User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thangtu 1
 
Năm 2025 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, 50 năm Việt cộng xua quân tấn chiếm miền Nam Việt Nam, đã đưa tôi trở về với ký ức của 50 năm về trước. Ngày 30/4/1975, khoảng 140 ngàn người Việt Tị Nạn[1], trong đó có tôi, đã lênh đênh trên các con tàu buôn mong manh, trên các chiến hạm của Hải Quân VNCH, và Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ để tiến tới vùng biển của Phi Luật Tân. Sau buỗi Lễ Hạ Quốc Kỳ VNCH đầy nước mắt, tên của các chiến hạm Hải Quân VNCH đã được sơn phết để tẩy xóa những vết tích cũ, cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được giương lên, và đoàn tàu đã được cặp bến Subic Bay.
 
Tiếp theo những thủ tục căn bản, chúng tôi mỗi người được cấp phát cho hai bộ quần áo dân sự, được tắm để tẩy sạch bụi trần của cuộc hải trình gian khổ gần 10 ngày từ Vũng Tàu tới Subic Bay. Sau đó, chúng tôi được chuyển lên một thương thuyền để tới đảo Guam. Ở Guam, những căn lều vải, trạm xá, nhà ăn, văn phòng làm việc đã được công binh Hoa Kỳ dựng lên để đón tiếp nhóm người tị nạn. Hàng ngày chúng tôi đứng xếp hàng để lãnh đồ ăn sáng, trưa, tối. Những cơ quan thiện nguyện cũng đã vào trại để giúp đỡ người tị nạn trong nhiều lãnh vực khác nhau. Ở Guam khoảng một tháng, tôi được chuyển qua trại tị nạn Indiantown Gap, Pennsylvania, và sau đó được nhà thờ St. Luke tại thành phố McLean, tiểu bang Virginia bảo lãnh vào ngày 1 tháng 7 năm 1975.
 
Liên tiếp từ 1975-1996, hàng triệu người Việt đã vượt biên, vượt biển tới các trại tị nạn vùng Đông Nam Á. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên biển cả và tại biên giới Thái Lan, Cam Bốt. Theo ước tính có gần nửa triệu người tị nạn đã đến trại tị nạn Palawan (Philippine First Asylum Center)[2] và trại chuyển tiếp Bataan (Philippine Refugees Processing Center)[3] trong giai  đoạn đau thương  ấy.
 
Năm 1996, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tuyên bố chấm dứt tài trợ cho Chương Trình Tị Nạn Đông Dương. Các nước trong vùng Đông Nam Á bắt đầu áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương, chỉ riêng Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất cho phép người Việt Tị Nạn ở lại, do ảnh hưởng  của Thiên Chúa Giáo tại xứ sở này.[4]
 
Vào tháng 10 năm 2009, khoảng 2500 người Việt cuối cùng sống trên đất Phi trong nhiều năm trời đã được chính phủ Canada đón nhận qua chương trình Freedom At Last[5], do sự tranh đấu của tổ chức VOICE[6] và cộng đồng người Việt hải ngoại.
 
Ngày 30/6/1975, ban quản trị của khu 6, trại tị nạn Ft. Indiantown Gap, tại tiểu bang Pennsylvania gọi tôi lên văn phòng, và cho biết tôi đã được nhà thờ St. Luke tại tiểu bang Virginia bảo trợ. Họ trao cho tôi  một vé xe bus và một phong bì do Red Cross tặng, rồi yêu cầu tôi về thu xếp hành lý để sáng mai lên văn phòng lúc 9 giờ sáng. Tại đây, sẽ có người chở tôi ra bến xe Bus đi Washington, D.C, và đại diện nhà thờ sẽ đón tôi ở đó.
 
