User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
fatherday 1
Cha và Hai Con Gái – Tranh: Victor Bauer (Nguồn: victor-bauer.blogspot.com/)
I/ Ngày Của Cha – Father’s Day

1.
Ngày Của Cha là một ngày lễ tôn vinh quyền làm cha, tôn vinh sự gắn kết gia đình, tôn vinh ảnh hưởng của những người cha trong xã hội. Tại các quốc gia Công giáo ở Châu Âu, nó đã được tổ chức vào ngày 19.03 (Ngày Thánh Giuse) kể từ thời Trung Cổ. Lễ kỷ niệm này được người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang sang Mỹ Latinh, nơi ngày 19.03 vẫn thường được sử dụng làm ngày lễ, mặc dù nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ lấy ngày theo nước Mỹ, đó là Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu.

Ngày kỷ niệm này thường được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến nhất là vào các tháng Ba, tháng Tư và tháng Sáu theo phong tục của từng quốc gia. Nó bổ sung cho các lễ kỷ niệm tương tự để tôn vinh các thành viên trong gia đình, như Ngày Của Mẹ, Ngày Của Anh Chị Em và Ngày Của Ông Bà. Phiên bản hiện đại Ngày Của Cha do Sonora Smart Dodd khởi xướng.

Ngoài Ngày Của Cha, còn có ngày quốc tế nam giới được tổ chức tại nhiều quốc gia vào ngày 19. 11, bao gồm cả những người đàn ông không phải, hoặc chưa phải là cha.

******
2.
Ở cộng đồng Công giáo châu Âu, Ngày Làm Cha được biết tới, bắt đầu từ ít nhất là vào năm 1508. Nó thường được tổ chức vào ngày 19. 03, là ngày lễ của Thánh Giuse, người được gọi là Nutritor Domini, Người Nuôi Dưỡng Chúa và cha đẻ giả định của Chúa Giêsu trong truyền thống Nam Âu. Lễ kỷ niệm này đã được đưa đến châu Mỹ bởi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giáo hội Công giáo tích cực ủng hộ phong tục kỷ niệm Ngày Làm Cha vào ngày Thánh Giuse, từ những năm cuối của XIV, hoặc từ đầu thế kỷ XV.

Tại nhà thờ chính thống Coplic Alexandria, lễ kỷ niệm làm cha cũng được tổ chức vào ngày Thánh Giuse, nhưng người Copl tuân theo lễ này vào ngày 20.07. Lễ kỷ niệm Coplic này có thể có từ thế kỷ V.

******
3.
Năm 1909, bà Sonora Smart Dodd, người sống ở Spokane, Washington, Hoa Kỳ, đã suy nghĩ sau khi tham dự Ngày Của Mẹ tại nhà thờ, tại sao không có một ngày lễ tương tự như Ngày Của Mẹ để tưởng nhớ những người cha như cha tôi?

Khi bà Dodd mười ba tuổi, người mẹ không may qua đời trong khi sinh con, để lại sáu đứa con. Cha của bà, ông William Smart trở thành người goá vợ và không tái hôn. Ông đã thay vợ nuôi dưỡng sáu đứa con của mình (bao gồm một đứa trẻ sơ sinh) tại một trang trại nông thôn ở miền Đông tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Năm 1909, ông Smart qua đời. Sau Lễ Tạ Ơn vào Ngày Của Mẹ, Bà Dude đã chia sẻ với Mục Sư nhà thờ Reimas về tình yêu và nỗ lực của cha mình trong việc nuôi dạy con cái, bà hy vọng sẽ có một ngày đặc biệt để tỏ lòng tôn kính với cha mình, Và để tưởng nhớ người cha vĩ đại của cả thế giới, bà đã đưa ra một đề nghị thành lập Ngày Của Cha, hy vọng rằng sẽ có một ngày lễ trên thế giới để tưởng nhớ lòng biết ơn tới người cha.

