User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
kimchi1
Cô giáo Phú (giữa) Bà Đốc Phạn (phải). (Hình: Kim Chi)
 
(Kỳ thị và bạo hành)
 
Khi vừa đặt chân lên đất người, tôi đã nhận thấy ngay sự kỳ thị ngấm ngầm có, ra mặt có, của những người khác màu da. Không phải ai cũng thế, nhưng không nhiều thì cũng ít.
 
Khi tôi đi chợ và xếp hàng trả tiền, tôi thấy người thâu ngân cười nói chào hỏi đon đả với các người khách da trắng trước tôi.
 
Đến lượt tôi, như cái máy nhạc quay dây thiều bị hết dây thiều, bà ta lạnh nhạt không nhìn, không nói, không chào tôi mà mắt bà ta nhìn vào một “phương trời xa thẳm!” Khi thối tiền, bà ta bất lịch sự đã để tiền trên bàn mà không đưa tận tay cho tôi!
 
Tôi nhìn thẳng vào mắt bà ta, chào bà bằng cái tên bà đeo trước ngực để cho bà biết tôi đã có tên của bà nằm trong trí nhớ tôi. Rồi tôi nghiêm nghị nói:
 
“Tôi cũng có business! Khi tôi mướn người làm việc cho tôi, việc đầu tiên là phải biết chào hỏi khách hàng lễ phép. Khách hàng khác màu da, giai cấp, nhưng tiền khách mang đến thì cùng màu cả, không có khác biệt, nên phải tôn trọng khách như nhau. Chưa kể đến luật pháp không cho phép phân biệt hay kỳ thị ở đây…”
 
Bà ta xanh mặt nhìn tôi, ấp úng xin lỗi!
 
Câu chuyện này làm tôi bỗng nhớ lại nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ của tôi, khi ấy….
 
…Tôi sanh ra và cư ngụ trong một cư xá của người Pháp nằm trên đường Yên Đổ, Sài Gòn. Trong cư xá Champagne này, có khoảng hơn 30 căn phố nhỏ cất san sát nhau. Rất ít người Việt ở đây, mà đa số đều là những gia đình người Pháp đang làm việc tại Sài Gòn.
 
Khi ra sân chơi với bọn con nít Tây hàng xóm, chị em chúng tôi không hiểu bọn chúng nói cái gì, muốn gì và ngược lại. Có lẽ vì chủng tộc, màu da, ngôn ngữ khác biệt nên chúng tôi đã bị bọn Tây tóc quăn trong cư xá kỳ thị, đối xử rất lạnh nhạt, mặc dù má tôi cho chúng tôi ăn mặc quần áo theo phong cách của trẻ con Tây Phương và giữ gìn chúng tôi rất sạch sẽ, có khi còn sạch hơn chính bọn Tây đấy. Ấy thế mà bọn Tây trong xóm Tây này vẫn không chịu chơi với chúng tôi. Hay nếu có chơi chung, thì chúng tôi cũng bị ăn hiếp, thua thiệt mãi.
 
Tôi còn nhớ, khi tôi lên bốn, tôi hay chơi cầu tuột ở ngoài sân chung của cư xá. Có một con bé Tây đứng sau lưng tôi đã đẩy tôi ra để giành lên cầu tuột. Tôi không chịu, tôi cố bước ngoi lên và ngồi trước mặt của nó rồi tuột xuống trước nó. Khi nó tuột xuống sau tôi, nó đứng dậy và chạy lại… tát tôi một bạt tai thật mạnh, đau điếng. Tôi oà khóc bù lu bù loa vì đau quá.
 
Cái tát đó là cái tát đầu đời của tôi nên tôi khó mà quên được, dù tuổi còn thơ ấu. Tôi chạy vội vào trong nhà méc chị Tư. Chị Tư của tôi mới… sáu tuổi, thật giận dữ, nắm tay tôi chạy ra sân để tôi chỉ xem đứa nào.
 
