User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

tuoitho9

Xóm Cỏ nằm ở ven sông, dưới chân cầu Đá dẫn vào thành phố. Dọc theo bên bờ cỏ kết thành từng mảng thưa thớt lẫn vào với đám bùn đen lình bình rác rưởi. Từ trên cầu nhìn xuống những mái nhà nhỏ xíu nằm nối đuôi nhau bò ngúc ngoắc như một con rắn đang trườn bên triền sông. Lúc đó xóm Cỏ trông cũng nên thơ lắm. Nhất là vào mùa mưa, con nước dâng lên mấp mé bờ, từng đám lục bình trôi trên sông tím ngăn ngắt. Ban ngày tụi nhỏ trong xóm rủ nhau đi đặt trúm rình vớt tôm tép, cá mú theo mùa gió chướng trôi vào từ biển. Tối đến chúng dắt nhau len lỏi vào các vạt đồng trũng ở cuối sông soi nhái đem về bán cho mấy quán nhậu ở ngoài lộ.

Con nít ở đây dang nắng lội sình cả ngày nên đứa nào đứa nấy đen thui lui như cục sình ngoài bãi. Vậy mà tụi nó vui lắm, hồn nhiên như cây cỏ mây trời. Ngôi đình cuối xóm, dưới gốc cây điệp vàng mỗi khi có cơn gió đưa qua từng cánh hoa vàng rơi tả tơi đầy đất là nơi tụ tập của bọn trẻ những khi rảnh rỗi.

tuoitho8

Nhà thằng Lượm cất bên hông ngôi đình cũ ấy. Ngoại nó làm ông Từ trông nom ngôi đình cho cả xóm. Mỗi sáng khi nó còn đang nằm nướng trong giường đã nghe tiếng chổi của ngoại quét lá quèn quẹt trên sân rồi. Cửa chánh điện luôn đóng kín, chỉ những ngày lễ tết ngoại mới mở ra đón khách. Cánh cửa nhỏ bên hông nhìn ra ngoài vườn thì luôn bỏ ngõ. Thỉnh thoảng có vài người ghé qua thắp nén nhang, cúng bó huệ, nải chuối. Ngoại thường sai Lượm đi qua lau dọn bàn đèn thờ phượng ở bên đó. Trong đền thờ ngọn đèn trái ớt tú mù đặt trên bệ tỏa ra luồng ánh sáng leo lét chập chờn trước khuôn mặt của những pho tượng xưa luôn làm cho Lượm một cảm giác ớn lạnh sau gáy. Tụi nhỏ chơi giỡn ầm ầm ngoài sân nhưng không một đứa nào dám đặt chân một mình vào trong ngôi đình ấy. Vào những đêm trăng sáng khi đã hết chuyện để tán dóc, chúng thì thào kể cho nhau nghe những câu chuyện hoang đường bí ẩn lượm lặt được ở đâu đó. Thằng nhỏ mù bán vé xố là một kho đầy những chuyện ma quỷ rùng rợn lôi cuốn tụi nhỏ ngồi sát rạt bên nhau mà nuốt từng lời, từng chữ nó kể. Có đứa thắc mắc rất vô duyên: “Tại sao mày đui mà biết nhiều chuyện quá vậy?” Thằng nhỏ lơ mơ cái mặt ngước lên trời trả lời tỉnh rụi: “Tao đui chớ tao có điếc đâu mà hổng biết!”

