.
Cám ơn chị Thanh Thủy đã viết “Má và Ngoại”. Gợi lại trong tôi những kỷ niệm thời thơ ấu mà chị em chúng tôi không thể nào quên. Bài chị viết là cả một tấm lòng của đứa cháu gái gởi tới bà ngoại yêu dấu nay đã khuất xa. Nay tôi, đứa cháu trai tha phương viễn xứ, xin tiếp bút với chị Hai, chị Thanh Thủy, một vài kỷ niệm thân thiết gắn bó quê hương và bà ngoại của chúng tôi.
Đò từ từ rời bến, bỏ lại phía sau, một không gian ồn ào tấp nập của người dân Vĩnh Long sinh sống tại bến đò chợ cá tỉnh khi xưa. Nhẹ nhàng rẽ sóng, đò tiến về vùng đất đang trên đà phồn thịnh, cù lao An Bình, xã Bình Hòa Phước, Phú Phụng, Đồng Phú, những địa danh mãi sống trong tâm khảm của tôi. Giòng sông Tiền Giang bao la, quen thuộc mà hằng năm, mỗi hè gia đình tôi đều về quê thăm ngoại. Rời chợ Vĩnh Long, tôi đã cảm giác được khí hậu mát mẻ dịu dàng. Ra đến giữa giòng, đò chạy yên tỉnh hơn, ngồi trong khoang, tôi cảm thấy vài đợt sóng nhấp nhô thân thiết như vẫy chào đón. Vừa vào cửa sông của xã Bình Hòa Phước, đã nghe được tiếng chim hót, tiếng ve kêu sầu râm ran giữa trưa hè oi bức. Khuất lấp xa xa, những vườn nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng… sai oằn nhánh. Ven sông, hàng dừa lả bóng như muốn van xin chút mát mẻ của giòng nước đầy phù sa. Con đò tiếp tục “tành tạch,tành tạch”, đôi lúc tạm dừng, cập bến tiễn khách, tạm biệt một ngày cùng chuyến di hành.
Đến xã Phú Phụng, xã Đồng Phú, đò rẽ qua một nhánh sông lớn hơn. Đi về hướng trái là thị trấn Cái Bè; rẽ phải vô cửa sông nhỏ là cù lao Tân Phong. Với tôi, hai chữ “Tân Phong” thật dễ thương, vì có lẽ nó gợi lên trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, từ thơ ấu cho đến tuổi tập tễnh trưởng thành. Nhánh sông Tiền Giang, lớn nhất nhì sông Cửu Long, còn nhớ khi đò chạy qua con sông này phải mất khoảng 45 phút đến 1 giờ, vài đợt sóng lớn con đò tròng trành khi đưa lên, khi xuống nhưng vẫn là những ngọn sóng hiền hòa của quê ngoại. Từng vạt lục bình xanh tươi trôi theo từng cơn sóng. Lác đác xa xa, vài nhánh lục bình héo hon, lạc lõng, cố gắng xuôi theo giòng nước để hòa nhập với nhóm lục bình xanh tươi một cách vô vọng.
Đến cửa sông nhỏ là vào tới cù lao Tân Phong. Lòng tôi rạo rực, nôn nao, hiện rõ trên khuôn mặt là nỗi tự hào nghênh ngang có lẽ vì nhà ngoại tôi là ngôi nhà đặc biệt đầu tiên ở cù lao này. Đến cù lao Tân Phong hỏi ai, ai cũng biết, có lẽ vì thế mà tôi ngông nghênh? Động cơ từ từ giảm dần, đò chầm chậm ghé bến. Vừa bước lên cầu xi măng, một hàng dừa chen lẫn hàng cau xanh tươi, thẳng hàng như chào đón chúng tôi sau những tháng ngày xa cách. Ngoại tôi trồng cạnh cổng rào sắt, hàng kiểng đủ mọi màu xanh, đỏ, tím, vàng… Ngoài kiểng, ngoại có dậm thêm hoa huệ trắng thơm ngát, loài hoa mà ngoại rất thích. Hàng kiểng cao khoe sắc, lè tè khóm huệ trắng tinh khôi, làm tôi liên tưởng đến các cô thôn nữ mặc những chiếc áo bà ba đủ sắc màu mang guốc trắng đang vẫy tay chào đón mọi người.
