
Chú thích:
Chữ Hán là chữ Tàu: 君 在 湘 江 頭 Chữ Hán Việt (HV): Quân tại Tương Giang đầu* Chữ HV= Chữ Hán đọc giọng VN và viết bằng vần quốc ngữ VN.
* Dịch ra tiếng Việt là: Chàng ở đầu sông Tương
Trong văn học sử Việt Nam ca dao được xếp vào loại Văn chương Bình dân. Hầu hết những câu ca dao đều là những tiếng việt thuần đã dùng trong tiếng Việt từ ngàn xưa. Lần lần ca dao có thêm một số tiếng Hán Việt (HV) đã được Việt hóa và được coi như là tiếng Việt như: Gia cang, phụ mẫu, huynh đệ, hiền thê, nhơn nghĩa, lương duyên, sơn thủy, thủy chung, minh bạch, phụng loan, thị phi, thuyền quyên, thiên kim, thung đường, nghĩa tào khang, nghĩa cang thường, dưỡng dục cù lao, bằng hữu chi giao v.v.
Đối với thế hệ những người khoảng tuổi 50 trở lên (sanh trước năm 1960), những chữ HV bên trên có thể là đơn giản (không cần giải nghĩa), nhưng chúng tôi có chú giải vì nghĩ đến thế hệ thứ hai trở đi, những con em ít có dịp đọc chữ Việt.
Khi chúng tôi tìm hiểu về những câu ca dao ở vùng Đồng Nai - Cửu Long, vùng đất mới sau cùng mà ông cha chúng ta khai phá và tạo dựng, chúng tôi tìm gặp trong một số sách vở, trong các quyển từ điển v.v. nhiều câu ca dao dùng không phải một hai chữ Hán Việt mà còn dùng cả một hai câu Hán Việt có ý nghĩa để làm câu nhập đề cho ý chánh trong việc bài tỏ tình cảm giữa nam nữ, những việc trách móc nhẹ nhàng, hay việc giải thích tình cảnh khó khăn trong sự cầu hôn v.v. Có một số câu khác dùng điển tích Trung Hoa trong câu mở đầu.
Những câu chữ HV nầy không thể phát xuất từ người bình dân ít học. Những câu ca dao có cả câu HV nầy phải xuất phát từ các nhà nho, những người có học chữ Hán và dùng rành tiếng/chữ Hán Việt. Nhưng sau khi được phổ biến qua các câu chuyện hằng ngày, những câu nầy đã được dân chúng học thuộc lòng, tiếp tục truyền miệng và đã trở thành ca dao bình dân.
Xin nhớ là trong khoảng thập niên 1940-50, ở miền Đồng Nai - Cửu Long có một số nhà nho dịch truyện Tàu ra quốc ngữ. Nhưng trong bản dịch truyện Tàu, rất nhiều chữ HV được dùng vì không có tiếng Việt thuần tương đương hoặc chữ HV nghe có vẻ văn hoa hơn - ví dụ thay vì dùng “cô chủ nhỏ” thì dùng chữ “tiểu thơ”.
Cũng vào thời điểm đó có phong trào truyền bá (chữ) quốc ngữ. Những học sinh giỏi, đọc rành quốc ngữ thường trở thành người “đọc truyện Tàu” cho ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, nghe.
Do đó, nhiều chữ HV, và các tuồng tích của sử Tàu được phổ biến cho bậc phụ huynh ít học. Họ nghe, họ nhớ để trong những buổi hội hè, họ kể cho nhau nghe các tuồng tích, và những gì mà các sách do những nhà nho viết ra (bằng quốc ngữ) có dẫn nhiều câu chữ Hán Việt.
Phụ mẫu, công ơn của cha mẹ
Anh than chi nhiều điều mặn lạt,
Em rút lông nhím bạc trao liền,
Em về phụ mẫu lo phiền,
Lỗi em em chịu lỗi, nói đi cấy “ruộng biền”* mất tiêu. *Ruộng cạnh bờ sông, có nhiều sình lầy. Anh thương em, thủng thẳng em ừ,
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.
