(Hình minh họa: Getty Images)
Trước khi quen vợ tôi, tôi có hẹn hò với một cô gái khác. Nàng là giảng viên khoa Tâm Lý của trường Đại Học Sư Phạm. Nàng có vóc người nhỏ nhắn, mái tóc cắt ngắn, gương mặt trẻ thơ và đôi môi như đang ngậm một nụ cười. Không sao có thể tưởng tượng được nàng có thể đứng trên bục giảng của một trường đại học! Muốn làm giảng viên, gương mặt cũng phải hơi ngầu ngầu một chút chứ – tôi nghĩ. Tôi đùa với nàng: “Em mà đứng trên bục giảng, có lẽ học trò sẽ trêu ghẹo em!” Nàng bật cười: “Ba me em cũng nói y như vậy. Nhưng ngược lại với ý anh nghĩ, đứng trên bục giảng em rất nghiêm trang. Học trò không đứa nào dám đùa, sợ em một phép anh nhé!” Quả thật là chớ có trông mặt mà bắt hình dong! Nàng là bé hạt tiêu – tôi nhủ thầm.
Thuở ban đầu làm quen với phụ nữ, tôi hoàn toàn không biết mình sẽ dẫn giai nhân đi quán nào, phải hỏi bạn bè. Nhưng khi quen nàng, tôi đã là tay lão luyện trong nghề. Cáo phải gọi tôi bằng cụ! Nàng muốn ăn bò bảy món, tôi dẫn đi Au Pagolac hay Hỏa Diệm Sơn. Nàng muốn ăn cua, chúng tôi qua quận 8. Bên đó có một chỗ chuyên bán cua hoàng đế, ăn ngon bá phát! Nàng muốn ăn cháo gà thì tôi đưa nàng ra Ngô Gia Tự. Nàng muốn thử thịt rừng, chúng tôi lên Phú Nhuận. Gần Thiền Viện Vạn Hạnh có một chỗ bán thịt rừng ngon đáo để. Nàng muốn ăn bánh tráng phơi sương thì có ngay quán Hoàng Ty trên Thủ Đức. Nàng muốn đổi qua món lạ thì tôi dẫn nàng đi trại Cá Sấu Hoa Cà. Ở đó có cá sấu bảy món. Thịt cá sấu ăn ngon như thị gà! Muốn giải trí thanh tao thì đi Cà Phê Sỏi Đá hay Đồng Dao. Muốn thủ thỉ tâm sự vừa đi vừa nói chuyện thì vào Thảo Cầm Viên hay Dinh Độc Lập! Nói chung “nghề dạy nghề,” phần mấy đứa bạn dày dạn kinh nghiệm chỉ vẽ, phần chính các cô dạy lại cho tôi, có cô chỉ quán chả cá Lã Vọng, có cô chỉ quán bánh bèo lộ thiên trên đường Nguyễn Du, có cô chỉ món cháo vịt Thanh Đa… Tôi cứ lấy kho kinh nghiệm ấy mà “phụng bồi” cho nàng!
Nàng người Huế, rất tinh tế về ẩm thực. Nàng có thể giải thích những câu hỏi khó về chuyện này, ví dụ như khi ăn món Huế, tại sao người ta lại dùng ớt xanh chứ không phải là ớt đỏ. Nhìn vào thớ thịt và lớp mỡ, nàng có thể giải thích con vật này là cái hay đực, già hay non. Không chỉ ẩm thực, nàng còn rành nhiều lãnh vực khác. Nói theo ngôn ngữ kỹ sư, băng thông của nàng là vô cùng lớn. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời từ văn chương, triết học cho đến tâm lý học là ngành của nàng, dĩ nhiên. Điều làm tôi ngạc nhiên là nàng khá giỏi toán. Có một lần tôi hỏi đùa nàng: “Đố em chứ 2 lũy thừa 3 cộng với 3 lũy thừa 2 là bao nhiêu?” Nàng nhoẻn miệng cười: “Em không biết nó bằng bao nhiêu nhưng em biết nó là số nguyên tố thứ bảy!” Hóa ra hồi cấp 3, nàng học chuyên toán Quốc Học Huế! Tôi thì học chuyên toán Lê Hồng Phong, cùng nòi chuyên toán cả! Càng quen lâu, tôi càng khám phá ra nàng và tôi có nhiều điểm tương đồng. Chiều Thứ Bảy, nàng hay ra nhà sách Ngoại Văn ở Đồng Khởi mua sách. Tôi cũng vậy. Nàng hay ghé Thiền Viện Vạn Hạnh để tìm nơi yên tĩnh soạn bài. Tôi cũng hay ra Thiền Viện Vạn Hạnh chuyện trò với thầy Tâm Đức và vấn an hòa thượng Minh Châu. Tôi nhớ hoài sáng Xuân năm ấy. Nàng và tôi đến Thiền Viện Vạn Hạnh chúc Tết Hòa Thượng Minh Châu. Chúng tôi bước đi trong sân chùa. Mưa bay lất phất, không đủ ướt áo, nhưng đủ làm cho mình cảm thấy lành lạnh và muốn viết mấy câu thơ. Cái cảm giác đi trong mưa bên hiên chùa Vạn Hạnh cạnh một giai nhân là một cảm giác lạ lắm và rất khó quên…
