Thơ Luân Hoán đến với tôi khá muộn, nhưng có lẽ vì sự muộn màng đó, thơ anh đã tạo cho tôi những cảm xúc thật lạ lùng và nó nằm lại trong tôi thật lâu.
Cái cảm xúc lạ lùng đó bắt nguồn từ những bài thơ tình anh đã viết, có lẽ anh đã viết miên man qua suốt mấy chục năm của cuộc đời anh, viết không ngừng nghỉ, từ những ngày ấu thơ lánh nạn cùng mẹ cha nơi vùng núi rừng Tiên Phước, rồi trải dài theo thời gian, đi vào trường, vào lớp, vào quân đội, vào những tháng ngày đổi đời đầy gian nan, kéo lê cuộc sống trong tủi nhục, cay đắng và rồi theo biển trôi xuôi đến xứ lạ quê người. Với Luân Hoán nơi nào cũng có thơ, cây cỏ cũng nẩy mầm thành thơ, đất đá cũng trổ thơ và sông núi cùng người thơm ngát thơ.
Ðọc thơ anh rồi tôi tự hỏi: thơ đâu mà lắm thế, nguồn thơ thật phong phú, thật dạt dào, chảy ra, chảy ra ào ạt như một dòng nước lũ, không ngưng lại, cứ xuôi đi trơn tru bất tuyệt. Thơ anh thấm đẫm đầy tình, tình thương, tình yêu của anh với cha, với mẹ, với vợ con, với bạn bè, với người yêu, người tình thời tuổi trẻ, người tình trong giấc ngủ, người tình trong mơ, người tình trong trí tưởng. Anh yêu người, yêu sông núi, yêu hoa lá, cỏ cây, yêu những nét đẹp bất ngờ anh đã chộp được từ những cảm quan nhạy bén của một tâm hồn, một trái tim không một phút giây nào yên nghỉ. Cứ thế anh viết, viết thật hồn nhiên, viết thật phóng khoáng không chọn lựa, không né tránh, không cầu kỳ, mà thật đơn giản, đơn giản như một câu bông đùa một lời kể chuyện bình thường:
Với mười bảy tập thơ, vừa của riêng anh, vừa in chung với bạn bè, cùng với nhiều bài chưa in, Luân Hoán có đến mấy ngàn bài thơ, trong đó tôi đã đọc được mấy trăm bài, cái cảm tưởng nhất quán về thơ anh là sự trong sáng, hồn nhiên và luôn thoải mái với chữ nghĩa. Bạn bè tôi đã ca ngợi về anh về tính ẩn dụ trong những hình ảnh gợi tình, về cách chọn từ, về cách nhìn, cách bày tỏ tuy tục mà thanh, riêng với tôi xin được cùng theo anh ngược đường trở về những mùa xuân đã đi qua cuộc đời anh trong một chuổi dài dâu bể, để tìm lại sự hồn nhiên của tuổi thơ, sự phóng khoáng của ngôn từ, đi vào từng nhịp hồi tưởng, bâng khuâng, nhẹ nhàng:
Ðể ghi lại cái hình ảnh chú bé 5 tuổi hiếu động, Luân Hoán chỉ cần một câu “chân phải, chân trái hai bàn vấp nhau” đơn giản mà vẫn đủ. Những gót chân mùa xuân như bay bổng:
Rồi mùa xuân 49 theo cha mẹ tản cư lên vùng Tiên Châu, Tiên Phước, anh đón xuân với tuổi lên chín lên mười đã bắt đầu có cái nhìn xa hơn qua núi, qua rừng bằng những cảm nhận bóng bẩy hơn:
và “..
mẹ chưa về tới đứng, ngồi ngó quanh”
Chất hồn nhiên của tuổi thơ đã từ đó lan vào thơ Luân Hoán, trực giác của anh dường như cũng phát triển thật nhanh, thực khác thường để rồi với tuổi mười ba đã vượt lên tháng ngày, đột nhiên lòng rung động, những rung động không bình thường từ nụ cười của mẹ, từ nhịp rung đùi ngâm thơ của cha và ngay cả với hình ảnh con chim sẻ bất ngờ bay vào thềm trong ngày xuân nhật:
Từ “thấy tôi coi bộ có duyên” đánh dấu những biến chuyển tâm sinh lý của cậu bé biến thành chàng trai vào tuổi mơ, tuổi mộng, để rồi:
Chỉ với tám câu lục bát thôi, Luân Hoán đã vẽ lên những nét thật đậm một anh chàng học trò mê gái, bằng những những hành động thật ngây ngô, dại khờ của tuổi trẻ thời đầu thập niên 60, mê gái, si tình, nhưng chỉ đi lanh quanh, để nhìn, để ngắm những bóng hồng dễ thương, tuy gần nhưng tưởng chừng như xa vời vợi. Cái hơi thơ hồn nhiên, bình dị của anh, mới đọc qua nghe như có vẻ nôm na nhưng sao mà thấm đến thế, những chữ “luồn”, “bám” rất ăn ảnh, thì những từ “mắt hồng liệng cái ngoắc tay, xuân ảnh, vải hương, nuốt thầm vóc đứng, dáng đi..” ngọt ngào đậm tình.
