Chích ngừa! Vào sáng ngày 14 Tháng Mười Hai, 2020, mũi thuốc Pfizer chích vào tay cô Sandra Lindsay, một y tá làm việc tại Long Island Jewish Medical Center, New York, bỗng nhiên trở thành một “biến cố” lịch sử.
Hình ảnh của cô y tá da đen ngồi bình tĩnh đón nhận mũi thuốc chống con siêu vi tai ác Corona được truyền đi trên truyền thông Hoa Kỳ và toàn thế giới như một ngọn nến thắp lên niềm hy vọng mới.
Phát biểu sau khi được chích, cô nói: “Thật phi thường. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả người và đầy hy vọng.”
Tất nhiên, Hoa Kỳ không phải là nước đầu tiên có thuốc chủng ngừa. Nhưng Hoa Kỳ là nơi có nhiều người nhiễm bệnh và nhiều người chết nhất, nên trong cõi u trầm của cơn đại dịch kéo dài suốt năm 2020 gây ra đổ vỡ mọi mặt của cuộc sống, mũi thuốc này tự nó mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn, không những chỉ cho nước Mỹ mà cho toàn nhân loại.
Phóng viên chiến trường của New York Times, Rod Nordland, không được bình tĩnh như Lindsay. “Tôi thường không khóc trước công chúng, nhưng hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng, là một ngoại lệ. Đó là ngày tôi được chích vaccine ngừa Covid-19. Thấy mắt mũi tôi chèm nhẹp, một bác sĩ – mà tôi đọc được tên của cô ấy là Burke – chạy tới hỏi xem tôi có ổn không. Vẫn trong cơn xúc động, tôi nói với cô ấy là tôi không sao. Cô bác sĩ trả lời: ‘Vâng, hôm nay cũng có nhiều người khóc như ông đó,’” anh Rod Nordland viết trên New York Times.
Cùng thời điểm với anh chàng phóng viên mau nước mắt này, tôi cũng may mắn được chính ngừa mũi đầu tiên, loại Moderna. Tôi không khóc, nhưng thú thật là sau mũi thứ hai hơn một tháng sau đó, tôi có cảm giác phơi phới y như vừa được bước ra khỏi nhà tù sau một thời gian dài nằm trong ngục tối.
Có thuốc, thế là nơi nơi chích ngừa, người người chích ngừa! Đây là “bước khởi đầu cho sự kết thúc” một tai họa vô tiền khoáng hậu làm thay đổi hẳn cả bộ mặt của hành tinh. Thuốc chích ngừa trở thành một phép lạ, giúp trả lại cho nhân loại một điều vô cùng giản dị: sự bình thường. Người Mỹ bảo: “Getting back to normal!” Trở lại cái bình thường.
Bình thường? Nghiệm ra, cũng như “tự do” hay “không khí,” cái gọi là “bình thường” không phải là điều gì đặc biệt.
Gặp một người bạn, thăm một người quen, ra phố đứng nhìn người qua lại, bắt tay chào hỏi một người láng giềng, ra quán ăn một tô phở, đến chợ mua một gói trà, dự một buổi họp mặt, đi nghe một buổi trình diễn ca nhạc, vân vân và vân vân.
Bình thường là cái gì “có sẵn đó” hằng ngày, hằng giờ mà “không hề hiện hữu.” Ta không thèm biết đến nó, lãng quên nó, thậm chí rẻ rúng nó. Vì sao? Có lẽ vì đó là “một ngày như mọi ngày,” đều đặn và… buồn nản. Sao lại buồn nản? Vì bình thường = không có gì mới! Không có gì mới nên chẳng có gì vui.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy cái gì mới mẻ thường đẻ ra niềm vui vì nó kích thích sự hưng phấn của não bộ: quần áo mới, sách báo mới, cô dâu mới, mùa lúa mới, nhà mới, xe (đời) mới, nắng mới, thơ mới, niên học mới. Còn nữa: ngày mới, duyên mới, thời mới, hy vọng mới, vận hội mới. Chưa đủ: phải mới tinh, mới toanh, mới nguyên, mới cứng.
Mới còn là “tân”: cách tân, tân thời, tân tiến, tân trang, tân niên, tân gia, tân binh, tân khách, tân hôn, tân kỳ, tân lang, tân giai nhân, tân ngữ, tân trào, tân Xuân. Hầu hết thời gian chúng ta sử dụng hằng ngày, không phải để thưởng thức cái ta đang có, mà thú vị với cái ta muốn có, cái chúng ta chưa có. Chúng ta nuôi hy vọng, ôm ấp hoài bão và tưởng tượng… Chúng ta luôn luôn chán cái cũ. Đúng hơn, chán cái đang có vì nó quá… bình thường. Bình thường là tầm thường!
