User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Anh Dắt Em Về Huế

Anh dắt em về Huế
Tắm mùa trăng yêu thương
Mùa này hương hoa bưởi
Ngan ngát đến se lòng...

Mình qua đò chợ Dinh
Không cần đi cầu mới
Mắt nhìn thay lời nói
Chiều mộng mị tình em!

Về cầu ngói Thanh Toàn
Mình lặng yên như ngói
Chỉ nụ hôn biết nói
Em đã thuộc về anh...

Qua tìm cau Nam Phổ
Thương biết mấy dây trầu
Đi xa ai không nhớ
Tiếng mạ gầy chiêm bao...

Anh dắt em về Huế
Tìm lại đồi Thiên An
Cỏ may ghim như thể
Ghim nhớ áo tình nhân!

Chừ thế giới… không cần
Chỉ mình em và anh
Là đủ rồi em hí?
Long lanh mắt Thiên Đàng!

Trần Dzạ Lữ



Quàng Vai Nhau Về Huế

Quàng vai nhau về Huế
Cùng dạo bước đường trăng
Tóc em nồng hương bưởi
Đêm gió nhiều giăng giăng…

Đưa nhau về Nam Giao
Ghé ngang qua Thành Nội
Mắt em nhìn nương náu
Tôn Nữ về tinh khôi

Qua cầu mười hai nhịp
Má em hồng phượng thắm
Bàn tay em âm ấm
Quấn quít vào tay anh

Nón bài thơ rộng vành
Che nắng mưa đời Mạ
Con còn khắc trong dạ
Tóc Mạ ngày xưa xanh

Cầm tay nhau về nhanh
Thăm hàng cau Vĩ Dạ
Núi Ngự ngắm giòng Hương
Soi bóng nghiêm trầm mặc

Đời có em thôi nhạt
Mưa Huế có là chi
Đủ hai mình nơi ni
Huế lung linh thiên đường

Sg, 18/3/2014
Khảo Mai



Khi Huế Đang Vào Đông

Khi Huế đang vào đông
Bàn tay anh nóng hổi
Trong hương sen, hương bưởi
Là bát ngát quê nhà...

Núi Ngự Bình bao xa
Có nghiêng chiều Đại Nội
Xưa mạ cha quá tội
Khi thắm nghĩa cau trầu

Nhìn Từ Hiếu bể dâu
Vẫn lướt qua năm tháng
Lời cầu hôn như nắng
Trước sân chùa rêu phong

Em qua đền Huyền Trân
Dọng hồi chuông tĩnh tại
Mắt ai cười thư thái
Bên cành sứ long lanh..

Đi ngược dốc Phú Cam
Nghe xuôi triền Bến Ngự
Bài Lộng Điệp (*) cư trú
Trong bốn dấu chân ngoan

Huế đang vào mùa đông
Mà ngỡ xuân vừa đến
Bờ vai anh tận hiến
Mái tóc em êm đềm...



Tương Giang

 

(*) Lộng Điệp: có nghĩa là 'bướm vờn trước gió'', một làn điệu Ca Huế dựa vào Cổ Bản với tính chất hưng phấn, rộn ràng.

 

Tìm các bài THƠ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com