User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
AnhHoa 2
 
Dòng người theo cầu thang máy nối đuôi xuống nơi nhận hành lý. Đợi nơi tầng dưới ở phi trường Bush International Airport chưa đầy 10 phút mà tưởng chừng thời gian dài vô tận. Tôi nhận ra ngay khi cô xuất hiện nơi cầu thang. Dáng người thon nhỏ tuy tuổi đã cao. Cô gầy so với người dân tại đây. Hai tay buông thỏng, mắt nhìn xuống có vẻ sợ trượt chân vì thang máy cứ lăn đều đưa hành khách đáp phi cơ xuống nơi nhận hành lý. Đây là chuyến bay từ Việt Nam đến, chuyển tiếp tại Tokyo và Los Angeles mang cô đến thăm tôi. Sau hàng chục năm không gặp, nhưng tôi nhận ra ngay hình dáng đó là em tôi. Không phải vì vóc dáng cô là người Á Đông; nhưng hình như có sợi dây vô hình mặc khải. Xuống hết cầu thang máy cô theo dòng người đến nơi lấy hành lý. Dáng đi nghiêng nghiêng, nhẹ nhàng. Tôi nhìn Kim Anh ra hiệu. Chúng tôi tản bước theo sau. Tôi buột miệng:
 
-  Cô nầy thấy quen quen!
Hình như cô ngơ ngác. Tôi đập nhẹ vai, cô quay lại. Sau giây phút bỡ ngỡ cô khóc ôm chầm lấy tôi.
-  Sao anh Năm già quá vậy?
Tôi không trả lời, nhưng hỏi lại:
-  Cô đi đường có khỏe không?
Cô gật đầu không nói. Tôi lấy chiếc khăn giấy đưa cô lau hàng nước mắt chảy dài bên má, và giới thiệu Kim Anh. Hai người thân thiện ôm nhau.
-  Em nhận ra cô Út ngay khi cô xuống cầu thang. Hai anh em giống nhau lắm!
 
Kim Anh nhìn tôi và nhìn cô Út. Tôi cảm thấy lâng lâng. Cảm giác thật dễ chịu, nhẹ nhàng khó lòng diễn tả. Tôi chụp bức ảnh kỷ niệm đầu tiên khi cô đến Hoa Kỳ. Trên đường về chúng tôi không nói nhiều. Hai "cô thì thầm to nhỏ". Thật ra cô em tôi không còn bé như ngày nào, đáng lý phải nói là "hai bà trò chuyện" thì đúng hơn; và vì nay tai tôi không còn nghe được "chiếc lá rơi sau vườn" như đã từng tự hào nên nghe hai người thì thầm là vậy. Tuổi đời, sự suy thoái ngũ quan và thể lực nào ai tránh khỏi. Tôi rời Việt Nam hơn bốn thập niên. Khi ra đi vừa trên tam-thập mà nay là lão ông trên thất-thập. Hình ảnh tôi hôm nay khác xa dáng dấp ngày xưa mà cô em tôi in trong đầu, nên không lạ gì cô chẳng nhận ra tôi khi gặp nhau sao bao năm xa cách.
 
Trên đường về nhà, tôi nói ít để cô em có dịp nhìn ngắm quang cảnh hai bên đường lướt nhanh theo tốc độ chiếc xe thoăn thoắt. Xa lộ vắng vẻ khi mặt trời xuống và ánh đèn nổi lên muôn màu. Tôi lái xe băng qua thành phố Houston để cô em có dịp nhìn ngắm thành phố lớn hàng thứ tư ở Hoa Kỳ về đêm. Vài cao ốc đã giăng đèn chuẩn bị cho mùa Tạ Ơn - Giáng Sinh - New Year. Thành phố rồi đây sẽ nhộn nhịp, tưng bừng đón mừng. Hoa đèn sẽ được giăng đầy đường phố, từ cao ốc đến các khu gia cư. Vào mùa này, thành phố Houston sẽ thiệt đẹp đêm về, cũng như lòng tôi mở hội khi gặp cô em Út đêm nay.
 
Chúng tôi sanh trưởng trong gia đình nghèo. Nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo tình thương, không nghèo tôn ti trật tự. Qua kính chiếu hậu, mắt cô đang thu từng khung ảnh bên ngoài mà cô chưa từng thấy ngoài đời. Đây là chuyến đi đầu tiên ra khỏi nước. Sau 30-4, cô không còn làm việc tại Tòa Hành Chánh tỉnh nữa. Cuộc sống khắc nghiệt đổ lên đầu cô cũng như hầu hết công dân miền Nam Việt Nam...  Cô Út phải đi bộ hằng 10 cây số mỗi lần đi và về; làm lụng từ mờ sáng đến mờ tối mới có chút ít gạo để nuôi sống thân cô và má tôi. Trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc bao nhiêu năm không đủ để kiếm được việc làm tương xứng, mà phải lao lực "đem mồ hôi đổi lấy bát cơm"Có lẽ nhờ xuất thân từ gia đình "Nghèo" nên được xét lại, và sau này được tuyển dụng vào công việc hợp với khả năng và sở học của mình. Nhưng chẳng bao lâu sau, cô Út bị tai nạn và bị bãi nhiệm.
 
