
Chưa bao giờ tôi thấy hai câu thơ trên thấm thía đến tận xương tủy của mình như những lúc này. Đối với tôi, một gã đàn ông tuổi đời chỉ còn vài năm nữa sau một bữa tiệc Ăn Mừng Thượng Thọ Lục Tuần sẽ được phong chức cụ.
Lỡ dại sau bữa tiệc quá chén bị trúng gió ngã lăn quay, trên bàn Linh sẽ được viết hai chữ Hưởng Thọ chứ không phải Hưởng Dương.
Nhưng diện mạo tôi hiện nay hoàn toàn trái ngược, chẳng cân xứng với tuổi tác thực tế. Mái tóc muối tiêu mà phần muối nhiều hơn tiêu, đã được nhuộm màu đen tuyền hoàn hảo, trang phục được chăm chút chu đáo với những hàng hiệu nổi tiếng, như phần nào che được nét khắc nghiệt của thời gian đã hằn trên tôi.
Không diện vào cho trẻ, làm sao dám đi cùng người vợ trẻ mới rước từ Việt Nam sang. Tình yêu quả không biên giới, không phân biệt tuổi tác, nó khiến bao hormone trong thân thể già cỗi của tôi bừng bừng trào dâng mãnh liệt, đam mê, như người đang đi trong đường hầm chợt nhìn thấy ánh sáng le lói tận nơi xa thẳm.
Cảm giác say sưa bên người vợ trẻ, mãnh liệt đến nỗi, nó khiến tôi quên đi những câu nói kháy của thiên hạ. Chẳng hạn Già rồi còn đánh trống bỏi, hay tàn nhẫn hơn Thằng cha già không nên nết, lấy con nhỏ thua cả tuổi con gái nữa...
Tận trong thâm tâm, tôi vẫn biết những lời phê bình này có lý, nhưng hơi sức đâu để ý! Thói đời này Trâu buộc ghét Trâu ăn mà lị.
Lấy vợ trẻ có nhiều cái lợi, bên cạnh nàng lúc nào ta cũng thấy sự tươi mát, như sống lại thời trai trẻ hồn nhiên ngày nào. Nhất là lúc nàng nhõng nhẽo nhún nhảy nói câu Em hổng chịu đâu!
Hay những lúc nàng nũng nịu dụi đầu vào ngực tôi bày tỏ những ước mơ thật nhỏ bé của nàng như được có chung với tôi một đứa con, được cùng tôi đi du lịch năm châu bốn bể, có một số vốn đứng riêng tên nàng để đề phòng khi tôi không còn hiện hữu để che chở cho nàng, được giúp đỡ gia đình nàng còn ở Việt Nam, đón cha mẹ già, anh chị em sang du lịch tại thiên đường Đức quốc, mà tôi chính là người diễm phúc được sinh ra để chiều chuộng và thực hiện mơ ước của nàng. Tôi vĩ đại làm sao!
Trong vòng tay nàng tôi là người cao cả, trong ân ái nàng luôn nhắc nhở về những ước mơ của nàng, và cứ thế tôi đã trút sạch hầu bao để chiều nàng, trái hẳn với bản tính kẹo mạch nha cố hữu của tôi.
Cụ Tố Như có câu ví von: Bòn nơi kẻ chợ, đãi nơi quần hồng.
Chắc các bạn cũng biết, đây không phải là lần đầu tiên tôi lấy vợ, ít nhất đã hai lần sang ngang, hai lần ván đã đóng thuyền, thế mà….
Tôi xin đi ngược lại dòng thời gian.
Khoảng hơn ba chục năm, ngày tôi bước chân sang xứ Đức mến yêu, những năm đầu của thập niên 70, khi cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ ở Việt Nam bùng nổ, Bố Mẹ tôi trút hết số tiền dành dụm để họ khi đau ốm cho tôi đi du học.
Gia đình tôi đông con, Mẹ tôi chỉ biết chăm lo bữa cơm, giấc ngủ của chồng con, Bố tôi là người hiền lành, tốt tính, ông tin tưởng tuyệt đối vào người vợ nội tướng của mình, đã mỉm cười đồng ý khi Mẹ tôi muốn gửi tôi đi du học để sau này sẽ trở thành kỹ sư hay bác sĩ, vừa trốn lính an toàn.