Có lẽ lục bát là thể thơ mà Luân Hoán khoái nhất, - ở đây tôi không nói là ‘sở trường’ của anh, vì hầu hết các bài thơ thuộc thể loại khác anh đều viết rất nhuần nhuyễn - Anh khoái nó nên sử dụng như một trò đùa, lục bát anh viết dễ dàng mà không biến thành vè hay ca dao, quả là một biệt tài độc đáo.
Hoài niệm về những nét xuân đi qua trong đời, qua những chặng đường mấy mươi năm anh dùng lục bát để ghi, nhưng mỗi lúc mỗi cách bày tỏ khác, không những khác về suy tư, về kỷ niệm mà ngay cả trong lối dùng từ, sắp xếp tình tự cũng đã thay đổi thật nhiều. Vào lính năm 67, dòng thơ anh vẫn hồn nhiên nhưng nếp nghĩ chững chàng hơn:
Xông pha vào lửa đạn trong vai trò một Sĩ Quan Bộ Binh, Luân Hoán vẫn đêm gối súng làm thơ, thả hồn theo những chân trời ngang dọc, và mùa xuân 69 về ngang Thi Phổ:
Ði giữa đạn bom, trong nỗi chết không rời, thế nhưng khi chân bước vào xuân, tâm hồn anh vẫn thanh thản trải ra, nét phóng khoáng mĩm cười với ‘anh thần chết lộn, chạy dài’..
Khi trang sử đã lật qua, Luân Hoán vẫn âm thầm làm thơ, dẫu thơ anh trong giai đoạn này có pha trộn thêm những cay đắng, nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên của tuổi trẻ, anh như người đứng bên lề cuộc đời, nói giùm cho thiên hạ, mỉa mai nhưng không thù hận, cái nhìn vẫn mở rộng tềnh toang lên những khốn khó của cảnh đời:
Buồn thì có buồn đó, nhưng chỉ là chút buồn nho nhỏ, thoáng qua để rồi “ghé Lăng Ông, ngó chút chơi” cái hồn nhiên trở lại trong tim anh, “ngó chút chơi” vô tư, không phiền muộn sâu nặng. Mùa xuân về trong thành phố của anh, nhưng anh vẫn nằm nhà, thả hồn trong veo rong chơi ngoài lộ:
Ðúng như lời thơ anh viết, thơ anh giản dị, lanh quanh. Giản dị nhưng sâu, giản dị mà không tầm thường, lanh quanh nhưng không trùng lặp, không sáo mòn, lại là những khám phá cách sử dụng ngôn ngữ bình dân vào văn chương bác học.
Không biết tôi viết như thế có quá đáng không, nhưng thực tình ngôn từ trong thơ Luân Hoán chắc chắn có một sắc thái riêng, tạo cho anh một chỗ đứng riêng trong thi đàn, ít có người bắt chước được.
Thơ Luân Hoán phóng khoáng trong tư tưởng, phóng khoáng trong câu, trong chữ, một đôi khi tôi bắt gặp một đôi vần hơi chệch choạc, không nghiêm chỉnh lắm, nhưng đó lại là những bất chấp có tính cách cố ý, không vì một vận thơ mà phải đổi đi cái chữ mà anh dùng để bày tỏ lòng mình, tuy nhiên khi đọc lên vẫn thấy mạch thơ trôi đi, không chút vấp váp nặng nề. Nhớ lại ngày còn nhỏ, ba tôi đã đọc cho tôi nghe những bài thơ Ðường nổi tiếng, và nói rằng các cụ ngày xưa làm thơ rất thận trọng, đôi khi bí một chữ mà phải mày mò hàng tháng hay lâu hơn nữa, mới tìm được từ như ý.
