Từ sau 30.4.1975, đất nước Việt Nam đã bị tàn phá, hủy hoại về mọi mặt – từ rừng biển, sông ngòi, đất đai đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, văn hóa…
Về văn hóa, mà ngôn ngữ là nền tảng, đã bị tàn phá thê thảm. Ai muốn nói thế nào thì nói, muốn viết cách nào thì viết. Người ở hải ngoại, nếu lâu năm không tiếp xúc hay thư từ với người trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao dịch khi trở về Việt Nam.
Thậm chí, mới đây có ông “tiến sĩ” nào đó, không biết vì điên khùng, hay được “người… tàu lạ” đút cho vài thỏi vàng, bèn viết cuốn sách cả ngàn trang, đề nghị bỏ toàn bộ chữ “quốc ngữ” mà dân Việt Nam đã dùng hàng trăm năm nay một cách hãnh diện, và các văn nhân, học giả đã tạo ra một kho tàng văn hóa vô giá, đến nỗi Học giả Phạm Quỳnh đã nói rằng “tiếng Việt còn, nước ta còn”. Muốn sửa đổi chữ viết của một dân tộc, đâu phải bất cứ tên khùng hay kẻ bán linh hồn cho giặc Tàu nào cũng làm được. Nhờ xe tăng, đại pháo của Liên-sô, người ta có thể đánh chiếm một lãnh thổ, nhưng không dễ tiêu diệt nền văn hóa của một dân tộc đã có mấy ngàn năm văn hiến.
Không kể người trong nước tiếp tục đề kháng, cố bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, người ra đi lưu vong tị nạn cũng không quên bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ở nước ngoài, trong đó có việc sáng tác và xuất bản sách.
Tủ sách Tiếng Quê Hương là một tổ hợp xuất bản do Nhà văn Uyên Thao ở Hoa Kỳ chủ trương, đã xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 2000. Đến nay đã ấn hành 82 cuốn sách của những tác giả ở hải ngoại lẫn tác giả trong nước.
Về chủ trương và đường hướng của TQH, xin đọc “Thư Gửi Bạn Trước Khi Vào Sách” được in trên trang đầu cuốn “Nhân Văn Giai Phẩm” của tác giả Thụy Khuê do TQH xuất bản năm 2012:
Khi theo đuổi chủ hướng thu gom các tiếng nói chứng nhân trung thực về một thời kỳ bi đát cùng cực của đất nước Việt Nam, Tủ sách TQH đã đương nhiên tự lãnh việc góp phần bảo tồn ngôn ngữ Việt Nam trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Công việc có vẻ khá đơn giản nhưng khi đối mặt với thực tế đã trở nên hết sức phức tạp.
Bởi chữ quốc ngữ dù qua một quá trình phát triển dài trọn 100 năm khởi từ đầu thế kỷ 20 vẫn chưa đạt thành hệ thống hoàn chỉnh với tiêu chuẩn rõ ràng về nhiều mặt từ nghĩa chữ tới cách viết. Tuy nửa đầu thế kỷ 20, một số học giả như Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… đã lưu tâm tới vấn đề, nhưng công trình nghiên cứu của các vị này chưa thể hoàn hảo và đáng buồn hơn là đã bị rơi vào quên lãng. Tới nay gần như mỗi người đều thoải mái tự ban nghĩa cho các ngôn từ và thoải mái viết theo sở ý, thậm chí ngay tài liệu giáo khoa cũng chưa hề thống nhất.
Vì thế, Tủ Sách TQH phải tự định một chuẩn hướng theo các chỉ tiêu do cân nhắc chủ quan với mong mỏi không gây hỗn loạn thêm cho cách viết và cách dùng từ ngữ. Quyết định này đã khiến Tủ Sách khó tránh bất đồng với một số tác giả trong các phạm vi trên do thói quen dùng từ và viết chữ khác với chuẩn hướng của Tủ Sách.
