User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Thời phong kiến các triều đại thỉnh thoảng gả Công Chúa cho các nhóm thế lực địa phương xa xôi hẻo lánh gọi là Tù Trưởng để giữ hòa hiếu nhằm làm phên giậu bảo vệ ngai vàng, đồng thời tránh được nhọc công quân binh triều đình. Dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cũng có hôn nhân dị chủng Việt-Chiêm, Việt-Miên nhưng không được chính sử ghi lại trong Liệt Truyện hay Thực Lục, tận tới năm 1920 trong cuốn Généalogie des Nguyễn avant Gia Long (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) tác giả Tôn Thất Hân [1] và Bùi Thanh Vân cũng vẫn giữ nguyên như Quốc Sử Quán “Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích. Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn”, mãi tới năm 1943 mới được Đào Trinh Nhất (1899-1951) nói đến lần đầu trong Việt Sử Giai Thoại (tức là chuyện truyền miệng trong dân gian), tiếp theo có các tác giả Thái Văn Kiểm (1922-2015) trong Đất Việt Trời Nam, Hoàng Trọng Miên (1918-1981) trong Việt Nam Văn Học Toàn Thư chỉ đề cập qua loa không đi vào chi tiết (theo Wikipedia). Năm 1995 trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả xuất bản ở Huế mới xác định rõ truyện của hai bà. “Về cuộc Nam Tiến, Ngài (chúa Sãi) đã dùng chính sách hoà bình, thân thiện với Chiêm Thành và Cao Miên. Năm 1620, Chúa gả Công Nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên là Chư Chetta II (1618-1686) nên dân chúng vào làm ăn sinh sống ở vùng đất Thủy Chân Lạp của Cao Miên được thuận lợi. Năm 1631, Chúa lại gả Công Nữ Ngọc Khoa cho Vua Chiêm Pô Romê, nhờ đó mà có sự hoà hiếu Chiêm-Việt.”; năm 2002 xuất hiện Tiểu Thuyết Lịch Sử ở hải ngoại của Ngô Viết Trọng viết về Công Nữ Ngọc Vạn có nhiều chi tiết hơn. Xét ra sự nghiệp của hai Công Nữ này thuộc vào “nhi nữ thường tình” có đóng góp phần nào công lao trong sự nghiệp mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn, tuy thế nhà Nguyễn vẫn xem không lấy gì to tát nên không ghi vào chính sử, chỉ có Công Chúa Huyền Trân đời Trần thực sự có ý nghĩa lịch sử. Xuyên suốt lịch sử từ Hồng Bàng tới nhà Nguyễn tác giả nhận thấy có ba người con vua đã để lại dấu ấn đậm nét: Công Chúa Mỵ Châu, Công Chúa Huyền Trân, và Hoàng Tử Cảnh.

