Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của đài Việt Radio 1560 AM phát thanh từ Houston TX xin gởi lời chào thân ái đến toàn thể quý thính giả khắp nơi
Thưa quý vị!
Chương trình này được tổng hợp, biên soạn và thực hiện bởi Huy Tâm và phát thanh hàng tuần vào ngày thứ hai, từ 10 giờ đến 10 giờ rưỡi tối.
Qua đây, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến với quý vị các văn nhân, thi sĩ, ca nhạc sĩ v.v... cùng những tác phẩm của họ với mục đích quảng bá và gìn giữ tiếng Mẹ đẻ trên xứ người.
Tác giả có thể là những nhân vật đã thành danh (dù còn sinh tiền hay đã quá vãng) và cả những mầm xanh đang vươn lên trên bầu trời nghệ thuật.
Tác phẩm có thể là một truyện ngắn, truyện dài, những áng thơ, hay một nhạc phẩm, đã phổ biến trước công chúng hoặc có thể vẫn chỉ đưọc lưu truyền giới hạn trong phạm vi bằng hữu.
Với chúng tôi, tất cả các tác phẩm văn học bằng Việt ngữ có nội dung ca tụng nét đẹp cuộc sống, tôn vinh tinh thần nhân bản, vị tha cùng xiển dương ý thức tự do, dân chủ và nhân quyền đều là vốn quý mà chúng ta nên trân trọng.
Dù chỉ có 30 phút ngắn ngủi mỗi tuần lễ, hy vọng rằng chương trình Tác giả & Tác phẩm này qua những cung bậc du dương, những áng văn súc tích, những vần thơ mượt mà, sẽ ít nhiều mang đến cho quý vị những phút giây thanh thản sau một ngày căng thẳng với mối lo cơm áo gạo tiền để trong cơn mộng chập chờn, hình ảnh của quê hương sẽ ngời sáng nơi tiềm thức chúng ta, một quê hương Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, và thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền.
Thưa quý vị!
Trong chương trình Tác giả và Tác phẩm đầu tiên hôm nay, chúng tôi mời quý vị cùng tìm hiểu về một tác giả rất quen thuộc, và những tác phẩm của ông cũng chẳng xa lạ gì với chúng ta, qua chủ đề Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng người nghệ sĩ đa năng.
- Bài Hương Ca Vô Tận
Khi nói đến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người ta thường nghĩ ngay đến những nhạc phẩm tiêu biểu đã đi vào lòng thính giả từ hơn nửa thế kỷ qua như: Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Kinh Khổ, Đưa Em Vào Hạ, Bài Hương Ca Vô Tận hay 7000 Đêm Góp Lại...
Tâm tình sâu đậm mà ông gửi gấm trong những đứa con tinh thần ấy đã phần nào nói lên tấm lòng tha thiết của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng dành cho quê hương, tổ quốc.
Với gia tài âm nhạc khá đồ sộ gồm khoảng 200 tác phẩm qua rất nhiều thể loại và các chủ để khác nhau, trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thực sự là một nghệ sĩ đa tài, đa năng. Đã có những đóng góp không nhỏ trong di sản văn hóa của dân tộc.
Và thưa quý vị!
Đối với những người yêu nghệ thuật nói chung và những người hâm mộ bộ môn âm nhạc nói riêng, thì đôi lúc tác phẩm và tác giả không là điều kiện để cho sở thích của họ thăng hoa.
Nhưng riêng với chúng ta, những người Việt quốc gia thì Trầm Tử Thiêng ngoài sở trường về âm nhạc, mà những ca từ của ông luôn nói lên tính nhân bản của thể chế Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông được hun đúc, nuôi dưỡng và trưởng thành. Năm 1958 ông tốt nghiệp Sư Phạm và hành nghề gõ đầu trẻ, đến năm 1966 được lệnh động viên, ông lên đường nhập ngũ, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Việt Nam Cộng Hòa.
Và sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông là người sốt sắng tham gia trong những chương trình vận động nhân quyền cho đồng bào trong nước và cho các thuyền nhân đang bị cưỡng bức hồi hương.