Cúc mọc dưới sông anh kêu là cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa,
Gởi thơ thăm hết nội nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.
Trái dưa gang sọc dài sọc vắn
Còn ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh
Anh có thương em thì đừng dỗ đừng dành
Chờ nơi phụ mẫu định, phụ mẫu đành em sẽ ưng.
Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Khéo khen phụ mẫu sinh nàng dễ thương.
Niềm kim thạch*, nghĩa cù lao
Bên tình, bên hiếu, ở sao cho tuyền (toàn).
*Kim thạch: vàng và đá = vững vàng chắc chắn (nói về tình chồng vợ).
Nhớ ơn chín chữ cù lao*
So cùng bể rộng non cao chưa tày.
*Cù = chăm chỉ; lao = mệt nhọc
Cù lao có nghĩa công ơn to rộng của cha mẹ.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ* ghi lòng con ơi.
*Chín chữ gồm có:
Sinh = cho ra đời; Cúc = nuôi nấng lúc còn bé thơ; Phủ = dỗ dành, lo cho giấc ngủ; Súc =chú ý về thực phẩm để nuôi con; Trưởng = nuôi cho lớn; Dục =nuôi và dạy dỗ cho khôn ngoan; Cố = theo dõi, trông nom, giúp đỡ , che chở khi con cần; Phục = khuyên bảo con tránh điều xấu theo điều tốt, và biết phục thiện khi đã lỡ làm điều sai trái; Phúc = làm tăng trưởng điều tốt điều lành. (3)
Lòng con thảo như giọt sương hạt bụi,
Công mẫu từ như ngọn núi Thái Sơn.
Có cha, có mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.
Tào khang* hay tao khang (tào khương)
*Tào khang hay tao khang: Nghĩa đen là bã rượu và tấm mẳn; nghĩa rộng là người vợ cưới từ thuở còn nghèo (chỉ ăn tấm mẳn và bã rượu thế cơm). Nghĩa tao khang là nghĩa vợ chồng dài lâu.
Chợ Bến Thành dời đổi
Người sao khỏi hợp tan
Xa gần giữ nghĩa tào khang
Chớ tham quyền quý, phụ phàng nghĩa xưa.
Ai xui rã chút duyên kim cải*,
Ai khiến rời chút ngãi tao khang.
Duyên phải duyên kim cải
Ngãi phải ngãi giao hòa.
*Cây kim và hột cải - hai vật dễ bị nam châm và hổ phách hút; nghĩa bóng: cùng một lòng dạ dễ yêu nhau.
Thương em rồi anh dẹp hết ưu phiền
Nợ tào khang là nặng chớ bạc tiền kể chi.
Vì em không dám phụ nghĩa tào khương
Cho nên em phải lỗi với thung đường* anh biết không. *Thung đường: Nhà thung; chỉ người cha.
Thung huyên: chỉ cha mẹ
Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp
Em đi không kịp, kêu bớ anh ơi!
Nghĩa tào khang sao anh đành vội dứt
Đêm em nằm ấm ức, ngày lụy ứa tuôn rơi
Xa nhau bởi tại ông trời biểu xa.
Anh có thương Em? Em có thương Anh?
Anh nói với em “nhiều tiếng thâm trầm”*,
Nằm đêm nghĩ lại nát bằm lá gan.
*Lời nói mặn mòi, đậm đà tha thiết.
Anh thấy em xấu dạng hữu tài
Anh kiếm lời trăng gió vắn dài gạt em.
Anh về tìm vẩy cá trê
Tìm gan tôm sú, tìm mề con lươn
Anh tìm con bướm có xương
Dây tơ hồng có rễ, đạo cang thường em ưng anh. *Cang thường do chữ tam cang (cương) và ngũ thường trong luân lý đạo Khổng. Tam cang: Tình nghĩa vua/tôi, chồng/vợ, cha/con.
