User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trangcungtienphm
 
I. Cung Tiến, Nhạc Sĩ, Nhà Nghiên Cứu Âm Nhạc, Nhà Dịch Thuật Và Phê Bình Văn Học
 
Sinh năm 1938 và mất năm 2022, Cung Tiến là một cái tên, mà những người yêu nhạc Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hai mươi năm, trước biến cố 1975, không ai là không biết.
 
Không ai là không biết, ông là một nhạc sĩ của một dòng nhạc, vừa lãng mạn, sang trọng, vừa hàn lâm, quý phái theo lối bán cổ điển phương Tây. Gần như, tất cả các sáng tác của ông, đều là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và bất hủ, tức là, không bao giờ mất đi. Nó mãi mãi.
 
Ông tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh trưởng tại Hà Nội. Ở bậc Trung Học, ông học ký xướng âm với nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh. Ông biết chơi rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Ông từng nhận học bổng, sang Úc sáu năm để học ngành kinh tế, tại đây, ông tự học thêm âm nhạc và sang Anh bốn năm để nghiên cứu thêm hai ngành vừa nói trên.
 
Nhạc của ông đã từng được trình diễn và ghi âm ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Úc.
 
Cung Tiến sáng tác không nhiều. Di tản sang Mỹ, công việc chủ yếu của ông là tài chính ngân hàng. Viết nhạc, chỉ còn là “nghề chơi” của ông, một nghề chơi rất, lắm công phu.
 
Ngoài viết nhạc, ông còn viết khảo luận, nhận định về nhạc dân gian Việt Nam, nhạc hiện đại Tây phương. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tham gia viết phê bình văn học, dịch thuật với bút hiệu Thạch Chương cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm và Văn. Viết báo thì ông lấy bút danh Đăng Hoàng.
 
******
II. Cung Tiến - Thần Đồng Âm Nhạc
 
Ông tài hoa đến mức khó tin. Người ta gọi ông là Thần Đồng Âm Nhạc khi chỉ mới vừa mười bốn tuổi (1952), ông sáng tác ca khúc Thu Vàng. Cũng trong năm này, ông di cư vào miền Nam. Mười lăm tuổi (1953), ông sáng tác nhạc phẩm Hoài Cảm (đề tặng Đỗ Đình Tuân). Và, đến mười bảy tuổi (1955), ông viết bài Hương Xưa (đề tặng Khuất Duy Trác). Ba tác phẩm này, không chỉ thế hệ ba má tôi, các anh tôi, mà đến thế hệ tôi, bạn bè tôi, không ai là không từng nghe qua một lần, thậm chí, cũng chẳng thấy ngoa ngôn chút nào khi nói, không ai là không biết hát.
 
Năm 1957, ông viết ca khúc Lệ Đá Xanh nổi tiếng, phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền, một người bạn rất thân của ông. Tác phẩm được đề tặng Phạm Đình Chương. Nhưng trong tất cả các sáng tác xưa nay của Cung Tiến, thích nhứt, với tôi, chính là ca khúc Nguyệt Cầm.
 
******
III. Ca Khúc Nguyệt Cầm Mượn Ý Thơ Trong Bài Thơ Nguyệt Cầm Của Xuân Diệu
 
Cung Tiến viết Nguyệt Cầm vào năm 1956. Nhiều người không biết, đến nay, vẫn ngỡ Nguyệt Cầm của Cung Tiến được phổ từ thơ của Xuân Diệu.
 
Điều đó hoàn toàn không đúng. Cung Tiến đã mượn ý thơ trong Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, để viết ra một tác phẩm hoàn toàn mới, và khác.
 
Nếu có trùng, thì chỉ trùng vài chữ: nguyệt cầm, trăng, đàn, nương tử, long lanh, Tầm Dương, hồn, sầu.
 
Chỉ vậy thôi. Nên nếu Cung Tiến cho rằng, ông mượn ý thơ của Xuân Diệu, thì căn cứ vào những từ mà ông đã “vay” ở trên, tôi nhận thấy, lời xác nhận này của Cung Tiến là trung thực.
 
******
IV. Ca Khúc Nguyệt Cầm Mượn Giai Điệu Nước Ngoài Ở Câu Nhạc Đầu Tiên
 
Trong tập Ca Khúc Cung Tiến phát hành trước năm 1975, bên dưới tiêu đề Nguyệt Cầm là một dòng nhạc ngắn, kèm theo chú thích của nhạc sĩ: (Hồ Cầm) Romance en FA, Beethoven.
 
Ông ghi rõ như vậy là vì câu nhạc đầu tiên của Nguyệt Cầm: Đêm - mùa trăng úa làm vỡ hồn ta, ông đã mượn từ giai điệu rất nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài người Đức này.
 
