
Phạm Duy là một người rất tham lam, và đó là cái tham lam kỳ tài, tham lam tạo ra sự sống. Tôi mạn phép mượn cách nói văn hoa của người đời khi nói về ái tình, chỉ đổi chữ một chút, ví von thế này: “Hầu như tất cả nhà thơ Việt Nam đã đi qua đời Phạm Duy rồi.”
Khi tôi nói “đời” đây, chẳng có gì khác hơn, chính là nhạc của ông. Kể ra thì vô số, như Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Hữu Loan, Lê Thị Ý, Cung Trầm Tưởng, Minh Đức Hoài Trinh… thậm chí cho đến thi nhân sống trước ông hơn trăm năm, cũng rơi vào “đời” Phạm Duy, cùng ông để lại kiệt tác cuối cùng – Minh Hoạ Kiều, trước khi “người hát rong của thế kỷ” rời cuộc sống.

Ảnh: Tư liệu trang phamduy.com
Hình ảnh Truyện Kiều trong nhạc Phạm Duy
Phạm Duy là người rất say mê tác phẩm kinh điển Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du. Ai tìm hiểu về cuộc đời Phạm Duy cũng biết ông là người rất yêu thơ. Trước khi bắt tay vào làm Minh Hoạ Kiều, ông đã một lần để linh hồn của điển tích này xuất hiện trong phần ba của trường ca “Con Đường Cái Quan” (Vào Miền Nam) ông sáng tác từ năm 1954 đến 1960. Đó là bài hát “Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng”.
“Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dzìa
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề (mà) nhún nhẳn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai”
Phạm Duy đã mượn đúng bốn từ “đền nghì trúc mai” trong câu 708 của Truyện Kiều để diễn tả tâm ý của người vợ tiết hạnh, khi đã nên duyên nên nợ thì nguyện cả đời theo chồng, tình nghĩa khắng khít như cây trúc, cây mai.
“Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (Truyện Kiều)
Chỉ khác là, duyên nợ ba sinh trong Truyện Kiều là những câu thơ lúc Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh. Trước khi theo họ Mã về Lâm Tri, Kiều ngồi một mình đối bóng với đèn khuya, nhớ mối tình đã giao ước với chàng Kim nay phải dở dang, đau lòng nguyện ước nếu “tái sinh chưa dứt hương thề” thì sẽ “làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”
Còn “đền nghì trúc mai” của “Đi đâu cho thiếp theo cùng” trong “Con đường cái quan” của Phạm Duy là lời ngỏ ý duyên dáng, chắc “như đinh đóng cột” của người miền Nam thuỷ chung. Đại khái là, “hổng nên duyên nên nợ thì tui lên đò ngang tui dìa với tía má. Còn hợp ý ông tơ bà nguyệt, thì tui nguyện cả đời nâng khăn sửa túi. Tui hứa đó nhen.”
Năm 1977, trong bản nhạc “Nguyên Vẹn Hình Hài”, ông trọn vẹn nhắc đến Truyện Kiều với niềm tự hào vô biên về thi tài của dân tộc mình:
“Ai có về biển dài cát rộng
Nơi công dân nào cũng làm thơ
Tôi hết thuộc lời vàng châu ngọc
Xin ru tôi nghe truyện Kiều xưa…
Quê hương tôi thi vị đầy trời
Con tim tôi luôn được đầy vơi…”
‘Minh Hoạ Kiều’ – Tác phẩm cuối cùng
Trở lại với Minh Hoạ Kiều, ông hoàn tất ba phần đầu trong thời gian ở hải ngoại, “sau đó thì tịch ngòi” – theo lời ông nói. Cho đến khi về Việt Nam, ông và con trai Duy Cường mới hoàn tất hoàn toàn phần thứ tư.
Phạm Duy biết trước, Minh Hoạ Kiều chính là tác phẩm cuối đời của ông. Ông chọn Truyện Kiều vì “thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam trong khi tôi đã giã từ loại nhạc thế tục để đi vào loại nhạc tâm linh. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên tôi muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi để làm nơi tự tình cho những ai đã chót lìa nhau, đã chót xa nhau hơn nửa thế kỷ.” (trích Truyện Kiều Và Tôi – Vài Lời Về Nhạc Phẩm Cuối Đời).
Bốn phần của Minh Hoạ Kiều không bao gồm tất cả hơn 3000 câu thơ của Nguyễn Du. Phạm Duy chỉ trích những câu chủ chốt để MINH HOẠ 15 năm trầm luân của nàng Kiều trong bốn phần:
- Mở đầu: Giới thiệu không gian, thời gian, nhân vật.
- Phần Một : Kiều gặp Đạm Tiên, bị hồn Đạm Tiên mê hoặc, đeo bám suốt 15 năm lưu lạc.
- Phần Hai : Kiều gặp Kim Trọng, mối tình sâu đậm nhưng không trọn vẹn.
- Phần Ba : Kiều bước vào cuộc đời luân lạc, gặp những kẻ hãm hại nàng, như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư…
- Phần Bốn : Kiều gặp anh hùng Từ Hải, một bước lên ngôi phu nhân, nhưng rồi Từ Hải cũng vì nàng mà phải chết đứng.
- Kết: Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường
Với Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, chúng ta sẽ “THẤY” rõ cái bi kịch của thân phận tài sắc trước định mạng. Với Minh Hoạ Kiều của Phạm Duy, chúng ta vừa được THẤY, vừa được NGHE. Có vẻ như ông đã gom góp hết sức lực và tất cả những tinh tuý ông thu nhặt được suốt cả đời sáng tác để đặt vào tác phẩm cuối đời này.