AnhHoa 3
 
Cuộc sống cô độc khi tuổi gần bảy mươi, lắm lúc nghĩ cũng buồn nhưng mỗi người một số phận; tuy vậy cô Út không cô đơn vì ở cùng gia đình chị Tư và được mấy cháu coi như mẹ. Được cô kể trước khi đi Mỹ, các cháu đưa đi mua sắm những thứ cần vì các cháu không muốn cô mình đi xa thua sút mọi người. Cái cell phone mới tinh là bằng chứng. Cuộc sống ở Việt Nam, nhất là gia đình tôi tôn ti trên thuận dưới hòa. Trong khía cạnh nào đó, cuộc sống cô Út còn đầm ấm hơn tôi bây giờ, bởi gia đình là mái ấm chúng ta không tìm đâu ra nếu một mai bị đánh mất. Kim Anh mua cho cô thuốc sơn móng tay, cô nhìn bàn tay mình với các móng bị nứt nẻ, đôi mắt thật buồn.Đôi mắt của má tôi! Được biết cô lo ăn uống cho cả gia đình vì các cháu phải tất bật "Cơm áo gạo tiền". Cô lo các cháu, đến quên cả nhan sắc trời ban cho phụ nữ tàn phai lúc nào không hay. Nghe vài mẩu chuyện "nho nhỏ" gói gọn gần nửa thế kỷ đời cô sao lòng quặn thắt.
 
Hôm nay, hai anh em ngồi ăn. Nhìn bàn tay cô với những ngón dài thật giống má. Cô ngồi đó với vóc dáng làm tôi nhớ má vô cùng. Trên bàn thờ có lẽ ba má đang nhìn xuống hai đứa con tưởng không có ngày gặp lại; nhưng thật hạnh phúc có buổi cơm chiều dưới ánh đèn khi trời mùa Thu sẫm tối. Từng chiếc lá vàng bay bay theo gió, gieo rắc trên lối đi như số phận của tôi khi lìa cành,thì biết bao giờ quay về chốn cũ. Cô Út qua đây từng ấy ngày, rồi cô cũng lại xa tôi trở về với gia đình người chị. Còn tôi cũng trở về nếp sống "không một tiếng nói" trong căn nhà thênh thang. Từ ngày có cô Út đến ở, nhiều lần làm tôi giật mình; vì đang đêm bỗng nghe tiếng chân khua động không gian tĩnh lặng tôi quen. Hai anh em ngồi ăn nhưng ít nói, vì đã nói hết những gì muốn hỏi, muốn biết về cuộc sống của anh Năm, của Cô Út. Sau bữa ăn cô trở về không gian tạm của cô trong căn nhà, và tôi trở về phòng học cặm cụi dưới ánh đèn quên cả thâu đêm.
 
Tôi cảm ơn các người bạn của cô thời thơ ấu, đã cho cô sống lại kỷ niệm ngày xưa còn bé. Tôi thấy tia sáng lóe trong ánh mắt dịu buồn khi trò chuyện cùng bè bạn. Tôi nghe tiếng cười tuổi thơ khi kể về kỷ niệm...Và, có những bàn tay nồng ấm san sẻ tình bằng hữu bất diệt. Cũng nhờ những người bạn này mà cô mạnh dạn qua thăm tôi. Tình bằng hữu ngày xưa như chất xúc tác nhiệm mầu, mà theo cô Út rất mầu nhiệm vì trong một email cô viết "Em có nằm mơ cũng không dám nghĩ rằng có ngày được gặp anh trên đất Mỹ"! Mà chính tôi cũng không ngờ mọi thủ tục từ lúc bắt đầu đến khi hoàn tất chỉ trong vòng vài tháng.
 
Hôm nay tôi đưa cô đi mua sắm. Anh trai đâu biết mua gì cho cô đây. Mua cho cô đôi giày "BaTa" để dễ đi đó đi đây. Hình như đôi giày này còn xa lạ so với đôi giày cô mang theo từ Việt Nam mà mấy cháu sắm cho. Có lẽ vì chiều lòng anh nên cô miễn cưởng chọn lựa giày; và tôi mỉm cười mỗi khi cô mang đôi giày này ra phố cùng bè bạn. Kim Anh, các cháu và bè bạn cô cũng đưa cô đi mua sắm. Và, lúc ban đầu mỗi khi ra khỏi nhà, trông cô rất e thẹn trong loại y phục chưa quen. Cô sang thăm tôi nhằm lúc, nên đưa cô đi đám cưới, bay sang Santa Ana, LA tham dự ngày kỷ niệm nhập trường của tôi; đồng thời cô có dịp gặp lại các người bạn thuở nhỏ sống vùng đất này. Cô có những ngày thật hạnh phúc cùng bè bạn và thăm bãi biển bờ Đông Thái Bình Dương. Những người bỏ xứ ra đi sống ở Thủ Đô Người Việt tỵ nạn luôn hướng mắt về quê cha mỗi khi ánh dương dần khuất phương Tây. Các con chim hải âu bay lượn quanh vùng hay đậu trên nóc khu thương mại Phước Lộc Thọ, như nhắc nhở hai lục địa Á - Mỹ chỉ cách nhau hai bờ đại dương mà nghìn trùng xa cách. Các cô cháu con người bạn thân mà chúng tôi ở trọ trong thời gian lưu lại đây đã cho cô Út tình thương của người thân ruột thịt, mà giờ này cô còn nhắc.
 
