
Đọc truyện “ Nhân Vật Nữ Của Tôi”(1) của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, tôi không biết nhà văn đã hư cấu ra cô vợ ghen ngộ nghĩnh hay anh ấy thực sự lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như tôi? Tôi thấy mình giống y hệt như nhân vật chính, người chồng viết văn trong truyện; còn vợ tôi cũng không thua kém cô vợ của nhà văn đó.
Hoàn cảnh của tôi cũng đâu khác gì nhà văn! Chỉ khác một điều là nhà văn thì viết truyện, còn tôi thì làm thơ. Tôi là nhà thơ. Trong truyện có đủ kiểu nhân vật, đủ thứ chuyện trên đời. Còn trong thơ của tôi chỉ có chuyện yêu đương. Bởi vậy nhân vật của tôi chỉ có “ anh và em” mà thôi.
Mà anh là ai? Đâu ai khác hơn là tôi! Tôi chưa bao giờ làm thơ nói về một người đàn ông nào khác, không phải là tôi! Nhiều lắm có thêm kẻ thứ ba là một tên nào đó, nhảy vô phá đám cuộc tình đẹp như mơ của tôi. Nhưng ít khi nào tôi để cho chuyện này xảy ra!
Còn em là những nàng mà tôi từng yêu và có khi là những người đẹp mà tôi mơ, tôi tưởng tượng ra. Đó là chuyện cũ rích trước khi quen nàng, vợ tôi. Còn bây giờ, em chỉ phải là vợ tôi mà thôi! Nếu không, thơ của tôi dễ gì mà thoát qua vòng kiểm duyệt của em, nàng thơ của tôi, cũng là cô vợ tuyệt vời có chút xíu máu ghen.
******
Ban đầu khi mới quen tôi, nàng mê mẩn thơ của tôi; chìm đắm trong những bài thơ tình yêu lãng mạn, nồng nàn, ướt át của tôi. Nàng bị thơ tôi quyến rũ đến nỗi chưa biết mặt tôi, chỉ mới đọc thơ của tôi mà đã cảm tôi rồi!
Lúc đó nàng không hề để ý đến thơ của tôi ca tụng lan, cúc, huệ, hồng hay quỳnh gì ráo! Đối với nàng đó chỉ là tên của những loài hoa đẹp thường được các nhà thơ mượn hình ảnh để tỏ tình, tả cảm. Đến khi làm vợ tôi rồi, nàng bắt đầu thấy khó chịu khi trong thơ tôi nhắc đến tên hoa này, hoa nọ. Ví dụ như hoa quỳnh chẳng hạn. Nàng viện cớ tôi có một fan nữ tên Quỳnh, nàng nói:
- Em không thích bài thơ “đoá quỳnh”! Cái gì mà quỳnh hương, hương quỳnh? Anh làm thơ để ca tụng cô Quỳnh đó à? Mau mau bỏ đi, thay từ khác vào giùm em đi!
- Được rồi, anh chiều em, nàng thơ ạ! Em không thích thì anh đổi “hoa hồng” vậy!
Chưa vừa lòng, nàng nhăn mặt:
- Hồng nào nữa? Thôi, không hồng, không huệ gì hết nha anh!
Rồi có hôm nàng tò mò hỏi khi thấy tôi nhắc đến cúc trong thơ:
- Gì mà cúc cúc đây? Phải nàng Cúc hồi xưa mà anh thầm yêu, trộm nhớ mấy năm mới dám tỏ tình không vậy?
Tôi cười cười phân bua:
- Em ơi, anh làm thơ tả mùa thu thì phải có hoa cúc chứ...!
Nàng ngang ngược:
- Hoa nào mà chẳng được, miễn nghe êm tai, đúng vần là được rồi! Không nhắc đến cúc cũng đâu có ai chê thơ dở!
Hết vặn vẹo chuyện bông hoa, nàng bắt bẻ chuyện tóc tai:
- Ai, anh tương tư ai mà “theo làn tóc em trôi”?
- Thì em chớ còn ai?
- Ủa, tóc em ngắn ngủn, làm gì có làn tóc mà trôi?