******
V. Ca Khúc Nguyệt Cầm
 
Đêm - mùa trăng úa, làm vỡ hồn ta
Ngập ngừng xa, suối thu dồn lá úa, trôi qua
 
Sầu thu, sầu lên vút, mịt mù, mà e nhớ, hương mùa thu
Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng, từng thoáng, lệ ngân, mà hồn phân vân, cuồng điên nhớ
 
Long lanh, tiếng Nguyệt Cầm, tiếng đàn trầm
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh, trong lời hát, chết theo nước xanh, chết theo nước xanh
 
Ôi, đàn trăng cũ, làm vỡ hồn anh!
 
Long lanh long lanh, trăng chiếu một mình
Khơi vơi khơi vơi, nhạc lắng tơ ngời
Nguyệt Cầm, ơi từng lệ ngân
Chết từng mùa xuân
 
Đêm, ngời men nhớ
Nhạc tê ngời, thuở xưa
Trăng - sầu riêng chiếc
Trăng - sầu riêng chiếc, sầu cho tới
 
Bao giờ hồn, ghê bốn bề sao
Ngập hồn xanh biếc trời cao
Kìa thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng
Đêm ấy thuyền neo bến ấy
 
Nguyệt Cầm, nghe nấc từng câu
Có hàng mây trắng về đâu
Mắt chìm sâu
Đêm lắng đời sâu Nguyệt Cầm, khơi mãi tình sầu, khơi mãi nguồn.
 
******
V. 1. Đêm, Mùa Trăng Úa, Làm Vỡ Hồn Ta
 
Tại sao đêm của mùa trăng úa lại làm vỡ hồn ta? Và mùa trăng úa là mùa nào?
 
Trăng úa, là lúc trăng sắp tàn. Xưa, và cả nay cũng vậy, các thi sĩ, các nhạc sĩ, các nhà văn, thường có thi cảm, nhạc cảm, văn cảm mỗi khi nhìn ánh trăng lên. Họ thường mượn ánh trăng để làm thơ, hoặc mượn trăng để khảy lên tiếng đàn tâm tư hòa điệu, nên khi thấy trăng xế tàn, lòng họ chợt buồn vô hạn.
 
Thơ chưa làm kịp, đàn gảy chưa xong, thì buồn, buồn đến mức, nghe chừng như, tâm hồn mình vỡ vụn. Còn mùa trăng úa? Có thể là mùa thu, vì thấy trong bài hay nhắc tới. Hoặc đó có thể, là một mùa mang nhiều kỷ niệm riêng của người soạn nhạc hay của tác giả, như trong thơ của Hàn Mặc Tử: Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa / Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô (Say Trăng).
 
Hình ảnh ngập ngừng của con suối mùa thu đang dồn bao lá khô vàng úa, đưa qua khúc quanh rồi đẩy trôi về miền thăm thẳm, tạo cho người nghe một cảm giác như mọi thứ đang dần lìa xa, không làm sao mà cưỡng lại được.
 
******
V. 2. Sầu Thu, Sầu Lên Vút Mịt Mù, Mà E Nhớ Hương Mùa Thu
 
Cơn sầu của mùa thu, không dưng, từ đâu, cất lên cao vút rồi giăng tỏa mịt mù. Có phải chăng, vì nó nhớ đến mùi hương của mùa thu năm cũ, đã sớm tan tành trong trận gió xưa.
 
Hay vì nó nhớ tới trăng Tầm Dương của ngàn năm trước, từng lung linh soi sáng cả khúc sông đầy lệ, mà hồn sầu lại càng phân vân, mà hồn sầu lại cuồng điên nhớ, như trong thơ Bích Khuê: Tóc xõa đàn tơ rơi lướt thướt / Hồn thơ đã hiện khóc thu gầy / Tôi nhìn đôi mắt rưng rưng lệ / Cả mảnh hồn thơ rợn ý say (Tóc Xõa Đàn Tơ)
 
******
V. 3. Long lanh, Tiếng Nguyệt Cầm, Tiếng Đàn Trầm
 
Nhớ bến Tầm Dương nước long lanh, nhớ tiếng Nguyệt Cầm của kỹ nữ, nhớ tiếng đàn trầm một đêm nao.
 
Một đêm nao trăng thanh, nàng ca kỹ, gieo lời hát của mình, cùng chiếc đàn cầm, vào nước xanh. Nàng chết theo nước xanh. Nàng chết theo nước xanh: Đàn rưng rưng lệ phách dồn mưa / Tiếng hát tàn rơi hận thuở xưa / Bụi nhuốm thiên thai nhòa hứng rượu / Đời sau say giúp mấy cho vừa / Cô đơn, men đắng sầu trăng bến / Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa / Nhịp đổ càng mau nghe ríu ríu / Tê rời tay ngọc lúc buông thưa (Dựng - Vũ Hoàng Chương).
 