Tôi bước vội về barrack thông báo cùng bạn bè. Ai ai cũng mừng cho tôi, và lo cho thân phận mình, vì trong cảnh tranh tối tranh sáng của cuộc đời, không biết ngày mai sẽ ra sao? Tối hôm đó, một buổi văn nghệ bỏ túi đã được bạn bè tổ chức để tiễn tôi đi, có sự hiện diện của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, Hoàng Quốc Bảo, thi sĩ Du Tử Lê, và một số bạn văn nghệ. Chúng tôi uống trà, cà phê, và ca hát tới gần nửa đêm mới “vãn tuồng”. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu nơi xứ lạ quê  người? Gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam bây giờ như thế nào? Việt cộng sẽ làm gì những người miền Nam thua cuộc? Cái cảm giác đau đớn của kẻ thất trận và nỗi niềm chia ly làm tôi ray rứt.
 
Sáng hôm sau, ngày Mùng 1 tháng 7 năm 1975, tôi dậy từ hồi 6 giờ sáng, thu xếp hành lý, bao gồm vài bộ quần áo do trại tị nạn phân phát cho, những giấy tờ quan trọng, vé xe bus, và phong bì đựng 5 Dollars do Red Cross tặng. Loay hoay pha ly cà phê buổi sáng, bước ra sau barrack, châm điếu thuốc, ngồi tư lự, lòng nửa vui nửa buồn. Vui vì không còn bị gò bó trong trại tị nạn; buồn vì sắp sửa phải xa bạn bè. Một số bạn đã cùng đi với tôi từ Guam qua Indiantown Gap, một số khác, tôi tình cờ gặp lại trong trại tị nạn này.
 
Đúng 8 giờ sáng, bằng hữu đã tụ tập tại barrack của tôi, trong số đó có vài bóng hồng. Tôi ghi vội số phone của người quen, trao cho bạn bè. Hy vọng khi ra khỏi trại, họ sẽ liên lạc, và chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Chúng tôi bịn rịn chia tay, những cái bắt tay siết chặt, những lời chúc may mắn; các cô nghẹn ngào xúc động, nước mắt lưng tròng.
 
Sau đó, cả nhóm đi cùng tôi lên văn phòng quản trị trại. Tại đây, lại những lời ly biệt, chúc tụng, và những giọt nước mắt. Tôi nhìn từng người bạn, cố thu trọn hình ảnh họ vào tâm khảm. Miệng tôi cười như… mếu. Xe từ từ chuyển bánh. Tôi quay lại nhìn các bạn lần cuối. Indiantown Gap xa dần, nhạt nhòa, và… mất hút.
 
Bà Nancy Urbanczyk và bà Elise Siebentritt, đại diện nhà thờ St. Luke Catholic Church, đón tôi tại bến xe bus Greyhound, Washington, D.C. Bà Elise cho biết nhà thờ bảo lãnh tôi, và gởi tôi cư ngụ tại nhà bà. Gia đình bà cùng giáo dân của nhà thờ sẽ giúp tôi làm quen với đời sống mới và sẽ hổ trợ tôi tìm kiếm việc làm. Khả năng Anh ngữ của tôi lúc đó thuộc loại ấm ớ, mà hai bà lại nói liên tục để chào mừng và trấn an tôi. Tôi không hiểu nhiều, đành chỉ nhe răng ra cười, những nụ cười rất ngu ngơ.
 
Gia đình Siebentritt cư ngụ tại thành phố McLean, cách thủ đô Hoa Thịnh Đốn 45 phút lái xe. Bà Elise mở cửa đưa tôi vào nhà, giới thiệu mọi nơi trong căn nhà 7 phòng ngủ của họ. Họ dành cho tôi một căn phòng nhỏ đầy đủ tiện nghi với closet chứa quần áo rất rộng, chiếc giường trải khăn đẹp đẽ, và phòng tắm riêng với khăn tắm trắng muốt treo sẵn trong phòng. Thêm vào đó, một bàn viết gọn gàng đặt trước cửa sổ nhìn xuống khu vườn đầy bóng mát và hoa cỏ. 
 
Bà Elise cho biết ông Carl Siebentritt là một cựu chiến binh trong Thế Chiến Thứ Hai, đã góp phần giải phóng Âu Châu khỏi Đức Quốc Xã. Hiện ông là Khoa Học Gia làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Bà Elise là Y Tá, làm việc lâu năm cho một nhà thương trong vùng. Gia đình họ có 6 người con: người con trai trưởng 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trung Học và sắp vào Đại Học tại tiểu bang Massachusetts. Con gái kế, 16 tuổi. Tiếp đó là hai cậu con trai 14, 12, và hai cô con gái út 10, và 3 tuổi.
 