Công Chúa Mỵ Châu

An Dương Vương Thục Phán xây thành Cổ Loa không được, thần kim quy hiện ra giúp, vua xây được thành, lại cho vua móng rùa làm vũ khí giữ thành; vua sai Cao Lỗ (có nơi chép Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên Linh Quang Kim Trão Thần Nỏ. Công Chúa Mỵ Châu nhẹ dạ tin vào chồng Trọng Thủy, một điệp viên nằm vùng theo lệnh cha (Triệu Đà) để tìm hiểu sức mạnh quân cơ, dò biết nỏ thần là vũ khí lợi hại giữ nước của nhà Thục. Trọng Thủy năn nỉ vợ được xem rồi đánh tráo mang về xứ. Triệu Đà có được nỏ thần không còn lo ngại khả năng phòng thủ của Thục Phán nữa, xua quân tiến đánh Âu Lạc. Khi hay tin, An Dương Vương rất tự tin vừa đánh cờ vừa cười bảo “Triệu Đà không sợ nỏ thần của ta ư?”, đến lúc quân địch uy hiếp Cổ Loa, đem nỏ thần ra bắn mới hay nỏ thần không còn tác dụng nữa. Thục Phán phải nhảy lên ngựa mang theo con gái Mỵ Châu thoát thân. Quân Triệu Đà do Trọng Thuỷ dẫn đầu bám theo sát gót, Mỵ Châu nghe theo lời Trọng Thủy dặn dò khi chia tay, nếu có chuyện gì xảy ra thì rải lông ngỗng để chàng dễ kiếm, chính lông ngỗng Mỵ Châu rải đã dẫn đường cho Trọng Thuỷ truy sát cha mình. Vua chạy đến núi Mộ Dạ nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An thì cùng đường, nhìn thấy biển Cửa Hiền liền gọi rùa vàng “mau tới cứu ta”. Kim quy nổi lên mặt nước mắng rằng “kẻ ngồi sau lưng ngựa là giặc đấy sao không giết”. Vua quay mặt, rút gươm chém Mỵ Châu, Mỵ Châu khấn “trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này”, vua chém bay đầu Mỵ Châu rồi chạy xuống biển tự vẫn, máu Mỵ Châu loang mặt nước loài trai nuốt vào bụng, hóa làm ngọc minh châu. Trọng Thủy đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm xác về chôn ở Loa Thành, hóa làm đá ngọc, rồi nhảy xuống giếng tự sát. Vì tình yêu mù quáng ngây thơ Mỵ Châu đã vô tình tiếp tay kẻ địch giết cha, làm mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà. Nhà Thục tồn tại được 50 năm (257-208 TCN). Dân trong vùng lập miếu thờ An Dương Vương ở Cửa Hiền, Nghệ An. Khi màn đêm buông xuống người ta thấy có đốm lửa lập loè trên sườn núi Mộ Dạ, người dân tin đó là linh hồn của ông nên lập đền thờ trên núi gọi là Đền Cuông, vì núi có nhiêu công, tiếng địa phương Nghệ An đọc là cuông. Đền được trùng tu nhiều lần, đến năm 1864 vua Tự Đức sắc chỉ xây dưng đền qui mô lớn như hiên nay. Lễ hội Đền Cuông diễn ra hàng năm vào các ngày 14,15,16 tháng 2 âm lịch. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, việc tế lễ hàng năm ở đền Cuông không thực hiện được mãi đến năm 1993, lễ hội đền Cuông được phục hồi.

Am thờ công chúa Mỵ Châu ở Cổ Loa

Thương cảm cho tình yêu ngây thơ chân thật của Mỵ Châu, nhưng hận vì nàng đã trao nhầm cho giặc cướp làm mất nước Âu Lạc. Dân xã Cổ Loa huyện Đông Anh, Hà nội lập am thờ phiến đá cụt đầu để nhắc nhở hậu thế. Cụ Lê Dư có để lại hai câu đối trong am:

Thiên cổ thụ giai khí uất thông, duyên đới tình căn hoàn tẩm miếu
Nhất phiến thạch bình sanh trung tín, tiềm linh hao sảng bạn vương cung

(Cây nghìn năm khí lành phảng phất, rễ tình dây duyên quấn quanh miếu điện
Đá một phiến giữa đời thành thật, thiêng ngầm sáng rõ cung vua
) Phạm Hoàng Quân dịch.

