
Vừa ăn xong bữa tối, ông già Quốc níu áo tôi, “Muộn rồi đấy.”
Tôi ngừng lau miệng cho bà Pan, một bà cụ người Hoa, quay sang trấn an ông già, “Không muộn đâu bác ơi.”
“Muộn! Chờ lâu bà ấy giận,” ông già gằn giọng.
“Đừng lo bác ơi, bác ấy không giận đâu.”
Ông già gắt, “Muộn! Bà ấy giận…” Câu nói bị ngắt ngang bởi một cơn ho khan. Ông già ôm ngực, cúi đầu để chặn cơn ho. Lớp da nhăn nheo trên mặt ông đỏ rần lên.
“Thôi bác đừng nói nữa, mỗi lần nói là một lần ho,” tôi nói lớn bởi ông già lãng tai.
Ông già nén cơn ho, trừng mắt nhìn tôi, nói bằng giọng khản đặc, “Mặc kệ tôi.” Và lại tiếp tục ho.
Tôi xuống giọng thuyết phục, “Bác để dành lát nữa nói chuyện với bác gái chứ ho khản hết giọng, nói làm sao bác ấy nghe được.”
Ông già chặn một tay trên ngực, tay kia đưa lên xua. Đầu ông khẽ gật gù. Nghĩa là ông đồng ý với tôi. Ông sẽ ngưng nói được chừng năm phút. Ông muốn giữ giọng để lát nữa trò chuyện cho người đàn bà của mình.
Lau miệng cho bà Pan xong, tôi đẩy xe lăn cho ông đi dọc hành lang. Lượn vòng để tránh những bệnh nhân khác cũng ngồi như những xác khô trên đám xe lăn rải rác trên hành lang viện dưỡng lão. Cho bệnh nhân ăn tối xong, mấy đồng nghiệp của tôi đẩy xe lăn của bệnh nhân ra hành lang cho hóng gió, và rút về ngồi tán dóc trong phòng ăn nhân viên.
Cô y tá tên Nancy ngẩng lên nhìn lúc chúng tôi đi ngang trạm y tá trực. Một khuôn mặt tròn trĩnh với những sợi tóc vàng lọt ra phía ngoài cái mũ trắng xếp thật gọn cô đội trên đầu. “Đến giờ gọi cho vợ rồi,” cô nói kèm theo cái nháy mắt. Tôi lặng lẽ gật đầu.
Tôi đẩy chiếc xe lăn của ông già qua ngã rẽ ở hành lang. Cái điện thoại công cộng gắn trên tường ở ngay sau khúc quanh.
“Bấm số điện thoại bà ấy cho tôi.” Già Quốc nói như ra lệnh. Lần nào ông cũng nói câu ấy và lần nào tôi cũng ngoan ngoãn gật đầu kèm theo câu trấn an, “Đừng lo, bác ơi.”
“Nhớ bấm cho đúng, gọi nhầm người khác không được đâu đấy!” Ông già nhắc rồi đọc vanh vách những con số. Lần nào cũng vậy, lúc ông già đọc thật nhanh hàng số điện thoại, tôi đều ngạc nhiên. Tôi nhìn hai con mắt đầy những vẩy cá trắng đục. Và tôi không hiểu bằng cách nào ông già có thể nhớ một hàng số dài ngoằng như thế trong khi ngay cái tên của chính ông, kêu đánh vần, lần nào ông cũng đọc sai.
“Bác đọc từ từ mới được,” tôi đòi ông già đọc chậm dù gần cả tháng trời nay nghe hàng số ấy hoài, tôi đã thuộc. Bắt ông già đọc đi đọc lại để đầu óc ông có dịp làm việc là điều tốt. Lần nào đến thăm bệnh ở viện dưỡng lão, ông bác sĩ cũng dặn dò như thế.
Tôi mới bấm đến con số thứ ba thì cái bóng trắng của cô y tá hiện ra ở khúc quanh hành lang. Một tay cô cầm ly nước, tay kia cầm cái ly nhựa nhỏ xíu. “Uống thuốc đã,” cô nói. Giọng cô trong và vang động khoảng hành lang trống.
Ông già nguây nguẩy lắc đầu. Những sợi tóc lòa xòa trắng cả vầng trán nhăn nheo.