Hỡi ôi! Khi chạy ra sân cầu tuột, chúng tôi thấy “nó” còn đấy, nhưng mà tới… “hai nó” lận: hai chị em chúng nó sanh đôi. Chúng mặc quần áo giống nhau. Tóc bím giống nhau. Tôi và chị tôi ngơ ngác lẫn tức giận. Cái máu quân tử Tàu không cho phép chúng tôi đánh trả thù không đúng người. Mà chả nhẽ đánh cả hai ư? Thế là đành phải nuốt “hận” vào lòng.
 
Rồi lại một hôm, anh Ba của tôi mếu máo chạy từ ngoài sân vào nhà với cái áo thêu hình con vịt bị xé rách, đầu gối bị trầy trụa chảy máu và quần áo lấm lem vì vật lộn trên đất cát. Chị Tư tuy là em của anh Ba, nhưng chị khá to con hơn anh. Chị đã nổi giận xung thiên lên khi thấy ông anh mình bị ăn hiếp!
 
Trong tay đang cầm cây bút chì vẻ tranh trong nhà, chị nắm tay anh Ba, chạy vội ra ngoài sân. Nhìn một đám con nít Tây tóc quăn lớn nhỏ, chị hỏi anh Ba đứa nào đã xé áo anh, và rồi xông thẳng tới con “đầm con,” chị phùng mang trợn mắt, cầm cây viết chì thẳng tay đâm vào mặt của con bé người Pháp kia. Cũng hên, vết đâm không trúng vào mắt, chỉ trầy một vệt trên gò má của nó mà thôi!
 
Tuy bị ba má tôi rầy một trận và phải đi đến nhà ông bà Tây bố mẹ con bé ấy để xin lỗi, nhưng chị em chúng tôi thật hả hê vì sau đó, tụi Tây đã cạch mặt chúng tôi, không dám ăn hiếp chúng tôi nữa.
 
Chúng tôi cũng bị chị vú “quản thúc” theo lời má tôi căn dặn, phải theo sát chúng tôi khi chúng tôi ra sân chơi. Lúc ấy, tuy tôi mới lên bốn thôi, nhưng nó như một cái hạt giống đã rơi vào đầu óc của con bé một nhận thức, một phản kháng ngầm, một mầm móng dân tộc tính bén rễ…
 
Rồi cũng năm lên bốn ấy, ba tôi bị đổi đi Quảng Trị, cả gia đình tôi phải dọn theo. Khác hẳn với cư xá Champagne ở Sài Gòn, chúng tôi được hàng xóm, dân nơi đây quý trọng vô cùng.
 
Dân Quảng Trị thật nghèo, nghèo xót xa, nghèo tội nghiệp đến nhói cả tim, óc… Mỗi bữa cơm trưa, cơm chiều là ở ngoài cổng có vài ba người ăn xin đang chờ đợi chúng tôi cho họ chút cơm thừa.
 
Có người là thương phế binh cụt tay, cụt chân… Có bà già người mỏng như giấy, tay chân run lẩy bẩy, má hóp, con mắt trũng sâu tựa cái giếng ở sân sau nhà…. Có những người đàn bà ôm con thơ trên tay, những đứa trẻ choắt đèo đẹt mà cái bụng thì lại õng to, trương phình lên, trần truồng, thở phều phào, giương cặp mắt loét đờ đẫn nhìn chúng tôi…
 
Má tôi giao cho các chị vú phần “công tác xã hội” đấy. Chúng tôi có ba chị giúp việc nhà, mỗi chị có một nhiệm vụ khác nhau.
 
Một chị chuyên về nấu ăn, chợ búa; một chị chuyên lau quét dọn nhà cửa, rồi kéo nước giếng lên để đổ vào hồ nước. Còn một chị thì chỉ trông trẻ em chúng tôi. Sau này, má tôi sanh thêm cậu em trai út. Vì sanh ở Quảng Trị, nên em được đặt tên Vĩnh Trị.
 