Công Chúa Huyền Trân

Tháng 3 năm Tân Sửu (1301) Thái thượng Hoàng Trần Nhân Tông đi chơi Chiêm Thành hứa gả con gái cho chúa Chiêm, Chế Mân sai Chế Bồ Đài dâng biểu dâng vàng bạc kỳ hương, và các vật phẩm lạ xin cưới, đình thần bàn thảo không gả chỉ có Văn Túc Vương Trần Đạo Tái và Nhập Nội Hành Khiển Trần Khắc Chung tán thành. Cuộc hôn nhân dị chủng Việt Chiêm của Công chúa Huyền Trân đã đem của hồi môn về cho Tổ Quốc hai châu Ô, Lý vùng đất Thuận Hóa sau này. Chính vùng đất này là nơi khởi nghiệp của dòng họ Nguyễn, từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở nước ở phương Nam đã chọn để định đô ở đây mở đầu sự nghiệp nhà Nguyễn. Vào thời điểm này địa giới phía Nam nước ta kéo tới núi Thạch Bi ở địa phận tỉnh Phú Yên. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm, chiếm thành Chà Bàn (thành Bình Định) bắt được vua Chiêm Trà Toàn, khi rút quân về đi đến núi này cho dựng bia nên gọi là núi Thạch Bi, vùng đất này được vua Lê Thánh Tông sáp nhập vào Quảng Nam Thừa Tuyên. Có thể nói vùng đất Thuận Hóa là căn cơ bản địa của nhà Nguyễn làm bàn đạp hưng cơ khởi nghiệp mở rộng biên cương đến tận Mũi Cà Mau của 9 đời Chúa Nguyễn. Tháng 9 Đinh Mùi (1307) vua Chế Mân mất, triều đình vua Trần Anh Tông sai quan Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung, An phủ Sứ Đặng Vân sang viếng tang, lập mưu đưa Công Chúa về nước. Theo Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy Công Chúa, rồi tư thông, đi biển loanh quanh gần một năm mới về tới Thăng Long. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng “thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung, nhà Trần rồi mất về nó chăng?” Khắc Chung thường sợ hãi né tránh. Sau khi Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng mất (1313) Khắc Chung mới được thăng chức Tả Phụ tước Quan Phục Hầu. Vua Trần Minh Tông kế vị, năm 1315 Khắc Chung được giữ chức Hành khiển (Tể Tướng) tước Á Quan Nội Hầu. Ông mất năm 1330, đời vua Trần Hiến Tông, được truy tặng chức Thiếu Sư. Cuộc tình Trần Khắc Chung và Công Chúa Huyền Trân đã tốn biết bao bút mực của nhiều sáng tác gia nhưng chỉ là ước đoán, sự thực như thế nào đã theo họ vùi sâu vào lòng đất lạnh. Công Chúa đã chọn cửa Phật sống an tịnh, thọ Bồ tát giới ở núi Châu Sơn do Quốc Sư Bảo Phát ấn chứng, Pháp danh Hương Tràng (có thể chỉ là một am nhỏ trên núi). Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340) hưởng thọ 53 tuổi (1287-1340). Để tưởng nhớ Công Chúa, Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Miếu thờ này ngày nay không còn nữa.

Đền thờ công chúa Huyền Trân tại Huế

Nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân (1306-2006) Tỉnh Thừa Thiên xây dựng đền thờ Huyền Trân nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), TP Huế, nhằm tưởng nhớ vị Công Chúa đã mang về một vùng đất nổi danh mãi mãi trong lịch sử nước nhà. Đền thờ làm tâm điểm cho cụm Trung Tâm Văn Hóa Huyền Trân, lễ hội hằng năm vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch.

Hoàng Tử Cảnh

Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hay Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, những sách sử chính được các thầy cô giáo dựa vào để dạy học trò, đều nói rất sơ lược về Hoàng tử Cảnh: theo Bá Đa Lộc qua Pháp cầu viện, về nước được phong Đông Cung, rồi bỏ lửng cho chìm vào bóng tối. Nay tham khảo bộ Thực Lục, Liệt Truyện người viết muốn đem ra ánh sáng công lao sự nghiệp của ông đã đóng góp trong việc khôi phục nhà Nguyễn và những bất hạnh của vợ con ông phải gánh chịu.

Từ ngàn xưa nước ta chỉ giao thiệp trong khu vực, thần phục Thiên Triều Trung Hoa, giao lưu các phiên thuộc của Trung Hoa như Xiêm, Miến Điện, Miên, Lào… Hoàng tử Cảnh là sứ giả đầu tiên của nước ta đặt chân đến Paris, một phương trời xa lạ với truyền thống, mở ra trang sử bang giao mới, ký kết hiệp ước theo định chế Tây phương. Ông sinh năm 1780 tại Gia Định, con thứ hai của Quế Phi tức Nguyên Phi Tống Thị Lan, (Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu). Bà có hai người con, con trưởng tên Chiêu mất sớm, con thứ hai trở thành con trưởng. Năm 1793 Quế Phi nhận Hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đãm còn có tên Hiệu [2] sinh năm 1791, con trưởng của Minh Phi tức Thứ Phi Trần thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu) làm con nuôi, sau này là vua Minh Mạng. Ông còn có hai người em Hoàng Tử thứ hai Nguyễn Phúc Hy, không rõ tên mẹ, tử trận tháng 4 Tân Dậu (1801) ở tuổi 20 tại Bình Định đang trong chiến dịch truy đuổi Tây Sơn co cụm về Phú Xuân, được mang về Gia Định mai táng và Hoàng tử thứ ba Nguyễn Phúc Tuấn con bà Chiêu Dung họ Lầm, chết lúc 12 tuổi. Gia Long thứ 8, tháng 6 hai Hoàng Tử này được cải táng mang về Huế, không thấy nói an táng ở đâu.