tuoitho7

Ngày trước nhờ con chó vàng trung thành dẫn nó đi lang thang đây đó bán vé số kiếm sống. Từ ngày con chó dẫn đường của nó bị bắt cắp, nó đau xót như bị mất đi đôi mắt thêm một lần nữa. Khi ngoại tìm được nó nằm co quắp trên chiếc ghế đá ngoài công viên, trên tay còn nắm chặt sợi dây dắt chó loẹt quẹt trên nền đất. Ngoại dẫn nó về nhà nuôi nấng cho làm anh em kết nghĩa với Lượm. Cùng cảnh mồ côi Lượm thương nó như em ruột. Ngoại nhờ cô giáo xin cho nó vào lớp học tình thương của người mù. Ở đó nó được học chữ, dạy nghề thắt võng, đan giỏ. Cô giáo khen nó sáng dạ lắm làm Lượm cũng hãnh diện lây. Đã vậy nó còn có tài ca vọng cổ nghe mùi đứt ruột. Bao nhiêu tuồng tích trên đài phát thanh nó chỉ cần nghe qua vài lần là thuộc vanh vách. Tối nào bị cúp điện bà con bắc ghế ra sân ngồi hóng gió nghe nó ca tuồng Lục Vân Tiên khóc mẹ đến mù mắt là có người cũng sụt sùi, hỉ mũi rột rạt theo nó. Cái giọng xuống “xề” nghe sao cay đắng quá sức như có một nỗi xót xa nào đó không định được hình, được màu chỉ là một khoảng tối đen u ám, rưng rức nhớ thương. Ca riết mà chết luôn tên, bà Tám cháo vịt múc một tô cháo nóng hổi dành cho thằng Lục Vân Tiên ăn bồi dưỡng. Chú Năm thợ mộc xách cây đờn cò dính bụi treo mốc trên tường xuống lau chùi sạch sẽ để dạo lửng tửng tám câu vọng cổ cùng với Lục Vân Tiên. Xóm Cỏ từ ngày có nó chợt văn nghệ, văn gừng vui hơn trước.

tuoitho6

Cứ tưởng cái xóm nhỏ rồi cứ thế mà êm ả trôi. Đến gần ngày giáp Tết trong xóm xảy ra chuyện động trời làm nhốn nháo cả người lớn lẫn con nít. Trước hết là chuyện con vịt luộc của bà Tám cháo vịt không cánh mà bay. Bả bắc ghế ra trước cửa nhà ngồi chửi đến ba đời đứa nào dám chôm con vịt mới luộc của bà. Lúc đầu cả đám con nít nhốn nháo bu lại nghe bả mở máy y như được coi hát tuồng “Vợ thằng Đậu” có cô diễn viên gì đẹp đẹp, cái miệng leo lẻo chửi bài mất gà. Dần dần tụi nhỏ văng hết vì bả bắt đầu điểm mặt từng đứa rắn mắt trong xóm mà nói bóng gió xa xôi. Liên tiếp vài ngày sau đó, có nhà bỗng mất ổ bánh mì thịt, có nhà bị rinh đi cả dĩa cá nục mới chiên. Ngay cả đồ lễ cúng trên bệ thờ của ngôi đình nó cũng không tha! Tụinhỏ trong xóm ấm ức lắm. Tuy chúng có đôi lúc nghịch ngợm rắn mắt, bứt cái bông bụp nhà này, chọt chùm mận chín nhà kia nhưng để làm chuyện động trời kia thì không đứa nào dám rớ.

Thằng Còi đấm bình bịch bộ ngực lép kẹp của nó cằn nhằn:

– Thiệt là mắc cỡ quá! Bả nghĩ tao chôm con vịt để trả thù chuyện hôm trước tao lỡ đá quả banh vô nồi cháo vịt của bả. Hôm đó tao bị má tao uýnh tét mông rồi, đứa nào hông tin tao cho coi nè!

tuoitho5

Dĩ nhiên chắng có đứa nào muốn coi cái mông xẹp lép như cặp bánh tráng Hốc Môn của thằng Còi nhưng chúng bàn tán xôn xao ghê lắm về chuyện mất trộm. Đứa này vẽ ra một nhân vật hảo hán như các vị anh hùng Lương Sơn Bạc cần mượn đỡ con vịt luộc để giúp đỡ kẻ khốn cùng. Đứa kia dẩu mỏ cãi liền, Lương Sơn Bạc cái mốc xì, tối qua tao nằm sát cửa sổ nghe tiếng chân ai rột rạt sau hè, có cái bóng đen thùi lùi chớp qua cái rột. Dựng tóc gáy! Mấy đứa con gái rú lên: “Ma… ma…” ngồi bám dính lại với nhau.

