Pulau Babi Tengah, một hòn đảo nhỏ nằm trong quần thể ba đảo Pulau Babi Besar, Pulau Babi Tengah và Pulau Babi Hujung. Đảo Pulau Tengah nằm về hướng Đông của tỉnh Johor, Malaysia, đảo cách hải cảng Mersing khoảng 16 km, đi tàu nhỏ khoảng 60 phút từ Mersing.
Đảo Tengah nhìn từ hải cảng Mersing
Một buổi chiều đầu tháng sáu của năm 1979.
… Hành trang tôi mang đến Pulau Tengah là hai đứa con, một đứa con gái bốn tuổi rưỡi, một đứa con trai năm tháng ẵm trên tay và trái tim tràn ngập lòng biết ơn Trời Phật cùng những vị ân nhân đã cứu giúp con tàu của chúng tôi, giữa đại dương mênh mông, bên bờ sống chết…
Bước lên chiếc cầu nối liền vào đảo, chúng tôi được tiếp đón bởi dân tị nạn, những thuyền nhân đã đến nơi đây trước. Mỗi lần nghe tin có tàu chở người tị nạn mới đến, họ đổ xô ra đây, tìm người thân quen. Những bàn tay vẫy những bàn tay, tiếng gọi nhau ý ới khi nhìn ra người thân trong đám người mới đến.
Đang ngơ ngác, nhìn cảnh vật xung quanh, hoang mang, lạ lẫm, lo âu. Chợt nghe tiếng kêu tên tôi, của ai đó trong đám đông:
- T… T. ơi.. T. đó hả, còn thằng Th. đâu rồi? Sao chỉ có ba mẹ con?
Tôi cố lách mình ra khỏi đoàn người…
Trời ơi, Dì Ba của tôi. Bà đang cố vẫy tay, làm dấu gọi tôi, hỏi tới tấp, mặc cho đám đông ồn ào, vẻ mặt lo sợ, vì không thấy chồng tôi, bà đã nhận ra mẹ con tôi, lúc chúng tôi sắp hàng từ tàu đi lên đảo (tin đưa đến, mọi người trên đảo đều biết, tàu tôi đi bị cướp Thái Lan sáu lần, có người chết, được tàu Tây Đức cứu khi sắp chìm…) Nỗi mừng nầy, biết lấy chi so sánh... Như ơn Trời một lần nữa, như hạn hán gặp mưa rào, như tha hương ngộ cố tri…
Từ đó, gia đình dì dượng Ba đã cưu mang mẹ con tôi , đem về lán cho ở chung. Nhờ có dì dượng bên cạnh, tôi tạm quên đi những cảnh hãi hùng, tâm bớt nặng trĩu vì cuộc hành trình sóng gió vừa qua…
Chiếc cầu nơi hội ngộ và tiễn đưa
Ngày... tháng 6.
Pulau Tengah một ngày nắng.
Trên đảo lúc nầy có khoảng hơn một ngàn dân tị nạn. Chia làm ba khu, Bắc đảo, Trung đảo và Nam đảo. Bắc đảo, đa số người Hoa cư ngụ. Trung đảo nơi cơ quan hành chánh thiết lập để đón người, làm thủ tục nhập đảo, văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, văn phòng đại diện, những lớp học dạy tiếng Anh, nơi lãnh nhu yếu phẩm, nơi phát quần áo mùng mền, trạm y tế… Thật cảm phục tinh thần vượt khó của các anh chị đã đến trước, từ một hoang đảo, nơi đây đã trở thành đất tạm dung của dân V.N bỏ xứ ra đi. Lác đác vài nơi trên bãi cát là những con thuyền, sau khi làm tròn bổn phận đưa người, giờ là nơi che chở nắng mưa cho gia đình. Những dãy lán cất sơ sài, mỗi gia đình được không gian khoảng 15 mét vuông. Cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng cũng tốt hơn những ngày lênh đênh trên biển, không nước uống, thức ăn cạn kiệt…
Tôi ở Nam đảo, gần biển, đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ bờ, không ngủ được, đầu óc suy nghĩ lung tung, nhìn hai con trong giấc ngủ thiên thần, cho dù, chuột chạy dưới chân, rệp cắn khắp mình mẩy, nhưng chúng vẫn vô tư, mạnh khỏe. B.T thường hỏi tôi “khi nào ba đến hả mẹ? Sao lâu quá mà ba chưa đến? ba có biết mình ở đây không?.. Tôi chỉ thở dài và ôm con vào lòng… Nam đảo cách Trung đảo khoảng 20 phút đi bộ, đa số là người Việt... Nơi đây, tôi đã gặp lại một số em học sinh P.Ký – Lê Hồng Phong, các em đi một mình, không có thân nhân. Thầy trò gặp nhau trong hoạn nạn, tủi tủi mừng mừng… Các em cũng giúp đỡ tôi rất nhiều, đi lấy nước, lãnh nhu yếu phẩm... Có hôm, thầy trò ra ngồi trên những ghềnh đá, nhắc nhở chuyện xưa, về mái trường, thầy bạn và cha mẹ anh em thân yêu còn ở lại quê nhà.. Thầy trò tôi thường suy nghĩ về một tương lai… vô định… nhưng luôn ấp ủ một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Nếu không phải sống trong cảnh đợi chờ, kẻ chờ được phái đoàn kêu lên phỏng vấn; khi bị phái đoàn nước nầy “xù” thì phải chờ phái đoàn nước khác; người thì có tên trong danh sách định cư, chờ ngày rời đảo… Mỗi người đều sống trong mẫu số chung “biết ra sao, ngày sau..” ... thì hòn đảo nầy thật tuyệt vời, những hàng dừa lả ngọn đêm trăng, bãi cát trắng mịn, sáng chiều tắm biển, những trưa hè kẽo kẹt võng đưa, tiếng cười nói từ căn lán nầy qua lán khác… Ngày qua ngày, chuyện thực phẩm ăn uống mỗi tuần đi lãnh một lần về tự nấu... thức ăn chủ yếu là gạo, cá mòi, thịt gà, một ít rau cải. Tính theo đầu người, mỗi gia đình, con nít có thêm sữa hộp. Thức ăn dư không thiếu. Củi thì lên rừng lượm về, nước xách lên từ giếng công cộng... Người còn vàng, đổi lấy tiền... hoặc có thân nhân chu cấp, cuộc sống phong lưu hơn, họ mua thêm cà phê, thuốc lá cùng những mặt hàng khác… từ tàu buôn bán của người Mã lai… Đã qua rồi những ngày khổ nạn, lênh đênh trên biển cả.
