Tục ngữ chúng ta có câu:
Không Thầy đố mầy làm nên.
Lại có câu:
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Nay tôi đã sống quá “60 năm cuộc đời”, đến giữa cái tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, tôi muốn ghi lại những vị Thầy của tôi.
Người Thầy đầu tiên tôi muốn nói đến, đó là Thầy dạy vỡ lòng cho tôi ở ngôi trường có tên là “Ecole de Bình Mỹ”, thuộc quận Châu Thành tỉnh Châu Đốc ngày xưa, tôi sinh ra ở làng Bình Thủy nằm trên cù lao Năng Gù, gần nhà có trường Bình Thủy, nhưng tôi lại theo người chú sang làng bên kia sông học, vì chú tôi làm Trưởng giáo ở đó. Tôi học Cours Élémentaire do Thầy Lê Văn Thọ dạy.
Thầy Lê Văn Thọ người Tân An, không biết thầy dạy ở trường đó lúc nào, nhưng năm tôi đi học, thì học chung với con trai đầu lòng của thầy là Lê Văn Khải, tôi không nhớ được năm đó là năm nào, nhưng tôi học được nửa chừng thì chú tôi, thầy tôi bỏ trường về dạy tại tỉnh lỵ Châu Đốc, tôi nhớ có lính Nhật Bổn đi tàu đến ngụ tại trường vài hôm. Như vậy, năm đó là năm 1945, tôi được đi học rất sớm.
Về sau, tôi lên Châu Đốc học thì thầy Lê Văn Thọ dạy tại đây, nhưng tôi không có học với Thầy, sau nầy tôi lên Sàigòn học, thầy đổi về Sàigòn làm ở Phòng Khảo Thí của Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Vì Thầy và chú tôi dạy chung trường trong nhiều năm, nên Thầy xem gia đình tôi như thân thuộc, do vậy thỉnh thoảng tôi vẫn tới nhà thăm thầy, có lần tôi đi thăm và chụp ảnh chung với Thầy và Khải ở nhà Thầy, tại chợ Tân Quy ở quận 7, Sàigòn. Thầy đã mất vài năm trước, thọ khoảng 90 tuổi.
Thầy Lê Văn Thọ, tôi, Lê Văn Khải
Sau Nhật đảo chánh Tây, ngày Nam Bộ kháng chiến, các trường ở nhà quê đóng cửa vì không có thầy dạy. Rồi vài năm sau, trường Bình Thủy gần nhà, anh tôi với người bạn mở lớp dạy tư vài tháng, sau đó cả hai bỏ đi lên Sàigòn lập nghiệp, một thời gian sau có chú Hai, lấy trường mở lớp dạy tư, tôi được gia đình cho đi học lại. Chú Hai có tên là Nguyễn Hoa Hẩu, là con của ông Nguyễn Bá Thế vốn là thầy giáo tỉnh Sa Đéc, rồi đổi về trường tỉnh Long Xuyên, nghỉ hưu trước 1945.
Tôi không gọi chú Hai là Thầy mà gọi chú vì cha tôi với chú Hai là cháu gọi ông Phủ Nguyễn Hà Thanh là ông cố, nhà chú và nhà tôi vài năm trước đó chỉ cách nhau một căn nhà khác. Tôi học với chú Hai lớp học tư, năm 1950 tôi đi xuống tỉnh dự thi và đỗ bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Thời gian đó tại tỉnh lỵ Long Xuyên có Trường Nam và Trường Nữ, Trung Học Thoại Ngọc Hầu đã có, nhưng chưa xây cất mặt tiền ở đường Gia Long, nơi đây còn các mương lục bình.
Niên học 1950-1951, chú Hai được nhập ngạch Giáo viên, Ty Tiểu Học Long Xuyên bổ thêm một Giáo viên nữa về dạy, tôi được đi học tiếp để chờ gia đình có điều kiện cho tôi xuống tỉnh học.
Cuối năm đó, chú Hai kêu thợ đến chụp tấm ảnh lưu niệm 2 lớp học, chú Hai mặc áo tay dài, thầy Chín mặc áo tay ngắn. Tôi ngồi gần chú Hai, sau lưng chú Hai và tôi là anh Quan, con trai thầy Chín, dưới tôi là cô So con gái út của thầy Chín.
Vì nhà nghèo lại thời buổi chiến tranh, nên năm 1954 tôi mới được lên Châu Đốc học tại Trường Nam tỉnh lỵ. Tôi học lớp Nhì H do thầy Lê Quang Điện dạy, trong lớp có Lê Quang Nảng là con của Thầy, thầy Điện đã huấn luyện cho tôi để cùng với trò Thu bắt nhịp hát bài quốc ca mỗi buổi chào cờ, khi lớp chúng tôi trực.
Năm sau lên lớp Nhất E, tôi học với thầy Châu Văn Tính, trong lớp có con của Thầy là Châu Minh Quyền, con của chú tôi là Huỳnh Bảo Toàn, con của thầy Thọ là Lê Văn Khá, em của Tỉnh Trưởng là Nguyễn Văn Quang cùng học chung lớp nầy.
Thầy Châu Văn Tính có người con đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc, được lấy tên đặt cho trại lực lượng đặc biệt Châu Minh Kiến nằm trên đường Trần Quốc Toản, gần trường đua ngựa, Thầy dạy học sinh rất giỏi, năm đó tôi đứng hạng nhứt trong lớp, thi đỗ vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa hạng 51, còn Nguyễn Văn Bé đứng hạng nhì thi đỗ Thủ Khoa, tôi được thưởng một chuyến trại hè toàn quốc 3 tuần ở Vũng Tàu.
Trại Hè Vũng Tàu năm 1956
Thầy Châu Văn Tính về sau làm Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu học, rồi Thanh Tra hàng tỉnh ở Châu đốc. Sau khi nghỉ hưu, thầy cùng gia đình về sống trong cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, Sàigòn.
Năm 1956, tôi thi đậu vào Trung học kỹ thuật Cao Thắng hạng 132/250 trong số 3 ngàn thí sinh dự tuyển. Tôi vào học chi nhánh trường Cao Thắng là Trung học kỹ thuật Phan Đình Phùng tọa lạc tại số 2 đường Phạm Đăng Hưng, Da Kao, Quận 1, Sàigòn, nơi đây gần Đài Phát Thanh Sàigòn.
Ngày nay tôi còn giữ được Học Bạ từ lớp Đệ Thất, 7è , tiếc rằng trong học bạ không có ghi tên giáo sư dạy môn học, ngày nay tôi vẫn còn nhớ có:
Trang học bạ năm Đệ Lục 1957-1958
Giáo sư Trần Văn Sơn, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, đã về hưu, dạy giờ chúng tôi môn Sử, tướng tá ông gầy ốm giông giống nhà văn Nhất Linh, vì ông dạy Sử từ khởi thủy họ Hồng Bàng, không nhớ duyên cớ chi, học sinh chúng tôi đặt cho ông biệt danh Sùng Lãm, phải nhận rằng phương pháp dạy của ông làm cho chúng tôi dễ hiểu dễ nhớ, không hổ danh đã tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, ông có xe Fiat màu nâu, do nhà gần trường nên ông gửi xe luôn trong trường.
Người kế chúng tôi muốn nói tới là giáo sư Trần Văn Căn, ông là đương kim Hiệu Trưởng trường Tiểu học Đa Kao thời bấy giờ. Ông đi dạy chúng tôi luôn luôn mặc complet màu sậm, đội nói fletcher, tay mang găng đen, đi giày đen bóng láng. Tướng tá ông như nhạc sĩ Văn Phụng, ông dạy môn Pháp Văn, từ trường Tiểu học Đa Kao đi bộ không tới 5 phút là tới trường tôi.
Người kế đó là giáo sư Phan Hữu Tạt, ông du học ở Pháp mới về, đi dạy mặc complet màu xanh nhạt, đi xe Volkswagen màu xanh nước biển, tướng ông cùng phốp pháp như ông Căn nhưng trẻ hơn, ông dạy môn Anh Văn. Sau nầy, ông là Giám Đốc Trường Quốc Gia Thương Mại. Ông là chú ruột của MC Đào Hiếu Thảo.
Thầy Phan Hữu Tạt
Một người nữa tướng tá cùng phốp pháp là giáo sư Lê Văn Chịa, năm đó ông dạy chúng tôi về Kỹ thuật học Ban Nguội, ông thường mặc bộ đồ trắng và đi xe Traction màu đen, sau đó ông làm Tổng Giám Thị, vào thập niên 1960, ông làm Hiệu Trưởng Trung học Kỹ Thuật An Giang.
Bác sĩ Kim, nghe nói ông có phòng mạch ở Quận 4, hoặc ông là bác sĩ ở Phòng Y tế Quận 4, ông phụ trách dạy chúng tôi môn Việt Văn, ông đã trích dạy chúng tôi một bài thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, ý tưởng và vần điệu mới lạ, không như thơ của TTKh, Tế Hanh, Xuân Diệu…
Năm đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh phụ trách dạy nhạc cho chúng tôi, trong lớp có cây đàn dương cầm của Trường Quốc Gia Âm Nhạc, nên ông đánh đàn cho chúng tôi hát những bài ông dạy.