Tôi cảm ơn tất cả những người bạn của cô, của tôi và con cháu đã cho cô thật nhiều cảm tình;ấm lòng mỗi khi nghĩ đến. Ngày sinh nhật của tôi năm nay, các con cháu tề tựu đầy đủ để mừng sinh nhật cha mình và để chào mừng cô Út đến vùng đất hứa. Cô vẫn xưng hô "Anh Năm" với tôi như ngày xưa, nhưng tôi đổi cách xưng hô "Cô Út" lúc nào không biết. Niềm vui và nỗi buồn theo thời gian len vào cuộc sống con người. Tôi nhớ nhiều thứ không đáng nhớ mà lại quên nhiều thứ không nên quên. Tôi không đổ lỗi cho tuổi già, nhưng có lẽ tập quên không đúng chỗ. Đáng buồn thay, khi cô Út sang Tuy Hòa nơi tôi làm việc, sống với gia đình tôi ba năm trời để học xong bằng Tú Tài mà tôi quên bẵng. Cô có mang theo bức hình cô chụp với nhà tôi cùng người bạn dưới chân núi Chóp Chài, Tuy Hòa mà tôi vẫn không nhớ ra. Tôi tin sức chứa của khối óc con người có mức giới hạn; chúng ta khi còn nhỏ tập luyện trí nhớ để học hành đỗ đạt, nhưng đến khi già mấy ai tập quên để làm vơi đi sức chứa của khối óc hầu học hỏi điều mới lạ?! Nhưng ở tuổi tôi, không cần tập quên vẫn quên; mà có học điều mới vẫn không nhớ!Khổ vậy!
 
Nhưng có một điều tôi không quên là trước khi Cô Út rời nơi đây, tôi sẽ đưa cô viếng chùa nơi có nắm tro cuối đời nhà tôi nương náu. Để Cô Út thăm "Chị Năm" là người chị dâu mà Cô Út nhắc nhở và cả gia đình thương mến. Tôi còn nhớ, thời gian đầu khổ sở nơi xứ người, dù chắt chiu từng đồng cắc, nhưng nhà tôi không hề quên gởi quà thăm nuôi, thuốc men để gia đình tôi được sống còn ở Việt Nam trong lúc giao thời gạo châu củi quế. Nay "Chị Năm" không còn, nhưng những gì lo cho gia đình như đóa hoa thật đẹp trong quyển ký ức gia đình.
 
AnhHoa 1
 
Đáng lý đợi cô Út rời nơi đây mới viết về cô ấy. Nhưng quên-nhớ, nhớ-quên là động lực khiến tôi viết về cô em Út lâu ngày không gặp. Gia đình tôi nhỏ bé ở Việt Nam, lại càng nhỏ hơn vì người Chị Hai vừa qua đời. Mai đây cô trở về quê quán, chưa chắc còn gặp lại lần sau. Gia đình tôi ở quê hương thứ hai này chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống các con tôi hấp thụ nhiều trong xã hội mới. Cuộc sống của tôi bị giằng co giữa hai nếp sống, nên phải tập quen để không thấy phiền lòng. Cuộc sống cô Út vậy mà hạnh phúc, dù cô độc nhưng không cô đơn, vì quanh cô vẫn còn những yêu thương gia tộc qua nhiều thế hệ. Mảnh đất mà chúng tôi được sanh ra và lớn lên vẫn còn đó cưu mang những thế hệ tiếp nối.Từ lòng đất này tổ tiên đêm ngày nghe từng gót chân rộn ràng, tiếng cười vang vang của những người cùng huyết thống. Rồi đây, những ngày cô Út sống trong căn nhà này sẽ trở thành kỷ niệm theo cô suốt cuộc đời, trong đó từng người mà cô đã gặp ở vùng đất này đã thủ diễn tròn vai mình trong giấc mơ của cô.
 
... ."Em có nằm mơ cũng không dám nghĩ rằng có ngày được gặp anh trên đất Mỹ"! Anh Năm tiễn chào cô, cảm ơn những người đã giúp anh em tôi trong suốt thời gian cô lưu lại xứ này, và cảm ơn Kim Anh đã giúp cô Út cảm thấy dễ dàng trong những ngày đầu nơi vùng đất lạ.

Phạm Văn Hòa
Tháng 11, 2017
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com