Sau khi giới thiệu về căn nhà và gia đình, bà Elise cho biết trong vài ngày nữa, ngày Mùng 4 tháng 7, sẽ có một buổi họp mặt để  những người trong nhà thờ có dịp gặp tôi.
 
Tôi đóng cửa phòng, đặt chiếc xách tay chứa ba bộ quần áo vào closet. Nằm xoải tay trên chiếc giường nệm êm ấm. Bao ưu tư lo lắng cho số phận tạm lắng xuống, tôi từ từ nhắm mắt tận hưởng giây phút êm đềm, và chìm vào giấc ngủ.
 
Ngày Mùng 4 tháng 7 năm 1975, gia đình ông bà Siebentritt tổ chức buổi liên hoan mừng Lễ Độc Lập, và cũng để giới thiệu tôi với ban quản trị nhà thờ, cùng một số giáo dân và bằng hữu của họ.
 
Từ sáng sớm, mọi người trong gia đình Siebentritt đã sửa soạn nấu nướng, cắt cỏ, tỉa cây, hốt lá, kê bàn ghế ngoài vườn để đón khách. Mới chân ướt chân ráo ra khỏi trại tị nạn được ba ngày, tôi cũng nhào ra góp sức, làm thợ bê, thợ vịn. Khoảng 5 giờ chiều, hơn 100 người đã hiện diện tại khu vườn. Họ mang theo đủ loại thức ăn, bia rượu, trái cây, bánh ngọt. Tay bắt mặt mừng, họ cười nói ỏm tỏi, vui như Tết.
 
Trước khi nhập tiệc, ông Siebentritt nói vài lời phi lộ chào mừng mọi người. Sau đó ông giới thiệu tôi, một nạn nhân của chiến tranh Việt Nam vừa được nhà thờ bảo trợ, tạm cư tại nhà ông. Tôi ngượng ngùng bối rối đứng lên, không biết nói gì, chỉ nở một nụ cười, và cúi đầu chào mọi người. Sau đó, bà Barbara, thay mặt nhà thờ, chào mừng tôi đến được bến bờ tự do. Bà cám ơn gia đình Siebentritt đã cung cấp cho tôi chỗ ở, dưới sự bảo trợ của giáo dân nhà thờ. Bà cho biết ban quản trị nhà thờ đã thu xếp được người lái xe đưa tôi đi học Anh ngữ buổi tối; đã kiếm cho tôi việc làm dọn dẹp, lau chùi tại một vườn trẻ; và cũng có vài người muốn thuê tôi cắt cỏ, tỉa cây cho họ cuối tuần. Ông Bác Sĩ Larry tình nguyện khám bệnh cho tôi miễn phí; bà Nha Sĩ Linda sẵn sàng chữa răng cho tôi; ông Bill sẽ cho tôi mượn chiếc xe đạp để đi làm cho tới khi tôi lấy được bằng lái xe… Sau đó, họ bắt đầu nhập tiệc. Mọi người vui vẻ xếp hàng, lấy đồ ăn, thức uống. Tiếng cười nói vang vọng không ngớt.
 
Tôi ngắm nhìn những sinh hoạt của nhóm người này với lòng tri ân và cảm phục. Họ là những người có trái tim nhân ái, giúp đỡ tha nhân vô vị lợi. Họ làm việc cật lực để có được một đời sống tốt đẹp; sẵn sàng mở lòng giúp đỡ người khốn khó, và thoải mái chấp nhận những dị biệt của người khác chủng tộc. Quốc gia này quả thật đẹp đẽ, thanh bình, phú cường, và đầy tình người.
 
Tôi tự hứa với lòng mình: sẽ làm việc hết sức mình để trả lại công ơn đất nước đã cưu mang tôi; sẽ góp tay xây dựng và bảo vệ đất nước này; sẽ luôn trau dồi kiến thức để thăng tiến trong xã hội. Và sẽ theo gót những ân nhân của tôi, để giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi trong kiếp nhân sinh này.
 