Có một ông Giám thị mập, mang kính cận dầy, hình như ông tên Ngọ, nhà ở Bình Hòa, thường dùng autobus đi làm, nhưng do tướng mạo của thầy Ngọ giống hình quảng cáo vỏ xe hơi Michelin, ông hay phạt cấm túc nên chúng tôi đặt cho ông biệt danh là ông Michelin.
Học ở trường nầy gần Vườn Bách Thảo còn gọi là Sở Thú, nên những lúc giáo sư bận việc hay bệnh, không thể đi dạy, chúng tôi được nghỉ nên thường đi vào Sở Thú, rất tiện vì ngày đó không có thu tiền vào cửa. Chúng tôi đi xem thú, thỉnh thoảng chụp ảnh lưu niệm.
Đi chơi ở Sở Thú
Học Xưởng và học Kỹ Nghệ Họa, chúng tôi về Cao Thắng học, tôi nhớ học xưởng Rèn với thầy Hồ Văn Vầy, thầy có người con là Hồ Ngọc Thu đến năm Đệ Ngũ tôi với anh học chung lớp, thầy Vầy sử dụng cái búa máy 500 kg tài tình.
Trong xưởng có thầy Lê Văn Kiệt rất trẻ, thầy xuất thân từ trường nầy, có tu nghiệp ở Pháp mới về, thầy nói năng rất lễ độ với học sinh, đến thập niên 1960 thầy có du học ở Hoa Kỳ, lấy bằng Master rồi về làm ở Nha Kỹ Thuật Học Vụ, sau đó làm Chủ sự Phòng ở Nha Học Chánh.

Thầy Lê Văn Kiệt
Học Kỹ Nghệ Họa, chúng tôi học với thầy Trần Văn Đặng.
Thầy Trần Văn Đặng
Lớp học ở trên lầu có cái đồng hồ, biểu tượng của trường học ở Sàigòn như trường Gia Long, Petrs Ký, Marie Cuirie, Bác Ái.
Trước 1945, Thầy Đặng làm việc ở Côn Đảo, năm 1943 sinh người con trai tại đó, anh tên là Trần Thanh Quang, tôi với anh học chung mấy năm ở Cao Thắng, rồi ở Đại Học Vạn Hạnh.
Trần Thanh Quang đứng ngoài cùng bên trái, tôi đứng giữa trên cao
Tại Mỹ anh có thư cho tôi:
Anh mến,
Trần Văn Đặng đúng là ba của tui đó. Ổng mất năm 1984 (bị heart attack). Tui đi Võ Bị Đà Lạt năm 1963, bị thương mất một tay, rồi giải ngũ năm 1973. Trong thời gian chờ giải ngũ, tui đi học lại và nhờ có bằng Cử Nhân Báo Chí và Văn Chương tui thi được học bổng Fullbright qua đây năm 1974 học Masters về báo chí. Tất cả gia đình tui qua đây năm 1975. Tui ra trường năm 1976 với Double Major về Journalism & Accounting. Hiện tại đang tính join bà xã để retire chứ bỏ bả ở nhà một mình tui đi làm không an tâm lắm (bả đã retire hôm 1 tháng 6 (early retirement) vì mệt mỏi và bịnh quá nên tui khuyên bả nghỉ làm sớm để còn enjoy phần còn lại của cuộc đời.)
Tui có hai đứa con, một trai một gái, đang làm Senior Engineer ở Texas. Thành ra ở nhà chỉ có hai vợ chồng thủ thỉ với nhau; đi chợ, cine, shopping... cũng đi hai đứa. Cuộc sống ở Missouri cũng thoải mái, đủ ăn, không đến nỗi hốc hác như một số bạn Đà Lạt qua đây quá trễ.
Nghe tin Phước Dược Sĩ qua đời hai vợ chồng tui cũng buồn lắm. Vì ngày trước, sau khi bị thương tui thỉnh thoảng ghé thăm Phước để nhớ lại những ngày xưa cũ ở KTCT. Phước hiền và dễ thương lắm.
Tui hy vọng anh em mình có dịp gặp gỡ nhau thường hơn. Không có gì quý báu bằng tình bạn, nhứt là đã từng sống chung với nhau ở giai đoạn tuổi thơ dưới mái trường thân yêu.
Quang
P.S. Tui hết sức hoan nghinh việc lập một Website hay Egroup cho tất cả bạn bè ở KTCT. Như vậy mình sẽ có chỗ để liên lạc, thăm hỏi, tâm sự... dễ dàng hơn.
Năm sau, niên học 1957-1958, chúng tôi lên lớp Đệ Lục, toàn bộ chuyển về Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, số 65 đường Đỗ Hữu Vị nay là Huỳnh Thúc Kháng, Quận 1, Sàigòn. Đây là trung tâm của thành phố, cách chợ Bến Thành không quá 3 phút đi bộ.
Năm Đệ Lục nầy, tôi chỉ còn nhớ đã học Pháp Văn với Thầy Trần Văn Khuê, thầy tuổi cao, sức khỏe có vẻ yếu, nên sau khi giảng bài, cho học sinh chúng tôi chép bài, thầy đi xuống cuối lớp nằm trên cái băng dài nghỉ lưng. Thầy có người con tên Trần Văn Cảnh, anh bị bệnh tâm thần, thỉnh thoảng đi vào trường, nhưng không phá phách chi. Với thầy Khuê tôi luôn nhớ chuyện trong một bài thầy giảng: “Tôi xin lỗi là tôi có lỗi” dù xa thầy nhiều năm tôi vẫn nhớ, đại ý chuyện ấy là: "có một gánh hát dạo kia, trong buổi trình diễn anh hề làm phật lòng khán giả, họ buộc anh hề phải xin lỗi, anh nhứt định không, về sau ông chủ gánh yêu cầu vì chén cơm cả đoàn, anh phải ra xin lỗi với câu: “Tôi xin lỗi là tôi có lỗi”, khán giả hài lòng, bạn bè hỏi sao trước anh không nhận xin lỗi bây giờ anh xin lỗi. Anh hề trả lời: “Tôi đâu có xin lỗi ai đâu!!!”
Năm này, chúng tôi có học “Machine à vapeur – Máy hơi nước” với thầy Tỷ, đáng nhớ là bài học toàn Pháp Văn, trong trường không có máy, thầy Tỷ phải gò, phải hàn một nồi Chaudière cho chúng tôi học.
Chúng tôi học Sử, Địa với thầy Trần Ngọc Ẩn, thầy Ẩn du học ở Pháp về. Thầy Ẩn không để trong tôi dấu ấn nào, trừ việc Thầy mang kính cận rất đẹp, tạo cho Thầy có gương mặt mô phạm đáng kính.
Năm Đệ Ngũ niên khóa 1958-1959, chúng tôi học Máy chạy xăng với Thầy Phan Văn Mão, giờ của thầy chúng tôi nói “Con ruồi bay ngang biết ruồi đực hay ruồi cái”, vì thầy gọi trả bài một lần tới 2 hay 3 học sinh, một anh vẽ ở cái bảng, một anh vẽ ở vách bên trái, một anh vẽ ở vách bên phải, chẳng những phải thuộc cơ phận vận hành mà còn phải thuộc hình vẽ để trình bày.
Thầy Phan Văn Mão có quyển sách Máy Dầu Cặn, bán chạy như tôm tươi, được tái bản nhiều lần.
Thầy Phan Văn Mão
Sau đó thầy Mão làm Tổng Giám Xưởng rồi một thời gian sau, thầy về Nha làm Thanh Tra trước các ông Văn Văn Đây, Lê Đình Viện…. Thầy là Tổng Thư Ký của Hội Cựu Học Sinh Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam, hội viên có Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Chơn, Nguyễn Văn Lịch, Lý Kim Chân, Nguyễn Hùng Trương, Phan Kim Báu, Lê Văn Kiệt… Thầy chắp nối với vợ sau là giáo sư Gia Long, sau 1975 thầy về sống an hưởng tuổi già ở Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu, thầy mất ngày 7-1-2015, thọ 101 tuổi.
Lý Hóa chúng tôi học với thầy Nghiêm Xuân Sương, thầy bị đớt, nên bị học sinh nhái giọng. Một hôm thầy cầm lòng chẳng đặng nên dạy chúng tôi: “Tôi nói giọng bị đớt do khuyết tật, đáng lẽ các anh phải đem lòng thương người tàn tật, sao lại chế nhạo!! Từ nay, tôi đề nghị các anh Cái gì của César hãy trả lại cho Cesar!”. Từ đó không còn ai chế nhạo thầy Xuân Sương nữa. Hơn 40 năm sau, tôi mới hiểu câu “Cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar” nằm trong Thánh Kinh.
