Những năm về trước bà còn là phu nhân Đại Úy. Muốn gì có đó. Ai ai cũng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Có nhiều cũng cho đi nhiều. Đâu khó thì giúp, đâu cần thì cho. Con cái đầy đủ, tiền bạc có, tình cảm có. Tưởng chừng cuộc sống cứ thế mà trọn vẹn. Rồi bỗng một ngày mà như người ta nói là sinh nghề tử nghiệp, ông trúng đạn pháo kích mà lìa đời.
Không lâu sau thì thời thế thay đổi. Ai đúng ai sai không dám bàn nhưng có một điều bất di bất dịch: "Ai thắng làm vua, ai thua làm giặc". Và cứ thế tất cả những gì bà có ra đi như cách người ta muốn bà phải "trả" thay cho những gì người chồng quá cố của bà từng "vay". Chiều nay tôi gặp bà. "Đứa nào đó bây?". Trong gian nhà cũ mèm xập xệ bà vẫn ngồi đó trên bộ ván gỗ nhìn ra cái cửa sổ nhỏ nhỏ như đang trông ngóng ai đó. Mắt nhìn không thấy, hết ốm rồi lại đau. Con cái mỗi người một nơi. Người còn sống, kẻ mộ phủ cỏ xanh. Người lâu lắm mới về thăm, người biệt tăm biệt tích.
Ở cái ngưỡng tuổi tám mươi, đó là lúc người ta đáng được nhận lại từ con cháu sự lo lắng chăm sóc như phần thưởng cho những cơ cực một đời đã qua. Còn với bà những thứ đơn giản đó cũng quá đỗi xa vời. Báo hiếu làm sao khi con cái bà còn chẳng biết nổi bản thân họ sẽ ra sao, ăn hôm nay chưa biết mai no hay đói. Và có lẽ cũng đã quá trễ để dám mong vào một điều kỳ diệu nào đó. "Giờ tao sống được bao lâu sống, kệ, mốt chết ba mày chôn tao trên đất nhà mày thôi là được rồi".
Tôi năm nay mười chín, ước mơ cao xa lắm, chẳng bao giờ hài lòng với những thứ mình đang có. Nhưng đôi lúc tôi phải nhìn lại những mảnh đời này để nhắc mình cho dù chưa thoả mãn nhưng bản thân cũng đã may mắn hơn rất nhiều người rồi. Sống nên quý trọng từng giây từng phút vì chẳng ai biết trước được ngày mai sẽ thế nào đâu.
Bà vẫn ngồi ăn trầu, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao nhiều người lại ăn thứ kì lạ đó. Nhưng với bà thì có lẽ vì bà cũng đã quen với cái vị đó rồi, cuộc đời bà cũng cay cay chát chát như miếng trầu quả cau vậy thôi.
Triết Nguyễn