Trong thâm tâm tôi biết tất cả vốn liếng gia đình đã đặt vào tôi, các em tôi sẽ phải chịu thiệt thòi vì khoản tiền gửi cho tôi mỗi tháng đã ngốn phần lớn vào đồng lương cố định của Bố tôi. Tôi tự nhủ sẽ học thật nhanh, gửi tiền về giúp đỡ Bố Mẹ và các em.
Thời ấy trai trẻ kéo nhau ùn ùn sang Đức, toàn là những mầm non quý giá của đất nước. Trong khi ấy, con gái sang Đức là loại hàng xa xỉ phẩm, hiếm hoi, cỡ đẹp trai hiền lành như tôi còn không dám mơ tưởng chi nhiều.
Tôi nhớ thời kỳ học Cò-Lết, bọn con trai chúng tôi ở chung trong cư xá sinh viên chỉ toàn đực rựa. Thèm thấy hình ảnh một mái tóc thề, một giọng nói dịu dàng khác phái. Thằng bạn thân đi đâu về phao tin: Tụi bay ơi! Ngày mai ra phi trường đón em Huỳnh Thanh Thảo mới qua. Cả bọn nhao nhao đòi đi xem người đẹp. Nhưng hỡi ôi! Thanh Thảo lại là một chàng thanh niên.
Mặc dù thuộc lòng câu: Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Nhưng ao nhà ở mãi tận nửa vòng trái đất, giải phóng về chận hết nẻo đường về quê. Chẳng nhẽ chờ mãi cho thiu người, tôi đành tắm ao người, cưới cô bạn Đức xinh đẹp và cũng từ đó tôi đắm đuối mê man trong ao người. Những dự định với Bố Mẹ và các em từ ngày ra đi đã lùi vào bộ nhớ.
Tôi cảm thấy đã đến bến bờ bình yên bên người vợ da trắng, mỹ miều, trong sự bao bọc an toàn của nước Đức. Với nàng tôi không còn khó khăn về giấy tờ định cư, tôi khao khát hội nhập vào đời sống gia đình nàng như một người đi trong sa mạc thèm ngụm nước mát. Tôi cung kính cha mẹ nàng, nâng niu nàng như một vật quý. Nàng vừa là người tình vừa là người ân của tôi. Nàng tuyệt diệu làm sao.
Bố Mẹ tôi và đàn em dại như một bức ảnh chụp đã lâu, từ từ biến mất trong cuộc sống ấm áp, ngọt ngào với nàng.
Từ ngày có vợ, tôi quyết học cho xong bằng Kỹ Sư Cơ Khí. Thời ấy ai cũng bị mê hoặc bởi nhãn hiệu „made in Germany" nên đa số đều học về kỹ thuật.
Cuộc đời cứ thế êm trôi, ông Kỹ Sư sáng lái xe đi, tối lái về. Rồi tôi được làm bố, trai gái đề huề, nhà mới xây xong, tuy không được bên suối, nhưng cũng róc rách nước bên cái ao xinh xinh trong vườn, bao bọc những cụm hoa xinh đẹp.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấm thoát đã gần ba chục năm trên xứ người, các con tôi đã trưởng thành, chúng bỏ đi xây tổ ấm như tôi đã bỏ Bố Mẹ tôi. Có khác chăng khi tôi ra đi, mang theo vốn liếng gia đình và kỳ vọng của bố mẹ mà tôi đã không để tâm đáp ứng.
Các con tôi ra đi để lại ngôi nhà rộng thênh thang cho hai ông bà già với hai nền văn hóa khác nhau. Lúc này chúng tôi mới cảm nhận Đông Tây xa nhau vời vợi. Với nàng tôi vẫn là người khách vãng lai trong nếp sống ở đây, với tôi niềm mong ước được một lần đưa nàng và các con về quê hương gặp lại Bố Mẹ, gia đình vẫn chưa thực hiện được. Tôi và nàng thật gần nhau và cũng thật xa nhau.
