
Bạn nghĩ thế nào? Một sáng thứ Bảy "có bình minh muộn nắng đầy hiên", ngủ dậy mà có được 1 tô phở thật ngon, đâu hẳn thấy đời cứ là bể khổ mới được, phải không? Này nhé, bày 1 cái bàn ra dưới gốc cây lớn sau vườn, thở không khí trong lành, vừa ngắm những con chim nhỏ nhảy nhót vừa ăn phở. Hôm sau là Chủ Nhật, nghĩa là vẫn còn thêm một ngày nghỉ thần tiên quí báu chờ sẵn. Thôi quên đi những cạnh tranh ở đời, chuyện công việc, chuyện sở làm v.v... hãy "quẳng gánh lo đi và vui sống"! Bây giờ trước mặt ta là 1 tô phở đang lên hơi nghi ngút. Nào giá nào rau, nào chanh nào ớt, tương Tàu, tương cay, thịt tái, thịt nạm, bò viên gân, hành ngâm chua, ngò gai non, ớt thái mỏng... thấy "cũng đủ lãng quên đời" lắm chứ! Phật Thích Ca có bảo "thế gian ba sự khó chừa". Biết đâu nếu còn cơ hội nói lại, Ngài sẽ thêm vào 1 sự thứ tư nữa, và đó phải là một tô phở đặc biệt ngon ... ngát trời mây!
Diễn tả thế thôi chứ tôi không định quảng cáo cho Phở. Đã có các nhà văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng viết về Phở rồi, bạn cứ tìm mà đọc. Một nhà văn khác, tôi quên mất tên, cũng có viết về cái thú của một ông công chức già đi ăn Phở buổi sáng. Mỗi lần đi như thế lại chở theo một cái trứng gà treo tòng teng trước tay lái xe đạp. Ông ta có thói quen đập lòng trứng vào nước Phở, rồi húp từng muỗng để lắng nghe cái hương vị thơm ngọt đi từ lưỡi xuống đến dạ dày.
Nấu Phở theo kiểu của "danh môn" hình như khó lắm thì phải. Nghe đâu hồi xửa hồi xưa, ông chủ tiệm Phở 79 ở Sài Gòn vẫn hay than thở là tuy giàu nhưng sáng nào cũng phải dậy thật sớm để nấu nước lèo, không dám giao cho ai cả vì sợ mất nghề. Mấy năm trước đây có 1 anh bạn ở Nhật đi du lịch qua Helsinki có gặp một người VN mở tiệm Phở bên đó. Thiên lý tha hương gặp nhau, hai người Việt Nam xa lạ đã chóng trở thành thân mật. Ông tiệm Phở cho biết muốn Phở ngon phải cho "Sá Sùng" vào trong đó. Chỉ nghe kể tên, không thấy ông bạn nói Sá Sùng là cái gì. Đi lùng khắp các tiệm bán thực phẩm Á Châu cũng không ai biết. Có lẽ phát âm không trúng nên tiệm nào cũng lắc đầu.
Nhưng cần gì phải theo danh môn chính phái mới nấu được? Nhiều bà nội trợ không cần học ai cả vẫn nấu được Phở ngon. Bá nhân bá tính, người thích phở trong kẻ thích phở béo, người này thích thịt tái, người kia thích thịt chín, vv... Con người ta nói chung chỉ cho là nhất cái gì họ thấy hợp khẩu vị của chính mình.
*
Có Người tò mò hỏi: Phở có phải là món ăn thuần túy Việt Nam không? Người VN ta rất quen thuộc với Phở. Nó hầu như là món ăn hằng ngày của dân ta, khắp nước ở đâu cũng có bán Phở. Người trong Nam gọi Phở là Phở Bắc, có lẽ vì nó đi vô từ ngoài Bắc. Nhưng cái danh từ Phở sao nghe là lạ: Chữ Phở tự nó không có nghĩa của nó, không như những cái tên Bún Riêu, Cơm Gà, Cháo Lòng, Cơm Tấm, v.v. chẳng hạn. Một số "phụ tùng" của Phở như Gầu, Nạm, Xí Quách [?] vv... tên nghe có vẻ là tiếng Tàu. Chúng không cho người Việt một hình ảnh tức khắc và rõ ràng như những tiếng xương, lòng, huyết, tim, gan vv... Gia vị dùng cho món Phở phần lớn cũng toàn những thứ ít ai dùng để nêm đồ ăn Việt Nam: nào là Quế Chi, nào là Thảo Quả, Đinh Hương, Bát Giác [= Tai Vị], Sá Sùng vv... Ai cũng biết là không mấy khi có thức ăn gì của Việt Nam mà lại nêm bằng Đinh Hương và Quế Chi cả!