Năm lên bốn tuổi ông theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, thời gian đi và về mất gần 6 năm, khởi hành cuối tháng11 Giáp Thìn (1784). Sau khi chia tay Hoàng Tử, Nguyễn Vương chia đôi một thoi vàng, trao cho Quế Phi một nửa, “con ta đi rồi ta cũng đi đây, Phi ở lại phụng thờ Quốc Mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào ngày nào, hãy lấy vàng này làm tin” (Thực Lục). Mùa thu Đinh Mùi (1787) Vương sai Trần Phước Giai, Tống Phước Ngọc đi đón về. Ông được triều đình vua Louis XVI đón tiếp đặc biệt. Giám Mục Lộc thuê Léonard người chải tóc cho Hoàng Hậu Maria Antoinette, chăm sóc tóc cho ông, thuê họa sĩ Maupérin vẽ chân dung trang phục nửa Âu nửa Á: mặc áo đỏ, đi hia đỏ, tay phải đặt trên cái mũ, đầu quấn khăn satin đỏ thắt nơ do Léonard vẽ kiểu. Năm 1791 bức tranh được trưng bày tại Académie Royale de Peinture et Sculpture (Hàn Lâm Hội Họa và Điêu Khắc) sau chuyển về lưu giữ tại Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris, M.E.P.). Thời gian ở Pháp ông chơi với Hoàng tử Louis-Joseph, Dauphin of France con vua Louis XVI. Ông được gọi Hoàng Tử Pascal tại bữa tiệc khoản đãi trong điện Versailles, người ta ngâm thơ chào mừng ca ngợi được báo chí đăng tải.

(...)

Ta hãy bắt đầu bằng hài đồng nổi tiếng
Mà số phận đáng cho ta lưu ý:
Sinh ra để đội mũ miện
Nay lại ngồi chung với chúng ta.
Hoàng tử bé bỏng ơi, hãy vui lên
Một ngày kia Hoàng tử sẽ lên ngôi,
Bá-đa-lộc rất thương yêu Hoàng tử

Bá Đa Lộc đại diện Nguyễn Vương ký hiệp ước Versailles 28 tháng11 năm 1787 với Ngoại trưởng Pháp Bá tước De Montmorin (tên là Armand Marc). Vua Pháp cam kết giúp chiến thuyền cùng binh lính và các trang bị vũ khí; phía Nguyễn Vương phải nhường cửa biển Đà Nẵng và đảo Côn Lôn cho Pháp, người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ, cung cấp quân nhu thiết yếu khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông. Hiệp ước này bị phía Pháp vi phạm không thi hành.

Tháng 6 năm 1789 ông về đến Gia Định, Nguyễn Vương rất vui mừng khi cha con được trùng phùng.

Tháng 3 ngày Giáp Dần năm Quý Sửu (1793) ông được lập làm Đông Cung, 14 tuổi (Liệt Truyện ghi mùa xuân Quí Sửu-1792) ban cho ấn Đông Cung, lãnh chức Nguyên Súy dinh Tả quân, Phó Tướng Tả Quân Phạm văn Nhân, và Giám quân Trung Quân Tống Phước Đạm giúp việc. Nguyễn Ánh muốn đào tạo ông thành một ông vua văn võ song toàn để kế nghiệp, “dựng Nhà Thái Học, đặt một Đông Cung Phụ Đạo, 2 Thị Giảng, 8 Hàn Lâm thị học, 6 Quốc Tử Giám, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở Nhà Thái Học để giảng bàn kinh sử. Phàm Đông Cung nói gì thị học phải ghi hết, mỗi tháng một lần tiến lên vua xem dể xem đức nghiệp tiến ích thế nào” (ThựcLục). Chỉ định Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm Đông Cung Thị Giảng.

