User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Kiếp này không có. Kiếp sau cũng không. Không có kiếp nào hết...

Ông chưa kịp phản ứng thì đầu bên kia đã tắt máy một cách thô bạo- ông nghĩ thế. Gọi lại chỉ nghe những tiếng ò e… kéo dài. Thật là bực.

Cái giọng nữ cao, qua di động, vọng đến tai ông nghe sao mà chát chúa. Càng khó chịu và bực bội hơn khi ông tưởng mọi chuyện đã nằm gọn trong bàn tay ông, không ngờ giờ lại ra thế này...

kiep sau NTD

Cách đây gần bảy năm, ông bị viêm phổi tắc nghẽn phải nằm nhà thương. Nơi đó ông quen một cô tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn độc thân. Cô ấy chăm bố cũng bị bệnh như ông. Hai bố con cô ở miền núi lên Sài Gòn chữa bệnh nên tất cả mọi việc đều lạ lẫm. Cô kể năm giờ chiều, hai bố con được taxi đưa từ sân bay về phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy. Hai giờ sáng bố cô được chuyển về khoa hô hấp. Điều dưỡng chỉ giường- hai người nằm một giường- rồi đưa một mớ thuốc nói cô hai tiếng cho bố phun một lần. Người nhà bệnh nhân vừa bị điều dưỡng lay dậy, lấy giường loay hoay tìm chỗ trải chiếu rồi nằm khoanh, tiếp tục dỗ giấc ngủ. Còn những người khác trong phòng bệnh, sự xuất hiện của bệnh nhân lúc 1-2 giờ sáng đã quá quen, không làm ai thức giấc. Tần ngần cầm một lọ thuốc xịt và mấy ống thuốc phun, cô chưa biết nhờ ai chỉ vẽ. Người đàn ông vừa chuyển lên khoa, nằm trở đầu với bố cô, đã lấy máy phun của mình và đang cố hít. Từng làn hơi thuốc mỏng phun ra tựa sương mù. Tiếng máy chạy sè sè. Cô ngẩn người nhìn đi nhìn lại những ống thuốc trong tay. Thấy thế, ông khẽ khàng vẫy cô đến gần hướng dẫn từng việc. Cô cảm kích ra mặt…

Những ngày sau đó, có gì lơ ngơ, cô đều hỏi ông. Ngược lại những lúc con ông đi mua quà sáng hoặc mua thuốc, cô lại giúp ông những việc vặt. Ông kể cho bố con cô nghe chuyện nhà ông. Con bốn đứa, đứa nào cũng có gia thất, công ăn việc làm ổn định. Ông làm ở xã, bà nhà ông nuôi heo, gà, vịt và chăm mấy héc ta bưởi da xanh. Ông kể trồng bưởi da xanh nhàn lắm. Việc gì cũng hợp đồng mấy anh kĩ thuật làm. Đến lứa- nhất là dịp Tết- thương lái lùng sục vào cân tận vườn. Giống bưởi này thị trường rất chuộng. Có năm tại vườn mà thương lái đã trả đến năm mươi ngàn/ một kí. Cô le lưỡi: “Úi trời, vậy thì siêu thị phải bán đến 70/kí. Chịu, mua không nổi đâu..” Ông cười: “Hôm nào cháu nó lên, tôi biếu ông cụ nhà cô vài quả ăn thử. Ngọt và mọng nước lắm”- Cô cười nhẹ như hàm ý cám ơn.

Ông lại kể tiếp tiền dành dụm, mua sắm những khoản lớn là ở mấy héc bưởi; heo gà vịt chỉ là thu nhập phụ, chi tiêu hằng ngày. Được cái vợ ông mát tay nên nuôi con gì cũng trúng… Hai ông bà ăn tiêu dư giả, lại có tiền giúp con cháu mỗi khi chúng cần vốn. Tết này con cháu về đông đủ. Nhà đã chuẩn bị Tết to lắm: heo, gà, vịt, bánh chưng và các loại bánh trái, mứt món khác không thiếu thứ gì. Chợt ông hạ giọng: “Có cả cầy tơ 7 món nữa đấy. Chuẩn bị Tết to thế mà cái bệnh chết tiệt này lại lôi tôi vào đây..” Cô ngạc nhiên: “Cả cầy tơ? Ui, trong này người ta kiêng không ăn thịt chó đâu…” – “Ở quê tôi, khách quý mới đãi cầy tơ. Ăn Tết to mới có thịt cầy…”

Cái món ấy thì chẳng bao giờ cô đụng đũa. Ngày mấy chị em cô còn nhỏ, thỉnh thoảng ba má cô cũng ăn. Nhưng hai ông bà không thể tập cho lũ con ăn món mộc tồn quốc hồn quốc túy ấy. Chẳng những không đụng đũa mà chúng còn cằn nhằn, cự nự, lên án… Và ba má cô chắc đã buông xuôi khi thấy con cái thi nhau nói giọng Bình Định, bắt chước bạn bè mọi thứ. Đến mức bảo con gọi “bố mẹ” nhưng đi học, nghe bạn bè chúng gọi “ba má”; vậy là về nhà chúng cũng “ba má”.