Ngũ thường: Đạo thường dùng đối xử với người khác: nhơn (thương người và vật); nghĩa (biết phải, làm phải, ngay thẳng); lễ (biết kẻ lớn nhỏ, chỗ trọng/khinh); trí (biết suy nghĩ việc cần làm); tín (giữ sự tin cậy).
Đạo cang thường = những tình nghĩa và đạo lý dùng để đối xử với mọi người.
Mấy câu trên là một cách từ chối khéo của cô gái vì trên thực tế: Cá trê không có vẩy, tôm không có gan, lươn không có mề, và bướm không có xương.
Mình về thưa lại thung đường
Qua đây gá nghĩa cang thường với em.
Chẳng qua duyên phận số phần
Căn duyên thiên định* chẳng gần thời thôi.
Vắng tiếng tăm kêu chẳng thấu trời
Hỏi thăm duyên số đổi đời tại ai?
*Nguyên nhân gốc do trời định.
Bâng khuâng bát ngát, câu hát hữu tình,
Căn duyên tiền định, hai đứa mình gặp nhau.
Anh bước lên xe, xe quằn xe quại,
Anh bước xuống tàu, tàu chạy tàu nghiêng.
Gặp mặt em đây, gái thảo* trai hiền.
Lời anh phân chưa dứt, sao em vội liền ra đi.
Anh thương em, em bóp bụng đừng phiền,
Đợi xong mùa lúa, anh kiếm tiền cưới em.
(Hò cấy lúa, Tân Uyên, Sông Bé)
*Thảo: Biết lo và cung kính cha mẹ
Nhơn nghĩa, nghĩa nhơn
(Biết thương người biết phải trái, ngay thẳng)
Anh có thương em đừng cho bạc cho tiền
Cho nhơn cho nghĩa kẻo xóm giềng cười chê.
Sơn cách thủy cách, lòng em không cách
Đường xa dặm xa, nhơn nghĩa em không xa
Đi đâu, anh nhớ ghé lại nhà
Trước viếng (thăm) phụ mẫu sau là thăm em.
*Sơn: Núi; thủy: Nước/sông.
Nghĩa nhân nay giận mai hờn
Lòng em ở thẳng như đờn lên dây
Người ta chơi hớn chơi hài
Em đây làm lụng cả ngày lấm chơn
Anh đừng thấy đăng* mà phụ đó*
Đừng chê em nghèo khó mà vội phụ phàng,
Anh coi đồng tiền mới có sớm mai mà chiều đã mất
Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim**.
*Đăng và đó là tên của hai dụng cụ mà ngư phủ dùng bắt cá, tôm.
**Thiên kim = ngàn vàng = lời tôn xưng người con gái khác.
Bữa nay loan phụng* hiệp bầy,
Hò chơi nhơn đạo**, sau vầy nhơn duyên***.
*Loan phụng = chim loan, chỉ phái nữ; chim phụng, chỉ phái nam
**Nhơn đạo = lòng thương người;
***nhơn duyên = duyên vợ chồng.
Anh gặp em đứng lại giữa đàng
Muốn phân nhơn nghĩa, ngỡ ngàng khó phân.
Anh dứt lời than, em đây rúng động tâm tình
Hai hàng lụy nhỏ như bình nước nghiêng.
Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng*
Em thề thương bạn như chồng của em.
*đạo đồng = giống nhau.
Tương phùng* gặp hội rồng mây*
Hò chơi cho toại sau gầy nghĩa nhân.
*Tương phùng = cùng gặp nhau;
* Rồng mây = cơ hội tốt.
Thuyền quyên, quân tử
(Thuyền quyên = người con gái đẹp, dáng đẹp của người con gái; quân tử = đàn ông tốt.)
Ai làm cho vịt xa chuồng
Cho nên quân tử bữa buồn bữa vui.