Sau khi nghe câu chuyện của bà Dodd, Mục Sư Reimas vô cùng xúc động trước tinh thần ông Smart và ủng hộ những nỗ lực của người con để thúc đẩy việc thành lập Ngày Của Cha. Vào mùa xuân năm 1910, bà bắt đầu khởi xướng Ngày Của Cha, sau đó nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức nhà thờ khác nhau. Bà cũng viết để bày tỏ suy nghĩ và đề xuất của mình với thị trưởng và chính quyền bang. Với những nỗ lực của bà Dodd, Thị Trưởng Spokane và Thống Đốc Washington đã đồng ý công nhận, và Washington đã tổ chức bữa tiệc Ngày của Cha đầu tiên trên thế giới vào ngày 19. 06.1910.

Năm 1924, Tổng Thống Mỹ Calvin Coolidge đã ủng hộ Ngày Của Cha như một ngày lễ quốc gia.

Năm 1966, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã thông báo chọn tháng sinh nhật của ông Smart là tháng Sáu năm đó là tháng Ngày Của Cha ở Hoa Kỳ.

Năm 1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon đã chính thức ký văn bản, đánh dấu ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 6 hàng năm là Ngày Của Cha tại Hoa Kỳ.

******
4.
Ngày 08.08.1945 (Dân Quốc thứ 34), tình hình chiến tranh Trung – Nhật dần trở nên sáng sủa, một số người yêu nước ở Thượng Hải đã phát động Ngày Của Cha để tưởng nhớ những người cha đã hy sinh mạng sống của họ trên chiến trường vì đất nước.

Sau chiến thắng của cuộc chiến chống Nhật, các nguyên lão trong Quốc Dân Đảng tại Thượng Hải, quyết định chọn ngày 08. 08 hàng năm cho Ngày Của Cha, quyết định đưa ra để cả nước làm theo.
 
Lý do chọn ngày 08.08 hàng năm vì phát âm trong tiếng Trung Quốc “bát bát” (tám tám) và “ba ba” (nghĩa là cha) nghe gần giống nhau. Ngoài ra chữ “bát bát” được ghép từ hai ký tự giống nhau, giống như từ “ba ba”. Do đó, ngày 08.08 được chỉ định là Ngày Của Cha.

******
5.
Những nơi có ăn mừng Ngày Của Cha là: thế giới Ả Rập, Argentina, Úc, Brazil, Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông, Ireland, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Seychelles, Nepal, New Zealand, Philippines, Romania, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan, Vương quốc Anh, Mỹ. Ở Việt Nam, ngày này chưa được phổ biến rộng, nhưng cũng có một số ít gia đình tại các thành phố lớn, nơi con cái đã từng đi học, đi làm ở nước ngoài, họ cũng tổ chức ngày này để tôn vinh các người cha.

Ngày Của Cha còn được nhắc đến trong văn hóa Thiên Chúa giáo, với việc kỷ niệm chung với ngày lễ Thánh Giuse 19. 03.

Ngày Chủ Nhật hôm nay của tháng Sáu là Ngày Của Cha tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Vương Quốc Liên Hiệp Anh, Canada, Ấn Độ, Argentina, Hungary, Nam Phi, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Pháp, Philippines, Singapore, Slovakia.

Tại Ý, Ngày Của Cha – Festa del Papa – tổ chức vào ngày lễ Thánh Giuse 19.03, theo truyền thống Công giáo, như là một kỳ nghỉ của gia đình. Học sinh Mẫu Giáo, Tiểu Học, hoặc mua những món quà nhỏ cho người cha, hoặc học thuộc những bài thơ, hoặc thực hiện những vở kịch nhỏ ở trường. Các quốc gia Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bolivia, Croatia, Honduras, Thụy Sĩ (một phần), Liechtenstein cũng kỷ niệm Ngày Của Cha vào ngày 19.03

Tại Đức, Ngày Của Cha được tổ chức khác với các nơi trên thế giới, và luôn luôn tổ chức vào Lễ Thăng Thiên (ngày thứ bốn mươi, sau lễ Phục Sinh, vào tháng Năm hoặc tháng Sáu), và là một ngày lễ liên bang, còn được gọi là Ngày Của Đàn Ông, hoặc Ngày Quý Ông.

