User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

“Mưa Sài Gòn tiễn thi sĩ tài hoa Sa Giang Trần Tuấn Kiệt”

Trong một chiều Sài Gòn mưa mù trời, tang lễ thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt tổ chức đơn sơ tại tư gia số 246/4B/24 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Ông về trú ngụ tại căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ này từ năm 1973, và chủ của ngôi nhà cũng là một thi sĩ thời danh, ông Hà Thúc Sinh.

Đám tang trong hẻm nhỏ, nhà nhỏ vào một ngày mưa Sài Gòn, phần nào đó gợi lại bao ký ức tưởng nhớ người thi sĩ nổi danh với tác phẩm thi ca “Lời Gởi Cây Bông Vải” đoạt giải thưởng Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 1971.

Đặc biệt, nói về tác phẩm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt phải nhắc đến cuốn “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965,” dày gần 1,200 trang do ông biên khảo và giao cho nhà Khai Trí, 1965, khi ông mới 26 tuổi. Cuốn sách giới thiệu được nhiều nhà thơ tiêu biểu, cũng như một số gương mặt thơ lạ nhưng hay mà nhiều bạn yêu thơ chưa biết.

tangle

Tiếp thân hữu đến viếng thi sĩ, bà quả phụ Phan Thị Xuân Hương cho biết thi sĩ Trần Tuấn Kiệt sau hơn nửa tháng bị bệnh nhưng ông từ chối nhập bệnh viện, dù được gia đình và bác sĩ quen đến nhà chăm sóc nhưng không qua khỏi và đã ra đi thanh thản vào lúc 5 giờ sáng Thứ Ba, 8 Tháng Mười, 2019.

Thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt là một gương mặt thi ca lúc sinh thời dù trước biến cố 1975, hay sau này đều được độc giả yêu quý và giới thân hữu văn nghệ kính trọng. Thi sĩ là người miền Nam. Ông sinh ngày 1 Tháng Sáu, 1939, tại Sa Ðéc.

Khởi đầu nghiệp thi ca, văn chương, ông được Nhất Linh, Nguyễn Vỹ, Tam Ích giới thiệu vào làng văn chương và báo chí. Từ cuối thập niên 1950 ông đã cộng tác với hàng chục báo và tạp chí… Sau biến cố 1975, ông sống khép kín nhưng vẫn liên tục viết và coi việc viết là cách thể hiện tâm thế và ý thức Tự Do của phẩm giá nghệ sĩ chân chính.

Cùng đi viếng đám tang thi sĩ Trần Tuấn Kiệt có thi sĩ Nguyễn Đạt. Theo thi sĩ Nguyễn Đạt, cùng đồng đoạt giải thưởng thơ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1971 với thi sĩ Trần Tuấn Kiệt là thi sĩ Du Tử Lê. Như một định mệnh, hai gương mặt thi ca có tầm ảnh hưởng quan trọng trong văn học sử Việt Nam, giờ đây tuy người ở Việt Nam người ở Hoa Kỳ, nhưng trong cùng điểm thời gian lại được cùng nhau đồng hành về cõi thi ca vĩnh hằng.

Chân thành kính tưởng hương linh thi sĩ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, người thi sĩ đã tròn vẹn cuộc đời sống và viết vì tình yêu thi ca chân chính của nền văn chương Việt Nam.

Trần Tiến Dũng

Nguồn: Người Việt Online October 10, 2019

trantuankiet

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt. (Hình: Người Việt Bốn Phương)

Tiễn Trần Tuấn Kiệt, nhớ chuyện viết văn làm báo

Viên Linh/Người Việt

Cầm bút viết về một nhà văn, nhà thơ cùng thời, cùng thế hệ với mình thật là khó, như tôi đang khởi sự viết về Trần Tuấn Kiệt vừa mất (1 Tháng Sáu, 1939 – 8 Tháng Mười, 2019).

Anh kém tôi một tuổi, và thường cùng lui tới một khúc đường Phạm Ngũ Lão như tôi. Anh tới tòa soạn tạp chí Phổ Thông đặt trong nhà in Thư Lâm Ấn Thư Quán, tôi cũng tới nhà in này nhưng ở phòng ngoài, nơi đặt tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật. Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Nghệ Thuật do Mai Thảo.

Trần Tuấn Kiệt viết cho Phổ Thông từ đầu. Tôi làm thư ký tòa soạn Nghệ Thuật, vừa viết tin viết bài lại vừa trình bày trông coi in ấn, đó là tờ tuần báo văn học nghệ thuật in kỹ thuật offset đầu tiên tại miền Nam Việt Nam, là kỹ thuật in ấn tối tân nhất lúc bấy giờ.

Tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ là chính xác; còn tuần báo Nghệ Thuật “do Mai Thảo” đứng tên chủ nhiệm chủ bút, nhưng thực sự tờ báo ấy không phải của Mai Thảo không thôi, mà có thể nói của năm người: Vũ Khắc Khoan, Phạm Đình Chương, Mai Thảo, Thanh Nam và ca sĩ Anh Ngọc Từ Ngọc Toản. Nơi trang nhất Mai Thảo đứng tên chủ nhiệm chủ bút, Thanh Nam đứng tên tổng thư ký, còn Từ Ngọc Toản (tên khai sinh của ca sĩ Anh Ngọc) đứng tên trị sự, quản lý.