Về gốc gác của Phở, tiên sinh Vương Hồng Sển có nói trong cuốn Sài Gòn Tạp Pín Lù. Theo tiên sinh, Phở là món "Ngưu Nhục Phấn" của Tàu. Chữ này đọc theo giọng Quảng Đông là "Ngầu Dục Phảnh" và khi lọt về tay đồng bào Bắc Việt, "Ngầu Dục Phảnh" (Ngưu Nhục Phấn)... biến ra "Ngưu Nhục Phở", kêu tắt là Phở lại càng thêm gọn [trang 43].
Đồng bào ở Bắc hay có thói quen giản lược ngôn từ 1 cách tùy tiện như thế. Một sư đoàn thì gọi là một Sư, còn đậu phụng, tiếng Hán là Lạc Hoa Sinh, qua Hà Nội được gọi ngắn lại thành "Lạc".
Vậy Phở phát xuất là 1 món ăn Tàu và đã trở thành món ăn Việt Nam. Điều này cũng không lạ gì: Barbecue là món ăn của Spain, nay trở thành món ăn của nhiều nước khác nhau (chữ Barbecue là tiếng Tây Ban Nha). Spaghetti của Italia thực ra là Mì ống của Trung Quốc do Marco Polo đem về, nay biến ra thức ăn "quốc hồn quốc túy" của Italia (V. H. Sển, sách nói trên, tr. 51). Với thời gian và cách ăn uống, Phở được đổi thay. Ngoài món Phở Bò, người Bắc chế ra thêm món Phở Gà. Khi vô Nam, Phở Bò được kèm thêm giá sống, rau Ngò Gai, rau Quế; khác hẳn khi ở Bắc hình như khi ăn chỉ có bỏ hành lá vào mà thôi [?].
*
Nói về Phở, không thể không nói đến bài thơ của nhà văn Nguyễn Hồi Thủ, một cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật (hiện ở Paris). Anh có nhiều sáng tác, tiêu biểu là các tập văn và thơ như Tiếng Kêu Thương [1982], Vũng Nước Bùn Lầy [1986] Trên Đường Về Nhớ Đầy [1989], Nói Chuyện Một Mình [1992] vv... [Nhà xuất bản Chân Mây Cuối Trời ở Paris phát hành]. Bài dưới đây trích từ tập Vũng Nước Bùn Lầy. Xin nói trước kẻo có bạn lại trách: sau những giòng đăng lại dưới đây sẽ không có gì viết thêm nữa, để dành thì giờ của bạn cho dư điệu của bài thơ:
Tôi đến Stockholm một ngày đầu hè
Đi lang thang trong khu thành phố cổ
Nhìn biển lặng soi lâu đài mầu teng đồng cũ kỹ
Một người bạn hỏi tôi:
- Anh từ đâu đến?
- Việt Nam
Mắt người bạn trẻ sáng lên cùng với nụ cười
- Tôi chưa bao giờ gặp một người Việt Nam, anh nói
- Anh biết gì về Việt Nam, tôi hỏi
Mặt người bạn trẻ thoáng buồn:
- Ôi Việt Nam, chiến tranh, chiến tranh ghê gớm!
- Đó là chuyện đã mười một năm qua!
(Thành thật tôi chẳng nghĩ gì về Trung Hoa hay Campuchia)
- Nước chúng tôi có những người sang giúp Việt Nam làm nhà máy
Những nhà máy rất xa xôi
- Quê hương anh sản xuất gì là chính yếu?
Tôi giật mình
Hỏi ngược lại kiểu người Do Thái:
- Anh muốn nói con người hay sản phẩm tiêu dùng?
- Cả hai
- Quê hương tôi sản xuất những anh hùng
Anh hùng đánh Mỹ và anh hùng vượt biển, tôi nói đùa
- Còn sản phẩm tiêu dùng?
(Tôi nghĩ ngay về những tờ báo ở quê mình)
- Chúng tôi đang trên đà công nghiệp hoá:
Nào thép gang, đầu máy xe lửa Tự Lực, thuyền bè hàng trăm tấn, ti-vi,
tủ lạnh, xe đạp, quạt trần v.v...