Theo truyền thống, các nhóm nam giới, trừ các em trước tuổi trưởng thành, sẽ làm một tour đi bộ đường dài với một toa xe nhỏ gọi là Bollerwagen, kéo bằng sức người. Trong toa xe là rượu hoặc bia (theo vùng) và thực phẩm truyền thống của vùng (Hausmannskost). Truyền thống này có thể bắt nguồn từ những cuộc rước kiệu của Chúa Kitô đến những vùng nông nghiệp đã được cử hành từ thế kỷ XVIII. Đàn ông sẽ ngồi trong một cái giỏ hay là xe bằng gỗ và mang tới quảng trường của thị trấn, và Thị Trưởng sẽ trao giải cho người cha có nhiều con, thường là một miếng thịt heo lớn.

Tại Hoa Kỳ, thông thường, các gia đình tụ tập để kỷ niệm vai trò của người cha trong cuộc sống của họ. Trong những năm gần đây, các nhà bán lẻ đã thích nghi với ngày lễ bằng cách thúc đẩy thiệp chúc mừng và quà tặng truyền thống nam tính như thiết bị điện tử và công cụ của thợ sửa chữa. Trường học và các chương trình trẻ em khác thường có các hoạt động để làm quà tặng Ngày Của Cha. Vào ngày này, nam giới thường tổ chức các sinh hoạt thể thao hay là cắm trại ngoài trời.

Tại Trung Quốc, vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Ngày Của Cha được tổ chức vào ngày 8 tháng 8, số 8 trong tiếng Hoa đọc âm gần giống như ba và hai số tám đọc thành ba-ba, âm thanh tương tự như các từ ngữ thông tục cho cha.

Tại Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Li Băng, Uganda, Syria, Jordan là ngày 21. 06. Tại Úc, New Zealand, Papua New Guinea là ngày Chủ Nhật đầu tiên trong tháng Chín.

Tại Thái Lan, Ngày Của Cha được thiết lập vào 05.12, vì đây là ngày sinh của vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX). Theo truyền thống, người Thái ăn mừng bằng cách tặng cha hay ông nội của họ một hoa Canna thuộc Chi Dong Riềng, đầy vẻ nam tính. Người Thái sẽ mặc màu vàng vào ngày này để tôn trọng nhà vua, bởi vì màu vàng là màu của ngày thứ Hai, ngày vua Bhumibol ra đời.

Tại Việt Nam, Ngày Của Cha chưa chính thức trở thành lễ kỷ niệm trên toàn quốc, nhưng nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng. Các bạn thường lấy ngày phép về thăm gia đình, hoặc tự tay nấu bữa ăn. Đối với những người ở xa thì có thể gọi điện, là một lời chúc, lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Hoặc có thể lựa chọn những món quà ý nghĩa, thiết thực tặng cha.

Trong truyền thống Công Giáo La Mã, Ngày Của Cha được cử hành vào ngày lễ Thánh Giuse, 19. 03, để tôn vinh người cha tinh thần, thường là Linh Mục giáo xứ của họ, mặc dù ở một số quốc gia, Ngày Của Cha đã dần trở thành một ngày lễ kỷ niệm thế tục.

******
II/ Người Cha Trong Thơ Ca Và Âm Nhạc

1. Người Cha Trong Thơ Ca

Cha trong ca dao, tục ngữ, trong thơ, thì nhiều lắm lắm, nêu ra, có mà cả ngày.

Nào là: công cha như núi Thái Sơn. Nào là: ơn cha nặng lắm ai ơi.