Năm Ất Mão (1795) tháng 10, chỉ định Phó Tướng Phạm văn Nhân phụ đạo Đông Cung, nhà vua dụ rằng: “Đông Cung là ngôi trừ nhị, tuổi còn non trẻ, tuy công phu học vấn vốn nhờ giảng viện nhưng nhiệm vụ giúp bảo (phụ đạo) là ở đại thần…….. Cốt sao giúp đỡ Thái Tử hun đúc đức tốt chẳng những trong lúc nói năng nghĩ ngợi sao cho ít lỗi, lại mong mọi việc quốc gia thảy đều biết cả, đừng để cho chỉ Y Doãn nhà Thương và Thiệu Công nhà Chu được tiếng tốt riêng về trước.” (TL). Lần lượt cử các quan Ngô Tùng Châu, Nguyễn Thái Nguyên Phụ Đạo (1798), “Tùng Châu học hành thuần chính, hết lòng can răn, Đông Cung nể trọng lắm” (QTCB). Năm Canh Thân (1800) tháng 4 lấy hàng thần Đốc học Nguyễn Gia Cát làm Đốc học theo hầu.

Song song với việc đào tạo nhân cách và phương cách trị quốc, ông cũng được thực nghiệm chiến trường theo cha đi đánh Tây Sơn. Tháng 4, năm Quý Sửu, ngay sau khi nhận dinh Tả Quân ông được chỉ định giữ thành Gia Định. Tháng 11, Đông Cung mang dinh Tả Quân ra giữ thành Diên Khánh thay Nguyễn Văn Thành, có Bá Đa Lộc và các quan Thị Học cùng đi theo. Nhà vua dặn dò rất kỹ lưỡng lúc ra đi [3].

Giáp Dần (1794) tháng 3 Tây sơn đem quân thủy bộ vào đánh Qui Nhơn. Bộ binh Đông Cung đánh úp phá được ba bảo (thành bằng đất) Hà Nha, Thị Bảo, và Chủ Sơn bắt được 2000 quân Tây Sơn. Tháng 8 Đông Cung được lệnh rút về Gia Định. Võ Tánh giữ Diên Khánh.

Ất Mão (1795) tháng 2, Nguyễn Vương đi cứu viện. Đông Cung giữ Gia Định.

Đinh Tỵ (1797) tháng 4, Nguyễn Vương đi đánh Qui Nhơn, Đông Cung Cảnh đi theo, Tôn Thất Hội giữ Gia Định. Đích thân Nguyễn Vương tiến đánh Đà Nẵng, sai Đông Cung đem dinh Tả Quân vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) đánh chiếm Chiêm Dinh (Hội An-Quảng Nam). Tháng 6 Đông Cung đi đánh La Qua chiến thắng được thưởng 1000 quan tiền. Tháng 8 đại quân rút quân vể Gia Định, Nguyễn văn Thành và Đặng Trần Thường giữ Diên Khánh

Mùa đông Mậu Ngọ (1798) tháng 10 Đông Cung ra giữ Diên Khánh thay Nguyễn văn Thành và Đặng Trần Thường. Bá Đa Lộc cùng với Phó Tướng Tống Viết Phước và Nguyễn Công Thái đi theo.

Tháng 9 Kỷ Mùi (1799) Bá Đa Lộc chết ở Diên Khánh vì bệnh kiết lỵ, sai Nguyễn Văn Tánh và Đặng Trần Thường giữ Diên Khánh, Nguyễn Vương cùng Đông Cung rút quân về Gia Định. Cuối năm này Tây Sơn uy hiếp Diên Khánh.

Canh Thân (1800) tháng tư, Nguyễn Vương khởi binh cứu viện, lưu Đông Cung Cảnh giữ Gia Định, Hoàng Tử Hy đi theo. Đông Cung lo trị an thành Gia Định, chuẩn bị quân nhu lương thực, đóng thêm thuyền chiến, tuyển thêm binh lính để tự phòng thủ và cung ứng cho tiền tuyến.

Ngày Quý Sửu mồng 7 tháng 2 năm Tân Dậu, (20/3/1801) Đông cung Cảnh mất vì bệnh đậu mùa, thọ 22 tuổi. An táng tại Gia Định, (Nguyễn thị Chân Quỳnh nói táng ở Bình Định [4] ), Gia Long thứ 8 cải táng về Dương Xuân (Thừa Thiên-Huế)

