“Ôi, đúng là bọn người ngu ngốc, kém hiểu biết, hoàn toàn sai lầm!” Chắc chắn trong cuộc đời, không ít lần bạn nghe được câu nói này, thậm chí đó là câu giành cho bạn, nếu nó được nói sau lưng bạn.
‘Không có mợ, chợ vẫn đông’
Walter Damrosch trở thành nhạc trưởng, chỉ huy nguyên dàn nhạc từ tuổi 20. Người nhạc trưởng trẻ tuổi đầy quyết tâm và nghị lực, luôn nghĩ mình có tài, là linh hồn của ban nhạc và là người không thể thiếu được. Trong một buổi tập, Walter quên mang theo đũa nhạc trưởng. Anh định cử người về nhà lấy, nhưng người thư ký nói: “Không sao, chỉ là một chiếc đũa, mượn là có ngay thôi mà!” Walter cảm thấy hơi kỳ kỳ, vì anh luôn nghĩ, ngoài anh ra, ai có mà đem theo đũa nhạc trưởng được! Nhưng anh đã lầm. Vừa cất tiếng hỏi, ba cây đũa được mang lên. Đó là đũa của một nghệ sĩ cello, một người chơi piano và một người kéo violin. Và sở hữu đũa nhạc trưởng, nghĩa là họ có thể làm điều khiển dàn nhạc. Lúc này, Walter chợt hiểu rằng, hóa ra anh không phải là nhân vật không thể thay thế. “Nhiều người đã làm việc trong bí mật và sẵn sàng thay thế tôi bất kỳ lúc nào,” vị nhạc trưởng này nghĩ.
Câu chuyện của nhạc trưởng người Mỹ kể trên, giúp mọi người hiểu ra rằng trên thực tế, dù bạn có tài giỏi đến đâu, xuất chúng đến cỡ nào, thì không có bạn, sáng mai mặt trời vẫn mọc, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, và một ai đó sẽ đứng vào vị trí của bạn. Dân gian Việt Nam có câu “Không có mợ, chợ vẫn đông” cùng mang ý nghĩa trên. “Bạn càng coi trọng bản thân, kết quả sẽ chỉ khiến bạn thất vọng mà thôi,” Walter Damrosch đúc kết.
Một nhạc trưởng cũng không phải là nhân vật không thể thay thế. Hình minh họa. Credit: Kazuo Ota/Unsplash
Kim cương hay than chì?
Trên thực tế không ít người luôn cho rằng mình là người “biết tuốt” và tự đưa mình lên một bậc cao hơn người khác. Dưới con mắt của những người này, những gì họ làm đều “cao siêu” hơn kẻ khác. Thậm chí, một chút kiến thức cũng có thể tạo ra cho họ sự tự tin thái quá.
Trong tác phẩm “The Sea Wolf” nhà văn Jack London: “Mọi người đều coi mình như một viên kim cương, nhưng với những người khác, nó chỉ là một dạng khác của kim cương, đó là than chì.” Nhiều người luôn lầm tưởng rằng mình khác biệt với người khác, nhưng lại không biết rằng trong lòng người khác, bạn cũng chỉ… bình thường thôi!
Cũng có thể vì một lý do nào đó, một cá nhân được người khác nâng lên. “Này, cậu ta biết nhiều thứ, hãy theo mà học,” Một người ở vị trí quản lý nói với các nhân viên về một nhân viên khác. Đến khi mọi người “theo mà học” anh ta, mới vỡ lẽ, anh ấy chỉ “học lóm” người này một ít, người kia một ít, rồi ráp lại thành… của mình. Nhưng “lỡ” được xem là “biết nhiều thứ” nên anh chàng kia luôn cứ phải sống trong mắt người khác, hơn là chính bản thân mình. Thực chất, nền tảng kiến thức của anh không cao hơn người khác. Có điều, anh tự làm cho nó cao hơn và không khéo để nhận được một lời tán dương thiếu cơ sở.
Trong tâm lý học, hiệu ứng Dunning–Kruger (lấy tên của hai nhà tâm lý xã hội học Dunning và Justin Kruger) là một dạng thiên kiến nhận thức (cognitive bias) trong đó mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế. Sự thiên vị nhận thức này chịu ảnh hưởng của ảo tưởng tự tôn (illusory superiority), xuất phát từ việc mọi người không thể nhận ra sự thiếu khả năng của họ. Theo Wikipedia.

Hai nhà tâm lý David Dunning và Justin Kruger mô tả, thiên kiến nhận thức của ảo tưởng tự tôn là kết quả của một ảo tưởng trong nội tâm những người có khả năng thấp và từ sự hiểu lầm bên ngoài ở những người có khả năng cao; còn gọi là “tính toán sai của người không đủ năng lực bắt nguồn từ một lỗi của bản thân, trong khi tính toán sai của những người có năng lực cao bắt nguồn từ lỗi của người khác.”
Một điều không ai phủ nhận, nếu bạn là người hiểu cao, biết rộng, bạn hoàn toàn tự hào về điều đó. Ngược lại, coi chừng bạn cũng chỉ là “viên than chì.” Hiệu ứng Dunning-Kruger chỉ ra rằng những người hay đánh giá cao bản thân mình so với thực tế, thường là người kém hiểu biết.
Sống bằng chính bản thân mình
Nhà tâm lý học người Nga -Vladimir Kirillovich từng nói. ”Sống trong mắt người khác còn tệ hơn sống trong lòng chính mình. Khi bạn đánh giá quá cao địa vị của mình trong lòng người khác, thậm chí đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với người khác, điều chờ đợi sẽ là nỗi thất vọng lớn.”
Tuy vậy, ai cũng có lòng tự trọng, và việc tự đánh giá thấp mình không phải là bài học tu dưỡng. Nhưng đừng đánh giá mình quá cao so với những gì mình có, mới là cách để rèn luyện mình trở thành người “trưởng thành về tinh thần”. Nói cách khác, hãy sống bằng chính bản thân mình, đừng kiêu ngạo, thậm chí một chút khiêm tốn cũng là cách để nhận được cặp mắt thiện cảm trong lòng mọi người, hơn là tự cho mình là “trung tâm của vũ trụ.”
Hãy là chính mình, tự tin làm những việc trong khả năng và đừng so đo tính toán thiệt hơn với người khác. Khi đó, bạn không cần phải sống dưới mắt của người khác. Bạn sẽ được tôn trọng hơn, khi bạn là chính bạn.
Nguồn: https://saigonnhonews.com/