User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Một phần ba các cuộc hôn nhân tại Úc là hôn nhân lần thứ hai, khi người trong cuộc đã đi thêm bước nữa. Con số này cho thấy sự phổ biến của việc tái hôn trong đời sống gia đình của người Úc. Làm sao cha mẹ tìm được sự cảm thông, chấp nhận của con cái, đồng thời tránh được những tranh cãi, nói xấu nhau, tranh giành tình cảm của con?

Khi cha hay mẹ quyết định tìm hiểu một mối quan hệ mới hậu ly hôn, việc trao đổi và nhận được sự đồng cảm của con cái vô cùng quan trọng.

Sau biến cố hôn nhân, nhiều người chọn sống một mình nuôi con vì không muốn xáo trộn cuộc sống của con. Một số may mắn có cơ hội thứ hai tìm lại hạnh phúc nhưng cảm thấy thật khó xử khi phải “đặt vấn đề” với con.

Đặc biệt khi người Việt chúng ta dù sống ở phương Tây, nhưng quan điểm Á Đông vẫn còn rất rõ nét. Trách nhiệm làm cha làm mẹ gần như không có điểm dừng. Chúng ta thường chăm lo và trăn trở về hạnh phúc của con cho đến khi con cái trưởng thành, an bề gia thất, mà quên đi hạnh phúc riêng của mình.

Đặt con cái lên trước hạnh phúc cá nhân

Với chị Quyên Lê, một người mẹ đơn thân có hai cậu con trai đã trưởng thành đang sống tại Sydney, quá trình ly hôn và tìm kiếm hạnh phúc mới của chị không dễ dàng.

“Cha mẹ tôi đã sống với nhau rất lâu, đến nay ông bà đã ngoài 70 tuổi. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, tôi đã nhiều lần thắc mắc, tại sao bất đồng như vậy nhưng cha mẹ không bao giờ chia tay. Thế hệ cha mẹ của chúng ta sống cả một cuộc đời hy sinh cho con cái, dù không hợp nhau cũng chẳng nghĩ đến chuyện chia tay.

Thế nhưng thế hệ của chúng tôi và những người trẻ hơn, những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng dễ dàng dẫn đến chuyện hết duyên nợ và ly hôn. Nhiều người chia tay nhau, quay trở lại với nhau một thời gian vì con cái hoặc không thể tiếp tục.

Tôi và ông xã chia tay. Chúng tôi cùng ngồi xuống và thống nhất bỏ qua hết những giận giữ và khác biệt của người lớn, đặt hai con trai chung của mình lên hàng đầu để các con hiểu được dù cha mẹ không sống chung nữa nhưng hai con vẫn nhận được tình cảm từ cả hai phía”, chị Quyên Lê nói với SBS.

Chuẩn bị cho các con những thay đổi và cú sốc trong cuộc sống

“Hai vợ chồng tôi sống ở Úc, nên khi chia tay phải bảo đảm một số tiến trình theo quy định của luật pháp. Chúng tôi trải qua thời gian 6 tháng đến một năm ở riêng. Chồng tôi dọn ra khỏi nhà và ở gần nơi làm việc.

Tôi không đề cập đến việc hai vợ chồng đã chia tay với các con, mà chỉ nói ba sẽ ra ở riêng để tiện cho công việc”, chị Quyên chia sẻ.

Theo chị Quyên Lê, nếu như cách hành xử của mình không khéo léo thì dễ dẫn con vào con đường xấu. Nhiều thanh niên trong các gia đình Việt Nam tại Úc rơi vào con đường hút chích, nghiện ngập khi cha mẹ tan vỡ, rồi sau đó cha mẹ đổ thừa lẫn nhau.

“Sau thời gian sống riêng một năm, tôi quyết định chia sẻ quyết định của mình với các con. Các con tôi đã lớn, nên dù cha mẹ không nói ra, nhưng chúng hiểu được rằng tình cảm cha mẹ không còn như xưa.

Con trai nhỏ của tôi lúc đó 10 tuổi, con trai lớn 13 tuổi. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi và vô cùng xúc động khi con trai nhỏ của tôi khóc rất lớn trong nhà tắm sau khi nghe chia sẻ của mẹ, con trai lớn thì vỗ về và động viên em”, chị Quyên nhớ lại.

Nước mắt đôi khi là hóa giải của nỗi đau và người ta cần nó trong bi kịch.

“Tôi để bé khóc, vì sau khi khóc, con sẽ cảm thấy đỡ hơn”.

Hành xử văn minh và bao dung

Một điều chúng ta thường thấy là cha mẹ phương Tây khi chia tay có cách hành xử rất văn minh. Họ tôn trọng đời sống riêng tư của nhau và vẫn dành thời gian tham gia vào các sinh hoạt cùng con. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều cha mẹ Việt khi chia tay thì nói xấu nhau với con, tranh giành tình cảm của con cái.