Bậu đừng bán dạng thuyền quyên
Cái khăn bậu đội, dây chuyền ai mua.
Bậu đừng nghe tiếng thị phi*
Thủy chung anh giữ trọn nghì sắt son
*Thị phi = phải trái, tốt xấu, lời chê khen không căn cứ; Thủy chung hay thỉ chung = trước sau; chỉ sự trung thành lâu dài của vợ chồng.
Bậu đừng nghĩ ngợi thiệt hơn
Rửa tai nghe lóng “tiếng đờn tri âm”*.
*Hiểu nhau qua tiếng đờn;
Bạn tri âm = bạn thân hiểu nhau nhiều.
Thấy đó nói ra em đà hiểu ý,
Muốn cho đào lý hợp với trúc mai.
Quản chi biển rộng sông dài,
Ôm duyên đợi khách chương đài* bấy lâu.
*Chương đài: Tên một con đường trong truyện tích bên Tàu, nơi người vợ ở nhà chờ người chồng đang ở phương xa;
Khách chương đài = người ở phương xa.
Chiều chiều tui buồn, tui ra sông cái tự ải cho rồi,
Sống làm chi mà chia ly thục nữ, (cô gái hiền lành)
Thác cho rồi đặng chữ thủy chung.
Chữ phú (giàu) nằm trên chữ quý (sang cả)
Kim Phụng* sánh với Kim Loan*
Cầm khăn lau nước mắt cho nàng
Xin đừng rơi lụy giữa đàng khó phân.
*chỉ trai tài, gái đẹp.
Quân tử, Tương phùng, Bằng hữu, Tri kỷ, Thủy chung
Chữ rằng "quân tử tạo đoan"*
Vợ chồng là nghĩa đá vàng trăm năm.
*Người đàn ông tốt tạo ra đầu mối.
Trượng phu* xử nghĩa vuông tròn
Ngàn năm lưu lạc dạ còn thương anh.
*Đàn ông đứng đắn.
Tui hun (hôn) mình dẫu có làm hung (làm dữ)
Nhơn cùng tắc biến*, tui chun xuống sàn. *Gặp lúc gấp rút/khó khăn, nảy ra ý khôn khác.
Tương phùng* gặp hội rồng mây
Hò chơi cho toại sau gầy nghĩa nhân.
*Tương phùng hay tương ngộ = gặp nhau.
Chừng nào trời nọ bể hai,
Bông vông màu trắng mới phai lời thề.
Sông sâu sóng bủa tứ bề,
Trách người cựu ngãi* chẳng hề vãng lai. *Tình nghĩa xưa.
Con chim nho nhỏ,
Cái lông nó đỏ,
Cái mỏ nó vàng.
Nó kêu người ở trong làng,
Đừng ham lãnh lụa phụ phàng* vải bô.
*Ruồng bỏ.
Lúc em bước chân ra, Má ở nhà có dặn.
Công sanh thành là nặng, Điều tình ái là khinh.
Con đừng nghe theo thằng hám sắc lưu linh*
Lánh xa tửu điếm**, trà đình*** chớ vô.
*Ham sắc đẹp, sống bê tha; ** Quán rượu, *** Phòng trà.
Đây đã chèo lơi* đặng chờ người tri kỷ**,
Gặp mặt chuyện trò cho phỉ ước mơ.
*Chèo chậm lại; **Người biết rõ tâm tánh mình.
Đêm khuya nguyệt (trăng) lặn, sao thanh
Mình với tôi kết ngãi, liệu có thành hay không?
Đêm khuya nước mắt ròng ròng
Vì em nhớ chữ loan phòng* còn xa
Làm sao vầy hiệp đôi ta
Để mà toan liệu cha mẹ già lo chung.
* Phòng của người nữ; phòng của vợ chồng.
Đêm khuya ra đứng giữa trời,
Giơ tay bắt nguyệt, nguyệt dời phương nao.