Đề tài hấp dẫn đã được mở ra. Chúng châu đầu lại thay phiên nhau kể những câu chuyện ma rùng rợn nhất. Thằng Lượm khều thằng Còi ra góc đình bàn bạc:

– Tao với mày âm thầm điều tra chuyện này. Đừng nói cho đứa nào nghe, nhất là mấy cái miệng tà la của tụi con gái. Lộ tẩy hết! Chuyện đại sự chớ hỗng chơi đâu.

Thằng Còi gật gù:

– Ừa, mất mặt bầu cua quá! Chuyện này đổ bể tụi xóm nhà gạch ngoài phố nó cười cho thúi đầu nghen.

Xóm nhà gạch là dân sống ngoài phố. Lãnh thổ mỗi xóm được phân định từ chiếc cầu Đá ngoài lộ. Con nít xóm nhà gạch không có sân nên cứ phải ôm banh đi đá nhờ sân khác. Mỗi lần tụi nó muốn vào miếng đất trống ven sông để dợt banh là phải xin phép xóm nhà lá bên này. Tụi nhỏ không ưa nhau dù rằng vẫn đụng mặt hàng ngày trong sân trường. Xóm nhà gạch tiền bạc rủng rỉnh nên coi thuờng dân nhà lá. Tụi nó chỉ gườm mặt thằng Lượm vì nó to lớn nhất bọn và luôn được xếp hạng giỏi trong trường. Thủ lãnh của xóm nhà gạch là thằng Hán, nhà nó có xe bán xá xíu ngoài đầu ngõ. Được tẩm bổ bằng heo quay, phá lấu hàng ngày nên trông nó núng nính như một cái lu biết đi. Chiều chiều Lượm hay ra phụ ngoại sửa xe ngoài lộ thấy nó vừa mài dao, vừa bốc phá lấu cho vào miệng nhai nhồm nhoàm.

tuoitho4

Thằng Còi thì ghét thằng Hán ra mặt. Mỗi lần hai đội banh đụng nhau trên sân cỏ, thằng Còi đá trung phong thì thằng Hán đứng bên ngoài nháy thằng tiền vệ to như con trâu mộng đốn giò nó. Mối hận thằng Còi quăng gói heo quay vào mặt không chịu về đầu quân cho xóm nhà gạch vẫn còn âm ỉ đến giờ. Nó chỉ chờ cơ hội để mua chuộc lại “đôi chân vàng” của xóm nhà lá. Không biết đứa nào đã nội ứng cho thằng Hán về chuyện mất trộm mấy ngày nay. Buổi sáng, thằng Hán chặn đường thằng Còi chìa cái bánh bao to tướng nhăn nhở làm thân:

– Ê, Còi! Ăn sáng chưa? Cho mày cái bánh bao nè.

Thằng Còi ngửi mùi bánh thơm phức cũng thèm lắm nhưng nó biết tỏng mưu đồ của thằng Hán rồi nên gạt ngang bước qua. Thằng Hán đi theo sau lải nhải:

– Tao biết hết chuyện rồi. Tụi nó nghi mày ăn cắp con vịt luộc của bà Tám. Mày về đá cho đội của tao bảo đảm có vịt ăn mỗi ngày. Thằng Lượm là thằng…

Nó chưa dứt lời, thằng Còi quay lại lấy hết sức bình sinh đá cho một cú trời giáng vào ống chân thằng Hán:

– Muốn đá thì ông đá cho này!

tuoitho3

Thế là hai thằng lăn xả vào nhau đấm đá túi bụi. Thằng Hán chơi trò lấy thịt đè người, nó vật thằng Còi ra đất, đầu gối tì lên ngực, hai tay chặn lên cổ thằng Còi hét lên:

– Mày đầu hàng chưa?