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người”
 
Cũng như những người Việt Tị Nạn của thế hệ thứ nhất khác, tôi đã làm việc miệt mài và trau dồi trí tuệ để tìm cách vươn lên trong miền đất mới. Con đường Old Dominion tại vùng McLean, Virginia, gần Great Falls, 50 năm về trước trông thật đìu hiu, hút gió, đầy đồi cao, dốc sâu. Ngày ngày, có một chàng trai trẻ dong duổi đạp xe đạp lên đồi, xuống dốc để đi làm những công việc tạp nhạp, thỉnh thoảng chàng lại huýt sáo líu lo, hoặc hát những bài hùng ca, quân ca vang trời.
 
Sau 4 tháng, tôi kí cóp để dành được $700. Tháng 11/1975, tôi đã mua chiếc xe hơi đầu tiên giá $450, và bảo hiểm xe $200 một năm. Chiếc xe Volkswagen Beetle, đời 1962 bé nhỏ xinh xinh. Dù hình dáng và nhan sắc em Beetle đã tàn tạ, phai màu theo năm tháng, nhưng đối với tôi, em vẫn đẹp nhất! Tôi say mê và chăm sóc em rất cẩn thận. Tôi đã tự học thay dầu mỡ, bu-gi, bố thắng, và thỉnh thoảng còn hút bụi, đánh bóng để “điểm phấn tô son” cho em có thể "nở với nhân gian một nụ cười".
 
Khi có xe, tôi bắt đầu tìm tòi và ngỏ ý muốn học lớp chuyên viên điện tử tại một công ty huấn nghệ. Nhà thờ đồng ý tiếp tục giúp tôi ở với gia đình Siebentritt cho tới tháng 12/1976 khi tôi tốt nghiệp lớp học này. Tiền học phí, tôi sẽ trả góp khi ra trường. Trong thập niên 1970s ngành điện tử rất thông dụng và dễ kiếm việc ở Mỹ.
 
Cuối năm 1976 cũng là lúc bắt đầu cuộc sống tự lập của tôi trên nước Mỹ. Không thể nào quên được! Sau 20 tháng bỏ nước ra đi, đến một bến bờ xa xôi, hít thở không khí Tự Do và được sống bình an trong vòng tay nhân ái của những người xa lạ, tôi đã đứng vững chãi trên đôi chân của mình. Tôi ra trường và may mắn kiếm được việc ngay với hãng American Electronic Labs. Họ trả tôi $5/giờ mà mức lương tối thiểu lúc bấy giờ chỉ khoảng $2/giờ. Có việc làm, tôi thuê một appartment tại Arlington và dọn ra khỏi nhà ông bà Siebentritt trong tháng 12/1976. Tôi rất quý gia đình ông bà bảo trợ và ông bà cũng thương mến tôi, coi tôi như một người con nuôi của gia đình. Bao năm qua tôi vẫn đều đặn liên lạc thăm viếng gia đình họ. Con cái ông bà cũng đã trưởng thành, còn ông bà thì già theo năm tháng và đều qua đời vào năm 2019.
 
Tưởng cũng nên ghi lại một mẩu chuyện vui khi tôi đi phỏng vấn tại hãng American Electronic Labs. Khi ấy tôi mới quen với nhà tôi, nên đi đâu chúng tôi cũng hay đi với nhau. Hôm được gọi phỏng vấn, tôi vì mới lần đầu tiên đi xin công việc chuyên nghiệp nên quá nhà quê và ấm ớ, đã chở nàng đi cùng. Chúng tôi ngồi chờ ở lobby của hãng. Ông Hiring Manager ra gặp tôi, và ngạc nhiên khi thấy có bóng hồng ngồi cạnh tôi. Tôi vội vàng giới thiệu: Đây là bạn gái của tôi. Nếu ông mướn tôi, cô ta sẽ trở thành vợ tôi. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ: sau khi phỏng vấn, ông ta đã mướn tôi. Và thế là sau đó... tôi có vợ!
 
