ, mọi người bị bịt mắt và bị trói tay theo lối dây chuyền người nọ dính nối với người kia. Họ phải đi lâu lắm và xa lắm, những tên quản tù cứ luôn miệng hò hét xô đẩy họ mỗi khi họ bị đi chệch ra ngoài. Đi lâu và xa lắm đến nơi hành quyết. Họ được tháo khăn bịt mắt, tháo dây trói tay và đứng quây thành một vòng tròn giữa một khu đất trống rất rộng. Một đám bộ đội cầm đuốc đưa cao sáng rực trời. Khi mắt đã được “định thần” lại thì họ thấy ở giữa khu đất trống ấy có bốn anh Sĩ Quan học tập bị bịt mắt và bị trói thúc ké vào cây cột. Một tên quản tù cầm tờ giấy lên để đọc tội trạng của bốn anh. Bốn anh này - trong đó có anh tôi - đã dám trốn trại sau khi “được” đưa lên Cà Tum mấy ngày. Nhưng ngay sau khi chạy trốn các anh đã bị bắt và đưa về lại Long Giao để xử bắn đặng “làm gương” cho kẻ khác, những ai có ý nghĩ bỏ trốn thì… lấy đó làm “bài học”. Mấy chục ngàn người phải mở to mắt ra để mà nhìn cảnh hành quyết xử tội bốn người… từng chung một “chiến hào”.
Cũng theo lời kể của những người được thả về - mà tôi gặp - thì đêm hôm đó khi mấy tên vc vừa đưa súng lên; có một anh trong số bốn anh đã hô to cái câu… gì gì đó… làm một tên quản giáo tức giận liền quay báng súng lại quất mạnh vào mặt anh làm nguyên cả hàm răng của anh văng ra ngoài. Tên này đánh anh cho tới chết rồi sau đó mới chĩa súng bắn một tràng đạn vào người anh cho hả cơn giận dữ. Biết đâu người đó là anh của tôi? Một điều khó hiểu là khi bắn xong ba người kia rồi; còn một người nữa thì lại có lịnh ngưng cuộc hành quyết để “chờ xét xử sau”. Phải chăng người được tha là một cái “ăn ten”? Nên anh tôi và hai người kia mới bị bắt một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy?
Thế là anh tôi nằm lại chơ vơ lạnh lẽo giữa một nơi thật mênh mông hiu quạnh, không một ai trong gia đình tôi biết xác anh bị vùi lấp ở đâu trong cái nương rẫy bạt ngàn mênh mông ấy; chỉ biết một địa danh ngắn gọn: anh tôi bị xử bắn tại Long Giao. Mấy năm sau thì vợ anh đưa đứa con trai của anh theo người tình cũ vượt biên ra nước ngoài; thằng bé được năm tuổi. Nó vẫn nghĩ rằng người đàn ông đang sống với mẹ nó và nó chính là cha của nó. Anh tôi… dù đã chết nhưng vẫn bị một vết thương đau đớn.
Chồng tôi và tôi đã bỏ ra nhiều công sức để đi tìm hài cốt của anh tôi – qua một nhà ngoại cảm – có mấy lần tưởng như sắp tìm thấy hài cốt của anh rồi nhưng cuối cùng vẫn không tìm được. Có lẽ anh tôi không muốn về vì vết thương của anh không lành, anh chỉ muốn nằm lại nơi anh đã chết, có nghĩa rằng anh tôi luôn là người trốn chạy: khi sống cũng như lúc chết?. Vì vết thương không lành nên anh tôi không có vết sẹo?