Tôi có học Lý Hóa với thầy Ngô Đình Duyên, nhưng lâu quá không nhớ học với Thầy năm Đệ Lục hay Đệ Ngũ.
Thầy Ngô Đình Duyên
Năm Đệ Tứ niên khóa 1959-1960, chúng tôi học Kỹ nghệ họa với thầy Dương Khắc Long, đặc biệt bài học thầy quay Ronéo phát cho học sinh, thầy không chú trọng nhiều về nét vẽ, nhưng thầy chú trọng về kỹ thuật trong bảng vẽ ráp các cơ phận. Có hôm, thầy hỏi học sinh trong lớp: “Tại sao người ta nói mình ên, từ ên ấy có nghĩa là gì?”. Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thỏa đáng. Sau 1975, thầy chuyển về dạy ở trường Kỹ Thuật IV ở Gò Vấp, tức là trường Kỹ Thuật tư thục Don Bosco cũ.
Thầy Dương Khắc Long
Chúng tôi học Công Dân Giáo Dục với thầy Lê Trọng Lễ, thầy Lễ có người em là Luật Sư Lê Trọng Nghĩa, khi thầy Lễ dạy chúng tôi đồng thời thầy là Luật Sư tập sự, được chỉ định bào chữa cho một anh Việt Cộng, thời đó VC bị bắt cầm chắc bị đày đi Côn đảo, nên thân chủ của thầy Lễ bị kết án chung thân, đày ra Côn đảo, anh em chúng tôi kháo nhau: “Ra Tòa gặp thầy Lễ thì từ chết tới bị thương”.
Chúng tôi học Toán với thầy Lê Bạc Sang, có người nói rằng thầy Sang là Luật Sư, thầy đi dạy bằng xe ô-tô Hoa kỳ, giờ học sinh ra chơi, thầy Sang cùng thầy Trần Ngọc Đảnh thường hay thả bộ trong sân trường, hình như hai thầy là đồng hương, quê ở Cần Thơ.
Thầy Trần Ngọc Đảnh dạy kỹ thuật học về Điện, tướng thầy cao ráo, da ngăm đen, năm nầy tôi có học với Thầy.
Ở xưởng Nguội có nhiều thầy dạy như thầy Hinh, thầy Tôn, thầy Báu, riêng có thầy Nguyễn Văn Thống, trẻ tuổi và đẹp trai hơn cả.
Năm nầy, chúng tôi học Việt Văn với thầy Lê Nguyễn Bá Tước, thầy xuất thân từ Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, thầy dạy rất hấp dẫn, giảng bài lưu loát về Truyện Kiều và thỉnh thoảng có dịp thầy chửi bà Ngô Đình Nhu, tôi không hiểu sao thầy không sợ, chắc thầy có chỗ dựa nào đó vững chắc dưới chế độ Ngô Đình Diệm thời bấy giờ. Thầy là nhiếp ảnh gia Minh Tuyền, đầu thập niên 1960, thầy có mở một lớp Nhiếp ảnh nghệ thuật tại trường Cao Thắng, những nhiếp ảnh gia tên tuổi đã dạy lớp nầy như Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh…, tôi có dự khóa học nầy. Nghe nói sau nầy thầy dạy ở Trường Võ Bị Đà Lạt. Nay thầy định cư ở San Jose.
Thầy cô Lê Nguyễn Bá Tước
Thầy Vũ Hữu Nho dạy chúng tôi về Sử Địa, tướng tá thầy trung bình như thầy Tỷ, thầy Sương, thầy Thống. Về sau thầy Nho làm Hiệu Trưởng trường Kỹ Thuật Qui Nhơn và thầy đã mất ở Texas.
Thầy Nguyễn Xuân Khai khổ người cùng như thầy Sương, nhưng da mặt thầy sạm nắng, nghe nói thầy bị vợ ly dị vì vấn đề chăn gối, về sau thầy có đi tu nghiệp ở Hoa kỳ và về dạy ở Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức.
Thầy Nguyễn Xuân Khai
Thầy Nguyễn Đức Chiểu, có lẽ thầy là giáo sư dạy giờ, vì sau nầy tôi không thấy bóng thầy ở trong trường nữa. Thầy cho biết thời Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, con hùm xám Cai Lậy, thầy là Thanh Tra Quân Đội, thầy kể một chuyện cho chúng tôi nghe: “Có một hôm từ Hải phòng đi Hà Nội, thấy anh tài xế có vẻ ái náy, thầy hỏi anh ta có việc chi, anh ta cho biết phải đi ngang qua chỗ có cô bạn gái, nhưng anh lỡ khoe anh là Sĩ Quan, nếu cô ta thấy anh là tài xế thì mất mặt quá, thầy Chiểu mới tháo lon ra đưa cho anh ta đeo làm Sĩ Quan, ngồi ghế Sĩ Quan, còn ông ta làm tài xế. Khi xe chạy đến đoạn đường nào đó bị Việt Minh chận đường bắt Sĩ Quan, còn xe và tài xế thì cho đi, anh tài xế đã bị ăn một trận đòn, khi họ biết là đã bắt nhầm anh lính, nên cũng tha anh ta.
Năm đó, anh Ẩn và tôi cùng tranh giải cầu lông của trường, thầy Chiểu chê quá, ông bảo cầu lông cho đàn bà, con gái, phụ nữ chân yếu, tay mềm còn các anh thanh niên phải chơi quần vợt, đá bóng cho đáng mặt thanh niên. Từ hôm đó, Ẩn và tôi bỏ tranh giải và bỏ chơi cầu lông luôn.
Năm đó, chúng tôi học xưởng với thầy Lưu Luân Trọng, thầy Trọng mặt hoa mè, tánh tình thầy dễ dãi hơn thầy Mão, thầy có người em là Lưu Minh Tuấn, giáo sư ở Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ và có cháu là Lưu Bá Đại, dạy Kỹ Nghệ Họa ở THKT Cao Thắng, nay thầy Đại định cư ở Hoa Kỳ.
Thầy Lưu Luân Trọng
Về sau thầy Lưu Luân Trọng thay thầy Phan Văn Mão làm Tổng Giám Xưởng trước Bạch Quang Đôi.
Chúng tôi cũng có học xưởng với thầy Huỳnh Văn Thức, lúc đó trong xưởng Cơ Khí Ô Tô còn có thầy Lê Văn Tám, thầy Phạm Hữu Tới. Thầy Thức người Nam nhưng có con trai là Huỳnh Hữu Trí, xướng ngôn viên Tiếng Nói Động Viên, anh ta nói rặc tiếng Bắc, hỏi Thầy, Thầy cho biết: “Có chi đâu. Năm 1945 tôi đi tàu ra Bắc, bị kẹt vì chiến tranh phải ở ngoài Bắc, nên Trí nói tiếng Bắc.”
Về Thể Dục Thể Thao, chúng tôi học với thầy Phan Hữu Thành trong nhiều năm, có khi học trong sân trường, có khi học ở sân Hoa Lư. Thầy Thành người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, có năm nào đó thầy tập chúng tôi màn thể dục đồng diễn, đã biểu diễn ở Sân Vận Động Tao Đàn, đặt dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong màn trình diễn nầy có động tác đang ngồi duỗi thẳng chân sau đó co người lại lộn nhào đứng lên, có anh Sa người hơi mập anh vụng về không lộn nhào được, nên hai chân bị giơ lên trời, Tổng thống Ngô Đình Diệm phải phì cười.
Thầy Thành đã mất nhiều năm qua, nghe nói trước khi mất, thầy có trao cho anh nào đó một tập ảnh về hoạt động thể dục thể thao của trường.
Thầy TDTT Phạm Văn Sửu
Sau nầy chúng tôi tập Thể dục với Thầy Phạm Văn Sửu, hàng năm CHS khóa 1956-1963 thường tổ chức Tất niên, Thầy thường tham dự.
Lên Đệ nhị cấp, giáo sư Nguyễn Khánh Nhuần dạy chúng tôi về Sử Địa, giáo sư không bao giờ bắt học sinh trả bài, sau khi giảng bài, cho học sinh chép bài, thỉnh thoảng làm bài kiểm mà thôi.
Thầy Nguyễn Khánh Nhuần
Giáo sư Nhuần ngày xưa học trường Sư Phạm để dạy cho học sinh Pháp sinh sống ở Việt Nam, theo giáo sư là phải phát âm phải chuẩn giọng Parisiene, bạn học với thầy là bà Souvana Nouvong, là ông Đại Sứ Lào tại Sàigòn. Khi ra trường, thầy dạy học ở Lào, năm 1945 chạy sang Thái lánh nạn, sống bằng nghề coi bói, đã có lần coi bói cho vua Thái, sau thầy về Việt Nam đã làm Hiệu Trưởng Trung Học tư thục Đông Tây Học Đường, về sau nơi nầy bán cho Đài Loan làm Tòa Đại Sứ nằm trên đường Hai Bà Trưng.