Tôi bắt đầu vừa làm việc full-time với hãng American Electronic Labs, vừa làm part-time với một hãng Electronic nhỏ gần đấy từ 5 giờ chiều cho tới 9 giờ tối. Một năm sau, ông chủ hãng tôi làm part-time đã giúp tôi khai thuế, và khuyên tôi nên mua nhà để khỏi phải trả nhiều thuế. Tôi nói: tôi là dân tị nạn mới qua Mỹ được hai năm, tôi đâu có tiền để mua nhà! Ông ta nói: tôi sẽ cho cậu mượn tiền down payment. Vậy là ông cho tôi mượn ngay 10 ngàn dollars, số tiền bằng cả một năm lương tôi làm lúc ấy để mua căn nhà đầu tiên tại Springfield, VA.
 
Sang tới năm 1978, tôi vào làm việc cho hãng computer Burroughs Corporation. Tôi xin nghỉ làm part-time, trả hết số tiền nợ ông chủ đã cho mượn, và bắt đầu đi học Đại Học về computer buổi tối và weekends. Thuở ấy, ngành Computer còn phôi thai, chỉ có mainframe và chưa có PC và Microsoft Windows. Năm 1982, Microsoft đã cùng IBM chế tạo ra PC, và Microsoft Windows sau đó. Tôi may mắn làm việc trong ngành computer đúng thời điểm nên cứ thế học hỏi và vươn lên. Tôi đã là một trong những nhân vật chính của nhóm biến đổi máy đánh chữ của Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ qua Office Automation với Word Processing, Email, Telecommunications, Systems và Network. Tôi cũng làm việc 10 năm trong nhóm tiêu chuẩn hóa Systems và Network cho Citigroup, công ty mẹ của Citibank.
 
30/4/2025 đánh dấu 50 năm ngày tôi xa rời Việt Nam lưu vong nơi xứ người, ký ức lại hiện về dạt dào cảm xúc... Nhìn lại cuộc đời sau 50 năm sống tại quê hương thứ hai này, tôi cảm thấy vui vì đã thực hiện được những điều tự hứa với bản thân trong ngày 4 tháng 7 năm 1975, tại buổi tiệc tiếp đón tôi tại nhà ông bà Siebentritt.
 
Lớp người Việt tị nạn đi trước đã hết sức phấn đấu làm việc, học hỏi, và đã đóng góp không nhỏ cho sự hưng thịnh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Họ đã dồn hết nỗ lực để gầy dựng và hướng dẫn con cái; tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai có số vốn kiến thức và khả năng, để cùng tiến bước, sát cánh bên người bản xứ trong mọi lãnh vực.
 
Ngày hôm nay, thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn đã vào tuổi xế chiều; một số lớn đã vĩnh viễn ra đi. Con cháu của người Việt tị nạn nay đã trưởng thành, đang bước những bước vững chắc đi vào giòng chính. Họ đang tiếp nối truyền thống mà cha anh đã miệt mài gầy dựng, và nhận lãnh trách nhiệm xây dựng đất nước, cộng đồng, làm vẻ vang dân tộc Việt.
 
Sáng nay, một buổi sáng mùa Xuân ấm áp, tôi ngồi một mình sau vườn, uống ly cà phê, nhìn ngắm hàng cây lá bung ra xanh mướt, muôn hoa nở rộ, bên tiếng chim hót líu lo. Hồi tưởng lại chặng đường dài trải qua trong suốt 50 năm, những kỷ niệm của ngày xưa tràn về, tôi xin đội ơn Chúa, nước Mỹ, và các ân nhân đã cho tôi cơ hội để học hỏi, thăng tiến, và một cuộc sống đầy đủ, bình an ở tuổi về chiều.
 
Phạm Xuân Thái
(Virginia, tháng 4/2025)
 
[1]The State of The World's Refugees 2000 - Chapter 4
[2]http://www.refugeecamps.net/PalawanCamp.html
[3]http://www.refugeecamps.net/BataanCamp.html
[4]http://www.independent.co.uk/news/world/philippines-to-let-vietnam-refugees-stay-1329233.html
[5]http://www.voanews.com/content/a-13-2008-04-08-voa15-66746692/562384.html
[6]http://www.youtube.com/watch?v=qurLIdSgaHI
Nguồn: https://vietbao.com/p321826a321947/cuoc-doi-50-nam-nho-lai