
The Blood Moon Orchestra với Jimi Nakagawa, Vân Ánh Vanessa Võ và Joel Davel. Photo Việt Báo.
Những người đến dự buổi dạ tiệc gây quỹ “Mekong Soul Fundrasing Dinner & Concert” do cô Linh Kochan và bằng hữu tổ chức vào chiều Chủ Nhật 26/02/2023 tại Saigon Grand Center có nhiều điều để thưởng ngoạn. Từ buổi trình diễn thời trang áo dài, cho đến những nghệ phẩm trong cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, đối với người viết bài này cũng như một số người yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc dân tộc Việt Nam, họ đến chỉ với một mục đích chính: một lần nữa đi vào thế giới âm nhạc của Vân Ánh Vanessa Võ. Cô đã xuống vùng Little Saigon trình diễn vài lần trước đây. Người hâm mộ tin rằng họ vẫn sẽ khám phá thêm những điều mới lạ trong thế giới thanh âm của Vân Ánh.
Thế giới âm nhạc của Vân Ánh có vẻ như xưa cũ. Cô vẫn trình diễn với ba nhạc cụ chính là đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng, những cây đàn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngày cô sang Mỹ, hành trình âm nhạc của cô có thêm một sứ mạng mới: nuôi dưỡng và làm mới nền âm nhạc dân tộc Việt Nam trên xứ người. Ở một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc như Hoa Kỳ, việc giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào dòng chính không phải là điều đơn giản.

Nhưng trên hết của mọi “sứ mạng”, việc chơi âm nhạc như là một nghệ thuật của thanh âm vẫn là điều quan trọng nhất. Để khán giả vẫn có thể thả hồn trong thế giới đầy màu sắc của âm ba, và ra về với một vài điều để suy gẫm, cho dù những thanh âm ấy đã chấm dứt tại khán phòng.
Thật may mắn, thế giới âm nhạc của Vân Ánh vẫn còn giữ được những nét đẹp như vậy của nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn đạt và truyền cảm cho người nghe những rung động của người nhạc sĩ.
Trong thế giới âm nhạc cổ truyền của Vân Ánh, người nghe vẫn luôn tìm được những nét mới. Một khán giả nói rằng đã nghe đàn tranh cả nửa thế kỷ, nhưng đây là lần đầu tiên có cảm giác như cây đàn tranh đang hát. Thường thì chỉ những cây đàn không phím như violin, đàn bầu mới có khả năng luyến láy như giọng hát của người. Nhưng dưới những ngón tay của Vân Ánh, cây đàn tranh đêm ấy ngân nga, nhấn nhả như một ả đào say đang hát. Nó có sức quyến rũ thật kỳ lạ!
Trong thế giới âm nhạc của Vân Ánh, biên giới giữa các quốc gia dân tộc bị xóa nhòa. Trình diễn chung với Vân Ánh còn có Joel Davel chơi đàn Marimba Lumina; và Jimi Nakagawa chơi trống Taiko. Một từ Việt Nam, một từ Mỹ, một từ Nhật lập thành ban nhạc Blood Moon Orchestra. Khi họ hòa điệu, khán giả vẫn có thể nhận ra tính chất riêng của từng nhạc cụ. Nhưng chúng hòa quyện vào nhau một cách lạ thường! Giống như một bức tranh vẽ với những vệt màu riêng biệt không trộn lẫn, nhưng vẫn phối hợp vừa tương phản, vừa hài hòa. Thế giới âm nhạc như vậy không chỉ có thanh âm, mà còn đầy màu sắc.
Không khó để nhận ra nhịp trống Taiko của Jimi Nakagawa đã làm sống động thêm những giai điệu cổ truyền Việt Nam của Vân Ánh. Nhiều người nhận xét rằng dân ca Việt Nam đa phần có giai điệu thật đẹp, nhưng ít chú trọng đến tiết điệu. Trong đêm nhạc của Vân Ánh, nhịp trống tạo thêm cảm xúc, làm cho những giai điệu lên xuống trầm bổng của cây đàn tranh, đàn T’rưng, đàn bầu có thêm chiều sâu. Giai điệu Việt với nhịp trống Taiko trở thành một bức ảnh ba chiều sống động hơn nhiều.