Từ đó, chúng ta nhận ra nhiều nhân tố trong con người của Trầm Tử Thiêng: Một nhà mô phạm nghiêm túc, một nhạc sĩ tài hoa, một người hoạt động nhân quyền bằng cả tấm lòng và trên hết Trầm Tử Thiêng là một người lính, chiến sĩ QLVNCH
Còn điều này nữa, tuy có chút riêng tư, nhưng cũng rất có ý nghĩa để chúng ta thực hiện chương trình Tác giả & Tác phẩm với nhạc sĩ Trầm tử Thiêng.
Thưa quý vị!
Hôm qua ngày 1 tháng 10 năm 2017 là kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam.
Bây giờ mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu sơ lược phần tiểu sử cùng hành trạng của người nhạc sĩ đa năng này qua tài liệu sưu tầm được từ các nguồn trên internet.
Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Lớn lên ở miền Nam, Ông bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các làng quê miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 đến 1949.
Sau đó ông lên Sài Gòn tiếp tục học và tham gia hoạt động âm nhạc học đường và các đoàn thể trẻ.
Năm 1958 Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp trường Sư Phạm và bắt đầu dạy học.
Năm 1966, Trầm Tử Thiêng nhập ngũ, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian này ông viết các nhạc phẩm về lính như: "Quân Trường Vang Tiếng Gọi", "Đêm Di Hành", "Mưa Trên Poncho".
Sau các ca khúc viết cho người tân binh, Trầm Tử Thiêng đi song song với nhịp bước của các chiến sĩ, tới các tiền đồn heo hút nằm rải rác trên khắp bốn vùng chiến thuật, để khích lệ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ, thăm viếng, ủy lạo và chia sẻ nỗi đau đớn của những thương binh điều trị tại các Quân Y Viện. Dõi theo bước chân các trận đánh hào hùng, Trầm Tử Thiêng viết các nhạc phẩm ngợi ca tinh thần các chiến sĩ. Thời gian này có hàng chục ca khúc đã được sáng tác, nhưng rất tiếc Trầm Tử Thiêng đã không còn lưu trữ được, bởi sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, các ca khúc đã trở thành tai họa, một số bị thiêu hủy và thất lạc trên bước đường lẩn tránh. Trầm Tử Thiêng phối hợp với các đơn vị Chiến Tranh Chính Trị thuộc các vùng chiến thuật, các sinh viên, học sinh tổ chức các chuyến viếng thăm tiền đồn. Nhạc phẩm "Đưa Em Vào Hạ" mang nhiều hình ảnh khá cảm động mà Trầm Tử Thiêng muốn gửi đến người hậu phương:
Trầm Tử Thiêng, một cái tên mà mỗi khi xướng lên chúng ta nghe chừng như thanh âm vọng về từ một cõi nào rất mơ hồ. Do đó, dễ đưa đến suy luận ông là một người có cuộc sống khép kín. Nhưng theo một số bằng hữu thân thiết nhận định thì với nhân dáng nhỏ nhắn, tính tình trầm tĩnh, cá nhân ông sống khép kín, nhưng không cô độc mà là người rất tử tế và hài hòa với mọi người. Và còn vui tính nữa, như câu chuyện bên lề dưới đây:
Trong số những ca khúc viết cho Cục Chính Huấn Trầm Tử Thiêng ký bút hiệu Anh Nam. Thời gian này Nhà xuất bản “2001 bài ca hay” của Duy Khánh đã xuất bản nhạc phẩm “Trả Lời Thư Em” của Trầm Tử Thiêng cùng một đợt với bản “Lính Xa Nhà” của Trần Trịnh, Nhật Ngân. Ngày đầu tiên phát hành nhạc phẩm, Duy Khánh đạt lời mời Trần Tử Thiêng, Trần Trịnh, Nhật Ngân đến tiệm Chí Tài ở Chợ Cũ nhậu nhẹt. Mặc ai muốn nhậu cứ nhậu, Trầm Tử Thiêng bình thản dùng Coca Cola. Thấy thế Duy Khánh đùa nói:
"Tụi tôi uống mỗi người một ly rượu thì ông phải uống một chai Coca mới công bằng nghe."