Tôi ngưng bấm số, đưa tay cầm dùm cô ly nước. Cô đặt một tay lên vai ông cụ, tay kia đưa cái ly nhỏ lúc nhúc những viên thuốc đủ màu sát miệng ông, “Há miệng ra, honey!” Cô nói, giọng ngọt.
Ông già lại lắc đầu và mím môi thật chặt.
“Uống đi bác, uống mới có sức nói chuyện với bác gái,” tôi nói.
Cô y tá chêm vào, “Không uống là vợ ông không nói chuyện với ông đâu.”
Ông già lập tức há miệng. Và nuốt vội những viên thuốc khi chưa kịp uống nước. Tôi hoảng hốt đưa ly nước sát miệng ông nhưng ông đẩy tay tôi ra. Ly nước sóng sánh, vài ngụm văng ra ngoài, loang trên nền gạch hoa. Ông già nhắm mắt, hai bàn tay xương chặn lấy ngực. Lần nào cũng thế. Từ khi tôi nhận việc trong nhà dưỡng lão này, tối nào tôi cũng sững sờ vì khi đút cơm cho ông, ông nghẹn lên nghẹn xuống, cứ phải cho vừa ăn vừa uống mới yên, vậy mà những viên thuốc khô lạnh này, chỉ cần biết sẽ được nói chuyện với vợ là ông nuốt xuống dễ dàng và nhanh chóng.
Nhờ vậy mà tối nào nhìn ông, tôi cũng thầm nhắc tôi rằng tình yêu có thật.
“Cho tôi gửi lời chào bà ấy nhé,” cô y tá nói, vỗ vai ông già, nháy mắt với tôi, rồi quay lưng rảo bước.
“Bấm số,” ông già quơ tay, nói, giọng khô và lạnh.
Tôi bấm những con số và đưa điện thoại cho ông già. Ông run run cầm lấy cái điện thoại, ép chặt vào một bên tai như thể không muốn những gì người ở đầu dây bên kia nói lọt ra ngoài để tôi tình cờ nghe được.
Tuy nhiên tôi cũng bước thụt lùi, cách ông già đúng sáu viên gạch bông, để ông già có những phút riêng tư với người đàn bà của ông ấy.
Ông già đằng hắng hai ba lần nhưng giọng ông vẫn khàn đặc. Âm thanh vất vả luồn lách qua cái cổ họng khẳng khiu đặc quánh đàm nhớt, lọt qua được khe hở những chiếc răng nghiêng ngả trở thành thứ tiếng động khò khè như tre nứa cọ vào nhau. Ông hello rồi cố ngoái cổ lại nhìn tôi. Tôi lùi xa thêm vài ba bước nữa. Ông bắt đầu nói. Lẫn lộn cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Âm thanh lọt tới chỗ tôi đứng tiếng được tiếng không. Thấp thoáng những chữ sweetheart được lặp đi lặp lại. Ông già làm tôi cảm động. Chẳng biết ông bà nói gì với nhau mà ngày nào cũng gần hai mươi phút, cho tới khi cơn ho bung ra. Và ông bye vội vàng trước khi dúi cái ống nghe điện thoại vào tay cho tôi gác lên vách tường.
Mỗi buổi tối, sau khi đút cơm cho ông già, giúp ông xúc miệng, chà răng qua loa, tôi đều phải đẩy xe lăn cho ông đến chỗ hẹn với người đàn bà của ông, nơi khúc quanh hành lang, chỗ có cái điện thoại công cộng. Bấm số dùm ông, để mặc ông nói chuyện bao lâu cũng được. Một trong những việc phải làm trong ca tối của tôi trong viện dưỡng lão này là như thế.
Cô y tá vẫn dặn đi dặn lại với tôi rằng cứ làm đúng như thế, đừng thắc mắc gì hết, để giúp ông già mau hồi phục sau một chấn thương tâm lý trầm trọng. Và tôi tuân theo một cách máy móc.
Tôi đẩy chiếc xe lăn chầm chậm để không khuấy động cơn ho của ông già. Trong trạm y tá trực, thấy chúng tôi đi qua, đang lúi húi trước xấp hồ sơ, cô Nancy ngẩng đầu lên, nháy mắt với tôi, “Xong rồi à?”
Tôi gật đầu.
“Sao hôm nay ngắn thế?” Cô Nancy hỏi và lại nháy mắt với tôi.