Giáo sư Nhuần ăn mặc đúng mốt, đi dạy bằng xe Plymouth, sau 1975, thầy định cư ở Seattle, tiểu bang Washington và đã mất ngày 21-8-2011, thọ 96 tuổi.
Năm Đệ Nhất, chúng tôi học Sử Địa với Thầy Nguyễn Bá Nhẫn, Thầy xuất thân từ trường Sciences Po của Pháp. Lúc Thầy dạy chúng tôi, Thầy đang làm Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Tiếp Tế, về sau Thầy làm Giám Đốc Nhà máy Xi măng Hà Tiên, nên Thầy thu nhiều học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng vào làm việc.
Chúng tôi học Pháp văn với thầy Lương Thọ Phát, thầy Phát là Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, thầy đã trích giảng Le Cid của Corneille (1606-1684). Ngày nay tôi quên hết, chỉ còn nhớ một câu, một nhân vật trong đó đã nói: “Je peux tout autre que vous”.
Đầu năm 1961 hay cuối năm 1960, nhà Trường có tổ chức một buổi lễ tiếp nhận viện trợ của chánh phủ Đức, viện trợ cho Việt Nam một trường Kỹ Thuật, tạm thời đặt trong trường Cao Thắng. Buổi lễ ấy giáo sư Nguyễn Khánh Nhuần điều khiển chương trình với 2 ngôn ngữ Việt, Pháp và giáo sư Lương Thọ Phát đọc một bài phát biểu bằng Pháp ngữ để cám ơn chánh phủ Đức.
Tôi cũng có học Pháp Văn năm Đệ Nhị với giáo sư Nguyễn Văn Kiết, ông có bằng Cao học Triết ở Pháp, trước 1945 dạy ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, rồi ông dạy ở Cao Thắng. Học sinh Sàigòn thuở đó truyền tai nhau, học với giáo sư Kiết hay Lúa đều khó có được điểm cao.
Giáo sư Lúa dạy ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, vào đầu thập niên 1960, ông còn chạy chiếc xe Citroen bánh căm, có 2 chỗ ngồi, trước tài xế và người ngồi sau. Xe thầy Lúa đậu trước trường Cao Đẳng Công Chánh, sinh viên cắc cớ khiêng bỏ vào hành lang, muốn lấy xe chỉ còn nước nhờ các sinh viên khiêng giúp trở ra!
Về sau giáo sư Kiết dạy ở Đại Học Văn Khoa, rồi đến Mậu Thân ông vào bưng tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam, giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục.
Về Anh Văn, tôi có học với ông Bửu Nghi, là Phó Giám Đốc Đài Phát Thanh Sàigòn, ông có du học ở Hoa Kỳ, ông dạy theo sách English For Today, thời gian ông dạy có cuộc đảo chánh của Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Nhảy Dù cầm đầu, chỉ bao vây dinh Độc Lập, không chiếm Bưu Điện và Đài Phát Thanh, nên từ trong Dinh Độc Lập chuyển nội dung ra, đài phát thanh rước Trần Văn Trạch ở Thị Nghè vào giả giọng Ngô Đình Diệm, kêu gọi cứu giá, nên Đại Tá Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu từ miền Tây đem quân về giải cứu, tướng Thi phải lưu vong sang Phnom-Penh. Nhờ vậy ông Bửu Nghi từ Phó Giám Đốc lên chức Giám Đốc Đài.
Chúng tôi có học Anh Văn với giáo sư Nguyễn Đình Hải, ông là chuyên viên Unessco, ông đi dạy bằng xe Volkswagen trắng.
Năm cuối cùng, chúng tôi học Anh Văn với giáo sư Phạm Văn Rau, ông hút thuốc điếu nọ, nối tiếp điếu kia. Sau nầy tôi mới biết ông là nhà thơ Diễm Châu, ông là Thầy tôi ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, là Giám Đốc Trung Tâm Ngoại Ngữ Đại Học Bách Khoa Phú Thọ.
Nhà thơ Diễm Châu Phạm Văn Rao
Năm 1983, ông và gia đình rời Việt Nam đi dịnh cư ở Strasbourg Pháp Quốc, ông đã mất tại đây ngày 30-12-2006, thọ 69 tuổi.
Xin đọc một bài thơ của thầy tôi:
Mỗi Ngày
Em yêu dấu
mỗi ngày anh viết một tờ thư
những lá thư chồng chất
không người nhận
mỗi ngày anh vẽ một con tem
mang hình một người bạn
những người bạn không còn nữa
mỗi ngày anh trút hơi thở lên trang giấy
hơi thở đóng băng
mỗi ngày anh nắn nót từng dòng chữ
dòng chữ hóa đá
anh đằm mình trong bụm cỏ
gặm nhấm ngày qua như một cọng rác
anh lau mặt bằng tình thương mòn mỏi
gạt những sợi tóc bạc dần..
mỗi ngày
tia nắng đầu tiên nhỏ một giọt lệ
anh lại viết một tờ thư.
9.1984
Tôi có học Anh Văn với giáo sư Phùng Thịnh, không rõ ông có họ hàng chi với Phùng Khánh và Phùng Thăng không? Thầy Thịnh cũng người Trung.
Chúng tôi có học thực hành với bà Le Blanc, bà là Tùy Viên Văn Hóa của Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, gia đình bà thuê cái villa trên đường Sương Nguyệt Anh, bà có 2 cậu con trai chừng 10 và 12 tuổi, cũng theo bà ở Việt Nam, chúng tôi có đến nhà bà một lần.
Ông Kỹ Sư Nguyễn Mạnh Cung, Chỉ Huy Trưởng phi trường Tân Sơn Nhất có dạy Toán chúng tôi, thời đó phi trường Tân Sơn Nhất thuộc Bộ Giao Thông Công Chánh, nên ông Cung điều hành phi trường, có hôm ông dẫn chúng tôi độ 10 học sinh, lên tham quan phi trường, ông dẫn lên đài không lưu, chỉ dẫn các đường bay, các pháo hiệu.
Năm Đệ Nhị, tôi có học Toán với giáo sư Hoàng Hồng, ông là Kỹ Sư, Giám Đốc Đài Khí Tượng Sàigòn, thời đó đài thường dùng: “Mưa rào rải rác” hỏi thầy, thầy bảo không đoán biết chính xác, nên dùng từ ấy. Đang học có anh bị “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, thầy bảo: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, về sau thầy không còn dạy ở trường nữa, anh em kháo nhau là thầy nói thế, nhưng thầy bỏ nhiệm sở “trốn lính”, tôi không tin như vậy.
Tôi được học Toán năm Đệ Nhị với thầy Cù An Hưng, nhờ thầy Hưng năm đó tôi đỗ Tú Tài 1 hạng Bình Thứ, chẳng những thầy Hưng dạy giỏi mà thầy còn có tâm hồn văn chương, thầy dịch Chinh Phụ Ngâm và nhiều bài thơ Đường, xin mời thưởng thức tài nghệ dịch thơ của thầy:
Thầy Cù An Hưng
Chinh Phụ Ngâm (Cù An Hưng phỏng dịch)
1 Tiếng Hát Tòng Chinh
Nổi cơn gió bụi một thời
Khiến hồng nhan nếm vị đời gian truân
Trời cao xanh biết hay chăng
4. Bỗng dưng thế sự xoay vần, vì đâu
Trống Tràng thành, bóng Nguyệt chao
Lửa đài bừng chiếu mây cao Cam Tuyền
Quân vương án kiếm ngay đêm
8. Canh khuya vời tướng, hịch truyền điểm binh
Ba trăm năm hưởng thái bình
Võ quan nay khoác lên mình chiến y
Sứ trời sớm giục ra đi
……..
456. Hát vui sum họp đón chồng tài cao
Rót chi thứ rượu bồ đào
Khúc ca ly biệt ném vào hư vô
Hầu chồng đến tuổi già nua
460. Đền nhau một thuở có thừa đắng cay
Công danh phước lộc cao dầy
Bên nhau hưởng trọn những ngày bình yên
Ngàn thu sông núi vững bền
464. Chẳng còn chinh phụ buồn phiền, lệ sa
Hẹn chàng thiếp gởi khúc ca
Chàng ơi như thế mới là trượng phu
送 別
王 維
送 君 南 浦 淚 如 絲
君 向 東 州 使 我 悲
為 報 故 人 憔 悴 盡
如 今 不 似 洛 陽 時
Tống Biệt
Vương Duy
Tống quân Nam phố lệ như ty
Quân hướng Đông châu sử ngà bi
Vị báo cố nhân tiều tụy tận
Như kim bất tự Lạc Dương thì
Chú thích:
Câu 1: người ra đi khóc.
Câu 2: người tiễn đưa thì xót xa.
