User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ở vùng quê Lục Tỉnh, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà. Gọi là bàn Thông Thiên, bàn Ông Thiên, bàn Phật Thiên, hay bàn Thiện, cách nào cũng đúng.
 
Dù với bất cứ danh gọi nào, thì mục đích và ý tưởng của cư dân vùng đất này qua bàn thiên đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất phong phú, thanh cao, an lạc!
 
banthongthien
Bàn thờ thông thiên trước một căn nhà ở miền quê Nam bộ. (Hình: Internet).
 
Trên bàn thiên có một lọ cắm hương bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hũ tương để cắm hoa.
 
Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt ba nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời.
 
“Bàn thiên” có từ thời khai hoang
 
Người khai hoang có câu nói “Tiền hiền khai khẩn. Hậu hiền khai cơ”, như nhắc lại cái ngày bỏ vùng Thuận Quảng xa xôi đến xứ sở lạ lùng đàng Trong sông nước mênh mông. Thuở đó con người lưu dân cảm thấy mình cô đơn nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chỉ còn biết đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng tối cao đó là “Ông Trời”.
 
Con người ta lúc đó lấy bản thân mình làm chủ thể để suy ra nguyên tắc định hướng Trời đất: Ðông vi tả, Tây vi Hữu, Nam vi tiền, Bắc vi hậu. Nghĩa là hướng Ðông bên trái, Tây bên phải, Nam phía trước, Bắc phía sau mà định hướng cho ngôi nhà. Theo nguyên tắc này, những ngôi nhà đầu tiên dựng lên trên vùng đất mới, luôn quay mặt về hướng Nam.
 
Ðể mỗi khi bái tế người ta phải quay mặt vô bàn thờ tức là quay mặt về phía Bắc mà hoài niệm tri ân tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ về tổ tiên Ngũ Quảng.
 
Ðặt bàn thiên tính từ ngạch cửa nhà cách khoảng 1 trượng (khoảng 4m) cắm cột “bàn thiên” giữa sân nhà nơi trống trải để ngó thẳng lên trời, hướng về phương Nam.
 
Vật cúng cũng đạm bạc đơn sơ như cơ ngơi của nó: Gạo và muối, ông cha ta rất quý trọng. Ðến đêm ba mươi Tết. Trừ Tịch giao thừa mừng năm mới bàn thiên cũng là nơi thiết lễ “Tống cựu nghinh tân” các ông Hành binh, Hành khiển, vật cúng có khá hơn nhưng không ngoài sản phẩm nông nghiệp.
 
Theo các kỳ lão thì lời khấn vái trước “bàn thiên” cũng giản dị nhầm cầu nguyện gia đình bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi làm ruộng trúng mùa mà đối tượng cầu nguyện là “trời đất” và người “khuất mặt khuất mày”.
 
Sau khi cầu nguyện bàn thờ trong nhà xong, thì ra ngoài Trời chỗ bàn Thông Thiên, lạy 4 hướng mỗi hướng 3 lạy, lạy đứng hay lạy quỳ tùy theo lúc mạnh yếu, nếu không lạy được thì xá 4 hướng mỗi hướng 3 xá.
 
Ý nghĩa việc thờ Thông Thiên
 
Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín, cắt nghĩa “Bàn Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên: Bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn”.
 
Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1.5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0.4m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một bình hương và 4 ly nước mưa và bình bông nhỏ.
 
Vào những ngày quan trọng như Mồng Một, ngày Rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.
 
Ðối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có toàn năng, có phép mầu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì “cầu Trời, khẩn Phật” để cho “tai qua, nạn khỏi”. Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là “Ông”, ông Trời có mắt.
 
Bàn Thiên hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: Có vuông-có tròn, có âm-có dương.
 