Nói đến ngoại, bản thân tôi có nhiều hồi ức không thể quên được dù trăm nghìn năm vẫn mãi mãi trong lòng tôi. Ngoại tôi hiền lắm, giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi. Cả một đời bà chịu thương, chịu khổ mà tuyệt nhiên không than van, hờn trách. Lúc sanh tiền, bà sống rất giản dị, người làm công với chủ không cách biệt, thương người nghèo khổ, một tình thương vô bờ bến với con với cháu… còn nhiều … nhiều nữa… Ngoại đã một lần cứu sống tôi (lúc đó tôi khoảng 8 tuổi) trước cái chết trong gang tất vì bệnh, cũng chỉ vì không chịu về Vĩnh Long, đòi ở lại với ngoại thêm trong kỳ nghỉ hè. Cho đến ngày hôm nay chính tôi cũng không hiểu được tại sao? tại sao?.. Hè đến! ngày về chuẩn bị cho ngày khai trường, tôi tìm đủ mọi cách trốn lại để được ở lại bên Ngoại (chui xuống tủ thờ, gầm bàn, gầm giường…) chuyến đò khởi hành về Vĩnh Long 4 giờ sáng, tiếng còi báo của con đò nghe thật não nùng, buồn thảm. Biết chủ đò không chờ được tôi… khi nghe tiếng còi dần dần xa, lúc đó tôi mới chui ra thế là được ở lại thêm với ngoại nữa. Có lẽ ở với ngoại được thương yêu, chìều chuộng, mỗi sáng được đi chợ, ngủ với ngoại, phá phách không bị ai la rầy… (như những lời kể trong bài “Má và Ngoại“ của chị Thủy đã viết.) còn nhiều, nhiều nữa mà tôi không thể kể hết nơi đây. Lúc học cấp hai, mỗi kỳ nghỉ hè cũng tiếp tục “về với ngoại“ dù không còn phải trốn để được ở với ngoại nữa, và không còn phá phách như xưa, mà giờ thì phá làng phá xóm! Để hàng xóm gặp ngoại mắng vốn mấy trò nghịch ngợm của đàn cháu. Chúng tôi lấy đất, đá chọi những đàn vịt con của hàng xóm, mỗi đứa đếm chọi chết bao nhiêu con, đứa nào chọi chết được nhiều thì thắng cuộc. Chưa bao giờ chúng tôi biết ai thắng, ai thua vì lúc nào cũng bị người chủ vịt rượt đuổi chạy muốn tuột cả quần. Vậy mà lần sau gặp đàn vịt cũng tiếp tục chơi như thế. Trốn qua vườn hàng xóm, hái trộm trái cây ăn, chứ không hái ở vườn của ngoại, cũng bị rượt đuổi, chạy thục mạng. Cây cầu khỉ khó đi, có tay vịn, chúng tôi tháo lỏng tay vịn ngay giữa nhịp cầu, để khi ai đi qua bị té xuống ao, may mà tất cả các ao này đều cạn. Có chuyện này không bao giờ quên được, lúc đó rất khoái chí, tuy giờ nhớ lại thấy hối hận quá! Ngay cổng vào nhà ngoại phía tay trái có cây cầu bằng cây gòn dài khoảng 30m – 40m, trên cầu ngay nhịp giữa có một nhánh cây sầu riêng trong phần đất ngoại, trên nhánh cây có một tổ ong vò vẻ to gấp đôi trái bóng tròn, từ tổ ong cách nhịp cầu khoảng 10m, chúng tôi thường núp trong phần đất của ngoại chờ ai đó đi qua cầu gần tới giữa cầu là dùng đá chọi vào tổ ong, những con ong trong tổ vừa bay ra, chúng tôi đã chạy mất dạng bất cần biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra với người đó. Sau này biết có người bơi được thì nhảy xuống sông, không bơi được đành chịu… Đến nay không biết có khám phá chính cháu ngoại của Ông Bà Hai làm ra. Hy vọng ai là “nạn nhân” nếu biết được, xin tha thứ cho chúng tôi.