Rồi thì: còn cha gót đỏ như son / một mai cha mất gót con lấm bùn. Rồi thì: ơn cha dưỡng dục bằng non; ơn cha bóng núi âm thầm.

Chưa hết: khi con tát cạn biển Đông / thì con mới hiểu tấm lòng của cha. Rồi đây nữa: Cha một đời oằn vai gánh nặng. Hay: con giữ cha, gà giữ ổ.

******
Còn thơ thì, tôi nhớ hoài, một bài thơ đã từng làm tim tôi rúng động. Không phải là bài thơ con viết cho cha, con viết về cha, con ca ngợi cha, mà ngược lại, đó là lời từ biệt của người cha đối với con của mình, khi con gặp tai nạn bất ngờ, và qua đời trong sự đau đớn tột cùng của người cha.

Khi cha mất con, con chỉ vừa ngưỡng tuổi hai mươi, thanh xuân, tươi trẻ, xinh đẹp, giỏi giang. Đó là bài thơ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, khóc con của mình, Đỗ Châu La Ngà, một bác sĩ tương lai.

Đọc, để biết cha thương con đến thế nào

Tình Yêu

Trước mộ con còn ướt
Ba nói với bạn bè ba rằng
Hãy yêu thương con mình cách khác
Đừng như ba

Giấu kín trong lòng
Bởi tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sự dư thừa

Ba đã sai lầm bao nhiêu
Hãy tỏ bày đi
Vồ vập đi
Âu yếm ồn ào đi

Tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu

Vì cứ chờ cứ đợi
Có biết đâu
Đời như mây nổi
Như gió thổi

Như chiêm bao
Ơi bài học tự thuở nào
Sao bây giờ mới hiểu
Muốn vồ vập con hôm nay

Muốn âu yếm con mãi mãi
Thì đã muộn rồi
Có bao giờ thừa thãi
Tình yêu?
(1990)

Vậy thì các bạn ơi, đừng nén, đừng giấu sự thương yêu trong lòng. Vì chẳng có lý do nào hợp lý cho việc che đậy những tình yêu thiêng liêng ấy.

Tình yêu cho cha, có bao giờ cho đủ?
Tình yêu cho cha, có đâu sự dư thừa?
Tình yêu cho cha, sao phải chờ, phải đợi?

Hãy nói thật nhiều lời yêu thương khi còn có thể.
 
******
2. Người Cha Trong Âm Nhạc
 
Nhạc Việt, phải kể đến các ca khúc như: Cha Và Con Gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Sao Cha Không của Phan Mạnh Quỳnh. Cha Và Con của nhóm Bức Tường. Làm Cha của Dương Trường Giang. Cảm Ơn Cha của Nguyễn Hồng Thuận. Cha của Anh Tuấn. Ba Kể Con Nghe của Nguyễn Hải Phong. Cây Vĩ Cầm của Lê Yến Hoa.
 
Nhạc nước ngoài thì có các ca khúc như: Father And Son của nhạc sĩ người Anh Cat Stevens. The Father’s Day Song của Bryant Oden. Thank You For Being My Dad của Jon Barker. Father And Daughter của Paul Simon. Seeing My Father In Me của Paul Overstreet. Daddy’s Little Girl của nhóm The Shires. That’s My Job của Conway Twitty. Daddy’s Hands của Holly Dunn. My Old Man của Zac Brown Band.
 
 
Nhưng hay và đặc biệt nhứt, vẫn là ca khúc vinh danh Papa của Paul Anka, một nhạc phẩm Pop xúc động về tình phụ tử, được viết bởi nhạc sĩ người Canada, sinh năm 1941, một trong những khuôn mặt được yêu thích của giới trẻ vào cuối thập niên năm mươi của thế kỷ XX.
 