Tay cầm dĩa muối sàng rau,
Thủy chung như nhứt* sang giàu mặc ai. *Trước sau như một.
Ham chơi bỗng đứt dây đờn
Anh thất ngôn* lời hứa, con bạn hờn trăm năm * Sai lời.
Chữ rằng bằng hữu chi giao*
Tui đây mình đó biết sao, bớ mình.
*Bạn bè tốt, biết lo lắng cho nhau, giúp đỡ nhau.
Lên xe quân tử* đứng, thục nữ** ngồi
Nhìn anh, em khóc điếng bởi tiếng còi chia ly. *Người đàn ông tốt; **Người con gái hiền.
Niên kỷ* cũng đồng niên kỷ,
Phu thê** cũng xứng phu thê.
Gá duyên chồng vợ...
Chỉ sợ anh chê em nghèo. *Tuổi tác; **Chồng vợ.
Nói hổ ngươi, anh đừng cười em dại
Bởi thương mình nên em phải trần ai*.
*Trần ai = bụi bặm = cuộc đời thế tục = cực khổ.
Biết làm sao trọn nghĩa phu thê
Đó chồng đây vợ đi về có đôi.
Xứ độc địa người đi ít lại,
Chốn hiểm nguy có vãng* không lai.
Anh đi phụ rẫy trúc mai,
Bỏ em than vắn thở dài nhớ thương.
*Vãng= đi qua; lai = trở lại, trở về.
Làm người sao khỏi chữ lương nhân,
Mà nàng chịu để phòng không ở goá?
Sách có chữ rằng phụ nhân nan hoá*, ít kẻ yêu vì.
Nên lấy chồng phải luận phải suy,
Phải xem trong lóng đục,
Đây đã đến thời phải lúc,
Hay là nàng còn cúc dục cù lao**,
Để anh ngơ ngẩn ra vào,
Vì thầm yêu trộm nhớ thì dạ nào em bỏ anh?
*Đàn bà khó dạy cho nên người tốt (quan niệm xưa). ** Lo nuôi dưỡng cha mẹ
Ai có trí bằng trí Khổng Minh*.
Gương linh gá nghĩa mặc tình,
Chừng nào gá nghĩa cựu tình sẽ thương.
*Khổng Minh là quân sư tài giỏi của nước Thục thời Tam Quốc bên Tàu.
Phàn Lê Huê* sa mê Thái tử*,
Oán thù dữ còn đổi ra hiền.
Huống chi em là phận thuyền quyên,
Chẳng qua căn số định giận phiền uổng công. *Phàn Lê Huê là một nữ tướng tài giỏi trong một tiểu thuyết Chương hồi của Tàu. Không rõ tên họ Thái tử nầy.
Tiết Nhân Quý* lấy Ma Thiên Lãnh,
Lấy bạch giáp, bạch bào.
Em gặp mặt anh, sao không hỏi không chào,
Hay là em đã có chốn sang giàu hơn anh.
*Tiết Nhân Quý là một tướng tài giỏi trong tiểu thuyết chương hồi Tiết Nhân Quý Chinh Đông» của Tàu. Ma Thiên Lãnh là tên của một ngọn núi hiểm trở ở bên Tàu.
Quạ kêu, diều khóc, con quốc nọ chui qua
Nhị nhơn đối khẩu, thiết giao hòa*
Đôi ta thương lén, cha mẹ già chưa hay.
*Hai người nói chuyện, hòa hợp thân thiết nhau.
Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình*
Mặt chưa thấy mặt mà tình đã thương
*Nghe tiếng nhưng không biết mặt.
Dùng cả một hoặc hai, ba câu Hán Việt có ý nghĩa để làm câu nhập đề.
(Ông Võ Cao, tác giả quyển Văn Phạm Việt Nam, giải thích hầu hết những câu Hán Việt trong phần nầy giúp chúng tôi. Xin đa tạ bằng hữu Võ Cao.)