Đông Cung Cảnh là một thanh niên tư chất thông minh, hiền lương, được các đại thần danh tiếng kềm cặp. Ông học qua các kinh sử, thích nghe lời nói thật, luận bàn với Ngô Tùng Chu về thiên Nhạc Ký, về sử ông cho Hán Cao Tổ, Tống Nghệ Tổ đều là vua giỏi dựng nên cơ nghiệp. Hán cao Tổ dựng nghiệp dựa vào võ không cần thi thư, Tống Tổ chưa từng bỏ quyển sách, cho thấy hai vua kia cách xa nhau. Ông là một người nhân từ lo nghĩ cho dân, khi trấn thủ Gia Định, lính trốn bắt vợ con giam chung, ông dâng sớ nói người đàn bà giam giữ kín một đêm, suốt đời khó nói cho mình minh bạch được, xin cho nam nữ giam riêng biệt. Năm 1800 Hà Tiên đói, Cai Cơ Mặc Tử Thiêm sai dân mua thóc ở Kiên Giang, Long Xuyên, quan sở tại không cho bán. Thiêm xin, ông nói việc buôn thóc ra biển có lệnh cấm nhưng dân Hà Tiên đang đói chẳng lẽ để dân chết đói, ông cho mua, và nhiều việc khác nữa. Khi đi đánh Quảng Nam về ông xin làm sách Hiển Trung Chư Thần Liệt Truyện để khích lệ lòng quân, Vương khen phải.

Có thể nói Đông Cung Cảnh đã được Nguyễn Vương đào tạo bài bản kỹ càng sẵn sàng đảm trách tiếp nối sự nghiệp của mình. Ông theo Bá Đa Lộc từ nhỏ, cuộc đời ông luôn gắn bó với Sư Phó cho đến khi ông ta qua đời, việc hậu sự cũng có sự đóng góp tích cực của ông. Bình sinh ông rất muốn chính thức trở thành một con chiên Gia-Tô Giáo, nhưng vì sợ phật lòng Nguyễn Vương, bề ngoài Bá Đa Lộc không chịu, buổi ban đầu khi mới ở Pháp về ông không chịu lạy bàn thờ Tổ Tiên. Sau khi Sư Phó Bá Đa Lộc (Đức Thầy Vêrô) chết, ông sống bê tha buông thả đam mê tửu sắc, trước khi chết ông nhờ người rửa tội trở thành một con chiên chính thức. Ông là một con chiên ngoan đạo khi ở Pháp nên được biệt danh là Hoàng Tử Pascal. Ông có cảm tình đặc biệt với các giáo sĩ, và tín hữu Gia Tô Giáo.

Đông Cung Cảnh kết hôn với bà Tống thị Quyên, không thấy nói vào lúc nào, sinh được hai người con trai là Mỹ Đường (Đán) và Mỹ Thùy (Kính, còn có tên Cảnh viết khác) không có con. Năm Gia Long 16, tháng 8 phong tước Công cho các Hoàng tử và hai Hoàng tôn, Hoàng tôn Đán làm Ứng Hòa Công, Hoàng tôn Kính làm Thái Bình Công.

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) Bà Quyên bị Lê văn Duyệt dìm nước chết vì tội thông dâm với con ruột, Mỹ Đường (Ứng Hoà Công) phải giao nộp ấn và dây thao, giáng xuống làm dân thường, buồn rầu lâm bệnh mà mất, con trai con gái bị ghi vào cuối sổ Tôn Thất. Mỹ Thùy (Thái Bình Công) được giao việc thờ cúng Anh Duệ Hoàng Thái Tử.

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) Mỹ Thùy bị quân lính đạo Dực Chấn kiện, sắp bị nghị tội thì bị bệnh chết, con Mỹ Đường là Lệ Chung [5] tập phong Ứng Hoà Hầu thay cha thờ phụng Anh Duệ Hoàng Thái Tử, một năm sau (1827) đổi lại Thái Bình Hầu. Năm 1833 (Minh Mạng 14) cho ghi vào sổ Tôn thất. Năm 1836 (Minh Mạng 17) triều thần lại nghị tội, Lệ Chung được miễn nghị vì phải lo việc thờ phụng Anh Duệ, buộc con trai Lệ Ngân và con gái Thị Văn, Thị Dao đều bị giáng làm thứ dân, xóa tên trong sổ Tôn Thất.

Lá ngọc cành vàng, cổ vật triều Nguyễn

Minh Mạng 20 (1839) Tôn Thất Lệ Chung được đổi phong Thái Bình Hầu làm Cảm Hóa Hầu. Vua dụ: " Việc tập phong là triều đình lấy đạo ưu hậu, quý mến thân thuộc, nhưng Lệ Chung ở chi khác, không phải con của Thái Bình Công, há nên cho tập tước hiệu cũ Thái Bình. Vậy cải phong là Cảm Hóa Hầu, nhưng vẫn coi việc thờ tự Thái Bình Công”.