Ba tôi là người miền Bắc vào Sài Gòn đã lâu, còn má tôi thì người Nam. Các anh chị của tôi đều nói giọng Nam pha lẫn giọng Bắc chút chút của ba. Nhưng riêng tôi, bắt đầu đi học Mẫu Giáo ở đây, về nhà thì bị ba chị vú người Quảng Trị trông nom, nên tôi đã bị “Quảng hoá” thật nhanh.
 
Tôi nói chuyện hoàn toàn bằng giọng Quảng Trị như người dân bản xứ, tôi hòa đồng với bạn bè ở Quảng Trị ngay từ lớp Mẫu Giáo, không bị một trở ngại hay gút mắc gì với “giao thiệp” và “xã hội” cả.
 
Bốn năm sau, ba tôi được rút về Bình Dương làm việc. Tôi vào học lớp Tư trường Nữ Châu Thành Bình Dương, là một trường Tiểu Học công lập nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. (Thời ấy, học Mẫu Giáo xong rồi là đến lớp Năm, Tư, Ba, Nhì và Nhất là xong Tiểu Học).
 
Đây là năm học buồn thê thảm nhất thời niên thiếu của tôi. Không có ai chịu làm bạn với tôi cả vì không một ai… hiểu tôi nói gì. Chúng bạn thường nhại giọng của tôi để giễu cợt thật nham nhở. Lúc tôi trả bài, cô giáo cũng không hiểu tôi đang nói gì nên cho tôi… “hột vịt lộn” mà tôi thật ấm ức. Khi giơ tay phát biểu trong lớp, cô giáo ấy cũng rất lạnh lùng và tàn nhẫn, không bao giờ kêu tên tôi dù cánh tay của tôi cứ vươn lên cao, chơi vơi, ngoắc ngoải chờ được cô giáo của mình gọi tên trong buồn tủi…
 
Ngay cả ở nhà, chị giúp việc cũng đã làm tôi cáu gắt lên rất nhiều vì tôi nói gì chị cũng hỏi đi hỏi lại cả tỷ lần.
 
Chẳng hạn như tôi bảo chị: “Téc kỵ quặc mị đi hỉ,” chị ta cứ ngớ cái mặt ra. Bực quá, tôi tự làm lấy. Tôi kéo lê cái ghế lại chỗ quạt máy trên trần, thòng xuống ngay đó là một sợi dây, giật giật vài cái là “téc” nó.
 
Đấy, “téc kỵ quặc mị” mà chị ấy cũng không hiểu?! Cho nên vào trường, tôi bị bạn bè bỏ rơi tôi thảm thương đâu phải là chuyện lạ. Con bé tóc tém, mắt một mí lót thường đứng lủi thủi, lẻ loi ở một góc sân trường nhìn bạn bè chơi đùa mà buồn hiu hắt…
 
kimchi
Cô học trò Kim Chi. (Hình: Kim Chi)
 
Một hôm, giờ ra chơi, tôi thấy bọn con gái cùng lớp Ba chơi nhảy dây, tôi bèn mon men lại gần, mong mình cũng sẽ được cho chơi chung. Chúng nó cũng để tôi sắp hàng rồi nhảy vào vòng quay của sợi dây.
 
Có hai đứa bạn trong lớp của tôi đứng nắm dây hai đầu, quay đều đặn. Tiếng cười giòn tan, tiếng dây quét ngang mặt đất xẹt-xẹt, tiếng chân trần nhảy trên nền đất nghe bịch-bịch vui ơi là vui…
 
Nhưng, vừa mới nhảy có vài cái là tôi đã bị vấp dây rồi. Vấp phải dây là “chết,” là chỉ được cầm dây “hầu hạ” cho các đứa khác nhảy thôi. Mà chúng nó rõ ràng ăn gian. Chúng đã cố tình quay nhanh lên để tôi bị vấp.
 