- Thì hồi đó chưa cưới em, tóc em cũng dài dài đó, em nhớ không? Giờ em mới cắt tóc ngắn mà!
- Thì bây giờ anh làm bài thơ tóc ngắn mới phải chứ!
- Ừ, anh sẽ làm thơ “yêu em tóc ngắn” cho nàng thơ hài lòng!
Nàng vui vui, cười cười được vài bữa thì trời mưa. Nhìn mưa rơi, hồn thơ lai láng, tôi lập tức làm bài thơ “Mưa Kỷ Niệm”. Đọc chưa hết bài thơ của tôi nàng đã hỏi vòng vo:
- Anh và em đâu có kỷ niệm nào dưới mưa đâu?
Thấy tôi do dự chưa trả lời, nàng tấn công luôn:
- Anh đưa cô nào về trong mưa mà giờ làm thơ vậy?
Tôi gãi đầu giãi bày:
- Em ơi, nhiều khi làm thơ cũng có hư cấu nhân vật hay thêm tình tiết cho hấp dẫn như viết truyện mà em!
Nàng cũng không chịu:
- Không mưa gió gì hết! Nếu có thì chỉ có chuyện đưa em về giữa trưa nắng Sài Gòn mà thôi! Anh có nhớ chuyện hồi mới quen em, anh chở em giữa trưa mà còn không có nón bảo hiểm nữa không? Làm thơ nhắc chuyện đó cho em đi!
Đáng nể hơn là nàng còn nghi ngờ tôi đang mơ màng đến cô nào ở tận bên Pháp, bên Úc, bên Mỹ vì ở Sài Gòn làm gì có mùa thu mà tả mùa thu cho em! Nàng cho rằng tôi đã có vợ rồi mà còn đèo bồng, muốn quen ai đó ở trời Tây! Chịu hết nổi nhưng tôi cũng ráng giải thích:
- Mấy bài này anh làm lâu rồi, hồi còn chưa yêu em! Em có đọc qua rồi mà! Em nhớ không?
Nhiều khi tôi bực bội vì cứ bị nàng hoạnh họe này nọ nhưng cố nhịn nàng mà dặn lòng “vì mình quá yêu nàng nên phải chiều nàng! Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất cho yên chuyện chớ biết làm sao!”.
Vợ tôi biết mình được nuông chiều nên được thể càng làm già! Mới đây thôi, tôi lỡ nhắc đến lan ơi, lan hỡi vì đi chợ Tết thấy hoa lan đẹp quá! Muốn mượn hoa lan để nói tình yêu tôi dành cho nàng đẹp như nhành lan. Vậy mà nàng lại kiếm chuyện với tôi, cứ như là tôi cố tình chọc vô ổ kiến lửa:
- Nghe đến lan lan là em không thích chút nào! Cái người tên Lan là gì của anh, có quen thân thiết không mà chị ấy dám ngang nhiên họa lại thơ của anh? Anh và chị này chắc thường trò chuyện với nhau nên chị ta không ngại ngùng viết trên facebook của anh gì mà “bên thương, bên nhớ, bên yêu, bên tương tư” hả? Hèn chi em thấy anh tối ngày cứ ngồi trước máy!
Tôi đành vuốt ve cho nàng hết giận:
- Thôi bỏ qua đi vợ yêu, anh đâu quan tâm họ viết gì! Chắc chỉ trêu ghẹo cho vui thôi mà!
- Anh thấy vui, còn em không thấy vui gì hết! Em thấy thật kỳ cục và khó chịu! Nếu anh thấy với chỉ mà vui thì em để cho anh vui với chị ta! Em về bên nhà ngoại đây!
Nói xong nàng giận dỗi xách đồ đạc, bồng con về bên nhà ngoại ở. Nàng bỏ tôi cô đơn. Tôi là người rất nhạy bén với cảm xúc, vui buồn gì cũng ở cấp độ gấp mười lần người ta! Tôi đã từng nói với vợ tôi như vậy và qua mấy năm sống chung, nàng cũng cảm nhận được điều đó. Bởi vậy từ lúc nàng ra đi, tôi thấy mình như người bị tình phụ. Tâm trạng buồn bã não nề của kẻ cô đơn, rồi có khi tâm sự chua chát, ngậm ngùi của tên bị người mình yêu thương bỏ rơi tràn vào trong thơ khiến bao fan nữ phải thổn thức, viết cho tôi bao nhiêu bình luận đẫm lệ! Còn nàng thì chẳng chút mảy may xúc động nào, cứ ở lỳ bên nhà ngoại, không chịu trở về nhà với tôi! Lúc đó tôi thấy “ghét” vợ tôi kinh khủng! Muốn bỏ phứt nàng cho rảnh rang, thoải mái làm thơ về hồng- lan- cúc- quỳnh của tôi.