Tôi không biết trả lời sao nên chỉ mỉm cười. Những cái nháy mắt của cô Nancy làm tôi lúng túng. Tôi nghĩ đó là thói quen của cô, một thói quen vô hại nhưng tôi vẫn thấy khó chịu. Tôi khom người tới trước. Cái đầu tóc bạc trắng của ông già ngả qua một bên. Tôi cao giọng, “Bác gái nói gì với bác vậy?”
Ông già hừ lên một tiếng. Tôi hiểu, đó là ông nghe không rõ và hỏi lại cho chắc. Tôi lặp lại câu hỏi, “Bác gái nói gì với bác vậy?”
“Bún bò,” ông nói và lại đằng hắng liên tục.
“Bác ấy nấu bún bò à?” tôi hỏi.
Ông già đưa bàn tay phải lên khỏi đầu, “Mai, cậu qua ăn với chúng tôi.”
“Cảm ơn bác.”
“Ngon lắm.”
Chúng tôi vào tới hội trường. Gọi là hội trường vì trong căn phòng rộng thênh thang ấy có một cái ti vi to như cái tủ đựng đồ, đặt sát vách tường. Sau khi cho bệnh nhân hóng gió ngoià hành lang, bọn đồng nghiệp tôi đã dời tất cả vào hội trường rồi biến đi thật nhanh. Năm sáu chiếc xe lăn quây thành vòng bán nguyệt phía trước màn hình. Trên mỗi xe lăn là một hình hài khô héo, gẫy khúc, và bất động. Những cái đầu nghiêng một bên vai hoặc gục xuống phía trước. Những con mắt mở hé nhưng không nhìn thấy gì. Những tia nhìn như những con chim gẫy cánh, què chân, nằm liệt.
Tôi đẩy xe lăn của ông già tới sát cạnh xe lăn của bà Pan. Cô Nancy đã dặn là nên để hai người ở cạnh nhau để họ trò chuyện cho bớt cô đơn. Trong tất cả những hình hài vất vưởng ở hội trường, ông già người Việt của tôi có lẽ là người tỉnh táo nhất, nhưng suốt mấy tuần lễ, tôi để ý thấy ông chẳng ngó ngàng gì tới bà Pan hết. Bà già đã lẫn nhưng hiền hậu, dễ thương. Tôi là dân Á Châu nên được phân công săn sóc hai vị khách Á Châu này. Bà hay quay sang ông, nở ra cho ông những nụ cười hiền, như những bông hoa dại bên đường, nhưng ông vẫn nhìn xuyên qua bà, vào khoảng trống sau lưng bà, tới một không gian nào xa lơ lắc. Và tôi hiểu, vì ông còn bà vợ ở nhà – hay ở đâu đó. Bằng chứng là chiều nào ông cũng đòi bấm số điện thoại để ông trò chuyện. Một người đàn ông chung thủy hiếm có.
Ông sẽ ngồi đó xem truyền hình và (đúng ra là ông sẽ phải) trò chuyện với bà Pan. Rồi đến giờ tôi sẽ đẩy xe cho ông về phòng, làm vệ sinh, thay tã, thay áo quần trước khi đỡ ông lên giường, kéo tấm chắn cạnh giường lên cao, khóa lại để ông khỏi ngã. Chương trình mỗi tối là như thế.
Tôi nhìn đồng hồ. Còn hai tiếng nữa mới tới giờ ngủ của bệnh nhân. Tôi khóa bánh xe lăn của ông già, lướt một vòng kiểm những chiếc xe lăn còn lại. Biết là bọn đồng nghiệp đã khóa rồi nhưng tôi vẫn nhìn qua cho chắc ăn. Tất cả bánh xe đều phải khóa lại để người bệnh khỏi tự ý đi lung tung. Đám đồng nghiệp cùng trực ca với tôi đã biến đi đâu hết. Tới giờ mới lại hiện ra, đẩy người bệnh về phòng.
Tôi rảo bước ra hành lang, về phía nhà vệ sinh.
“Bận quá há?” cô Nancy nói vọng ra từ trạm y tá trực.
Tôi bước chậm lại. Bóng cô ló ra từ phía sau quầy. Màu áo choàng của cô trắng lòa con mắt.
“Sao vợ ông ấy không vào thăm?” tôi buông ra cái thắc mắc ám tôi từ ngày tôi vào làm ở đây đến giờ.