Tôi không chịu thế, tôi cãi, tôi phân bua bằng giọng Quảng Trị của tôi… Thế là chúng ngơ ngác nhìn nhau rồi cười hăng hắc, hô hố… ầm ĩ cả lên để chế nhạo tôi. Còn tôi, tức giận tím môi, đỏ mắt mà không nói được, vì càng nói càng làm trò cười cho chúng nó. Thật là tủi thân, tôi cố kềm tiếng nấc nghẹn của mình lại, chạy vội vào cây cột của lớp học, nấp hẳn vào đấy rồi mới òa lên khóc tức tưởi, nức nở!
 
Cạnh lớp Ba của tôi là lớp Nhì của cô Phú. Cô đang tập múa cho học sinh của lớp cô. Thấy tôi khóc nức nở, cô chạy ra ôm tôi vỗ về. Rồi cô dẫn tôi lên văn phòng bà Hiệu Trưởng để nói chuyện. Bà Hiệu Trưởng được gọi là bà Đốc, bà lau nước mắt cho tôi rồi hỏi tên tôi, an ủi tôi. Từ đấy, tôi được bà Đốc, cô Phú để ý và thương tôi thật đặc biệt.
 
Bà Đốc Phủ Phạn nổi tiếng nghiêm nghị. Tướng của bà thật quắc thước, luôn luôn có mùi nước hoa thoang thoảng từ người bà toát ra. Mỗi lần có quan khách đến trường, bà Đốc cho tôi cầm hoa, cầm quà để trao tặng quan khách, hay nâng sợi ruban lên khi cắt băng khánh thành trong trường.
 
Những khi có khách là người ngoại quốc, tôi thường được họ kéo tôi ra khỏi hàng ngũ của học sinh trường, bế và thảy tôi lên cao để tôi cười khanh khách giòn tan. Con mắt của tôi lúc ấy tít lại chỉ còn một mí, cằm nhọn, cười đưa hai cái răng con thỏ to tướng, thêm một cái răng khểnh nữa mà họ vẫn thích con bé xấu xí này thật lạ… Chúng bạn của tôi bắt đầu bớt hẳn “kỳ thị”…
 
Cô Phú lúc ấy trạc 35, 40 tuổi. Cô xinh đẹp lắm, một nét đẹp thanh thoát như các cô tiên. Đặc biệt, cô có mái tóc dài, nhưng không bao giờ cô xõa tóc ra cả.
 
Cô dùng một cái khăn lụa màu đen mỏng quấn vòng bên ngoài cái tóc đuôi gà như cái đòn xúc xích, rồi cô mới quấn cái đòn tóc ấy quanh đầu của cô. Cô cũng bím tóc thay đổi, cô quấn cái bím tóc ấy quanh đầu, gài kẹp lại thật xinh xắn và tao nhã vô cùng.
 
Cô Phú tuy mảnh mai, cao dong dỏng, ốm yếu, nhưng gương mặt của cô thật hồng hào, cặp mắt đen tuyền của cô sáng long lanh, giọng nói thật ngọt ngào và hiền dịu. Nhìn cô giống y hệt như hình hai bà Trưng Trắc-Trưng Nhị mà người ta hay vẽ trên sách báo thời ấy.
 
Chồng của cô Phú là thầy Thu, rất đẹp trai và trí thức, luôn nở nụ cười trên gương mặt thật giống các tài tử ciné mà tôi được xem. Thầy có tiệm sách, tiệm bán đàn guitar tên là Nam Phong (trong gia đình của thầy, hình như có người anh cũng là nhạc sỹ dạy đàn guitar nổi tiếng thời ấy). Cô Phú và thầy Thu thật xứng đôi và hạnh phúc.
 
Hình ảnh của cô Phú luôn luôn là hình ảnh của một cô tiên trong đầu của tôi lúc ấy, và cho đến cả bây giờ.
 