Cũng thời gian này, tôi học hỏi nhiều nơi quê ngoại, như bắt chuột trên cây dừa (thịt chuột ăn nghe nói rất ngon tôi chưa thử), tối đi cắm câu, bắt ốc, hến, quậy ao bắt tôm, tát ao bắt cá, trời mưa thì đi bắt ếch. Leo dừa, leo cao, trồng cây, bón phân…. thời gian này được ngoại giao cho việc làm mà tôi xem là oai hùng, rất hãnh diện đó là được đi ra vườn, việc làm mỗi ngày là đến giờ cơm trưa kêu những cô chú làm công nghỉ trưa và vào dùng cơm (khoảng chừng 10 người) tất cả họ làm ở mỗi khu vực khác nhau, nên phải biết rõ từng vị trí (những vị trí này có tên gọi thật ngộ nghỉnh, có khi nghe đến cũng phải rùng mình như : Miếu thổ thần – cầu đúc – gò ngói – gò mả – ranh tám quận – bụi tre – măng cụt….) sợ nhất là đi khu “gò mả” mỗi lần đi ngang khu này là chạy thục mạng, dở sống, dở chết, nếu từ chối không đi thì đâu còn oai hùng nữa nên phải ráng thôi, sau này tôi có hỏi ngoại tại sao đất ngoại có nhiều mồ mả quá vậy? Ngoại giải thích vì gia đình người ta nghèo, không có đất chôn, nên ngoại dành khu đất này cho những gia đình gặp khó khăn, khu này có tên là “gò mả“. Hàng năm Tết đến hoặc lễ Thanh Minh, ngoại cho người dọn, hoặc sửa chửa lại những ngôi mộ vô chủ (có lẽ vì cuộc sống khó khăn thân nhân những ngôi mộ này đã di chuyển đi nơi khác)
Lúc học cấp ba, tôi có thể về ngoại bằng hai đường như sau: từ Vĩnh Long đạp xe qua cầu Thiềng Đức, xuống bến bắc Cổ Chiên, qua bắc chạy khoảng 12Km (tôi không nhớ con đường vào để đi xuồng qua sông lớn) chỉ nhớ qua khỏi xã Phú Phụng, gặp nghĩa trang, chạy khoảng 1 km phía trái có một con đường nhỏ chạy thẳng ra sông lớn, người đưa đò đưa mình qua sông, từ đó có thể chạy xe thẳng tới nhà ngoại nếu đường đi khô ráo, còn nếu trời mưa không chạy xe được phải đi bộ.
Thích đi đường ngang qua chợ Phú Phụng (ảnhSOS)
Tôi rất thích đi bằng đường này vì nhanh lẹ và khi về xe chở đầy ấp trái cây. Từ Vĩnh Long đi xe lam đến bắc Mỹ Thuận, tôi thích đi tuyến này vì sẽ được cho thêm tiền ăn hàng, đến bắc Mỹ Thuận ai mà không ăn uống (thịt nướng, nem nướng, hủ tiú, chim rô ti, vịt quay, gà nướng, bắp nấu, khoai lang, khoai mì, chè đủ loại và tất cả các loại trái cây ngon nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long) qua bắc Mỹ Thuận, đến bến xe đi về huyện Cái Bè (lúc này gọi là huyện Cái Bè chứ không gọi là Thị Trấn và thuộc Tỉnh Tiền Giang, không thuộc Tỉnh Vĩnh Long nữa) xe đi đến ngã ba Cái Bè thì dừng lại tại bến xe cạnh quốc lộ 4, từ đây lên xe lam để đến chợ và bến đò, chờ chuyến đò 5 giờ chiều về cù lao Tân Phong. Nhắc đến Cái Bè tôi nhớ một kỷ niệm lúc tuổi chập chững trưởng thành, một mối tình cũng nẩy nở từ đây. Nhớ mỗi lần đi chợ với ngoại lúc nhỏ được ngoại mua cho nào là xôi, bắp, khoai, bánh cam, bánh còng. Đến khi tuổi lớn hơn ngoại hay mua bánh mì, bánh ú, bánh tét… khi tôi lớn hơn nữa mỗi lần đi với ngoại, bà không còn mua quà bánh cho tôi, không phải ngoại không thương tôi mà ngoại sợ tụi tôi mắc cỡ. Ngoại biết chúng tôi đã lớn, nên thường đưa tiền và kêu lên chợ vô quán ăn uống, hình như ngoại thấu hiểu hết tất cả các lứa tuổi của chúng tôi. Từ Cái Bè, con đò chiều 5 giờ rời bến, ngồi trên mui đò nhìn cảnh vật sau mà buồn não nề, mặt trời dần dần chìm xuống giòng sông, ánh sáng được thay đổi bằng những ngọn đèn dầu leo lét, vài cơn gió lành lạnh thổi qua, tôi chợt nghĩ sau cuộc đời mình từ thơ ấu đến chập chững trưởng thành đều gắn