Nói chung chung tất cả đồ dùng cơ bản của nhân dân
Nói xong tôi biết mình cũng hơi bốc đồng một tý
(Nhưng có lẽ nào một nước sáu mươi triệu dân cần cù, nhẫn nại...)
Người bạn mắt sáng ngời hỏi lại:
Thế nước anh người dân hàng ngày ăn những món gì gọi là truyền thống?
Ôi một câu hỏi giản đơn sao mà nghe nóng bỏng
Chẳng lẽ đáp rằng: Hộ khẩu, khẩu hiệu, diễn văn, đại hội, nghị quyết, tự phê bình.
Hoặc nói chung chung: XHCN, Độc Lập, Tự Do, Hoà Giải, Dân Chủ, Công Bình, Bác Ái?
Như một ánh chớp loé lên, tôi vội vàng đáp lại:
- Phở! Dân chúng tôi ăn phở hàng ngày,
Một món bình dân
như anh thấy ở nhiều hiệu ăn Việt Nam đầy dẫy các thành phố lớn trên thế giới hôm nay
Người bạn nhìn tôi từ đầu đến chân rồi ngập ngừng lại hỏi:
- Thế anh làm gì ở đây?
Tôi cúi đầu tránh tia mắt anh nhìn rồi trả lời rất nhỏ:
- Tôi chỉ là du khách!
Nói xong tôi thấy như mình vừa nói dối
vì người bạn nhìn tôi tỏ vẻ không tin...
Đi lang thang trong khu thành phố cổ
Nhìn biển lặng soi lâu đài mầu teng đồng cũ kỹ
Một người bạn hỏi tôi:
- Anh từ đâu đến?
- Việt Nam
Mắt người bạn trẻ sáng lên cùng với nụ cười
- Tôi chưa bao giờ gặp một người Việt Nam, anh nói
- Anh biết gì về Việt Nam, tôi hỏi
Mặt người bạn trẻ thoáng buồn:
- Ôi Việt Nam, chiến tranh, chiến tranh ghê gớm!
- Đó là chuyện đã mười một năm qua!
(Thành thật tôi chẳng nghĩ gì về Trung Hoa hay Campuchia)
- Nước chúng tôi có những người sang giúp Việt Nam làm nhà máy
Những nhà máy rất xa xôi
- Quê hương anh sản xuất gì là chính yếu?
Tôi giật mình
Hỏi ngược lại kiểu người Do Thái:
- Anh muốn nói con người hay sản phẩm tiêu dùng?
- Cả hai
- Quê hương tôi sản xuất những anh hùng
Anh hùng đánh Mỹ và anh hùng vượt biển, tôi nói đùa
- Còn sản phẩm tiêu dùng?
(Tôi nghĩ ngay về những tờ báo ở quê mình)
- Chúng tôi đang trên đà công nghiệp hoá:
Nào thép gang, đầu máy xe lửa Tự Lực, thuyền bè hàng trăm tấn, ti-vi,
tủ lạnh, xe đạp, quạt trần v.v...
Nói chung chung tất cả đồ dùng cơ bản của nhân dân
Nói xong tôi biết mình cũng hơi bốc đồng một tý
(Nhưng có lẽ nào một nước sáu mươi triệu dân cần cù, nhẫn nại...)
Người bạn mắt sáng ngời hỏi lại:
Thế nước anh người dân hàng ngày ăn những món gì gọi là truyền thống?
Ôi một câu hỏi giản đơn sao mà nghe nóng bỏng
Chẳng lẽ đáp rằng: Hộ khẩu, khẩu hiệu, diễn văn, đại hội, nghị quyết, tự phê bình.
Hoặc nói chung chung: XHCN, Độc Lập, Tự Do, Hoà Giải, Dân Chủ, Công Bình, Bác Ái?
Như một ánh chớp loé lên, tôi vội vàng đáp lại:
- Phở! Dân chúng tôi ăn phở hàng ngày,
Một món bình dân
như anh thấy ở nhiều hiệu ăn Việt Nam đầy dẫy các thành phố lớn trên thế giới hôm nay
Người bạn nhìn tôi từ đầu đến chân rồi ngập ngừng lại hỏi:
- Thế anh làm gì ở đây?
Tôi cúi đầu tránh tia mắt anh nhìn rồi trả lời rất nhỏ:
- Tôi chỉ là du khách!
Nói xong tôi thấy như mình vừa nói dối
vì người bạn nhìn tôi tỏ vẻ không tin...
[Tôi Chỉ Là Du Khách, 1986]
Văn Lang Tôn Thất Phương, Canberra 1997-10-10