Tống Biệt
Vương Duy
Đưa tới bến Nam thấy lệ tràn
Đông châu bạn đến xót xa thương
“Người xưa”, nhắn giúp, “đều tiều tụy
Khác thuở cùng nhau ở Lạc Dương”
Cù An Hưng dịch
Năm Đệ nhất, thoạt đầu chúng tôi học Toán với giáo sư Nguyễn Văn Châu, ông dạy được vài tuần, nhà trường thay một giáo sư khác, lâu ngày tôi đã quên tên, nhưng có anh cho biết thầy là dịch giả tiểu thuyết của Quỳnh Dao tức là Liêu Quốc Nhĩ, thầy đọc thuộc lòng số π là 3,14159 26535 89793 23846 26433 83279 50288 41971 69399 37510 58209 74944 59230 78164 06286 20899 86280 34825 34211 70679..., thầy cho biết lấy 355/113 sẽ cho ra những số lẽ sau 3,1415… Nhưng thầy cũng chỉ dạy có vài tuần, rồi nhà trường thay vào giáo sư Vũ Mộng Hà.
Giáo sư Vũ Mộng Hà dạy chúng tôi khi thầy còn rất trẻ, anh em truyền tụng giai thoại về Thầy là ngày đầu tiên Thầy vào trường bị ông gác cổng Trịnh Văn Tình hay Lê Văn Thọ nghĩ Thầy là học sinh, không mang phù hiệu nên không cho vào, thầy phải bảo báo cho ông Giám Học biết để xác nhận Thầy là giáo sư chớ không phải học sinh. Để tránh bị nhầm lẫn, năm đầu tiên đó Thầy đi dạy luôn luôn thắt cà-vạt.
Giáo sư Vũ Mộng Hà thắt cà-vạt
Lớp tôi, anh em phục Thầy có trí nhớ rất tốt, vì trong lớp có 39 học sinh, làm bài kiểm, Thầy trả bài cho học sinh rồi tự động ghi điểm vào sổ, chỉ gọi vài ba anh đọc điểm cho Thầy ghi.
Năm đó, tôi và Ngô Phước Tường vào Trường xem kết quả thi Tú Tài toàn phần, hội đồng Giám khảo vừa họp xong, Thầy vừa ra khỏi phòng họp, Tường hỏi Thầy chúng tôi đậu hay rớt, Thầy cho biết cả 2 đều đậu. Sau đó niêm yết kết quả đúng như vậy, chứng tỏ Thầy nhớ tốt, vì trước đó chúng tôi không hề nhờ Thầy xem kết quả.
Thầy cũng dạy chúng tôi về Vật Lý lớp Đệ nhất, sau khi giảng, thầy đọc cho chúng tôi chép, khi nghe chuông reo, Thầy ngưng, đến hôm sau hay tuần sau vào lớp Thầy đọc tiếp không cần xem kỳ trước học sinh đã chép tới đâu. Thầy dạy Toán cũng như Vật Lý, không hề có sách vở chi cả. Chứng tỏ Thầy có trí nhớ tuyệt vời.
Chúng tôi có học Vật Lý với thầy Đào Đức Vĩnh, hình như Thầy là giáo sư của trường Chu Văn An, đặc biệt khi cho bài tập, Thầy đọc không cần sách.
Chúng tôi cũng có học Điện với kỹ sư Quyền, Thầy xuất thân từ trường kỹ sư Điện Grenoble danh tiếng của Pháp. Thầy thường ngậm một miếng chanh lúc dạy lớp, Thầy cho biết như thế rất tốt.
Kỹ nghệ họa chúng tôi học với thầy Nguyễn Văn Quang, Thầy tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ khóa 1, học vào chiều Thứ Bảy, sau khi Thầy giảng bài, chúng tôi vẽ bài tập, Thầy cho biết không kiểm soát, anh em có thể vẽ hay ra ngoài chơi, trước khi về 15 phút Thầy sẽ điểm danh và bài tập tuần nầy, đầu giờ tuần sau góp bài. Do đó, khoảng nửa lớp đi ra ngoài chợ Bến Thành, đi dạo ở đường Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ hoặc chui vào các rạp Ciné như Vĩnh Lợi, Casino Sàigòn, Hồng Bàng, Nam Việt nhưng anh em thích nhất là rạp Lê Lợi, vì chiếu phim tình cảm và đều là phim hay, các rạp ciné đó chiếu phim thường trực, còn Rex, Eden chiếu phim theo suất, giá vé cao không hạp với túi tiền của học sinh.
Kỹ sư Nguyễn Văn Phúc mang kính, đeo băng tang
Chúng tôi học với Kỹ Sư Nguyễn Văn Phúc, nhưng sau đó ông đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ nên Kỹ Sư Lê Tài Quấc thay thế, về sau Kỹ Sư Lê Tài Quấc ra ứng cử Thượng Nghị Sĩ trong liên danh Bạch Tượng.
Kỹ Sư Lê Tài Quấc đứng giữa
Năm sau cùng chúng tôi học với Kỹ Sư Trần Thế Can, ông xuất thân từ Kỹ sư Công nghệ Phú Thọ, ông có tu nghiệp tại Hoa Kỳ, về nước dạy ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Phú Thọ. Thầy có người chị làm Hiệu Trưởng trường Gia Long cho nên Thầy có dạy Toán ở Gia Long và cưới một nữ giáo sư Gia Long.
Năm Đệ Nhị, tôi có học Kinh Tế Học với Luật Sư Vũ Tứ Cầu, ông dùng bút bi đen, xanh lá cây, xanh dương, đỏ để trình bày bài giảng. Tôi đã chịu ảnh hưởng của thầy Cầu, từ đó trong bài học cũng như những bài viết của tôi, tôi viết chữ nhỏ và dùng bút bi nhiều màu để trình bày các tiểu mục.
Trái với việc nầy, tôi nhớ năm Đệ Tứ anh Trần Thanh Quang, con của thầy Đặng và tôi đi học Việt Văn ở tư thục Phan Sào Nam trên đường Trần Quí Cáp với thầy Toàn, Thầy viết rất tháo, chữ rất to cho kịp với lời giảng bài thao thao bất tuyệt của Thầy, Trần Thanh Quang đã chịu ảnh hưởng nầy, anh lấy note viết rất tháo, một trang vở học trò anh viết chừng 5 dòng!!
Về Triết, chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Mẫn, Triết chẳng những khô khan, khó hiểu mà học với Thầy Mẫn không có chi hấp dẫn, nên khó tiếp thu.
Về quý Thầy Giám Thị, có thầy Ngọ, thầy Phạm Văn Luật, Thầy Bùi Văn Thạch, thầy Vũ Đức Ngạc, thầy Nguyễn Văn Nén. Trong số quý Thầy nầy, có thầy Phạm Văn Luật để lại trong tôi dấu ấn sâu sắc.
Thầy Ngọ, rất tiếc tôi biết họ của Thầy, năm mới vào học Thầy hay phạt cấm túc học sinh, một hôm không có giáo sư dạy, thầy Ngọ vào ngồi giữ lớp, tôi ngồi cuối bàn, cắt móng tay, Thầy nghe tiếng lách cách, thế là tôi bị cấm túc, quyển sổ 100 trang, một mình Thầy ghi cấm túc học sinh đến 5, 6 trang, ai cũng lo sợ bị trừ vào điểm hạnh kiểm, nhưng đến dịp Quốc Khánh 26 tháng 10, Thầy vào lớp tuyên bố tha cho tất cả “anh em mừng hết hớn”.
Thầy Phạm Văn Luật quê ở Châu Đốc hay có dạy học ở Châu Đốc nên có biết chú tôi, do đó Thầy quan tâm đến việc học của tôi.
Có năm Thầy là giáo sư hướng dẫn Hiệu Đoàn, thầy khuyến khích anh Dương Văn Thơm và tôi ra tờ báo Xuân năm 1959 hay 1960, quay Roneo bìa 4 màu: xanh, đen, vàng, đỏ. Giáo sư Lê Nguyễn Bá Tước cho giấy Stencil, chúng tôi in 100 số vào khoảng 40 trang, tiếc rằng ngày nay tôi không còn giữ được. Thầy Luật giới thiệu tôi đến Thư viện Quốc Gia, nằm đối diện với Bộ Kinh tế, gặp ông Lê Ngọc Trụ, Quản đốc Thư viện để mượn quyển sách của ông Pétrus Ký viết về Thất Sơn. Đó là sách Pháp văn, ngày đó tôi không có hứng thú để viết về Thất Sơn, nên tôi chỉ đọc qua loa rồi trả sách.
Năm 1962, tôi thi rớt Tú Tài 1, tôi bỏ Sàigòn về quê, gần ngày khai giảng nhà trường ra thông báo cho học sinh muốn học lại phải làm đơn, phải chọn 1 trong 2 sinh ngữ. Đến ngày chót, thầy Luật không thấy tôi không làm đơn, nên thầy làm giúp và chọn cho tôi học Anh Văn.