******
V. 4. Ôi, Đàn trăng Cũ Làm Vỡ Hồn Anh
 
Ôi, đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh!
 
Tôi cho rằng, nhạc sĩ Cung Tiến đã sử dụng câu này như một câu chủ đạo, làm xương sống cho toàn ca khúc Nguyệt Cầm của ông được tựa vào mà bền vững cùng trăm năm hữu hạn.
 
Ôi, tiếng đàn cũ, màu trăng xưa đã làm vỡ hồn anh!
 
Như tiếng đàn xưa ám ảnh, như màu trăng cũ hôm nào, vẫn ngày đêm làm thương nhớ, trong bài thơ Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, được ông sáng tác vào năm 1945 (Gửi Hương Cho Gió): Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh / Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần / Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm / Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân / Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh / Lung linh bóng sáng bỗng rung mình / Vì nghe nương tử trong câu hát / Đã chết đêm rằm theo nước xanh / Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời / Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi / Long lanh tiếng sỏi vang vang hận / Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người / Bốn bề ánh nhạc biển pha lê / Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề / Sương bạc làm thinh, khuya nín thở / Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
 
******
V. 5. Nguyệt Cầm, Ơi Từng Lệ Ngân, Chết Từng Mùa Xuân
 
Đêm nay, long lanh long lanh, trăng chiếu một mình, như một mình ai nơi kia đang sầu lẻ bóng. Khơi vơi khơi vơi, nhạc lắng dòng tơ, bóng xuống ngời giăng tràn bến đỗ. Nguyệt Cầm ơi, đàn trăng ơi, từng giọt nàng ngân là chết từng mùa xuân. Nàng có biết không: Lãnh lãnh thất huyền thượng / Tĩnh thính tùng phong hàn / Cổ điệu tuy tự ái / Kim nhân đa bất đàn (Đàn Cầm - Lưu Trường Khanh).
 
Tôi quá chừng thích từ “khơi vơi khơi vơi” của Cung Tiến ở đoạn này. Tôi cũng chưa từng biết và chưa từng nghe từ này, bao giờ. Tôi cho đó là một từ mới, từ mới vừa được tác giả sáng tạo. Cảm giác như, mọi thứ chơi vơi, lơ lửng giữa trời không. Sáng tạo rất hay. Sáng tạo rất đẹp. Sáng tạo rất thơ.
 
******
V. 6. Trăng, Sầu Riêng Chiếc
 
Đêm, đã lên ngời men nhớ. Đêm, đã tê ngời nhạc thuở. Thuở trăng sầu riêng chiếc. Trăng sầu riêng chiếc ơi, trăng sẽ sầu cho tới bao giờ mới thôi.
 
Nhạc, nhưng rất thơ, làm người nghe là tôi, mê mẩn Nguyệt Cầm suốt mấy mươi năm qua.
 
Trong khổ nhạc này, tôi đặc biệt thích từ “chiếc” trong câu “trăng sầu riêng chiếc” của Cung Tiến. Thay vì dùng từ “đơn chiếc”, hoặc từ “một chiếc”, thì tác giả, ở đây, chỉ dùng duy nhứt từ “chiếc”.
 
Cách dùng này đã khiến cho sự cô đơn, quạnh quẽ của nỗi trăng sầu, lại càng như tăng thêm bội phần hơn nữa: Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ / Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ / Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi / Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ / Có lẽ ngàn xưa là đáy sông / Đêm đêm giọt lệ gái xa chồng / Đè theo đôi tiếng tỳ hư ảo / Dâng tới thuyền ai ngủ bến không / Chén đã vơi mà ngập gió sương / Men càng ngây ngất ý Tầm Dương / Gót sen kỹ nữ đâu bên gối / Tìm ái ân xưa dễ lạc đường / Cánh rượu thu dần vạn dặm khơi / Nẻo say hư thực bóng muôn đời / Ai đem xáo trộn sầu kim cổ / Trăng nước đà giang, mộng liễu trai (Đà Giang - Vũ Hoàng Chương)
 
******
V. 7. Đêm Ấy, Thuyền Neo Bến Ấy
 
Tác giả giờ đây đã chìm hoàn toàn vào trong cõi nhớ, nhớ cảnh cũ, nhớ người xưa. Ông kêu lên, hồn tôi, bốn bề là sao, sao ngợp cả hồn tôi, sao làm xanh biếc trời cao, sao rụng cả xuống thuyền trăng.
 