Cô Nancy nhìn tôi. Cái nhìn vừa lạ lẫm vừa tội nghiệp. Như thể cô đang nhìn một đứa trẻ đi lạc. Cái nhìn làm tôi bối rối. Tôi tiếp, “Ngày nào ông ấy cũng phải gọi về. May mà điện thoại công cộng không phải bỏ tiền.”
“Ô, bạn tôi ơi!” Cô Nancy tròn xoe đôi mắt và gọi tên tôi thật rõ. “Không ai nói với bạn chuyện này sao?”
Tôi ngơ ngác, “Chuyện gì?”
“Từ khi có điện thoại di động, công ty điện thoại cắt đường dây, cái điện thoại còn nằm đó vì chẳng ai bận tâm tháo gỡ. Hết sử dụng được rồi.”
Lâu nay tôi cũng thắc mắc là sao điện thoại công cộng mà không phải bỏ đồng 25 xu như những điện thoại ngoài đường phố. Thì ra vậy. Nhưng mà ông già vẫn nói chuyện được với vợ mỗi ngày. Chính tai tôi nghe những chữ sweetie lặp đi lặp lại kia mà.
“Cho ông ta gọi như một hình thức tâm lý trị liệu đấy thôi.” Xoa hai bàn tay lên hai cánh tay trần như xua bớt cái lạnh gai người máy điều hòa không khí ở góc phòng thổi đến, cô tiếp, giọng mất đi cái trong trẻo, lanh lợi thường có.
“Thế còn bà vợ, sao không vào thăm chồng. Người gì mà…”
“Bà ấy chết rồi!” Cô Nancy lạnh lùng ngắt lời tôi. May mà tôi chưa buông ra cái lời oán trách người đàn bà mà tôi cho là vô cảm. Tôi chết đứng. Mắt đổ hào quang. Tai ù. Tay chân rụng rời. Giọng cô Nancy nghe như vọng lại từ cõi nào, “Tai nạn xe. Ông ấy may mắn còn sống nhưng bị loạn trí, mấy đứa con ném ông ấy vào đây.”
Tôi cau mày, nhìn cô Nancy đăm đăm. Tôi không dám tin điều cô vừa nói bởi tối nào tôi cũng bấm số điện thoại cho ông già nói chuyện với bà vợ ở nhà. Tối nào ông cũng dặn bà chuyện nọ chuyện kia. Tôi đứng cách xa ông cả chục viên gạch bông nhưng tôi cũng nghe lóm được đây đó những chữ lạc lõng qua cái giọng khàn đục. Mới ban nãy ông còn mời tôi lại ăn bún bò vợ ông nấu dù chưa bao giờ ông nói cho tôi biết nhà ông ở đâu.
Như đọc được cái ý nghĩ xào xáo trong đầu tôi, cô Nancy tiếp, “Tội nghiệp ông già. Ông ấy đâu biết là bà ấy đã chết.”
Không thể tin được là vợ ông già Quốc đã chết, tôi lắc đầu, “Vậy ai nói chuyện với ông ấy mỗi tối? Mới ban nãy ông ấy còn nói chuyện say sưa trên điện thoại mà.”
Cô Nancy lắc đầu, nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, “Vào đây, tôi chỉ cho xem.”
Tôi lủi thủi bước theo cô vào phòng y tá trực. Cô chỉ cái điện thoại ở một góc bàn làm việc. “Anh bấm số điện thoại nhà ông ấy xem.”
Tôi nhanh nhẹn bấm những con số ông già vẫn đọc mỗi tối cho tôi gọi giúp ông về nhà, những con số tôi đã thuộc làu. Tôi áp cái ống nghe điện thoại vào tai, giọng nói đều đều, máy móc phát ra từ tổng đài, “Số điện thoại bạn gọi không còn sử dụng nữa, xin cảm ơn, chúc bạn một ngày tươi đẹp.”
Tôi bần thần đặt cái ống nghe về chỗ cũ. “Cảm ơn cô,” tôi nói và lững thững bước ra hành lang. Không quay lại nhưng tôi biết cô Nancy đang nhìn theo tôi với ánh nhìn tội nghiệp.