Nói không ai tin, tôi đã làm hàng trăm bài thơ tình cho nàng. Đến độ bây giờ tôi cũng không biết viết gì về nàng nữa vì nguồn cảm hứng cũng có lúc cạn kiệt. Cứ loanh quanh viết về vợ mãi thành ra cũng nhàm, không có gì mới mẻ và đột phá trong thơ khiến bản thân tôi cũng thấy nó nhàn nhạt làm sao! Rõ ràng thơ không phải là một sản phẩm sản xuất theo “đơn đặt hàng” của nàng, là theo ý của vợ tôi! Mà thơ phải là tiếng lòng thoát ra từ trái tim đang vui rộn ràng, đang khấp khởi hy vọng, đang hạnh phúc vì yêu thương. Có khi ngược lại, đó là nỗi đau vì mất mát, chia ly hoặc là lời than thở thê lương vì tuyệt vọng chẳng hạn… Cái đó mới là thực, mới là hồn của thơ, mới làm người ta xúc động. Bởi vậy tôi cần được tự do, bay bổng, chơi vơi trong nguồn cảm hứng sáng tác mới mẻ.
Nhưng suy đi nghĩ lại và lắng nghe trái tim mình, tôi thấy tôi còn yêu vợ tôi lắm vì ngoài cái chuyện ghen vớ vẩn với mấy “nàng thơ” xung quanh tôi thì nàng là người đàn bà tuyệt vời. Với tôi, nàng là người phụ nữ xinh đẹp mà thông minh. Không những vậy nàng còn giỏi giang và vén khéo, hết mực lo lắng cho tôi. Mấy năm qua tôi cứ bệnh liên miên. Cũng chính là nàng làm đủ mọi cách để chạy chữa cho tôi. Nếu không có vợ tôi, chắc tôi sống không nổi! Còn ai khác hơn nàng là người vực tôi dậy; giúp tôi sống trong tình yêu và hy vọng đến bây giờ để còn làm thơ. Nếu nàng không giỏi chèo chống thì “thuyền thơ” của tôi đã bị lật úp và chìm nghỉm trong dòng đời lạnh lẽo mất rồi! Nàng mới là người chia sẻ vui buồn, hoạn nạn cùng tôi. Hơn nữa, kể sao cho hết những kỷ niệm vui buồn khó quên của hai chúng tôi!
Nghĩ đến đây tôi thấy mình thật hối hận vì hôm đó trong lúc bực tức tôi đã gằn giọng nói với nàng: “Ai cũng có tự ái... em cứ bỏ anh đi… tự do là thứ mà chúng ta cần thiết hơn tất cả!”. Nhớ lại chuyện cũ tôi mới thấy mình cù lần hết sức, không hiểu gì về người đàn bà của tôi: nàng hay hờn mát và mau quên như trẻ con; nàng thích nhõng nhẽo để tôi chiều chuộng mà thôi. Đã mấy lần nàng buồn giận như vậy rồi! Nhưng cuối cùng thì đâu lại vào đó, vẫn cứ yêu nhau! Việc này khiến tôi mới hiểu ra một điều: “Người đàn bà khi thật lòng yêu thì sẽ cam tâm vì yêu mà ghen đó các ông ạ!”. Nếu cánh đàn ông chúng ta mà không công nhận kết luận này của tôi thì cũng đừng gặp mặt tôi mà chỉ trích này nọ nhé!