Sách có chữ họa phước vô do*,
Ưng không mình nói tôi lo cho rồi.
*Vô 無 do 由: không có nguyên nhân.
Lộ bất hành bất đáo*,
Chung bất đảo bất minh*.
Lâu nay tôi chẳng biết ý mình,
Ngày nay minh bạch nhơn tình trí tri**.
* Câu 1: Đường không đi thì không tới
Câu 2: Chuông không gỏ thì không biết tiếng (kêu) tốt. **nhơn tình trí tri = biết rõ lòng người.
Minh quân lương tể tao phùng dị*
Tài tử giai nhân tế ngộ nan**
Trời xui anh gặp bạn vàng
Một lời phải nghĩa ngàn vàng khó mua.
* Minh quân = vua sang suốt; lương tể = vị quan tốt; tao phùng dị = khó gặp nhau
** Tài tử giai nhân = trai tài, gái đẹp; khó gặp nhau.
Vô dược khả y* khanh tướng bệnh*,
Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền*
Bạc muôn khó chuộng bạn hiền sánh đôi.
* Y 醫: chữa bệnh.
Câu 1: Không thuốc nào có thể chửa bịnh của khanh tướng (các quan làm việc cho vua)..
** mãi 買: mua.
Câu 2: Có tiền khó mua được người hiền cho con cháu.
Lưỡi Trương Nghi* dù bén,
Miệng Tô Tần* dù lanh.
Bây giờ em đã quyết với anh,
Dầu hai ông mà tái thế, dỗ dành cũng chẳng xiêu. *Trương Nghi và Tô Tần là hai nhà thuyết khách có tài trong lịch sử nướcTàu thời xưa.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng*
Anh có thương em thì kết duyên cùng
Anh đừng thương vội nửa chừng bỏ em.
*Có duyên thì dầu xa ngàn dặm vẫn gặp nhau. Không duyên dù đối mặt cũng không gặp được
Thiên cao đằng đẵng,
Nguyệt chiếu phát hiện hằng*,
Một ngày gặp mặt cũng bằng ba thu**.
* Trời cao, trăng chiếu; Hằng 恆: thường, lâu bền. ** Thu 秋= mùa thu; ba thu = ba năm.)
Thương ai ruột sắt, gan bào
Nghĩ ai tủi phận ba đào* thở than.
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm**
Thuở xưa kia, anh không biết anh lầm
Bây giờ anh đã biết,
Sao nàng cầm chẳng buông.
* Ba đào = lượn sóng, sóng; nghĩa bóng = gian khổ ** Họa hổ... tri tâm: Vẽ cọp chỉ vẽ da, khó vẽ được cái xương; biết người chỉ biết mặt không biết được lòng dạ.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên*.
Đêm khuya nghe tiếng khách thuyền quyên.
Hỏi thăm quân tử vượt miền đi đâu.
* a) Dịch nghĩa:
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
Cây phong (bên) sông, lửa chài đối diện giấc ngủ buồn.
b) Hai câu trên đây là hai câu đầu của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Phong Kiều dạ bạc, rất nổi tiếng của nhà thơ Trương Kế đời Đường:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. (Trương Kế)
Nhiều người đã dịch bài thơ trên, và theo ông Võ Cao bản dịch của Tản Đà sau đây là hay nhứt:
Đêm thuyền đậu bến Phong Kiều
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. (Tản Đà)
Lộ bất hành bất đáo.
Chung bất đả bất minh *
Bây giờ tôi mới rõ sự tình,
Tại ba với má ở độc, hai đứa mình mới xa.
Ôm lòng sầu, khuya sớm vào ra,
Tai nghe trống điểm canh ba nhớ mình,
Phải chi phụ mẫu thuận tình,
Phụng loan sum hợp phỉ tình ước mơ.
Thương mình chép đặng bài thơ,
Chẳng thương mình giở từng tờ mình coi. * Lộ bất... bất minh: Đường không đi không đến. chuông không đánh không kêu.