Có lẽ chúng tôi đã Đồng Sàng Dị Mộng.
Có phải tôi quá nhạy cảm chăng? Chỉ điểm ăn uống thôi, cũng đủ làm nỗi buồn của tôi lên đến Sầu Vạn Cổ. Ngày nào đi làm về mệt nhọc, thèm bát cơm nóng, tô canh chua thơm ngọt, như ngày nào mẹ vẫn dọn sẵn ra.
Nhưng than ơi! Trên bàn chỉ vài lát bánh mì đen, nằm khô khan bên những khoanh thịt nguội, xen vào mấy miếng dưa leo, cà chua thái mỏng.
Xét về chất bổ dưỡng, quả thật những món trên đã làm cho dân Đức trở thành những Anh Hùng Lao Động. Nhưng thú thật với dân Mít như tôi, lúc đẻ ra bà mụ lỡ tay đánh rơi vào thùng Nước Mắm rồi thì khó mà nuốt nổi ngày này qua tháng khác.
Tình trạng này cứ tiếp diễn đều đều, hết năm này qua tháng nọ. Vợ tôi viện cớ, theo phong tục ông bà để lại, buổi tối chỉ ăn đồ nguội, cái bếp phải nghỉ ngơi. Anh không nhớ câu: Abendbrot hay sao?
Thế là tôi á khẩu, phải tự lực cánh sinh tìm con đường sống. Sau những buổi tan sở, tôi đến thẳng các tiệm thực phẩm Á Châu, tìm cho ra các món cần thiết để trổ tài nội trợ. Lâu ngày tôi trở thành ông đầu bếp giỏi, từ hiền thê cho đến các cậu ấm cô chiêu đều ngồi xem TiVi, chờ bố đi làm về nấu cơm cho ăn.
Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy sót xa cho thân phận mình, hình ảnh bố tôi ngày nào chợt hiện lên trong trí nhớ. Mẹ tôi chỉ cần sơ sẩy để nhiều hay ít nước trong nồi cơm là được ngay một bài văn tế của ông. Hôm nào cho ăn thịt gà, ông đòi ăn cá. Bắt ăn rau ông sợ xanh ruột. Ông xoay bà cụ như chong chóng, kiểu Chồng Chúa Vợ Tôi, thế mà mẹ tôi vẫn một điều vâng dạ.
Thôi cứ xem như thế hệ cũ đã qua rồi, thời đại này làm gì có cảnh đó nữa. Nhưng nhìn lại chung quanh bạn bè lấy vợ ta, ít ra trong nhà cũng được một bữa Cơm Dẻo Canh Ngọt, chứ đâu phải ai oán như tôi. Đã nấu cho nó ăn, nồi phở húp sùm sụp, thế mà khi cho nước mắm vào nó chê thối inh nhà.
Qua vấn đề ăn uống, bước sang lãnh vực văn hóa, nàng thường có nhu cầu đi xem hát Oper hay Theater, giống như dân ta ghiền cải lương.
Lúc đầu tôi cũng chiều vợ, diện đồ vía theo nàng, bấm bụng mua vé cắt cổ vào xem với nàng. Đến hồi hai tôi mệt quá, phần buồn ngủ, phần chẳng hiểu ất giáp gì tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Nàng mắc cỡ với vợ chồng ông bà ngồi bên cạnh, sợ họ chê mình lấy phải người chồng thuộc giống dân nhược tiểu, không biết văn hóa là gì.
Mặt khác nàng vùi dập văn hóa của tôi, mỗi lần tôi thắp hương lên bàn thờ ông bà, nàng ho sặc sụa chê hôi rồi đổ riệt cho tôi cái tội mê tín.
Nhiều lần nàng hạ tôi sát ván, về tội phát âm sai tiếng Đức, thế hệ dở dang như tôi cho dù ở Đức mãn kiếp, cũng không thể nói tiếng địa phương như nàng.
Tự ái dân tộc của tôi nổi lên đùng đùng, cùng với nỗi buồn cay đắng khi nghe giọng cười khinh mạn của nàng. Gái đất Việt bốn ngàn năm văn hiến đâu cười trơ trẽn như nàng.