Cụ thể là với tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm mà quí bạn đang cầm trên tay đã có sự bất đồng về hai từ “sử dụng” và “toàn trị.” Tác giả Thụy Khuê đã yêu cầu TQH giữ nguyên cách viết “sử dụng” cũng như từ “toàn trị”, nhưng TQH lại không thể đi ngược với chuẩn hướng đã đề ra là phải viết “xử dụng” và thay từ “toàn trị” bằng “độc trị”, “đảng trị” hoặc “độc quyền đảng trị.” Do đó, chúng tôi xin thông báo cùng bạn đọc về quan điểm của tác giả Thụy Khuê và cũng xin nữ sĩ coi những dòng này như lời tạ lỗi của TQH với riêng nữ sĩ do việc đã đổi khác hai từ “sử dụng” và “toàn trị” trong bản thảo.
Chúng tôi cũng xin được nói về lý do chọn cách viết “xử dụng” và không dùng từ “toàn trị.” Như chúng ta đều biết, đa số từ Việt ngữ là Hán Việt tức có gốc Hán tự. Chẳng hạn chữ “sử” hoặc “xử” của ta là 5 chữ Hán viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã, Hô, Mộc. Trước đây, các học giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh đã phiên âm 3 chữ viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã là “sử” và 2 chữ viết theo các bộ Hô, Mộc là “xử.” Các chữ thuộc 3 bộ Khẩu, Mã, Mộc đều có nghĩa rõ ràng riêng biệt nên chỉ còn vấn đề với 2 chữ viết theo bộ Nhân và bộ Hô.
Từ viết theo bộ Nhân được phiên âm là “sử” có nghĩa “sai khiến” hoặc “phỏng định” dẫn đến các thành ngữ như “giả sử”, “sử nhân dĩ dục”, “sử dân dĩ thời”…, hay chỉ một chức vụ như “thứ sử”, “ngự sử”… và biến âm thành “sứ” để có các từ “sứ thần”, “sứ giả”, “đại sứ”, “sứ quán”…
Riêng từ viết theo bộ Hô phiên âm là “xử” bao gồm nhiều nghĩa như “thu xếp”, “sắp đặt”, “xét đoán”, “lo liệu”, “phân định”,“vận dụng”, “thể hiện”, “đối đãi…” ghép thành nhiều từ như “xử thế”, “xử trí”, “xử lý”, “xử trị”, “xử sự”, “khu xử”, “hành xử”, “xuất xử”…
Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết “sử dụng” vì ở đây không hàm nghĩa “sai khiến” như trong câu “sử nhân dĩ dục” — lấy lòng ham muốn để sai khiến con người — hoặc “sử dân dĩ thời” — dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng. Chữ “xử” ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa “thu xếp”, “sắp đặt”, “vận dụng”… những thứ gì đang có trong tay mà thôi nên phải viết là “xử dụng.” Do đó, dù hiện nay rất nhiều người viết “sử dụng”, chúng tôi vẫn thấy cần viết “xử dụng”. (ngưng trích)
Nhưng mới đây, Bác sĩ Trần Văn Tích lại khẳng định viết “xử dụng” là sai. Trong bài “Tiếng Việt nạn nhân của Tiếng Quê Hương”, ông Trần Văn Tích giải thích như sau:
Muốn biết sử dụng đúng hay xử dụng đúng thì, như đã trình bày, phải dùng phép phiên thiết chứ không có cách nào khác, lại càng không thể dùng lối lý luận lằng nhằng theo kiểu của nhóm Tủ sách Tiếng Quê Hương. Từ điển Từ Hải phiên thiết hai chữ “sử trong “sử dụng” và “xử” trong “xử sự” như sau:
*sử, 使 : sảng sĩ thiết; sư chỉ thiết tinh âm sử 史 (phiên thiết là sư + sĩ = sĩ; hoặc phiên thiết là sư + chỉ = sỉ, âm giống như sử).
*xử, 處 : xương dữ thiết (xương + dữ = xử).
(Phép phiên thiết chỉ cho cách đọc và cách viết nhưng khi chuyển từ Hán sang Việt-Hán thì có thể thay đổi âm từ i sang ư hoặc thay đổi hai dấu hỏi, ngã).