Tự Đức thứ 1 (1848) tháng 3, Vũ Xuân Cẩn dâng sớ xin cho con cháu Lệ Chung được lượng gia ân cách. Vua nói “Về việc thi ân hậu đãi người thân thuộc điển lễ đáp người có công của nhà nước, lời lẽ đúng vớí sự lý, nghĩa lý rõ ràng. Vua chuẩn cho Tôn Thất Lệ Chung, do bộ Lễ ghi lại, đợi khi hết tang (tang vua Thiệu Trị) lượng cho tấn phong, thưởng cho Xuân Cẩn 10 lạng bạc.” Tháng 9, Tự Đức thứ 2 (1849) Tạ Quang Cự cùng 30 đình thần xin tái xét, vua chuẩn thuận cho con cháu Mỹ Đường được ghi lại vào phủ hệ Tôn Thất, cấp cho lương bổng Tôn Thất. Tháng 4, Canh Tuất Tự Đức thứ 3 (1850) Phong Tôn Thất Lệ Chung làm Cảm Hóa Quận Công, từ đó các hậu duệ của Hoàng Tử Cảnh mới vượt qua sóng gió dập vùi.

Đông Cung Cảnh chết lúc chiến trận thu phục giang sơn của Nguyễn Vương đang trên đà thắng lợi dễ dàng. Chỉ một bộ phận quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi thị Xuân còn vây hãm thành Bình Định nhằm chia bớt lực lượng, cản bước tiến của Nguyễn Vương, lực lượng Tây Sơn còn lại phải co cụm về bảo vệ Phú Xuân. Sau khi ông mất chưa tròn 3 tháng thì ngày 3 tháng 5 Tân Dậu, Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Vương khiến có nghi vấn ông bị hạ độc chết. Phải chăng để tránh khó xử cho vương quyền sau khi thành định cuộc? Trong tác phẩm Colonialism French in Vietnam của Philip Wolny xuất bản năm 2005 tại New York, trang 45 ghi: "Prince Canh is said to have died from the measles at the age of twenty-one. However, French missionaries reported that he had been poisoned." (nguồn Wikipedia tiếng Anh). Tạm dịch “Đông Cung Cảnh được cho là đã chết vì bệnh sởi (chính sử ghi bệnh đậu mùa) ở tuổi hai mươi mốt. Tuy nhiên các Thừa sai Pháp báo cáo ông ta bị đầu độc chết.”

Trong sách Gởi Thương Cho Huế, Bài viết “Từ Hoàng Tử Cảnh đến Hoàng Thân Cường Để”, Võ Quang Yến cũng ghi: “Ngày 20 tháng ba năm Tân Dậu 1801, sau khi đi đánh chiếm Thị Nại về, Đông cung mắc bệnh đậu mùa (có tài liệu nghi ông bị đầu độc)”. Đọc Thực Lục đến giai đoạn này người viết cũng có cảm nghĩ nghi vấn này, mong các nhà nghiên cứu sử về giai đoạn Gia Long hiện đang ở Paris như các tác giả Võ Quang Yến, Thụy Khuê, Võ Thu Tịnh v.v…. tìm được tài liệu lưu trữ đâu đó ở Paris để làm sáng tỏ nghi vấn nầy.

Đông Cung Cảnh lên bốn tuổi phải lìa cha mẹ lênh đênh biển cả qua tận kinh đô ánh sáng Paris làm con tin để cầu viện. Dự tiệc khoản đãi tại điện Versailles, ngày nay người lớn đã từng trải đến viếng xem điện này còn choáng ngợp, huống hồ một cậu bé 7 tuổi lớn lên lênh đênh trên sóng biển được hiện diện ở nơi xa hoa vào lúc đang thịnh thời của vua Louis XVI thì khó hình dung được cảm xúc của ông. Ông chứng kiến ký kết hiệp ước tương trợ Versailles. Về nước ông được phong Đông Cung, nắm dinh Tả Quân, xông pha chiến trường, lập nhiều công lao hãn mã, khi trấn thủ thành làm tròn trách vụ giữ vững hậu phương yểm trợ tiếp vận cho tiền tuyến. Sau khi ông chết ngày 7 tháng 2, ngày 3 tháng 5 Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Vương, để lại cho vợ con cháu chắt ông nhiều gian truân cùng cực. Ngày nay lần đọc những trang sử nhà Nguyễn biên soạn đã để lại, điều bí ẩn vẫn chưa có câu trả lời.