***
Vết thương lòng của riêng tôi đã được chồng tôi chữa lành bằng tình yêu của anh ấy, nay thì nó chỉ còn là một vết sẹo mờ nhạt. Nhưng còn vết thương chung trong trái tim của hàng triệu triệu người đã bị vào “một ngày cuối tháng Tư năm ấy” thì sao nhỉ?. Biết đến bao giờ mới được chữa lành khi thiếu tình người? Đó là vết thương Định Mệnh mà, đâu ai muốn bị…
Điều đau đớn nhất là có hàng triệu triệu người đã phải mang đến hai vết thương cùng một lúc: *Những vết thương hiện hữu trên thân thể – nhiều hay ít, lớn hoặc nhỏ bởi đã bị mất mát cho cuộc chiến hay vì cuộc chiến…*Những vết thương vô hình trong tâm hồn: là bị phản bội, bị bỏ rơi, mất niềm tin, mất phương hướng; cuối cùng là bị chà đạp.
Nhưng nỗi đau của thân xác không lớn bằng nỗi đau tinh thần. Dù sao thì cũng phải chữa lành vết thương trong tâm hồn để mà Sống. Phải quên đi Quá Khứ mà Sống Còn với Hiện Tại, phải vẫy vùng trong Hiện Tại để mong thấy Tương Lai. Nhất là khi những vết thương trên thân thể đã trở thành những vết sẹo. Vậy thì phải tìm phương thuốc để chữa lành vết thương trong trái tim. Đó là phải cố gắng mà quên…
Mấy mươi năm đã trôi qua; nhìn bên ngoài thì thấy vết thương của hàng triệu triệu người ngày xưa ấy nay cũng đã lành và thành vết sẹo - dấu ấn vô hình của sự thua cuộc - Bên cạnh đó còn có hàng triệu người mang thêm trên thân thể mình những vết sẹo khác nhau - chứng tích của một thời binh lửa - mà mỗi lần vô tình chạm vào nó lại gợi nhớ đến nỗi đau chung của một ngày trong quá khứ… Có những người lính mang trên người mình một hay nhiều vết sẹo dù to hay nhỏ; thì nó cũng đã từng là niềm kiêu hãnh của một thời oanh liệt chứng minh cho lòng chiến đấu dũng cảm của mình, họ tự hào mỗi khi có dịp kể về kỷ niệm của những vết sẹo.
Nhưng rồi sau đó thì cũng chính nó lại khơi dậy những nỗi đau trong tâm hồn ngày ấy, họ cảm thấy xót xa ê chề, ngậm ngùi cay đắng. Một sự mâu thuẫn của hai tâm trạng: khi niềm kiêu hãnh luôn đồng hành với nỗi buồn tủi xót xa, nên chi “vết thương anh dũng” trên thân thể đã thành “vết sẹo bi ai” trong tâm hồn và ngược lại… Nhưng cũng có không ít người cay đắng uất ức khi phải mang trên người những vết sẹo “của một thời”; chỉ vì họ đã bị ép buộc… Điều đau khổ nhất là các con; cháu của hàng triệu triệu người đã “bị khó sống” mọi bề vì di chứng của vết sẹo cha mẹ phải mang.
Chợt nhớ lại lời bà cụ đã nói ngày nào trong nước mắt: “Con ơi… là gánh sầu chung”…Và tôi cũng khóc mà nói rằng: “Sầu chung một gánh… cũng đành phải quên.”
Nhưng… nhiều khi vết thương chưa chắc đã được ngủ yên, còn vết sẹo thì cũng chẳng làm tròn bổn phận của nó. Bởi mỗi năm ít lắm là một lần “đến hẹn lại lên”, người ta lại “rần rần” hí hửng nhắc đến “một ngày của tháng ấy năm ấy”… làm cho hàng triệu triệu trái tim có vết sẹo; ngỡ đã quên lại đâm ra ngậm ngùi nhớ; để vết thương lòng thức dậy vì bị đau nhức bởi “tiết trời trở gió”; vết sẹo đành nhường chỗ, tạm lánh mặt cho vết thương tha hồ mà… nhõng nhẽo. Có sao đâu… vì vết thương và vết sẹo là… bạn tri kỷ mà.
Hồ Thủy