Trầm Tử Thiêng cười, đưa ly Coca Cola lên cụng, miệng nói: "Dzô".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh kể chuyện năm 1974, tức ngày miền Nam nằm trên bờ vực thẳm, một sự đổ vỡ không biết xảy ra ngày nào, Trầm Tử Thiêng đã sống một đời sống thật bình dân, mang nét phong trần và bụi đời, cưỡi chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển, các học trò của Trầm Tử Thiêng thấy thế đã đặt tên là chiếc "SS-50", vai đeo một chiếc ba lô đựng một xấp bản thảo viết tay một cách hoa mỹ, một số bản cũ đã phát hành như "Kinh Khổ", "Lời Của Mẹ"… hay bản nháp của một nhạc phẩm nào đó viết dang dở cần sửa chữa, một ngăn chứa những giấy tờ cá nhân và mấy thứ giấy linh tinh khác mà chỉ có Trầm Tử Thiêng mới biết được là phải dùng hay dùng vào việc gì. Ngoài ra trong ba lô của Trầm Tử Thiêng còn hai thứ bất khả ly thân tức miếng khảy đàn bằng đồi mồi lên nước trông bóng loáng rất đẹp và một vật cuối cùng…một gói mì ăn liền.
Sau biến cố tang thương của ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam chìm ngập trong bi thảm, từng lớp người chen chúc nhau trên các chiếc thuyền mỏng manh vượt trùng dương, rời bỏ quê mẹ đi tìm vùng đất hứa, Trầm Tử Thiêng bị cộng sản liệt vào thành phần nhạc sĩ phản động, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mấy lần ông tìm cách trốn chạy khỏi hỏa ngục đỏ, tanh tưởi mùi máu đỏ lòm lòm, đều thất bại, bị cộng sản bắt đi tù "cải tạo" hơn một năm tại Cà Mau. Trầm Tử Thiêng đã theo vận nước nổi trôi, viết được nhiều ca khúc chống đối chế độ, ngầm gửi ra hải ngoại như các bản: “Dứt Bão Bắt Đầu Nước Mắt”, “Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt”...
Năm 1985, Trầm Tử Thiêng vượt thoát đến đảo Galang, Nam Dương, được ca sĩ Thanh Thúy bảo lãnh vào Hoa Kỳ, sau đó định cư tại Orange County, California đến khi giã từ thế giới loài người.
- Tưởng Niệm
Nói về chuyện góp ý, Nhật Ngân kể chuyện có một lần thu thanh tại phòng thâu Tùng Giang, hôm đó cô nữ ca sĩ hát bài "Tưởng Niệm" của Trầm Tử Thiêng, lúc hát đến câu: "Đang mân mê cho đời nở hoa, chợt bàng hoàng đến kỳ trăng trối…" bỗng cô phì cười, bước tới gần Trầm Tử Thiêng, ỏn ẻn thưa:
- Anh Trầm Tử Thiêng ơi! Anh có thể tìm một chữ nào khác để thay thế cho chữ "mân mê" được hay không? Vì hễ mỗi khi hát tới chữ này em lại nín cười không nổi.
Tùng Giang và Nhật Ngân tỏ ra hoảng hốt, sợ Trầm Tử Thiêng nổi nóng, nhưng không, Trầm Tử Thiêng vẫn bình tĩnh như không, chỉ nhẹ nhàng nói:
- Khi làm văn nghệ, em nên nghĩ tới chuyện gì thanh nhã thì đẹp hơn…
Có lần, một nam ca sĩ cho hay trong một lúc cao hứng đã "lỡ dại" khuyên Trầm Tử Thiêng:
- Này anh Trầm Tử Thiêng, trên bao thuốc lá có khuyến cáo đừng nên hút thuốc lá, sẽ có ngày bị ung thư phổi, tại sao anh cứ hút mà không sợ.
Trầm Tử Thiêng trừng mắt nhìn người này, nói theo giọng miền Nam:
- Mày hãy coi chừng, tao vặn cổ mày đó nghe, phổi của tao chứ đâu phải phổi của mày mà lo. Mấy thằng khuyên tao đừng hút thuốc lá, đều đã chết cả rồi.