Papa ra mắt vào năm 1974, cho đến nay, đã vừa tròn năm mươi năm. Thế mà, chưa một ca khúc nào có thể qua mặt được nó, kể cả về nội dung, giai điệu lẫn số lượng người hâm mộ, yêu thích.
 
Được coi là ca khúc kinh điển nhất về cha, Papa của nam ca sĩ Paul Anka đã từng được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Những ca từ đầy ý nghĩa về tình yêu thương vô bờ bến của một người chồng dành cho vợ và của một người cha dành cho các con mình, đã làm đắm say biết bao thế hệ người yêu nhạc.
 
Papa là lời kể của một người con khi hồi tưởng lại quá khứ cùng với nỗi nhớ cha da diết. Người cha trong ca khúc đã trải qua biết bao vất vả, khó khăn và cả những giọt nước mắt của sự hy sinh thầm lặng để đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình mình.
 
Có những lúc tưởng như người cha ấy đã gục ngã trước những đắng cay, oan nghiệt của cuộc sống. Nhưng không, ông vẫn luôn mạnh mẽ và vững vàng để nuôi dạy con mình nên người. Papa mang một lời nhắn nhủ rằng: Cha luôn là người vĩ đại nhất và là tấm gương sáng nhất để con cái noi theo.
 
******
Papa
 
Every day my papa would work
To help to make ends meet
To see that we would eat
Keep those shoes upon my feet
 
Every night my papa would take and
Tuck me in my bed
Kiss me on my head
After all my prayers were said
 
Growing up with him was easy
Time just flew on by
The years began to fly
He aged and so did I
 
I could tell that mama wasn’t well
Papa knew and deep down so did she, so did she
When she died, Papa broke down and cried
All he said was, God, why not take me
 
Every night he sat there sleeping
In his walkin’ chair
He never went upstairs
All because she wasn’t there
 
Then one day my papa said
Son, I’m proud the way you’ve grown
Make it on your own
Oh, I’ll be ok alone
 
Every time I kiss my children
Papa’s words ring true
Your children live through you
They’ll grow and leave you, too
 
I remember every word
My papa used to say
I live that every day
He taught me well that way
 
Every night, my papa would take me
And tuck me in my bed
Kiss me on my head
All my prayers were said
 
Every night, my papa would take me
And tuck me in my bed
Tuck me in my bed
All my prayers were said.
 
******
Dịch sang tiếng Việt:
 
Người Cha
 
Ngày qua ngày, cha tôi đều làm việc
Để trang trải cho cuộc sống
Để cho chúng tôi sẽ luôn có cái ăn
Để giữ cho đôi giày luôn trên chân tôi
 
Hằng đêm, cha tôi lại vỗ về tôi
Và đặt tôi vào giường của mình
Cha lại hôn lên trán tôi
Sau khi hai cha con cầu nguyện
 
Tôi lớn lên trong vòng tay của cha thật dễ dàng
Thời gian cứ thế trôi qua
Năm tháng lại vùn vụt trôi đi
Giờ đây cha đã có tuổi và tôi đã lớn khôn
 
Và tôi nhận thấy rằng
Mẹ tôi, bà ấy không còn trẻ nữa
Cha biết và sâu thẳm trong lòng mẹ chỉ lặng yên
Mẹ chỉ lặng yên
 
Khi mẹ ra đi mãi mãi
Cha tôi tan nát cõi lòng và ông đã khóc
Cha chỉ nói, Chúa ơi
Sao người không mang con đi theo
 
Hàng đêm, cha ngồi đó
Và thiếp đi trên chiếc ghế đu đưa
Ông ấy không bao giờ bước lên lầu nữa
Tất cả là bởi mẹ không còn ở đó nữa
 
Rồi một ngày cha gọi tôi và nói
Con trai à, cha tự hào vì con đã khôn lớn
Hãy bước ra và làm chủ cuộc đời của riêng con
Đừng lo cho cha, cha ở một mình ổn mà
 