Trăng nhớ Tầm Dương, nhớ bản nhạc nàng từng đàn, nên ánh vàng tỏa khắp mặt sông. Còn nhớ không nàng ơi, đêm ấy, thuyền neo bến Tầm Dương: Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im / Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim / Còn cứ run hoài như chiếc lá / Sau khi trận gió đã im lìm (Huyền Diệu - Xuân Diệu)
 
**
V. 8. Đêm Lắng Đời Sâu Nguyệt Cầm
 
Nguyệt Cầm, tiếng đàn giờ đây nghe nấc lên trong từng câu, nghẹn ngào: có hàng mây trắng về đâu, để mắt ai chìm sâu, để đêm nào lắng đời sâu.
 
Nguyệt Cầm, trăng đàn ơi, sao khơi mãi tình sầu, sao khơi mãi nguồn sầu, để đêm nay, mùa trăng úa, làm vỡ hồn ta: Thuyền buộc sông mưa / Ngựa dừng trăng khuyết / Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt / Niềm giang hồ tan tác lệ giang châu (Dâng Tình - Vũ Hoàng Chương).
 
******
VI. Cung Tiến, Bằng Âm Nhạc, Đã Tái Hiện Được Không Gian Của Nghìn Năm Trước
 
Nhà thơ Du Tử Lê từng nhận xét về nhạc sĩ Cung Tiến như sau: Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng, đa số ca khúc của họ Cung được viết trên căn bản bán cổ điển Tây phương, nên giai điệu rất sang trọng. Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển Tây phương, nhưng lại rất ít người cho phần ca từ của họ nhiều hồn, tính Đông phương, như Cung Tiến.
 
Du Tử Lê cho rằng: Những ca khúc của Cung Tiến là những nỗ lực tái hiện không gian nghìn năm trước, cho đời sau cơ hội sống lại, dù mơ hồ, sương khói.
 
******
VII. Nhạc Cung Tiến, Thuộc Thể Loại Art Songs
 
Cung Tiến gọi nhạc mình làm là thể loại Art Songs, và giải thích: Ca khúc phổ thông (popular music) thường thường người ta viết giai điệu chứ không có hòa âm, người trình diễn đệm đàn theo lối nào cũng được, tùy tiện.
 
Còn ca khúc nghệ thuật là ca khúc dùng bản văn một bài thơ có phẩm chất cao để viết nên phần giai điệu, xong rồi phải có phần hòa âm để làm bối cảnh cho ca khúc đó. Ca khúc cũng như một bức tranh, đằng trước là hình ảnh, là tiền cảnh, còn đằng sau là bối cảnh, cái đó chính là hòa âm hay là phối khí trong âm nhạc.
 
******
VIII. Cung Tiến, Người Nhạc Sĩ Của Nỗi Mơ Hồ, Xa Xăm, Ai Hoài Và Da Diết Sầu Thương
 
Riêng tôi, tôi nhận thấy, trước hết, nhạc Cung Tiến dường như vượt lên các ca khúc thông thường, cả về giai điệu lẫn ca từ. Giai điệu thì kinh điển, muốn thưởng thức hay hát theo, cũng khó chớ không dễ. Và phần lời thì rất hay, rất đẹp. Không thể bắt bẻ hay chê bai vào đâu được.
 
Sau nữa, nhạc của Cung Tiến có một đặc trưng rất riêng, đó là sự nhẹ nhàng, dịu dàng, tha thiết, dạt dào, du dương. Nhạc của ông như đưa người nghe vào vùng tưởng nhớ, vùng hoài niệm, vùng suy tư. Trong đó, chôn giấu, cất giữ, không biết bao nhiêu là điều sâu kín, chỉ một mình mình biết, chỉ một mình mình hay, chỉ một mình mình rõ.
 
Nhạc của Cung Tiến buồn, đương nhiên. Nỗi buồn trong nhạc của Cung Tiến, hoặc, là nỗi buồn “len lén”, vấn vương, nhè nhẹ, dìu dịu, chơi vơi, hoặc, là mối sầu, một mối sầu rất lớn, một khối sầu rất to - sầu bi, vai mình vác không xong, lưng mình cõng không nổi, tuyệt vọng. Buồn thì buồn triền miên. Mà sầu, thì cũng sầu vô tận.
 
Giai điệu và lời ca trong các sáng tác của Cung Tiến đã dìu, đã đưa trí tưởng tượng của người nghe vào tận cùng nỗi mơ hồ, xa xăm, huyền bí, đầy vẻ liêu trai, cũng như, vào tận cùng của nỗi ai hoài, da diết sầu thương.
 
Tận cùng của nỗi buồn, tận cùng của mối sầu, nên mới có thể: Ôi, Đàn Trăng Cũ Làm Vỡ Hồn Anh!
 
Sài Gòn 26.05.2025
Phạm Hiền Mây
Nguồn: Fb Phạm Hiền Mây
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com