Trường đồ tri mã lực;
Sự cửu kiến nhân tâm*.
Sen trong đầm lá xanh bông trắng,
Sen ngoài đầm bông trắng lá xanh.
Chim khôn lót ổ lựa nhành,
Gái khôn tìm chỗ trai lành kết duyên.
* Đường dài mới biết sức ngựa, gặp sự đớn đau mới biết lòng người.
Tiền tài như phấn thổ*,
Nhân ngãi trọng thiên kim**.
Anh thương em anh kiếm anh tìm,
Phụng hoàng cắn bức thư đem,
Kêu em thức dậy để xem thư nầy.
* Phấn thổ 糞土 = phân (cứt), vật đáng khinh. ** Nhơn nghĩa rất quý giá.
Tửu năng hồng nhân diện,
Tài năng động nhân tâm*.
Thế gian miệng nói không lầm,
Lụa tay vóc trắng vụng cầm cũng đen.
*Rượu có thể làm đỏ mặt người ta,
Của cải có thể làm động lòng (tham) người ta.
Nhân tham tài tắc tử,
Điểu tham thực tắc vong*.
Ban sơ ai dễ rõ lòng,
Lửa kia dù nóng, vàng ròng chẳng nao.
*Người tham lam phải chết
Chim ham ăn phải chết.
Phú tắc cộng lạc, Bần tắc cộng ưu.
Hoạn nạn tương cứu, Sinh tử bất ly*.
Bây giờ em đặng chữ vu quỉ.
Em ham nơi quyền quý,
Em xá gì nghĩa anh.
*Câu1: Giàu ắt cùng vui, Nghèo ắt cùng lo. Câu 2: Gặp khó khăn cứu nhau, sống chết không lìa nhau.
Nhập sơn cầm hổ dị,
Khai khẩu cố nhân nan*
Đến đây anh mở miệng ngỡ ngàng,
Lạ người, lạ mặt, lạ làng khó phân.
(*cầm 擒 = bắt, giữ; dị 易: dễ (chữ nầy cũng đọc là dịch=: thay đổi, biến đổi); khai 開: mở ra ; nan 難: khó (chữ nầy cũng đọc là nạn = tai ách).
Nghĩa hai câu trên:
Vào núi bắt cọp dễ
Mở miệng người cũ khó.
Thủy đề ngư, thiên biên nhạn,
Cao khả xạ, đê khả điếu.
Chỉ xích nhân tâm bất khả phòng*.
E sau lòng lại đổi lòng,
Nhiều tay tham bưởi chê bòng** lắm anh.
Câu 1: Nước nâng cá lên, nhạn ở ven trời.
Câu 2: (đề 提: nâng lên, biên 籩: ven, bên lề) Cao có thể bắn, thấp có thể câu
Câu 3: (chỉ 指 xích 斥: chỉ chỗ lầm mà bài bác). Chỉ chỗ lầm bài bác lòng người, không phòng hờ được.
**Bòng: Trái thuộc loại gia đình cam, quít, và bưởi, to hơn cam quít.
Lời kết
Ca dao miền Nam với một vài chữ Hán Việt quen thuộc (đã được Việt hóa) trong câu là chuyện bình thường. Như đã nói, ca dao có thể xem là một thể loại dùng tiếng (chữ) Việt thuần nhiều nhất so với văn thơ bác học hay văn xuôi.
Trong phần cuối của bài nầy chúng tôi liệt kê ra những bài ca dao mà trong đó có cả một câu, hay hai câu toàn chữ Hán Việt. Đây là những câu ngoại lệ, và là một đặc điểm của văn hóa Đồng Nai - Cửu Long.
Xin đa tạ những tác giả đã sưu tập những câu ca dao nầy và rất tiếc là chúng tôi không thể nêu rõ danh tánh của quý vị vì một số câu tôi nhận được từ các bằng hữu qua email. Nhưng chính các bạn nầy cũng không biết tên tác giả sưu tập vì email đã “chuyễn tiếp” nhiều lần và không ghi tên xuất xứ của các câu ca dao nầy.