Mỗi khi tôi hôn những đứa con của mình
Những lời cha nói lại vang lên chân thực
Con cái con là cuộc sống của con
Chúng sẽ trưởng thành và cũng sẽ ra đi như con
 
Tôi luôn ghi nhớ mọi lời nói
Những lời mà cha dạy
Và tôi sống như thế mỗi ngày
Cha đã dạy tôi khôn lớn bằng cách đó
 
Hằng đêm, cha tôi lại vỗ về tôi
Và đặt tôi vào chiếc giường của mình
Ông hôn lên trán tôi
Sau khi cả hai cha con cùng cầu nguyện
 
Hằng đêm, cha tôi lại vỗ về tôi
Và đặt tôi vào chiếc giường của mình
Gieo hơi ấm vào chiếc giường của tôi
Sau những lời hai cha con cùng cầu nguyện.
 
******
Lời Việt của nhạc sĩ, ca sĩ Trung Hành:
 
Người Cha Dấu Yêu
 
Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo
Nhớ đến năm xưa còn bé đêm đêm về cha hôn trán con
 
Mãi khắc ghi trong tim nhiều lời khuyên của người với bao tình thương
Hãy sống sao cho thật tốt không lo đời chê ta xấu xa
 
Sống với cha êm như làn mây trắng đời vẫn trôi nhẹ trôi
Với tháng năm qua lặng lẽ cha đã già theo con lớn khôn
 
I could tell
That mama wasn’t well
Papa knew and deep down so did she
So did she
 
When she died
My papa broke down and cried
All he said was, God
Why not take me?
 
Sẽ khắc ghi trong tim lời khuyên của người với bao tình thương
Có tháng năm trôi tựa gió ôi cha già cha có biết không
 
Mãi khắc ghi trong tim nhiều lời khuyên của người chứa chan tình thương
Sống sao cho thật tốt không cho đời ai chê trách mình.
 
******
III/ Người Cha Dấu Yêu
 
Tại sao phải đợi đến Ngày Của Cha?
 
Vì ngày đó, ta mới được nghỉ? Vì ngày đó, ta mới rảnh rỗi để mua quà? Vì ngày đó, nếu không thăm cha, nếu không có quà cho cha, cha sẽ buồn?
 
Không cần rình rang, không cần lớn lao, to tát chi. Lâu lâu, đôi, ba ngày, một cuộc gọi, một tin nhắn, ba khỏe không ba? Thấy gì ngon, thấy gì hay, thấy gì cha thường thích, ghé mua, tạt qua về nhà, gõ cửa phòng cha, đưa món quà, hỏi, đúng ý ba hơm ba? Rồi nhận lại từ ba một cái gật đầu. Nhận lại từ ba ngón tay cái đưa lên. Thấy lòng rộn vui xiết bao.
 
Là mình vui.
 
Không ai có thể đoán trước được điều gì. Nên cố gắng đừng hẹn với lòng mình, đừng tặc lưỡi một cái, thôi cuối tháng này, thôi cuối tuần này, dzìa nhà thăm ba cũng được mà.
 
Có ai đó nói nhỉ, hãy sống như bạn sẽ chết ngày mai, à, ông Mahatma Gandhi. Thì bây giờ, sửa lại chút, hãy cứ đối xử với cha mình, người thân mình, như thể, họ chỉ còn hôm nay để sống.
 
Ưu tiên cho ba, thời gian và tình cảm, chuyện đó dễ thương xiết bao. Và nhớ nữa, những lời ba dặn: Con trai à, cha tự hào vì con đã khôn lớn. Hãy bước ra và làm chủ cuộc đời của riêng con. Đừng lo cho cha, cha ở một mình ổn mà. Con cái con mới là cuộc sống của con.
 
Hãy sống như thế, mỗi ngày, và.
 
Mãi Khắc Ghi Trong Tim Lời Khuyên Của Người!
 
Sài Gòn 16.06.2024
Phạm Hiền Mây

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com