Từ kết luận đó, tôi mới tự trách mình: “Trời ơi, vợ chồng với nhau và yêu nhau như vậy làm sao ai lại có thể tự ái được cơ chứ?” Hơn nữa chính tôi đã từng nói với nàng: “Yêu là tha thứ, là bỏ qua hết tất cả! Em là tình yêu duy nhất của anh, anh tôn thờ em suốt đời.. !” Tôi đã dùng toàn lời hoa mỹ nhất trong văn chương, thơ ca, những câu nói kinh điển nhất về tình yêu trên thế giới Đông Tây- kim cổ để diễn tả tình yêu của tôi dành cho nàng! Vậy mà chỉ có chuyện ghen bóng gió của nàng, tôi đã nói những câu tuyệt tình như vậy! Thảo nào, vợ tôi còn buồn tủi mà chưa muốn quay về!
Sau mấy ngày sống tự do, tôi mới thấy mình đã nhầm: “Tự do không phải là thứ mà tôi cần hơn tất cả, mà chính là tình yêu mới là thứ tôi thiếu thốn!”. Tự do như con bướm la cà hết đóa hoa này sang đóa hoa khác, thấy cũng vui! Nhưng khi mỏi cánh cũng chỉ đậu trên một nhành hoa nào đó mà thôi! Tự do để làm gì khi bên cạnh không có người cùng vui buồn, ấm lạnh với tôi? Cuối cùng tôi cũng cô đơn nhìn tôi trong vách hay chỉ thấy bóng tôi trên tường! Tôi nghĩ dù tôi có bị mất đi tự do và làm nô lệ suốt đời cho tình yêu tôi cũng thấy mãn nguyện, cũng thấy hạnh phúc!
Tôi biết vợ chồng tôi còn yêu nhau lắm; chúng tôi không thể sống thiếu nhau! Còn tình, còn nghĩa, còn đứa con chung, nên tôi quyết định đi đón vợ tôi về nhà và hứa là sẽ không nhắc đến nàng nào khác trong thơ, ngoài vợ tôi ra. Từ nay tôi nguyện sẽ vì nàng mà làm thơ. Nàng chính là hồn thơ muôn thưở của tôi.
Khi tôi lon ton đến đón vợ tôi về, thấy nàng xanh xao, yếu đuối, tôi giật mình vì nghe mẹ vợ nói:
- Vợ con, nó mới xuất viện hôm qua vì bị mổ ruột thừa cấp tính!
Đến lúc này tôi mới biết mấy hôm nay nàng bị đau đớn oằn oại có một mình, còn tôi thì cứ muốn tự do với mấy nàng thơ chập chờn xung quanh tôi! Vậy mà nàng còn cười duyên nhìn tôi nói giả lả:
- Hổm rày thấy anh làm thơ coi bộ có hồn hơn! Em thấy anh mỗi khi có tâm trạng thì thơ lại hay hơn nhiều vì cảm xúc thật sự, không gượng ép mà cũng chẳng hư cấu! Em rất thích những bài anh mới làm mấy bữa nay! Lần này anh lại có thơ tuyệt vời để ra tập thơ mới rồi!
Tôi thấy mình có lỗi với nàng quá! Tôi cứ tưởng vợ chồng tôi sắp ra tòa ly dị tới nơi và lo lắng không biết phải trả lời ra sao trước tòa về lý do ly hôn lãng nhách của chúng tôi: “dạ…dạ… tại vì… vì.. lan lan… cúc cúc, quỳnh quỳnh ạ!”.
Tôi thật không ngờ, chẳng những vợ tôi không trách móc nửa lời mà còn khen thơ tôi hay! Còn tôi thì ghét nàng, hận nàng bỏ tôi! Tôi thật bó tay với cô vợ tuyệt vời có chút máu ghen của tôi rồi! Nhưng mà tôi cũng phải thú thật với cánh đàn ông chúng ta rằng: “Càng ghét, càng hận thì có nghĩa là tôi càng yêu nàng!”.
Đỗ Thu Hồng
Vichy, tháng 4/2020
(Viết trong những ngày cách ly- phong tỏa ở Pháp vì đại dịch Covid 19)
___________________
___________________
(1) "Nhân Vật Nữ Của Tôi" là truyện thứ hai trong tập truyện gồm 19 truyện ngắn "Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn", tác giả Nguyễn Nhật Ánh