Đang say men chiến thắng bỗng có ai nắm cổ áo nó kéo ra khỏi người thằng Còi. Quay lại, thì ra là thằng Lượm đang gườm gườm đôi mắt nhìn nó. Thằng Hán lùi lại thủ thế. Thằng Lượm cúi xuống kéo thằng Còi đứng lên, phủi bụi đất lấm lem dính đầy trên quần áo bạn mình rồi nói với thằng Hán:

– Mày đừng nhiều chuyện. Chùa nhà ai người đó giữ. Lần này tao cảnh cáo, lần sau đừng trách tao nghe.

Nhìn cái mặt lầm lì của nó, thằng Hán cũng ngán nhưng ráng gỡ gạc một câu cho hả tức:

– Ừa, tụi bay có giỏi thì tìm cho ra thằng nào ăn trộm đi. Nghèo tổ cha mà còn bày đặt!

Vừa dứt lời câu cuối là nó co giò chạy lạch bạch, cái mông núng nính tưng lên tưng xuống ì ạch loạch quạch phía sau làm đám con nít đứng coi cười rần rần.

Mấy ngày sau đó, hai thằng nhỏ cứ thập thò với nhau rì rầm chuyện gì hông ai biết. Thỉnh thoảng lại gặp thằng Còi khoác cái aó mưa dài lượt thượt của ba nó thêm cặp kiếng đen đi lù đù qua lại trong xóm, ngó ngang ngó dọc ra điều nghiêm trọng lắm. Còn thằng Lượm cứ tối đến chờ ngoại đi ngủ, nó ôm bịch vôi trắng đi rải quanh ngôi đình để lấy dấu chân thằng ăn trộm. Cái mưu kế tưởng rất thông minh này cũng không xong. Hôm nào trời khô, gió thổi bay đi hết mớ vôi mỏng dính rắc dưới đất đi đâu mất. Có đêm trời mưa xuống, sáng ra khi quét sân ngoại cằn nhằn, đứa nào rắn mắt đổ vôi ra dính tèm lem đầy sân vậy nè.

Thua keo này tụi nó bày keo khác. Hai thằng rủ nhau đi xin mấy cái ống lon sữa bò, mấy cái nắp chai cô ca, xá xị bằng thiếc rồi đập dẹp ra. Chỉ cần thêm hai cây que cà rem cắm ở hai bên cái lon, cột thung lại là chúng được một bộ máy báo động vô cùng tinh vi rồi. Nhưng dính vô cái nghề thám tử cũng không dễ ăn chút nào. Cứ tưởng tối đến trước khi đi ngủ chỉ cần đi một vòng quanh sân đình, cột chỉ nối hết mấy lon báo động, rồi chờ thằng ăn trộm vấp vào dây bẫy, miếng thiếc tuột ra đập vào cái lon kêu lên là nhảy ra chộp cổ ngay được. Tên đạo chích này cũng tinh ranh ghê lắm. Nó khéo léo không để bị mắc vào dây bẫy cứ y như nó có cặp mắt quang tuyến nhìn xuyên qua được bóng tối vậy đó.

Ì ạch mãi rồi cũng đến ngày ba mươi Tết mà vụ án “Xóm Cỏ” vẫn chưa tìm ra được manh mối. Tối đến có nhà còn cẩn thận đem mấy chậu bông chưng ngoài cửa vào cất trong nhà cho chắc ăn. Thằng Hán vẫn còn mối thù xưa, nó lượm đâu ra được bài vè dạy bọn con nít ngoài lộ hát um xùm:

tuoitho2

“Nghe vẻ nghè ve
Nghe vè xóm Cỏ
Trời mưa trời gió
Vác vó đi đơm
Về nhà ăn cơm
Trở ra mất vó
Rõ thật đồ chó
Lấy vó của tao.”

Hai nhà thám tử rầu rĩ lắm. Thằng Còi ngồi tựa cửa, ngửa mặt lên trời buông ra một câu sặc mùi “Tam quốc diễn nghĩa” ra cái điều đau xót lắm, chua chát lắm:

– Than ôi, trời đã sinh Còi sao còn sinh Hán!