Năm 1967, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt miệt mài thực hiện một cuốn tổng thể nhan đề “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965,” tức là 85 thơ Việt Nam, khổ lớn và dày gần 1,200 trang. Trần Tuấn Kiệt đã hoàn tất một bộ sưu tập lịch sử. Phần nhận định và chọn thơ các tác giả cho thấy tấm lòng rộng mở của thi sĩ: ông chọn thơ cho hay, không phân biệt con người, trường phái, lập trường hay địa phương.

Thi sĩ và tác phẩm đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách là Thượng Tân Thị, sinh năm 1880 và thi sĩ cuối cùng trong cuốn sách chính là tác giả Trần Tuấn Kiệt sinh năm 1939. Chỉ cần đọc qua mục lục cuốn sách dày cộm, ta thấy công trình đáng kể của ông. Ông không phân chia sách ra theo nhận định của mình hay theo khuynh hướng của các tác giả tác phẩm, mà theo dòng đời thực tại. Ta thấy như sau:

thicatrantuankiet

Phần I-Thi Ca Tiền Chiến. Trong phần này, từ trang 11 tới trang 408, ta thấy có 43 thi sĩ: Thượng Tân Thị, Phan Khôi, Tản Đà, Á Nam, Nhượng Tống, Tương Phố, Đông Xuyên, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Thế Lữ, Nam Trân, Tân Hiến, Vân Đài, Phan Văn Dật, Nguyễn Vỹ, Quách Tấn, Thái Can, Đoàn Phú Tứ, Trần Huyền Trân, Hàn Mặc Tử, Huy Thông. J. Lê Ba, Lan Sơn, Lưu Trọng Lư, Bàng Bá Lân, Phạm Đình Tân, Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Nguyễn Nhược Pháp, Đỗ Huy Nhiệm, Đặng Đình Hồng, Nguyễn Đình Thư, Nguyễn Thị Manh Manh, Phan Thanh Phước, Xuân Tâm, Xuân Diệu, Ngân Giang, Thâm Tâm, Hồ Văn Hảo, Yến Lan, Huy Cận…

Trước khi đi vào những bài thơ chọn lọc, có in tiểu sử của từng tác giả, tuy không kỹ càng như loại sách biên khảo, cũng không có hình ảnh, không in bằng lối chữ riêng biệt mà tùy theo từng người mà tiểu sử và nhận xét khác biệt nhau, cho thấy Trần Tuấn Kiệt tùy hứng và tùy hoàn cảnh khi thực hiện cuốn sách.

Phần II-Thời Chiến Tranh, từ trang 451 tới trang 714 in thơ của các thi sĩ mà Trần Tuấn Kiệt xếp vào thời hiện chiến, hay thời chiến tranh. Những người này là Lam Giang, Việt Châu, Ái Lan, Hồ Thấu, Ninh Huy, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Tất Vinh, Thẩm Thệ Hà, Đỗ Hữu, Hoàng Hoa, Đằng Phương, Văn Cao, Chim Xanh, Vũ Anh Khanh, Trúc Khanh, T.P., Khổng Dương, Thanh Hữu, Trần Dần, Tạ Hữu Thiện, Phùng Quán, Hữu Loan, Mộc Lan Châu, Thế Phong, Nguyễn Văn Cổn.

Chỉ có 26 nhà thơ trong “thời chiến tranh” theo chọn lựa của Trần Tuấn Kiệt. Độc giả chắc chắn sẽ cho rằng con số đó chưa thể là con số sau cùng, nhất là khi biết rằng khi bộ sách “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965” của Trấn Tuấn Kiệt được phát hành vào năm 1967, lúc ấy chiến tranh Việt Nam từ thời chia cắt 1954 còn đang tiếp diễn. Có lẽ chính tác giả nghĩ như thế chăng? Không phải, vì ngay những chương sau là phần thứ ba của cuốn sách, nhan đề “thời hậu chiến.” Nếu thời chiến tranh còn đang tiếp diễn thì chưa thể có thời hậu chiến. Ta hãy xem thời hậu chiến của cuốn sách ra sao rồi sẽ bàn tiếp.

Trong hai phần sơ lược như trên, chúng ta đếm được 43+26 = 69 thi sĩ, quá ít so với một thời gian quá dài, tuy nhiên với sức người, một tác giả 30 tuổi làm được như thế trong một thời gian ngắn là đã quá sức.

Trần Tuấn Kiệt sinh năm 1939, làm thơ ký là Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, lúc giao cuốn “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại” cho nhà Khai Trí, 1965, anh mới 26 tuổi. Anh ghé tòa soạn Nghệ Thuật trên đường Phạm Ngũ Lão hầu như mỗi ngày, nơi đó còn tòa soạn vài báo khác như Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ.

Viên Linh

trantuankietdutule

Cùng rời nhân gian, chỉ cách nhau 6 tiếng đồng hồ:

Sa Giang Trần Tuấn Kiệt đi lúc 5 giờ sáng 8 tháng Mười 2019 ở Sài Gòn, (2 giờ trưa 7 tháng Mười ở California), thọ 80 tuổi. / Du Tử Lê (Lê Cự Phách) đi lúc 8 giờ tối ngày 7 tháng Mười ở California, (11 giờ trưa 8 tháng Mười ở Sài Gòn), thọ 77 tuổi. Cả hai đều làm thơ, đều đoạt giải thưởng thi ca trong thập niên 70's. Tập “Lời Gởi Cây Bông Vải” của Trần Tuấn Kiệt đoạt Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật VNCH 1970, bộ môn Thơ. / Tập “Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972” đoạt Giải Văn Chương Toàn Quốc VNCH 1973.

Cầu cho hương linh hai bạn yên nghỉ trên cõi trời cao rộng.

Nguyễn Bá Trạc

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com