Ngày… tháng 6.
Tiễn đưa.
Dì dượng Ba tôi đã có tên đi Mỹ. Ngày đưa tiễn gia đình dì dượng lên tàu, rời đảo lên Kuala Lumpur, chờ chuyến bay… Biệt ly, không muốn khóc mà nước mắt cứ tuôn, kẻ rời đảo vui vẻ hân hoan, người ở lại buồn phận mình, không biết đến khi nao rời đảo, định cư. Dì Ba tôi, trước khi lên tàu, còn dặn dò tôi cố gắng chờ, khi qua đến Mỹ, dì dượng sẽ bảo lãnh cho ba mẹ con, tôi gật đầu cho dì yên dạ, lòng tự nhủ thầm…
Cám ơn dì dượng đã cưu mang, nhưng bây giờ, chẳng có nơi đâu là chốn quê mình, đi đâu cũng vậy thôi, con chỉ cần một nơi chốn bình yên, để nuôi các cháu lớn khôn, và điều mong mỏi hơn hết là một ngày nào,… lạy trời, cho chồng con đi được bình yên, gia đình sum họp.
Đêm… tháng sáu.
"Trời cao chìm rơi xuống đời.
Biết là bao sầu trên xứ người"
Hôm nay, gửi con cho cô Thu Hà giữ giùm, tôi ra bãi biển, ngồi một mình trên những tảng đá. Đêm xuống, bầu trời thật nhiều sao, xa xa là ánh đèn của cảng Mersing, tiếng sóng biển đã trở thành âm thanh quen thuộc... Nhớ quê hương, nhớ anh… không biết giờ nầy anh đang ở đâu, làm gì, có tìm được đường đi chưa, nếu ra đi, con tàu có được bình yên trong sóng gió, nguy hiểm trùng trùng, nếu đến được đất liền, tàu có bị kéo ra khơi, lại đi vào con đường sống chết…?
Tôi hồi tưởng lại giây phút được tàu Tây Đức cứu, đứng trên boong, nhìn lại chiếc tàu của mình, nhỏ như chiếc lá, nhấp nhô giữa đại dương, chiếc lá ấy đã chuyên chở 660 mạng người… Tạ ơn những tấm lòng nhân đạo, tạ ơn người, giữa phong ba đã dang tay cứu giúp.
Bãi biển Pulau Tengah.. "Trời cao chìm rơi xuống đời.. Biết là bao, sầu trên xứ người"
Ngày… tháng sáu.
Biển người mênh mông, biết đi đâu về đâu?
Đám học trò chúc mừng tôi đã được phái đoàn Canada nhận, nhưng các em cứ tiếc nuối… Sao cô không chờ đi Mỹ như tụi em? Cô đi rồi, tụi em sẽ buồn lắm!!!. Có ngày nào mình gặp lại không cô? mỗi đứa một câu, tôi biết trả lời sao? An ủi các em, khuyên gắng chờ đi Mỹ, đó là niềm ước mơ của các em, đó là miền đất Hứa cho tuổi trẻ với những hoài bão tốt đẹp, các em đi, mang theo hy vọng của mẹ cha ở quê nhà, đừng bao giờ thất hứa với những người đã đặt kỳ vọng nơi các em… Tiếng hát của Thu Hà
"Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa... "
Lời ca làm nhói đau con tim trong lồng ngực mỗi người, ngậm ngùi thân phận kẻ ly hương.
Chúng tôi, tuy bình thủy tương phùng, mấy tháng nay, nương tựa nhau, giúp đỡ nhau, vượt qua những khó khăn vất vả, chia nhau sự đợi chờ và hy vọng ở tương lai… Lúc nầy đây… khi nghĩ đến những ngã rẽ, khi từ biệt nhau, chúng tôi sẽ như chiếc lá trôi theo giòng đời… Có ai biết được ngày mai, đời mình sẽ ghé bến bình yên, hay lại đi vào bão tố? Góc bể chân trời, mỗi người định cư một nơi, còn có khi nào gặp lại nhau, hay trong cuộc sống mai sau, có ai được một lần trở về hòn đảo giữa biển khơi nầy để hồi tưởng lại những ngày hoạn nạn? Nhưng cho dù ở phương nào, thì những ngày sống nơi đây, sẽ là những dấu ấn, những kỷ niệm khắc sâu…
Thượng Trí Nguyễn