Trước đây, tôi có viết bài Trường tôi, tôi có kể chuyện nầy và cho rằng “Thầy Phạm Văn Luật đã xía vào số mệnh của tôi”. Bài nầy được báo Chiêu Dương của Nhất Giang ở Úc đăng, hình như thầy Luật có người con gái ở đó, lấy bài ấy gửi cho Phạm Minh Luân, Luân là con của thầy Luật đã từng học chung với tôi từ năm Đệ Ngũ tới Đệ Nhị. Luân giận tôi, nói rằng thầy Luật giúp cho, tôi không cám ơn mà còn nói xấu Thầy. Chắc Luân hiểu nghĩa chữ Xía đó một cách thông thường, chớ Luân không nghĩ, khi đã nói “số mệnh” là do ông Trời định, vậy thì Xía vào việc của ông Trời khác với hai người phàm phu tục tử cãi lộn, có người thứ ba xía vào.
Thầy Nguyền Văn Nén làm Giám Thị chúng tôi 2 năm liền lớp Đệ Nhị niên học 1962-1963 và Đệ Nhứt niên học 1963-1964. Nay gặp lại Thầy với tên Nguyễn Văn Nên, tôi hỏi, Thầy giải thích: “Tên tôi sửa có ra tòa”.
Thầy Giám Thị Nguyễn Văn Nên
Cũng do Trần Thanh Quang đả đảo Trưởng lớp, rồi anh đề nghị tôi thay, được anh em trong lớp ủng hộ thế là tôi làm Trưởng lớp, thường xuyên gặp thầy Giám Thị Phạm Văn Luật và Vũ Đức Ngạc, thầy Ngạc là người Bắc, nhà Thầy ở Hòa Hưng, Thầy cao tuổi có nhiều kinh nghiệm, nên không có chi rắc rối phiền đến Thầy, là Trưởng lớp hằng ngày phải gặp Giám Thị để lấy sổ điểm danh, sổ ghi đầu bài giảng, sổ ghi điểm và phấn cho giáo sư viết bảng. Cuối giờ phải mang các sổ nộp lại văn phòng. Dù phải tiếp xúc một năm học như thế, nhưng tôi không có dấu ấn nào về thầy Ngạc. Tôi chỉ nhớ Thầy Lê Văn Chịa và Thầy Phòng, phu nhân của Bà Nữ Hiệu Trưởng Trường Nữ Công Gia Chánh, làm Tổng Giám Thị, còn thầy Lê Văn Thống tôi không nhớ khi tôi học Thầy làm Tổng Giám Thị hay dạy Pháp Văn, tôi không có học với Thầy giờ nào cả.
Thầy TGT Lê Văn Thống
Người ta chỉ có 7 năm học Trung Học, tôi phải 8 năm, năm thi rớt tôi học lớp Đệ Nhị A niên học 1961-1962, được xếp hạng 4/37 học sinh. Thế mà rớt 2 lần thi kỹ thuật và 2 lần thi phổ thông. Vị chi thi rớt 4 lần trong năm. Thời tôi đi học các ông Hiệu Trưởng sau đây: Kỹ Sư Điện Đỗ Văn Trà, Kỹ Sư Công Chánh Nguyễn Đăng Hoàng, Thanh Tra Học Chánh Phạm Xuân Độ, Kỹ Sư Công nghệ Cao Thanh Đảnh.
Phạm Doãn Đương, Cao Thanh Đảnh, Vũ Mộng Hà
Tốt nghiệp Tú Tài Kỹ Thuật toàn phần, tôi lên Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật và theo học tại Đại Học Vạn Hạnh, có thêm một số giáo sư khác là Thầy tôi.
Theo học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi có học lại với thầy Phạm Văn Rao, Vũ Mộng Hà, Trần Thế Can, các Thầy đã dạy tôi năm Đệ Nhất ở Trường Kỹ Thuật Cao Thắng.
Ông Trần Lưu Cung, Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học vụ kiêm Giám Đốc Trường Bách Khoa Trung Cấp, kiêm Giám Đốc Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Ban nầy được thành lập năm 1962, để đào tạo Giáo sư chuyên nghiệp Đệ Nhị và Đệ Nhứt cấp.
Ông Trần Lưu Cung, nghe nói ông là Kỹ Sư viễn thông, về nước vào thập niên 1950, do chủ trương ưu đãi nhân tài của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thời đó có Nguyễn Được về nước được làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, Trần Lưu Cung làm Phó Giám Đốc. Sau cách mạng 1963, Nguyễn Được làm Bộ Trưởng Giáo Dục trong chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Lưu Cung lên làm Giám Đốc từ đó.
Trần Lưu Cung có tài ăn nói, ông nói chuyện lưu loát. Ông có dạy chúng tôi Toán về Số Ảo. Về sau, ông Trần Lưu Cung làm Thứ Trưởng Giáo Dục, chánh phủ đó đổ, ông mất chức đi làm chuyên viên Unessco ở Cote d’Ivoire, sau cùng ông nghỉ hưu an hưởng tuổi già ở Virginia.
Ông Trần Lưu Cung
Thầy Nguyễn Minh Hoàng, sau khi tốt nghiệp KT Cao Thắng được học bổng đi du học Hoa Kỳ, Thầy có bằng Master về dạy thực hành cho sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm ở xưởng Kỹ nghệ gỗ, lúc Thầy mới về nước, vẫn ở chung với cha mẹ trong chung cư ở gần Nhà Thờ Ba Chuông, Phú Nhuận, thầy thường gọi tôi tới nhà chơi, gặp bữa ăn cơm với gia đình Thầy, có khi Thầy đưa đi thăm ông Trần Quang Diệu, Bộ Trưởng Y Tế, có nhà ở làng Đại học Thủ Đức.
Thầy Trần Minh Hoàng
Có lúc Thầy giữ chức vụ như là Quản Đốc Trường Đại Học Y Dược ở Chợ Lớn, Thầy có gọi tôi về làm việc với Thầy, tôi từ chối vì không thích hợp với ngành nghề mình đã chọn.
Sau khi Thầy về Nha Kỹ thuật làm Phó Giám Đốc, Thầy lại gọi tôi về làm việc với Thầy, điều hành một cơ sở cung cấp thiết bị, nhiên liệu cho các Trường Kỹ Thuật, tôi từ chối vì cơ quan đó nằm trong Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ thuật. Cuối cùng năm 1973, Thầy gọi tôi đi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ thuật Gia Định, tôi cũng từ chối vì nơi đó là An Phú Đông, không được an ninh.
Năm đầu chúng tôi học Kỹ nghệ họa với thầy Trần Thế Can, năm sau chúng tôi học với thầy Nguyễn Năng Cường, cả 2 thầy đều là Kỹ Sư Công nghệ, đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ về Kỹ nghệ họa rồi trở về phục vụ ở Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, thầy Can có vẻ nghiêm khắc trong khi thầy Cường dễ dãi, cởi mở hơn.
Học ở xưởng Máy Dụng Cụ với thầy Giáp, thầy rất dễ dãi với sinh viên, thầy lại mê đua ngựa, nên Thứ Bảy học với Thầy, khoảng 2, 3 giờ Thầy đã cho về, thay vì phải học tới 5 giờ, để thầy còn đi sang Trường đua Phú Thọ cạnh đó.
Chúng tôi có học Anh Văn với thầy Nguyễn Hoàng Trinh, thầy cũng đã tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Thầy dạy tận tâm, nhưng về sau Thầy ra hoạt động chánh trị ở đơn vị Tây Ninh, nghe nói đó là quê của Thầy.
Thầy Tôn Thất Tiêu, dạy chúng tôi về Khoa học ứng dụng, đó là những bài học để tính toán về sức bền của vật liệu. Nó rất cần thiết trong chế tạo máy.
Trong 2 năm học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi chịu ảnh hưởng phần nào của thầy Trần Thế Can về cách chấm bài, giảng bài cho học sinh, phần nghiên cứu sưu tầm tài liệu tôi chịu ảnh hưởng nơi thầy Nguyễn Năng Cường. Tuy nhiên, mỗi người sau khi hấp thu, vẫn giữ đức tính riêng của mình, nhờ vậy mới có sắc thái riêng của mỗi cá nhân.
Trong thời gian theo học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi lại ghi danh học thêm ở Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tôi muốn nói một chút về Viện Đại Học nầy khi mới thành lập năm 1964 tại Sàigòn.
Thích Minh Châu (1918-2012)
Về tổ chức Viện có Thượng Tọa Thích Minh Châu, Tiến Sỹ văn học Pa-li, là Viện Trưởng, ông Hồ Hữu Tường, Cao học Toán ở Pháp, là Phó Viện Trưởng, ông Trần Quang Thuận nguyên là Đại Đức Trí Không, đệ tử Hòa Thượng Đôn Hậu, ông du học ở Anh Quốc, về nước lập gia đình với con gái cụ Tôn Thất Hối, nguyên Đại sứ VNCH tại Lào, ông Thuận là Tổng Thư Ký, trụ sở đặt tại chùa Pháp Hội.

Thượng Tọa Thích Thiên Ân, Tiến Sĩ văn chương Nhật, là Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi. Viện Cao Đẳng Phật Học trước đó thành lập ở chùa Pháp Hội trở thành Phân Khoa Phật Học.