Cô Phú thương tôi lắm, cũng như bà Đốc Phạn, tôi được cô chăm sóc và thương yêu thật đặc biệt. Cô không cho phép bạn bè cười chế nhạo tôi nữa. Cô cũng dạy tôi múa hát từ đấy.
 
Mỗi năm, ở Việt Nam có bao nhiêu lễ, là lớp cô Phú có bấy nhiêu màn múa trình diễn cho trường, cho quan khách cả tỉnh Bình Dương xem. Dịp Tết, Trung Thu, lễ Giáng Sinh, nghỉ Hè… là những dịp tôi được lên sân khấu. Tôi bao giờ cũng múa solist. Năm học lớp Ba và lớp Nhất, tuy không học với cô giáo Phú, mà cô Phú vẫn “mượn” tôi để múa cho nhóm múa của lớp cô! Tôi múa hầu hết các loại: múa đũa, múa đèn, quạt, múa kiếm, múa sạp, múa nón, trống cơm… Tôi bỗng dưng có bạn bè xung quanh tự hồi nào không biết, có lẽ vì tôi nói chuyện bằng giọng người Nam được rồi mà tôi không hay…
 
Nói đến “múa máy” và cô giáo Phú, tôi phải kể một chuyện thật vui trong cuộc đời “văn chương” của tôi… Có một hôm, sau buổi cơm chiều, cô Phú bỗng dưng bấm chuông nhà tôi. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng tôi không được phép nghe chuyện người lớn mà phải đi lên lầu mỗi khi có khách đến. Tuy thế, tôi không lo lắng vì tôi biết là tôi không có làm điều gì sai trái cả! Và khi mở cổng cho cô, cô vẫn nựng nịu tôi mà miệng còn cười tủm tỉm với tôi nữa…
 
Khi cô vừa đi về, tôi nghe cả nhà cười nói rần rần ở dưới lầu. Té ra, cô đến nhà tôi chỉ để cho ba má tôi xem bài luận văn của tôi làm hồi chiều. Bài luận có đề tài:
 
“Khi em lớn lên, em sẽ làm nghề gì? Em hãy giải thích tại sao em chọn nghề này…”
 
Cô bé học trò cưng của cô giáo Phú đã chọn một nghề mà cả lớp, cả trường học và chắc cả trăm, ngàn, triệu… học sinh toàn nước Việt Nam lúc ấy, ngay cả bây giờ, không ai dám nghĩ tới! Đấy là nghề… vũ nữ.
 
Trong bài luận, với tâm hồn thơ ngây và trong trắng của đứa trẻ mới 8, 9 tuổi, tôi ca tụng những “vũ nữ” nhiệt tình, ca tụng “vũ sư” Phú hết lòng thương yêu tôi, bỏ công lao với tôi, với trường, lớp để giúp ích… xã hội (!), an ủi cùng xoa dịu những tâm hồn đau khổ vì cô đơn, chiến tranh và thời cuộc. Do đó, tôi muốn… nối gót cô để được “phụng sự” cho xã hội cùng đất nước sau này!
 
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua, cô bé học trò tóc tém luôn rối bù giờ đã lên chức bà ngoại. Tôi về thăm Cô Tiên của tôi vài ba năm trước. Cô và trò rưng rưng nước mắt nắm tay nhau. Đôi mắt đen láy ngày xưa ấy tuy vẫn long lanh, nhưng đã có nhiều vết chân chim rồi. Mái tóc óng ả đen dài ngày xưa của Cô Tiên đã đổi sang màu thời gian bạc bẽo…
 
Đúng thế, thời gian thật bạc bẽo, đã đi qua, không làm sao để quay trở về. Nhưng cô ơi, lòng cô học trò nhỏ ngày xưa vẫn kính yêu cô, vẫn cảm thấy cay mắt, vẫn ấm lòng khi nhớ lại hình ảnh một Cô Tiên khả ái, đẹp tuyệt trần của cuộc đời mình…
 
 
Kim Chi

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com