Có lẽ Luân Hoán cũng làm rất nhiều thơ về mùa xuân trong suốt mấy chục năm cầm bút, riêng trong những tác phẩm của anh chỉ in những bài tiêu biểu cho một giai đoạn nào đó, tôi trích dẫn một số ít gọi là nói lên chút cảm nhận của riêng mình về những nét hồn nhiên, phóng khoáng mà thôi. Về sau này, khi ra hải ngoại dòng thơ lục bát về xuân anh có nhiều bài rất đặc sắc, tuy nhiên trong cái hồn nhiên vẫn còn phơi phới của anh có nhuốm ít nhiều chua xót, đắng cay của một thân phận lưu đày bất đắc dĩ,
Lòng anh lại lan man ghĩ về mùa xuân cũ thật dịu dàng:
Viết về thơ Luân Hoán thì vô cùng, bởi chỉ riêng về thơ tình (tình yêu gái trai) có nhiều hơn ngàn bài, đủ các dạng thức khác nhau, cách bày tỏ mỗi lúc mỗi phát triển thêm những khám phá, những cách nhìn thật mới mẻ. Mới đọc qua, cái cảm giác đầu tiên là rất dễ hiểu, dễ cảm thông, ngôn từ rất ‘bình dân’ nhưng sao nó hồn nhiên thế, giống như những câu nói bình thường, nhưng nó đi vào tâm tư người đọc bằng những nhịp rung động thật mạnh, tạo cái cảm giác say say như vừa uống xong cốc rượu nồng, thoáng chút ngây ngất. Ở đây, tôi không dám bình thơ anh, mà chỉ chọn đọc một số rất ít trong những bài thơ về mùa xuân, để thử tìm nét hồn nhiên, phóng khoáng của anh riêng về thơ lục bát, bởi anh làm thơ lục bát nhiều hơn các thể loại khác, mà thơ lục bát nhìn qua thì dễ nhưng rất khó viết cho hay. Với thiển nghĩ của riêng tôi, có thể ngoài Bùi Giáng ra (thơ Bùi Giáng không nhiều), đất Quảng Nam còn có Tường Linh và Luân Hoán là những thiên tài xuất sắc về thơ lục bát.
Trong thơ anh, ngòi bút tài hoa bay bổng, uốn lượn theo cảm xúc, chắp cánh cho từ ngữ đi vào từng ước muốn của bày tỏ, gởi nó đi theo dòng tình, nhịp nhàng như những nốt nhạc chính xác trên cung bậc. Cũng với nhũng con chữ tầm thường trong hàng ngày giao tiếp, Luân Hoán đã chọn lựa, đã sắp xếp chúng đúng vào những vị trí, để biến chúng thành những dòng thơ tuyệt diệu. Anh làm thơ như đùa, nhưng ngòi bút anh viết xuống như có bàn tay phù thủy, tạo ma lực trong từng chữ, từng câu, ngỡ như tầm thường mà cuốn hút, khiến người đọc thơ anh không muốn dừng lại. Giọng thơ hồn nhiên, không ràng buộc, không hối hả. Tôi đã bắt gặp trong thơ về mùa xuân của Luân Hoán, câu lục bát như người khách nhàn du lửng thửng đi qua cỏ hoa, đi qua mảnh hồn chính tác giả đang trải ra, không mời mọc không đợi chờ, mà dịu dàng như hương nào trong tóc xưa cùng kỷ niệm.
Cùng nở ra trên đất Quảng, những đóa thơ tình Hoàng Lộc cũng rất dễ thương, cũng tài tình trong cách dùng những ngôn từ bình dân biến thành những dòng thơ ảo diệu như Luân Hoán, nhưng cung cách mỗi người lại khác, Luân Hoán thì đa tình mà hồn nhiên, nhẹ nhàng phóng khoáng, còn Hoàng Lộc như một gã si tình, yêu trong giận hờn trách móc, trách mình, trách người, nuối tiếc dĩ vãng. Tôi đề cập đến Hoàng Lộc ở đây, là muốn làm nổi lên cái tâm hồn nhiên trong veo của thơ Luân Hoán, anh cười cợt với người, với tình, với đời và với chính bản thân anh, không như Hoàng Lộc, mượn chén rượu để quên, để cay đắng, để ngậm ngùi.
Tản mạn về thơ Luân Hoán với những nét hồn nhiên, tôi còn thấy rất nhiều chất ‘tếu’, chất ‘dí dỏm’ đáng yêu của anh, dường như nó cũng không nằm ngoài cái nhìn phóng khoáng về cuộc đời, về tình yêu, về những khổ đau và hạnh phúc trong cái lẽ vô thường của mỗi kiếp người. Xin mượn lời thơ anh để tạm dừng, với chân dung của một người thơ xứ Quảng đáng yêu:
Xuân Hạ Thu Ðông sẽ vùn vụt trôi đi, Luân Hoán vẫn “thức làm thơ, ngủ làm thơ”. Anh tiếp tục Viết, để:
Cám ơn sự hồn nhiên của ngàn lời thơ Luân Hoán, tôi đọc thơ Xuân, thơ Tình của anh và lây nhiễm được chút hồn nhiên phóng khoáng đó, để vui với đời, vui với người, dẫu trong chớp bể mưa nguồn, nhìn đâu cũng thấy nụ cười.
Milpitas Cali, mùa Hạ 2004
Mạc Phương Đình
(trích Luân Hoán, một đời thơ, nhiều tác giả)