Tôi đi dọc hành lang. Tôi rẽ ở khúc quanh. Tôi dừng lại trước cái điện thoại màu đen móc trên tường. Cái điện thoại đánh lừa tôi. Cái điện thoại khiến tôi vững tin vào tình yêu của những người đàn ông và những người đàn bà. Hành lang vắng tanh. Đám đồng nghiệp của tôi chắc lại rút vào phòng nhân viên chơi bài. Tôi rụt rè cầm cái ống nghe điện thoại lên áp vào tai. Không có tiếng o o, thứ âm thanh quen thuộc của đường dây điện thoại. Tôi bấm những con số. Không có tiếng lạch cạch vẫn thường nghe khi bấm số điện thoại. Rõ ràng là tôi bị lừa. Tôi móc điện thoại lên chỗ cũ. Cô Nancy nói đúng. Cái điện thoại này đã chết. Nó là đồ cổ trong viện bảo tàng, là vật trang trí, vô ích như món đồ chơi trẻ con.
Mới nhận việc ở đây, chưa thân được với ai nên tôi không vào phòng nhân viên với đám đồng nghiệp mà ra hội trường xem ti vi. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình hoang mang như phút giây này. Ông già người Việt của tôi ngả người trên lưng ghế xe lăn, lơ đãng nhìn màn hình. Những người khác vẫn ngồi đó. Những con mắt vô hồn. Bà Pan gục đầu trên cánh tay, chắc đang say ngủ. Tôi nhìn màn hình chữ nhật. Phim đen trắng với những tài tử lạ mặt. Hai ba người đàn bà tíu tít chuyện trò. Một người cầm cái điện thoại màu trắng trên tay. Những người kia lao xao chung quanh. Tôi thấy ông già Quốc của tôi ngồi thẳng người dậy, nghểnh cổ, chăm chú nhìn màn hình. Người đàn bà trong phim bấm những con số điện thoại.
Ông già của tôi chợt bừng tỉnh, “Này!”
Tôi giật mình, “Gì vậy bác?”
“Điện thoại!” Ông già nhìn tôi, hai cánh tay cuống quýt quơ quào khoảng không. Rồi ông chỉ về phía hành lang, “Điện thoại!” Ông gằn giọng và bật lên một cơn ho.
Tôi vội mở khóa bánh xe và đẩy chiếc xe lăn của ông già ra hành lang.
“Mau! Bà ấy chờ!” Ông già nói khi vừa ngớt cơn ho.
“Mau lên!” Già Quốc gắt.
Tôi đẩy chiếc xe lăn tới sát bên cái điện thoại đã chết trên vách tường. Ông già mau chóng đọc một tràng con số. Tôi cầm cái ống nghe lên, ngoan ngoãn bấm những con số đã thuộc làu. Và tôi Hello vội vàng vào ống nói trước khi đưa cho ông già.
“Hello!” Giọng đàn bà ở đầu dây kia vọng vào tai tôi. Tôi điếng người. Tôi đưa cái điện thoại ra trước mặt, nhìn nó đăm đăm tưởng chừng muốn rách bung hai khóe mắt. Ông già vươn cả hai cánh tay ra trước, chờ. Rõ ràng tiếng một người đàn bà. Không thể tin được. Tôi đang mơ hay còn tỉnh. Mới tám giờ. Bệnh nhân còn thức xem ti vi. Nhân viên trực đêm không được phép ngủ. Tôi còn tỉnh táo. Hồi chiều tôi đã uống cà phê trước khi vào chỗ làm. Tôi lại áp ống nghe vào tai mình.
“Hello!” Giọng đàn bà. Tim tôi thắt lại trong lồng ngực. Ai thế này? Cô Nancy vừa mới nói với tôi rằng vợ ông già Quốc đã chết trong tai nạn xe hơi, và chính tai tôi đã nghe trong phòng y tá trực rằng đường dây điện thoại này không còn sử dụng nữa.
“Hello!” Vẫn từ ống nghe điện thoại vọng ra. Rõ ràng giọng đàn bà. Run, khàn và đặm nỗi buồn. Nghe xa xăm như vọng về từ một nơi chốn thâm u nào, “Ai đấy? Ông nhà tôi đâu rồi?”
Sợi dây bị xoắn, tôi loay hoay xoay cái điện thoại vài vòng để gỡ rối. Rồi tôi run rẩy đưa ống nghe điện thoại cho ông già. Và tôi lùi lại thật xa để ông bà có khoảng cách riêng tư với nhau.
15 tháng Ba 2023
Hoàng Chính