Thích Thiên Ân - Đoàn Văn An (1926-1980)
Học tại đây, tôi muốn nói tới trước nhất là thầy Nguyễn Khắc Kham, thầy dạy Cổ Văn, những bài như Lục súc tranh công, Trê cóc… theo tài liệu được biết Thầy sinh năm 1908 tại Hà Nội, năm 1934 lấy bằng Cử Nhân Văn chương và Cử Nhân Luật ở Paris, năm tôi học là niên khóa 1964-1965, niên khóa kế Thầy không còn dạy nữa, ông Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, tác giả sách Lịch sử Nhật Bản, là Trưởng Phòng Học Vụ của Phân Khoa VH và KHNV cho biết Thầy Kham có vợ Nhật, nên hai ông bà về Nhật sống.
Ông bà Nguyễn Như Hùng, ông bà GS Lưu Khôn, Cô, Thầy Nguyễn Khắc Kham (1908-2007)
Người thầy kế là ông Hồ Hữu Tường, tác giả của Phi lạc sang Tàu, ông dạy môn Xã hội học, theo ông kể, năm 1945, ông kẹt ở Hà Nội, ẩn thân trên một căn gác xép nào đó đã sáng tác Phi lạc sang Tàu. Ông là người thông minh, con nhà nghèo, được người ta nuôi cho ăn học và du học ở Pháp, lấy bằng Cử nhân, trở về Việt Nam lại được trở sang Pháp học tiếp lấy bằng Cao học Toán. Năm đó, ông dạy thêm môn EOMIR, đây là chữ viết tắt tên môn học do ông phổ biến, là phương pháp học ít nhưng triển khai ra hiểu được nhiều. Ông cũng nhờ Trần Mộng Nam dạy một lớp Hán Văn vở lòng, lớp học miễn phí ở tại chùa Ấn Quang.
Hồ Hữu Tường (1910-1980)
Ông Hồ Hữu Tường thuộc nhóm Đệ tứ cộng sản, ông không bị thủ tiêu như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Sau ông bị bắt ở Chánh Hưng trong cơ quan của Bình Xuyên, bị chánh phủ Ngô Đình Diệm đày ra Côn Đảo. Sau cách mạng 1963, ông được thả ra, về sau ứng cử làm Dân Biểu của Quốc Hội VNCH, nên sau 1975 bị đi cải tạo. Tại Trại Hàm Tân ông bị viêm gan, được tha về để điều trị, nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ chiều ngày 26-6-1980, khi xe chở ông về gần tới nhà ở đường Trần Quang Khải, Sàigòn. Ông thọ 71 tuổi.
Người thầy kế là Giáo sư Nghiêm Thẩm. Sau khi tốt nghiệp Trung Học ở Hà Nội, ông được gửi sang Pháp, học trường École du Louvre, Paris, ngành bảo tàng (de Muséologie). Về nước năm 1956. Đến năm 1961, ông được mời làm giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
Năm 1964, ông được mời làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn và giáo sư tại Đại học Vạn Hạnh. ông dạy chúng tôi về Thẩm mỹ học.
Năm 1968, ông làm Quản thủ Viện Bảo tàng Sài Gòn.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Gs. Nghiêm Thẩm ở lại và tiếp tục là nhân viên giảng huấn như trước. Ông bị cướp sát hại tại nhà vào tháng 11 năm 1979. Ông là một nhà khoa học chân chính.
Nghiêm Thẩm (1920-1979)
Mấy năm trước, học ở Đệ Nhị cấp, giáo sư Nguyễn Văn Kiết dạy chúng tôi môn Pháp văn, nay ông dạy chúng tôi bộ môn Triết học sử Tây Phương, chúng tôi bắt đầu làm quen với Socrates. Aristotle, Thales, Anaximenes…
Ông Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, ông là một công chức cao cấp đã nghỉ hưu. Năm 1950, ông cùng với ông Phạm Ngọc Đa, Nguyễn Văn Lượng, đứng ra thành lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam. Cùng năm nầy, ông và một số Phật tử thành lập Hội Phật Học Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng, Hoà Hưng, Thầy Quảng Minh làm Hội trưởng, ông giữ chức Tổng Thư ký. Năm 1964, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tại chùa Xá Lợi, ông là Phó Viện Trưởng, vài tháng sau ông từ chức vì bất đồng quan điểm.
Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973)
Ông Mai Thọ Truyền dạy chúng tôi về Tôn giáo học, có lúc ông giữ chức Tổng Thư Ký Viện Đại Học Vạn Hạnh, ông có ra ứng cử Phó Tổng Thống với Liên danh Trần Văn Hương, sau ông giữ chức Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa, ông mất ngày 17-4-1973, thọ 69 tuổi.
Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, du học từ Mỹ về, dạy chúng tôi môn Tôn giáo tỷ giảo. Mặc dù trước kia chúng tôi có thấy Thượng Tọa ở trong chùa Ấn Quang, nhưng cho đến lúc đó mới được học với Thượng Tọa, về sau Thượng Tọa làm Cố vấn cho Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, chúng tôi có đôi lần họp chung với Thượng Tọa, hoặc dự lễ xuống tóc cho một sinh viên xuất gia, mỗi cử chỉ hành động của Thượng Tọa nhẹ nhàng, thanh thoát của bậc chân tu.
Thích Nhất Hạnh (1926-20 )
Ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần dạy chúng tôi về Triết Đông, nhờ ông Cần chúng tôi biết rằng những ngôi mộ nằm trong vườn Tao Đàn, là những ngôi mộ thuộc vùng đất của chùa Khải Tường xưa, là mộ gia tộc của ông Cần.
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Tôi nhớ xưa trong Bảo Tàng Viện có tượng Phật Thích Ca bằng gỗ, đặt ngay trung tâm Viện Bảo Tàng, đó là tượng Phật chùa Khải Tường, trong đường Tân Hóa ở Phú Lâm có ngôi chùa Từ Ân, ngày nay còn giữ cái bảng của chùa Quốc Ân Khải Tường Tự.

Chúng tôi có học với thầy Phan Hồng Lạc, chẳng những thầy dạy từ mà còn dạy cả văn phạm chi, hồ, dã, giả.
Chúng tôi có học với Tiến sĩ Lê Thành Trị, ông dạy chúng tôi về triết gia René Descarte, cho đến nay vẫn còn tồn đọng trong tôi câu chữ La tinh: “Cogito ergo sum” dịch từ câu Pháp văn: “Je pense, donc je suis”, dịch ra Anh văn: “I think, therefore I am”.
Sau 1975, chừng khoảng vài ba năm sau, một hôm chạy xe trên đường Kỳ Đồng, tôi thấy Thầy ngồi dưới đất bên cạnh một người bán thuốc lá, cạnh bên Thầy là cái giỏ bàng. Tôi xót xa tự hỏi: “Một ông Tiến Sĩ Triết, ngồi ở vỉa hè làm chi? Thầy tìm mua sách cũ, hay bán sách để mua gạo sống thời buổi củi quế gạo châu!” Gần đây tôi đọc bài, có người viết về triết gia Trần Đức Thảo ở chung cư Hà Nội, có hôm chạy xe đạp đi mua củi về nấu ăn, cột bó củi ở cái porte-bagares phía sau, về gần tới nhà, có người phát hiện không còn khúc củi nào cả!
Những người học Triết ở Pháp như thầy Nguyễn Văn Kiết, Lê Thành Trị đều có mốt ăn mặc quần áo trắng, đi giày sandal, mang vớ.
Tôi có học Sử với giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, sau đó ông bị chánh phủ bắt. Vào ngày 19 tháng 3 năm 1965, bị tướng Nguyễn Chánh Thi tống xuất ra Bắc tại cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, cùng với Bác Sĩ Phạm Văn Huyến, thân phụ của Luật Sư Phạm Thị Thanh Vân tức là bà Ngô Bá Thành và nhà báo Phi Bằng tức Cao Minh Chiếm.
Tôn Thất Dương Kỵ (1914-1987)
Tôi bị gián đoạn việc học hành một thời gian vì ra trường năm 1966, đi dạy học ở Banmêthuột, rồi nhập ngũ theo khóa 27 Sĩ Quan Thủ Đức, cho đến năm 1970, tôi mới được thuyên chuyển về Sàigòn và tiếp tục học lại ở Đại học Vạn Hạnh, trường đã dời về 222 Trương Minh Giảng, Quận 3 Sàigòn.
Tôi đã học Triết Đông với giáo sư Nguyễn Đăng Thục, chúng tôi học nhiều năm với giáo sư, anh em bảo nhau với cụ Thục, chúng ta chỉ cần nhớ tới “Vạn vật đồng nhứt thể”, thầy là tác giả của bộ Triết học Đông Phương gồm có 5 tập, Tư tưởng Việt Namvà Thiền học Việt Nam là sách gối đầu giường của chúng tôi.
