
(Tập truyện Chuyện Cũ Phù Dung Trấn, tác giả Tiểu Lục Thần Phong, Tủ sách T. Vấn & Bạn Hữu xuất bản, tháng 7/2024)
Tập truyện ngắn “Chuyện Cũ Phù Dung Trấn” (CCPDT), là tác phẩm thứ 16 của Tiểu Lục Thần Phong (TLTP). Sách dày 362 trang, gồm 36 truyện ngắn, với những suy tư trăn trở về cuộc sống nơi quê nhà và cả nơi xứ xa, mà tác giả hiện đang sinh sống. Thấm đẫm những hiện thực của cuộc sống và gắn kết cả chuyện đời, chuyện đạo, gây ấn tượng và những suy ngẫm cho bạn đọc...
TLTP là cây bút quen thuộc của các tạp chí, báo và trang Web như Chánh Pháp, Việt Báo, Trẻ, Hoa Sen, T-Vấn, Thư viện Phật Việt, Quảng Đức, Hoa vô ưu v.v... Tác giả tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định. Hiện sinh sống và làm việc tại Georgia, Hoa Kỳ.
Mở đầu tập truyện, với lời đề tựa chân thật, mộc mạc như thay lời tâm sự của tác giả, đã nghe đâu đó như một “triết lý” của cuộc sống: “...Đời thăng- trầm như con nước xuống lên, người vẫn thịnh- suy chẳng như ý bao giờ. Sự thay đổi, biến hoại diễn ra trong từng phút giây ấy là đặc tính tự nhiên của thế giới này...
Chuyện cũ phù dung trấn này chẳng có chi để gọi là văn chương, chỉ là mớ chữ quê mùa, bình dân, giản dị. Nó chỉ là những câu chuyện đời thường được kể lại với một giọng thật thà, thiếu trau chuốt, không bóng bẩy và dĩ nhiên chẳng có bút pháp chi... Xứ sở thế nào thì con người thế ấy: Chuyện tình, chuyện đời, chuyện đạo, chuyện thế thái nhân tình, chuyện quốc gia thế sự... Người kể chuyện cứ thật thà kể mà chẳng chút làm màu, đôi khi nó đơn điệu và trần trụi như nó vốn thế!” (Trang 1, 2,3 )
36 câu chuyện, có những câu chuyện kể không có nhân vật, tác giả như người chứng kiến kể lại, tùy thuộc vào cảm xúc và tâm trạng của tác giả như “Chuyện đời chuyện đạo, Đêm nằm nghe đào rụng...”, có những chuyện có kết cấu và nhân vật, tác giả cũng khéo léo lồng vào những cảm xúc của mình, tạo nên ấn tượng và suy ngẫm cho người đọc như “Bá Hộ Làng Cảnh Dương, Đình Ông Đô, Đồng Hương, Đồng Nữ, v.v...”. Tuy nhiên xuyên suốt trong từng câu chuyện vẫn là “cái đạo ở đời, cái đạo làm người” như một sự chuyển hóa, luân hồi của nhân quả trong giáo lý của nhà Phật, góp phần bồi đắp cái tâm của người đọc, giúp người đọc “ngộ” ra nhiều điều dù chưa thật sự là “chân lý” cũng là điều khá thú vị trong cuộc sống.
Với mô tip quen thuộc là “gieo gió gặt bão”, “gieo nhân nào, gặt quả đó”, TLTP đã đưa ra những nhân vật, sự kiện để “chứng minh” bằng chính cuộc sống của xã hội dù xưa hay nay. Ông Bá hộ làng Cảnh Dương, một người ăn ở nhân đức, biết yêu thương người, dù họ thân phận tôi tớ, nên được mọi người yêu mến, hay chuyện “Tình”, “ Thằng Q”, đã khiến mọi người phải băn khoăn suy nghĩ vì lối sống. Điều quan trọng là trong từng câu chuyện của TLTP, dù là chuyện xưa, hay nay thì triết lý nhà Phật vẫn luôn được tác giả khéo léo đưa vào như một lời khuyên hữu ích.
Trọng tâm và cũng là câu chuyện cuối của tập truyện là truyện vừa “Chuyện Cũ Phù Dung Trấn”, kéo dài từ trang 223 cho đến trang 361, vừa có thể coi như một tự truyện về quãng đời niên thiếu của tác giả, và cũng là một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức về một “cố quận” (chữ của tác giả) từ quê nhà, một trấn nhỏ của tỉnh Bình Định, theo “phận nước nổi trôi”, kéo đến Sài Gòn, thành phố hoa lệ của miền Nam Việt Nam trước 1975 và ra cả phương ngoại “Ất lăng thành”, nơi TLTP hiện đang sinh sống và làm việc. Mở đầu câu chuyện, là những kỷ niệm hồn nhiên, ngây thơ của “lứa tuổi học trò”, khi còn học ở ngôi trường “Bồ Đề” (Tên gọi của hầu hết các trường do Phật giáo lập ra ở miền Nam thời bấy giờ) cùng những giải thích tinh tế của tác giả về căn nguyên của đạo Phật, giải thích cặn kẽ về “Nam Tông, Bắc Tông”, sự khác biệt về chùa với tịnh xá... qua những “thắc mắc” của người con trai, và lời giải thích tỉ mỉ của người cha là một Phật tử thuần thành, ngoan đạo... Người đọc còn bắt gặp ở đây những hồi tưởng về những hình ảnh một thời thơ ấu của hầu hết người miền Trung lúc bấy giờ ở quê nhà như “ mùa nước lũ, vớt củi trôi trên sông”, rồi “ma da, ma Hời, xe thổ mộ, mãi võ Sơn Đông, thuốc cao đơn hoàn tán, người Hoa, các tiệm thuốc Bắc của người tàu v.v...” cùng những kỷ niệm khó quên, của một trấn nhỏ, với người dân lam lũ, cần cù làm ăn và mua bán. Mà gia đình tác giả là hình ảnh tiêu biểu của người dân nghèo “mua gánh bán bưng”, sống trong không khí vừa hòa bình, êm đềm, song cũng chứng kiến hàng ngày những cảnh loạn lạc bởi các sắc quân phục Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân... thỉnh thoảng ngang qua trấn. Và cũng thông qua truyện, vẫn gợi nhớ những món ăn ngon của khu Chợ Lớn, Sài Gòn, công sức của những người dân Hoa kiều đến Việt Nam lập nghiệp, song không quên những bài học lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc của cha ông! Và tấm lòng nhân nghĩa, luôn hướng thiện, từ bi của những Phật tử người Việt, với đạo lý làm người luôn hướng đến những điều chân, thiện, mỹ...
TLTP là một cây viết, nhiều năng lực, vốn kiến thức về các điển tích, các từ ngữ Hán, Việt, được tác giả dẫn giải chuẩn xác, thuyết phục, đặc biệt là những trích dẫn về giáo lý và kinh Phật. Văn như tác giả tự nhận là “không văn chương, trau chuốt”, bình dị, dễ hiểu. Những hình ảnh, chi tiết truyện đưa ra, gần gũi với đời thường và đạo lý của con người, song do những câu chuyện ngắn ở đầu tác phẩm, gần như được “cắt” và “trích” ra từ truyện vừa CCPDT, nên người đọc ít... bất ngờ, và cảm thấy như lặp lại. Phải chăng đó cũng là điều cần nên tránh, để tác phẩm luôn mới lạ và hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối?...
TX, July, 27/ 2024
Chính Vũ