Xoay qua vấn đề giáo dục con cái, vì đã Có Nếp Có Tẻ đầy đủ, nên cuộc diện càng thêm phần phong phú. Nhờ thừa hưởng truyền thống ông bà để lại, tôi nghiệm câu: Hy sinh đời cha, để củng cố đời con.
Cậu con trai duy nhất của tôi, cháu nội đích tôn của cụ Tham ngày xưa, phải theo dấu chân bố, ít nhất cũng phải tốt nghiệp Đại Học.
Không! Đằng này nàng thản nhiên để tự do chọn lựa, cho con học nghề cho mau, kiếm tiền cho lẹ. Ở xứ Đức này sợ gì chết đói, chỉ giống dân nhược tiểu như ông mới lo sợ viển vông.
Con trai tôi được đà cười mũi, nói tiếng Đức như bố còn nuôi được gia đình chứ con là người Đức thì lo gì?
Tôi lặng người. Nếu nàng biết được mười năm sau có luật Hart IV, sẽ thay đổi tư tưởng ngay.
Con gái tôi mới nứt mắt ra, nàng đã dẫn đi bác sĩ kiếm thuốc ngừa thai. Tôi phản đối kịch liệt, cho rằng hành động trên chỉ có tính cách Nối Giáo Cho Giặc, xúi trẻ thơ làm càn. Nàng kinh ngạc nhìn tôi như một vật thể xa lạ. Nàng cho tôi là tín đồ cuồng tín.
Ban ngày chuyện sở chuyện nhà cứ rối tinh, tôi chưa bị Nhồi máu cơ tim là may.
Tối lên giường, nhìn tấm thân bồ tượng của nàng mà thở dài ngao ngán. Ước gì kiếp sau xin chớ làm người, làm cục đá đứng giữa trời, để lúc nào cũng cứng cho nàng thỏa mãn.
Chúng tôi như hai con đường sắt, song song không thể đồng quy, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau tại một sân ga nào đó, nhưng sau đó lại tiếp tục song song. Cuối cùng chúng tôi chịu đồng quy tại một điểm là ký giấy ly dị. Như thế tôi và nàng đã cùng một chí hướng.
Tôi phải nói thêm không các bạn lại chê tôi thuộc loại Thấy Lê Quên Lựu, Thấy Trăng Quên Đèn. Muốn tìm người vợ Việt khác.
Không, nàng đề nghị ly dị trước, với lý do thật đơn giản là Keine Lust mit Dir! Tiếng Việt tạm dịch: Ngấy anh đến tận cần cổ!
Còn ra thể thống gì nữa. Đường đường là một trang Nam Nhi, đầu đội nón Nike, chân đạp đất, trên răng dưới dzế... há chịu để cho một con đàn bà nó leo đầu leo cổ như vậy sao. Tôi bằng lòng ký giấy cả hai tay, của cải muốn khuân đi đâu tùy ý, miễn sao đừng để tôi thấy mặt.
Để trả giá cho sự tự do, tôi phải mua bằng tiền bạc. Lương Kỹ Sư của tôi bị Luật Sư cắt ngang một mảng chia cho bà vợ Dị Chủng. Đến sổ lương hưu cũng bị chia đôi từng điểm. Ngôi nhà bên suối cũng phải chia đôi, tôi muốn giữ lại để có chỗ trú thân, đành mượn tiền nhà băng trao trả cho nàng. Đoạn trường này ai có qua cầu mới hay. Một lần chia tay là một lần tay trắng.
Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà nghiệp báo.
Tôi ở trong tình trạng dở sống dở chết mất một thời gian. Quả thật các cụ nói đúng: Thời gian là liều thuốc tiên. Thời gian hàn gắn mọi vết thương.
Khi cái lỗ hổng thiếu sót trong người tôi càng lớn, tôi càng tìm cách trở về nguồn, liên lạc với cộng đồng người Việt nhiều hơn.
Bước ngoặc lớn trong đời tôi đã diễn ra như thế nào, mời các bạn đọc tiếp phần 2 của câu chuyện Ảo Ảnh Đời Tui.
Hoa Lan