bó với những giòng sông “về với ngoại“. Những giòng sông khi phẳng lờ, lúc tung tăng vài cơn sóng nhỏ đôi khi giông tố dữ dằn khi đứng yên, khi chảy xiết, khi dâng cao, khi cạn giòng, phải chăng cuộc đời tôi cũng tương tự như những giòng sông ấy? Xa xa vài chiếc xuồng con với ngọn đèn dầu không đủ sáng, ánh sáng hình như chợt tắt rồi lóe lên, là người giăng câu có lẽ họ cố kiếm thêm vài con cá để cho buổi chợ ngày mai có thêm phần thu nhập, đó là cuộc sống hàng ngày của họ, cầu mong cho họ có một cuộc sống khá hơn. Vì chuyến đò khởi hành 5 giờ chiều nên lúc nào đến nhà ngoại cũng chập chờn tối. “Thằng T về kìa!” không bao giờ quên được câu mừng rỡ đầu tiên của ngoại, vài câu hỏi thăm tôi và gia đình, ngoại vội vàng xuống bếp lo lại thức ăn, khi dùng cơm ngoại ngồi bên trò chuyện thật vui tôi nhìn ánh mắt ngoại, tôi biết ngoại vui lắm…
Hai mươi sáu năm xa cách, cuộc sống bận rộn, hình như không có một giây phút nào để hướng về quê nhà. Tôi thường gọi điện thăm ngoại, cầm điện thoại một giờ, nhưng nói chuyện khoảng chừng 15 phút, nhớ mãi giọng nói của ngoại trong điện thoại “- Ngoại hả ngoại – Ừ, ngoại nè con – con T – Ngoại khỏe không? – Ừ ngoại khỏe – Chừng nào con về? – Con chưa về được, con bận lắm” không còn nghe ngoại nói gì nữa hết. Biết ngoại đang khóc, tôi và ngoại đều cầm điện thoại mà chẳng nói được gì, sau này tôi có hỏi ngoại:" – Ngoại có cần hoặc thích cái gì con gởi cho ngoại – Ngoại không cần gì hết, tụi con với mấy đứa nhỏ vui vẻ khỏe mạnh là ngoại mừng lắm rồi!" mỗi lần gọi điện thoại cho ngoại đều là như vậy. Năm 1999, tôi về thăm lại gia đình. Về quê ngoại, y như xưa, chúng tôi mướn đò từ chợ cá Vĩnh Long xuống nhà ngoại. Hàng dừa, hàng cau, hàng kiểng vẫn còn đây, nhưng chúng có vẻ yếu ớt hẳn. Sau 12 năm xa cách, chúng không hân hoan chào đón tôi như xưa, dường như chúng giận tôi vì sự ra đi không một lời từ biệt, hay thời gian đã làm héo mòn tuổi thanh xuân của chúng chăng? Vào bên trong cổng rào sắt phía tay trái là mộ ông ngoại, bên cạnh đó gia đình đã xây sẵn kim tĩnh dành cho Bà lúc trăm tuổi, phía sau mộ ộng ngoại là phần mộ má tôi. Ngoại đã già đi nhiều vẫn minh mẫn giọng nói cũng như ngày nào, tôi nhớ ngoại mặc nguyên bộ bà ba lụa trắng, bên ngoài khoác chiếc áo len, tôi chợt nhìn thấy ánh mắt ngoại lúc nào cũng hướng về tôi hoài, tôi biết có phần ngoại đang nhớ má tôi. Một ngày thăm ngoại thật là ngắn ngủi, trước khi trở về Mỹ tôi có về thăm ngoại một lần nữa, cũng một ngày bên ngoại, thời gian hôm ấy sau mà nhanh quá. Tôi hôn ngoại tạm biệt, Ngoại hôn tôi hai bên gò má, nước mắt ngoại trào ra, tôi an ủi “Ngoại đừng khóc con sẽ về thăm ngoại nữa”. Tôi quay mặt mình đi nơi khác cố giấu đi những giọt nước mắt, bước nhanh để chôn đi những cảm xúc nghẹn ngào. Nào có ngờ đâu đó là những cái hôn vĩnh biệt ngàn thu… không ngờ rằng sau này mỗi lần gọi điện thoại cho ngoại, bà cũng đều hỏi tôi “chừng nào con về?“ có lẽ lời nói lúc chia tay “ Ngoại đừng khóc con sẽ về….”
Ngoại tôi có lẽ nhớ hoài lời tôi hứa mà mãi mãi trông chờ tôi cho đến ngày Ngoại vĩnh viễn ra đi? Bây giờ ngoại vẫn chờ vẫn đợi đứa cháu này phải không ngoại? Ngoại con sẽ về với ngoại mà, sao ngoại không chờ con?. Nguyện rằng, dù trăm năm hay nghìn kiếp sau, cho con vẫn là cháu của ngoại thôi. Dù không được như ý nguyện, xin cho con vài giây phút trong mơ gặp ngoại của con.
Oregon, April, 2013
Võ Anh Tuấn