Một hôm nàng nhờ tôi đến nhà sửa giùm nàng chiếc máy tính bị hư (chả là tôi khoe mình là kỹ sư máy tính). Tôi đến nhà nàng. Từ Huế vào Sài Gòn làm việc, nàng thuê cả lầu một của một gia đình người Bắc di cư. Khi ngồi vào máy tính của nàng, tôi thấy nó có hư gì đâu: các phần mềm OK, hệ điều hành OK, bàn phím, con chuột đều hoạt động bình thường. Nàng ngồi kế bên tôi, má ửng hồng. Trong phòng vắng vẻ, chỉ có tôi và nàng. Đột nhiên tôi hiểu ra tình yêu của nàng…
Lúc đó tôi nghĩ đã đến lúc phải ngỏ lời với nàng. Nhưng rồi như có một thế lực vô hình nào đó dẫn dắt và ngăn cản, tôi cứ lần lữa mãi… Có một lần, khi ngồi ăn bánh bèo Huế trên đường Nguyễn Du, nàng như vô tình buột miệng bảo rằng có một anh kỹ sư là Việt kiều ở Úc làm quen với nàng trên mạng và có ý với nàng. Nàng nói như câu chuyện thoáng qua vậy thôi…
Tôi ngồi tại chiếc bàn đá trước sân. Trên đó có một bàn cờ. Mỗi khi có chuyện gì rối rắm tôi hay ra đây suy nghĩ. Tôi đưa con xe lên tuần hà và đặt cho mình câu hỏi: “Liệu anh việt kiều Úc ấy là có thật hay không? Hay đó chỉ là một ‘chiêu’ của nàng?” Tôi đưa con pháo hai bình năm rồi tự trả lời: “Nàng con nhà gia giáo. Nàng có nhân cách cao quý, không phải hạng gái tầm thường. Chắc nàng không nói dối với mình đâu. Anh Việt kiều ấy là có thật!” Đưa quân mã qua sông, tôi tự hỏi: “Vậy tại sao nàng lại để lộ ra như vậy? Ý của nàng là gì? Có lẽ nàng thấy mình chậm quá nên muốn hối thúc mình chăng?” Tôi đẩy quân mã “áp cửu” thành thế “mã ngọa tào” và tự nghĩ: “Nếu nàng lấy mình thì cuộc đời của nàng cũng chỉ như vậy thôi. Hai vợ chồng là giáo viên, nếu không nghèo mạt rệp thì cũng lay lắt, lay lắt, kéo lê đi cho hết cả cuộc đời. Có những giới hạn mà mình và nàng không sao vượt qua nổi! Nhưng ngược lại, nếu nàng lấy anh Việt kiều, nàng sẽ có cả một chân trời rộng mở. Có khi nàng sẽ học thành tiến sĩ và trở thành chuyên gia đầu ngành. Hãy dành cho nàng một cơ hội!”
Nghĩ vậy, tôi rút lui, lơi dần những cuộc hẹn với nàng. Mọi việc diễn ra đúng như tôi dự đoán. Nàng lấy anh Việt kiều, có ba con, học thành tiến sĩ và làm việc cho một tổ chức của Liên Hiệp Quốc. Khi chia tay với nàng, tôi có một cảm giác đau thương nhè nhẹ, dìu dịu. Nó không đau buốt như tiếng xé lụa khi tôi mất đi mối tình đầu. Nó không u uất nghẹn ngào như khi tôi giã biệt Svetlana. Nó có một chút ngọt ngọt, dịu dịu giống như cái hậu sau khi ta uống một ly sâm banh. Tôi tự nói với mình: “Ít ra mình cũng đã làm được một điều tốt đẹp. Mình đã dành cho người mình yêu một cơ hội để đổi đời!”
Rồi một điều kỳ diệu đã xảy ra, nằm ngoài mọi dự đoán của tôi. Thấy tôi buồn, em gái của tôi giới thiệu cho tôi cô bạn học của mình. Mấy tháng sau, chúng tôi làm đám cưới. Chín tháng sau ngày cưới, chúng tôi có giấy đi Mỹ. Đôi khi tôi có cảm giác rằng khi tôi dành cho nàng một cơ hội thì số phận cũng sẽ dành cho tôi một cơ hội khác!
Giờ đây nàng và tôi ở hai phương trời cách biệt nhau trên quả Ðịa Cầu. Nàng ở Úc còn tôi ở Mỹ. Khi bên tôi là Mùa Đông thì bên nàng là Mùa Hạ. Khi bên tôi là buổi sáng thì bên nàng là buổi tối. Đây là bài thơ tôi gởi tặng nàng 4 năm sau ngày nàng đi Úc:
Cùng nàng đi dạo sân chùa,
Mưa bay lất phất tưởng mùa xuân sang.
Tiếc thay một chuyến đò ngang,
Lỡ đi, lỡ ở, lỡ làng duyên nhau
Bốn năm mới đó mà mau
Nỗi đau cố quận, nỗi sầu cố nhân
Đông Tây vĩnh cách Sâm Thương
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.