Những người không thông thạo ngôn ngữ học nhưng thích chủ trương viết “xử dụng” thay vì “sử dụng“ đưa ra các kiến giải sau đây nhằm biện minh cho chủ trương của mình:
Có người nại cớ rằng phép phiên thiết là dành cho chữ Hán, sao lại có thể áp dụng cho tiếng Việt được? Họ cố tình quên rằng chẳng có ai mang phép phiên thiết áp dụng cho chữ nôm, cho các từ Việt thuần túy; phép phiên thiết chỉ có hiệu lực đối với các từ Hán-Việt vì lẽ giản dị các từ nôm na, các từ thuần Việt không thể nào được các tự điển, từ điển chữ Hán ghi nhận. Không ai tìm cách phiên thiết hai chữ trùm chăn chẳng hạn vì các tài liệu tham khảo chữ Hán không ghi từ trùm cũng như từ chăn. Có người lại hồn nhiên bảo tôi nói sao thì tôi viết vậy, tôi nói “xử dụng” thì tôi viết “xử dụng”. Họ quên rằng khi họ phát âm “xử dụng” là họ đã phát âm sai!
Trên internet, cách đây vài ba năm còn xảy ra chuyện rất khôi hài liên quan đến một nhà ngôn ngữ học tài tử. Anh ta thuộc thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ và phụ trách dạy tiếng Việt cho một lớp Việt ngữ ở bậc đại học. Anh ta không biết viết “sử dụng” là đúng hay viết “xử dụng” mới đúng. Một số người không chuyên nghiệp về ngôn ngữ học hăng hái góp ý với anh bạn trẻ; người thì bảo “sử dụng” là đúng, kẻ lại cho rằng “xử dụng” mới đúng. Tôi chỉ bảo cho anh bạn này biết rằng “sử dụng” mới đúng chính tả tiếng Việt. Tôi không đá động đến phép phiên thiết vì biết rằng anh bạn không đủ trình độ để hiểu tôi muốn nói gì. Sau một thời gian thu góp ý kiến, anh bạn bèn tổng kết; kết quả số người bảo “xử dụng” là đúng nhiều hơn số người bảo “sử dụng“ mới đúng! Người thầy giáo dạy tiếng Việt bất đắc dĩ bèn quyết định dạy cho học trò viết “xử dụng” theo như đa số quyết định! Tôi chỉ biết thở dài và tự dưng nhớ đến chuyện cán ngố dạy tiếng Pháp. Trong một buổi sinh hoạt tập thể, “nhân dân” băn khoăn không biết tiếng Pháp gọi cái bàn là la table hay le table. Tranh luận mãi, cuối cùng cán ngố lấy biểu quyết và số người bảo cái bàn là le table đông hơn! Thế là cái bàn biến thành giống đực trong Pháp ngữ! (ngưng trích)
Vì khuôn khổ của mục này có giới hạn nên rất tiếc không thể trích dẫn nhiều hơn bài của BS Trần Văn Tích, cũng như bài của Tủ sách TQH. Ngoài ra, sau khi đọc bài viết của ông Trần Văn Tích lại thấy thư của bà Phương Khanh phổ biến trên diễn đàn gửi BS Trần Văn Tích. Để rộng đường dư luận, xin trích một đoạn:
Việt Nam chưa có Hàn Lâm Viện nên không thể nói “viết thế này sai, viết thế kia đúng” mà chỉ theo thói quen lúc học tiểu học, rồi lên trung học được các vị Thầy chỉ bảo tận tình, như tôi may mắn được Thầy Hà Mai Anh, thân phụ ĐT Hà Mai Việt, dạy dỗ suốt mấy năm Tiểu Học nên viết chính tả hầu như chẳng bao giờ có lỗi cả, tôi có nhiều bạn bè học Sư Phạm Saigon đàng hoàng nhưng khi đi dạy vẫn sai “hỏi ngã” như thuờng vì các vị này là người Nam và Trung…
Riêng 2 từ “xử dụng”, tôi được Thầy dạy là phải viết “xử dụng” nên đến bây giờ và mãi mãi viết “xử dụng”, còn ai viết “sử dụng” tôi không quan tâm và không kết tội họ viết sai chính tả, còn căn cứ theo âm Hán-Việt để viết chữ quốc ngữ thì lại càng không “ổn”, chữ Hán hoặc Hán-Việt phát âm không thể nào giống cách phát âm chữ Quốc Ngữ được.