Mười năm tang thương (1975-1985), sau cuộc chiến chấm dứt, Trầm Tử Thiêng còn mắc kẹt ở trong nước, may mắn tránh né khỏi đi học tập cải tạo, sinh hoạt văn hóa bị chậm lại. Trong suốt cuộc chiến nhiều nhạc phẩm của Trầm Tử Thiêng đề cao sự chiến đấu kiên cường của người lính chiến, một số nhạc phẩm trong đó "Bài Hương Ca Vô Tận" biến thành bản án của Trầm Tử Thiêng đối với chế độ, nhạc của Trầm Tử Thiêng bị cộng sản khép vào loại văn hóa phản động, được đưa về Bắc để nghiên cứu từ nhạc đến lời. Thời gian này Trầm Tử Thiêng trốn tránh, tìm đường vượt biên nhiều lần đều thất bại, bị bắt giam. Tại nhà tù Rạch Giá, Trầm Tử Thiêng viết bản "Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biên", sau bị đày xuống trại cải tạo lao động U Minh, sống chung với các công chức cao cấp và các sỹ quan miền Nam cũ. Xót xa nhìn những người hùng một thời, nay sa cơ thất thế nằm trong tay giặc, một buổi chiều từ láng nhìn ra, thấy từng đoàn tù cải tạo, sau một ngày lao động trở về, trông tả tơi như những thây ma, tủi nhục, Trầm Tử Thiêng viết bài "Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt":
Không phải chỉ khi Trầm Tử Thiêng lâm vào cảnh ngặt nghèo rồi qua đời bởi cơn bạo bệnh, người ta mới biết tới Trầm Tử Thiêng, tới với Trầm Tử Thiêng và dành cho Trầm Tử Thiêng những tình cảm vô cùng sâu đậm. Trái lại ngay từ những ngày nào xa xưa, khi Trầm Tử Thiêng còn âm thầm xây dựng cho sự nghiệp nghệ thuật của mình có đất đứng, đến những năm tháng lưu lạc nơi xứ người, Trầm Tử Thiêng đã chiếm được rất nhiều những sự ngưỡng mộ từ mọi giới. Những người hâm mộ Trầm Tử Thiêng vì nhạc, vì tình, không phải chỉ những người cùng sống một thời với Trầm Tử Thiêng một thời, ngay đến lớp trẻ lớn lên ở miền đất lạ - không phải nơi chôn nhau cắt rốn của quê hương. Tất cả đều hân hoan đón nhận âm nhạc của Trầm Tử Thiêng, đặc biệt với những sáng tác viết về thân phận nổi trôi và những suy tưởng giữa giòng đời phong ba. Thứ tình cảm chân thành, sâu lắng và đầy xúc động… đó thiết tưởng không còn bất cứ một thứ gì gọi là quý giá hơn mà họ đã trang trọng dành cho phút giây an nghỉ nơi cuối đời của Trầm Tử Thiêng, ngày 25 tháng 1 năm 2000.
Thưa quý vị!
Kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, 01/10/1937 - 01/10/2017, Việt Radio 1560 AM phát thanh từ Houston TX, thực hiện chương trình Tác giả & Tác phẩm qua chủ đề: Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng người nghệ sĩ đa năng như một nén hương lòng tưởng nhớ ông và cũng thay lời tri ân trước những đóng góp ông đã dành cho nền nghệ thuật nước nhà: khoảng 200 nhạc phẩm với các thể loại khác nhau.
Dù ông ra đi đã gần 20 năm, hay bao lâu chăng nữa, thì những đứa con tinh thần của ông vẫn luôn được chúng ta trân trọng gìn giữ như những tài sản quý giá của dân tộc.
Thưa quý vị!
Vì lý do thời lượng, chương trình tác giả và Tác phẩm của chúng ta hôm nay đến đây xin tạm dừng. Mong rằng với 30 phút vừa qua, ít nhiều cũng giúp quý vị có phút giây lắng lòng cùng những thanh âm du dương của người nhạc sĩ tài hoa Trầm Tử Thiêng.
Trước khi chia tay Huy Tâm xin kính gửi đến toàn thể quý vị lời cầu chúc an bình, một đêm thật nhiều mộng đẹp và hẹn gặp lại trong kỳ phát thanh sau.
Trân trọng kính chào
- Đưa Em Vào Hạ
Download | Name | Play | Size | Duration | ||
---|---|---|---|---|---|---|
![]() |
Nhacsi-TramTuThieng-2 | 27.8 MB | 30:21 min | |||
Huy Tâm