Nguyễn Đăng Thục (1909-1999)
Năm 1999, tôi sang San Jose California, vào chùa Đức Viên, tôi thấy có tờ báo ai đó vứt bỏ trong sân chùa, có đăng tin giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã từ trần ở Sàigòn, Việt Nam, hưởng thọ 91 tuổi.
Sau khi Thượng Tọa Thích Thiên Ân sang Mỹ dạy học trong chương trình trao đổi giáo sư, cụ Nguyễn Đăng Thục giữ chức Khoa Trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân Văn của Đại học Vạn Hạnh.
Về Triết Tây, chúng tôi học với giáo sư Lê Tôn Nghiêm (1926- ), ông nguyên là Linh Mục, ông dạy chúng tôi về Lịch sử Triết học Tây phương, là một giáo sư học rộng, hiểu sâu, dạy cho sinh viên dễ tiếp thu môn học khô khan nầy.
Tôi có học với Tiến sĩ Trần Cửu Chấn, ông dạy chúng tôi về Văn chương Việt Nam, giáo sư Chấn tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương Pháp.
Chúng tôi có học với giáo sư Bửu Cầm, ông dạy chúng tôi về tác phẩm Ngọa Long Cương của Đào Duy Từ, ông viết chữ Nôm, mỗi tuần học mấy câu, nhờ đó chúng tôi biết được thêm chút ít chữ Nôm.
Bửu Cầm (1920-2010)
Chúng tôi có học Hán Văn với giáo sư Nguyễn Hoạt, giỏi Hán Văn, có bằng Tú Tài Pháp, ông dạy chúng tôi về Quân Trung Từ Mệnh Tập. Nguyễn Hoạt bút hiệu Hiếu Chân, sinh ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Hà Nội. Ký giả, nhà văn, biên tập viên Nhật báo Tự Do, Sàigòn. Năm 1984, ông bị bắt và mất trong Phòng 11, khu ED khám Chí Hòa, Sàigòn ngày 6 tháng 3 năm 1986. Nguyễn Hoạt hoạt động chánh trị thuộc Quốc Dân Đảng.
Hiếu Chân - Nguyễn Hoạt (1919-1086)
Chúng tôi có học với giáo sư Trần Đức Rật về Hán Văn, tư gia của giáo sư nằm trên đường Công Lý, gần chùa Vĩnh Nghiêm, trong nhà có máy in nhỏ, lâu ngày tôi đã quên nhà in ấy tên chi.
Chúng tôi cũng có học với giáo sư Huỳnh Minh Đức về Hán Văn, hình như giáo sư Đức là trẻ nhất trong số các giáo sư dạy Hán văn cho chúng tôi.
Gs Huỳnh Minh Đức
Chúng tôi học Bạch thoại với giáo sư Trần Trọng San, ông sinh ngày 29 tháng 10 năm 1930 tại Hà Nam. Mất ngày 17 tháng 8 năm 1998 tại Toronto, Canada. Ông có tác phẩm Việt Văn Độc Bản và Thơ Đường làm nên tên tuổi, vì quyển sách đầu dùng học trong chương trình thi Tú Tài 1, còn tập Thơ Đường trích dẫn nhiều bài thơ hay. Giáo sư San dạy chúng tôi dịch những bản văn Bạch Thoại ra Việt ngữ.
Chúng tôi có học Đàm Thoại với giáo sư Khưu Thị Huệ, chồng của bà là Hiệu Trưởng Trường Thái Bình Dương ở Singapour. Giáo sư Huệ dạy ngày nay tôi còn nhớ: Xè xè nị: Cám ơn anh (chị). Tố xạo xẻn? Bao nhiêu tiền? Lớp học của giáo sư Huệ khá vui và rất linh động.
Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Sung về môn Ngữ Học, sau năm 1963 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có xuất bản 2 tờ nhật báo, giáo sư Nguyễn Sung là chủ nhiệm của một trong hai tờ báo nầy.
Gs Nguyễn Sung
Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Quốc Thắng, ông dạy chúng tôi về Thi ca Việt Nam, giáo sư Thắng lúc đó còn trẻ, người gầy ốm, thuộc nhiều thơ của các thi sĩ đương thời, hình như lúc đó giáo sư cũng dạy ở Đại học Cần Thơ.
Giáo sư Kim, tôi rất tiếc đã quên họ của giáo sư, thân phụ của giáo sư trước kia làm ở Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, giáo sư du học ở Đài Loan, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm bậc Cao Trung, giáo sư sang Mỹ lấy bằng Master về Văn chương, rồi trở về Việt Nam dạy học. Giáo sư Kim dạy về môn Văn chương Anh Mỹ, trích dẫn thơ của các thi sĩ Mỹ dạy chúng tôi. Gặp chúng tôi ở ngoài đường giáo sư thích nói tiếng Anh. Nghe đâu sau 1975, nhà cầm quyền cấm người Việt giao thiệp với người nước ngoài, nhưng giáo sư lại trò chuyện với người Mỹ, nên bị công anh Quận 10 mời về trụ sở làm việc.
Gs Kim
Chúng tôi có học với giáo sư Vũ Khắc Khoan, ông có học y khoa, nhưng về sau chuyển trường, tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông, là giáo sư dạy về môn Phê bình văn học, ông có nghệ sĩ tính hơn là nhà mô phạm. Ông có tác phẩm Thần Tháp Rùa, Ngộ nhận và những vở kịch, để lại tên tuổi trên văn đàn Việt Nam.
Vũ Khắc Khoan (1917-1986)
Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, ông tốt nghiệp Luật khoa Hà Nội, vào Nam từng làm phụ giảng cho giáo sư Vũ Văn Mẫu ở Luật khoa Đại học đường Sàigòn. Ông làm Hiệu Trưởng Trung Học Tư thục Trường Sơn, ở góc đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, từ năm 1958. Vào thập niên 1960, trường nầy danh tiếng về luyện thi Tú Tài với những giáo sư Cù An Hưng, Vũ Mộng Hà… Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, đúng là nhà mô phạm, khi đi dạy, ông soạn bài và giảng bài rất cẩn thận. Ông bị ở tù cộng sản trong 11 năm từ 1976-1987.
Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005)
Chúng tôi có học với giáo sư Doãn Quốc Sỹ, ông là nhà văn nổi tiếng vào đầu thập niên 1960 với tác phẩm Dòng Sông Định Mệnh, ông có du học ở Mỹ về ngành giáo dục, về nước ông dạy ở Đại học Văn khoa Sàigòn, Đại học Vạn Hạnh. Ông dạy chúng tôi về môn Văn học Việt Nam. Ông cũng bị tù cộng sản trong 14 năm thuộc danh sách “Biệt kích văn hóa”. Sau khi ra tù, ông được di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1995, định cư ở Houston, Texas.
Doãn Quốc Sỹ (1923- )
Chúng tôi có học với giáo sư Thuần Phong Ngô Văn Phát, ông sinh tại Bạc Liêu, mất tại Sàigòn, ông là nhà văn, còn có bút hiệu là Tố Phang, ông dạy chúng tôi về Văn chương Bình Dân Việt Nam, ông có bằng Cán sự Điền Địa, làm Trưởng phòng Họa Đồ của Tòa Đô Chánh Sàigòn. Trước 1975, ông là người đặt tên hầu hết các đường ở thành phố Sàigòn, sau khi Pháp trao trả độc lập cho miền Nam năm 1954. Ông là tác giả Ca dao giảng luận, Chinh phụ ngâm khúc giảng luận….
Thuần Phong - Ngô Văn Phát (1910-1983)
Chúng tôi có học với Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Vinh, ông dạy chúng tôi về kiến trúc Phật Giáo, nhờ đó chúng tôi biết được những đặc điểm của Mỹ thuật Phật Giáo Việt Nam.
KTS Nguyễn Hữu Vinh
Đó là những vị Thầy của tôi từ lớp vỡ lòng cho đến Đại Học, chắc còn một số giáo sư Trung Học đã bị thiếu sót trong bài nầy, cũng như vài vị giáo sư Đại Học. Nhờ có Thầy, Cô tôi mới có kiến thức, tay nghề để mưu sinh.
Ngày nay, ở Việt Nam có ngày nhà giáo 20-11 mỗi năm, để học trò có dịp bày tỏ sự biết ơn Thầy, Cô giáo. Còn ngày xưa phong tục ta có: Mồng Một ngày cha, Mồng Hai ngày mẹ, Mồng Ba ngày Thầy. Cho nên chúng ta đã thành danh hay thành nhân, luôn luôn phải nhớ ơn Thầy.
GS Ngô Văn Phát, Nguyễn Sung, Gs. Kim, Nguyễn Đăng Thục, Doãn Quốc Sỹ, Huỳnh Minh Đức. Hàng đứng Hh Ái Tông, Lý Trường Quang, Bùi Văn Sớm, Nguyễn Văn Trung, ... Mai, ... Bích Vân, gia chủ thân phụ của Quang, KTS Vinh (Ảnh năm 1973)
Huỳnh Ái Tông 866427092017