"Tôi chứng kiến rất nhiều người nhất là Châu Á chia tay, dùng con cái để gây áp lực cho nhau, làm ảnh hưởng đến việc học hành và tâm lý của các con. Việc con ghét bỏ cha hay mẹ của chúng đều khiến các con trở thành những đứa trẻ không tốt, bất mãn với cuộc sống."

Hãy bỏ qua tự ái cá nhân, nghĩ cho con và tâm sự cho con hiểu tuy ba mẹ có bạn đời mới hay lập gia đình mới, chúng ta vẫn yêu thương và sẽ luôn bên cạnh các con lúc cần thiết nhất.

Tôi vẫn còn nhớ trong buổi lễ tốt nghiệp của cậu con trai tôi khi trúng tuyển vào ngôi trường Sydney Boy, tôi và chồng đều có mặt để chúc mừng và chia vui cùng con. Ngày hôm đó có một gia đình người Việt ngồi cạnh chúng tôi, họ không hề biết chúng tôi đã chia tay nhau. Mãi sau này khi tôi chia sẻ, họ vẫn rất bất ngờ…”

boquatuai

Hãy bỏ qua tự ái cá nhân, nghĩ cho con và tâm sự cho con hiểu tuy ba mẹ có bạn đời mới hay lập gia đình mới, chúng ta vẫn yêu thương và sẽ luôn bên cạnh các con. Source: Getty Images

Không ai muốn mắc sai lầm lần thứ hai

“Sau khi ly hôn, ông xã cũ của tôi lập gia đình và có một bé gái rất dễ thương. Vì gia đình tôi không có con gái nên thương bé như con trong gia đình. Các con trai và cả nhà tôi ai cũng yêu thương bé.

Chồng cũ của tôi thường xuyên đưa các con đi chơi và giới thiệu gia đình mới của mình với hai con trai.

Riêng tôi có bạn trai nhưng không giới thiệu cho gia đình đến khi thật sự yêu thương nhau. Tôi nhận ra sau tan vỡ, phụ nữ thường cảm thấy khó khăn và cẩn trọng hơn rất nhiều. Các con trai của tôi không vui với những thay đổi mới, nhưng không tỏ vẻ phàn nàn, vì con trai thường ít nói và bày tỏ.

Chị Quyên chia sẻ không ai muốn sai phạm nhiều lần trong hôn nhân.

“Khi phụ nữ kết hôn và có con với người bạn đời mới, tôi e rằng mình sẽ không có thời gian chăm lo cho các con được như trước. Với tôi, hai con trai và cha mẹ luôn là ưu tiên số một tron cuộc đời này.

"Nếu chưa chắc chắn về người bạn đời của mình, không nên giới thiệu cho con cái, vì có thể làm ảnh hưởng đến chúng. Phải nói rõ cho đối phương biết mình có con và trách nhiệm với con là trên hết cho đến khi chúng trưởng thành."

Hãy tìm một người bạn

Cha mẹ nên làm gì để nhận được sự ủng hộ và cảm thông của con cái khi tiến đến một mối quan hệ mới?

Nhiều người e ngại hôn nhân mới ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của con, sợ con sẽ chịu nhiều thiệt thòi hay cảm thấy tủi thân với tình cảnh: con anh, con em và con chúng ta.

Họ chấp nhận gạt bỏ hạnh phúc được yêu thương, chia sẻ, gạt bỏ quyền được tận hưởng những cung bậc cảm xúc tình yêu trong những năm tháng thanh xuân đẹp nhất.

Chị Quyên Lê cho rằng không ai ngăn cản khi chúng ta tìm kiếm những người bạn mới hậu ly hôn. Tuy nhiên để họ có thể bước vào gia đình của mình và nhận được sự chấp thuận của con cái cần thời gian.

“Chúng ta không muốn cứ vài bữa thì lại giới thiệu một người mới với con của mình. Riêng tôi thì có bạn trai, nhưng tôi hy sinh và không nghĩ chuyện lập gia đình và có con nữa. Tôi cảm thấy hài lòng với hai cậu con trai ngoan ngoãn và thành đạt”.

Vượt qua định kiến của xã hội

Cũng có nhiều người không dám theo đuổi mong muốn của bản thân vì e ngại bà con hàng xóm sẽ dị nghị, lo sợ định kiến của xã hội sẽ đánh giá việc tái hôn của mình là không phù hợp với tuổi tác, là ích kỷ, không thương con. Vượt qua những mặc cảm này để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc cho con là điều rất quan trọng.

“Cuộc sống là do mình quyết định, con cái lớn lên hiểu biết sẽ mong cha mẹ chúng hạnh phúc. Người Việt mình thường quan trọng sỹ diện và mất mặt nên lo sợ hàng xóm, bà con nghĩ về mình. Đó cũng là lý do họ sống trong đau khổ và không muốn bộc lộ tình cảm của mình cho người khác biết. Cho dù có người yêu nhưng kín đáo và không dám thổ lộ với ai, từ đó sinh bệnh trầm cảm vì cứ lo sợ người khác nghĩ về mình.”

 

Bích Ngọc

Nguồn: https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/audio/nuoi-con-o-uc-cha-me-muon-di-them-buoc-nua