Ảnh: Tư liệu trang phamduy.com
Bốn phần của Minh Hoạ Kiều là sự kết hợp, giao hoà âm sắc của các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, trống, phách…với các nhạc cụ đương đại phương Tây. Theo Phạm Duy giải thích, “minh hoạ là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm.” Ông đã làm đúng như thế.
“Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh / Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” thì phải được minh hoạ bằng giai điệu tráng lệ, hào hùng. Ông diễn giải: “Có pha âm sắc của nhạc Trung Quốc bởi vì đây là thời Gia Tĩnh Triều Minh.”
Cụ Nguyễn Du cho chúng ta hình dung bức tranh “ngày Xuân con én đưa thoi” với cánh đồng cỏ non xanh ngát chân trời, thì Phạm Duy cho chúng ta nghe được cả tiếng chim hót, tiếng suối chảy, cảm được âm thanh của ngày Xuân tươi đẹp đang bủa vây quanh mình.

Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy trong buổi ra mắt Minh Hoạ Kiều 1 và 2 do Thư viện Diên Hồng, Paris tổ chức. Ảnh: Tư liệu Thư viện Diên Hồng.
Trong một lần hiếm hoi, Giáo sư Trần Văn Khê nói về nhạc Phạm Duy: “Không chỉ bằng sự đa dạng, phong phú thôi, mà Phạm Duy đã dám phá cách lục bát để thực hiện được những điều mà cụ Nguyễn Du mong muốn.”

Phá cách đây có thể hiểu là cắt, đảo, lặp lại câu từ. Cụ Nguyễn Du kể rằng:
“Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lẹ nép vào dưới hoa”
Và Phạm Duy đã “minh hoạ” lại bằng câu hát:
“Chàng Vương quen mặt ra chào
Khép nép dưới hoa
Khép nép dưới hoa
Hai Kiều”
Đảo từ như thế, cộng thêm lời ca/ngâm, thật rõ ràng như thể trước mắt, hình ảnh hai giai nhân Thuý Kiều, Thuý Vân đang e lệ bên khóm hoa, kia là chàng Vương Quan hớn hở bước đến chào người quen.
Hoặc:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
được Phạm Duy minh hoạ rằng:
“Dập dìu tài tử y ý
Dập dìu giai nhân ý y
Ngựa xe như nước ư ứ
Áo quần như nêm ừ ư…”
Một hình ảnh đông vui, náo nhiệt của lễ hội Thanh Minh. Người thường thường thì đi bộ, kẻ cao sang thì đi võng, cỡi ngựa. Âm nhạc, giai điệu vui tươi, phấn khởi. Nhắm mắt mà nghe, cứ như mình đang đi lạc trong dòng người trẩy hội mấy trăm năm trước.
Phối hợp nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ tân thời, hoà hợp dân ca, điệu hò của ba miền, mượn lời thơ rồi làm cho thơ sống động, hiện sinh, đó là kỳ tài của Phạm Duy. Giáo sư Trần Văn Khê không xa lạ với điều này. Ông nói về “cái tôi” rất lớn trong âm nhạc của Phạm Duy mà ông đã biết từ những năm 54, khi hai người sang Pháp học.

Khi đó, Giáo sư Trần Văn Khê hỏi Phạm Duy rằng “ông đã học được những gì?”. Câu trả lời của nhạc sĩ là: “Biết cũng nhiều chuyện lắm, nhưng học với ông thầy rồi để gửi trả lại cho ông thầy, nếu để ông thầy chi phối mình thì còn gì là mình.”
“Phạm Duy không để nhạc phương Tây chi phối. Biết học và biết lúc nào phải giữ, lúc nào không. Hồn nhạc quyện hồn thơ, thơ dính vào trong nhạc” – Giáo sư Trần Văn Khê nói về Phạm Duy như thế.
Minh Hoạ Kiều là tác phẩm cuối của Phạm Duy – người hát rong của thế kỷ. Như đã nói, ông chọn Kiều của cụ Tố Như vì muốn “làm nơi tự tình cho những ai đã chót lìa nhau, đã chót xa nhau hơn nửa thế kỷ.” Có phải chăng, ẩn sâu trong thâm ý đó là lời gửi gắm ông để lại cho một mảnh đất – tình yêu lớn nhất mà ông và nơi đó “đã chót xa lìa nhau hơn nửa thế kỷ”?
Kalynh Ngô