BS là người Tây học mà lại “chuộng” văn học Trung Hoa, nhưng trình độ về tiếng Hán của BS còn quá hạn hẹp vì không đọc sách tiếng Hán mà chỉ đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh về văn học Tàu thì làm sao hiểu thấu đáo được. (ngưng trích)
Nhà văn Uyên Thao cư ngụ trong Vùng Hoa-Thịnh-Đốn nên thỉnh thoảng vẫn gặp ông. Nhân vụ “xử dụng” hay “sử dụng”, bèn hỏi ông Uyên Thao có muốn lên tiếng không. Ông nhà văn cười khì nói: “Thôi. Tôi đang bận nhiều việc lắm. Và nói cái gì? Tôi đã nói rồi!”
Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, ngoại ô của thủ đô Hoa Kỳ, là nơi có nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam lưu vong cư ngụ, mà theo Ký giả Phạm Trần thì là nơi có nhiều nhà văn nhà thơ kỳ cựu nhất ở hải ngoại. Này nhé: Tạ Quang Khôi, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Song Liêm, Uyên Thao, Vũ Hối, Vi Khuê, Lê Thị Ý, Trần Long Hồ, Phạm Văn Hải…, nhớ không hết! (Chưa kể các vị đã giã từ cõi trần ai đa sự này).
Hỏi ý kiến các cụ về cuộc tranh luận văn học “xử dụng” hay “sử dụng”, có cụ trả lời, có cụ lảng sang chuyện khác, có cụ hỏi ngược “bộ hết chuyện làm rồi à?”. Có cụ lại cười ha hả: “Vui đấy! Ông nhà văn được ông bác sĩ dạy cho cách viết văn!” (Làm nhớ tới câu nói của Nhà văn Vũ Thư Hiên, “Tôi đã được một ông luật sư dạy cho viết văn”, để trả lời bài phê bình nặng ký của Luật Sư Nguyễn Văn Chức về cuốn hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của ông năm nào.
Hỏi Giáo sư Pham Văn Hải, tiến sĩ ngữ học, thay vì trả lời, ông ấy lại chuyển cho cuốn “Chữ Hán và Tiếng Hán Việt” dày hơn… một ngàn trang, mà ông là tác giả. Một kho tàng vô giá về chữ nghĩa tiếng Việt!
Đọc gần hết 1,016 trang sách, toét cả mắt, mới tìm được lời giải đáp cho câu hỏi “xử dụng” hay “sử dụng”. Mừng quá, định công bố kết quả, kèm thêm ý kiến của các cụ trong văn giới Vùng Hoa-Thịnh-Đốn thì lại nghĩ: Ích lợi gì nhỉ? “Xử dụng” hay “sử dụng” thì có chết thằng Tây nào? Ai muốn viết thế nào thì viết. Tình trạng này kéo dài cả trăm năm rồi. Chẳng ai bảo được ai. Nói ra chỉ thêm mất lòng nhau. Anh em với nhau cả. Hơn nữa, Nhà văn Uyên Thao, BS Trần Văn Tích đều là những người chống cộng cùng mình. Nặng lời với nhau, chỉ có Việt Cộng vỗ tay cười. Hãy đoàn kết, nắm chặt tay nhau chống kẻ thù chung. Bao giờ quét sạch cộng thù, ta sẽ cùng nhau dựng lại quê hương, lập ra một cái Hàn Lâm Viện Ngôn Ngữ để có thẩm quyền giải quyết cuộc tranh chấp “xử dụng” hay “sử dụng”. Chưa kể công bố kết quả thăm dò ý kiến văn giới bây giờ sẽ lại bị BS Trần Văn Tích đem câu chuyện anh cán ngố với “le table, la table” ra cười vào mũi.
Thôi. Ai muốn viết “sử dụng” hay “xử dụng” xin cứ thoải mái cho vui vẻ cả làng.
Ký Thiệt