Thế giới âm nhạc của Vân Ánh làm sống lại trí tưởng tượng của người nghe. Trí tưởng tượng là một thứ đang dần bị bỏ quên trong thế giới thông tin ngày hôm nay. Đã có một thời, những người nghe nhạc không lời vẫn cảm thấy mây bay, suối chảy, đồi núi chập chùng như ở trước mắt. Khi trình diễn bài Summertime, Vân Ánh muốn đưa khán giả trở về với những ngày hè nóng đổ lửa ở Hà Nội. Không khí đường phố Hà Nội trong mùa hè ẩm thấp, nặng nề đến nỗi tưởng tượng có thể múc bằng muỗng! Những cảm giác tượng hình này đã được diễn tả sống động bằng thanh âm trong nhạc khúc Summertime. Tiếng đàn Marimba Lumina vẽ nên một bầu trời đầy mây, một bầu không khí nóng ẩm ngột ngạt. Còn tiếng đàn bầu như tiếng võng kẽo kẹt trong buổi trưa hè. Người nằm võng bên hiên nhà mà nghe tiếng côn trùng vo ve, tiếng giun dế rền rền sau một cơn mưa hạ. Âm thanh và hình ảnh của một ngày hè như hiện ra ngay trước mắt. Những cảm nhận này có phải chỉ dành cho những ai có khả năng tưởng tượng?
Đêm nhạc của Vân Ánh là của cảm xúc, trí tưởng tượng. Nếu có một chi tiết kỹ thuật cần được nhắc tới, có lẽ chính là yếu tố kỹ thuật âm thanh. Khán giả trong đêm nhạc thưởng thức được những âm thanh hết sức tinh tế, trung thực, với âm lượng vừa đủ cho việc thưởng ngoạn âm nhạc. Sự chuẩn bị kỹ thuật âm thanh hoàn chỉnh như vậy không phải lúc nào cũng có được trong nhiều buổi trình diễn âm nhạc khác.
Một chi tiết kỹ thuật nhỏ không được ở mức độ hoàn hảo như trên là yếu tố thẩm mỹ sân khấu, cụ thể là phong nền của các bài nhạc. Khi ban nhạc Blood Moon Orchestra bước vào bài “This Boat”, bài nhạc về thuyền nhân Việt Nam được Vân Ánh Võ soạn công phu và được ban The Blood Moon Orchestra trình tấu đầy tâm huyết, người nghe nhạc lúc này nhắm chặt mắt lại, ước gì những suối nước lên lên xuống xuống và những bụi lau lắc lư lào xào biến mất, để âm nhạc có thể dẫn người nghe trở về âm thanh và hình ảnh thực của những câu chuyện bi hùng.

Linh Kochan, người tổ chức chương trình bước lên cùng Fashion Show Áo Dài do Christine Trúc thiết kế. Hình: James Giovanni Fan.
Nhưng thành công nhất của Buổi dạ tiệc gây quỹ “Mekong Soul Fundrasing Dinner & Concert” là sự đón nhận và hỗ trợ đông đảo từ mọi giới trong cộng đồng người Việt quận Cam, điều này cho thấy âm nhạc và nghệ thuật luôn có sức nuôi dưỡng và nối kết cộng đồng. Được hỏi về sứ mệnh cũng như kết quả của buổi gây quỹ, cô Linh Kochan, đại diện cho ban tổ chức trả lời: “Với tài năng của các nghệ sĩ, sự hỗ trợ của cộng đồng và niềm đam mê giới thiệu và quảng bá di sản âm nhạc nghệ thuật Việt, chúng tôi mong buổi gây quỹ Mekong: SOUL này là một sự kiện đáng nhớ cho khách mời của chúng tôi. Chúng tôi xin tri ân sự hỗ trợ hào phóng của mọi người để giúp đưa Mekong: SOUL đến Trung tâm Kennedy vào ngày 7 tháng 4 sắp tới, nơi tất cả chúng ta sẽ tự hào nói với thế giới rằng: "Chúng tôi là người Việt Nam và đây là âm nhạc của chúng tôi."
Được biết toàn bộ số tiền thâu được sẽ được dùng vào quỹ tổ chức buổi hòa nhạc Mekong: Soul tại Kennedy Center. Và đây sẽ là một sự kiện quan trọng để Vân Ánh giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam với khán giả dòng chính tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khái niệm “âm nhạc cổ truyền Việt Nam” có lẽ không phải là điều duy nhất được chú trọng trong thế giới âm nhạc của Vân Ánh.
Trong một thế giới âm nhạc rộng mở hơn, sự khác biệt giữa các nền văn hóa bị xóa nhòa. Ngăn cách giữa các dân tộc bị dỡ bỏ. Trong cái thế giới vẫn còn đang phân cực, chia cắt hôm nay, một nền âm nhạc hướng đến cái đẹp không có biên giới của thế giới thanh âm sẽ đem người đến gần với người hơn, tạo ra sự cảm thông nhiều hơn.
Có thể đó mới là thông điệp tốt đẹp nhất của thế giới âm nhạc Vân Ánh Vanessa Võ.
An Nhiên