Thằng Lượm cũng ỉu xìu như cái bánh tráng gặp mưa:

– Vụ này mà không xong thì tao ăn Tết cũng không nổi. Bọn thằng Hán sẽ không để cho xóm mình yên đâu. Mất mặt quá!

Thằng Lục Vân Tiên nãy giờ đang ngồi bên cửa sổ bện võng, nó đã nghe được hết chuyện của hai đứa kia bèn xen vào:

– Mấy anh có nhận thấy là thằng ăn trộm này chỉ chôm đồ ăn thôi mà không lấy một thứ gì khác không? Nó rất tham ăn, tại sao hai anh không dùng đồ ăn để “điệu hổ ly sơn” dụ nó ra khỏi rừng?

Thằng Còi vỗ mạnh vào đùi kêu cái đét, la lên:

– Đúng rồi, mày thiệt là thông minh y như thám tử Sơ-lốc-hôm thứ thiệt.

Thắng Lục Vân Tiên được khen, khoái chí cười tủm tỉm:

– Vậy tối nay đi canh trộm, mấy anh cho tui đi theo với.

Thằng Còi trợm mắt, bô bô cái miệng làm thằng Lượm đá chân nó không kịp.

– Trời ơi, mày đui mà đòi canh ai. Cho mày theo lỡ có chuyện gì cõng mày chạy không kịp!

– Hổng dám đâu nghe. Chưa biết ai cõng ai! Thằng Lục Vân Tiên trề môi.

– Có phải là tui vừa hiến kế cho mấy anh hông? Tui đui mà cái tai tui thính lắm đó. Con ruồi bay qua nghe tiếng gió thôi mà tui còn biết nó mập hay ốm nữa, nói chi thằng ăn trộm bự chình dình.

Thằng Lượm nhẩy vô giảng hoà:

– Ý kiến của thằng Lục Vân Tiên cũng hay đó. Tao bầu mày làm Gia Cát Khổng Minh nghe. Tối nay ba đứa mình phải tìm cho ra thủ phạm của vụ án này. Còn bây giờ, giải tán!

Chạng vạng tối, thằng Còi đã có mặt ngoài sân đình rồi. Nó lượm đâu ra cái áo lính rằn ri rộng thùng thình lại quẹt thêm hai vệt lọ nồi lên mặt trông cũng dữ dằn lắm. Gặp thằng Lượm dắt Lục Vân Tiên đi ra nó hỏi ngay:

– Mồi đâu?

tuoitho1

Thằng Lượm móc gói giấy báo lấy con cá mục chiên đặt bên hiên nhà. Xong rồi chúng nó dắt nhau chui vào bụi bông trang gần đó ngồi chờ. Thằng Lượm còn cẩn thận đem theo chiếc ná bắn thung để canh những con mèo hay ăn vụng cá. Con mèo mướp bên nhà bà Tám cháo vịt đánh hơi thấy mùi cá đã lò mò đi qua. Thằng Còi giành lấy cây ná trong tay thằng Lượm nói: “Để tao!” Nó giương cây ná lên nhắm ngay mông con mèo lia cái bốp! Con mèo đau quắn mông, kêu meo meo chạy mất.

Ngồi một chút nữa thì trời tối mịt. Đêm ba mươi có khác. Trời đất tù mù đen thui, dù rằng con ngõ nhỏ đã được soi sáng thêm bằng ánh đèn của những căn nhà đang thao thức chờ đón giao thừa. Đầu tóc tụi nhỏ đã thấy ẩm ướt sương đêm rơi xuống. Mùi trầm hương ngoại đốt trong ngôi đình toả mùi hương thoang thoảng. Gói mứt gừng cay xè thằng Còi đem theo để nhâm nhi cho tỉnh ngủ cũng đã hết sạch. Trong lúc thằng Cỏi đang gật gù dựa lưng vào bờ tường ngáy ro ro, hai con mắt thằng Lượm cũng đang nhíu vào nhau thì thằng Lục Vân Tiên chợt nắm áo thằng Lượm kéo mạnh:

– Anh có nghe thấy gì không? Tự dưng thằng Lượm bỗng ớn da gà, hỏi nhỏ.