Trong văn chương truyền khẩu của người Việt còn lưu lại tín ngưỡng thờ Trời
 
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”
 
Ðến những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 ở miệt Tiền Giang và Hậu Giang người ta nghĩ ra cách đúc bàn thờ Ông Thiên bằng xi măng cốt sắt và để bán tại chỗ hoặc có ghe chở bán khắp các làng quê trong vùng. Do vậy sau này, ít thấy bàn thờ ông Thiên làm bằng cây vông, cây gòn, gốc tre…
 
Tại tiểu bang Cali Hoa Kỳ gần đây thấy xuất hiện một ít bàn Thiên trong khu người Việt sinh sống, dầu hình thức, vị trí bàn thờ không như còn ở quê nhà!
Bàn thờ Thiên, tín ngưỡng thờ Trời, đã góp vào sự đa dạng và phong phú của đời sống tinh thần, vào văn hóa phi vật thể của người Việt Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Có sự tương đồng, thống nhất với người Việt ở các vùng miền đất nước, vừa có nét riêng của vùng miền Tây Nam.
 
Bàn thờ thiên, và tín ngưỡng thờ Trời, cho thấy thêm nét riêng văn hóa người Việt ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long chính là sự tồn tại trong một không gian xã hội khác với miền Ðông và khu vực khác. Ðó cũng còn là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và các tộc Chàm, Tàu, Miên cộng cư trên vùng đất Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
 
Bàn thờ Thiên mang đậm đà tính mộc mạc, giản dị, chân thành của đất phương Nam, gần gũi với đất với Trời. Thờ kính Trời như một đấng tối cao, giãi bày tâm hồn và tin nơi Trời, phó thác cuộc sống riêng tư và gia đình nơi Ông Trời siêu việt hằng quan tâm đến cuộc sống của người dân nhu ca dao:
 
- Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau
 
- Lạy Trời cho cả gió Nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn căng buồm tiến ra
_______________
Sách mới phát hành
Tuyển tập biên khảo
Trần Văn Chi
Chuyên về Phong Tục-Văn Hóa
Xin liên lạc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Cell: 714-702-4048
Một vùng châu thổ rộng lớn do phù sa hai sông Mê Kông và Đồng Nai bồi đắp tạo thành một màu xaanh bạt ngàn, gần như ba mặt trông ra đại dương bao la bát ngát, đất phương nam quả là “rừng vàng biển bạc”, một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi cho lưu dân người Việt mặc sức khai khẩn. Lợi dụng thực vật đa loại sẵn có như tre, mây, cây lá…ông cha ta chỉ dựng lều trại đơn sơ để giải quyết cho việc tạm cư, tạm canh trong buổi đầu lập nghiệp.
 
Những người đầu tiên đến bới đất lật cỏ mà hậu thế rất mực sùng kính và tôn xưng là “Tiền hiền khai khẩn” luôn mang tín ngưỡng truyền thống của quê hương bản quán từ vùng Thuận Quảng xa xôi, khi “Đến nơi xứ sở lạ lùng, chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê” này, họ cảm thấy mình quá cô đơn nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chỉ còn biết đặt hết niềm tin vào đấng thiêng liêng tối cao, đó là Ông Trời. Phải, chỉ có Ông Trời là đấng quyền năng tuyệt đối ở rất xa mà cũng rất gần loài người, ngửa mặt là thấy trời, cúi đầu là thấy đất (Ngưỡng diện kiến thiên, đê đầu thị địa). Trời là niềm tin, đất là hi vọng. Chỉ có Ông Trời mới có thể cứu khổ, cứu nạn cho người “chơn ướt chơn ráo” sống giữa bốn bề “Cỏ mọc thành tin, rắn đồng biết gáy!”. Thế là khái niệm Ông Trời đã thực sự hình thành trong tư duy của người đi mở cõi. Nhưng thờ Ông Trời bằng cơ ngơi nào cho phải lẽ? Thôi thì trong thời kỳ tạm cư, tạm canh âu cũng phải “tạm thờ” miễn thể hiện được câu “Hữu thành tắc linh”.
 
Thế là cái Bàn Thiên được… chào đời từ đó.
 