Cơn đại dịch đột ngột xảy ra. Cả nhân loại đột nhiên phải đối diện với những kẻ thù giấu mặt, ở khắp mọi nơi, rình rập quanh ta cả đêm lẫn ngày. Chúng mới, hoàn toàn mới. Mới một cách bất thường. Chúng gây nên những nỗi sợ cũng rất mới, mới tinh. Sợ gì vậy?
Sợ tin tức. Hàng trăm, hàng ngàn người chết và hàng chục, hàng trăm ngàn người bệnh mỗi ngày, không đến từ vùng chiến sự hay từ vùng động đất mà là từ những nơi thanh bình nhất. Và từ những nước văn minh, tiến bộ nhất. No news is good news! Tin tức đồng nghĩa với chết, bệnh, nhốn nháo, loay hoay, mất phương hướng.
Sợ người. Con sợ gặp cha mẹ, cháu sợ gặp ông bà, bạn sợ gặp bạn, bà con sợ gặp bà con, người yêu sợ gặp người yêu. Người sợ người, người sợ nhau, người không tin nhau, người là bệnh của nhau.
Sợ đám đông. Tiệc tùng, phố xá, chợ búa, họp hành, lễ hội, trường học… trở thành những vùng cấm địa.
Sợ cả chính mình. Ho vài tiếng, cũng sợ. Nghe cơ thể hâm hấp, cũng lo. Nghe nhức đầu, cũng hãi. Nghe mỏi tứ chi, cũng băn khoăn. Ăn không yên, ngủ cũng không yên, đêm ngày nơm nớp đợi chờ tin xấu.
Điều mỉa mai là, sống riết với bất thường, rốt cuộc, nó trở thành…bình thường. Bình thường đại dịch, “pandemic normal.” Đâm ra mơ về những ngày tháng cũ, “bình thường cũ,” mơ cảnh “một ngày như mọi ngày” của thời tiền-đại-dịch, “pre-pandemic normal.” Trong những ngày này, không hiểu sao, lời ca một ca khúc cũ cứ vang vang trong đầu óc tôi:
“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
Tìm đâu những ngày thơ?
Tìm đâu những chiều mơ?
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
(“Những Ngày Thơ Mộng,” nhạc Hoàng Thi Thơ)
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
Tìm đâu những ngày thơ?
Tìm đâu những chiều mơ?
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
(“Những Ngày Thơ Mộng,” nhạc Hoàng Thi Thơ)
Tôi hát: Tìm đâu, tìm đâu những ngày chưa có dịch?
Cô y tá Sandra Lindsay (trái) làm việc tại Long Island Jewish Medical Center, New York, chích vaccine Covid-19 vào sáng 14 Tháng Mười Hai, 2020. (Hình: Mark Lennihan – Pool/Getty Images)
Bây giờ chích ngừa rồi, có thể tìm lại bình thường cũ, “pre-pandemic normal,” không?
Dạ thưa: quá khó!
Rhea Butcher, diễn viên hài, quả quyết: “Một thế giới hậu Covid-19, có nghĩa là ta sẽ được gặp lại những điều bình thường hay ‘dễ chịu’ nhưng sẽ là một bình thường hoàn toàn khác. Đại loại cũng như sau biến cố 9/11, dù là an toàn, nhưng phải làm quen với vô số điều ‘bất thường’ vốn chẳng hề có trước đó: phải đi qua kiểm soát an ninh, dò tìm vũ khí, chất nổ trong hành lý…”
Trải qua cuộc khủng hoảng đại dịch, mọi sự mọi việc đã mang một khuôn mặt mới rồi, từ chuyện làm việc hằng ngày cho đến các dịch vụ y tế, dịch vụ bảo hiểm, các buổi hội họp, và nhất là những kỷ niệm cay đắng về bệnh tật, chết chóc và sự lúng túng của những nước văn minh trong việc đối phó với dịch bệnh.
Thế giới sẽ trở lại bình thường nhưng là một “Bình Thường Mới,” New Normalcy, nói theo các nhà chuyên môn. Với chúng ta, những người bình thường, thì bình thường gì đó cũng được, dù là “pre-pandemic” hay “post-pandemic.” Miễn đừng “pandemic normal!” Miễn là “một ngày như mọi ngày.”
Miễn là được tự do đi gặp một người bạn, thăm một người quen, ra phố đứng nhìn người qua lại, bắt tay chào hỏi một người láng giềng, ra quán ăn một tô phở, đến chợ mua một gói trà, dự một buổi họp mặt, đi nghe một buổi trình diễn ca nhạc, vân vân và vân vân.
Miễn người không còn sợ người. Và tôi không còn sợ tôi.
Thèm biết bao cái đều đặn, buồn nản của “một ngày như mọi ngày.”
Trần Doãn Nho
Chú thích:
(*) “Chuyện Tình Vaccine,” bản dịch Đ. Trang trên tuần báo Saigon Nhỏ: https://saigonnhonews.com/chuyen-tinh-vaccine/
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/