– Nghe thấy cái gì?

– Nó! Nó đó. Thằng ăn trộm đó. Tui nghe tiếng bước chân của nó.

Lượm mở to mắt, ngồi thẳng người nhìn vào trong bóng đêm dầy đặc. Hình như có tiếng rột rạt sau vườn. Thằng Lượm nắm chặt cây chổi lông gà trong tay, chồm người ra phía trước nín thở chờ đợi. Bầu không khí chung quanh trở nên đặc quánh đến khó thở. Nó nghe tiếng tim mình đập bình bình trong lồng ngực. Một bóng đen từ phía sau vườn đang lướt tới, tiến lại gần đĩa cá nục đặt trước hiên. Dưới ánh sáng mờ ảo của đêm ba mươi bóng đen đó chợt dừng lại, xoay nhìn về phía bụi cây nơi tụi nhỏ đang ngồi. Bất chợt bóng đen chồm lên và rít một tiếng rên dài, nó lao thẳng vào bụi cây nơi tụi nhỏ đang ẩn trốn. Thằng Lục Vân Tiên đứng bật dậy. Bóng đen chồm lên người nó và… sủa ăng ẳng mừng rỡ. Thằng Lượm sững sờ, buông rơi cây chổi xuống chân, buộc miệng kêu lên: “Con Vàng!”

Tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ râm ran trong xóm nhỏ xen lẫn tiếng cười nói của hai đứa trẻ đã đánh thức thằng Còi tình giấc. Nó làu bàu tính cự thằng Lượm sao để nó ngủ quên. Nhìn thấy thằng Lục Vân Tiên đang quỳ gối dưới đất ôm con chó yêu quý tưởng đã mất tích trong nồi giả cầy trên bếp của mấy cái quán nhậu rồi. Nó ngạc nhiên vò mớ tóc bù xù lẩm bẩm: “Ủa, con Vàng đây sao. Còn thằng ăn trộm đâu rồi?” Lượm cười xòa vỗ nhẹ vào đôi vai khẳng khiu của thằng Còi thì thầm: “Từ nay không còn ăn trộm nữa đâu. Con Vàng sẽ giúp tụi mình canh giữ cái xóm nhỏ này.”

Bên ngôi đình, cửa chánh điện đã được mở rộng chào đón khách đến cúng lễ đầu năm. Ngoại mặc chiếc áo dài lam đứng bên bàn thờ đốt nhang cúng Phật, lâm râm khấn vái. Mùi nhang thơm tình khiết thoảng lên trong gió làm cho lòng người bỗng nhẹ hẳn đi. Xa xa có tiếng chuông chùa ngân vang chào đón phút giao thừa. Trong không khí thiêng liêng của một năm mới., cả ba đứa cùng đứng lên hướng nhìn về phía ngôi đền thờ. Không bảo nhau chúng tự tìm lấy bàn tay thân thiết của người bạn mình xiết nhẹ. Chậu cúc vàng bên bệ thờ lung linh ánh màu rực rỡ như tâm hồn trong sáng thơ ngây của bọn trẻ.

Có thể về sau này. Năm năm, mười năm, hay sáu bảy chục năm sau… khi chúng còn được ngồi bên nhau để cùng đón giao thừa, chắc chắn câu chuyện kể lại của ngày hôm nay sẽ làm cho những mái đầu bạc vương chút ngậm ngùi. Nhưng trong đời sống đã có mấy ai qua được những giây phút hồn nhiên, tìm được những tình bạn trong sáng chân thật mãi như thế đâu. Nên đối với một ngôi đình cũ trăm năm phơi gió, phơi sương như tôi, là người kể lại câu chuyện này, bọn trẻ ngày ấy là những đứa trẻ thật hạnh phúc trong thiên đường tuổi thơ của chúng.

Nguyên Tú My

Hình ảnh minh họa: Rarindra Prakarsa

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com