Với vật thể này có người gọi là Bàn Ông Thiên, nghĩa là bàn thờ Ông Trời; cũng có người gọi là Bàn Ông Thiên với ý nghĩa thông thiên triệt địa, là llời cầu nguyện của người thông đến trời, thấu cả đất. Nhưng đa số người dân Nam Bộ từ miền Đông tới miền Tây gọi gọn lại là Bàn Thiên, ý nghĩa cũng như nhau. Người xưa quan niệm “Trời tròn đất vuông”, Trời cao rộng vô biên, cao khong nóc, rộng không vách, nên việc thực hiện một Bàn Thiên rất đơn giản; một cây cột tròn dài cỡ ngang đấu người, một tấm ván hình vuông mỗi cạnh khoảng 4-5 tấc, giữa tấm ván đóng dính chắc vào đầu cột, thêm vài cây chỏi xéo ngắn cho tấm ván không lúc lắc, đầu cột còn lại vạt hơi nhọn, cắm xuống đất. Thế là xong Bàn Thiên. Còn vị trí cắm ở đâu, chúng ta cần làm cho rõ ý nghĩa.
 
Người xưa lấy thân mình làm chủ thể để suy ra nguyên tắc: Đông vi tả, Tây vi hữu, Nam vi tiền, Bắc vi hậu (hướng Đông bên trái, hương Tây bên phải, Nam phía trước, Bắc phía sau) mà định hướng tiến thủ và định vị cho ngôi nhà. Theo nguyên tắc này, những ngôi nhà đầu tiên cất trên vùng đất mới (Kể cả những ngôi đình đầu tiên) luôn quay mặt về phương Nam là hướng tiến thủ (Nam vi tiền), đối kháng là phương Bắc (Bắc vi hậu) để mỗi khi bái tế, người ta phải quay mặt vô bàn thờ, tức hướng về hướng Bắc mà hoài niệm, tri ân tổ tiên, thể hiện rõ nét đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Bởi thế mà vị trí đặt Bàn Thiên cũng tuân thủ theo nguyên tắc đó: từ ngạch của nhà trước đo ra một trượng (khoảng 4 mét), cắm cột Bàn Thiên giữa sân nhà nơi trống trải để bàn ngó thẳng lên trời (ngưỡng diện kiến thiên), lư hương để phía trước, hướng về phương Nam. Tùy theo diện tích của sân mà cự li thay đổi chút ít.
 
Vật cúng cũng đạm bạc đơn sơ như cơ ngơi của nó: gạo và muối. Ông cha ta rất quý trọng gạo muối, coi đó là “hạt ngọc của trời, hạt châu của biển” vì nó là thành quả của quá trình lao động gian khổ. Đến ngày Sóc Vọng (mùng 1 và Rằm âm lịch) lễ phẩm có khá hơn: nhang đèn, bông trái, nước sạch và gạo muối mà gọi theo người xưa là hương đăng, hoa quả, bạch thủy, mễ diêm. Đến khuya ba mươi tết cúng giao thừa, Bàn Thiên cũng là nơi thiết lễ tống cựu nghinh tân các ông Hành binh Hành khiển, vật cúng có khá hơn nhưng cũng không ngoài sản phẩm nông nghiệp. Theo các vị kỳ lão thì lời khấn trước Bàn Thiên cũng rất giản dị, nhằm cầu nguyện gia đình bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, làm ruộng trúng mùa, làm ăn phát đạt mà đối tượng cầu nguyện là Trời Đất và “ai đó” mà mắt trần không thấy được: “Vái vanm Hoàng thiên Hậu thổ, Đất nước ông bà…” hoặc “Khấn vái Trời Đất và những vị khuất mặt khuất mày…”
Ngày nay trong tiến trình đô thị hóa, cái Bàn Thiên đã dần dần vắng mặt trên những đường phố đất hẹp người đông. Tuy nhiên, ở nông thôn, nhất là miền Tây nam bộ dấu ấn này vẫn còn rất đậm nét. Ngay cả những thành phố lớn là nơi đất đai được coi là tấc đất tấc vàng- theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen- ta được thấy một số nơi vẫn còn lưu giữ cái bàn thiên trên bao lơn của những tầng lầu 3, 4… Chứng cứ đó đã khẳng định rằng, ngoài lòng sùng kính thiêng liêng theo tín ngưỡng truyền thống, vật thể này biểu hiện rõ nét đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của người dân Nam Bộ ngày nay.
 
Thiết nghĩ, chùa Một cột ở miền Bắc gần cả ngàn năm nay chúng ta luôn hãnh diện là một quốc bảo của đất nước, thì ở phương Nam mỗi nhà bảo lưu được cái Bàn Thiên coi đó là gia bảo cũng nên.
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com