Cô thì không kể. Ông chỉ biết chút ít về cô qua ba cô- một ông cụ “hay chuyện”. Mà nhu cầu nói của ba cô rất cao. Những lúc vắng cô, ông tranh thủ hỏi và biết đôi nét: cô là con gái thứ hai, năm nay đã 65 tuổi, nghỉ hưu. Thời cô mới lớn, ba cô cũng có ý tìm cho cô một tấm chồng. Nhưng cô ương bướng quá. Đám nào cũng không. Và giờ thì làm bà cô già. Ba cô kể tội nhất là má cô. Lúc đau nặng, biết mình gần đất xa trời, con cái một đàn vây quanh. Chúng nó trêu bà: “Má thương ai nhất? Thương Thủy nhất phải không?” (Thủy là đứa con dâu nhận việc nuôi dưỡng bà). Ai cũng tưởng bà gật đầu, nhưng lại là một cái lắc đầu thật nhẹ. Chúng hỏi tiếp: “Má thương con Hà nhất phải không?” (Hà là con gái út, cũng chăm mẹ rất giỏi). Lại một cái lắc đầu. Chúng ngạc nhiên nhìn nhau. Vậy thì má thương ai nhất? À, chắc thương chị Sáu- chồng chị mất khá lâu, giờ chị sống với đứa con gái. Không ngờ bà trả lời: “Thương chị Hai nhất. Nó không có chồng. Các con ai cũng đủ đôi. Con Sáu thì chồng mất nhưng vẫn còn có con để nương tựa lúc tuổi già…” Mấy đứa kêu lên: “Không đủ đôi còn có chú Năm nữa. Má không thương chú à?”. Bà thủng thẳng nói: “Thằng Năm nó ở bên đó. Nó không có vợ nhưng có nhà dưỡng lão….”… Đàn con ngớ người im lặng nhìn nhau…

Chuyện chỉ có thế. Nhưng lạ thay, sau nửa tháng ở bệnh viện, về nhà ông lại nhớ cô. Lúc chào ra về, ông cho cô số điện thoại và cô cũng lưu số của ông. Một tháng. Hai tháng. Nửa năm. Rồi một năm trôi qua… Vậy mà ông vẫn nhớ cô, dù sống bên cạnh vợ. Do công việc nên ông có điều kiện đi đó đi đây. Nhưng bực thay, xã của ông chuyên giao lưu với Đà Lạt. Ông đi Đà Lạt mỗi năm vài lần, rồi về quê lo công chuyện. Chẳng có lần nào đi Cheo Reo- nơi gia đình cô đang ở. Ông cũng chưa tìm ra được cớ gì để đặt chân lên xứ đó- nơi mà chỉ phát âm cũng thấy đầy những trúc trắc, khó khăn rồi…

Một lần, ông thử gọi. Vui thay, vẫn cái giọng quen thuộc của cô. Ông hỏi thăm sức khỏe ba cô. Ông kể về bệnh của mình. Rồi ông hạ giọng rằng mình có một số thuốc phun, thuốc xịt không dùng tới, ông muốn gửi cho ông cụ. Cô hỏi sao lại dư thuốc. Ông trả lời đừng hỏi. Và thuốc đã đến tay cô. Ông gọi điện hướng dẫn tỉ mỉ cách dùng. Cô cám ơn rối rít…

Từ đó sợi dây liên lạc giữa ông và cô là thuốc biếu ba cô. Nội dung trò chuyện từ bệnh tình, sức khỏe của những người đồng bệnh, đã chuyển sang phong vị bông phèng: ông ướm hỏi chuyện riêng tư của cô rồi bàn chuyện xã hội hiện nay. Nào là “rau sạch”; nào là khéo chùi mép khi “ăn vụng”…. Bao giờ cô cũng cười và khéo léo cắt ngang những chuyện mà ông gợi ra. Rõ là cô không quan tâm. Suy nghĩ của cô chắc chỉ là gia đình bình an, ba má cô khỏe. Cả mấy năm trời nay, chỉ có ông gọi, chưa khi nào cô gọi cho ông. Mỗi khi ông nhủ cô có đi Sài Gòn thì báo để gặp nhau. Lâu không gặp, dễ hồ đã ít nhiều quên nét mặt nhau. Thế nhưng chẳng bao giờ cô tin cho ông về những đợt cô về Sài Gòn. Có trách thì cô bảo lúc nào gia đình cô cũng rất vinh dự nếu một dịp nào đó được đón tiếp hai vợ chồng ông… Hừ! Thế thì ông đi làm gì!... Cô này đáo để thật!

Mặc! Ông vẫn kiên trì gọi điện gợi ý gần xa và liên tục gửi thuốc cho ba cô. Cách đây vài tháng, ông chuẩn bị gửi thuốc cho ba cô, không ngờ lại có việc phải về quê gấp. Khi ông gọi thì ba cô đã mất. Ông an ủi, chia buồn cùng cô. Ông vẫn nghĩ sẽ dễ rủ rê cô thôi. Ai ngờ ông lại bị nghe cái giọng chanh chua, lanh lảnh của cô: “Kiếp này không có. Kiếp sau cũng không. Không có kiếp nào hết…”.

Buông thôi. Mong sao ông sớm quên được chuyện này…

kiep sau 1 NTD

Nguyễn Thị Đức

                                                                                            

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com