Hoàng tử Cảnh có phải chết vì bệnh đậu mùa như chính sử ghi, hay bị đầu độc?

Thái Phi Tống thị Quyên có thật đã thông dâm với con trai Mỹ Đường?

Tại sao dòng chính Anh Duệ không được kế tục ngai vàng, không trao cho Hoàng Tôn Đán mà mà trao cho Hoàng Tử Hiệu (Đãm)?.

Cuối Thu Ất Mùi, tháng 11 năm 2015
Hoàng Huy Hoàng Phước Quyến

 

[1] Lúc này ông đang giữ chức Hình Bộ Thượng thư triều vua Khải Định (Thực Lục Đệ Thất Kỷ). HPQ
[2] Năm Gia Long thứ 15 sai Thượng Thư Bộ Lại là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự sai viết “lập Hoàng tử Hiệu làm Hoàng Thái Tử để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “ý thánh định trước, thực là phước không cùng của xã tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh (Chính biên Đệ Nhất Kỷ). Trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả ghi Nguyễn Phúc Kiểu. Người dịch Thực Lục đọc nhầm Kiểu thành Hiệu hay lại có thêm một tên khác chăng? HPQ
[3] “Con nên chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc để đáp tấm lòng mong mỏi của dân, và khiến quân giặc phải sợ. Con phải gắng làm như chính ta trông thấy……Khi việc binh rỗi con nên vâng theo Sư phó (tức Bá đa Lộc, HH), chăm đọc kinh sách khiến cho sự học được sáng tỏ, nghiệp đức được tiến lên. Đến như đối với xung quanh thì nên gần người ngay thẳng xa kẻ gian tà, thế mới gọi là sáng suốt biết người. Đi ra nên kính nhớ lấy.” (Thực Lục).
[4] Lúc này ông đang thủ thành Gia định, chả lẽ sợ Tây Sơn quật mồ trả thù nên âm thầm di chuyển ra an táng tại Bình Định để đánh lừa?, hơn nữa Thực Lục ghi tháng 6 GL8: an táng di cốt Duệ Tông, Anh Duệ; hài cốt các Hoàng tử Hy,Tuấn, các đại thần Tôn Thất Hội, Chi, Xuân, Huy.. về đến kinh, các người này đều đã an táng ở Gia Định nay cải táng về Phú Xuân. HPQ
[5] Theo bài Phiên Hệ thi của dòng Anh Duệ Hoàng Thái Tử “Mỹ Duệ Anh Tăng Cường Tráng, Liên Huy Phát Bội Hương…” con của Mỹ Đường phải là Duệ Chung, Thực Lục ghi Lệ Chung, người dịch đọc nhầm hay vì lý do bị trọng tội, con không được áp dụng bài Phiên Hệ thi này.? HPQ

________

Tham khảo:
1/ Đại Việt Sư Ký Toàn Thư Lê Văn Hưu NXB KHOA HỌC XÃ HỘI- Hànội-1993
2/ Đại Nam Thực Lục Tái Bản Lần I NXB GIÁO DỤC-2001 - Tập I Thực Lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế - Tập II Thực Lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế - Tập VII Thực Lục về Dục Tông Anh Hoàng Đế Đệ Thất Kỷ: Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế
3/ Sử Ký Đại Nam Việt Hội Tượng Ảnh Phép Lạ Imprimerie De la Mission 289, rue Paul Blanchy Tân Định- Sàigòn 1930
4/ Đại Nam Liệt Truyện Tập 2- Chính Biên- Sơ Tập Quyển 2: Truyện của các Hoàng Tử
5/ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Quốc Sử Quán NXB Giáo Dục-Hànội- 1998
6/ Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu Quốc Sử Quán- Cao Xuân Dục chủ Biên NXB-Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa-1972
7/ Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả NXB Thuận Hóa-1995
8/ Wikipedia
9/ Các tài liệu khác trên internet.

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com