Có một số câu tôi chép lại từ những tài liệu ghi trong phần “Tài liệu tham khảo”. Xin đa tạ tác giả của những câu nầy.
Tôi cảm ơn người hai bạn cựu học sinh trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức, Huỳnh Thanh Việt và Huỳnh Công Lộc đã gởi cho tôi qua email Rất nhiều câu ca dao Hán Việt.
Thành thật cảm ơn bằng hữu/huynh trưởng Cao Tấn Võ và đồng nghiệp Vũ Quốc Oai trong việc chú thích những câu, hay những tiếng Hán Việt (mà tôi không hiểu hay hiểu lờ mờ) sang tiếng Việt đơn giản và quen thuộc.
Cũng không quên sự giúp đỡ của bằng hữu chưa bao giờ gặp mặt “bạn già correspondent” Phan Tấn Tài trong việc hiệu đính (edit) bài nầy.
Chúng tôi thành thành thật cảm tạ TS Phan Tấn Tài, những bạn già, và những tác giả của những quyển sách liệt kê bên dưới, phần chú thích.
TS Nguyễn Hữu Phước
Tài liệu tham khảo
A. Tài liệu “sống” (truyền khẩu):
Do các “bạn già” sau đây, (và còn có nhiều bạn khôngmuốn nêu danh tánh): Ô.: Đỗ Hải Minh, MTT, H P, NHH, NTĐức, Nguyễn Trọng Thiệt, NVB, Nguyễn văn Châu, Trần Gia Phụng, Võ Thành Tài. Bà: Nguyễn Thi Bạch, Lê Văn Tây, Bà Bảy Mỏ Cày, Cô Ba Bạc Liêu.
B. Internet
- Huỳnh Thanh Việt: email bài “Câu Hò”” trích từ Sách Hò Miền Nam, NXB Phạm văn Tươi Sài Gòn, không có tên tác giả.
- Huỳnh Công Lộc: email về một số câu ca dao. - Phan Tấn Tài: email về những câu ca dao Miền Nam. (Tài liệu sưu tầm:
Sau đây là những tài liệu sưu tầm được chọn tối thiểi là 10 bài ca dao, những tai liệu còn lài sẽ đưỡc ghi trực tiếp sau mỗi bài.
[1] Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt nam, in lần thứ 8, 1977;
[2] Lư Nhất Vũ; Lê Giang; Lê Anh Trung: Hò Nam bộ (Vidéo), 1992;
[3] Lê Giang: Bộ hành với ca dao. NXB Trẻ, 2004; [4] Ghi lại từ ký ức PTT&ĐTV;
[5] Hà Phương Hoài: Tự điển ca dao (www.vietnam-on line.com; http://e-cadao.com);
[6] www.vietthings.com;
[7] Nguyễn Đăng Thục: Tư tưởng Việt Nam, NXB Khai Trí, 1964;
[8] Đoàn Thị Thu Vân: Chất hóm hỉnh trong ca dao tình yêu Nam Bộ.
(www.thoangsaigon.com);
[9] Ghi nhanh trong một buổi tọa đàm tại tư gia Gs Trần Văn Khê, 1973.)
C. Sách
1. Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ. 1970. Việt Nam Tự Điển. Nxb Khai Trí, Saigon, VN.
2. Phan Tấn Tài (2005-8). “Ca Dao Miền Nam” Đặc San Đồng Nai-Cửu Long. xb:Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation, Westminster California, USA.
3. Lê Thái Ất (2003). Văn Hóa Việt Nam. Tác giả xuất bản. Westminster, California,USA.
4. Vương Hồng Sển (1993). Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb Văn Hóa, TP Hồ Chí Minh, VN.
Huntington Beach: Re-Edit May 10-2016